Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Chuyến hành hương không định trước

Chuyến hành hương không định trước
Có những điều không định trước nhưng đến với mình, và những điều định trước lại không đến. Đạo Phật gọi đó là “duyên” - có duyên thì thành, không có duyên thì không thành. Chuyến đi du lịch Trung Hoa lục địa vừa rồi của tôi trong mùa xuân vừa qua chắc cũng là cái “duyên”, vì không tính đi, không hứng thú nhưng giờ chót lại thay đổi ý kiến. Không ngờ trong chuyến du lịch đó lại được thăm viếng các thánh địa nổi tiếng mà nếu không đi, chắc cả đời tôi không biết đến được. 
Tứ Xuyên là một tỉnh lớn ở về phía Tây Nam Trung Hoa. Thủ phủ của Tứ Xuyên là Thành Đô, một thành phố cổ có lịch sử lâu dài, trước là kinh đô của nước Thục trong thời Tam Quốc.  Vùng này có nhiều cảnh đẹp của núi sông, trong đó có một nơi nổi tiếng như tiên cảnh trần gian gọi là “Cửu Trại Câu”. Cái tên nghe xa lạ khó đọc nhưng lại có gì lôi cuốn, vì đó là một nơi tương đối ít được nhắc đến, và ở gần biên giới Tây Tạng. Tôi vốn có cảm tình với Tây Tạng, một phần vì sự sâu xa của Phật giáo Tây Tạng và lòng mộ đạo của dân chúng, một phần vì cảm thương một dân tộc hiền lành bị mất nước vào tay kẻ xâm lăng bạo quyền. Tây Tạng một thời đã là một đế quốc rộng lớn trong thế kỷ thứ bẩy, khiến vua Đường phải nể sợ và gả con gái là công chúa Wencheng (Văn Thành) cho quốc vương Tây Tạng là Songtsen Gampo lúc bấy giờ, và đó cũng là một cơ duyên để Phật giáo du nhập vào Tây Tạng. Nhưng hiện nay, cổ thành xưa chỉ còn dấu vết, và dân tộc Tây Tạng sống lạc loài như một sắc dân thiểu số, ngôn ngữ và văn hóa có nguy cơ bị tiêu diệt theo sự Hán hóa ngày càng lan rộng. 
Chuyến đi này cho tôi cái nhìn rõ hơn về nước Trung Hoa cộng sản. Họ đã phát triển vượt bực về mặt kinh tế với hạ tầng cơ sở mở mang vững chắc. Nếu nhìn bề ngoài với những tòa nhà cao tầng đồ sộ, phố xá đẹp đẽ, con người ăn mặc chỉnh tề hợp thời trang thì thấy không khác gì những nước khác ở Á Châu như Đài Loan, Đại Hàn v.v..  Điều khác biệt là không khí dường như ngộp thở, không chỉ vì màn sương mù ô nhiễm thường trực bao phủ ở trên, mà còn vì sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền trên mọi mặt. Trong làn sóng người đi qua, dường như tôi ít thấy những nụ cười rạng rỡ vô tư, những cử chỉ thân thiện hay lịch sự. Có lẽ bởi vì họ đã được hun đúc trong một chế độ sắt đá, một xã hội đóng kín với nhiều khuôn phép, nên luôn luôn phải dè dặt  thủ thế, ít dám bầy tỏ những ý nghĩ cảm xúc thực sự của mình. Sự chú trọng kỹ nghệ hóa, phát triển đô thị khiến dân chúng đổ xô về thành phố, sống chen chúc trong những tòa nhà cao tầng đồng dạng tẻ nhạt, xấu xí. Ngay cả ở các vùng đồng quê hoang dã, những tòa nhà cao tầng ngất ngưởng này cũng đang được xây cất, đứng chơ vơ giữa trời như những cung đàn lạc điệu. Có lẽ vì phải sống trong không gian nhỏ hẹp, ít có những món ăn tinh thần, nên người Tầu lục địa thích đi chơi, đi du lịch nếu có phương tiện, để thoát ra khỏi những nhọc nhằn của đời sống hàng ngày, tìm chút huy hoàng trong phút chốc. Kỹ nghệ du lịch phát triển phần lớn cũng đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước. Một nơi xa xôi hẻo lánh như Cửu Trại Câu, trong một ngày trời mưa tầm tã, gió lạnh se người, mà cũng có một rừng người nối đuôi nhau, chen vai thích cánh lên những chuyến xe bus chật ních. Quả thật, dù cho có được cơm no áo ấm, đời sống ở nơi “người đông của khó” này thật là vất vả, kể cả lúc đi chơi cũng vậy. Nhưng phải ghi nhận một điều, là dù có ở trong biển người chen chúc, nhưng ít có tình trạng trộm cắp, cướp giựt tràn lan, chứng tỏ mức độ khá kỷ luật của người dân Trung Hoa lục địa.  
Cửu Trại Câu vốn là lãnh thổ của người Tây Tạng, với tên gọi do người Tây Tạng đặt ra, có nghĩa là “Thung lũng chín thôn làng”. Đó là một vùng rừng núi ngoạn mục, với những thác nước hùng vĩ chảy xuống những hồ nước xanh biếc như ngọc, trong suốt thấu đáy. Xa xa là những đỉnh núi tuyết mờ ảo, mây trắng vờn quanh, khiến trời và mây trông như thật gần. Hồn thiêng sông núi trong khung cảnh bao la kỳ vĩ của thiên nhiên cũng góp phần làm nên cuộc sống tâm linh phong phú của người Tây Tạng, với sự thâm nhập của ảnh hưởng đạo Phật trong đời sống. Tôi chợt nhớ đến một câu truyện về Quan Âm trong quyển “Bodhisattva of Compassion” của John Blofeld, trong đó khung cảnh câu truyện cũng tương tự như ở nơi đây:
“Trong một vùng xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nơi có những hồ nước xanh như ngọc tuyệt đẹp, có một gia đình nông dân người Hán sống lạc loài trong một khu vực đa số là người Tây Tạng. Gia đình này gồm có một cặp vợ chồng già, hai con trai với con dâu và một bầy cháu nội. Cách đó chừng một giờ đồng hồ đi bộ là một làng Tây Tạng nhỏ bé, có phố chợ và một ngôi chùa thờ Quan Âm. Tượng Quan Âm này có tướng nam với nhiều đầu và tay chi chít, trông rất uy nghi, khiến gia đình người Hoa này, đặc biệt là mấy người đàn bà, rất sợ hãi. Họ không biết đó là tượng Quan Âm, vì hình ảnh trông khác hẳn với Quan Âm dịu hiền mà họ thường biết đến. Sự bất đồng ngôn ngữ và văn hóa khiến họ thường nơm nớp lo sợ sẽ bị những người Tây Tạng xâm phạm đến và đuổi họ đi. 
Một ngày nọ, bà già và cô con dâu lấy hết can đảm đem thịt gà, chân giò heo và rượu đến cúng bức tượng, cho rằng bức tượng “quỷ thần” này chắc thích ăn thịt, và sẽ giúp cho được an lành.  Không ngờ, trong lúc để đồ cúng “bất tịnh” này dưới chân tượng, họ bị một vị sư bắt gặp, tỏ vẻ giận dữ và đuổi đi.  Sau đó ít lâu trong tháng, một ngày tối trời có một nhóm người bịt mặt tràn vào đuổi họ đi và phóng hỏa đốt nhà. Chạy trốn về tỉnh, họ đâm đơn kiện lên quan sở tại, lúc đó mới biết bức tượng ấy chính là tượng Quan Âm, và vì vùng này chỉ có một nhóm nhỏ binh lính người Hán, nên cũng không có biện pháp trừng phạt gì với những người Tây Tạng. 
Trong khi đó, Bồ Tát Quan Âm đang rất giận dữ. Mùa đông năm đó thật khắc nghiệt, và những vị sư trong ngôi chùa bỗng rơi vào cảnh thiếu thốn, túng quẫn vì không ai đến cúng dường, mặc dù mùa màng không bị thất thu. Họ đến tỉnh vào công đường xin được cứu trợ, nhưng bị quan sở tại từ chối. Họ phải đi khắp nơi, ở nhờ các thí chủ rộng rãi, lang bạt hết nhà nọ đến nhà kia, nhưng không bao giờ được cúng dường đầy đủ. Khi xuân đến, họ trở về chùa, sửa sang lại những chỗ hư hỏng lâu ngày bị hoang phế, và sửa soạn cho lễ hội Quan Âm sắp tới. Trước ngày lễ hội, chúng tăng cử hành lễ sám hối, quán niệm Quan Âm. Trong khi hành lễ, họ bỗng thấy hào quang từ bức tượng Thiên Thủ phát ra sáng chói, bức tượng rung chuyển một cách đáng sợ, và tiếng nói như chuông đồng ngân vang quở trách họ không biết trải lòng từ bi vô phân biệt đến các chúng sinh, nên đã phải chịu sự trừng phạt quả báo.
Vì dù cho không đích thân gây ra hỏa hoạn cho gia đình nông dân người Hán kia, sự tiết lộ tin tức của vị sư trong chùa cũng đã là nguyên nhân tạo nên sự việc. Chúng tăng nghe vậy rất xấu hổ, dốc lòng sám hối. Kể từ đó, được sự cảm ứng với Quan Âm, các vị sư đã hết mình làm những việc công đức, ngôi chùa được vang danh với lòng từ bi vô phân biệt của các ngài, và những tín đồ càng ngày càng thêm đông đảo.”
Rời vùng sông núi trên cao chúng tôi đi xuống vùng sông núi thấp hơn của Tứ Xuyên, thăm tượng Đại Phật nổi tiếng tạc vào núi ở Lạc Sơn. Đây là bức tượng tạc lớn nhất trên thế giới với chiều cao 71 mét, được khởi đầu dưới thời nhà Đường từ năm 713, ở ngay trên một ngọn núi nằm giữa sông như hòn đảo, đối diện với thành phố. Lúc ấy, núi Lăng Vân ở ngay địa điểm hợp lưu của ba con sông Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y, việc đi lại trên sông rất nguy hiểm, có nhiều tai nạn xẩy ra. Có vị hòa thượng tên là Hải Thông phát đại nguyện tạc một tượng Phật vào núi, tin rằng sự hiện diện của Phật sẽ làm cho sông bớt sóng gió và giải trừ tai nạn. Tôn tượng Đức Phật Di Lặc ngồi bệ vệ với hai tay trên đầu gối đã được khắc tạc suốt từ đỉnh xuống tới dưới chân núi, khuôn mặt hiền từ nhìn xuống phía dưới như gia hộ sự bình an cho những chúng sanh qua sông. Phía trước, hai bên tượng là hai tượng hộ pháp, và phía sau là những con đường quanh co đi vòng lên núi, cho người ta có thể chiêm ngưỡng tượng thật gần, hay leo lên trên tượng. Ngay cả một móng tay nhỏ nhất của tượng cũng đủ chỗ cho một người ngồi lên trên. Ngọn núi này cũng có một ngôi chùa ở trên và bức tượng Hòa Thượng Hải Thông khắc tạc vào đá, nhưng chúng tôi không có dịp lên xem, vì chỉ ở trên tầu nhìn qua. Tôn tượng này quả là một kỳ quan, gợi lên niềm tôn kính và cảm kích trước sự diệu kỳ của thiên nhiên và con người. Bởi vì bức tượng tuy vĩ đại, nhưng vĩ đại hơn nữa là niềm tin và công sức của những người đã tạo nên bức tượng này. Niềm tin “đội đá vá trời” của Hòa Thượng Hải Thông, sự hi sinh và kiên trì sắt đá của ngài, trước lòng tham của kẻ cường quyền muốn cướp đoạt số tiền đã quyên góp từ 20 năm, đã tự khoét mắt mình để bảo toàn cho một đại nguyện tưởng như ngoài tầm tay với, một công trình đã tốn biết bao công của và mồ hôi nước mắt, trải qua bao nhiêu thế hệ, đến 90 năm mới hoàn thành xong. Từ phương xa đến đây, chúng con xin thành tâm đảnh lễ Lạc Sơn Đại Phật và Hòa Thượng Hải Thông, cầu mong cho năng lực của lòng từ bi và trí tuệ, dũng khí cho lẽ phải và sự chính trực của người xưa sẽ trở lại chuyển hóa tâm thức của người ngày nay, những kẻ hậu duệ đã được thừa hưởng công trình tâm linh to lớn này.  
Từ Lạc Sơn đến nơi kế tiếp là Nga Mi Sơn chỉ khoảng chừng 28km, chưa đến một tiếng đồng hồ xe. Từ trước tới nay tôi chỉ biết đến Nga Mi Sơn qua những câu truyện võ lâm của Kim Dung, không ngờ đó lại là một trong bốn ngọn núi thiêng nổi tiếng nhất của Trung Hoa, mệnh danh là “Tứ Đại Phật Giáo Danh Sơn”, gồm có Ngũ Đài Sơn, Cửu Hoa Sơn, Phổ Đà Sơn và Nga Mi Sơn. Nga Mi Sơn cũng được gọi là “Đại Quang Minh Sơn”, và được coi như là đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền. Nga Mi Sơn đã là một trung tâm tu học và là nơi thánh địa hành hương kể từ những ngày Phật Giáo mới được truyền bá qua Trung Hoa. Những tài liệu từ thế kỷ 16-17 còn đề cập đến Nga Mi Sơn như một nơi luyện tập võ nghệ, phối hợp Phật giáo với Đạo giáo. 
Thành phố dưới chân núi Nga Mi dường như mới lập, hai bên đường thẳng tắp với những hàng cây, những cột đèn có hình hoa sen ở trên, những tượng voi trắng dọc đường, cảnh trí đẹp đẽ và ngăn nắp. Từ chỗ đậu xe, con đường dốc lên núi tới cổng chùa dài vô tận, phải đi một chuyến xe khác. Tuy nhiên, dọc đường tôi cũng thấy có nhiều người đi bộ. Ngọn núi Nga Mi này quả thật là rộng lớn, với những cánh rừng xanh mướt, những ngọn thác đổ và suối chảy róc rách, phong cảnh thật tươi mát thanh tịnh. Ngày nay đi lên chùa được hưởng những phương tiện thuận lợi, lại khâm phục người xưa đã mất bao nhiêu công sức để tạo dựng những ngôi chùa trên ngọn núi này, và khách mộ đạo thăm viếng cũng phải vượt qua bao hiểm trở, khó nhọc lắm mới tới nơi được. 
Nga Mi Sơn có những phong cảnh tuyệt đẹp, như Vạn Phật Đỉnh hay Kim Đỉnh, nổi tiếng với bốn kỳ quan là nhật xuất (mặt trời mọc), vân hải (biển mây), Phật quang (hào quang Phật hiện trên trời) và Thánh đăng (đèn thánh, những đốm sáng hiện lên trong những buổi tối không trăng sao), những cảnh trí ngoạn mục của thiên nhiên và những hiện tượng siêu nhiên kỳ diệu mà khoa học không giải thích được. Ngoài ra, còn rải rác những ngôi chùa và thắng cảnh khác trên ngọn núi, nhưng vì thời giờ eo hẹp, chúng tôi chỉ có thể thăm hai ngôi chùa ở dưới chân núi là chùa Phục Hổ và chùa Báo Quốc. 
Cấu trúc của các ngôi chùa cổ Trung Hoa thường tương tự như nhau, với cổng tam quan phía trước và những bậc thang dẫn đến tiền đường, nếu chùa ở trên cao. Từ tiền đường bước qua một khoảng sân mới đến chánh điện, hay còn gọi là đại hùng bảo điện. Ngoài chánh điện còn có thể có thêm tàng kinh các để chứa kinh sách. Gần cổng tam quan thường có hai tượng hộ pháp mặt xanh và đỏ, tượng trưng sự khuyến thiện, trừng ác. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là cấu trúc ngôi chùa, mà là không khí trong ngôi chùa ấy như thế nào. Cảnh trí của một ngôi chùa rất quan trọng, nói lên tâm của người đã tạo lập nên ngôi chùa ấy, và cũng góp phần làm cho thức tỉnh giác ngộ. Khi xưa Linh Vân tu lâu mà chưa tới, một hôm nhìn thấy hoa đào nở mà bỗng chợt bừng ngộ. Ngôi chùa lập trên núi đã có sẵn một bối cảnh tự nhiên xa rời chốn bụi trần, thanh cao và thoát tục. Một ngôi chùa cổ trên ngọn núi thiêng hẳn là phải có một không khí đặc biệt, trong đó khí thiêng của trời đất thấm thấu, hòa quyện với dư âm đạo lực của công phu tu tập qua bao nhiêu thế hệ, từ bao ngàn năm.  
Thật may mắn là hôm nay không có nhiều khách thập phương, phong cảnh ngôi chùa thanh vắng tĩnh lặng khiến khách vãng lai cũng cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Một ni cô nhỏ bé bước vào đảnh lễ trước tượng Phật A Di Đà, miệng niệm Namo Amituofo (Nam Mô A Di Đà Phật) không dứt. Điều tôi thấy hơi khác thường là những tượng Phật trong chùa này đều để trong những khung kính cách biệt ở trên cao, không tiếp cận với chúng sanh phía dưới.
Những bức tượng bằng đồng hay thếp vàng trông như mới, không có vẻ gì là những bức tượng cổ từ ngàn xưa để lại. Tôi tự hỏi không biết trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, điều gì đã xẩy đến cho ngôi chùa này? Chắc hẳn ngôi chùa tuy ở trên cao nhưng cũng không tránh khỏi gió bão vùi dập, và những bức tượng chắc cũng không tránh khỏi số phận bị đập nát dưới những bàn chân vô minh thô bạo. Tuy nhiên, dù những bức tượng bị đập  nát, dù ngôi chùa chỉ còn cái sườn nhà, khí thiêng từ bao ngàn năm vẫn không thể nào bị huỷ diệt dưới những bàn tay bạo tàn được. Cảnh cũ còn đấy thì hồn xưa vẫn còn bàng bạc, những hiện tượng kỳ quan vẫn còn đấy, chỉ cần có một tấm lòng chân thành, một tâm hồn đồng điệu, thì có thể cảm nhận được những điều không thể nghĩ bàn. 
Có một chuyện tôi cho là kỳ lạ đã xẩy đến với tôi. Suốt một ngày ở Cửu Trại Câu hết lên đồi, xuống núi qua những bậc thang vô tận, lại đi vòng những đường mòn qua suối, qua thác,  khiến cho ngày hôm sau hai bắp chân tôi đau nhức tưởng chừng như không cất lên được. Khi đến Nga Mi Sơn, bước qua cổng Tam Quan, nhìn thấy những bực tam cấp cao vời vợi phía trên, tôi đã thấy lo sợ, không biết mình có đi nổi không. Nhưng rồi tôi tự nhủ lòng, đã đến đây rồi thì có chết cũng phải đi lên đảnh lễ Phật, vì lúc nào mà có được cơ hội như vậy nữa. Thế rồi, chân thấp chân cao tôi lê từng bước lên những bậc trên, và rồi đi lên trên nữa để thăm viếng tất cả các điện thờ. Lúc xuống, dĩ nhiên là chân tôi còn đau hơn. Tuy nhiên, sau khi ngủ một đêm, sáng hôm sau tôi không còn thấy đau gì cả, dường như các bắp thịt đã trở lại bình thường. Phải chăng đây cũng là một điều kỳ diệu của Nga Mi Sơn?
Chuyến du lịch vừa rồi tuy không có mục đích đi hành hương, nhưng đối với tôi cũng như là đi hành hương. Và tôi nhận ra  một điều rằng, quốc gia có khác biệt về ranh giới, ngôn ngữ, nhưng niềm tin tâm linh hay tôn giáo là vượt ngoài ranh giới, ngôn ngữ. Đứng trước Phật trong một cảnh chùa thanh tịnh, tâm ý của tôi có thể đồng với tâm ý của một người Hoa, hay bất cứ người nào thuộc sắc tộc khác. Nhưng trên phương diện quốc gia dân tộc thì không như vậy. Đi thăm nước Trung Hoa lục địa, chứng kiến đời sống của dân tộc Tây Tạng làm tôi không khỏi nhớ đến quê hương Việt Nam trong hiện tình, với những cảm xúc khó tả. Tôi không thể quên những gì nước Trung Hoa ngày xưa, và Trung Cộng ngày nay đã và đang làm đối với đất nước Việt Nam. Nhưng tôi cũng không quên được sự ngay thẳng, nét thuần hậu của một số người Hoa tôi gặp, như cô gái hướng dẫn viên du lịch trong chuyến đi vừa qua. Nói cho cùng, họ cũng là nạn nhân của một chế độ. Chỉ mong rằng, lịch sử sẽ chuyển đổi theo sự vô thường biến dịch của dòng thời gian, và sẽ đem lại những cơ hội để người dân Việt biết tự mình đứng lên gánh vác vận mệnh cho chính mình, với tinh thần bất khuất từ ngàn xưa truyền lại. 
Rừng Tùng, tháng 6/ 2016

Ngọc Bảo
Theo http://www.ngocbao.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, là một nhà thơ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, là một nhà ngoại giao, ...