Cảnh xuân và tình xuân qua cái nhìn
của một số thi nhân Việt
Nam
Một năm có bốn mùa: hè đi, thu đến, đông tàn, xuân sang. Quy
luật tự nhiên của thời gian không gì có thể đổi thay được. Mùa xuân là mùa khởi
đầu cho một năm mới, mùa của sự hồi sinh, mùa dâng tràn yêu thương của đất trời
và của lòng người. Chính vì vậy mà mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô
tận cho tâm hồn bay bổng, lãng mạn của các thi sĩ.
Khi băng giá của mùa
đông qua đi, mùa xuân đến luôn làm cho vạn vật sinh sôi, lòng người phấn chấn.
Xuân đến nơi nơi làm cả đất trời như thay màu áo mới. Những dấu hiệu đầu tiên của
mùa xuân qua cái nhìn của nhà thơ Nguyễn Trãi đến từ nơi bến đò đầu trại:
"Cỏ non như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân, nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi, suốt ngày ngơi"
Lại có mưa xuân, nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò gối bãi, suốt ngày ngơi"
(Thơ đã dịch
từ tiếng Hán - Trại đầu xuân độ)
Bài thơ trích trong tập thơ chữ Hán "Ức
Trai thi tập". Bài thơ ra đời trong những ngày Nguyễn Trãi ở ẩn tại
Côn Sơn. Bởi vậy mà nét xuân qua con mắt nhà thơ xa lánh chốn hồng trần cũng rất
thanh bình, tĩnh mịch qua hình ảnh "con đò gối bãi". Cảnh xuân dù đẹp,
thơ mộng, đầy sức sống, có "cỏ non", "mưa xuân" nhưng
vẫn mang nét buồn với một loạt hình ảnh "tĩnh" của cảnh vật
như: "quạnh quẽ", "thưa", "vắng"... Chỉ với bốn
câu thơ ngắn, các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng hiệu
quả như vẽ nên bức tranh xinh xắn khung cảnh đặc trưng của mùa xuân làng quê với
bến nước, con đò.
Với nhà thơ Nguyễn Trãi, khi vạn vật
"bén" hơi xuân, cũng là lúc tâm hồn người thi sĩ thăng hoa, giao hòa
với mùa xuân của đất trời.
"Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức, phong còn kín
Gió nơi đâu, gượng mở xem"
(Cây chuối)
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức, phong còn kín
Gió nơi đâu, gượng mở xem"
(Cây chuối)
Bức "tình thư" của thiên
nhiên, của mùa xuân cũng là bức "tình thư" của lòng người khi:
"Sắc xuân bên mắt khiến người say"
(Đêm đậu thuyền ở cửa biển)
(Đêm đậu thuyền ở cửa biển)
Trong thời khắc giao mùa, xuân đang từng
ngày trôi, thi sĩ như muốn níu giữ vẻ nên thơ, lãng mạn của cảnh xuân muộn
trong tiếng chim quốc kêu gọi hè:
"Trong tiếng quốc kêu, xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi, nở hoa xoan"
(Mộ xuân tức sự)
Đầy sân mưa bụi, nở hoa xoan"
(Mộ xuân tức sự)
Cảnh xuân trong thơ Nguyễn Trãi dù bình dị, thanh
sơ, mộc mạc nhưng luôn mang nặng tâm tình của thi sĩ ,của bậc đại anh
hùng trăn trở với thời cuộc, yêu nước, thương dân vô hạn:
"Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông"
(Thuật hứng số 5)
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông"
(Thuật hứng số 5)
Bàn về thơ xuân, thật thiếu xót nếu không
nhắc đến thi sĩ Hàn Mặc Tử với bài thơ xuân nổi tiếng "Mùa xuân chín"
"Trong làn nắng ửng, khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang"
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang"
Cảnh xuân trong bài thơ đang ở độ rực rỡ nhất,
"chín" nhất với màu "vàng" đặc trưng: vàng của "nắng ửng"
lẫn trong "khói mơ", vàng của "mái nhà tranh", của
"giàn thiên lý".
"Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi?...
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang?"
Bao cô thôn nữ hát trên đồi
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi?...
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang?"
Nếu như khổ đầu là cảnh
"chín" một mùa xuân thì những khổ cuối là tâm tình của thi nhân đương
ở độ "chín" một tình yêu. Đó là tình yêu trước sắc xuân phơi phới của
đất trời, là tình yêu rạo rực của lòng người "gặp lúc mùa xuân chín",
"sực nhớ" về bóng hồng gánh thóc "dọc bờ sông trắng nắng chang
chang". Vần "ang" được láy lại nhiều lần tạo tính nhạc cao làm
bức tranh xuân trong thơ Hàn Mặc Tử sống động như bức tranh "thi chung hữu
nhạc". Có lẽ "chị ấy" đã "theo chồng bỏ cuộc chơi" để
lại mùa xuân trong lòng thi sĩ những nỗi ngậm ngùi, nuối tiếc.
Nếu như sắc
"vàng" là màu tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân xuyên suốt
"Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử thì sắc "xanh" lại là
màu chủ đạo làm nên nét đẹp của mùa xuân trong "Mùa xuân xanh" của
Nguyễn Bính:
"Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng, tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh"
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng, tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh"
Hai bài thơ tưởng chừng như đối
lập: đối lập từ tựa đề, đối lập cả màu sắc chủ đạo xuyên suốt bài thơ nhưng
càng đọc lại càng thấy hai bài thơ như bổ sung, hỗ trợ cho nhau để vẽ nên bức
tranh bằng ngôn từ và nghệ thuật thi pháp về vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân. Thật
là thiếu xót nếu như nhắc tới bài nọ mà không kể tên bài kia khi bàn về thơ
xuân. Với Nguyễn Bính, thơ của ông rất mộc mạc, chân quê. Cảnh và tình trong
thơ ông luôn gắn liền với hình ảnh làng quê nông thôn Việt Nam. Bởi vậy mà ông
được gọi là "nhà thơ của làng quê Việt Nam"
"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy"
(Mưa xuân)
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy"
(Mưa xuân)
Với ông, một chút mưa xuân, một
cánh bươm bướm, một cô lái đò, hay những cô "gái xuân giũ lụa trên sông
Vân"...cũng đủ làm lòng người xao xuyến, đủ làm nên một mùa xuân đầy thi vị.
"Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong"
(Xuân về)
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong"
(Xuân về)
Đọc thơ ông, ta cảm nhận được tâm hồn
người thi sĩ gắn bó với xóm làng, thôn quê, yêu thiên nhiên tha thiết. Mỗi bài
thơ xuân của ông mang một cung bậc, sắc thái tình cảm khác nhau nhưng dường như
đều gửi gắm thông điệp của thi sĩ: "Mong đêm quên sáng cho ngày dài
xuân" (Đêm cuối cùng). Với ông, nơi phồn hoa, chốn kinh kỳ dù có tấp nập,
đông vui nhưng không thể mang lại cảm giác bình yên cho tâm hồn như nơi làng
quê thanh tĩnh:
"Xuân đã sang rồi, em có hay
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến
Sao chẳng về đây, chẳng ở đây"
(Sao chẳng về đây)
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá, xuân không đến
Sao chẳng về đây, chẳng ở đây"
(Sao chẳng về đây)
Thơ xuân của Nguyễn Bính phong phú cả về số lượng
lẫn chất lượng. Tính riêng cuốn "Tuyển tập Nguyễn Bính" (Nxb Văn học-1986)
đã có hơn 20 bài viết về mùa xuân.
Bài thơ "Xuân nhớ miền Nam", ông viết:
Bài thơ "Xuân nhớ miền Nam", ông viết:
"Bốn đường tàu chạy mưa xuân ấm
Triệu lá cờ bay, gió Tết lành
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"
Triệu lá cờ bay, gió Tết lành
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"
Hai câu cuối đã trở nên "bình dân" như
câu cửa miệng của người Việt ta mỗi độ Tết đến xuân về. Vẻn vẹn hai câu thơ mà
gói gọn cả cái hồn, cái đặc trưng nhất, điển hình nhất, tinh túy nhất của Tết cổ
truyền dân tộc.
Dường như định mệnh cuộc đời ông có mối liên quan mật thiết
bí ẩn với mùa xuân. Chính vì vậy mà thơ xuân của ông rất đời và rất thật. Với
riêng cá nhân tôi, Nguyễn Bính là thi sĩ viết thơ về mùa xuân hay nhất. Ông mất
vào ngày 30 Tết năm Ất Tỵ 1966, không kịp đón mùa xuân thứ 50 của cuộc đời. Ông
ra đi để lại cho hậu thế những mùa xuân nguyên vẹn trong các thi phẩm của mình.
Viết về mùa xuân, thi sĩ Xuân Diệu
lại có cái nhìn rất mới mẻ. Ông được đánh giá là "nhà thơ mới nhất trong
các nhà thơ mới" (Hoài Thanh-Hoài Chân)
"Ấy là thư hồi hộp đón trong tay
Ấy dư âm, giọng nói đã lâu ngày
Một sớm tím, bỗng dịu dàng đồng vọng...
Miễn trời sáng, mà lòng ta rợn sóng
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết với niên hoa
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng"
Ấy dư âm, giọng nói đã lâu ngày
Một sớm tím, bỗng dịu dàng đồng vọng...
