Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

Hà Nội, di sản nghìn năm và 
tốc độ của đời sống hiện đại
Ký ức trong những cái tên
Bắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hóa vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
Trong muôn việc rắc rối đó, chuyện mấy phố Hàng gì bán gì có vẻ dễ hiểu nhất. Ai cũng có thể suy luận từ tên phố ra tên hàng, và chắc mẩm nó vẫn như mình tưởng (1). Nhất là những người Hà Nội hôm nay vẫn hình dung về mạng lưới phố cổ như những đường chỉ chằng chịt trong lòng bàn tay, nhắm mắt cũng biết, những con đường ẩn chứa những thông điệp sinh mệnh đời sống, quá khứ và tương lai.
Diện tích khu phố cổ rất nhỏ, nhất là so với diện tích của một Hà Nội mới trong quy hoạch. Với khoảng 100 ha, tức là chưa đến một phần tư diện tích quận Hoàn (2) (4,5 km2), quận bé nhất, và bằng 1,2% diện tích nội thành năm 2002 (82,4 km2). Vậy là Hà Nội đã lớn hơn rất nhiều so với cái thời mà bản đồ đường phố chỉ có mấy khu loanh quanh bên bờ sông Cái, đồng thời ta nhận thấy tầm quan trọng của khu phố cổ vẫn không hề giảm sút, dù diện tích trở nên lọt thỏm giữa mênh mông vành đai bao bọc, tuy không đến nỗi teo lại như miếng da lừa của Balzac, nhưng vẫn phải cáng lấy nhiệm vụ hạt nhân tinh hoa, hạt nhân văn hoá, hay khiêm tốn hơn là trung tâm thu hút du lịch cũng như kinh doanh kiểu phường phố của Hà Nội nghìn năm.
Vậy ta hãy làm việc giản dị: la cà dọc ngang các phố ấy, hàng ấy, để kê ra nay bán gì, hay tên tuổi chỉ còn là dư âm một thời "bất phục phản"(3).
Trong thành phố này, mỗi dãy hàng chỉ bán tại một dãy phố quy định riêng mà người ta đã đặt tên, y hệt kiểu các công ty hay hợp tác xã ở các thành phố Châu Âu.
(Samuel Baron, A Desciption of the Kingdom of Tonqueen, 1658)
Có cả thảy 77 tên phố có chữ "Hàng" từng tồn tại, nay còn 53 tên nhưng nói chung các phố không còn bán nguyên trạng như tên gọi. Số phố như thế xem ra còn rất ít (Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Mành, Hàng Chiếu, Hàng Đồng là ví dụ) mà sự đổi thay diễn ra theo nhu cầu xã hội. Loại phổ biến nhất là chuyển đổi sang một hình thức hay mặt hàng khác (22/53).
Phố Hàng Bạc
Hàng Bạc là một phố danh tiếng. Phố này có tiếng vì nghề đúc bạc nén, kim hoàn và đổi tiền từ thời Lê. Phố thì bé, nhưng gồm dân của 3 làng nghề di dân đến. Sau này phố còn nổi về thuốc cam con hươu Tùng Lộc và rạp hát Chuông Vàng. Nhưng bây giờ phố đắt hàng về dịch vụ café tour và những mặt hàng lưu niệm du lịch. Đoạn phố từ gần rạp hát đến đầu Hàng Mắm là các cửa hàng Sinh cà phê, Kim cà phê, và nhiều hiệu khác nữa ăn sang phố Mã Mây, Hàng Bè, Tạ Hiện. Không còn nhiều nhà mở hiệu vàng bạc, theo lấy chút bóng nghề tổ, chỉ nằm tập trung ở đoạn từ Hàng Ngang rẽ vào đến Tạ Hiện. Tác giả Vương Trí Nhàn trong tập “Một số nhà văn hôm nay với Hà Nội" đã kê ra được Thạch Lam và Nguyễn Tuân sinh ra tại đây. Vậy là chất lượng văn hoá coi như đã được đóng dấu đảm bảo với hai nhà văn xếp hạng "fan" ruột của "băm sáu phố phường" cũng như thầy của thú ăn chơi.
Hàng Khay nằm phía nam Bờ Hồ, trong trục đường chính phát triển phố Pháp, từng có tên là Thợ Khảm, nay còn một vài nhà bán đồ mỹ nghệ chạm khảm sơn mài. Còn lại có vài ba hiệu ảnh và truyền thần nổi tiếng Hà Nội.
Hàng Mã vẫn bán chạy các đồ mã, đồ chơi Trung thu, chữ dán phông màn đám cưới, nhưng chỉ ở mỗi đoạn ngắn nửa phố từ Hàng Đường đến ngã năm Hàng Lược.
Hàng Mành bán mành tre, mành nhựa ngoại nhập.Hàng Chiếu bán chiếu Nga Sơn, chiếu Thái Bình, chiếu trúc, chiếu nhựa Tầu.
Hàng Thiếc rủ thêm Lò Rèn thi nhau chí chát. Hàng Đồng vẫn bán đồ tế khí gò đồng.
Hàng Trống dăm nhà làm trống, một nhà vẽ tranh còn trụ lại trên con phố nằm về khu phố người Pháp xây lại. Khá nhiều phố vẫn bán loại hàng lâu đời nhưng không phải là hàng tên phố: Hàng Than bán bánh cốm. Hàng Đào cũng còn nhà bán quần áo lụa là nhưng đã nhường chỗ cho đồng hồ, trang sức, truyền thần, không còn "nhuộm điều" như thời Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí.
Phố Hàng Đường
Hàng Đường còn độ mươi nhà bán ô mai, mứt hay bánh kẹo thủ công. Hàng Bông bán quần áo, vải vóc. Hàng Gai bán đồ mỹ nghệ và in khắc. Tô Tịch (hay Hàng Tiện) bán đồ gỗ tiện nhỏ. Hàng Điếu bán mứt sen trần. Hàng Quạt bán cờ phướn. Hàng Bồ bán các loại dây, sợi,... hoặc chuyển sang bán thứ mà lẽ ra phải ở phố mang tên chúng: Hàng Mắm nhận về mình khoản bán áo quan và tiểu sành, những thứ ít phố nào cạnh tranh. Khi này Hàng Hòm chuyển sang bán đồ thủ công mỹ nghệ do nằm cạnh Hàng Gai. Hàng Vải (từng mang tên Hàng Vải Thâm vì khác với Hàng Đào bán lụa tơ, phố bán với nhuộm nâu cho người lao động) bán tre, nứa (chủ yếu là thang tre và cọc móng), bán cơm và bia cỏ, trong khi Hàng Tre thành một phố công chức và nhiều quán cà phê. Hàng Dầu bán giầy dép thay cho một Hàng Giầy bán bánh kẹo và đồ ăn ngọt dân dã, kéo theo Lò Sũ từng bán hàng đồ mộc và đóng áo quan cũng bán giầy dép, balo, túi xách. Hàng Khoai cạnh chợ Đồng Xuân bán đủ loại bát đĩa sành sứ thuỷ tinh của phố Bát Sứ (từng có tên Hàng Chén) và Bát Đàn đi bán phở bò. Hàng Cân bán giấy thay cho Hàng Giấy bây giờ không rõ bán gì là chính.
Chợ Đồng Xuân
Ngoài ra một vài đặc thù nghề nghiệp mới cho cả dãy phố: ngoài phở bò Bát Đàn, còn có thịt chó Hàng Hương (cạnh gầm cầu Long Biên, đoạn đầu phố Phùng Hưng), cà phê Hàng Hành, bún chả Hàng Mành (mặc dù chỉ có mỗi nhà số 1 bán) hay chợ hoa Tết Hàng Lược.
Những phố Hàng nằm ngoài khu 36 phố phường đều chỉ còn mang cái tên, không còn bán bung nghề lạc hậu: ví dụ, Hàng Cá không treo biển "ở đây có bán cá tươi". Phố quá ngắn, chỉ có 124m, lại gần như không có đặc trưng gì hay một cửa hiệu bán thuỷ hải sản nào sót lại. Hàng Bài, đặc sệt là phố Tây, có trường Đồng Khánh (nay là Trưng Vương), vì thế năm 1888 và 1946 mang tên Đại lộ Đồng Khánh, nhà Godart (tức Bách hóa Tổng hợp, nay là Tràng Tiền Plaza), trại Bảo An Binh (nay là Tổng cục Cảnh sát), rạp chiếu phim Majestic (nay là rạp Tháng Tám), những kiểu cách kiến trúc còn lại xưa nhất là thời Pháp. Nghề kế tiếp bán đồ cờ bạc là nghề sửa chữa đồng hồ. Gần trụ sở công ty xổ số (đi kèm xổ số là món số đề, một hình thức cờ bạc lậu), có một vài hiệu sửa nhỏ, những ông thợ đeo kính lúp ngồi sau tủ hàng be bé, không lấy làm phiền về sự ầm ĩ của cửa hàng kinh doanh băng đĩa của Hồ Gươm Audio, mà dãy phố quanh đó một thời nườm nượp người đi mua hay in sang băng đĩa lậu.
Phố Hàng Bột đã đổi tên thành phố Tôn Đức Thắng từ năm 1988, nay còn ngõ Hàng Bột và phường Hàng Bột. Từ thời Pháp, phố đã được mở rộng thành đường lớn, giờ phố bán những thứ như vật liệu nội thất, giầy dép Sài Gòn, may áo cưới.
Hàng Cháo là một phố chéo gần sân Hàng Đẫy, bán phụ từng cơ khí và mũi khoan, thời Pháp có lúc mang tên Hàng Hương.
Còn Hàng Đẫy tức là phố Nguyễn Thái Học bây giờ, bán tranh chép kiểu "bờ hồ" và làm biển quảng cáo.
Thế Hàng Chuối bán gì? Không phải vì bán chuối hay củ chuối, mà mang tên ấy tình cờ do khi mở phố, quanh đó trồng nhiều chuối nên đặt luôn cho tiện, bây giờ phố vẫn giữ dáng vẻ phố Tây với những biệt thự song lập, nhưng cái chính là phố có "chợ tình" khá náo nhiệt, mà gần đó là Trung tâm Khoa học xã hội Nhân văn Quốc gia, Hội Phụ nữ Việt nam, Nhà xuất bản Phụ nữ, Báo Phụ nữ. Trên vỉa hè là các Thuý Kiều, sau hàng rào là chị Thanh Tâm khả kính (nhân vật quen thuộc trên trang báo Phụ nữ tư vấn tình cảm cho giới nữ có xu hướng hoà giải).
Hàng Bún, Hàng Đậu nằm phía bắc ranh giới khu phố cổ giao thoa với phố công chức kiểu phố Pháp, nên cũng chỉ mang những tên gọi sót lại.
Ô Quan Chưởng
Một số tên phố không mang chữ Hàng nhưng cũng chuyên một mặt hàng cùng tạo nên sự sinh động cho khu dân cư này: Thợ Nhuộm từng có tên không chính thức là Hàng Bông Nhuộm (hay Ruộm) gắn với Hàng Bông Lờ và Hàng Bông thành một khu vải vóc, nhuộm sấy, hồ lơ, cắt may,.. khá sôi động. Lò Rèn đi cùng Hàng Thiếc, Hàng Đồng đã nói ở trên. Lò Sũ, Chả Cá, Mã Vĩ, Mã Mây, Ngõ Gạch, Thuốc Bắc (cùng bán thuốc bắc có Lãn Ông hay Phúc Kiến ngày trước), những cái tên dáng dấp mặt hàng.
Có phố mang tên địa danh hay danh nhân cũng tham gia hàng chuyên: Hà Trung, Ngõ Trạm may đồ da hay vải bạt (gần chợ Hàng Da), Lương Văn Can (đây là phố mới mở đầu thế kỷ 20, bản đồ năm 1911 do Aubé vẽ thì đây là một cái ngõ sau của dãy nhà trông ra mặt phố Hàng Đào, sau này khi đã được quy hoạch thì phố có tên Lê Quý Đôn) bán đồ chơi Trung Quốc... Những phố mang dấu ấn hàng chuyên một thời nhưng ở những cự ly xa so với khu 36 phố phường như Lò Đúc, Lò Lợn, cũng mất dạng những nghề xưa. Nhưng có lẽ, vấn đề là không phải bán chuyên cả dãy có còn không mà tinh thần "khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ" không còn là tối quan trọng nữa. Các sản phẩm gia công nơi khác, Hà Tây hay Bắc Ninh, thậm chí là đồ Tầu, đồ Thái là nguồn hàng chính và dường như không có mấy hàng tôn nghiệp thành độc chiêu. Nếu tấm khăn lụa thêu Hàng Gai không khác gì hàng Đà Lạt hay nước ngoài thì không có nghĩa lý gì đề cổ vũ cho một khái niệm "tinh hoa" ở đây cả.
Sóng nước sông Hồng
Đồng thời, sự hoán đổi, chuyển dịch của bản đồ phân bố hàng hóa là kết quả của sự điều chỉnh tự nhiên trong đời sống kinh tế khu phố cổ. Khi trước, bến sông Hồng còn sát mép khu Chợ Gạo, các phố ven bờ bán những mặt hàng nông thổ sản (Hàng Mắm), vật liệu xây dựng (Hàng Vôi) hay những đồ kềnh càng (Hàng Bè). Lớp trong là các phố bán đồ nhu yếu phẩm (Hàng Cân), đồ tinh xảo (Hàng Bạc); lớp nữa đến các phố có gia công sản xuất nhỏ (Hàng Đồng); Cuối cùng giáp với thành Hà Nội là các hàng thực phẩm (Hàng Gà). Nay bờ đê kiên cố ngăn cách với bờ sông và sông đổi dòng sang bên Gia Lâm, các vị trí đã đổi thay: chợ Đồng Xuân mới do Pháp xây năm 1890 nằm ở vị trí gần khu cầu Long Biên cạnh chợ Bắc Qua (chợ cũ cạnh chùa Cầu Đông 38b phố Hàng Đường hiện nay, cách chợ mới 200m, ta có bài "Bà già đi chợ Cầu Đông, bói xem một quẻ lấy chồng được không" là chỉ chợ này) thành ra một đầu mối giao thương lớn. Các phố bán hàng nông thổ sản kéo từ chợ Bắc Qua ra đến chợ Long Biên họp ở ngoài đê chân cầu. Những hàng tươi sống, hàng vật liệu và cổng kềnh dần chuyển ra các khu phố mới. Đồng thời, việc mở mang Hồ Gươm cũng như sự phát đạt của du lịch sinh ra các nghề dịch vụ, đồ mỹ nghệ và lưu niệm của các phố gần Bờ Hồ, bất kể nó mang tên gì, Hàng Dầu, Hàng Gai hay Lò Sũ.
Luyến tiếc về phố phường xưa kia, nhiều người trong số chúng ta cũng có mong muốn giữ lại đôi chút phong vị buôn bán như tên gọi các "Hàng", nhưng cũng giật mình khi thấy sức nặng của dấu ấn cũ trong định hướng phát triển. Ta không rõ sẽ có khu phố nào hiện đại mà được nhớ hoài đến thế trong trí óc người đi xa, mà cũng nên biết ở Nam Định, thành phố Dệt, thủ phủ trấn Sơn Nam xưa, cũng từng có khu phố sầm uất, với những Hàng Nâu, Hàng Thao, Hàng Song... mà bây giờ đành chung số phận lờ mờ của một thành phố kém duyên và thiếu sức hút. Tôi nhớ hồi nhỏ, các phố cổ Hà Nội những năm bao cấp buồn bã như màu sắc xam xám của những ngôi nhà tranh Phái, có những cô gái buồn tựa cửa. Nay bạn đi vào những ngõ phố tuy có tên Hàng nhưng cảm giác rất vô danh, "đường phố không chịu gập ghềnh mà chỉ mấp mô, ánh sáng không chịu sáng, chỉ trưng ra một vẻ nghèo nghèo phong lưu tí chút" (4).
Với chúng ta, cái thực dùng đã không còn từ rất lâu, nhưng ý niệm thật là "sự dai dẳng của ký ức". Bao giờ cũng vậy, trong sự phân chia hàng phố, sinh ra phố cao phố thấp, phố sang phố nghèo. Có những phố xưa nay vẫn luôn là phố hạng nhất như Hàng Buồm, Hàng Bạc hay Hàng Gai... lại có những phố kém sang và bần hàn, Thanh Hà, Gầm Cầu, nhưng cùng một phố tiếng là giầu, chỉ cân đi sâu vào trong các ô phố, bỏ qua những cửa kính len dạ là lủng lẳng dây dợ, phên hấp mốc meo. Có phố được nhắc đến với sự kính nể về văn hiến, về trị giá hàng hóa mà nó kinh doanh: Hàng Đào vừa giầu, vừa có những danh nhân hay di tích, chẳng hạn trường Đông Kinh nghĩa thục ở số 10, nhà cụ Lương Văn Can ở số 4.
Phố Hàng Đào
Lịch sử không dừng lại
Thời Lý, có 61 phường, thời Lê có 36 phường, nhưng các phường nằm rải ra trên một địa bàn khá rộng, tương ứng với khu nội thành các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Có mỗi phường Hàng Đào mang một cái tên đích danh ngành nghề được kê ra trong Dư địa chí. Sau đó đến thời Hồng Đức, thời được ca ngợi là mẫu mực trong lịch sử phong kiến, 36 phường mang các tên chữ, không nôm na mang tên hàng họ (5).
Vẫn diện tích ấy, nằm trong phủ Hoài Đức thời đầu thế kỷ 19, chia đi chia lại, tách nhập liên tục, có lúc lên tới 13 tổng với 239 phường, thôn, trại thời Minh Mạng, nhưng cũng không gặp một phường nào mang tên Hàng. Suốt thời gian sau đó, khi người Pháp đến theo bước chân xâm nhập vũ lực đầu tiên của Jeans Dupuis năm 1872 (ngày 22-12, nhưng trước đó viên chỉ huy Senez đã đi tiền trạm ngày 6/11), các con đường trong khu Kẻ Chợ vẫn là một tập hợp dễ biến dạng và khó định vị trong con mắt người Tây phương, đã quen nhìn đô thị bằng bản đồ và tên gọi. Lúc ấy tuy Hà Nội văn hiến mà vẫn ở tình trạng nhà chưa có số, phố chưa cô tên, nghĩa là nếu biết cụ tứ đại, ngũ đại nhà mình ở nhà này, không thể suy ra ngày ấy địa chỉ các cụ là số 99 Hàng Đào chẳng hạn.
Ngoài tập Miêu tả về vương quốc Bắc Kỳ (1658, bản dịch tiếng Pháp Description de royaume du Tonkin của Deseille, Revue Indochinoise, 1914, xuất bản 3 tháng một kỳ, số 2) của Samuel Baron, một du khách người Anh, coi như sách loại sớm nhất của người châu Âu về Kẻ Chợ, có hình vẻ và những mô tả thú vị, còn có nhiều tập sách hoặc phóng sự trên các báo cũng như của Cục Lưu trữ Trung ương Đông Dương và Viện Viễn Đông Bác Cổ thu thập lại: Bác sĩ Hocquard, Một chiến dịch Bắc Kỳ), 1892; Hồi ký của R.Bonnal, Về Bắc Kỳ, 1925; Phóng sự của P. Bourde trên tờ Thời báo Bắc kỳ 1883; Ch. Labarthe, Hà Nội, thủ phủ của Bắc kỳ), Bản tin Địa lý, 1883... Dưới mắt Baron, the City of CHA-CHO, the Metropolis of TONQUEEN, hơn nhiều thành phố khác về mặt dân số, đặc biệt là ngày 1 và 15 âm lịch là những ngày phiên chợ chính, khi dân các làng lân cận cùng với hàng hóa đổ tới "đông không tưởng tượng được" và theo một nhân vật khác nữa là Bác sĩ Hocquard, theo chân đội quân viễn chinh của Rivière vào năm 1884 -1885, đã chụp được một bộ ảnh về hầu hết các di tích và thành trị Hà Nội và cả vùng Bắc Bộ mà nhiều thứ nay đã biến mất, thì cái chợ mênh mông giữa trời ấy chạy dài trong các phố chính tả hai cây số.
Còn những tên phố là tên hàng xuất hiện chính thức trong phóng sự của Bourde: "những người bán tơ lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng từ phố Hàng Đồng, những người làm mũ tới phố Hàng Mũ (chắc là Hàng Nón), tóm lại, thợ gì thì tới phố dành cho thợ ấy". Như vậy lúc ấy mới có tên phố, tất nhiên là tiếng Pháp. Cũng có thể trước đây có tên khu vực các "Hàng", sau đó chính quyền bảo hộ cho chính thức hoá bằng việc đặt tên hay gắn biển. Bài ca dao “Rủ nhau chơi khắp Long thành, ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai”... có vẻ đúng như nghi ngờ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trên tạp chí Đông Dương, là một cách nói quy ước của người phương Đông, xuất xứ của nó có lẽ cũng khó lòng đảm bảo một giá trị cổ điển được.
Phố cổ Hà Nội trong tranh Bùi Xuân Phái
Tên phố đặt ra từ thời Pháp, khái niệm đường phố có định danh và đánh số là ý tưởng của người Pháp mang vào, sau đó năm 1945, chính quyền Trần Trọng Kim cho dịch ra tiếng Việt. Hình thức bán hàng càng ngày khác xa so với những gì miêu tả trong các ghi chép kia, nên việc cố gắng tạo ra không khí bảo tàng cho những hoạt động kinh doanh gần như vô hiệu. Vì thế, trong xu thế "xã hội hóa", thực chất là bỏ rơi cho người dân tự giải quyết bởi các cơ quan không làm được, người sống ở đây, vẫn là con cháu của những người dân tài khéo ngày xưa, bỏ cái cày con trâu ở lại làng quê, trong những điều kiện khó khăn nhất, vun vén cho không gian sống, cho từng mặt phố chuyển động không ngừng, không bán được hàng này thì hàng khác. Và những "Hàng Mới" đã ra đời.
Hàng "Mới" đầu tiên có thể kể đến phố “Hàng Tín”, tức phố tin học Lý Nam Đế. Mặc dù chỉ là phố thiên về bán máy tính và phần cứng, còn lâu mới gọi là Silicon Valley hay Công viên công nghệ thông tin nhưng nằm ngay rìa trái khu phố cổ lắm "Hàng" kia. Phố cổ bán đồ văn minh tiên tiến, hay đồ văn minh tiến bộ bán theo kiểu phố cổ, hàng nối hàng và cũng có ngày phiên?. Cái nghề hay mặt hàng không tồn tại mãi, ngày trước khi nói đến phố Lý Nam Đế là nghĩ đến một "phố nhà binh” âm u và vắng lạnh ghê người, bây giờ lại có ngày hội "phố tin học" ở đây, vui và tươi. Thế thì cũng có thể có Hàng Vật liệu, Hàng Nhà Nghỉ, Hàng Thịt Chó? Đấy là những mặt hàng nóng hổi nhất Hà Nội bây giờ, thay cho Bích Câu, thay cho Thái Hà hay Âu Cơ (tên mới cho Nhật Tân), những phố có cả dãy phát đạt cùng một nghề ấy.
Việc phố bán chuyên mặt hàng chắc không chỉ Hà Nội mới có. Nhưng hay ở chỗ từ tên gọi, từ mặt hàng ấy, người ta thấy được cả một nguồn cội sâu xa, từ một ngôi làng nào đó vùng châu thổ Bắc Bộ, một đoàn thợ tài khéo rủ nhau lên Kinh Kỳ, chung nhau một dãy phố, tương thân tương ái, những nền nếp làng quê chuyển thành quy tắc hàng phố cho phù hợp. Thành ra mối dây liên hệ với bản quán sâu đậm qua mặt hàng, tên phố, tên làng hay đình tổ nghề nơi mỗi góc phố sót lại. Người làng Phù Ủng (Hưng Yên) lên Kẻ Chợ làm ăn nhưng ngay ở nơi sinh sống (nay là số 25 Lý Quốc Sư) vẫn lập đền thờ vọng Phạm Ngũ Lào, danh tướng đời Trần là người làng, không quên ghi tên làng trên cổng tam quan (Phù Ủng vọng từ) cũng như vinh danh một nhân vật anh hùng từng “hoành sáo giang san cáp kỷ thu”.
Phố Hàng Bè
Hoặc thường hơn, những người buôn bán gốc Hoa, lập nghiệp ở mấy phố Hàng Buồm, Lãn Ông, Hàng Ngang, Sầm Công hay Tạ Hiện... Họ bán nghề thuốc, cao lâu, dịch vụ giải trí (rạp hát, sòng bài) như ở quê hương trước đó, họ lập nên những hội quán của riêng "bang" hay tỉnh xuất xứ, ví dụ hội quán Phúc Kiến ở phố Lãn Ông bán thuốc Đông dược, hội quán Quảng Đông ở phố Hàng Buồm và một số khác. Những nơi này được nhắc đến như là nơi trú chân của những nhân vật như Jean Dupuis ở hội quán Kouei- kuang 22 phố Hàng Buồm và kho vũ khí chuẩn bị cho cuộc đánh chiếm Hà Nội mang danh nghĩa thám hiểm sông Hồng. Nơi này cũng coi như nhà khách toàn quyền đầu tiên ở Hà Nội do Paul Bert mở ra nhằm tranh thủ sự ủng hộ của giới con buôn Hoa Kiều cho chính quyền thực dân khi chưa nắm chắc dân Hà Nội. Ngôi nhà đó cũng là nơi Tôn Trung Sơn từng ở khi đến Hà Nội. Hiện nay ngôi nhà này vẫn còn giữ được kiến trúc Hoa Kiều, nhưng dùng cho trường mẫu giáo Tuổi Thơ.
Hay ngôi nhà 80 Hàng Gai, năm 1884 từng là Dinh Trú sứ Pháp, sau đó chuyển thành Nhà in Bắc Kỳ với kiến trúc mới, nay tầng trệt là cửa hàng mỹ nghệ tơ lụa của một hợp tác xã thủ công.
Một khu phố chợ đã có từ lâu ở Hà Nội mà đặc điểm kinh doanh có phần giống khu phố cổ, ấy là khu Chợ Giời, hay chợ Hòa Bình, cuối phố Huế. Khu này chỉ khoảng vài dây phố, diện tích chừng 30 ha nhưng lúc nào cũng náo nhiệt. Hình thức kiến trúc nhà cửa phong phú: nhà ống lô phố, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, có chùa Vua, có đình Thịnh Yên, có hội trường văn hoá, có bệnh viện v.v...
Các kiosque cũng bày san sát, đường đi ngoắt nghéo, và đặc biệt là hàng hóa đủ thứ trên đời, nhất là những đồ rẻ và phụ tùng nơi khác không có. Các phố trong khu cũng phân ra cơ cấu rõ ràng: Thịnh Yên bán đồ điện tử, Trần Cao Vân bán phụ tùng máy móc, ngõ Thịnh Yên 1 bán băng đĩa, ngõ Thịnh Yên 2 bán phụ tùng xe đạp xe máy, Yên Bái 2 bán đồ điện... Tuy nhiên bây giờ chợ Giời bán đồ thật hơn, "trung thực" hơn. Đồ lậu, đồ chôm chỉa vẫn nhiều nhưng đồ dỏm đã bớt đi hẳn. Môi trường mua bán "văn minh" hơn, không có các chú đội mũ cối, đi dép cao su, mặc đồ "na-tô" chìa vào mặt mấy cái pê-đan để thay vào cái xe đạp Mifa vừa hỏng như xưa. Dành một buổi chiều loanh quanh khu này, bạn sẽ mua được dăm ba thứ nhì nhằng như mọi chợ giời khác, nhưng cũng có những thứ chẳng ở đâu có.
Còn xa thì mới nghĩ đến chuyện nói về tinh thần văn hóa của phố chợ như chợ Giời, nhưng cũng không loại trừ một vài giá trị như thế nảy sinh trong quan hệ cộng đồng ở đây. Bởi vì vai trò và sự tồn tại của nó trong đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội là có thực và như thế nó gói ghém một đặc trưng gì đấy.Có thể lắm chứ, lúc nào nó đó sẽ thành một nơi ghé thăm cho khách du lịch, hay người ta cũng sẽ trương cổng chào "đón mừng quý khách đến chợ Giời".
Mùa xuân trên đất Hà thành
Sẽ còn nhiều điểm nhìn và cách nhận định về phần hôm qua của thành phố, bên cạnh chuyện tên phố cổ để nói về giá trị ngày hôm nay. Có thể là một nền cũ lâu đài bóng tịch dương phát lộ làm bồi hồi nhân tâm về một Long thành vàng son xưa, có thể là những ngôi đền, những mái chùa thanh nhã trong từng khu phố, và còn là những phố xá của một thời "Đông Pháp" đầy vẻ mơ ngủ... làm đối chiếu cho ta nghĩ về hôm nay, cái sợi dây nối ta với quá khứ mạch lạc hơn cả chính là chúng, nhưng đã bao phen đứt gãy, khiến người hôm nay đôi lúc quên lãng.
Tốc độ và điểm đến
Trên những con đường vành đai, hàng đoàn xe tải chở vật liệu xây dựng hối hả ngày đêm đến công trường. Những khu đô thị mới chất ngất giàn dáo và cột bê tông nối thép ứng lực liên tục tăng chiều cao. Sân bay mỗi ngày vài chục chuyến bay đi khắp nơi và ngược lại. Hà Nội đi nhanh? Đi nhanh đương nhiên là phải chóng đến đích. Đích của Hà Nội, có lẽ phải mượn cái hình ảnh cụ thể của sa bàn quy hoạch tổng thể trưng bày đầu năm tại nhà triển lãm Tràng Tiền để hình dung. Chứ nếu hình dung về cái đích của mỗi chúng ta, của tôi, của bạn, sợ rằng thấy mình như đứng bên ngoài dòng chảy ấy. Tôi không rõ đã có bao nhiêu câu hỏi cho tương lai đến với mỗi người khi nhìn vào quy hoạch kinh tế - văn hóa - xã hội cho 15 năm nữa. Mà cũng không riêng ngành xây dựng kiến trúc được quy hoạch như là nền móng vật chất chung mà để đồng bộ, ngành nào cũng thấy cần có quy hoạch tổng thể riêng của mình với vô số thống kê tính toán và đương nhiên, luôn hợp lý theo sự giải trình. Có bao nhiêu người cảm nhận thấy mình sẽ có những lợi ích tinh thần (vật chất là đương nhiên) để sống hơn ngày hôm nay, thay vì chen lấn nhau để xem những bản đồ quy hoạch xanh đỏ nhằng nhịt được treo lên, hỏi nhau liệu "nó có mở đường vào đến nhà mình không" mà cũng chưa ngã ngũ?
Trong ước vọng của người quản lý, việc làm sao chóng đón được xu hướng hiện đại và hợp lý trong không gian đô thị là điều không phải bàn cãi. Nhưng kiến trúc mang thân là một ngành nghệ thuật nửa vời và cũng rất máy móc phải sát cánh với hiện thực xây dựng, mà cái cảm giác về một “chùm khế ngọt” luôn thường trực thì không thể như một bức tranh hay bài thơ muốn đẹp là được, muốn hay là xong.
Phố cổ Hà Nội thời hiện đại
Bạn sẽ bảo, trong vòng 15 năm qua, Hà Nội đi nhanh thế còn gì, thay da đổi thịt nhé, nhà cao cửa rộng, cơ sở hạ tầng tốt hơn, mạng lưới dịch vụ rộng khắp... Để biết mình nhanh hay chậm, và đang đi đến đâu, người ta so sánh. Ở Việt Nam thì Hà Nội "trông lên chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình". Đại khái, Hà Nội "có những tiêu chí riêng, những đặc thù mà những thành phố đô thị khác không có được, mọi so sánh đều là khập khiễng", rồi những giá trị "độc nhất vô nhị" nào đó được đem ra xưng tụng và thành ra hơn người... Sài Gòn lâu nay vẫn như một đối trọng với Hà Nội, về mọi phương diện, và lắm khi, như một thách thức về khả năng tiêu hoá những văn hoá ngoại lai mà thủ đô vất vả lắm mới cân bằng được. Hỏi nhỏ, được xem ảnh Hẹn thành phố Hồ Chí Minh, thấy có những tòa cao ốc hiện đại (có lẽ cũng chỉ mươi mười hai tầng thôi), thích lắm và ao ước bao giờ Hà Nội có. Rồi thắc mắc chuyện nữ sinh trong đó toàn mặc áo dài rất đẹp mà các chị mình chỉ có mỗi hai bộ quần áo để đi học. Thì bây giờ Hà Nội đã có những thứ đó. Nhưng vẫn cứ thấy thiếu. Đến đây có hai hướng: một là tức khí, quay về hoài cổ, ve vuốt những khuôn hình lở lói rêu phong hoặc mũ rơm nón lá. Hai là chơi tranh hơn cho bõ, có thể mang những mặt hàng hay công nghệ từ Mỹ, Nhật đời mới về, không có gì mới hơn được. Thế nhưng người anh em trong kia vẫn bình thản, đi xe CD67, xăng đan Biti's, và hào hứng đi bát phố mỗi chiều dù Sài Gòn khiêm tốn hơn về cảnh sắc ngắm nghía và những thứ “văn vật”.
Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương (6). Huế là vậy, giữ dáng vẻ yêu kiều của những “Đồng Khánh ngày xưa” trong "chiều mưa bay trên tầng tháp cổ", là những thứ sẽ phải đối mặt cho đến khi nào không còn Huế thì thôi. Còn Hà Nội, khắc khoải chông chênh trong sự phân thân: là một gương mặt hằn sâu vết thời gian, gương mặt “không có tuổi” hay trẻ trung hiện đại?
Khoảng những năm 1960-1970, ít nhất hai lần ý tưởng xây dựng một Hà Nội mới, đúng hơn là nơi đặt các cơ quan quản lý Trung ương và ban ngành, đã có thể triển khai. Thị trấn Xuân Hòa bên hồ Đại Lải (Mê Linh, Vĩnh Phúc, từ 1976-1992 là địa bàn Hà Nội và Xuân Mai (Lương Sơn, Hòa Bình) là các vị trí dự kiến, chúng đều cách Hà Nội khoảng 40 km2 trên các vùng bản sơn địa. Khi đó Hà Nội vẫn còn là một đô thị nhỏ bé và không thay đổi bao nhiêu ở những khu trung tâm, mới có một số khu tập thể mới ở Kim Liên, Nguyễn Công Trứ..., và nhất là khu phố cổ, phố Pháp tương đối nguyên vẹn. Năm 1939, diện tích nội thành là 12 km2 và dân số khoảng 200.000 người. Năm 1960, diện tích đó là 12,2 km2 với dân số 463.820 người. Năm 1989, tăng lên 43km2 với 906.000 người và năm 1998 là 82,4 km2 với 1.193.000 người. Hà Nội phải chăng đã có thể có một điểm dừng thời gian vào lúc đó, trước khi tăng diện tích và nhân khẩu đột biến, và giống như Huế, Hội An, những đô thị cổ, may ra có những nguyên trạng quá khứ để rồi được xếp hạng di sản?.
Hà Nội ngày nay
Sức hút của các mặt kinh tế - xã hội, sức hấp dẫn của bề dày lịch sử đã buộc Hà Nội vẫn phải đóng vai trò chủ chốt và tiếp tục làm Thủ đô trên mọi mặt. Hà Nội vẫn luôn là xuất phát điểm cho mọi ý tưởng vĩ mô. Quan niệm “ở giữa trời đất” và những vùng phên giậu "áo giáp ngàn năm chở che bền vững" (7) bao bọc xung quanh vốn quá quen thuộc với xã hội phong kiến tập quyền, một mặt phản ánh dấu vết thành trì phòng thủ, một mặt khẳng định sự chi phối từ cấp cao xuống dưới đối với các vùng phụ thuộc. Đô thị nghiêm ngặt kiểu "từ trên xuống dưới" như mô hình Bắc Kinh, vuông chằn chặn, hay mặt bằng đô thị lý tưởng thời Văn nghệ Phục hưng đối xứng tâm, đô thị tự do kiểu "từ dưới lên trên" do ảnh hưởng phát triển kinh tế và quần cư tiền đô thị, Hà Nội thề hiện cả hai mô hình ấy Bản đồ Trung Đô (tức Thăng Long) thời Hồng Đức cho thấy một kinh thành phát triển theo hình thế sông ngòi, chỉ có mỗi cấm thành là có vẻ đăng đối. Nhưng đối xứng nghiêm ngặt phải đến thời Nguyễn, một Thành Hà Nội vuông vức đến lạ lùng giữa một vùng địa hình toàn các dòng nước sông hồ uốn lượn tự do. Tuy thế vai trò của ngôi thành kiểu Vauban (8) này là rất mờ nhạt trong sự phát triển của Hà Nội, ngoại trừ giúp chỉ ra phương vị địa lý của nền thành các triều đại trước mà sau đó không lâu đã bị tàn phá đến mất dạng.
Hà Nội, thành phố ngàn tuổi quả là có thâm niên, cũng là một chặng đường dài trong lịch sử. Trên lưng cụ rùa là biết bao di tích, rêu phong cổ kính tưởng có thể trường tồn cùng 82 tấm bia tiến sĩ còn lại trong Văn Miếu. Tôi mong về Hà Nội để em về nghe mùa đông phố cổ, mẹ đang ngồi đan lặng im bên gió…Vội vã trở về, vội vã ra đi. Chẳng thể nào qua hết từng con phố. Rêu xanh bên những gốc cây già (9)... Bao giờ cũng là một vẻ cổ kính đến tội nghiệp. Mỗi ngày thành phố cấp 9 giấy phép xây dựng (theo số liệu công bố của Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng thì 6 tháng đầu năm 2003, số mét vuông sàn xây dựng có phép là 622.687m2, tăng đến 90% so với cùng kỳ năm 2002), nhưng có đến 25 công trình không phép hoặc vi phạm mỗi ngày (10), ngày nào cũng có rất nhiều căn nhà được xây mới, xe chở vật liệu cày nát những tuyến đường vành đai, các khu đô thị mới mọc lên liên tục. Ba bệnh viện chuyên khoa phụ sản, các nhà hộ sinh và các khoa sản ở các bệnh viện khác luôn kín giường cho sản phụ.
Hà Nội cổ kính về văn vật, cũ kỹ về một vài hệ thống hạ tầng kỹ thuật (có thể còn tận dụng từ thời pháp thuộc), “diên hựu” về tuổi tác con người, nhưng cũng đầy mau lẹ về xây cất thành phố như cơ thể dậy thì, mỗi ngày và da thịt bừng bừng sức sống, nhiều trào lưu sinh hoạt bạo phát bạo tàn, nhiều công trình "sáng tạo" đoản thọ không ngờ. Khu tập thể Nguyễn Công Trứ vào khoảng năm 1960 với sự giúp đỡ của CHDCND Triều Tiên cùng với khu Kim Liên là mô hình của thành tích thời ấy, sau 40 năm đã xuống cấp trầm trọng, do đó phải sửa chữa, như vậy rất đúng quy luật tự nhiên. Sửa thế nào. Do cấu trúc mỗi hộ chỉ có 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, khu vệ sinh và bếp chung nhau ở cuối hành lang, nên để tăng diện tích và cho phép các hộ xây vệ sinh khép kín riêng, mỗi dãy nhà được tăng độ dày, nghĩa là thay vì cấy tổng treo tự phát, đơn vị sửa chữa xây hợp pháp 2 lớp phòng nữa ở hai mặt dài nhà. Tuy vậy với căn nhà kém giá trị ban đầu, để sửa thành đẹp thì gần như không thể, già và xấu may lắm ăn giải cổ kính, chứ quyết không dám đội vương miện. Tôi không bất ngờ lắm khi anh bạn có ý định sửa lại nội thất cho căn hộ nhưng chỉ cần thời hạn 2 năm vì cả khu nhà mới sửa này sẽ lại bị đập đi. Nhưng như thế nào thì chúng tôi không được biết, cái tương lai của khu nhà có tuổi 40 + 5 năm này. Còn điểm đến của bạn tôi, sẽ là một căn hộ khác hoặc một lô đất vào tuổi "tứ bất hoặc". Chẳng phải là như thế vẫn còn là nhanh, so với cụ già sống ở trong ngõ 7 Tô Tịch, sống trọn đời trên tầng hai nhà cổ. Bà cụ mất ở viện, người nhà đưa về khâm liệm. Song trong cơn bối rối, mọi người không nhớ ra chuyện nhà, cầu thang và ngõ quá chật, không có cách nào đưa quan tài và đã đóng áo ván xuống phố. Người em rể phải đi mượn cần cẩu để móc áo quan qua mái hiên đưa xuống.
Dân phố đứng xem, kháo nhau: Chết rồi còn được đi vũ trụ. Thông tin thêm: đấy là vào năm 1981, trước đó Việt Nam vừa mới có Phạm Tuân là nhà du hành đầu tiên bay vào vũ trụ
Vận tốc chóng mặt 30km/h
Một nhà nghiên cứu văn hóa người nước ngoài cho biết (12), anh có cảm tưởng người Hà Nội đi xe máy rất nhanh và dòng chuyển động trên đường ào ạt như lũ cuốn, nhưng nhìn vào công-tơ-mét thì vận tốc chỉ khoảng 30 km/giờ. Người nước ngoài hầu như đều có ấn tượng mạnh trước lưu lượng xe máy khổng lồ và thứ trật tự của sự lưu thông tại thành phố này: "một cảnh tượng thật kỳ diệu và lạ lùng", "thật kinh ngạc và choáng váng", "rất thú vị", nữ diễn viên Catherine Deneveu sang Hà Nội đóng phim "Đông Dương" năm 1991 nhận xét "một thành phố hoang dã, xe đạp chạy trước ô tô. Nghĩa là một sự kỳ lạ. Sự kỳ lạ muốn được cắt nghĩa, hay là một vẻ đẹp “man rợ” của xứ nhiệt đới dưới mắt những người đi chinh phục thuở nào?.
Tắc đường ở Hà Nội
Phố lắm cột đèn, đường lắm ngã tư (13). Nói như vậy là người hay đi và đi nhiều. Nhưng phố thì ngắn, nên mốc đường bằng những cột đèn, cột tín hiệu mau hơn, giao cắt các phố dày hơn, tủn mủn và phải đi chậm lại để tránh xung đột luồng giao thông. Hà Nội với số lượng xe máy khổng lồ của mình lưu hành trên đường dường như khiến tất cả đều dễ dàng chỉ ra phương tiện này là thủ phạm của ùn tắc giao thông. Trước tình thế này, chính quyền hiện bắt đầu triển khai dừng đăng ký xe máy trong nội thành. Những gia đình có ít tiền và còn dư tiêu chuẩn (mỗi người chỉ được đăng ký 1 chiếc trong đời, nếu đã bán hay hỏng thì phải làm thủ tục kê khai, phần này rắc rối hơn cả đăng ký mới) hoặc có thể thuê tiêu chuẩn liền đổ xô đi mua xe xịn. Xe xịn ở đây quanh quẩn chỉ gồm Honda @, Dylan, Spacy, Piagio... giá khoảng 5000 đô la Mỹ trở lên, theo phương châm "đằng nào cũng chỉ được mua nốt lần này, thà mua xe xịn cho bõ". Cuối tháng 8 là đợt cao điểm đăng ký cuối cùng trước "giờ G", có đến 800 xe trong ngày, tức vài triệu đô la Mỹ được đầu tư trong một ngày cho việc lưu thông cá nhân. Những chiếc xe kiểu tay ga có tiếng "sành điệu" này mới ra khoảng 3 năm nay, vì thế chưa thấy hình bóng thời tàn tạ của chúng ra sao. Hôm rồi, phòng làm việc của tôi cũng bắt chước Quốc hội, "sôi nổi thảo luận" về chuyện đăng ký xe. Bà kế toán kể chuyện bố chồng đi đăng ký xe mới, bị phát hiện là đã có xe từ năm 1979 (!) nên chỉ được đi bộ vì xe kia đã đi về miền quê nào hay ra bãi rác. Mọi người mường tượng ra cái ngày người ta sẽ dùng xe @ chở nước gạo hay thịt lợn ra chợ... cho bõ tức. Cái ngày mà chiếc xe thời trang sẽ sánh vai cùng xe đạp thồ, xe Wave Tàu trên những nẻo đường mưu sinh khắp kẻ chợ cùng quê. Nhưng kỳ thực, phương tiện cũng chỉ là vật bị động, việc quá tải xe máy là hậu quả của khả năng kém cỏi trong vận hành chung giao thông, của vận tải công cộng, của lối sống cá nhân ích kỷ như đã có rất nhiều người phân tích chí lý v.v... Hẳn nhiên là, với sự thông minh của mình, người Hà Nội thừa sức lựa chọn được đâu là cách đi lại hợp lý nhất trong thành phố của mình.
Mấy năm qua Hà Nội cũng vài phen nổi đình đám vì những tin tức trong dòng tin nóng toàn cầu: xếp thứ 11 trong các thành phố đắt nhất thế giới năm 2002, là thành phố đầu tiên "thắng" bệnh SARS, thành phố vì hòa bình năm 2000 (nhưng năm 2003 là thành phố nào thì không phổ biến tiếp), xếp thứ 2 châu Á về những thành phố mà người du lịch muốn đến nhất (do độc giả tạp chí Travel & Leisure bình chọn). Rồi vài câu phát biểu của một số nhà khoa học nước ngoài, đại loại như Hà Nội là một thành phố bảo lưu được nhũng nét pha trộn kiến trúc thuộc địa với những đặc trưng bản địa, một thành phố thú vị nhất mà tôi từng biết, v.v... mà các phóng viên tóm ngay lấy, dọn cho độc giả thưởng thức như một đảm bảo cho sự hiện tồn của giá trị văn hóa Hà Nội.
Nhưng những người nước ngoài chỉ phát biểu vậy, họ không phải chịu trách nhiệm về những điều ấy. Chỉ còn chúng ta, ngày ngày đối diện với cái hạt mụn cơm, cấu bỏ đi nhưng vẫn lại mọc lên chỗ cũ, xấu xí và kỳ dị. Hỏi rằng chỗ nào đẹp nhất Hà Nội, ta bảo Hồ Gươm. Chỗ nào chưa đẹp ta nói khu ấy khu kia là tệ lắm, mà cũng có thể chỉ ngay Hồ Gươm. Ngày nhỏ, có câu hỏi: em hãy cho biết trường ta chỗ nào chưa sạch đẹp, thì đáp án dành cho học sinh thanh lịch luôn là: không có chỗ nào như vậy cả, mà có sạch đẹp hay không là do chúng ta, trong suy nghĩ của chúng ta (một câu trả lời như thế dễ dàng nhận được lời bình kiểu: rất "sáng tạo", rất "sâu sắc", rất "ét vê" theo lối của Lại Văn Sâm trong show SV 96 đình đám trên VTV một dạo). Biết thế, nhưng trường ta lúc nào cũng có chỗ bẩn chỗ xấu, vì năm nào cũng trả lời vậy vậy. Năm 1960, Nguyễn Huy Tưởng có viết bài ký “Một ngày chủ nhật”, đại khái nêu những gì chưa đẹp đẽ về nếp sống quanh Bờ Hồ nhân một buổi sáng chủ nhật dạo chơi. Theo hồi ký của Tô Hoài và Nguyễn Huy Thắng (con trai Nguyễn Huy Tưởng) thì bài này bị phê bình do có cái nhìn tiêu cực trong khi toàn miền Bắc đang phấn khởi xây dựng xã hội mới. Cái không đẹp lúc nào cũng dễ thấy vô cùng, tuy nhiên với tinh thần "xây dựng là chính", người mình không mấy khi để "mất mặt ban đại diện", dù không bằng lòng nhưng nhìn chung là tạo ra một "hành lang pháp lý" để hợp pháp hoá những sự đã rồi, tạo ra lối thoát hay "phương hướng giải quyết" để có kẽ hở hay “cửa” để "chạy", "xử lý nội bộ" nghĩa là chuyện đang được ém nhẹm êm xuôi...
Song phải nhận thấy, Hà Nội trong xu thế chung, đã đi bằng một tốc độ không chậm, ít nhất là về mặt vật lý. Khối lượng vật chất nhiều hơn các thời trước, quy mô và số lượng cùng gia tăng. Chỉ số tăng trưởng 15% là một chứng minh cho điều này. Nhưng như đã nói, hình dung về một điềm đến cho Hà Nội có là một hình ảnh như mong đợi, lại không chỉ phụ thuộc vào sự nhanh chậm hay vào vận tốc xác định. Chẳng phải Hà Nội vào những năm hoà bình lập lại sau 1954 đã có một suất đầu tư khá lớn do viện trợ và khối lượng cơ sở hạ tầng khá rầm rộ được triển khai đấy thôi. Chiến tranh, khó khăn kinh tế.. và những yếu tố khác không lường trước có thể huỷ hoại những thành quả vừa có.
Thời gian và các thế hệ
Bạn tôi làm ở cơ quan nhà nước, khoảng 4 giờ chiều đã nhắn tin rủ bạn bè đi uống. Cuối cùng chỉ có những người cũng làm công chức hành chính mới đi được giờ ấy. Đám "tư nhân" với "liên doanh" phải 5 - 6 giờ mới ló dạng để hẹn hò.
Cơ quan nằm trong một khu viện nghiên cứu chung một cổng. Không có căng tin nhưng có 3 quán nước chè ở phía ngoài. Bao giờ hết cỏ nước Nam mới hết khách uống trà đá. Thời gian khe khẽ trôi như lá rơi nhè nhẹ trong gió mùa thu Hà Nội. Chuyển cơ quan rồi mà khi quay lại đó, gặp lại bà bán nước vẫn được nhận ra bằng sự thân mật hỏi han "làm ăn thế nào", tức là mình có đi bốn phương trời vẫn cái tướng hạp quán nước.
Cafe vỉa hè ở Hà Nội
Có thể nói Hà Nội là thành phố công chức. Công chức trung ương, công chức cấp thành phố, công chức các ban ngành, công chức cấp quận huyện, phường xã... Người ta không rõ nghề chuyên môn của anh, chỉ biết anh làm ở Bộ, Sở hay Phòng ấy, có việc giấy tờ dấu má thì đến đó, anh bên công đoàn, chị bên phụ nữ, bác bên tổ chức..., mỗi người một phận sự. Đặc biệt là lĩnh vực văn hoá. Thời bao cấp, cơ quan nào cũng có bộ phận văn thể mỹ, phong trào văn nghệ quần chúng rất sôi nổi, nhiều hạt nhân văn nghệ làm tăng uy tín của cơ sở.
Trong một vở kịch tên là "Ê kíp phê phán cơ chế quan liêu", có một nhân vật tên là Trần Ái, anh này ái nam ái nữ, không rõ anh ta chuyên môn gì, chỉ biết hay mặc áo hoa và đan len, hay hát “em đi trong tươi xanh”, nhưng anh ta là một thành phần không thể thiếu của ê kíp quan liêu đó. Nghệ sĩ của chúng ta giỏi phê phán, thế nhưng họ có đi trước và đi nhanh? Mới đây, NSUT Hoàng Dũng, trưởng đoàn kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội tâm sự với báo: "Tôi ước mong nghệ sĩ (kịch) sống được bằng đồng lương" (14). Một người làm công làm thuê hay bất cứ ai cũng có quyền nói vậy. Một lãnh đạo (dù chỉ là trưởng đoàn) nói vậy là đã bi kịch lắm rồi. Nhưng mang danh nghệ sĩ, hay người có tài năng sáng tạo, thì không thể nói thế. Trông chờ vào nhà nước, vào đồng lương, vào ê kíp..., và hiện thực thì như chúng ta đã thấy, sản phẩm văn hoá văn nghệ trong một tình trạng "thanh cảnh" chợ chiều đáng ngại.
Hà Nội cũng giống như một gia đình tứ đại đồng đường, các thế hệ chung sống và ai cũng có thể tìm cho mình những cách thoả mãn nhu cầu. Dù tắc đường, dù giá đất cao, dù đủ thứ kinh hoàng, nó vẫn là một nơi phù hợp để sống, để hoàn thiện những mơ ước từ nhỏ bé đến cao ngạo nhất, có lẽ trừ lũ trẻ con oằn oại dưới sức nặng của mớ sách giáo khoa. Người già có thể vẫn tìm thấy mình trong các câu lạc bộ hưu trí, trong ván cờ bên bờ Hồ Gươm, người trẻ vẫn có thể lang thang quân xá, nhảy nhót trong những night pub hay vùi đầu trong thư viện. Người làm nghề đạp xích lô dường như thấy rất "ổn" với đĩa thịt chó cùng vại bia hơi chiều mặt, người đang yêu nghĩ mình ở thiên đường khi sóng đôi bên đường Thanh Niên chiều Tây Hồ bạt gió.
Trong cuộc chạy đua với thời gian, đem so sánh kết quả là điều khó khăn và có vẻ không thực tiễn. Người ít vận động thì thấy Hà Nội chạy đến chóng mặt, kẻ tung hoành ngang dọc thấy như cá gặp nước, anh thích khề khà cho là cuộc sống thật chậm chạp và buồn tẻ. Luôn luôn là vậy, thanh niên lại được tìm đến như những nhân tố kích thích năng lực đời sống ("Đâu cần thanh niên có"...). Hẳn nhiên, thế hệ trẻ là những người tạo nên tốc độ của dòng chủ lưu. Trẻ trung và năng động, họ có thể bỏ qua nhiều giá trị quan trọng đối với các thế hệ trước, một số người có thể tự tước bỏ quyền lái tốc độ khi sa vào nghiện ngập hay hình sự, nhưng dù muốn hay không họ vẫn phải kế thừa những giá trị đã có.
Cá nhân tôi, đã nghe nhiều lần câu bình luận "Hà Nội chỉ có chỗ này là đẹp" khi đi qua những phố lớn từ thời Pháp để lại, hoặc thiết kế một số hình ảnh tiêu biểu cho Hà Nội với đối tượng là các công trình hiện đại, có những tranh cãi "Nhà đẹp toàn là của thực dân đế quốc hay phong kiến cả". Tôi cho là không công bằng đối với ban giám khảo cuộc thi "Con đường đẹp nhất Việt Nam" chẳng hạn, họ chỉ chọn 5 con đường thôi, và Hà Nội có một là đoạn Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, con đường mới được mở vài năm. Như thế đã là một sự thừa nhận tích cực cho một bộ mặt mới của Hà Nội trong đời sống, cho phần trẻ trung hơn của thành phố. Sự can dự vào đời sống tinh thần của Hà Nội của mỗi con người đâu chỉ như nhận xét của một phóng viên Mỹ, David Lamb: “Hà Nội, là ngôi nhà của những trí thức, nhà thơ, nhà văn. Có người bảo tôi ở Hà Nội, người ta trầm ngâm suy nghĩ”, rồi lại tiếp tục suy nghĩ; còn tại Sài Gòn, người ta trầm ngâm suy nghĩ, và rồi bắt tay vào việc" (15). Dù tốt hay không, những gì người Hà Nội đã làm đã khiến thành phố đổi thay rất nhiều, khối lượng việc không nhỏ ấy cho thấy người Hà Nội có lẽ rút cục cũng phải chuyển mình, trong một tốc độ khác.
Ghi chú:
1. Riêng phố Hàng Ngang, theo tập ghi chép “Nhớ và ghi” của Nguyễn Công Hoan thì do phố này nguyên có tên là phố Quảng Đông (do bang hội người Hoa xuất xứ từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc định cư từ thế kỷ 19 nên chính quyền bảo hộ Pháp đặt như vậy), nhưng do hai đầu phố, đoạn nối với Hàng Ngang và Hàng Đường có hai chiếc cổng chắn ngang, một hình thức phân chia đường thợ hồi đó, nên dân ta gọi là Hàng Ngang (cũng như có phố Cổng Dục nối phố Hàng Vải vơi Phùng Hưng do sự tích Trần Thủ Độ đục cổng thành đoạn này để bí mật đưa linh cữu vua Lý Huệ Tông ra an táng tại phường An Hòa. Thuyết khác: đục để cho quân lính đi trong thành chợ). Ta có thể nhìn thấy ảnh và tranh vẽ chiếc cổng ở phố Hàng Ngang này do người Pháp thực hiện.

2. Quyết định số 45/1999/QĐ-UB của UBNDTPHN
3. Thơ Thôi Hiệu
4. Xuân Diệu, Tỏa Nhị Kiều
5. 36 phường lần lượt là:
1-10: Hà Khẩu, Diễn Hưng, Đồng Lạc, Cổ Vũ, Thái Cực (Hàng Đào đổi ra), Đông Các, Đông Thọ, Đông Hà, Đồng Xuân, Thạch Khối, những phường này nằm trong khu phố cổ quy ước bây giờ, tên của chúng đổi rất nhiều lần, nhưng không có lần nào mang tên Hàng gì nữa (trước khi lập ra các đơn vị Phường và Quận thay cho Tiểu Khu và Khu Phố vào tháng 6-1981, lại có các phường mang tên Hàng Đào, Hàng Mã vv... tuy nhiên chỉ mang ý nghĩa hành chính chứ không như phường thợ ban đầu).
10-13: Báo Thiên, Yên Xá, Phúc Lâm (Nam Quận Hoàn Kiếm).
14-16: Phúc Cơ, Yên Thọ, Hồng Mai (Bắc Quận Hai Bà Trưng).
17-19: Hoè Nhai, Thái Hòa, Liễu Giai (Quận Ba Đình).
20-29: Yên Hoa, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Chiêu, Trích Sài, Bái ân, Võng Thị, Yên Thái, Hồ Khẩu, Thủy Chương (Quận Tây Hồ).
30-36: Vĩnh Xương, Thịnh Hào, Quan Trạm, Kim Hoa, Nhược Công, Thịnh Quang, Xã Đàn (Quận Đống Đa).
6. Thơ Bùi Giáng
7. Lời bài hát Hà Tây quê lụa của Nhật Lai
8. Hình thức thành trì do Bá tước Vauban thiết kế vào thế kỷ 17 ở Pháp, hình đa giác đều, có các ụ súng ở góc lồi ra nhằm khống chế hoả lực cả ba phía.
9. Lời bài hát “Mong về Hà Nội”, “Bay vào ngày xanh” của Dương Thụ, “Hà Nội ngày trở về” của Phú Quang, thơ Thái Thăng Long.
10. Cụ thể: 6 tháng đầu năm 2003 cấp 1472 giấy phép xây dựng. Số vi phạm là 170 sai phép, 3177 không phép, 1149 trái phép và dỡ bỏ 999 vụ.
12. Thể thao - Văn hóa, phỏng vấn của Việt Mai.
13. Thơ Lê Đạt.
14. http://vnexpress.net/
15: Theo Lê Quỳnh. Hà Nội trong mắt người nước ngoài.
Nguyễn Trương Qúy
Nguồn: Tự nhiên như người Hà Nội - NXB Trẻ
Theo http://www.chungta.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...