Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều
Sấm mất giọng, đỉnh núi già mất bóng
Nguyễn Quang Thiều
1. Lời mở
Trước năm 1975, những tìm kiếm để đạt tới lối biểu đạt mới và
hiệu quả mới trong tư tưởng thi ca, rất phức tạp, đến nay còn chưa có sự khảo
sát, nghiên cứu và đánh giá xác đáng, đầy đủ. Sau năm 1975, giữa lúc đội
ngũ đông đảo các nhà thơ trong nước còn mơ hồ, ngờ hoặc về yêu cầu cách tân
thơ, thì tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Nxb Lao động,
1992) đã cất tiếng nói khẳng định, đặt dấu mốc quan trọng khai mở dòng chảy thi
ca cách tân trở về sau. Tập thơ đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm
1993, và, nhanh chóng làm xáo trộn tư duy đời sống thơ ca đương đại. Ánh sáng của
tập thơ đã lan tỏa, tác động tích cực, sâu rộng trong đời sống thơ ca Việt, gây
hiệu ứng dây chuyền. Bắt đầu xuất hiện nhiều tác giả trẻ với những cách viết
mới lạ, nhiều khuynh hướng mới được hình thành. Hiện tượng tập thơ “Sự mất ngủ
của lửa”, ở chừng mực nào đó gợi chúng ta liên tưởng tới hiện tượng thơ
Vladimir Vladimirovich Mayakovsky của văn học Nga đầu thế kỷ XX; trường ca “Đất
hoang” (The Waste Land) của Thomas Stearns Eliot trong văn học Mỹ những
năm năm mươi thế kỷ vừa qua. Không ai có thể phủ nhận vai trò cột mốc văn học
mà những tên tuổi kể trên đã đánh dấu. Thế hệ kế tiếp có thể viết hay hơn V. V.
Mayakovsky hoặc T. S. Eliot, nhưng lịch sử văn học mãi ghi công những tác gia mở
đường, đặt nền móng cho một khuynh hướng nghệ thuật mới.
2. “Sự mất ngủ của lửa” và cột mốc cho dòng chảy cách tân
Buổi đầu, tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” đã làm dấy lên những ý kiến tranh luận
nhiều chiều, đa dạng những thái độ khen-chê. Hai mươi năm trôi qua cho phép
chúng ta gạn đục khơi trong, nhìn nhận một cách khách quan giá trị “Sự mất ngủ
của lửa”. Với tập thơ này, Nguyễn Quang Thiều thực sự đã làm cuộc vượt thoát
ngoạn mục khi bỏ lại sau lưng những vần điệu, thói quen, cách nhìn đơn tuyến mà
ta từng thấy trong tập thơ đầu tay của ông: “Ngôi nhà 17 tuổi” (Nxb Thanh
niên, 1990).
Nhìn tổng quan về thi pháp, thơ Nguyễn Quang Thiều trong “Sự mất ngủ của lửa” đã
kiến tạo thành công những kết cấu mới, mở ra những liên tưởng phi tuyến tính,
và đặc biệt, tạo những hình ảnh lạ lẫm, trương nở, chuyển động nhanh, khác hẳn
với những quy luật cũ.
Cái nhìn về “Sông Đáy” là một thí dụ của khác biệt: Những con thuyền lần
ra cửa biển/ Mưa rất dài ướt hết cả dòng sông (Những con thuyền sông Đáy). Nếu
những hình ảnh con thuyền, cửa biển, cơn mưa, dòng sông…
trong tập “Ngôi nhà 17 tuổi” vẫn là cách liên tưởng đơn tuyến, quen thuộc, ít
gây bất ngờ, thì “Sông Đáy” trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” đã nhảy một bước
dài: Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ
trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn. Ở đây, “cơn mơ”, “tiếng cá quẫy tuột câu”,
“tiếng nấc”, “tôi”, “cuối nguồn” là những hình ảnh cách biệt, xa nhau nhưng
cùng cuộn trôi theo một từ trường cảm xúc mạnh mẽ và nhất quán, tạo được
hiệu ứng không gian và bật lên sức liên tưởng mạnh mẽ: đó là cách liên tưởng đa
tuyến. Thơ Nguyễn Quang Thiều thường không áp dụng cố định những thủ pháp của
các trào lưu hiện đại, như Siêu thực, Tượng trưng, Biểu hiện,… nhưng câu thơ
trên có cách liên tưởng gần với tượng trưng, tạo hiệu ứng về hình ảnh và âm
thanh rất kỳ lạ.
Tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, trước hết, làm bật lên nỗi khao khát về những cuộc
lên đường, được giải phóng khỏi những định chế cũ, quan niệm cũ. Những liên tưởng
bất ngờ khởi đầu cho cuộc lên đường thoát khỏi cảm hứng và ám ảnh cũ. Cán
dậm chúi xuống mặt đường - Những nòng súng gỗ hết đạn…/ Vảy cá bám trên áo
họ lấp lánh những tấm huân chương (Trên đại lộ); Một cơn sốt ngồi ôm
một cơn sốt/ Những tiếng ho bình đẳng vỡ làm đôi (Thời gian); Thính cứ
ném xuống đời ta không ngủ (Mười một khúc cảm).
Tính truyện và ngôn ngữ kể gần với ngôn ngữ đời sống cũng là nét đặc sắc trong
tập thơ này. Ông viết mà như nói. Nói một cách nghệ thuật. Kiểu tường thuật
này ít xuất hiện trong thơ Việt trước đó, như: Những người đàn bà vác dậm
đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ/ Người họ bọc kín bởi
những lớp vải nâu và đen…
Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, yếu tố tính dục và hành trình giải phóng nó không
còn là cuộc phiêu lưu, hay một giấc mơ, mà được tác giả thể hiện táo bạo, đầy
tinh thần nhân bản và thánh thiện. Nó chính là một thực tại tâm sinh lý nhiệm mầu,
nối kết các nguồn mạch của sự sống, khơi dậy tất cả sức mạnh tiềm ẩn bên trong
mỗi con người: Bầu vú em gió núi đã thổi mát rượi (Một bài hát tình
yêu của Làng Chùa); Ta ôm nhau ngồi thở trước sao trời (Những ngôi
sao)…
Trong nỗi khát khao trở về nguồn cội, với tình yêu quê hương, nhà thơ tạo
nên những thi ảnh vừa ngẫu nhiên, vừa mang tính ám dụ: Con muốn lẩn vào
khăn áo đám ma quê/ Con muốn đắp lên cơn ho của con tàn hương thơm và ấm (Âm
nhạc); Chỉ mùi khói phân trâu khô bên đường bén lửa/ Ngăn ngắt đắng
vào giấc ngủ kẻ tha phương (Tha phương). Trong “Bài hát về cố hương
tôi”, thi sĩ đã hát bằng khúc ruột mình chôn dưới nắm đất dế giun: Nó
thành con giun đất…/ Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao/ Bò quằn quại qua khu mồ
dòng họ/ Bò qua bãi tha ma người làng chết đói/ Đất đùn lên máu chảy dòng dòng…
Từ sau tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, Nguyễn Quang Thiều luôn chú tâm khai triển
toàn bộ tinh thần thi pháp mà ông đã minh định. Nếu gọi “Sự mất ngủ của lửa” là
vạch xuất phát thì đến nay, nhà thơ đã để lại sau mình những xa lộ thênh thang,
thẳng băng mà ít có những khúc cua đột ngột. Ở lộ trình này, ông đã làm phong
phú, phồn tạp hơn những gì được khai mở trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” bằng
chính quá trình nhận diện cuộc sống và hoàn thiện quan điểm thẩm mỹ.
3. Thời đại và nhà thơ
Bóng dáng thời đại và cách tân thi pháp là hai vấn đề lớn và quan trọng trong
suốt hành trình sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều. Thơ ông tỏa sáng và
khuynh loát trong nhiều đề tài với những cách biểu đạt phong phú và đa dạng.
Thơ ông, dù viết về đời thường dung dị vẫn ẩn chứa tài năng/ tài hoa và sự tinh
tế của một cây bút giàu nội lực. Tiêu biểu như những bài thơ: “Tiếng cười”,
“Con gái ơi”, “Bầy chó của tôi”, “Thời gian”, “Thì thào khu vườn”, “Về những đồ
vật có trên bàn viết”, “Bữa tối”… Bên cạnh đó, Nguyễn Quang Thiều còn có nhiều
bài thơ mang tính biểu tượng và khát quát cao về xã hội, triết lý, nhân sinh,
như: “Bầy kiến qua bàn tiệc”, “Dưới trăng và một bậc cửa”, “Con bống đen đẻ trứng”,
“Nhịp điệu châu thổ mới”, “Bài ca những con chim đêm”, “Nhân chứng của một cái
chết”, “Cây ánh sáng”,…
Hiện thực trong thơ Nguyễn Quang Thiều thường được tái hiện như giấc mơ của người
mệt mỏi, kiệt sức vì quá tải trong những cơn dư chấn; là khát vọng sống của người
bệnh vừa thoát khỏi cơn tai biến hiểm nghèo. Hoặc như người vừa chợp mắt đã
nhìn thấy những trải nghiệm trong đời thực nhưng được phóng chiếu theo những
cách thức khác lạ, có thể cảm nhận được cả hơi thở nóng bỏng, sự khắc nghiệt đến
kinh hoàng của đời sống trên da thịt.
Thơ Nguyễn Quang Thiều thường bầy tỏ thái độ thẳng thắn, trực diện, nhằm
lý giải một cách chính xác nhất bản chất, chân tướng của đời sống. Hình ảnh
“con chim” trong câu thơ sau đây chính là một biến thái của đời sống, tinh thần
của thế hệ ông từng trải qua những giai đoạn lịch sử khắc nghiệt nhất: Tôi
là con chim sinh đầu hoàng hôn, cuối bình minh chưa biết hót. Cặp mỏ tấy sưng mổ
những thì thầm (Bài hát). Đó đồng thời cũng là nỗi khắc khoải, khao khát tự
do, công bằng, là chân lý của mọi thế hệ. Ông đã khắc họa hình ảnh thế hệ mình
trong những câu thơ: Tôi là con chim thay lông muộn và đang tập giọng bằng
cặp mỏ mềm còn ứ đầy máu loãng…/ Đợi bài ca sinh ra từ những hạt cơm vương
trong chân cỏ dại/ Từ quả trứng buồn vừa bóc vỏ thời gian (Bài hát). Nhà
thơ đang mộng du hay mê sảng? Khó ai có thể phân định rạch ròi trạng thái của
Nguyễn Quang Thiều từ những bài thơ của ông. Song chính ở trạng thái đặc biệt
này, Nguyễn Quang Thiều đã cho người đọc nhìn thấy những góc khuất lấp/ khuất tất
của đời sống thực tại.
Từ những góc tối ấy có những tiếng nói riêng biệt và đa dạng đang cất lên, tỉnh
táo xen lẫn mê dại, thô ráp đan xen với tinh tế: Không còn ai trên cánh đồng
mù mắt/ Bà tôi đâu, đòn gánh gãy đâu rồi/ Sấm mất giọng, đỉnh núi già mất bóng/
Mất hay còn, than thở để làm chi (Văn bản lần thứ nhất). Bài thơ “Đoản
ca về buổi tối” ghi nhận tâm thế hãi hùng của một người khi tận mắt chứng
kiến những cảnh tượng đời sống bị biến dạng, đổ vỡ:Một góc phố một hiệu kim
hoàn bị phá cửa/ Và trong quán rượu một người say đâm chết một người say. Đó là
hiện thực hay phi thực? Thật khó mà xác định!
Bức tranh trong thơ Nguyễn Quang Thiều lúc đậm lúc nhạt, khi rõ nét khi nhòe mờ
được khắc tạc trong bóng tối sau mỗi ngày chỉ vừa đủ hình dung và kích thích
trí tưởng tượng phong phú của chúng ta: Chúng ta sống quờ quạng trong những
tháng năm bóng tối nham nhở. Nhiều hơn thành phố vùi sâu vào đất. Những thành
phố ra đi vĩnh viễn và mang theo những cây đèn. Chúng ta bới đất và nâng những
cây đèn, như nâng những thi thể ngừng thở đã lâu nhưng da thịt vẫn còn ấm nóng (Nhân
chứng của một cái chết). Lại thấy hình ảnh những đứa trẻ trong trắng, thơ ngây
hiện lên lung linh như những giọt sương treo trên đầu gai nhọn trong khổ thơ
sau: Quanh các con tôi thế giới đang tự sát/ Hai đứa bé không hay vẫn bứt
lá vườn/ Còn sót lại sau mùa cây sưng phổi/ Bày cơn mơ lên mảnh đất cuối
cùng (Con bống đen đẻ trứng).
Nhà thơ nhiều lúc đã phân thân thành kẻ khác, với cái nhìn khách quan, tỉnh táo
và lạnh lùng trước nghịch lý đáng sợ của đời sống thực tại: Và vẫn nhìn thấy/
Cuộc làm tình ban ngày/ Của những kẻ thất nghiệp/ Trong chính công sở của họ/
Và vẫn nhìn thấy/ Nơi ngã tư một chiếc xe tải/ Cán nát một cô gái/ Nhưng bó hoa
cô cầm trên tay/ Vẫn nở nốt bông cuối cùng/ Và vẫn nhìn thấy/ Linh hồn những
người đã chết/ Xếp hàng trước cổng trụ sở Tòa án thành phố (Nhật ký ghi dưới
gốc cây gần quảng trường). Chính trong cơn đau đớn, khốn cùng vật vã và cả thất
vọng ấy, nhà thơ là người “đi cầu tự cho tương lai của xứ sở mình”.
Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, bạn đọc được chứng kiến một hiện thực đời sống với
nhiều gam màu dị biệt, lạnh lùng u tối nhưng không bi lụy, tuyệt vọng,… Nhà thơ
đã sử dụng ánh sáng rất linh hoạt và đa dạng trong những tác phẩm của mình. Ông
thường thắp trên phông nền thẫm tối một vài đốm sáng, vệt sáng nhỏ nhoi nhưng
có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đốm sáng đó có thể là ngọn đèn hạt đỗ, vài con đóm đóm,
một tia chớp… nhưng cho bạn đọc nhìn rõ con đường và hướng đi của ông. Nhìn
xa chân trời nơi bình minh hé môi cười là bóng/ Những gót chân đích thực, những
gót chân đang khuất/ Như những vệt nước lớn bay hơi nhẹ nhõm không rên rỉ điều
gì…/ Cho đến khi từ vòm miệng nồng hôi, nhớp nháp/ Những cái lưỡi của người tìm
được lối ra (Bình minh đang lên). Bằng linh cảm nhạy bén và khả năng tiên
tri của thi sĩ, Nguyễn Quang Thiều đã nhìn thấy khoảng cách từ “bóng tối” tới “ánh
sáng” trong một cự ly quá gần ở đoạn thơ sau: Chúng ta ngỡ bóng tối
chứa đầy vũ trụ/ Thực ra chỉ mỏng như màng mắt người mù/ Và chỉ cần bước thêm một
bước/ Chúng ta sẽ sáng lên sau những hãi hùng (Bóng tối). “Chỉ cần bước
thêm một bước”, đó là cách nghĩ, cách gợi, một gọi mời của thi sĩ khi ranh giới
giữa xấu tốt thị phi là… vô cùng mỏng manh.
Những cuộc lên đường cũng là điểm đến trong chuyển động thơ Nguyễn Quang Thiều.
Đó là khi con tằm chui ra từ vỏ kén, là mầm cây bật lên từ khe đá, là cơn mưa
xuống ngọn đồi trơ trọc, đích đến phía chân mây mù mịt sương mù, là sự dũng cảm
nhích lên nửa bước chân, những mất mát thua thiệt trong đời sống được đền bù: Và
giờ đây trong bóng tối của tháng Chạp đông cứng như một chiếc hàm thiếc/ Tỏa rừng
rực hơi nóng những bao hạt giống/ trong tiếng nghiến kiên trì khủng khiếp của
bánh xe/ đi đến cánh đồng đang chờ quyền phép của tháng Giêng ban tặng (Quyền
phép của thời gian).
Sự “ra đi” trong thơ Nguyễn Quang Thiều là “ánh sáng” để “Dựng
lên tất cả những cái thây của bóng tối đầm đìa”, để tái tạo hàn gắn, sắp đặt lại
thế giới... Đọc thơ ông, ta thấy tương lai tốt đẹp, ngập tràn hy vọng, thấy ấm
áp, ân cần: Người đang đến. Người đang trở về/ Con đường tinh kết. Con đường
lan tỏa. Đọc đến cuối mỗi bài thơ, bạn đọc như vừa tự tìm được một lối rẽ, tự
mình vừa đặt tay lên những nắm cửa để giải thoát mình sang một không gian khác,
một hoàn cảnh khác... Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình (Nhịp
điệu châu thổ mới).
Đây cũng là trạng thái thường có khi kết thúc mỗi cơn “mộng du” của thi sĩ Nguyễn
Quang Thiều. Ở đó, thường mở ra không gian bất tận để bạn đọc nhận ra mình đang
đứng trong áp lực của những cơn gió lớn: Tôi ra sông lấy lòng tay múc một
miền nước lớn (Chiếc bình gốm). Và, ông đã thấy Con đường và số phận
dân tộc chúng ta từ một đỉnh đồi (Bài ca những con chim đêm).
4. Thi pháp và những cách tân
Không gian thơ Nguyễn Quang Thiều luôn động chuyển, biến hóa bất ngờ. Mỗi câu
thơ, hoặc đoạn thơ chỉ là một phần nhỏ không hoàn thiện của thi ảnh Nguyễn
Quang Thiều, giống như người đi thị sát, có thể đặt tay lên một tảng đá trong
trùng trùng núi non mà không mường tượng hết được hình thể tổng quan của nó.
Bài thơ “Dưới trăng và một bậc cửa” dẫn ta vào một không gian hỗn độn những
hình ảnh: chiếc lá non, bóng cây, con dế mèn, bối tóc, ổ trứng, dãy số,
con chó, ổ đất, v.v. Nếu chỉ chăm chú vào những chuyển động của những hình
ảnh đơn lẻ ấy, người đọc sẽ không bao giờ gặp được vẻ đẹp thơ ca trong đó, thậm
chí sẽ thấy chúng rời rạc, khô cứng và có thể không còn ý nghĩa. Cần phải chuẩn
bị một tâm thế khác, cách nhìn khác khi tiếp cận thơ Nguyễn Quang Thiều. “Dưới
trăng và một bậc cửa”, cuối cùng, phải chăng là cơn khát tìm đến một thế
giới hoàn mỹ những vẻ đẹp bất tuyệt và đó là cảm xúc phát sinh từ một tâm thế
tái sinh, tìm lại những gì đã mất đi, đã chết.
Thơ Nguyễn Quang Thiều ít chú trọng vào những điểm “nhói sáng” của cảm thức mà
dần trải ra trong chiều dài và độ sâu của những hình ảnh. Những đứt gãy, rời rạc,
như không có liên kết, tạo ra độ giãn cách giữa những nhóm hình ảnh được làm
sáng lên trong không gian thẫm tối, tạo độ tương phản rõ rệt.
Có vẻ như chỉ riêng thi sĩ nhìn thấy: Con bống cái chửa hoang ngơ ngác và
thường chết ngất; Hai cánh tay tôi – hai vây cá rách tướp/ Dìu nỗi sợ chửa
hoang đi tìm ổ đất buồn… Nếu không bị cuốn vào tiến trình mộng mị của hình ảnh
thơ Nguyễn Quang Thiều, người đọc khó lòng đi tới thông điệp đích thực nhà thơ
muốn gửi gắm. Ông thường ghi lại những trạng thái ám thị đặc biệt, trong đó,
hình ảnh, sự vật vừa vẫn mang chứa những đặc tính thông thường của đời sống hiện
thực, đồng thời vẫn có sức thôi miên, ám ảnh kỳ lạ: một linh hồn cây, ổ
lá mục đến vũ hội bầy bọ chó, một nồi bột bánh…
Không gian nguồn cội và quê nhà luôn da diết khắc khoải trong thơ Nguyễn
Quang Thiều ngay từ tập thơ đầu tay “Ngôi nhà 17 tuổi” đến tập thơ “Cây
ánh sáng” (Nxb Hội Nhà văn, 2009): Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi
gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng
áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm (Sông Đáy). Hình ảnh “đôi
rùa mai nâu” đã để lại dấu ấn rất riêng biệt của một tình yêu trong sáng,
thơ ngây: Sao ta không chạy nữa, sao ta dừng lại?/ Sao ta không trườn xuống
sông như đôi rùa mai nâu (Dòng sông); hay: Ta chạy qua bao cánh đồng,
qua những mùa cỏ dại/ Hạt cỏ tươi dạt vào túi áo ướt của em (Dòng sông).
Thơ ông càng ám ảnh hơn khi kiệm lời và được sắp đặt trong những tổ hợp từ đậm
chất Nguyễn Quang Thiều. Nếu chú tâm, ta dễ dàng nhận ra lối mở vào không gian
thơ, và cả thần thái thơ Nguyễn Quang Thiều thường nằm ngay ở câu thơ đầu tiên
trong mỗi bài, như câu: Hãy mang tôi về xa nữa (Bài hát), và: Các
con cháu tôi đến trước (Bữa tối) đã thực sự phát lộ ý tưởng chủ đạo của
bài thơ. Từ ý thức đó, nhà thơ thường chuẩn bị kỹ tâm thế, cấu tứ cho bài thơ của
mình, và cảm xúc mạnh ập đến là gõ máy/ đặt bút xuống: Thức dậy từ cơn mơ,
cả cúc áo cũng không cài hết (Dòng sông); Những ngón chân xương xẩu,
móng dài và đen toẽ ra như móng chân gà mái (Những người đàn bà gánh nước
sông); Người nắm chặt những hạt giống và thả vào bầu trời đất nâu (Hòa
âm của những đa bào); Không còn gì cho tôi khóc sớm nay ngoài cánh đồng
rau khúc (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc); Tiếng súng bắn tỉa lần
thứ nhất vang lên (Trong tiếng súng bắn tỉa)… Cũng chính từ những câu thơ
bỏng rát đầu tiên ấy đã cất tiếng nói từ bên trong, kích hoạt cho những phản ứng
dây chuyền tiếp theo trong cả bài thơ.
Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, hiện thực khắc nghiệt của đời sống thực tại và hiện
thực tiên tri, tưởng tượng… được khúc xạ, thăng hoa, hắt sáng từ cảm quan, tư
biện của thi sĩ. Tất cả được hiện hữu trong thơ ông vừa đau đớn vừa da diết, vừa
chằm bặp vừa lạnh lùng. Ông luôn thổn thức và hân hoan, đau đớn và thất vọng…
trong tư thế một công dân đầy trách nhiệm: Không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi
ngày tôi mất đi một cỏ/ Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm (Gọi
hồn). Nhiều lúc Nguyễn Quang Thiều đã nhìn thấy cả những vẻ đẹp lộng lẫy, gần
gũi tưởng như có thể chạm được tay vào, nhưng như bao người cùng thế hệ, có lúc
ông thấy kiệt sức như không thể bước thêm được nữa: Kìa những cái cây lộng
lẫy và kiêu hãnh trong gió gào rít giữa đêm/ Và một kẻ đang gắng sức tìm lối đến
Thiên đường nhưng lại không ngước được mắt lên (Những công việc của tháng
Mười Một).
Bằng ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh và sắc bén, thơ Nguyễn Quang Thiều cho
chúng ta bình tĩnh thấy được cốt lõi, cả mặt trái của đời sống, thấy được cả những
khiếm khuyết, bệnh tật, và cả ung nhọt thậm sâu trong từng cơ thể: Chúng
ta săn tìm xác chết những con tôm/ trong lọ mắm/ Theo cách của chim ưng/ Chúng
ta xé những chiếc bánh mì/ Bằng động tác của báo/ Chúng ta cắt dao vào ngón tay
trỏ/ Nhìn xuống gầm bàn chúng ta chửi/ Chiếc giày chân phải/ Hay tranh chỗ của
chiếc giày chân trái/ […] Và lúc đó có người đứng dậy/ Đi vào bóng tối/ Và quay
nhìn lại/ Thấy mình mẩy chúng ta cắm đầy giáo/ Phóng tới từ một đấu trường khác (Bức
thư đề ngày 25 tháng 12). Cách nói và những điều được nói ấy, quả thật chưa từng
xuất hiện trong thơ Việt trước đây. Tôi dẫn tiếp một đoạn thơ của Nguyễn
Quang Thiều viết về khung cảnh và nhân vật trữ tình: Anh ngắm nhìn những
ngón tay em/ gục ngã như nạn nhân trên trường bắn/ Anh ngắm nhìn đôi môi em đầy
đọa/ Một ý nghĩ nổ tung trong bản nháp/ Chiếc bút dừng mạnh ở một điểm và tì mạnh (Bản
thông cáo).
Hiện thực đời sống trong thơ Nguyễn Quang Thiều hiện lên phức tạp và đa diện,
từ mặt người, mặt ma quỷ, mặt súc vật, mặt gỗ… Đọc thơ ông thấy cái
Ác và cái Thiện luôn xung đột dữ dội, từ đó thoát ra niềm khát khao muốn đồng
hóa nhau với đủ mọi sắc thái: Một con rắn rúc vào đám tóc anh và nằm phục
cái lưỡi anh lộ ra/ nó muốn giết anh khi đơn âm đầu tiên của anh phát nổ (Hoa
tiêu). Biểu tượng “con rắn” trong thơ Nguyễn Quang Thiều biến ảo khôn
lường, lúc là “gã thợ xẻ” giả dối trong bài thơ “Hồi tưởng tháng Bảy”,
lúc là “con mồi” trong bài thơ “Những con mồi”, hoặc “bầy chim
ăn thịt” trong “Bản tuyên ngôn của cơn mơ”…
Như đã trình bày, tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” là bước khởi động nhưng lại
chính là cột mốc quan trọng cho hành trình cách tân thơ của nhà thơ Nguyên
Quang Thiều. Những tập thơ khác tiếp nối là các chi tiết tiếp theo để hoàn chỉnh
từng phần các hạng mục giàn giáo, cột kèo, trang trí cho lâu đài thơ của riêng
Nguyễn Quang Thiều. “Nhịp điệu châu thổ mới” (Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây xuất
bản, 1997), “Bài ca những con chim đêm” (Nxb Hội Nhà văn, 1999), “Cây
ánh sáng” (Nxb Hội Nhà văn, 2009) thực sự mở tiếp con đường đã khai phá từ thập
niên chín mươi với việc bung nở những thi ảnh khác biệt. Đó là một cánh đồng
vải liệm thơm tho, con chuột đồng cắn môi bên bông hoa cổ tích, bình minh đang
phơi tóc trong bóng tối; hay những câu thơ cứ găm vào tâm trí người đọc như một
cái “dằm gai” buốt nhức: Tôi khóc những miếng bánh nóng như một cái lưỡi
rơi vào bếp tro bụi bặm (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Hay nữa: Chàng
quỳ xuống và ngước lên cây ánh sáng vĩ đại nhất đang toả mãi tán lá ban mai khổng
lồ (Cây ánh sáng). Ánh sáng trong câu thơ chói ngời lan tỏa chan hòa
nơi người đọc, gột rửa tâm hồn người, thanh tẩy uế trọc tục lụy, đưa con người
vươn tới thánh khiết.
Mặt khác, những hình ảnh quen thuộc như “nước”, “vòm lá”, “con cá”… được
bài trí và chuyển động trong một thế giới kỳ ảo, đã có tác dụng tra vấn và kích
thích mạnh mẽ trí tưởng của người đọc: Tôi thấy nước đang chảy trong những
vòm lá. Con cá tiên tri đang ăn những trái cây chín đen./ Hãy nhìn ra sông và
kìm nén cảm xúc/ Một cái cây thì thào với một cái cây. Rồi tất cả chợt lặng im
như vừa biến mất (Nhân chứng của một cái chết).
Bên mạch thơ vạm vỡ, sắc lạnh, thơ Nguyễn Quang Thiều còn thể hiện sự tinh tế,
trữ tình khi viết về thiên nhiên, con người và những đồ vật giản dị. Bài thơ “Mười
một khúc cảm” là tổng hòa những giai điệu, phức điệu của ông: Ta là
chiếc lưới câu bị bỏ quên đau khổ/ Chỉ đợi run lên trước đôi môi em; Em
non bấy đau trong từng sợ hãi (Những ngôi sao)…
Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, có khi chúng ta ngỡ mình lạc vào một thế giới đồng
dao thần thoại, ở đó mọi người sống để yêu nhau và hiến dâng hạnh phúc.
Thế giới thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, từ ánh sáng, bầu trời,
cây cối, súc vật, ngọn đồi đến mọi đồ vật đơn sơ đều có linh hồn, hiển hiện
cùng nhiều thế hệ con người tồn tại phi thời gian. Tất cả như cùng đồng hiện,
thanh minh, cật vấn… trước vị “quan tòa” Nguyễn Quang Thiều. Trong thế giới thơ
ca riêng biệt ấy, nhà thơ là Chúa tể trị vì, trả lại sự công bằng, tự do, mở một
chân trời khác dưới ánh sáng của thi ca.
Bài thơ “Linh hồn những con bò” của Nguyễn Quang Thiều là một ví dụ. Nếu “cánh
đồng cuối cùng”, “bóng tối”, “tiếng rống”, “những chiếc ách”, “dàn kèn đồng” thuộc
về hôm qua, hiện thể… thì “đám mây” trở thành một biểu tượng của phục
sinh miên viễn nhuốm màu sắc tâm linh: Giờ chỉ còn những đám mây/
phiên bản của đàn bò/ bay trên cánh đồng/ của những con bò khác.
Trong thơ Nguyễn Quang Thiều hay nhắc tới “bên kia”, dẫn dụ một thế giới
khác nữa kế cận, đã qua hay trong vị lai, là những kiếp trước, chỉ riêng ông
nhìn thấy: Tôi phải tới những vụ gieo trồng của cánh đồng bên kia/ Bên
kia, những lưỡi cày đang được đất dạy dỗ/ Bên kia, những nông dân quỳ sụp nghe
đất đặt tên/ Bên kia, những hạt giống được tắm rửa và đặt vào võng cỏ (Điều
thiêng).
Những hình ảnh trong khổ thơ trên không còn ở trong phim âm bản, mà người đọc
được tận mắt nhìn thấy một góc nhỏ trong ngày phán xử Tận thế. Ở đó, “lưỡi
cày” tồn tại hàng ngàn năm nghe đất đai “dạy dỗ”, “người nông
dân già” chờ đất đai đặt lại tên,“những hạt giống” được lên ngôi chờ
đợi vụ mùa khác của kỷ nguyên khác…
Bài thơ “Chuyển dịch màu đen” là đỉnh cao trong hành trình cách tân của nhà thơ
Nguyễn Quang Thiều, là câu chuyện thơ mang kịch tính, xung đột, gây ấn tượng mạnh,
tạo đa nghĩa... Ngôn ngữ thơ trong bài thơ gần với ngôn ngữ đời sống, súc tích,
từng chi tiết diễn tiến nhanh... Những mảng màu sáng tối tương phản rõ rệt ngay
trong từng mạch thơ. Mỗi câu thơ như nhát bay miết mạnh, dứt khoát trên tấm
toan rộng tạo ấn tượng, nhiều đoạn như nhát búa giáng mạnh vào tâm não người đọc: Những
con muỗi trộn màu đen của chúng vào màu đen ngôi nhà để đánh cắp màu đỏ…/ Những
cặp môi xiết vào nhau như thổ dân xiết hai miếng đá. Nhà thơ dồn nén cảm xúc
vào những trạng thái đặc biệt, chú trọng tạo hiệu ứng xung đột cao để bạn
đọc cảm nhận được vẻ đẹp thơ ca trong những không gian lạ thường: Ngôi nhà
gỗ cắn môi, ổ khoá hóc chết chẹt một khoảng tối.
Bên cạnh những mảng “màu lạnh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có chủ ý
khá tỉnh táo đặt những hình ảnh tương phản, lúc giàu tính trữ tình như Cầu
thang gỗ đã ngủ, những răng sâu đã ngủ/ Dìu dịu trên đệm ấm, cơn ngứa thay lông.
Nhiều lúc ta bắt gặp những câu thơ như ngọn đèn bất ngờ bật sáng trong góc tối: Trong
góc phòng, bầy cá vàng giấu mình vào vùng nước tối…/ Những vòm cây đã trộn vào
nhau/ Rễ trộn vào thân và lá trộn vào quả…/ Tỉnh giấc trong khuya bởi màu trắng
cơn mê/ Cố hương xoã tóc đen đi trong gió trắng/ Cố hương vật lên như sóng/ Cố
hương vùi mình như muối triệu năm. Bài thơ trộn lẫn giữa giấc mơ với ngổn
ngang hiện thực, giữa khát vọng tự do, hòa đồng và hóa giải những định kiến về
sắc tộc, văn hóa…
Và lúc này chàng nghe thấy tiếng chân những đàn bà xanh như nước biển bước đi
như không bao giờ hết qua ngôi nhà chàng/ Và lúc này những cái cây trên thế
gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả con đường…/ Trong
một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy/ Và
Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa/ trên
cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn (Cây ánh sáng). Nếu
ánh sáng trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” là ngọn đuốc, đèn pha, thì ánh
sáng trong tập thơ “Cây ánh sáng” được hắt lên từ đường chân trời rạng
đông, cho ta nhìn thấy hết vẻ đẹp trinh nguyên, bất tận của một sớm mai tuyệt đẹp.
Nó cho ta biết được một ngày mới đang đến với bao khác biệt, nhiều bí ẩn, bất
ngờ. Tập thơ “Cây ánh sáng” cho chúng ta được quyền tin yêu và hy vọng vào
những điều tốt đẹp trên thế gian này.
5. Kết luận
Hành trình thơ Nguyễn Quang Thiều khởi đi từ tập thơ “Sự mất
ngủ của lửa” đến những tập thơ về sau đã định hình một phong cách riêng biệt.
Ông đã khẳng định tài năng, bản lĩnh thi sĩ và sự dũng cảm của mình bằng khả
năng thiên bẩm, bằng kiến thức và trải nghiệm phong phú.
Thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ là một hiện tượng độc sáng,
mà sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng của nó đã mở ra một giai đoạn mới cho thơ Việt
đương đại. Thơ ông cũng đã làm chao đảo một số tác giả sáng tác theo hệ hình
thi pháp cũ. Có thể họ không đổi mới được toàn triệt, nhưng cũng bắt đầu thay đổi
tư duy thẩm mỹ, áp dụng một phần những thủ pháp mới của một số trào lưu, khuynh
hướng hiện đại. Sau sự xuất hiện của thơ Nguyễn Quang Thiều, nhiều tác giả trẻ
đã khởi phát đổi mới, cách tân thi pháp. Những tác giả này dù không ảnh hưởng
trực tiếp từ thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều, nhưng đã tiếp nối tinh thần đổi mới
của ông cùng một số gương mặt cách tân khác để làm nên một thế hệ mới/ khác của
thơ Việt Nam đương đại. Ông là một trong những thi sĩ tiên phong của dòng chảy
thơ cách tân Việt Nam sau 1975.
Tranh của Nguyễn Quang Thiều
4/2012
Mai Văn Phấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét