Một chàng trai còn rất trẻ, nhìn ra ngoài kia, thấy cảnh nhộn
nhịp thanh bình của phố phường, mà lòng đầy tiếc nuối, tiếc nuối với công trình
còn chưa được thừa nhận, tiếc nuối với bao dự định, chỉ vì anh đã bị sa bẫy, mắc
vào một cuộc chơi sinh tử, để sáng ngày mai phải đấu súng. Đó là đoạn mà hậu thế
đã từng có người viết về thiên tài toán học Evariste Galois (1811-1832) trước
ngày anh từ giã cõi đời. Có lẽ nhân loại, không hiếm những người bị gục ngã thê
thảm hoặc bị loại bỏ, thậm chí bị chết bởi những cuộc chơi, để lại những tiếc
nuối, những xót xa, những mất mát cho những người thân yêu, và thậm chí cho cả
cuộc đời này.
Những người có lương tri, chắc không khỏi ai oán thốt lên, vì
sao Galois hoặc những người kia, không gắng thoát ra khỏi các cuộc chơi, mà về
với cây đời đang luôn đón chờ họ. Đành rằng thế, nhưng thoát ra khỏi một cuộc
chơi, đâu có dễ! Bởi tín ngưỡng, bởi luật chơi, bởi phẩm chất cá nhân, và trăm
nghìn cái bởi khác nữa, khiến chủ thể khi đó chẳng thấy gì hết, ngoài cuộc chơi
mà họ đang phải sống mái tham gia.
Tác giả đã từng chứng kiến, những bạn học, bạn đồng nghiệp,
những học trò của mình, chỉ vì thất bại trong các kỳ thi, mà bi quan, chán nản,
thậm chí còn thể hiện như một kẻ mất hết. Nhưng họ đâu có đến nỗi nào, thậm chí
họ còn là người có khả năng, ở ngay chính cái môn học mà kỳ thi ấy họ phải nhận
kết quả rất tồi tệ. Thế đấy! Trong những trường hợp như thế, cần những người
quanh họ, giúp họ thoát ra khỏi cơn đau, và làm cho họ tỉnh ra, rằng đó chỉ là
những cuộc chơi nhất thời, thậm chí rất nhỏ hẹp, thực sự không phải là cuộc đời,
càng không phải là giá trị mà họ cần đeo đuổi. Chưa kể cuộc đời còn dành cho họ
rất nhiều sân chơi khác.
Vào một chiều xuân 1993, một người bạn vong niên (hơn tôi
đúng 10 tuổi), khi đó anh đang là lãnh đạo chủ chốt của một học viện, dẫn một
cháu trai đến gặp tôi. Chả là cháu được cha dẫn ra Hà Nội, theo đuổi một lớp
luyện thi vào đội tuyển quốc gia. Cháu như hút hồn tôi, vì cháu đẹp trai, thông
minh và lễ độ. Tôi cảm thấy cháu, như một bông hoa quý của đất trời. Rồi
được biết cháu đạt giải ba, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm ngoái, khi
đang học lớp 10, còn năm nay cháu lại vừa đạt giải nhì. Hai hôm sau, tôi chia sẻ
với anh bạn: anh ạ, nếu là con em thì em sẽ không cho cháu luyện thi vào đội
tuyển quốc gia làm gì, mà cứ để cháu thi, được hay không cũng thôi. Thế rồi
mùa xuân năm sau 1994, cha con cháu lại gặp tôi, như quyết tâm còn cao hơn nữa,
anh bảo phải “phục thù” năm ngoái chú ạ. Họ nhà tôi, cùng các thầy cô trường
cháu, đều động viên và đặt niềm tin vào cháu, rằng năm nay cháu phải lên đường
đi HK với đội tuyển quốc gia. Tôi không biết nói gì mà chỉ trao tay cháu một cuốn
sách khá dày. Hai tháng sau cháu gặp lại tôi, người hốc hác, như kẻ mất hồn,
nhìn cháu chắc ai cũng đoán biết được chuyện gì đã xảy ra. Cha cháu buồn bã
nói: cái bài số… trong cuốn sách của chú, cháu đã dịch nhưng giải chưa được, mà
cũng lại chưa xem đáp án, thì thi đúng vào bài đó. Giá cháu mà giải được bài ấy,
thì chắc chắn cháu được. Rồi anh kể lại cái cảnh nhiều cháu khóc, ủ rũ chán trường,
khi ra khỏi phòng thi, thật thê thảm! Tôi chỉ còn biết nói với anh: được như
cháu là quá quý rồi, với lại giả sử cháu có được giải nhất quốc tế, thì rồi vẫn
cứ còn phải là một sinh viên học ở một trường đại học nào đó cơ mà. Anh như sực
tỉnh, như nhớ ra, chỉ còn mấy tháng nữa cháu phải thi đại học. Câu chuyện sau
này cháu thi và học đại học… rồi cháu bị bệnh và mất sau khi ra trường được vài
năm, là cả một chuỗi những câu chuyện buồn, khiến tôi không thể kể thêm nữa. Chỉ
xin tiết lộ, một lần khi cháu còn đang là sinh viên, như gạt nước mắt, cha cháu
nói với tôi: chú ạ, ngày ấy cháu như một cái cây non bị nhấc gốc cho mau lớn…
Tôi cũng nghe bác T nói ý chú khuyên, nhưng lúc đó tôi không nghe ra.
Tình cảnh như trong câu chuyện đau lòng vừa kể trên, có lẽ
không phải là hiếm. Nhưng đáng tiếc hơn, chẳng ai thèm học, chẳng ai thèm nghe,
mà nó vẫn cứ diễn ra. Kẻ thắng thì ít, người bại thì nhiều! Người ta đã vô
tình, hay hữu ý, cổ xúy, dẫn dụ những tâm hồn non trẻ vào những cuộc chơi, như
vắt cạn sức lực của họ, mà lẽ ra họ đang cần phải được vun đắp, nuôi dưỡng, mới
hy vọng có được những thành công sau này. Rút cục, những kỳ thi và những tấm
huy chương, vẫn như là cái đích đến của bao thế hệ, để rồi đất nước vẫn cứ
nghèo hèn, èo uột ở mọi nguồn nhân lực.
Cũng cần phải nói thêm rằng, khi mà xã hội kém phát triển,
ngành nghề đơn điệu, nhiều năng lực của con người không được khai thác và sử dụng
đến trong cuộc sống, thậm chí còn không được biết đến. Trong hoàn cảnh như vậy,
người ta thường chỉ biết ghi nhận một vài năng lực nào đó, thông qua một số ít
cuộc chơi hạn hẹp. Để rồi kẻ được trao giải, lấy đó như một cái phao, bám
bơi trong suốt cuộc đời. Vì thế phải chăng nó đã tạo nên một thứ văn hóa gì đó,
trường tồn cho đến ngày nay.
Tôi đã được nghe kể lại, gần đây một nhóm những bậc đàn anh-bạn
học của nhau, họ tụ tập và nói hết về giai đoạn đã qua của họ. Tớ nói thật với
các cậu, cuộc chơi nào tớ cũng thắng, từ lúc học với các cậu tớ đạt giải nhất học
sinh giỏi, tốt nghiệp đại học tớ cũng thủ khoa, tớ cũng nhận bằng tiến sĩ sớm,
rồi đến phó giáo sư, giáo sư cũng khá nhanh, cùng với nó là nhiều giải thưởng
và danh hiệu khác, anh T nói. Nhưng thực ra nhìn lại tớ chẳng làm được gì, anh
tự thú. Thì các cậu bảo, công việc giai đoạn bọn mình công tác có đòi hỏi trình
độ gì đặc biệt đâu. Rồi tớ cũng có thừa những báo cáo và những ấn phẩm, thú thật
với các cậu mặc dù chất lượng rất thấp, nhưng luật chơi nó chỉ đòi hỏi có
thế, nên tớ vẫn thắng. Chưa kể tớ lại luôn ở vị trí gần như dẫn đầu, nhất là
người ta lại dựa vào các danh hiệu của các lần xét trước, như những cái mốc cho
các lần sau. Trong nhiều năm tớ vẫn tưởng những thứ đó là công danh-sự nghiệp,
nhất là luôn được người ta khiêm nhường cung kính, nên luôn nghĩ mình là một
người thành đạt (!). Nhưng kỳ thực tớ chỉ là một cái giá để treo bảng hiệu.
Còn như thằng H, nó chẳng có cái danh hiệu nào như tớ. Học xong đại học,
công tác trong nhà nước thấy bon chen, nhàm chán, nó bỏ ra ngoài, tự lăn
lộn. Bây giờ các cậu xem, công ty mẹ công ty con, thương hiệu vượt biên, toàn
là thứ của nó. Rồi nó chẳng định viết văn, nhưng tự truyện của nó, thiên
hạ đổ xô tìm đọc.
Nghĩ cho cùng thành công của tớ hóa ra chỉ thuộc về các cuộc chơi, những thứ mà cuộc sống không cần - anh T nói tiếp. Cho dù trong nhiều cuộc chơi ấy tớ còn được làm cả giám khảo, nhưng bây giờ kể ra thì chẳng có gì mà khoe. Còn H thì nó sống hết mình với đời, sân chơi của nó là cây đời, tài đến đâu nó hưởng đến đó, nó mới đúng là thành đạt, thật sòng phẳng! Họ như nói hết với nhau, để chia sẻ, để biết, để mà thương quý nhau hơn.
Nghĩ cho cùng thành công của tớ hóa ra chỉ thuộc về các cuộc chơi, những thứ mà cuộc sống không cần - anh T nói tiếp. Cho dù trong nhiều cuộc chơi ấy tớ còn được làm cả giám khảo, nhưng bây giờ kể ra thì chẳng có gì mà khoe. Còn H thì nó sống hết mình với đời, sân chơi của nó là cây đời, tài đến đâu nó hưởng đến đó, nó mới đúng là thành đạt, thật sòng phẳng! Họ như nói hết với nhau, để chia sẻ, để biết, để mà thương quý nhau hơn.
Trong thực tế, còn có vô vàn những cuộc chơi dành quyền lực,
để lại những quán quân. Nhưng những quán quân ấy, có làm nên giá trị nào đó cho
cuộc đời hay không, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vì thế mà trong lịch
sử, đã không thiếu những quốc gia, những cơ quan, bị tàn lụi vì đã lựa chọn sai
kẻ cầm cờ. Đành rằng luật nhân quả, sẽ bắt những kẻ gây ra tai ương phải trả
giá thích đáng. Nhưng những hệ lụy mà họ gây ra cho cộng đồng thì có khi không
thể, thậm chí không bao giờ trả giá hết. Trong những trường hợp như thế, thì chỉ
có những tổng kết đầy đủ, khách quan đúng đắn nghiêm túc, mới mong để lại những
bài học, những tấm “bia miệng”, làm nên những giá trị gì đó trong cuộc sống
này.
Dường như mỗi một thể chế chính trị, mỗi một nền văn hóa, đều
sản sinh ra những sân chơi, những cuộc chơi đặc trưng. Nhưng vấn đề là ở chỗ,
giá trị của các cuộc chơi ấy có tương thích với giá trị của cuộc sống lâu dài
hay không, mới luôn là vấn đề cần phải xem xét. Đối với mỗi cá nhân, mỗi tập thể,
hay thậm chí một dân tộc, thì dù thành hay bại trong mọi cuộc chơi, cũng cần phải
luôn hướng về cuộc sống, để tỉnh táo, để điều chỉnh, để nhận ra những giá trị
đích thực mà cuộc đời cần. Rõ ràng sự nhầm lẫn giữa các giá trị của cuộc chơi với
giá trị của cuộc sống, hay mê sảng ngỡ một cuộc chơi nào đó, là cả cây đời, thường
sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, dẫn đến những hệ quả khôn lường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét