Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Sông Lô chiều cuối năm

Sông Lô chiều cuối năm
Bài hát “Sông Lô chiều cuối năm” được nhạc sĩ Minh Quang viết trong một chuyến đi công tác cùng đoàn Văn Công Quân đội lên Tây Bắc để phục vụ chiến sĩ và đồng bào nơi đây. Chặng hành trình mà đoàn công tác đi qua dọc theo đường quốc lộ 2 đi qua Đoan Hùng - Phú Thọ - thành phố Tuyên Quang và khi tới Phú Thọ thì bóng chiều đổ xuống. Con sông Lô hiền hòa thơ mộng và đầy những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã gợi lại cho nhạc sĩ Minh Quang bao cảm xúc về con sông quê hương.
Khi đến Thành phố Tuyên Quang là chặng dừng chân đầu tiên của đoàn công tác, hình ảnh bến Bình Ca, người con gái, con đò, người chiến sĩ, cây đào ngày tết bỗng nhiên ùa về, quẩn quanh trong tâm trí nhạc sĩ, thế rồi chất nghệ sĩ, tài năng và cảm xúc dạt dào đã thôi thúc ông chỉ trong một đêm ngồi trong phòng đã viết nên bài tình ca sống mãi trong lòng người Tây Bắc. Hình ảnh người con gái, con đò, bến sông, người lính, cây đào ngày tết  tưởng như rời rạc, đơn lẻ thế nhưng khi đi vào thi ca, nhạc sĩ đã hòa vào những dòng nhạc thành dòng chảy xuyên thời gian, lay động tâm hồn khiến người nghe có cảm giác như đang chững lại bên bến sông quê hương đầy chiến tích lịch sử.
Sông Lô chiều cuối năm,
Bất chợt gặp câu hát từ bến sông xưa vọng lại

Nhạc sĩ Minh Quang đã thực sự thả hồn vào dòng nhạc, để có một hình tượng thật hay và độc đáo nếu như đi dọc dòng sông Lô nhạc sĩ bắt gặp câu hát thì qua bến sông Bình Ca lại bất chợt gặp câu thơ mà ai đó đã bỏ quên giữa dòng. Có một người nào đó đã để lại câu thơ phải chăng đó là lời hẹn ước, lời hẹn thề của người ở lại mà trước khi tiễn người lên đường đã trao gửi một niềm tin son sắt làm vững lòng người ra trận. Hình ảnh câu thơ, tiếng hát tưởng như vô hình không thể nắm bắt thế mà giờ đây trên dòng sông ấy lại gặp cả thơ và nhạc phải chăng trong lòng tác giả đã ấp ủ sẵn một cảm xúc trào dâng và nay đã đến dịp thăng hoa để cả thơ, nhạc và tâm hồn nghệ sĩ cùng hòa quyện. 
Trên bến sông ấy, ta bắt gặp về chuyện tình người con gái vẫn thủy chung chờ đợi người lính nơi chiến trường khói lửa. Chiến tranh khiến cho quê hương bị tàn phá, tiếng khóc lầm than, gia đình ly tán và đôi bạn trẻ ấy cũng vậy, tình yêu lứa đôi sẽ phải được thử thách trong xa cách, chờ đợi, nhớ thương. Người con trai ra chiến trận người con gái ở lại quê hương chờ đợi ngày trở về trên bến sông xưa.
Câu thơ nói về một người con gái,
Bao năm tháng chờ đợi
Người lính ấy sao mãi không về.

Và sự chờ đợi của người con gái ấy nay đã trở thành quá khứ khi người lính trên chiến trận trở về bên bến sông năm xưa ngày ấy. Cảnh xưa, tình cũ, người còn, câu thơ xưa vẫn còn trong ký ức mà không thấy người đâu, để rồi người lính mãi tìm người con gái trong câu thơ và gọi người trong câu hát.  
Sông Lô chiều cuối năm
Ai tìm về bên ai
Ta tìm về bên em
Khung cảnh có vẻ nhộn nhịp, đông vui khi con người tìm nhau, hẹn nhau bên hai bờ sông, con đò như chiếc cầu nối đoàn tụ sau những tháng ngày chia ly, xa cách thế nhưng lòng người vẫn mãi khắc khoải bơ vơ vì tìm về bên em nhưng nay “Sao người con gái ấy nơi đâu, để lại bến sông xưa bâng khuâng một con đò” chiều là khoảng thời gian cuối trong ngày lại là chiều cuối năm hai sự chớm chạm đến sự kết thúc gợi lên một không gian thanh bình, yên ả nhưng đã chạm tới con sóng lòng cứ trào dâng lên mãi khi mà người lính dọc theo bến nước Bình Ca tìm người con gái ấy không trở lại. Trong dòng nhạc của Minh Quang ta thấy cái gì đó tha thiết, dạt dào tình người, thấm đượm tình đời, cảnh vật, không gian lặng lẽ nhưng không bi lụy, những chất liệu, hình ảnh mà nhạc sĩ sử dụng đã chảy vào thơ thật tự nhiên, thật lắng đọng. Lại thêm một mùa xuân, thêm một lần cây đào nở hoa và cũng là thêm một quãng thời gian chờ đợi, tìm kiếm bóng dáng quen thuộc của người con gái năm xưa nhưng có lẽ đó chỉ là tiếng gọi vọng về trong ký ức mà người lính đang khắc khoải ngóng chờ trong hiện tại. Để chiều quê hôm ấy trên bến Bình Ca một người đứng lặng chờ tìm một người trong hoài niệm, con đò đứng lặng neo đậu trên bến sông, lòng người  neo đậu vào ký ức, cuối cùng là hình ảnh “bến sông xưa bâng khuâng một con đò” dòng nhạc như ngân thêm để nỗi niềm trải ra theo dòng nước, chính cái bâng khuâng trong tâm hồn người lính đã làm cho bến sông “bâng khuâng một con đò”.
Đâu đó bên tôi vẫn còn nghe văng văng câu hát  “Sông lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em”.                                            
                                           Nguyễn Văn Lực
Theo http://baotuyenquang.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...