Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Cuộc lãng du trên cao nguyên

Cuộc lãng du trên cao nguyên
Cho đến nay, cái tên Trần Phong và Hồ Thị Xuân Thu đã rất đỗi thân quen với những người yêu mến nghệ thuật ở Gia Lai bởi anh chị không chỉ là những nghệ sĩ đã sống, làm việc và gắn bó với Gia Lai như quê hương thứ hai, mà còn là người có những đóng góp không nhỏ cho nền nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng và cho ngành Nhiếp ảnh cũng như ngành Hội họa cả nước nói chung. Hai con người, hai chuyên ngành nghệ thuật riêng biệt nhưng lại được thắp lên ngọn lửa yêu nghề dưới cùng một mái nhà; để rồi, trong mỗi tác phẩm để đời của họ, luôn thấp thoáng sau nụ cười, ánh mắt của nhân vật lại chính là nét đẹp tâm hồn người cùng những đặc trưng văn hóa của vùng đất lễ hội Tây Nguyên.
Tác phẩm "Đua voi". Ảnh: NSNA Trần Phong
Sau rất nhiều chối từ, cho dù giữa chúng tôi cũng đã có một sự thân quen cần thiết, cuối cùng anh chị mới đồng ý dành cho tôi một cuộc chuyện trò thân tình giữa hương xuân ấm áp của những ngày đầu năm mới. Trong suốt câu chuyện với tôi, ngoài những chia sẻ chuyện làm nghề, còn khi nhắc đến chuyện gia đình, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong chỉ ngồi cười hiền khô. Thấy chồng cười, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu cũng cười, riết rồi chị bảo, đối với nhiều phụ nữ làm văn hóa-nghệ thuật, khi lập gia đình cũng là lúc nỗi đam mê thời trẻ nhường chỗ cho những lo toan bộn bề của cuộc sống đời thường. Nhưng với tôi thì hình như tất cả đều ngược lại. “Nỗi niềm với nghệ thuật, với Tây Nguyên âm ỉ trước đây thật sự chỉ bùng cháy lên ngọn lửa từ khi bên tôi có anh ấy-người mà ngay từ lần gặp đầu tiên tại Phòng Tuyên truyền (Sở Văn hóa Gia Lai) những năm cuối thập niên 80 (thế kỷ XX) ấy, tôi đã nghĩ rằng “anh ấy là dành cho mình”. Ngày ấy, khi nỗi lo cơm áo còn vây lấy bao người thì cảnh vợ chồng chúng tôi chở nhau bằng xe đạp vào các buôn làng để người chụp ảnh, người ký họa đã trở thành như một hình ảnh quen thuộc trong mắt mọi người…”-chị Thu chia sẻ.
Trong làng nhiếp ảnh, NSNA Trần Phong là cái tên không mới. Được ví như người “viết lịch sử Tây Nguyên qua những bức ảnh”, NSNA Trần Phong khai thác đề tài Tây Nguyên không ở vẻ hào nhoáng, màu mè bên ngoài mà xoáy vào những vùng đất còn khó khăn, những con người nghèo khổ nhưng vẫn lạc quan, nhân hậu. Bởi vậy, những bức ảnh của Trần Phong luôn căng tràn sức sống, sự tự tin, nhân bản.

 Tác phẩm "Mẹ và con". Ảnh: NSNA Trần Phong
Nhiều tấm ảnh của Trần Phong không chỉ có giá trị về thời gian, mà còn mang tính nghệ thuật cao; bởi chúng không chỉ "bắt đúng" cái đã xảy ra mà còn lưu giữ cái đẹp thuần khiết của một vùng đất đặc biệt. Vậy nên, thật dễ hiểu khi nhà văn Nguyên Ngọc đã không quá lời chút nào khi dành những câu như thế này trong bài viết giới thiệu về tập sách ảnh Lễ hội Tây Nguyên-tập sách được giải thưởng sách hay sách đẹp do Hội Xuất bản Việt Nam tặng-năm 2009 của anh: "Tôi biết suốt mấy mươi năm lặn lội, bao giờ cũng chỉ một mình và gần như tuyệt đối vô danh trên khắp Tây Nguyên mênh mông, Trần Phong đã có được hàng chục nghìn bức ảnh vô giá... Hầu hết các bức ảnh trong tập sách bạn đang cầm trên tay đây, ngày nay dẫu bạn có đi lùng sục khắp Tây Nguyên, tốn bao nhiêu tiền và tốn bao nhiêu công cũng không còn chụp được nữa...".
Vừa mới đây thôi, anh được Hội NSNA Việt Nam phong tặng tước hiệu NSNA đặc biệt xuất sắc (EVAPA/G)-tước hiệu cao nhất mà Hội NSNA Việt Nam phong tặng cho hội viên. Nhìn vào bảng những tiêu chí để được phong tặng tước hiệu của Hội NSNA Việt Nam, mới thấy được phần nào công sức lao động nghệ thuật của nhiếp ảnh gia này.

Tác phẩm "Giúp mẹ". Ảnh: NSNA Trần Phong
Là một trong 13 NSNA trên tổng số hơn 800 hội viên Hội NSNA Việt Nam và là NSNA đầu tiên của Tây Nguyên được phong tặng tước hiệu EVAPA/G, đến thời điểm hiện tại, NSNA Trần Phong đã có trên 650 giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có 81 giải vàng (riêng năm 2012 là 197 giải thưởng). Không những thế, trong 4 năm liền (2008-2011), anh được Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA) xếp vào tốp các nhà nhiếp ảnh trên thế giới đạt thành tích cao trong bảng xếp hạng “Who’s who in photography” hàng năm, riêng năm 2011 được xếp đứng đầu thể loại ảnh kỹ thuật số. Cũng trong năm 2012, anh được Hội NSNA Việt Nam mời làm thành viên Ban giám khảo cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 26; hiện, anh là một trong số hiếm NSNA của Việt Nam được các tổ chức nhiếp ảnh trên thế giới phong tặng nhiều tước hiệu, với 13 tước hiệu tại các nước Pháp, Mỹ, Romania, Ấn Độ, Malaysia...
Tương tự thế, vốn được coi là người đưa tranh sơn mài lên đất Tây Nguyên, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu-hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã có hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Với chị, khi thể hiện những tác phẩm với những chủ đề rất đỗi gần gũi và bình dị trong đời sống hàng ngày của những người phụ nữ Tây Nguyên như hình ảnh người mẹ địu con, giã gạo, hút thuốc tẩu, uống rượu cần, gùi củi, tắm suối, nhảy múa, tiễn người thân bên nhà mồ... chị luôn mong muốn những người yêu nghệ thuật thêm một lần cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống lao động cũng như tâm hồn con người Tây Nguyên, qua đó mà yêu hơn cái hồn của vùng đất và truyền thống văn hóa lâu đời của miền cao nguyên đầy nắng và gió này. Lời chị khiến tôi ngay lập tức muốn xem lại bức Lễ hội Tây Nguyên-tác phẩm đã đem lại giải thưởng khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2002 cho chị. Với việc sử dụng 2 gam màu chủ đạo đen và đỏ-gam màu truyền thống của tranh sơn mài và cũng là những sắc màu luôn hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống và nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên, tác phẩm khiến người xem như đang lạc vào giữa một không gian Tây Nguyên cổ truyền với những đặc trưng không thể lẫn của một vùng văn hóa. Chiêm ngưỡng kỹ hơn, người xem sẽ cảm nhận được không khí của ngày hội Tây Nguyên thực sự trong bước chân của những người phụ nữ Tây Nguyên qua những vòng xoang; còn ở phía xa là cả một không gian Tây Nguyên rộng mở với những bóng người đi cà kheo, những ghè rượu, cột gơng, mái nhà sàn và bóng dáng của rừng…

 Tác phẩm "Giã gạo", tranh sơn mài 
của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.
Nhắc lại kỷ niệm khi đem phòng tranh Những sắc màu Tây Nguyên đi triển lãm tại Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội (diễn ra từ 28-8 đến 2-9-2012) vừa qua, chị cho hay, chị đã nhận được rất nhiều sự đánh giá công tâm, sự động viên, khích lệ của đồng nghiệp-những họa sĩ đàn anh và công chúng thủ đô. Khi xem tranh của chị, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đã không kìm được xúc cảm khi viết đôi dòng lưu bút: “Rất đặc sắc. Rất Tây Nguyên. Đầy cá tính”.
Còn họa sĩ Phạm Thanh Liêm-giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thì lại dành tặng chị những lời đánh giá rất “có nghề”: “Tôi hơi bất ngờ, ngỡ ngàng giữa không gian văn hóa của mấy tỉnh Tây Nguyên. Giữa sự đa dạng, phong phú về hiện vật, cổ vật trong sinh hoạt của người dân Tây Nguyên lại có một mảng tranh sơn mài của nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu-người sống và vẽ về Tây Nguyên. Tranh của chị, nhiều tác phẩm có bố cục lạ, hình tượng và màu sắc đậm chất Tây Nguyên. Tôi thực nể trọng sức làm việc sáng tạo của một nữ họa sĩ-người đã sống thực sự, hoạt động nghệ thuật thực sự tại Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung…”.

Tác phẩm "Vòng xoan ngày hội", 
tranh sơn mài của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu.
Khi biết tôi có ý định viết về đôi vợ chồng người nghệ sĩ tài hoa này, một đồng nghiệp của tôi, cũng là một người rất yêu mến tài năng và đức độ của anh chị Phong-Thu, đã nói cùng tôi những lời thật hay về anh chị: “Tác phẩm của vợ chồng nghệ sĩ Trần Phong và Hồ Thị Xuân Thu rất có tình, giàu xúc cảm. Xem tranh và ảnh của anh chị, chúng ta sẽ thực sự ngỡ ngàng, xúc động trước một Tây Nguyên kỳ diệu, bí ẩn, hoang sơ, mộc mạc và đượm chất trữ tình. Bởi, nó do chính tay những người từ nhiều năm nay đã và đang nằm trong lòng Tây Nguyên thể hiện… Bởi, nó không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật riêng biệt mà còn bao hàm cả tình yêu, niềm say mê, công sức và thấm đẫm cả những giọt mồ hôi của suốt hơn 20 năm trời ròng rã lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ đã gửi gắm trong sáng tác của mình…”.
Thu Huế
Theo http://baogialai.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cọp mèo chuyển giao  Năm cũ Nhâm Dần vừa qua. Năm mới Quý Mão đã đến. Trân trọng giới thiệu bài viết “Cọp mèo chuyển giao” của nhà phê b...