Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Đường lên Tây Bắc vút xa mờ

“Đường lên Tây Bắc vút xa mờ…”
Không ít người bất giác cất lên câu hát trên (lời mở đầu ca khúc “Hành quân lên Tây Bắc”) khi xe chở đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh vượt qua biển sương mù dày đặc và hàng trăm khúc cua tay áo đến với Tây Bắc. Tháng 11, dã quỳ - loài “hoa báo đông” bung nở tựa những mặt trời nhỏ xinh giữa đại ngàn, sắc vàng rực rỡ như xua tan giá lạnh và làm cho cảnh vật nơi đây tràn đầy sức sống...
Sơn La - tình đất, tình người
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp tham gia chương trình giáo dục truyền thống cho cán bộ, hội viên Hội CCB và đoàn viên thanh niên khối các cơ quan tỉnh tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, kết hợp thăm, tặng quà nhân dân xã Chiềng Yên (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chịu ảnh hưởng do mưa lũ.
Từ Bắc Ninh, theo tuyến Quốc lộ 6, sau hơn 5 giờ đồng hồ, 24 thành viên trong đoàn công tác có mặt ở Chiềng Yên - một trong những xã chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra vào những ngày giữa tháng 10. Sau cái bắt tay thật chặt, Hà Văn Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy xã thông tin nhanh: “Từ ngày 9 đến 11-10, xảy ra mưa rất to, gây lũ lụt và thiệt hại nghiêm trọng. Đây là đợt mưa lũ có cường độ mạnh nhất trong 10 năm qua, khiến toàn bộ 14 bản, tiểu khu của Chiềng Yên bị cô lập hoàn toàn do đường giao thông sạt lở; nước lũ cuốn trôi nhiều cầu qua suối, nhiều công trình, nhà cửa, tài sản, lúa, hoa màu bị hư hại… Hiện nay, đời sống người dân đã tạm ổn định nhưng còn nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay giúp sức nhiều hơn nữa…”.
Nằm trên đường lũ quét qua, căn nhà của gia đình ông Hà Văn Khương ở bản Phụ Mẫu 2 bị hơn 100m3 đất đá vùi lấp. Cùng với đó, 2.000m2 ruộng lúa của gia đình chưa kịp thu hoạch cũng mất trắng. “Trong đợt mưa lũ vừa qua, bản chúng tôi may mắn không có thiệt hại về người nhưng phần lớn tài sản bị cuốn trôi. Giờ chỉ mong khôi phục lại được nhà cửa và ruộng nương…”, ông Khương nghẹn ngào.
Trong chuyến đi lần này, đoàn công tác của Hội CCB, Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh chuẩn bị số tiền và quà tặng trị giá hơn 40 triệu đồng, bao gồm 45 suất quà (500 nghìn đồng/suất) cho các hộ chịu thiệt hại nặng nề cho mưa lũ; tặng thầy và trò trường Tiểu học xã Chiềng Yên 10 triệu đồng và 15 thùng vở viết… nhằm san sẻ với đồng bào vùng lũ.
Rời Chiềng Yên, chúng tôi di chuyển về thành phố Sơn La, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại nhà tù Sơn La - di tích cách mạng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; nơi có cây đào xanh tốt mọc bên tường xà lim năm xưa, mang tên người chiến sĩ Cộng sản - Tô Hiệu. Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 trên ngọn đồi Khau Cả, bên dòng suối Nậm La. Trong 15 năm (1930-1945), Nhà tù giam giữ 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương Ủy viên như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Tâm, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Xuân Thủy, Lê Thanh Nghị... Hướng dẫn viên đưa chúng tôi tham quan các xà lim ngầm, xà lim chéo, trại tạm giam, phòng giam đặc biệt chỉ rộng 1,2m2 và những dụng cụ tra tấn, còng tay, xích sắt... Đồi Khau Cả như chùng xuống trong bước đi lặng lẽ, trầm mặc của những người đến thăm.
Có một “thời hoa lửa”
Ngày thứ 2 của cuộc hành trình, chúng tôi vượt qua đèo Pha Đin để đến với mảnh đất Điện Biên huyền thoại, nơi ghi dấu ấn của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Con đường cứ gập ghềnh, hun hút như chẳng bao giờ kết thúc. Bên đường, cây lá trập trùng mướt một màu tươi non mê mải. Thung lũ đá lô nhô khắc muôn dấu chấm lặng nơi chân trời… Sau nhiều giờ đồng hồ lắc lư đèo dốc, chúng tôi có mặt tại lòng chảo Mường Thanh, nơi cách đây hơn 60 năm về trước là cứ điểm số 1 của thực dân Pháp. Và hôm nay, là trung tâm kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh Điện Biên.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, đoàn dâng hương, hoa, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ những Anh hùng Liệt sĩ hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Đoàn cũng tham quan Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ , Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng, Khu Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, Hầm Đờ cát tơ ri… Mỗi địa danh, hiện vật nơi đây đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, khiến chúng tôi khi được nghe lại rất xúc động và cũng rất đỗi tự hào về thế hệ cha anh, những con người “chân đồng, vai sắt”, 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên chiến thắng diệu kỳ.
Đứng trên đỉnh đồi A1, “mục sở thị” những dấu tích lịch sử, những đường hầm ngang dọc, hàng rào dây thép gai, xác xe tăng địch… chúng tôi không khỏi khâm phục và xúc động về những hi sinh, mất mất quá lớn để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Giờ đây, đồi A1 được phủ kín bởi các loài hoa cùng màu xanh cây cỏ như một minh chứng về sức sống diệu kì của mảnh đất huyền thoại này. Cũng tại nơi đây, tỉnh Điện Biên đang trở mình, vươn lên cùng cả nước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nơi gặp gỡ đất trời
Chúng tôi đến Sapa huyền ảo vào ngày cuối cùng của cuộc hành trình. Trời thật đẹp, những tia nắng nhảy nhót trên sườn núi, chui qua những đám mây trắng, mây hồng, rơi xuống gác chuông nơi Nhà thờ đá và rớt xuống đại ngàn thăm thẳm. Thị trấn nhỏ bé đẹp như một bức tranh thủy mặc. Những tòa nhà, trường học, công trình được xây dựng khang trang nhưng vẫn giữ được nét gần gũi, thơ mộng. Trên các bản làng, những người mẹ ngồi thêu, cô em gái đắm mình trong điệu múa xòe hoa, những tiếng cười hồn nhiên, trong veo của em nhỏ… Mỗi tà áo vành khăn, mỗi lời ca điệu múa của người dân góp phần không nhỏ tạo nên “hồn cốt” rất riêng của vùng Tây Bắc, bồi đắp nên một miền văn hóa đa sắc màu rực rỡ mà giản dị, khiêm nhường. Hướng tầm mắt ra xa, những thửa ruộng bậc thang như những phím đàn piano khổng lồ. Dãy Hàm Rồng nhấp nhô với hoa rừng khoe sắc… Những khoảnh khắc tuyệt vời ấy, chúng tôi, ai cũng muốn lưu lại trong tầm mắt của mình.
Nằm cách trung tâm thị trấn Sapa gần 20km, bản Tả Phìn được biết đến với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào Mông, Dao đỏ. Trong không gian im ắng trên đường vào bản, tưởng như chúng tôi có thể nghe rõ tiếng rì rầm của mỗi hồn cây, vách núi, trong sâu thẳm mạch nguồn của những dòng suối nhỏ chở nước về cho cây cỏ tươi xanh… Được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên và trải nghiệm phong tục, văn hóa bản xứ, tâm hồn con người bỗng trở nên thanh khiết, hồn hậu hơn.
Đồng chí Phạm Kiên Cường, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh xúc động: “Bất cứ ai trong chúng tôi, khi kết thúc chuyến hành trình đều ghi nhận những kỷ niệm sâu sắc, những dấu ấn không thể quên và xúc động trước vẻ đẹp của vùng đất, con người Tây Bắc. Những địa danh gắn liền với những cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc là bài học, tấm gương sáng giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ chúng tôi. Những giá trị truyền thống đó sẽ được kế thừa và phát huy đến muôn đời”.
Tây Bắc, 11-2017
Việt Anh
 Theo http://baobacninh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...