Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

Phạm Quỳnh: Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp

Phạm Quỳnh: Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp
Có ai còn nhớ Phạm Quỳnh không?. Ông là thượng thư triều Nguyễn, một đại trí thức đầu thế kỉ 20 của nước ta, nhưng bị chết thảm. Nhạc sĩ Phạm Tuyên là con trai của ông. Từ xưa tôi cũng thích đọc tiểu luận của Phạm Quỳnh, nhưng đó là những bài viết bằng tiếng Việt. 
Nhà văn Đoàn Tử Huyến vừa gửi tôi một thư báo cho biết rằng Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và Nxb Tri Thức vừa tổ chức xuất bản tuyển tập “Phạm Quỳnh: tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932”, do Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Ngô Quốc Chiến, Phạm Xuân Nguyên dịch, Phạm Toàn giới thiệu và biên tập, sách dày 528 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, bìa cứng. Xin giới thiệu cùng các bạn. 
Nguyễn Văn Tuấn
LỜI GIỚI THIỆU
Không biết bởi cái duyên nào, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại chọn Trung tâm Văn hoá 
Ngôn ngữ Đông Tây tại Hà Nội là địa chỉ duy nhất để trao những tập tiểu luận bằng tiếng Pháp do Phạm Quỳnh viết, tài sản sưu tập của gia đình và dòng họ, đã cho in một lần ở nước ngoài. 
Thế rồi, Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Đông Tây lại cho gọi tôi đến để giao việc tổ chức dịch, biên tập, giới thiệu, sao cho có một bản thảo khá hoàn chỉnh cho bạn đọc Việt Nam đương thời.
Vốn là người ít học, lại là lần đầu tiên biên tập một công trình nhiều người cùng làm, nhất là lại nghĩ đến gánh nặng trách nhiệm với học giả đã quá cố và gia đình Ngài, mới đầu tôi hơi ngần ngại. Nhưng chỉ mới lướt qua vài ba bài viết của Phạm Quỳnh, những bài viết trong hơn mười năm mà năm cuối cũng đánh dấu năm tôi ra đời, tôi thấy mình sửng sốt và tiếc rẻ tự hỏi vì sao đến bây giờ mới biết tới những trang viết đó. Thế rồi chính tôi lại đã vội vã nói với các bạn gánh việc ở Trung tâm Đông Tây: “Hãy để đó cho tôi, đừng giao cho ai khác nữa đấy!”.
Hôm nay, công việc của các dịch giả đã xong, việc cùng nhau dò lại bản dịch với bản gốc cũng xong, trong thời gian này nhiều lúc phải dừng lại không chóng vánh để tìm một cách diễn đạt sao cho xứng với những áng văn tuyệt diệu Phạm Quỳnh dù là không viết bằng tiếng mẹ đẻ, sau một ngày chủ nhật hoàn toàn thanh thản, giờ đây kẻ học trò này trong lòng đầy một niềm tĩnh tâm xao xuyến, xin được mạnh dạn viết những lời giới thiệu gửi tới bạn đọc đương thời và luôn thể cũng là những lời khấn dâng tới một người thiên cổ.
LÒNG YÊU CÁI ĐẸP
Đọc Phạm Quỳnh cả bằng tiếng Việt lẫn bằng tiếng Pháp, cái ấn tượng đầu tiên sau đó còn tiếp tục đeo đuổi ta, ấy không chỉ là sự khâm phục chiều sâu bác học và tầm cao ái quốc của tác giả. Ấn tượng lớn hơn nữa, còn đáng yêu hơn nhiều, càng quyến rũ ta vô cùng, ấy là lòng yêu cái Đẹp của bậc chí sĩ đó.
Trong những bài bút ký viết bằng tiếng Việt cũng như trong những tiểu luận bằng tiếng Pháp, sự tiếp xúc đầu tiên của Phạm Quỳnh với đất nước của tổ tiên để lại, ấy là tiếp xúc với cái đẹp của một tổ quốc, một dân tộc, một nền văn hoá, một sức sống. Nhiều người cũng làm được điều này. Nhưng điều gây bất ngờ cho ta, ấy là cái đẹp lại hiện ra ở những con người hết sức giản dị trong cuộc sống thường nhật. Trong bút ký kể chuyện Mười ngày ở Huế, dĩ nhiên là Huế mang vẻ đẹp thuyết phục qua cảnh trí và nhất là các lăng tẩm, nhưng khi nhìn vào con người Huế thì Phạm Quỳnh lại làm hiện lên không phải những mệ mang họ hoàng tộc dài lê thê, mà cái đẹp Huế được Phạm Quỳnh làm lộ diện trong những con người thuộc tầng lớp dưới của xã hội.

Những ngày ngao du Trên sông Hương có một hình ảnh được khắc họa tỉ mỉ. Đấy là một người chồng:
Người chồng làm công việc kéo xe tay, anh dẫn chúng tôi vào thành phố, hoặc kéo xe cho chúng tôi khi cần. Khác với những người "đồng sự" ở Hà Nội, đó là một chàng trai rất lễ phép, dễ bảo, và tôi có thể nói, rất có giáo dục (*).
Còn đây là một chị vợ:
Chị vợ thì dịu dàng, sẵn sàng phục vụ, nấu ăn ngon - chị nấu cho chúng tôi những món cá tuyệt vời - thêm vào đó chị còn có một chất giọng rất tuyệt: ban đêm, lúc chèo thuyền, chị vẫn hát những bài hát buồn buồn mê hồn.
Để nói về những con người hết sức dễ thương, những “người bạn” mới của Phạm Quỳnh khác hẳn với những người ông vẫn tiếp xúc trong cái môi trường bác học của mình, một bài thơ chữ Hán với hơi hướng Đường thi đã được nhà viết tiểu luận sử dụng để tạo thành bức chân dung cho chúng ta treo và ngắm:
I
Tháng sáu, cái nóng nung ngập bầu trời.
Người người bức bối than vãn trong cảnh lò lửa này
Nhưng, trong khắp thế gian, lại có cặp vợ chồng sung sướng.
Trên con thuyền mong manh, họ trữ đầy trăng thanh, gió mát.

II
Chồng trên cạn, vợ dưới sông, họ sống đời ung dung tự tại
Chồng kéo xe, vợ khua chèo lướt chiếc thuyền tam bản.
Nhưng cả xe cả thuyền đều chẳng xứng chở nỗi buồn chia cắt
Đêm về, vợ lại gặp chồng trên con đò sông nước.

III
Nước chảy về Đông cản lại triều dâng
Sóng cuộn bùn lầy tràn đầy dòng sông.
Vợ bảo chồng:
Đừng như con nước khuấy bùn
Để thiếp ôm mặt khóc ròng đêm khuya

Xin đừng nghĩ nhà nho học Phạm Quỳnh lại đang định phong hoa tuyết nguyệt!
Phạm Quỳnh hoàn toàn không có ý định giới thiệu thơ Đường luật của bạn mình. Phạm Quỳnh ý tứ dùng bài thơ kia để diễn tả một nỗi bất lực khi phải nói tới một điều không ai đủ sức diễn tả, ấy là cái tiếng hát trên sông Hương.
Thế rồi, bỗng nhiên có một giọng cất lên giữa cái im lặng vừa mới bị cuộc nói chuyện của chúng tôi làm vẩn đục. Đó là tiếng hát của cô lái đò trẻ. Có lẽ cảnh vật đẹp đẽ đã làm cô xúc động mà cô không biết, nên cô đã hát lên một khúc hát dân gian, quá du dương, quá dịu dàng đến nỗi nó như tiếng nói của thiên nhiên đã tự bật ra tự cái im lặng của không gian. Cô gái hát theo nhịp điệu của những điệu "hò mái nhì". Nó dựa vào cách kéo dài giọng sao cho khúc hát theo được nhịp chuyển động của mái chèo. Cô lái đò hát rằng:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Khi nghe khúc hát này, quá mộc mạc và đồng thời quá gợi cảm, đến nỗi ta như thực sự cảm nhận được tiếng vọng xa xa của tiếng chuông và tiếng gà gáy. Đó là những tiếng động duy nhất phù hợp với một cảnh vật như thế này, thực vậy, cảnh vật này đang thiếu vắng chúng; trong một phút giây, chúng tôi đã có cảm giác về một chất thơ đích thực. Chừng nào mà chúng tôi còn nghiêm khắc khi xét đoán những câu thơ bác học và phức tạp của các thi sĩ cổ và hiện đại, thì chừng ấy chúng tôi còn đồng ý với nhau để công nhận khúc hát quá mộc mạc này là sự sáng tạo tự nhiên của tâm hồn đại chúng. Cái giọng điệu sâu sắc và không thể xác định nổi này đã bộc lộ ra cái vốn thi ca của dân tộc ta.
Thế là ta đã hiểu: tình yêu cái đẹp ở Phạm Quỳnh là tình yêu khám phá cái đẹp của dân tộc, thể hiện ở những con người bình dân cụ thể, những người là dân tộc chứ không phải là những người nằm trong lòng dân tộc. Những con người lắm chữ nghĩa sẽ nói đó là một thái độ “dân túy” (populiste). Tôi không muốn cãi lại, để còn có thời gian đọc chính những lời bộc bạch đáng yêu của Phạm Quỳnh.
Ôi! những đêm xứ Huế không thể quên, những đêm đắm say và nồng nàn sống dưới thuyền tam bản trên sông Hương, những đêm mê đắm ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi được sống lại nữa!
Đã nhiều lần tôi quay trở lại Huế; cũng đã nhiều lần tôi lại dạo chơi bằng thuyền tam bản; tôi đã nghe cũng những khúc hát ấy, cũng thứ nhạc ấy, chúng đem lại cho tôi cũng sự quyến rũ hơi chút uể oải và buồn bã. Nhưng tôi đã không tìm lại được những xúc cảm mãnh liệt như cuộc du hành đầu tiên. Tuy nhiên khung cảnh vẫn là cảnh xưa, vẫn là những ngọn đồi xa xa như xưa, vẫn là con sông xưa chảy giữa đôi bờ rợp bóng ngày xưa, vẫn là những con thuyền tam bản rải rác trên dòng nước lười biếng, vẫn là ngọn tháp mộng mơ chiếm lĩnh cái góc phong cảnh thân thuộc ngày xưa; vẫn là những bức tường cao của tòa thành cổ tự ngắm bóng mình trong hào nước đầy cỏ lác; tất cả như gợi một bức tranh tinh tế bằng mực Tàu, bức tranh làm thỏa mãn trí tưởng tượng của những thi nhân. Chỉ riêng một điều là những người bạn cũ chẳng có mặt ở đấy nữa. Họ đã phiêu bạt bốn phương trời; họ đã chia cách khỏi ta vì khoảng cách và vì tư tưởng. Còn tâm hồn cũng vậy, có lẽ nó đã mất đi sức mạnh cảm xúc; tiếp xúc với những thực tế gồ ghề của cuộc đời, sự rung động bên trong đã giảm, tâm hồn trở nên ít bay bổng, và than ôi! nó đã quá khôn ngoan. Chính vì vậy mà những cảm xúc đầu tiên ta nhận được, những cảm xúc dịu dàng nhất, sâu sắc nhất sẽ không bao giờ gặp lại với cùng cường độ như xưa, và những giờ phút bay bổng nhất của cuộc đời sẽ chỉ sống lại được qua kỷ niệm.
DÂN TỘC LÀ CỤ THỂ
Những dòng chữ bên trên không chỉ là của một nhà báo trẻ giàu cảm xúc!
Đó là những dòng chữ của một chí sĩ trẻ ngẫm nghĩ về đất nước mình, về dân tộc mình. Và ở đây, ta sẽ thấy “dân tộc”, “đất nước” đối với Phạm Quỳnh hoàn toàn không phải là những khái niệm khô khan học thuộc lòng theo sách vở cốt để giật lấy một mảnh bằng. Dân tộc là những con người cụ thể như cô lái đò bình dân kia, như tiếng hát có tự muôn đời kia, cả con người lẫn tiếng hát mãi mãi cứ làm say đắm lòng người.
Một khi ta hiểu cung cách suy nghĩ - từ đó mà hiểu một văn phong Phạm Quỳnh - ta sẽ thấy người viết chính luận đó có cái đầu óc đầy chất thơ, đầy chất tự tình: Phạm Quỳnh không có thói lớn tiếng dạy dỗ bạn đọc về tính dân tộc hoặc về tinh thần dân tộc, mà tác giả tâm sự với đôi chút u buồn của kẻ mất nước với bạn đọc:
Khi ta có được cái may mắn thuộc về một dân tộc có sau lưng mình hai mươi lăm thế kỷ lịch sử, thì trong những lúc thất vọng hay hoài nghi, sẽ là một khích lệ tuyệt diệu nếu biết nhớ lại thiên sử thi anh hùng dài lâu của tổ tiên và rút lấy từ trong các bài học của quá khứ những sức mạnh cần thiết để đối mặt với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.
Những suy ngẫm đó không chỉ phảng phất chút u buồn! Sau cơn mưa trời lại nắng, sau những phút u buồn là những nhận thức rành rọt về dân tộc, những con người...
... Khát khao một nền độc lập mà họ chưa bao giờ có được đầy đủ và trọn vẹn, thường khi phải đeo đuổi nó như một ảo ảnh, chẳng bao giờ chùn bước trong cuộc đeo đuổi nền độc lập ấy qua bao nhiêu thăng trầm và thất bại, đôi lần đạt được nó trong những cuộc bùng phát ý chí thật đáng ngạc nhiên ở một chủng tộc vốn thụ động và uể oải, khi những nhân cách lớn như một Trần Hưng Đạo, một Lê Lợi, một Gia Long trong một lúc nào đó hội tụ được linh hồn dân tộc và bằng bản lĩnh mạnh mẽ của mình chế ngự được những tiềm lực vô thức và hỗn loạn.
Trong nỗi đau suy ngẫm, hoặc suy ngẫm trong nỗi đau, Phạm Quỳnh không thể không suy ngẫm về hiện trạng nước Nam thân yêu của dân tộc đang sống dưới “chế độ bảo hộ” của chính phủ Pháp. Xin tuỳ ý, ai muốn tiếp tục coi đoạn trích trong tiểu luận dưới đây là để “thuyết phục đồng bào cam chịu ách nô lệ” thì tuỳ, riêng tôi thì lại nghĩ đây chính là những suy ngẫm nói to thành lời trên trang viết:
Việc nước Pháp xâm chiếm đất nước này đã thành một điều định mệnh mang tính lịch sử; đối với chúng tôi, sự hiện diện của Pháp ở đây hiện nay đã trở thành một tất yếu chính trị.
Nguyên nhân vì đâu sự tất yếu này áp đặt được lên mọi người, ta đều đã biết đầy đủ, và không cần phải nhắc lại. Nước Nam một thân một mình, suy yếu không thể đứng vững, không thể tự bảo toàn, tất sẽ rơi vào ách của một quốc gia khác có thể còn vụ lợi và tham lam hơn, như vậy sẽ mất đi thành quả mà nó đã gặt hái được từ sự tiếp xúc với Pháp, tới mức nước Pháp thành người bảo vệ tốt nhất cho nước Nam.
Phạm Quỳnh thấy rõ, thật vô ích khi bình phẩm về các thiệt hại hai bên gây ra cho nhau. Khi đã ở vào tình trạng đó, con người cả hai bên đều phải gánh một trách nhiệm nặng nề trước lịch sử.
Nhưng “vô ích” không có nghĩa là không đòi cho được một nền độc lập cho dân tộc theo cách thức thích hợp nhất có thể. Và Phạm Quỳnh đã đòi, đòi bằng cách dùng lý lẽ để thuyết phục vào lương tri con người.
Phạm Quỳnh cổ suý cho một chủ nghĩa dân tộc của nước Nam. Cái chủ nghĩa dân tộc đó không phải là sản phẩm tưởng tượng của một ai. Đó cũng không phải là cái chủ nghĩa dân tộc rộ lên “theo phong trào” tiếp theo sau cuộc Thế chiến thứ nhất. Cái chủ nghĩa dân tộc đó của người Nam vẫn từng tiểm ẩn trong lòng dân tộc này. Phạm Quỳnh nối rõ cho những người đang là đối tượng thuyết phục:
Thực ra thì tinh thần dân tộc luôn luôn mãnh liệt ở nước chúng tôi. Chỉ cần đọc lịch sử của chúng tôi là nhận thấy rằng, bất chấp danh nghĩa chư hầu của Trung Quốc, nhưng mỗi cuộc xâm lăng của Trung Quốc, mỗi một tác động tạo ảnh hưởng mới của Trung Quốc lên đất nước này, đều tạo nên một sự bùng nổ tinh thần dân tộc trong quảng đại quần chúng, và các vị vua chúa của chúng tôi đều biết khéo léo khai thác để giành lại giang sơn, để đặt những nền móng cho một triều đại mới, hay là để khôi phục lại sự thống nhất đã bị lung lay vì các cuộc nội chiến.
Và Phạm Quỳnh nói rõ, tinh thần dân tộc đó vẫn tiếp tục kể cả trong khi người Pháp tiến hành vừa xâm chiếm vừa bình định, và cả sau khi người Pháp đã có hoà ước Patenôtre 1884 xác lập các quyền của họ ở Việt Nam:
Lịch sử thiết lập chế độ bảo hộ Pháp tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ là một chuỗi các phong trào khởi nghĩa dưới các dạng khác nhau nhưng đều có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa rõ rệt.
Các cuộc đối kháng vũ trang với quân viễn chinh Pháp đã chấm dứt. Nhưng vẫn còn đó một tinh thần đấu tranh và một phương thức đấu tranh mới cho chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam:
Thực tế là giới trí thức nước Nam cho tới tận gần đây vẫn luôn thù địch với trật tự mới. Ban đầu họ đứng ngoài các cuộc nổi dậy do các thủ lĩnh băng đảng xuất thân bình dân phát động, nhưng rồi họ cũng cũng tham gia vào con đường cải cách kể từ sau khi Trung Quốc bị Nhật Bản đánh bại năm 1894. Những cuốn sách của các nhà cải cách Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... đã ảnh hưởng sâu sắc lên giới trí thức cũ chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong suốt hai mươi năm, từ 1895 đến khoảng 1914. Lúc đó nhiều trí thức đã chạy sang Trung Quốc và Nhật Bản và tất cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ này, đặc biệt là các sự kiện năm 1897, 1908, 1913, đều có sự kích động ít nhiều trực tiếp của các trí thức lưu vong ở nước ngoài.
Khi Chiến tranh thế giới thứ I sắp bùng nổ, số lượng các nhà nho này bắt đầu ít dần, do không còn người theo học sau khi Nho học và các kỳ thi lớn ba năm một lần bị bãi bỏ. Thay vào đó là một tầng lớp trí thức mới được đào tạo không theo lối Trung Quốc nữa, mà từ trường phái Châu Âu. Có người nghĩ rằng ngọn lửa ái quốc tích cực đã tắt cùng với những người Nho học cuối cùng. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Giới trí thức mới đã tiếp nối trung thành các bậc cha chú của mình. Nhưng do thiếu kinh nghiệm chính trị, lại tin vào những lời hứa không tiếc lời trong các diễn văn hùng hồn của Toàn quyền Sarraut, họ đã bị hệ tư tưởng chiến tranh mà chúng ta đã nói ở trên cuốn đi. Thời hậu chiến đã mở mắt cho họ. Họ đã thấy rõ hơn hoàn cảnh của đất nước mình và đã tỏ ra một tinh thần dân tộc chủ nghĩa thậm chí còn hơn cả ở những người đi trước.
"XÍCH LẠI GẦN NHAU"
Những sự thật lịch sử đấu tranh cho một chủ nghĩa dân tộc - một nền độc lập trọn vẹn - cùng với những thất bại còn hơn cả mức đau lòng đã dẫn Phạm Quỳnh đến một sư duy khác hẳn: đó là cuộc vận động cho một sự xích lại gần nhau giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp.
Trước hết, bằng một nhãn quan vừa độ lượng vừa thấu suốt, Phạm Quỳnh quy tội cho “con lịch sử”, nhưng quy tội thật khéo, có khi mượn lời chính người Pháp để người đọc những tiểu luận tiếng Pháp dễ tiếp thu hơn.
“Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận, [...] không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác. Nghị lực, tài năng, sự sáng suốt, lòng trung thành của họ đều nhằm tạo nên hay khai thác sự bất bình đẳng. Họ lao tâm tổn sức và thường hy sinh trong việc làm cho kẻ khác những gì họ không muốn kẻ khác làm cho mình. Mà ắt phải khinh bỉ con người, dù đôi khi không hề biết là mình làm như vậy, - và thậm chí với ý định tốt -, để có thể ra sức trừ khử họ hay quyến rũ họ. Khởi đầu là sự khinh bỉ. Không có quan hệ qua lại nào dễ dàng hơn và được thiết lập nhanh chóng hơn”.
Kết quả tất yếu là, trong quan hệ giữa các dân tộc Phương Tây và Phương Đông
được xây dựng trên những cơ sở như vậy, dai dẳng một sự bất ổn mà tất cả những ý đồ tốt nhất cũng không sao xua tan được.
Phạm Quỳnh cũng mượn lời các học giả Phương Tây để nói tới “cơn điên rồ tập thể...” ấy.
Phạm Quỳnh kêu gọi hành động, và vạch hướng đi cho hành động:
Chúng tôi đã nói rằng tình hình có thể được cải thiện bằng một cố gắng thẳng thắn và thiện chí của cả hai bên. Cố gắng này phải chăng vượt quá khả năng của chúng ta? Chúng tôi không nghĩ thế. Trên thực tế, cũng giống như trong mọi việc khác, chỉ cần muốn là có thể. Nhưng cần phải muốn.
Vì vậy chúng tôi sẽ nói với những người Pháp và với người nước Nam nào mong muốn thực hiện sự hòa hợp rất nên làm này, một sự hòa hợp càng đáng thực hiện vì sự phồn thịnh của đất nước thân yêu chúng ta phụ thuộc vào nó:
- Hãy gắng xích lại gần nhau; bạn sẽ thấy việc đó là đúng. Cuộc chung sống của chúng ta sẽ dễ chịu hơn và có ích hơn. Dù thế nào chăng nữa thì nó cũng sẽ gạt bỏ được vô số điều hiểu lầm đang quấy rầy, đang làm hỏng và đôi khi thậm chí còn đầu độc cuộc chung sống này.
Với các đồng bào nước Nam của mình, chúng tôi sẽ nói:
- Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta để có thể khác đi. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện tại, tương lai với những hy vọng của tương lai là đủ để chúng ta quan tâm. Không ích gì khi đả kích vào những điều đã xảy ra. Sự đô hộ của Pháp là một thực tế mà chúng ta không thể làm gì chống lại nó và chúng ta phải coi nó là một yếu tố. Hãy chấp nhận nó với tất cả các hậu quả của nó, và hãy tìm cách rút ra từ đó cái khả năng có lợi nhất.
Để làm được công việc xích lại gần nhau, Phạm Quỳnh không ngớt đi sâu vào công cuộc nghiên cứu những giá trị văn hoá muôn đời của người Việt Nam, rõ ràng là với ý đồ buộc người Pháp phải “sáng mắt ra” mà tôn trọng những giá trị không thể chối cãi ấy, từ đó mới có được bình đẳng thực sự giữa đôi bên. Phạm Quỳnh nhiều lần nhấn mạnh thái độ khước từ sự thương hại hạ cố của “Mẫu quốc” với dân nước Nam có đời sống giản dị nhưng tâm linh thì mang đầy những giá trị văn hoá.
Nhưng Phạm Quỳnh không hoàn toàn nhắm mắt rung đùi thoả mãn với những gì dân tộc ta đã có. Phạm Quỳnh còn đau đáu những điều liên quan đến những yếu kém thực sự của người nước Nam. Phạm Quỳnh đi sâu vào học thuật để “huấn luyện” cả người nước Nam lẫn người Pháp có được những cơ sở triết học, đạo đức, nhân sinh của công cuộc xích lại gần nhau.
Trước hết, về triết học, Phạm Quỳnh thấy rõ nước Việt Nam vốn theo Khổng nho. Nhưng Phạm Quỳnh cũng thấy rất rõ tính hời hợt ngay ở nhiều bậc “túc nho” nước nhà. Nên chi, khi ở Trung Hoa, khi chế độ dân quốc chiếm được quyền hành, đạo Khổng bị lăng nhục, “lão già” họ Khổng bị coi là lố bịch, thì Phạm Quỳnh vẫn nói, ở Việt Nam chỉ có một một làn sóng dửng dưng thôi; Phạm Quỳnh viết với hành văn đầy giễu cợt:
Ở nước Nam, làn sóng mất tín nhiệm này đúng ra là một một làn sóng dửng dưng. Bậc hiền triết ở Khúc Phụ, mới đây còn đem lại sự sinh động cho toàn bộ đời sống đạo đức và tinh thần của đất nước này bằng những lời dạy và những châm ngôn của ông, nay trông có vẻ xa vời, thật xa vời trong không gian và trong thời gian. Và nếu gần đây, một nhà nho nước Nam, theo gót các đồng nghiệp của ông ta ở nước “Trung Hoa trẻ”, đã thử viết ra bản án Khổng Tử và Khổng giáo, thì hình như ông ta cũng chẳng mấy khiến độc giả chú ý; chẳng có ai tán đồng cũng chẳng ai phản đối; và tôi rất nghi rằng các bài báo của ông, tuy được viết với văn phong và tư liệu khá công phu, cũng có số người đọc ngang với mẫu tin bé tẹo nói về chiến công của chàng vô địch quần vợt được tất cả báo chí tiến bộ xếp lên hàng anh hùng dân tộc.
Hiểu rõ tình trạng học hành không đến đầu đến đũa của nhà nho nước mình, Phạm Quỳnh phải viết bài giải thích hệ thống triết học đó cho người Việt. Nhưng, là người luôn luôn bị ám ảnh vì tư tưởng “xích lại gần nhau” giữa người Pháp và người Nam, nên với quỹ thời gian hữu hạn của mình, Phạm Quỳnh bao giờ cũng một công hai việc, giải thích luôn cho người Pháp. Điều này giải thích vì sao lại có những tiểu luận triết học từ Khổng, đến Mạnh, rồi đến Mặc - nếu chỉ cần giải thích cho người Việt, Phạm Quỳnh đâu có rỗi hơi mà viết bằng tiếng Pháp?
Trên tinh thần đó, cách giải thích của Phạm Quỳnh tiến hành thành ba bước, nếu có thể nói như thế.
Bước thứ nhất là “khen ngợi” những yếu tố tích cực của đạo Khổng mà dân ta đã tiếp thu được. Theo nội dung này, nếu người Việt Nam muốn duy trì những tập tục vô hại (hoặc có lợi) nào đó, thì có thể dùng Khổng giáo để lý giải và chấp nhận (lễ Tết, thờ cúng gia tiên, tục chôn cất người chết, v.v...) Bước thứ hai là bổ sung cho Khổng Tử những quan điểm của Mạnh Tử, mà có lẽ theo Phạm Quỳnh, Mạnh sẽ giúp ích hơn cho công cuộc xích lại gần nhau giữa Pháp và Việt Nam. Nhưng phải đợi bước thứ ba nghiên cứu đạo Khổng, với việc bổ sung Mặc Địch - một gương mặt vĩ đại mà cả Tư Mã Thiên cũng bỏ qua một cách bất công, chỉ dành cho Mặc Địch chừng ba mươi chữ (!) - để nói rõ hơn về con đường hoà hợp nhau giữa nước Pháp và nước Nam.
Phạm Quỳnh khen ngợi Khổng Tử và đồng thời cũng khen ngợi hành xử của tập tục Việt Nam - lấy một chuyện gai góc nhất, thờ cúng người chết - tập tục đó được Phạm Quỳnh mượn người xưa mà lý giải thế này:
Theo Kinh Lễ lời nói sau đây là của Khổng Tử: “Coi người chết như là đã chết rồi thì sẽ là vô nhân. Chẳng nên làm thế. Nhưng coi họ như những người đang sống thì sẽ là vô lý. Chẳng nên làm thế”.
Và,
Như vậy không nên coi người chết như đã chết rồi, có nghĩa là không chăm nom gì đến họ nữa, quên bẵng luôn đi: cũng chẳng nên coi họ như còn sống, nghĩa là tin là họ còn sống thật. Đúng ra, họ sống bằng ký ức của chúng ta, bằng sự sống động, tính nồng nhiệt của cái tình cảm mà chúng ta gọi là đức hiếu đễ, biết tôn kính những người đã cho ta sự sống và ý thức, khiến cho họ còn tồn tại mãi, nuôi giữ ký ức về họ, truyền nối việc thờ cúng mãi mãi cho con cháu chúng ta, bằng cách đó tạo cho ta cái ảo tưởng, - một thứ ảo tưởng tốt lành, - về sự nối tiếp, về tính vĩnh hằng, tóm lại về sự bất tử, trong cuộc tồn sinh thoáng chốc, trong cõi thế gian biến ảo này.
Phải hiểu tình cảm sâu sắc của bậc hiền triết như vậy đấy. 
Và rất khôn ngoan, khéo léo là cách Phạm Quỳnh ca ngợi cái sự tìm kiếm hạnh phúc, cái hạnh phúc tự nhiên của người Nam trong tục lễ tết.
Hạnh phúc! Ước mơ về hạnh phúc ám ảnh đầu óc và trí tưởng tượng của mọi người. Ở xứ sở này, mỗi lần năm mới đến, người ta lại nói đến hạnh phúc, lại mời gọi, lôi kéo nó đến, người ta lại hình tượng hóa nó bằng trăm nghìn kiểu khác nhau. Người ta ngợi ca nó trên các lời ghi và câu đối viết trên giấy điều trang trí các bức tường và các cánh cửa. Và vì màu đỏ là màu sắc đặc biệt của hạnh phúc, xác pháo đỏ và những cánh hoa đào màu hồng rải dày trên các sân nhà và các bàn thờ. Cả con người nữa cũng mang một diện mạo tươi cười, đon đả, một thái độ vui sướng như để cố níu giữ niềm hạnh phúc vốn rất mong manh và khó nắm bắt, giống như con chim vàng anh đậu trên cành liễu, cất tiếng hót một lúc và lại chuyền mất sang những cành khác. Và thật là vô cùng xúc động cái niềm hướng vọng ấy của cả dân tộc vươn tới một cảnh sống tốt đẹp hơn mà họ mơ tưởng song chẳng phải bao giờ cũng đạt được.
Vì thế mà,
Tết là gì? Tết là tiếng gọi mênh mông của tất cả những người con của nước Nam, trong dịp đổi mới toàn bộ của đất trời và của muôn vật, gào lên niềm tin vào cuộc sống cùng niềm khát khao hạnh phúc và an vui của mình.
Đã uốn được cho họ Khổng cũng phải phục vụ cho đường lối xích lại gần nhau, Phạm Quỳnh đã viết những lời đúc kết vừa chân xác và lại vừa dạt dào tình cảm đối với Mạnh Tử và đặc biệt là với Mặc Địch, những con người, tuy Phạm Quỳnh không nói ra, nhưng thực sự được đánh giá là cao hơn hẳn họ Khổng.
Cao hơn hẳn, vì nó chính trị hơn và đạo đức hơn.
Cao hơn hẳn, vì nó thực dụng hơn và khả thi hơn.
CÔNG CỤ GIÁO DỤC
Những con người nhìn xa trông rộng của nước Nam bao giờ cũng thấy một điều rất căn bản này: tổ quốc có thể giành được độc lập (bằng vũ lực hoặc bằng con đường “xích lại gần nhau”) nhưng nền độc lập ấy sẽ không có mấy ý nghĩa một khi dân trí thấp. Cái dân trí thấp không phải là định mệnh của người Việt, mà nó là kết quả tích tụ từ bao đời, và cái dân trí thấp đó thậm chí là thuộc tính của ngay cái tầng lớp tinh hoa! Vì thế mà hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh thì kêu gọi chấn hưng dân trí. Vì thế mà các nhân sĩ Đông Kinh nghĩa thục một mặt thì ủng hộ sự kiện gọi bằng “Hà thành đầu độc” cũng như những cuộc nổi dậy ở các tỉnh, song lại chủ trương cái kế sách bền lâu ấy là mở trường phổ cập văn hoá hiện đại cho công chúng. Vì thế mà Hồ Chí Minh thì có thư gửi quốc dân đồng bào, nói rõ ngay khi mới giành được độc lập năm 1945 về ba loài giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
Phạm Quỳnh cũng đau đáu một nỗi đau dân trí thấp ấy. Cả một đời Phạm Quỳnh là một đời không ngừng hoạt động thực tiễn và lý thuyết để thức tỉnh và nâng cao dân trí. Những hoạt động trong phạm vi hội Khai trí tiến đức, trong các trang báo Nam Phong, đều muốn lấy đó làm một làn gió mới của phương Nam nâng cao dân trí và đạo đức của dân tộc này. Một mảng lý thuyết rất được Phạm Quỳnh suy tính.
Những lời Phạm Quỳnh viết cách nay gần một trăm năm mà sao vẫn thấy nó đương đại với chúng ta hôm nay, trong thập niên đầu của thế kỷ XXI - chỉ với một chút khác biệt ấy là dựa vào thiện chí khai sáng theo trách nhiệm bảo hộ của Pháp:
Nếu mục đích cao cả của mọi nền giáo dục là để đóng góp vào sự phát triển đầy đủ nhân cách con người, và nếu như nhân cách con người trước tiên bao giờ cũng phụ thuộc tùy theo chủng tộc và môi trường, rồi sau mới phụ thuộc vào cái nền tảng nhân loại và phổ quát, là điều ở mọi thời đại và trong mọi đất nước đã cấu thành nên con người cụ thể, chính là cái đã tạo nên cơ sở của nền văn hóa Pháp, thì chúng tôi yêu cầu nền giáo dục Pháp hãy đào tạo nên những người nước Nam đích thực, những người nước Nam đầy đủ, và không phải là những một nửa hay những một phần tư người nước Nam.
Không phải là những dạng người nước Nam què quặt ấy, những người chỉ có một cơ sở văn hóa phiến diện, sẽ phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp của nền văn minh Pháp trong đất nước chúng tôi như người ta thường vẫn nghĩ, vì rằng chừng nào mà họ không nói được ngôn ngữ của đồng bào họ, thì làm cách gì mà họ gây được chút ảnh hưởng nào đó với đồng bào mình kia chứ?
Chỉ có những người nước Nam hoàn chỉnh, nếu tôi có thể nói như vậy, bắt đầu nghiên cứu khoa học và bắt đầu nghiên cứu văn minh hiện đại, luôn luôn gắn bó với ngôn ngữ và truyền thống của đất nước họ, thì mới có thể phục vụ đắc lực nhất Tổ quốc mình và nước Pháp.
Đó là đường lối chiến lược. Cụ thể hóa ra một bước, Phạm Quỳnh đề xuất một hướng đi kèm theo một cách làm hết sức hành dụng:
Cần phải làm gì để đào tạo những con người như vậy?
Cần phải có một nền giáo dục tiểu học tốt, dạy bằng tiếng nước Nam, xin mở ngoặc, tiếng nước Nam hoàn toàn có khả năng cung cấp một nền giáo dục như vậy. Nền giáo dục này sẽ là cơ sở cho mọi công cuộc giáo dục khác. Chỉ khi học xong tiểu học người ta mới sẽ tiến hành việc chọn lựa nghiêm túc; đối với những chủ thể tinh hoa có khả năng đẩy xa hơn việc học tập, ta sẽ dạy tiếng Pháp như ngoại ngữ thứ nhất để chuẩn bị cho họ theo học những trường trung học, kỹ thuật hay cao đẳng ở Đông Dương và ở Pháp. Những người này, khi học xong, sẽ là những người có năng lực tốt nhất, thông qua cơ sở giáo dục tiểu học và quốc gia mà họ đã thu nhận được, nó làm họ gần gũi với đồng bào của họ, để rồi sẽ dẫn dắt những người này tới nền văn hóa mới. 
Bởi lẽ, và đó cũng hãy còn là điều lẫn lộn và một nhầm lẫn cần xóa bỏ, ngôn ngữ là một chuyện và văn hóa lại là một chuyện khác; không nhất thiết cần phải biết tiếng Pháp để có được văn hóa Pháp; văn hóa này có thể được chuyển nhanh chóng hơn và cũng hiệu quả hơn bằng phương tiện truyền bá nhờ ngôn ngữ dân tộc.
Bằng hệ thống giáo dục đã được khuyến nghị như trên, mọi người nước Nam học xong những trường Pháp sẽ đủ khả năng phổ cập hoá rồi phổ biến rộng rãi bằng phương tiện ngôn ngữ dân tộc những tri thức mà anh ta có được bằng tiếng Pháp, thay cho cách làm vào lúc này là chỉ có một thứ giải pháp đào tạo từ thấp lên cao những người đồng hương trẻ tuổi của chúng tôi, giải pháp này có khuynh hướng tách hoàn toàn những người trẻ tuổi này ra khỏi môi trường của họ.
Phạm Quỳnh đã đi đến đường lối đó chắc hẳn không dễ dàng. Vì vào thời đó, cũng có những “phương án” khác, trong đó có phương án dựa vào Nhật Bản để chấn hưng dân trí. Phạm Quỳnh đã đem suy nghĩ về Nhật Bản trong sự suy nghĩ về mối tương quan giữa Đông và Tây, chắc hẳn để tính toán xem đó có thể là chỗ dựa không:
[...] đúng là sự khác biệt cơ bản chia cách Phương Đông và Phương Tây, Châu Á và Châu Âu. Một phía, là niềm say mê cái tuyệt đối và cái toàn thể, phía kia, chú ý vào cái ngẫu nhiên và cái riêng biệt. Chỉ cần rút ra từ đó tất cả các hệ quả để khắc họa nên những nét chính của các nền văn minh Phương Tây và Phương Đông. Đắm mình trong chiêm ngưỡng cái Lý tưởng, chăm chăm vào cuộc tìm kiếm và đuổi theo cái Tuyệt đối, Phương Đông đã đông cứng lại trong sự phát triển của mình, dửng dưng với tất cả những tiến bộ của thế giới bên ngoài. 
Không đủ sức chống lại các bộ lạc du mục man dã xâm chiếm đất nước mình (người Hun, người Mông Cổ, người Tác-ta), rất nhiều lần họ đã để cho chúng tràn ngập và mỗi lần như vậy lại rơi vào cảnh phụ thuộc nhục nhã, cuối cùng tạo nên “một sự rối loạn về trí tuệ, một nỗi kinh hoàng tinh thần” mà các dân tộc của họ không bao giờ có thể hoàn hoàn bình phục được.
Chỉ có Nhật Bản, nhờ hoàn cảnh đảo quốc của mình và cũng nhờ ý chí của dân mình, tránh được các cuộc xâm lược ấy, và trong thời điểm quyết định đã có thể tập trung được toàn bộ sức mạnh mới mẻ và nguyên vẹn của mình cho công cuộc biến đổi và thích ứng, đưa nước Nhật lên cao đến thế trong hàng thứ bậc các quốc gia hiện đại.
Ôi, Phạm Quỳnh, con người lúc nào cũng yêu cái đẹp, và vì yêu cái đẹp mà yêu những con người đang sống và sắp sinh ra để sống mãi mãi trên cái mảnh giang sơn gấm vóc này, và con người yêu cái đẹp ấy không thể nào không là con người của ảo tưởng, Phạm Quỳnh đành quay về chỗ dựa còn lại duy nhất ad augusta per angusta - đành lòng với “mục tiêu huy hoàng, khắc phục vô vàn chuyện nhỏ nhen”, như người xưa đã nói vậy - để vỗ về Mẫu quốc như thế này đây:
Công cuộc cải cách này không khó lắm, và Chính phủ Bảo hộ chắc chắn sẽ quan tâm để thực hiện điều đó khi chính phủ hiểu rõ tầm quan trọng gắn với chuyện này.
Nhưng ta không thể chỉ thoả mãn với việc đào tạo thích hợp những người nước Nam có khả năng hiểu rõ tư tưởng và văn minh Pháp và đưa họ đi khắp nơi, sống giữa đồng bào của họ. Cũng mong rằng có nhiều người Pháp quan tâm tới sự phát triển của chúng tôi, với không thành kiến nào họ sẽ nghiên cứu ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, nền văn minh của chúng tôi. Nói tóm lại, cũng mong rằng, về phía người Pháp ở nước Pháp và ở Đông Dương, sẽ bớt đi sự thờ ơ, và nhiều thêm sự tò mò tích cực và thiện cảm đối với mọi sản phẩm tinh thần và tư tưởng của người nước Nam.
Chính vì vậy nên chúng tôi thực hiện, đối với cả hai phía, cái chính sách cộng tác và liên kết mà những con người nổi tiếng vẫn thường công bố bằng những lời khá là hùng biện, những con người nổi tiếng đó, cho đến nay, vẫn gánh ở trên vai trách nhiệm đối với số phận của đất nước tôi.
Và người đầy ảo tưởng mộng mơ thì thường vẫn nghĩ mình sáng suốt sau khi đã “phân tích khách quan khoa học” mọi khả năng có thể dựa vào để nâng cao dân trí cho con dân nước Việt. Có những lúc con người mơ mộng đó hoang mang đau đớn và đi tìm một chỗ bám víu, và như một lời khấn trước tổ tiên, Phạm Quỳnh viết:
Ôi! Ta biết lắm, chúng ta là những người lạc hậu. Chúng ta chẳng biết những lý thuyết đẹp đẽ về tiến bộ và phát triển. Tiến bộ, cái từ mới đẹp làm sao! Nhưng cũng thật dối trá và lừa đảo! Người ta đã phạm phải những điều kinh khủng nhất nhân danh cái từ to lớn, thường là vô nghĩa đó. Con có tin rằng nhân loại ngày nay tốt hơn thời Khổng Tử không? Về cơ bản, thế giới cứ quay vòng quanh; sau mỗi chu kỳ tiến hoá, mọi sự lại bắt đầu và cứ tiếp tục như vậy mãi. Không hề có sự tiến bộ tuyệt đối. Đấy là một trong những điều mê tín của thế kỷ này vốn tự cho rằng mình đã thoát ra được khỏi mọi định kiến và nếp cũ. Có những tiến bộ nhỏ, những bước đi tới nhỏ về phía trước trên con đường dài vốn, như chúng ta vừa nói, cứ quay vòng tròn. Điều đó gây nên ảo tưởng, chỉ có vậy thôi. Thường đấy là một ảo tưởng tốt lành, khiến cho ta giữ được lòng can đảm và khuyến khích nỗ lực, bao giờ cũng là điều tốt, nhưng chớ nên quá bám lấy ảo tưởng ấy, như là một sự mê tín nó che mờ tâm trí ta và làm mờ tối trí thông minh của ta.
Vậy nên, gia đình và tổ quốc phải là hai cực trong hoạt động của con, nếu con muốn hành động và mong muốn giúp ích được chút nào đó. Bởi đó là hai chân lý tích cực và sống động duy nhất; mọi thứ khác chỉ là mơ tưởng và hão huyền.
Đấy là bài học lớn nhất mà tổ tiên của con có thể dạy cho con; nó đã từng ích dụng cho chính họ, nó cũng sẽ ích dụng cho con và con cháu của con cho đến các thế hệ cuối cùng.
Trong khoa Văn bản học có một “luật” phát biểu gần như sau: mỗi văn bản là một đồ vật khách quan trước con mắt mọi người, và đồ vật ấy khi được chiếm lĩnh bởi một chủ thể thì liền mang một giá trị mới, một giá trị riêng, phản ánh đúng tư chất chủ thể kia. Người ta quy ước gọi tên một cái là “văn bản” khách quan chung cho mọi người, còn một cái là “tác phẩm” riêng cho mỗi con người đang cảm thụ.
Truyện Kiều là một văn bản khách quan, và đã có vô số chủ thể nhận thức khác nhau, tạo ra những tác phẩm phản ánh đúng tư chất họ, có kẻ yêu người và yêu đời, có người vụ danh và vụ lợi, có kẻ mộng mơ trên cao ngất, và có người ngồi sát sạt nơi đáy giếng... Văn bản Truyện Kiều thì trăm năm vẫn còn nguyên, có hiệu chỉnh đôi ba chữ do chữ Nôm ghi na ná, thì về cơ bản văn bản ấy vẫn vẹn nguyên không đổi; trong khi đó, do con người thay đổi, do lòng người đổi thay, nên tác phẩm Truyện Kiều có khi từ chỗ bàng bạc như khói như sương, bỗng trở nên hiện thực rằn rằn như gươm như súng.
Trong cuộc “rong chơi” xứ Huế của Phạm Quỳnh, cũng có cái văn bản là một cặp vợ chồng, anh chồng đi kéo xe và chị vợ làm công việc lái đò. Thế mà, nhìn vào văn bản đó, Phạm Quỳnh và người bạn đã tạo trong lòng mình cái tác phẩm khác: Chồng trên cạn, vợ dưới sông, họ sống đời ung dung tự tại - Chồng kéo xe, vợ khua chèo lướt chiếc thuyền tam bản. - Nhưng cả xe cả thuyền đều chẳng xứng chở nỗi buồn chia cắt - Đêm về, vợ lại gặp chồng trên con đò sông nước.
Cái tác phẩm gợi nhớ đến tiếng tỳ bà và những giọt nước mắt làm đẫm áo xanh của một quan tư mã.
Cái văn bản Phạm Quỳnh mấy chục năm qua đã thoát hình hài trần thế để được thoả sức yêu cái đẹp thiên giới, nơi đó không còn triết học và thực dụng, không còn lo âu và toan tính, không còn ảo tưởng và vỡ mộng. Văn bản đó sẽ để lại trong lòng người những tác phẩm như thế nào đây? Điều đó hoàn toàn là của riêng bạn đọc. Mấy lời giới thiệu phiến diện này cũng chỉ là một trong vô vàn tác phẩm mà thôi.
(*) Những đoạn trích in nghiêng đều lấy từ trong sách Tiểu luận Phạm Quỳnh này (BT).
 Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2007
(Mồng 7 tháng 3 năm Đinh Hợi)

Phạm Toàn
Theo http://tuanvannguyen.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng gọi đêm cuối năm

Tiếng gọi đêm cuối năm Đêm hai mươi sáu Tết, chị đứng trên ban công tầng bốn, lặng lẽ đưa đôi mắt u buồn nhìn xa xăm xuống đường phố. Hai ...