Miễn trời sáng, mà lòng ta rợn sóng
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết với niên hoa
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng"
Với Xuân Diệu, xuân luôn đi
cùng tình yêu tuổi trẻ. "Tình không tuổi và xuân không ngày
tháng". Tình yêu thì đâu có tuổi, đã gọi là "xuân" thì kể chi
tháng ngày. Biết đó là lẽ hiển nhiên nhưng đâu phải ai cũng dám nghĩ, dám viết,
và viết hay như Xuân Diệu:
"Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già"
"Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em ơi em, tình non sắp già rồi"
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già"
"Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em ơi em, tình non sắp già rồi"
Đọc thơ ông, đôi khi chúng ta thảng
thốt, giật mình bởi thơ ông "Tây" quá! Thơ ông xuất hiện trên thi đàn
như thổi một luồng gió mới vào phong trào thơ mới (1932-1945) đương thời vốn dĩ
là mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho những tài năng thơ như: Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Chế
Lan Viên, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương... những tên tuổi làm nên cả "một
thời đại thi ca" Việt Nam. Một số người cho rằng, ông cổ súy cho quan điểm
yêu gấp, sống vội. Yêu và sống với ông là phải "vội vàng", phải
"giục giã". Nhưng càng đọc, càng nghiền ngẫm thơ ông, đọc sâu chuỗi
bài nọ sang bài kia mới hiểu được tường tận quan điểm nhân sinh của tác
giả: Hãy sống từng ngày thật ý nghĩa, hãy tận dụng từng giây để tận hưởng những
mùa xuân của cuộc đời, hãy cho nhau những thương yêu, hãy cho nhau những mùa
xuân, đừng đợi đến một mai ta "sắp già" hoặc "sẽ
già":
"Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại"
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại"
Thơ ông được nâng niu qua tay nhiều
thế hệ bạn đọc. Thơ xuân nói riêng, và thơ tình nói chung của ông như nói
hộ lòng người, trở thành tuyên ngôn bất hủ của tình yêu đôi lứa. Ông được các
thế hệ người đọc ưu ái gọi là "ông hoàng thơ tình: Xuân Diệu". Nếu
thơ xưa lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cái đẹp để so sánh thì với ông: "
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần "làm thi sĩ phải thốt lên:
"Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Vẻ đẹp yêu kiều của người thiếu
nữ với ông là chuẩn mực cao nhất, không gì đẹp bằng. Tháng Giêng với muôn hoa
khoe sắc, vạn vật hồi sinh qua con mắt của thi sĩ là cặp môi của người
thiếu nữ đang căng đầy sức sống. Cảnh xuân trong tình xuân, tình xuân đằm thắm
sắc xuân. Càng đọc, ta càng thêm yêu mùa xuân và "say" cái tình xuân
trong tứ thơ Xuân Diệu.
Thơ viết về mùa xuân còn rất nhiều:
"Xuân" của Chế Lan Viên, "Rằm tháng Giêng"của Bác Hồ,
"Bài ca xuân 61", "Bài ca xuân 68" của Tố Hữu, "Mùa
xuân nho nhỏ" của Thanh Hải...Mỗi nhà thơ lại có cách cảm nhận mùa xuân của
riêng mình. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là tình yêu mùa xuân của các thi
nhân luôn gắn liền với tình yêu đất nước, tình yêu giữa con người với con người.
Những ngày xuân đang đến rất gần,
khí xuân, sắc xuân...ngập tràn khắp nơi nơi. Xuân đến từ mùi khói bếp của nồi
bánh trưng mẹ thổi, xuân về theo những cánh én liệng bay khắp trời, xuân đến
"bên phố đông người qua" nơi ông đồ "bày mực tàu, giấy đỏ",
xuân đến từ sắc đỏ của hoa đào, sắc vàng của hoa mai, sắc xanh của chồi biếc...,
xuân đến từ nụ cười hồn nhiên trên môi em thơ khoe áo mới, xuân đến từ tiếng
pháo vui rộn ràng. Năm hết, Tết đến, điểm qua một số bài thơ xuân để thêm yêu đất
nước, quê hương, để cảm ơn đời đã cho ta sống những mùa xuân thật đẹp. Cảm ơn
các thi sĩ đã viết nên những vần thơ ca ngợi mùa xuân của đất trời và của lòng
người. Và vẻ đẹp mùa xuân mãi là vĩnh hằng, đắp bồi cho tâm hồn sáng tạo của
thi ca nhân loại đến muôn đời.
Vac-sa-va, xuân Nhâm Thìn 2012
HỒNG HOA
Theo http://queviet.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét