Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Thơ Khánh Phương và những trái tưởng tượng

Thơ Khánh Phương và những trái tưởng tượng
(Đọc tập thơ “Thành phố đại dương” 
của Khánh Phương, Nxb Hội Nhà văn, 2013)
Đây là tập thơ thứ hai của Khánh Phương, sau tập thơ trình làng “Hai bầu trời” (Nxb Hội Nhà văn & Bách Việt Books, 2010). Chị là nhà thơ theo khuynh hướng cách tân, cùng thế hệ với các tác giả, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Lê Ngân Hằng, Đỗ Doãn Phương…
Thơ Khánh Phương sớm định hình phong cách. Chị thường kết nối các phương chiều không gian và thời gian, tạo sự đồng hiện, qua đó, kiến tạo vườn thơ riêng với những “trái tưởng tượng” mới lạ. Phương pháp này làm xuất hiện những yếu tố tương phản, nảy sinh một hệ thống những mối liên hệ thị giác, đem đến cho bạn đọc nhiều liên tưởng mới lạ về những hiện tượng xảy ra nơi hiện thực đời sống và trong tâm tưởng. Có thể nói, tính đồng hiện là một đặc trưng thi pháp thơ Khánh Phương. Nó bắt nguồn từ các trào lưu nghệ thuật hiện đại phương Tây, nhằm tìm kiếm những hình thức biểu đạt mới với quan niệm đa dạng về hiện thực xuất hiện đồng thời trong đa điểm nhìn.
Trong tập thơ “Thành phố đại dương”, Khánh Phương đã kết hợp nhuần nhuyễn cảm xúc và suy tưởng để tạo ra dòng chảy riêng biệt, siêu hình: người đàn bà từ ba ngàn năm trước/ cõng trên vai đứa bé/ vừa chết/ chiều nay (Kanji, 7). Để đạt được điều đó, chị đã hóa thân thành một thế giới riêng biệt, tái hiện hình tượng từ nhiều nguồn ẩn ức, xung động, hòa trộn cùng những dữ liệu của đời sống thực tại: Tôi lục lọi những ý nghĩ tìm bạn/ buổi sớm mai, cánh rừng đang cháy, mặt hồ/ ly nước, màu vàng của trái chuối, cuốn sổ, chiếc khăn tay…/ bóng bạn trùm xuống bờ vịnh tối/ như cây cọ (Viết cho Machzumi Dawood). Hình ảnh “bóng bạn” như “cây cọ” trùm lên câu thơ được kết nối vào những mảnh vỡ tuyệt đẹp của tưởng tượng. Chúng ta thất lạc nhau có lẽ từ một trận sóng thần/ kiếp trước/ đến bây giờ/ em vẫn chưa có anh (Con tàu như cây kim trên mặt biển). Đó là cách nói ám thị trực tiếp, nhưng có vẻ như ai cũng tin, không chút đắn đo, nghi ngờ: chúng ta từng cho đi/ cả kho ngọc vàng châu báu.
Cách liên tưởng của Khánh Phương khá dị biệt và đa dạng. Chị thường dồn nén cảm xúc, cuốn theo xác tín, đam mê của mình. Những hình ảnh cứ thế được nhân lên, phóng đại gấp nhiều lần so với hiện thực: Bờ biển một ngày nở phồng lên/ Tôi quên mình là ai/ Trần truồng đi xuống bến tắm (Chakti). Chị hay đảo lộn những khái niệm thông thường, đan cài những hình ảnh được khuếch đại hoặc thu nhỏ theo cách của riêng chị, và biến hóa chúng thành máu thịt trong cơ thể, đời sống: Ánh sáng chậm/ như bóng tối/ trời anh đào ngực em/ Còn thở/ Mạch máu chảy thành những con đường nước Nhật…/ Mặc áo cho biển/ vạt áo thêu hoa dạ hội/ Tiếng chuông đánh mặt trời (Kan ji, 6).
Cách hòa trộn hình ảnh trong thơ Khánh Phương cũng rất lạ và có phần quái đản, nhưng vẫn được bạn đọc chấp nhận vì chúng xuất hiện và chuyển động logic, tạo những hình dung về một thế giới vừa quen vừa lạ, vừa ló rạng sinh sôi, vừa héo rũ tàn úa: Người ta cắt động mạch/ những bình minh/ em làm sao thoát sống/ máu chúng ta nhuộm đen những câu chuyện/ xưa/ ngực anh giấc mơ quay lại (Sang…). Nhiều hình ảnh đứng cạnh nhau nhưng rất khác biệt, như không hề liên quan, được kết nối, tạo nên những trường nghĩa sinh động và độc đáo. Chiếc rốn/ Bông anh đào biến mất (Kanji, 7). “Chiếc rốn” và “bông anh đào” là hai hình ảnh khác nhau cả ý nghĩa lẫn biểu trưng. Nhưng khi nhà thơ xếp chúng gần nhau, thì hai hình ảnh ấy bất ngờ chuyển động, hoán đổi ngữ nghĩa cho nhau, vượt qua giới hạn liên tưởng và cảm xúc thông thường. Khổ cuối bài thơ “Kanji 7”, gồm ba câu thơ với ba ý nghĩa riêng biệt, nhưng được Khánh Phương liên kết, tạo dựng một trường xúc cảm mạnh và xuyên suốt. Chúng hiện thực hóa sự biến chuyển từ thế giới hữu hình sang vô hình, giới hạn thành vô hạn: cỏ mồ lan xanh dưới lưng ân ái/ cắn chặt cái hôn/ quà của anh từ cõi khác. Trong khổ thơ sau đây, chị dồn nén nhiều hình ảnh trong mạch cảm xúc nhất quán, bằng cách đan cài những chuyển động của muông thú, cỏ cây lẫn với hoạt động của con người: Gieo tóc anh xuống khu vườn/ Mọc lên cây/ Chùm trái tóc như trái phá/ Gọi tới ăn/ Bầy chim biết nói tiếng người (Vết cắt). Những hình ảnh “tóc”, “cây”, “trái”, “bầy chim” trong khổ thơ trên vận động tương hỗ theo quy luật riêng của nhà thơ trong một “khu vườn”, để dẫn đến kết cục “Bầy chim biết nói tiếng người”.
Thơ Khánh Phương cho bạn đọc cảm nhận được bản chất và chuyển động của sự vật, hiện tượng trong thế giới riêng, dị biệt. Thế giới ấy hiển thị ngổn ngang, thô mộc, nhưng lạ lẫm và tự nhiên. Đó là khoảng không tự do không bị bất kỳ bàn tay nào sắp đặt, can thiệp, dù các sự vật mang bộ mặt lương thiện hay khăm ác, cứ ngẫu nhiên/ ngang nhiên “xưng xưng” xuất hiện trong thơ chị: tiếng bò dê kêu trong chuồng..., lượn sóng trắng theo chân..., áo quần không thời trang..., vết thương tím bầm ở bụng..., ánh mắt có lửa của chó sói..., cái miệng giá lạnh của tuyết đêm..., hay chòm ria, nấm mộ, người ăn mày ở góc chợ… Những âm thanh và hình ảnh ấy hiện lên như chứng nhân lịch sử, “vết bỏng” của những cuộc hỏa hoạn, tao loạn... Đan xen cùng những hình ảnh gai góc ấy, thơ Khánh Phương còn xuất hiện những bóng dáng rất đáng yêu, thơ ngây đến nao lòng, như “mỗi chiếc lá giấu một con chim” trên cây dâu (Cây dâu của chị Hà Thị Kim Liên), người đàn bà bước vào khoảng không (Trong phòng đợi), Cù ký trẻ nhỏ trong nôi/ Cười rúc rích (Gọi...), Trong hồn tôi xanh/ Một chú thỏ nâu tới ngồi.../ Hạt cát/ Còn run rẩy/ Khi nước triều rút xuống/ Bình thản trong ánh mặt trời.../ Vẻ đẹp là đóa hoa nở không ngừng suốt đêm đen (Đọc Chú Đại Bi)… Những hình ảnh này hé mở từng cánh cửa, có khi rất nhỏ, để bạn đọc biết được trái tim nhân hậu, lòng vị tha, vẻ đẹp tinh khôi trong tâm hồn nhà thơ.
Những hình ảnh trong thơ Khánh Phương không rậm rạp, đan xen, và thường xuất hiện như một sự tình cờ. Những hình ảnh của bài thơ “Trong nắng” sau đây đã liên tục biến hóa, mở ra nhiều liên tưởng theo câu chuyện kể “chiều chúng ta ngồi bên cửa biển”. Rồi cũng ngẫu nhiên chị chạm vào “thế giới của loài hải âu trắng”, cả những “linh hồn còn lẩn khuất”… Nhà thơ như tình cờ “nhậu với món cá xanh xương nướng… đi tiểu trong rừng dương”, rồi bất ngờ đưa câu chuyện sang một không gian - thời gian khác xa lạ, “kể về tro cốt chúng ta mai sau bay trên sóng”. Đây chính là “ma thuật” trong thi pháp thơ Khánh Phương. Nó cho bạn đọc tri nhận về một thế giới vừa hiện hữu vừa mơ hồ, muốn theo đuổi nhưng rất khó nắm bắt: Chiều rút nước chầm chậm/ lộ ra thân thể biển/ sau cuộc làm tình. Thời gian trong bài thơ, phải chăng đã dần trôi sang một thời điểm khác, trái đất đã quay sang một khung cảnh khác. Những hình ảnh về cuộc gặp gỡ bạn bè trên bãi biển như cũng lùi vào dĩ vãng. Khi tấm màn của một vở kịch vừa khép lại, thì những hình ảnh kỳ lạ khác của vở diễn khác lại tiếp tục: Sớm mai lấy ra những dây muống biển xanh rì/ Cái ôm hôn tạm biệt…
Thơ Khánh Phương chuyển động trong không gian mở, bởi mỗi bài thơ của chị là một điểm “khai phóng” cho giai đoạn tiếp theo. Bài thơ “Thành phố đại dương” cho thấy, những bí ẩn của đời sống con người và vũ trụ khi đồng hiện, thì mạch thơ chuyển động đa tầng, phức rối, khó nắm bắt hơn. Đây là bài thơ tổng hòa các thủ pháp sáng tác của Khánh Phương, đồng thời cũng cho bạn đọc nhìn thấy giai đoạn thơ tiếp theo của chị: Lửa rực hồng dưới biển sâu/ Tôi vươn mình/ Tóc xanh dài trong nước.
Cách kết thúc bài thơ gây hiệu ứng bất ngờ cũng là nét độc đáo trong thơ Khánh Phương. Nó đẩy bài thơ sang một liên tưởng khác với những gì ta đã gặp trước đó, biến cái vô lý thành có lý, cái lỏng lẻo, lan man thành điểm hội tụ. Trong bài thơ “Thành phố”, nhà thơ kể bâng quơ, như huyên thiên nhiều mẩu chuyện rời rạc. Từ chuyện cơn đau trở dạ của một người đàn bà, những phát đại bác, rồi đột ngột nhảy sang “Những đội thuyền được tiếp thêm nhiều buổi sáng yên tĩnh trước lúc ra khơi”, đến chuyện “Nhặt được người một chiều lang thang”… Nghe như đã nhàm chán, chẳng muốn nhớ, chẳng muốn quan tâm nữa. Nhưng bất ngờ ở khổ thơ cuối, hình ảnh người đàn ông và người đàn bà “xuyên lấy nhau”, mãnh liệt và hoang dại trong cơn dâng hiến đã đẩy bài thơ sang một chủ đích khác: Như nhặt được mối tình/ trước cửa/ super market lúc 13 giờ đêm/ xuyên lấy nhau/ cùng anh/ lại sinh hạ thành phố.
Bài thơ “Chiếc bình bát”, từ tên bài đến nội dung đều rất giản dị. Đa phần những hình ảnh trong đó được tác giả thuật lại với giọng điệu chậm rãi, mệt mỏi, như “chán không thèm nói”: Đựng nắm nếp xôi dính tay/ vốc đậu phụng, mảnh cơm dừa/ trái xoài chín rục… Có lúc nhà thơ như một võ sỹ ngái ngủ, rồi bất chợt giật mình rút thanh gươm ra khỏi vỏ, ánh thép chạm vào bầu không sáng lên: Có khi rỗng không/ soi bóng bầu trời. “Chiếc bình bát” bỗng hé mở cho bạn đọc nhìn thấy những chi tiết, chuyển động từ đầu bài thơ, tựa những vật ký sinh chênh vênh trên cõi tạm: Có cô bé bỏ vào một trái chanh/ nó lăn tới lăn lui/ theo nhịp bước chân… Đoạn kết bài thơ cho bạn đọc nhìn thấy những chuyển động dị thường qua cửa sổ quan sát một thế giới thu nhỏ.
Hình ảnh thơ Khánh Phương gợi nhiều liên tưởng hoang sơ, bí ẩn... Trong bài thơ “Tôi thấy”, Khánh Phương hóa thân thành một cây con “mọc trên tường ngôi nhà sắp đổ”. Hình ảnh Anh cún con ngoạm thử lá tôi/ ngạc nhiên thấy chảy máu đã gợi cho tôi cảm giác được chạm tới cái cốt lõi hiện hữu và cũng thật mong manh của kiếp người; cũng ớn lạnh, rờn rợn khi nhìn thấy quy luật sinh-diệt khắc nghiệt của đời sống. Bài thơ đem đến nhiều liên tưởng khác lạ, có phần dị biệt. Khổ cuối lại gợi cho tôi hình dung một bông hoa bị sâu đục gần hết những cánh mỏng bấy bớt, nhưng phần còn lại vẫn ung dung mịn màng tỏa hương: Chiều qua/ anh xe ủi tới lui chỗ này/ không cán phải tôi/ Chúng tôi cùng lớn dưới mặt trời. Cái “cây con” mà chị đã tự nhận ấy dẫu non nớt, nhưng đầy kiêu hãnh, tự tin trong mọi hiểm họa luôn rình rập. Bạn đọc còn được gặp tâm thế ấy trong khá nhiều bài thơ của Khánh Phương. Hãy ngồi/ Cho ban mai thấm vào thịt da/ Ý nghĩa của đời (Tôi thấy, II). Đó là thái độ sống của nhà thơ, là cách hướng thiện, lòng tin cậy mãnh liệt vào những điều giản dị, đẹp đẽ của đời sống.
Thơ Khánh Phương ít lệ thuộc vào hiện thực diễn ra hàng ngày. Có vẻ như chị không hoàn toàn chú tâm vào việc phản ánh nó, nhưng một vài hình ảnh dù chỉ thoáng qua, vẫn cho ta hình dung một thực tại khốc liệt, lạnh lùng và đôi khi quá phũ phàng đang hiện hữu: Cô gái điếm đợi khách/ Trong hành lang cầu vượt/ Người ghiền xì ke nằm trên đống rác/ Đàn muỗi vuốt mắt cho anh ta (Tôi thấy); Hoa trắng rơi không ngừng/ Phủ lên điều không biết/ Những người chết nửa đường tự do (Chakti).
Khánh Phương luôn tin tình yêu mãi là ngọn lửa sưởi ấm và hóa giải mọi biến cố của đời sống. Giọng thơ của chị thường biểu cảm chân thành, cho bạn đọc cảm nhận sự thiêng liêng của tình yêu, một ân phước mà thượng đế đã ban tặng: Anh yêu/ chỉ tình đôi ta/ mới làm nên điều đó. Và, chị luôn tin tình yêu có thể làm được nhiều phép lạ: Khi cái hôn em gửi lên môi anh/ giữa mặt biển mênh mông/ bỗng mọc lên hòn đảo/ mọc lên cây xanh, âm nhạc, con người (Trong rừng Pahang). Trong bài thơ “Ca dao”, hình ảnh “chàng về với em” vừa dịu dàng, vừa quấn quyện, chảy xiết và hài hòa như dòng nước, để từ đó sinh ra những điều cao quý nhất: Như ánh trăng rơi trên lưỡi kiếm, con đường xa khỏi bàn chân…/ Về với em/ Như giọt sương tan dần, phiến đá ấm mặt trời…/ Với em/ Như tách trà sớm mai, chuyến xe khuất trong bụi đường, hơi thở người hàng xóm trở bệnh chiều qua, trái đêm nở ngôi sao xanh, đoàn người đi qua cây cầu gỗ lúc 1h sáng, đụn khói canh mùa thu, cây bạch dương khắc lên nền trời, giọt nước vạch lá sen, mùi mưa ẩm. Mọi chuyển động trong bài thơ trên đều khơi lộ vẻ đẹp của thế giới, nó diễn tiến tự nhiên như hơi thở, ánh sáng, như khí trời… Trong câu thơ cuối, nhà thơ đã thảng thốt khi nhìn thấy ánh hào quang tỏa rạng từ khi “chàng về với em”. Hình ảnh này từng xuất hiện từ đầu bài thơ: Như một ngày ngả vào lòng đất/ hắt ánh lên bầu trời sáng rực. Ánh sáng trong câu thơ đã trùm lên những hình ảnh khác trong bài, làm cho “anh” và “em” hiện lên thành biểu tượng của tình yêu mãnh liệt và thủy chung. Bài thơ “Tiếng đàn”, là cách chị phục dựng câu chuyện xưa về tình yêu. Ngay từ khổ thơ đầu,Tình em/ giọt sương nằm trong lá sen/ mặc gió lay giật cho thấy vẻ đẹp lạ kỳ của tình yêu, nhưng cũng thật chênh vênh, dễ tan vỡ... Các hình ảnh hiện lên trong bài thấp thoáng nét “cổ trang”, nhưng được bài trí hiện đại, cho bạn đọc cảm giác được sống trong không gian đương thời, rồi bất chợt chìm sâu vào xa xưa cổ tích. Chị sử dụng ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, nửa hư nửa thực khó nắm bắt: Hãy nằm nghỉ nơi đây/ mái nhà ta/ trong tiền kiếp/ mặt trời sẽ vén lên ngực chàng/ mảnh chăn ấm của em.
Khánh Phương có nhiều bài thơ, câu thơ độc đáo về tình yêu. Trong bài “Thơ viết cho anh ngày bệnh”, chị viết: Biển nuốt mất nửa thân anh/ thức dậy em cầu nguyện ngày lên. Người đàn bà trong thơ chị đã yêu để hóa thân, tan chảy: Em còn một nửa người đàn ông/ nửa kia là biển/ đổ vào em những sóng…/ Anh chệnh choạng bên rìa sóng/ Đêm xuống không ai biết mình ép làm một. Chị yêu để đồng nhất, để thoát xác và hòa nhập với cái vô cùng trong một cõi khác. Và đây là phút giây chị viên mãn trở về trái đất: Đem cái hôn chúng mình xuống mặt đất/ Gió thốc/ Sáng loà. Bạn đọc còn bắt gặp ánh sáng tinh khôi này trong nhiều câu thơ khác của Khánh Phương. Thơ tình của chị không hoàn toàn mới lạ, nhưng thu hút người đọc ở sự trong sáng, và luôn trở thành một trong những cái cớ để bộc lộ những tiêu chí đa dạng của cái đẹp, nhân cách và nhân tính. Vậy mà mình yêu/ Như cơn gió đêm bão/ Không còn chốn lùi…/ Giấc mơ/ ta bước sang nhau trộn vào nhau cái hôn vô biên/ trên những đứt gãy vỏ trái đất (Chuông buổi sớm).
Thơ Khánh Phương đa giọng điệu, mạch thơ thường chuyển động chậm rãi. Có lúc nhà thơ biểu lộ nhẹ nhàng như những lời tâm sự chân thành, cho bạn đọc đủ hình dung tình tiết của câu chuyện, rồi ngay sau đó, chúng được biến hóa vào những không gian tưởng tượng, đầy ắp mộng mị. Bài thơ “Trong rừng Pahang”, chị bình tĩnh bầy đặt một khung cảnh bằng giọng văn kể, những hình ảnh và tình tiết giản đơn như ta vẫn thường gặp: Sương đêm dâng tới cửa sổ tầng bảy/ nhòa trắng những ngọn đèn. Nhưng ngay sau những hình ảnh quen thuộc như bất động kia, nhà thơ đã bất ngờ mở ra liên tưởng mạnh “những con đường không dấu tích trên cao”, và sau đó, chị đã bình tĩnh lý giải ý nghĩa của điều kỳ diệu ấy: Anh yêu/ chỉ tình đôi ta/ mới làm nên điều đó. Những tình tiết “sương”, “cửa sổ”, “ngọn đèn” trong câu thơ trên được nhà thơ chắp cánh, bay bổng cùng với những con đường “trên cao” trong khoảng không rộng lớn và thanh tĩnh. Thơ Khánh Phương hát lên bằng nhiều cung bậc. Tôi nói chị “hát”, vì những thi ảnh của chị thường biến thành âm thanh có giai điệu, nhịp điệu dội vào tâm trí bạn đọc. Chúng ta đợi mặt trăng lên và nó đang xuống/ Đàn muỗi bay đi hút đêm và sự sống từ đêm/ giản dị như cái chết (Viết cho Thúy). Đoạn thơ trên cho ta hình dung chị đứng hát thầm một mình trong bóng tối, mọi hiện hữu khi ấy như tạm dừng lại trên ranh giới giữa tĩnh và động, sáng và tối, xuất và nhập v.v. Trong bài thơ “Hiện thân”, Nơi thân thể chúng ta chạm nhau, câu thơ thăng hoa trong tiết tấu nhanh, gấp gáp như tiếng gió rít qua cánh đồng rộng, làm cho tất cả cây lá trên đó như rạp xuống: làm thành thứ ánh sáng không ai chịu nổi/ sức nóng/ không gì chịu nổi. Bài thơ “Lá” là một tiêu biểu cho cách “hát” của Khánh Phương. Mở đầu là tiếng lá: Bay lên cao cùng nắng/ không trung triệu chiếc cầu vồng/ Chìm xuống vực sâu/ mang theo trái tim em. Đó là thần thái của chiếc “Lá” đang ngự trị/ trị vì trên trái đất. “Lá” vô danh, vô tình, nhưng cũng hữu tình che chở con người. Và trái tim chị đã hóa thành trái tim “Lá”, biết đau đớn, rộn ràng trước mọi biến thái của thiên nhiên, đời sống. Kết thúc bài thơ là khúc ca run rẩy, đắm say khi “môi anh” xuất hiện với nhiều tầng nghĩa: Ghé môi anh/ Uống/ soi gương vào lá/ ly thuốc mang em đi xa…
Những bài thơ của Khánh Phương trong “Thành phố đại dương” được hoàn thiện và ổn định hơn so với tập thơ “Hai bầu trời”. Vẫn cách liên tưởng lạ, tạo dựng không gian rộng và mở nhiều lối tiếp cận, ngôn ngữ hiện đại, giàu biểu cảm, đa nghĩa…, nhưng thơ Khánh Phương đã định hình rõ phong cách, gây ấn tượng hơn trước. Đó là cách liên tưởng táo bạo, gây cảm giác mới lạ, được sáng tạo trong cảm xúc mạnh. Nếu trong tập “Hai bầu trời”, chị sử dụng nhiều thể loại thơ (tự do, thơ-văn-xuôi, hai-kư, tân hình thức…) với cách chuyển dịch ngôn ngữ gần với Siêu thực, Tượng trưng…, thì đến tập thơ thứ hai này, chị đã thoát khỏi những khuynh hướng ấy. Chị chú ý biểu đạt bằng ngôn ngữ giản dị, tinh lọc, và chúng được đặt trong những ngữ cảnh đặc biệt để diễn tả rõ nét những chuyển động hỗn mang của hiện thực đời sống, của tâm thức: Xe hủ tiếu vết bỏng đêm sương/ những bậc thang không dẫn ta đi/ lưng chừng bóng tối/ Sao ngăn lòng đừng khiêu vũ/ gió thổi bay hết áo anh (Hoa).
Đọc thơ Khánh Phương, tôi vẫn muốn, giá như tên một số bài thơ có thể gợi mở hơn nữa. Đặt tên bài thơ cũng là một thủ pháp quan trọng. Nó gọi ra phần còn khuất lấp, mơ hồ của nội dung bài thơ, hoặc gợi cho bạn đọc những liên tưởng khác nữa. Tôi thấy chưa thật thỏa mãn tên một số bài thơ mà chị đã đặt, như “Viết cho Thắng…”, “Viết cho Thúy”, “Nhớ”, “Thành phố I, II, III”…
Khánh Phương sáng tác thơ không nhiều và cũng ít công bố. Một lẽ, do tính cách chị lặng lẽ, muốn trốn tránh nơi đông đúc, lẽ khác, thơ ca chỉ là một trong nhiều vỉa tầng sáng tạo của chị. Khánh Phương là cây bút viết lý luận phê bình khá sắc sảo, có cách nhìn riêng, giàu cá tính. Ngoài ra, chị còn viết văn xuôi, viết chân dung, phóng sự, làm báo… Ở lĩnh vực nào chị cũng tạo được dấu ấn riêng. Cũng vậy, với thơ, chị là cây bút biết/ dám khước từ sự quen nhàm, bằng lặng, để tạo ra những cây “trái tưởng tượng” của riêng mình. Đường thơ Khánh Phương mới chuyển động những bước đầu tiên, nhưng tin rằng người đọc sẽ đón nhận những thành quả tiếp theo rất đáng trân trọng của chị.
8/2013
Mai Văn Phấn
Theo http://maivanphan.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...