Trong thơ Việt truyền thống đã tồn tại một hình thức bố cục
thơ rất bền vững, ấy là mỗi tác phẩm thơ mang dáng dấp của một câu chuyện. Hình
thức “chuyện thơ” này đã tạo nên những đỉnh cao trên nền văn học nước nhà. Từ
tuyệt tác truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia
Thiều, Tống Trân - Cúc Hoa (khuyết danh) xưa kia cho đến những bài thơ tự sự của
Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ sau này đều được xây dựng theo môtíp tuyến tính, lớp
lang ấy! Cái khác là ở những bậc tài hoa, thì bên trong cái vỏ tự sự, kể lể
kia là kỳ trân dị thảo của văn chương, là những cung chữ biến ảo khôn lường, mở
ra bao hưng phế của thế thời và nỗi người thăm thẳm… Còn ở những cây bút dân
dã, ở những tâm hồn thơ bình dị, thì chuyện thơ của họ chỉ là sự trải lòng, là
sự khai mở thế giới nội tâm của người làm thơ, ngõ hầu vơi đi những nỗi niềm đã
và đang ngưng tụ trong lòng họ. Tác giả Chử Văn Hòa là một cây bút thơ bình dị
và đáng yêu như thế! Và tập thơ Sắc màu yêu này, với thể loại cơ bản
là thơ truyền thống, những bài thơ ấy cũng mang đậm tính tự sự chảy trong mạch
chữ.
Thơ Chử Văn Hòa ăm ắp những dòng yêu! Chỗ dìu dặt tình mẹ
tình quê, chỗ cuộn chảy tình non sông gấm vóc… nhưng đầy hơn, đọng hơn là những
dòng yêu chảy trong cung bậc của tình đôi lứa. Sắc màu yêu, nơi những câu
thơ mộc mạc, dung dị, nhưng rất đỗi chân thành đang kính cẩn chầu về ngôi đền
thiêng của tình yêu đôi lứa. Những câu chuyện của tình yêu mang sắc màu nhớ - thương - hờn - giận được Chử Văn Hòa “kể” bằng chất giọng Lục bát, bằng cổ
phong, bằng cách luật quen thuộc của thơ Việt truyền thống. Thơ ấy, dẫu chưa có
nét sáng tạo, hiện đại trong ngôn ngữ và cấu tứ, nhưng cái ào ạt của lòng yêu,
cái nồng nàn của cảm xúc từ hồn thơ ấy thì hiển hiện trên từng con chữ!
Thơ Chử Văn Hòa, nồng ấm một chữ Tình ủ trong những thảo thơm
mộc mạc. Điểm trong cái rộn ràng của Sắc màu yêu kia, thấy nét mặn mòi tần tảo
quen thuộc từ hình bóng mẹ quê: Mồ hôi hòa bát cơm chan/ Cái nghèo theo
mãi miên man tháng ngày/ Nhìn hình mẹ bỗng mắt cay/ Mồ hôi nhỏ xuống vai gầy mẹ
mang. (Mẹ tôi). Thấy ánh mắt người xưa hắt lên từ ký ức, để những xao xuyến động
trong lòng chữ: Lãng quên mọi thứ trên đời/ Để ta nhớ lại một thời lãng
du/ Gợi lòng như nhớ mùa thu/ Bình minh giọt nắng hắt từ mắt em. (Mắt em). Thấy
cái lạnh da diết phả vào lòng đêm, để mằn mặn dòng yêu ứa lên nơi khóe mắt: Gió
đưa cái lạnh vào nhà/ Đẩy hương hoa sữa phải ra ngoài đường/ Sao anh lại giấu lời
thương/ Để em lẻ bóng đêm trường cô đơn. (Vô đề). Chen giữa màu thương màu
nhớ của Sắc màu yêu là những khoảng xanh lồng lộng cho tình yêu thăng
hoa: Bầu trời thu mát trong xanh/ Đâu đây phảng phất hương chanh thơm nồng/
Em cười đôi má ửng hồng/ Chiều thu ôm trọn khoảng không đôi mình. (Bên em)…
Thơ tự sự, tuyến tính thường quyến luyến người đọc ở cái hồn,
cái tình của người viết. Sự đồng cảm của thơ đôi khi lại bắt đầu từ sự dung dị
và chân thành, bởi vậy đọc Sắc màu yêu, biết còn đó những hạn chế về nghệ
thuật, còn đó cái dàn trải của ý tứ thơ, nhưng hồn yêu và lòng đam mê thơ của
tác giả thì rất đáng trân trọng và ghi nhận!.
Hà Nội, mùa hoa 2017
Nguồn: Phòng Văn học và Lịch sử Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét