Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Vùng đất của "Những giai nhân và những anh hùng"

Vùng đất của "Những giai nhân 
và những anh hùng"
Quá trình chuyển mình từ một “Phố núi nghèo” thành một thị xã phát triển sầm uất như hôm nay, An Khê luôn giữ được cốt cách của vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa-lịch sử. Đó chính là nguồn cảm hứng vô tận trong thơ, nhạc, cho những tour du lịch văn hóa trên vùng đất của “Những giai nhân và những anh hùng”.
Vùng trầm tích
Cách đây đúng một thập kỷ, một số nhạc sĩ, thi nhân, trong đó có những người khá nổi tiếng đã có chuyến thực tế sáng tác trên vùng đất An Khê. Trong chuyến hội ngộ ấy (năm 2002), nhạc sĩ nổi danh Trần Tiến đã sáng tác bài “Phố núi” nhanh chóng nổi tiếng và được nhiều người biết đến: “Thung lũng buồn, trong mờ sương/Nhà tôi chênh vênh trên đèo mây/Phố núi nghèo, như bàn tay/Nhà bên kia vẫy nhà bên này…”.
Cửa ngõ vào thị xã An Khê. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhạc sĩ Ngọc Tường-Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, tham gia chuyến thực tế sáng tác, kể lại: “Trong bản thảo, nhạc sĩ Trần Tiến đặt tựa bài hát là “Phố núi nghèo”. Nhưng một lãnh đạo huyện khi đó nửa đùa nửa thật rằng “đặt tên bài hát như thế làm sao chúng tôi lên thị xã được”. Vì thế, sau đó nhạc sĩ bỏ chữ “nghèo” và bài hát có tên là “Phố núi”.
Trong số nhiều ca khúc được sáng tác cùng thời điểm, bài “Phố núi” được rất nhiều người thuộc hát. Có những người yêu mến ca khúc này nhưng không ngờ bài hát được sáng tác tại An Khê, khắc họa lãng mạn về phố núi nghèo nhưng rất thơ, và mê hoặc lòng người bởi vẻ đẹp văn hóa: 
“Thung lũng buồn bên nhà rông, người thiếu nữ vú cong môi hồng/Tà váy rộng, gió thổi tung, bắp chân trần chớp như đêm giông”. An Khê còn là vùng đất oai hùng với dấu xưa mang niềm kiêu hãnh của nhiều thế hệ: “Phố núi nghèo, bên dòng sông, ghềnh đá trắng dấu xưa oai hùng/Tráng sĩ nghèo, áo vải nâu, đèo An Khê cưỡi voi chập chùng/Thung lũng xanh, những giai nhân và những anh hùng”.
Ông Bùi Kim Biên-chuyên viên Ban tuyên giáo Thị ủy, người trực tiếp dẫn đoàn nhạc sĩ đi thực tế sáng tác, kể: “Bài “Phố núi” nhanh chóng nổi tiếng do nhạc sĩ Trần Tiến ngẫu hứng ôm ghi-ta hát trên kênh truyền hình VTV trong một lần giao lưu với khán giả cả nước. Nhưng ca khúc được người An Khê hát nhiều nhất phải kể đến “Bên dòng sông Ba” của nhạc sĩ Ngọc Tường, “An Khê-miền quê mãi nhớ” của Văn Chừng, “Ngọn gió qua nơi đây” của Nguyễn Cường. Đặc biệt, bài “An Khê-miền quê mãi nhớ” được dùng làm nhạc hiệu của đài Truyền thanh-Truyền hình An Khê và được chọn hát trong nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng của thị xã”.
Bài hát “An Khê-miền quê mãi nhớ” của nhạc sĩ Văn Chừng nói hộ lòng tự hào của người An Khê khi tái hiện dòng chảy lịch sử hào hùng mấy trăm năm, từ vương triều Tây Sơn đến chiến thắng lẫy lừng Đak Pơ, đồng thơi lưu danh muôn thuở những người anh hùng: “Trời An Khê quanh năm trong xanh, khắc ghi lời thề Nguyễn Huệ/Rừng An Khê voi đi quân reo, dấu chân xưa còn in trên đá… Làng xóm mãi nhớ đến Bok Nup, nhớ ơn ngọn cờ Đỗ Trạc/Một Ngô Mây ôm bom năm xưa, chiến công xanh hòa cùng Yang Bắc”.
Còn nhạc sĩ Ngọc Tường khắc họa An Khê với vẻ đẹp hùng vĩ của núi thẳm sông cùng. “Bên dòng sông Ba” như một lời tự tình, làm mê đắm lòng người bởi sự lãng mạn vô cùng của vùng đất giữa hai đèo mây: “Gió mây vương đỉnh đèo An Khê, mang theo hương biển Đông/Trống chiêng ngân lưng đèo Mang Yang, xôn xao đêm nhà rông/Sóng nước biếc dọc dài sông Ba, hòa cùng biển xa/An Khê mênh mang mưa nguồn gió biển/Hai đèo mây soi chung dòng nước”.
Du lịch văn hóa-lịch sử
Đứng trên đỉnh đèo An Khê, hít căng lồng ngực những ngọn gió cao nguyên, mang đến những cảm giác kỳ thú. Đây cũng chính là ranh giới của vùng đất Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo gắn liền với tên tuổi những dũng tướng Tây Sơn mà công lao to lớn còn lưu danh sử sách. Dấu tích vương triều Tây Sơn-sau hơn 200 năm, vẫn còn khá đậm đặc trên dải đất An Khê. Miếu Xà-nơi tương truyền Nguyễn Nhạc chém rắn lấy máu tế cờ cách chân đèo không xa, hay An Khê đình, An Khê trường, Gò Chợ… là những địa danh gắn với những câu chuyện kỳ thú về anh em người anh hùng áo vải.
 Đèo An Khê. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một chuyến bộ hành qua An Khê, du khách sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi tự mình khám phá vùng đất bán sơn địa. Không chỉ có những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chùa ở An Khê sẽ là điểm du lịch tâm linh “đắt tour” nếu có sự kết nối. Nằm ngay cửa ngõ nối duyên hải miền Trung với dải đất Tây Nguyên là một tuyệt tác về kiến trúc tôn giáo, chùa Quan Âm. Chùa cách đèo đúng một cây số, nằm ở xã Song An.
Từ quốc lộ 19 đã thấy thấp thoáng Quan Âm tự trên một ngọn đồi được bao bọc tứ phía bởi thông xanh nhiều năm tuổi. Điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến du ngoạn về tâm linh không nên bỏ lỡ, đó là ngôi tổ đình trên vùng An Khê-chùa An Bình. Chùa do những dân nghèo miền xuôi tụ nghĩa theo anh em Tây Sơn lập nên. Chiêm bái ngôi chùa có lịch sử mấy trăm năm, liên hệ mật thiết với cuộc khởi binh lịch sử của anh em Tây Sơn hẳn sẽ gợi mở thêm những câu chuyện ít người biết tới. Ngoài ra, An Khê còn có hệ thống chùa chiền, tịnh xá dày đặc với kiến trúc độc đáo, hẳn sẽ giữ chân được những người du lịch để tìm về sự bình an.
…Tôi đã có một ngày rong ruổi thị xã, từ cầu sông Ba đến chân đèo An Khê. Nếu đứng từ chân cầu, sẽ thấy thị xã như tựa mình vững chãi vào những dãy núi ở phía xa. Còn đứng từ phía chân đèo, lại thấy vùng đất như đang lao tới đĩnh đạc. Còn điều gì ẩn chứa trong lòng thị xã đang chờ được khám phá, nhưng chắc hẳn về An Khê, nhiều người sẽ có chung sự đồng cảm với một nhạc sĩ đã viết về vùng đất này: 
“Mái tóc em xanh như màu núi
Ánh mắt em giấc mơ huyền thoại
Em đẹp quá tôi thành thơ dại
Tới An Khê tôi quên đường về”
Lời ca khúc “Ngày về An Khê” của nhạc sĩ Văn Ký.
Hoàng Ngọc
Theo http://baogialai.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...