Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Thăm thẳm xứ sâm

Thăm thẳm xứ sâm
Mới lưng chừng Măng Rơi đã cảm giác thời tiết thay mùa. Cái nắng cô đặc bên này đèo cứ nhạt dần rồi pha loãng trong những tảng mây màu khói đèn lởn vởn trên các rặng núi cao. Càng lên đỉnh Măng Rơi càng nhòa dần, vương vít trong làn sương chợt đến chợt đi nhẹ như khói thoảng. Khi trước mặt là khoảng nhìn ngờm ngợp cũng là lúc những ngọn gió đang phất phơ chợt lồng lên như roi quất. Khí lạnh chẻ theo lạch núi đập vào mặt tái tê như ai hắt vào cả vốc kim nhọn. Núi rừng trìu trĩu dần một màu đông…
Trong tâm thức nhiều người, Tu Mơ rông hẵn còn là một cái tên khá lạ. “Tu Mơ rông” nếu gọi đầy đủ phải là “Đăk Tu Mơ rông” – nghĩa là “con nước Tu Mơ rông”. Tu Mơ rông vốn là tên của một ngôi làng. Nghe kể rằng xa xưa có một đôi trai gái vì chống lại lệ tục nên bị dân làng đuổi đi. Họ tới vùng này độc lực chống chọi với đại ngàn hoang dã. Theo thời gian, những gia đình khác cùng cảnh ngộ biết tin tìm đến. Làng cứ thế lớn dần trở thành tên xã rồi quận (thời Việt Nam cộng hòa) và huyện năm 2005… Ấy là với cái tên Tu Mơ rông đậm màu truyền thuyết, còn xa xăm trong lịch sử, các dân tộc ở phía Bắc Tây Nguyên gồm người Xơ Đăng vốn là mảnh vỡ của các cuộc chiến tranh bộ tộc. Để tránh chiến tranh và nạn săn bắt người làm nô lệ của các bộ tộc Thái – Lào, họ đã tìm đến ẩn náu tại vùng đất này. Những dãy núi chất ngất điệp trùng, đan sít nhau như răng lược đã cho họ một nơi ẩn cư lí tưởng… Chính vì vậy, khi người Pháp đến vùng đất này, tiếng là đặt được ách đô hộ, đặt cả đồn bốt nhưng thực tế là không khuất phục được người Xơ Đăng. Đây cũng chính là lí do mà trong kháng chiến chống Mĩ, Tỉnh ủy Kon Tum đã chọn Tu Mơ rông làm căn cứ …
Thành lập đã hơn 10 năm, giờ Tu Mơ rông vẫn là huyện nghèo nhất Kon Tum và có lẽ cũng là một trong những địa phương nghèo nhất nước. Huyện chưa có thị trấn mà chỉ mới là khu hành chính trung tâm. Đây có lẽ cũng là khu hành chính độc đáo nhất nước… Nơi núi non hiểm trở này tìm được mặt bằng chỉ cỡ một hecta thôi cũng là điều không thể. Bởi vậy, để kiến tạo nên nó người ta đã phải dựa vào thế núi. Từ nhà khách trông ra, tôi cứ có cảm giác như đứng trước một sa bàn đắp nổi… Nơi này là từng bậc thang giật cấp ôm lấy lườn núi đỏ bầm. Nơi kia là hun hút những lũng sâu, đất dồn xuống như miệng hang con thú nào mới dũi. Công sở cứ thế đây một căn, kia một căn bấu cheo leo vào vách núi… Tiền bạc, công sức đổ ra để có được khu hành chính này còn nói gì tốn kém. Ấy thế nhưng đã ngần ấy năm rồi, vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay mấy hộ dân đến dựng tạm nhà mở quán. Cán bộ, công chức thì càng không ai chịu làm nhà. Cứ mỗi chiều thứ sáu là họ bắt đầu một cuộc vượt đèo Măng Rơi ngoạn mục bằng xe máy để sáng thứ hai lại phải căn sao đó kịp có mặt tại cơ quan.
Nhưng dường đã có một sự bù trừ bí ẩn nào đó như người xưa vẫn nói, rằng “trời sinh voi trời sinh cỏ”. Tiếng là huyện nghèo nhất mà Tu Mơ rông lại có hai thứ quý nhất - ấy là sâm Ngọc Linh và hồng đảng sâm…
Nói tới sâm Ngọc Linh nhiều người vẫn nghĩ xứ sở của nó hẵng chỉ ở vùng núi Ngọc Linh của huyện Đăk Glei. Thực ra nguyên sơ Tu Mơ rông mới đích thực là rốn sâm. Với độ cao quân bình 1000m so với mực nước biển, núi non cùng hệ thống Ngọc Linh cao ngất điệp trùng, Tu Mơ rông chẳng kém sự lí tưởng nào cho giống sâm mang tên Ngọc Linh sinh trưởng. Và chính tại xã Ngọc Lây của Tu Mơ rông, năm 1973 dược sĩ Đào Kim La là người đã phát hiện ra loại sâm quý này. Nói “phát hiện”, kì thực hàng đời nay đồng bào Xê Đăng đã biết và sử dụng nó rồi… Người ta kể rằng trước những năm 1980, sâm Ngọc Linh “tìm dễ như rau rừng”. Tôi đã mục kích điều này khi năm 1982 lên Đăk Glei công tác, ra chợ vẫn thấy đồng bào gùi từng gùi đi bán như… khoai lang.
Khi trở về Plei Ku, một anh bạn giáo viên cho tôi một bọc dễ đến cả kí. Mang về rồi cũng chẳng biết sử dụng thế nào đành cho cả nắm vào ấm đun lên uống… Anh bạn cùng phòng tôi nghe nói “sâm” nhanh nhảu nếm trước đã nhăn mặt: “Mẹ khỉ, sâm gì mà đắng ngét thế, đổ đi pha trà uống còn hơn…”. Chả phải riêng chúng tôi, thời ấy nói đến sâm Ngọc Linh người ta cứ tâm lí bán tín bán nghi như thế… Bây giờ thì… quên chuyện cũ đi! Từ khi được nhìn nhận đúng giá trị thực, nhất là với các công trình nghiên cứu bước đầu, các nhà khoa học đã xếp sâm Ngọc Linh cùng với sâm Triều Tiên và sâm Mĩ là ba loại tốt nhất thế giới thì cái giá của nó cứ mỗi ngày mỗi “choáng”. Bây giờ ngay tại Tu Mơ rông này, muốn mua sâm Ngọc Linh cũng… hơi khó. Mỗi kí sâm khô quãng 150 triệu đồng. Với cái giá chót vót như thế, nhưng nếu không có chỗ quen biết hay nhờ người thật rành sẽ vớ phải sâm non hay sâm giả là cái chắc… “Quý như sâm” là thế nên bao năm nay rừng núi Tu Mơ rông đã không biết bao nhiêu đội quân tứ phương đổ đến săn lùng. Rồi thì nạn trộm cắp, mua bán sâm non, nạn sâm giả khiến sâm Ngọc Linh “mất uy” và cơ hồ tuyệt giống… Trước tình hình đó, năm 2005 Chính phủ đã quyết định cho thực hiện dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng” với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng…
Chẳng thể so sánh với sâm Ngọc Linh nhưng hồng đảng sâm cũng là thứ dược liệu quý. Hồng đảng sâm thường gọi bằng cái tên nôm na là “sâm dây”. Tôi biết đến nó cũng là do một anh bạn giáo viên trên này mang về cho. Anh bảo: Thứ này hồi tớ mới lên dạy học, mậu dịch thu mua mỗi lần cả xe ô tô; xin đồng bào cả bao tải người ta cũng cho. Thế mà bây giá tại gốc mỗi kí khô đã 500 ngàn đồng… Anh cho biết cũng như sâm Ngọc Linh, hồng đảng sâm này chỉ có ở Tu Mơ rông là nhiều. Theo các già làng thì hồng đảng sâm được đồng bào dân tộc biết đến còn trước cả sâm Ngọc Linh. Cách sử dụng của họ rất đơn giản: cứ thấy mệt thì dùng củ tươi mà nhai sống. Người khôn của khó, bây giờ thì cũng như sâm Ngọc Linh, người ta phải lập vườn để trồng, cây giống cũng phải đi mua…
Từng nghe nhiều, giờ đã cất công lên tới xứ sâm, tôi quyết phải “mục sở thị” cho bằng được. Ước nhất là làm sao vào được vườn ươm sâm giống Ngọc Linh mà người ta vẫn gọi là “chốt sâm”. Tưởng khó, hóa ra khi nghe chúng tôi đặt vấn đề, Chủ tịch huyện A Hơn đồng ý ngay. Anh bảo: Hướng của tỉnh, của huyện là quy hoạch Tu Mơ rông thành vùng dược liệu mà sâm Ngọc Linh và hồng đảng sâm là chủ lực. Chúng tôi đã tích cực triển khai mấy năm nay nhưng cũng còn nhiều vướng mắc lắm. Dịp này các anh thấy thêm điều gì thì phản ánh lên báo chí giúp…
Cứ ngỡ lối vượt đèo Măng Rơi đã hiểm trở nhất, hóa ra chẳng là gì so với cung đường vào xã Măng Ri. Ngồi trong cabin cứ cảm giác mình như chú kiến bám vào sợi chỉ rối mà leo, leo mãi một chiều dốc không cùng. Nhiều quãng cua gấp, ô tô chúng tôi vừa ló đầu đã sát sạt mũi xe khác đang ậm ạch bò lên. Nghe tôi tỏ sự kinh hãi, cậu lái xe bình thản: “Tại chú không quen nên cảm giác thế chứ nhiều cô giáo dạy học ở trong này, cứ mỗi chiều thứ bảy vẫn phóng xe máy về tận thị trấn Đăk Tô với chồng con để rồi chủ nhật lại quay vào, cả hàng bao nhiêu năm nay rồi…”.
Xế trưa chúng tôi mới kéo được đôi chân rã rượi sau gần hai giờ leo dốc để tới “chốt sâm”…
Gọi “chốt” cho xứng với sự cẩn trọng, nghiêm ngặt của nó kể cũng phải. Tôi đứng ngắm toàn bộ khu vực: một hàng lưới B40 chạy ngoắt ngoéo dưới những tầng cây cổ thụ. Cứ vài mét lại được treo một bóng điện… Thấy tôi định bước ra vườn, anh tổ trưởng vội níu lại: “Để em dẫn bác đi. Trong vườn đầy bẫy và hố chông, nguy hiểm đấy”.
Những loài cây thuốc quý dường như bao giờ cũng mang một vẻ bình dị, khiêm nhường. Trước lúc tận thấy này, giá có giẫm lên sâm tôi cũng chẳng hay. Nó chỉ vẻn vẹn một thân vươn thẳng lên từ đất rồi tỏa ra bốn cánh lá đều nhau. Mỗi cánh vỏn vẹn 5 phiến lá cũng đều nhau hình chân vịt. Bình dị thế nhưng sâm Ngọc Linh lại có một quy trình sinh trưởng khá độc… Vào đầu xuân từ rễ củ dưới đất, sâm Ngọc Linh đâm lên một cuống lá rồi tỏa lá. Vài tháng sau từ đỉnh cuống nhô lên một chùm hoa vàng nhạt, tỏa hương mỡ màng. Mỗi năm sâm chỉ ra được một đốt và mỗi đốt chỉ duy nhất một thân lá đó… Đến tháng tám khi hạt chín thì lá cũng lụi dần và sâm chuyển sang thời kì “ngủ đông” cho đến sang năm mới lặp lại một chu kì sinh trưởng khác… Sâm Ngọc Linh có thể nhân giống bằng củ và hạt. Ở đây người ta chủ yếu dùng hạt bởi mỗi năm sâm chỉ lớn được một đốt, trong khi mỗi chùm hoa có thể thu được 17 - 18 hạt. Không cần xử lí, ngay sau khi hạt chín là gieo luôn xuống đất. Nhân giống không khó mấy, cái khó là bảo vệ và chăm sóc. Sâm Ngọc Linh rất nhiều địch hại. Nhím, sóc, dúi, tê tê… là những loài thú rất khoái thứ củ bổ dưỡng này. Còn các loài chim thì thích hạt. Chống thú, lưới sắt phải chôn sâu xuống đất 40 phân; còn với chim, khi sâm ra hoa người ta phải chụp ngay cho nó một chiếc mũ đan bằng mây để bảo vệ…
Đất rừng Tu Mơ rông mênh mông là thế nhưng không phải nơi nào cũng trồng được sâm. Ngoài sự đảm bảo độ cao, đất phải có tầng mùn dày, chỉ tiếp nhận ánh nắng từ 30 - 40%. Để đảm bảo tính chất tự nhiên, việc làm đất, chăm sóc, tất cả đều bằng thủ công - đặc biệt là không được bón bất kì một loại phân gì, kể cả phân hữu cơ. Để thúc đẩy tăng trưởng, người ta lấy lá cây mục bóp vụn rồi rải đều trên mặt luống… Có lẽ bởi “sống lâu như sâm” mà thời gian ở đây có cảm giác trôi đi rất chậm. Hạt sâm gieo xuống đất, phải đợi đến năm tháng mới nhú mầm. Một năm chỉ có sáu tháng được thấy sâm hiển hiện trên mặt đất. Nhưng dù bất kể mùa nào thì anh em trên chốt sâm đều phải trực 24/24. Mọi động tác công việc đều “nâng như nâng trứng, hứng như hứng… sâm”. Cuộc sống của họ ngưng đọng trong một quang cảnh, một hợp âm quen thuộc của đại ngàn… Có lẽ chỉ những chàng trai lớn lên từ cái nôi của rừng như họ (trừ tổ trưởng, tất cả đều là người Xê Đăng) mới đủ kiên nhẫn “ngậm ngải” trồng sâm…           
Vào quán đã thấy Chủ tịch huyện A Hơn mang tới bình rượu sâm Ngọc Linh để chia tay khách quý… Tôi ngậm rất lâu để thưởng thức cái vị đắng đặc trưng xa rồi mới gặp. Rượu sâm Ngọc Linh uống vào có cảm giác từng mạch máu nhỏ cũng giãn ra sau một ngày mệt nhọc… Tôi nói với A Hơn: “Anh là chủ tịch huyện sướng nhất mà cũng khổ nhất đấy!” A Hơn tỏ vẻ không hiểu, tôi cười: “Sướng nhất là thế này, tôi đọc báo cáo một số xã, như Măng Ri chẳng hạn, thấy cả năm trời không có một vụ vi phạm an ninh trật tự, không một vụ kiện cáo và cả tai nạn giao thông. Thử hỏi cả nước này ở đâu được thế. Còn khổ nhất - ấy là huyện đang có trong tay thứ quý nhất mà lại nghèo nhất…”. A Hơn cười xòa. Vậy là chuyện loanh quanh rồi lại quay về với sâm…
Thiên nhiên phú cho cây sâm, thực ra từ lâu huyện đã nhìn ra hướng đi để phát triển. Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện phấn đấu ổn định diện tích sâm Ngọc Linh ở con số 500 ha và hồng đảng sâm là 250 ha. Nếu đạt được con số này, Tu Mơ rông sẽ cơ bản sẽ trở thành vùng chuyên canh dược liệu. Người dân hoàn toàn có thể sống bằng nghề trồng sâm. Thế nhưng thực tế cho đến cuối năm ngoái, theo báo cáo của phòng nông nghiệp, cả huyện mới trồng được khoảng hơn 23 ha sâm Ngọc Linh. Trong số này diện tích sâm người dân tự trồng chỉ có 3.4 ha, còn lại là của Công ti sâm Ngọc Linh. Còn hồng đảng sâm, bằng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, diện tích cũng chỉ mới đạt khoảng 50 ha… Ở xã Măng Ri, cả cán bộ và người dân khi được hỏi đều cho nguyên nhân là thiếu giống bởi sâm Ngọc Linh phát triển chậm nên giống đắt. Trước đây người ta đã từng hi vọng đẩy nhanh việc nhân giống bằng phương pháp cấy mô. Thế nhưng, khi mang đi trồng thì tỉ lệ sống quá ít. Hơn nữa không ít người lo ngại trồng bằng giống cấy mô, liệu sâm Ngọc Linh có giữ được trọn vẹn phẩm chất nguyên thủy? Vậy là rốt cục phương pháp nhân giống “cổ điển” vẫn chưa thể thay thế…
Một “đại gia” trước định trồng sâm Ngọc Linh đã tính toán với tôi rằng, mỗi hécta sâm Ngọc Linh có thể lãi 4 - 5 tỉ đồng. Tuy nhiên đầu tư cho 1 ha sâm từ khi trồng đến thu hoạch (7 năm) phải cần đến khoảng 1 tỉ đồng. Đối với người dân bản địa thì đây là một con số khổng lồ. Hơn thế muốn phát triển tư nhân thì phải liên kết thành tổ, đội mới bảo vệ nổi… Thế còn hồng đảng sâm? Chị Y Bắp, người được mệnh danh là “nữ hoàng sâm dây”, người đi tiên phong trong việc trồng và làm giàu bằng loại thảo dược này cho tôi hay trồng sâm dây rất dễ. Nó hoàn toàn không sâu bệnh nên chẳng cần chăm sóc và chỉ cần ba, bốn năm là thu hoạch. Cũng như sâm Ngọc Linh, sâm dây trồng bằng hạt hay củ đều được. Giá giống chỉ 75 ngàn một kí củ; hạt khoảng 8 triệu đồng. Mà đầu ra thì người ta đến tận nhà đặt, mùa khô này không có hàng để bán… Thôi hãy tạm để qua một bên chuyện trồng sâm Ngọc Linh mà hãy trả lời câu hỏi rằng trồng sâm dây để xóa đói giảm nghèo được không? Câu trả lời không chỉ từ gia đình Y Bắp mà đã từ khá nhiều người như chị Y H’Lạng ở Măng Ri chẳng hạn là hoàn toàn có thể.

Thế nhưng thứ cây “mũi nhọn” ở vùng đất này bây giờ vẫn là sắn… Mà sắn, thứ cây trồng dễ ăn với các vùng đất khác thì ở Tu Mơ rông này cũng phải hai, ba năm mới cho thu hoạch. Sắn đi tới đâu từng mảng rừng lại bị cạo trắng tới đó.
Mà giá thì tại những xã như Măng Ri, nửa tấn sắn chỉ bằng có… một kilôgam hồng đẳng sâm khô, trong khi thời gian trồng đến thu hoạch cũng gần bằng nhau, chưa kể công khó… Điều tưởng như phi lí ấy buồn thay lại là điều hiệu hữu với đồng bào. Tư duy sản xuất, quản trị kinh tế gia đình hàng đời nay của bà con thường chỉ gói trong mùa rẫy, bởi vậy mà thuyết phục nhất không gì bằng thứ “trước mắt - chắc ăn”. Có lẽ cái rào cản tư duy này mới thật đích thực là nguyên nhân Tu Mơ rông “ngồi trên sâm mà chịu đói nghèo”.
Bao giờ thì sâm Ngọc Linh sẽ trở thành một thương hiệu đĩnh đạc trên thị trường chứ không phải đi hỏi mua kiểu “thuốc giấu” như hiện nay? Bao giờ thì Tu Mơ rông trở thành vùng dược liệu đích thực dể người dân hết đói nghèo? Câu trả lời ngỡ gần mà cũng xa đấy… Thấy A Hơn ngồi lặng như là câu hỏi chỉ đặt ra với riêng mình, tôi mở phiến hoa ép vào cuốn sổ. Trong hơi lạnh tàn đêm, cảm giác mùi hương thoang thoảng của nó đã kết lại bao nhiêu là sương khói tháng năm...
Tu Mơ rông 30/4/2016
Ngọc Tấn
Theo http://vannghequandoi.com.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...