1. Bánh Trung Thu với lồng đèn Trung Quốc đã tràn ra phố.
Bánh Trung Thu bây giờ, hình như, chỉ dành cho người lớn - có cớ làm quà hiếu hỷ cho nhau. Còn với trẻ con, Tết Trung Thu, chủ yếu, xoay quanh cái lồng đèn. Bởi
vậy mà lồng đèn Trung Quốc được dịp trúng mùa...
Tôi không biết Trung Thu mỗi năm Việt Nam nhập bao nhiêu cái
lồng đèn Trung Quốc. Có lẽ cả triệu. Cứ tính “bèo” nhất ba mươi ngàn một chiếc,
thì sơ sơ cũng đến ba mươi tỉ đồng. Không nhỏ.
Mà tại sao phải nhập lồng đèn ngoại?
Tôi nêu câu hỏi này với bạn bè. Vài người, dân lọc lõi thương
trường, nhìn tôi như thằng lẩm cẩm: “Thì tại lồng đèn ngoại đẹp hơn, ứng dụng
công nghệ điện tử hiện đại hơn, tạo nên nhiều hiệu ứng ánh sáng và âm thanh hấp
dẫn hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá cả lại rẻ hơn... chứ sao! Nhập như vậy còn
hơn mình làm...!”.
Thật buồn!
2. Tôi không ghét cái lồng đèn ngoại. Tôi không bảo thủ
với cái lồng đèn Việt Nam. Tôi chỉ hơi nản lòng với cách tư duy phổ biến ở nhiều
người Việt Nam. Hầu như chẳng có ai nghĩ lại từ cái điều đơn giản nhất: Liệu
cái lồng đèn có làm nên nổi một mùa Tết Trung Thu?
Tôi có hai đứa con nhỏ. Năm nào đến Tết Trung Thu tôi cũng
đưa chúng đi mua lồng đèn. Dĩ nhiên, chúng chọn lồng đèn Trung Quốc. Đứa nào
cũng thích. Nhưng rồi, chúng làm gì với cái lồng đèn? Chẳng biết làm gì. Ở nhà,
hai anh em săm soi với nhau một tí, cầm lồng đèn chạy quanh nhà một tí, rồi
thôi. Có khi, chưa kịp vui đã bị người lớn quát vì cứ “mở nhạc ò í e nhức hết cả
đầu!” Chưa kể, có lúc bị ăn đòn vì tội “phá của - chưa gì đã tháo tung tất cả!”...
Còn ra đường, cả bọn trẻ con cầm lồng đèn cũng chẳng biết làm gì. Cũng chỉ chạy
loanh quanh. Không ít lần, tôi nghe bọn chúng “gáy” với nhau: “Lồng đèn của bố
tau mua đó, mắc lắm đó!...”. Rồi đứa vênh mặt, đứa ỉu xìu...
Những lúc này, tự nhiên, tôi đâm ghét cái lồng đèn ngoại!
3. Tôi lớn lên trong giai đoạn đất nước cực kỳ khó khăn
về kinh tế. Cái gì cũng thiếu. Nhưng ký ức về tuổi thơ của tôi, đến giờ, vẫn đầy
ắp kỷ niệm. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 8 (Âm lịch), nhà trường tổ chức cho
chúng tôi thi làm lồng đèn. Ở lớp, mọi người thi với nhau làm lồng đèn “Bánh
ú”, lồng đèn “Ông sao”, lồng đèn “Cá chép”...; Ở cả trường, lớp này lớp kia thi
làm lồng đèn “Kéo quân”... Cái không khí chào đón Tết Trung Thu này thật rộn
ràng.
Niềm vui cộng lên từng chút, kỷ niệm cộng thêm từng chút - từ khi chúng tôi rủ nhau đi mua tre, mua giấy kiếng, giấy bóng mờ... rồi loay hoay tự làm cái lồng đèn của mình bên cạnh sự trợ giúp của bố mẹ, của anh chi lớn- và vỡ òa vào cái đêm Trung Thu, khi mà những chiếc lồng đèn mà chúng tôi tự làm đó được treo lên sáng rực cả sân trường với đủ hình dạng và sắc màu lung linh...
Niềm vui cộng lên từng chút, kỷ niệm cộng thêm từng chút - từ khi chúng tôi rủ nhau đi mua tre, mua giấy kiếng, giấy bóng mờ... rồi loay hoay tự làm cái lồng đèn của mình bên cạnh sự trợ giúp của bố mẹ, của anh chi lớn- và vỡ òa vào cái đêm Trung Thu, khi mà những chiếc lồng đèn mà chúng tôi tự làm đó được treo lên sáng rực cả sân trường với đủ hình dạng và sắc màu lung linh...
Hồi nhỏ tôi thuộc loại khéo tay, giỏi bắt chước, “cái gì cũng
làm được”, nên mấy ngày làm lồng đèn, bạn bè kéo đến đầy nhà - đứa nhờ làm cái
này, đứa nhờ chỉ cái kia... Vui! Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in không ít gương mặt
bạn bè từ những chuyện xa xưa như thế. Rồi năm nào tôi cũng đoạt giải. “Chuyện
nhỏ như con thỏ!”, nhưng có lẽ, cũng đủ ươm mầm trong tôi những ước mơ khác...
Tôi già rồi ư? Bắt đầu sống với kỷ niệm rồi ư? Có cần phải
lãng mạn hóa cái kiểu “tự làm, tự sướng” vậy không?
Tôi tin là không. Mấy năm sau này, đi Đông, đi Tây, nhìn khắp
thiên hạ, và nhìn dưới góc nhìn chuyên nghiên cứu tầm ảnh hưởng của nghệ thuật
thị giác, nghệ thuật cộng đồng, tôi tin rằng, cái kiểu “tự làm, tự sướng” kia vẫn
cực kỳ hữu ích. Nó kích thích ý thức thể hiện bản thân bằng niềm vui và năng lực
sáng tạo nơi mỗi người. Nó tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở nối kết cộng
đồng. Nó là những sự kiện mang lại niềm vui sống và sản sinh kỷ niệm nuôi dưỡng
tâm hồn mỗi người...
Hãy thử tìm hiểu Lễ hội Lồng đèn ở khắp nơi trên đất nước Hàn
Quốc vào dịp Lễ Phật Đản hằng năm. Xương sống của các lễ hội này, bao giờ cũng
là những cuộc thi làm lồng đèn của các em học sinh phổ thông, của các hội đoàn
tôn giáo. Người ta cũng luôn dành ra những không gian được chuẩn bị sẵn mọi thứ
và cung cấp nguyên vật liệu, kể cả hướng dẫn kỹ thuật để bất cứ du khách nào
cũng có thể làm ra cái lồng đèn, để đặt dấu ấn của mình tại Lễ hội...
Đặt vấn đề “Tại sao phải nhập lồng đèn ngoại”, tôi
chỉ muốn lưu ý rằng, không thể nhìn cái lồng đèn Trung Thu như nhìn cái bóng
đèn điện ai cũng thắp sáng trong nhà. Cần phải thấy, chỉ cái lồng đèn, không thể
làm nên một mùa Tết Trung Thu. Ý nghĩa là ở những sự kiện, những câu chuyện
xoay quanh chiếc lồng đèn. Và vui, là ở cái không khí “rước đèn đi chơi”, “rước
đèn đi khắp phố phường”...
Nguyên Hưng
Nguồn: Thể thao văn hóa (2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét