Mỗi ngày đi bộ vài cây số đường rừng, mỗi năm chỉ một lần về
thăm nhà, không ít lần suýt chết vì sốt rét và đi qua những cơn lũ… Vậy mà 10
năm gắn đời mình với nghiệp “trồng người” trên non, cô giáo Nguyễn Thị Duyên
(SN 1986 ở xã Lâm Thao, Lương Tài) chưa bao giờ ân hận khi quyết định ở lại trường
THCS Chiềng Yên (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La).
Trong chuyến công tác Tây
Bắc, kết hợp thăm, tặng quà nhân dân xã Chiềng Yên chịu ảnh hưởng do mưa lũ vào
những ngày cuối năm 2017, chúng tôi
được nghe kể về một cô giáo sinh ra và lớn lên trên miền Quan họ nhưng đã 10
năm băng rừng, vượt núi, gắn đời mình với nghiệp “trồng người” cho đồng bào dân
tộc thiểu số vùng xa xôi nhất của tỉnh Sơn La. Song, chỉ đến khi trực tiếp đi
trên con đường mà 10 năm qua chị vất vả ngược xuôi, trực tiếp nghe chị trải
lòng, chúng tôi mới thực sự thấu cảm, như thấy được bao nhiêu con chữ chị mang
đến với học trò là bấy nhiêu sự hi sinh...
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm trường Đại học Tây
Bắc, nơi đầu tiên chị Duyên tìm về trên hành trình “gieo chữ” của mình lại là một
vùng đất xa xôi, hẻo lánh thuộc huyện miền núi Vân Hồ - nơi chị tình cờ biết tới
qua một chuyến tình nguyện thời sinh viên. Ngôi
trường cấp II nơi chị đến nằm giữa những ngọn núi heo hút, những
con dốc dựng đứng như muốn
ngăn bước chân người. Ấy vậy mà ở tuổi thanh xuân với bao ước mơ, hoài bão, chị
chấp nhận từ giã phố phường nhộn nhịp để về với núi rừng, với đám trò nghèo
nheo nhóc, đói cái bụng và đói cả con chữ…
Ngày chị mới lên, ngôi trường THCS Chiềng Yên chỉ là nhà
tranh vách nứa. Địa bàn chưa có điện, đường sá đi lại khó khăn, nước sinh hoạt
thiếu trầm trọng. Nơi ở của giáo viên cắm bản cũng là những ngôi lều dựng tạm,
đêm đêm từng cơn gió rít lùa vào trong vách, còn mưa xuống thì dột lỗ chỗ nước.
Đồng bào nơi đây chủ yếu là các dân tộc Thái, Dao, Mường…, tỉ lệ hộ nghèo gần
70%. Cái đói, cái nghèo đeo đẳng, cái bụng còn chưa no nên chuyện học chữ không
mấy ai mặn mà. Bởi vậy, việc đầu tiên khi chị cắm bản là đi vận động các gia
đình cho con em đến lớp. Đèo cao, suối sâu, phương tiện duy nhất để đến nhà học
trò là “cuốc bộ”. Nhiều lần, chị từng rơi nước mắt khi nhìn những đứa trẻ co ro
trong giá lạnh, những đứa trẻ chân trần đến lớp. Từng khóc khi chúng bỏ học, từng
nhớ đến quay quắt khi những ngày rời núi rừng về quê…
Cô Nguyễn Thị Duyên cùng học trò
của mình tại trường THCS Chiềng
Yên.
Theo chị, muốn học trò đến
trường phải vận động thường xuyên rồi gần đồng bào hơn để họ hiểu lợi ích của
việc học. Việc dạy cho trẻ vùng cao cũng không đơn giản do trình độ của các em
còn nhiều hạn chế, bởi vậy phải luôn tận tình, cố gắng hết khả năng của mình để
dìu dắt học trò. Để các em thích thú đến trường, chị luôn chú ý đổi mới cách
truyền đạt, sử dụng phương pháp trực quan trong giảng dạy… Khó khăn, nhọc nhằn
chồng chất nhưng dường như tình yêu nghề, lòng mến trẻ đã không làm nản lòng cô
giáo dạy môn Sử - Địa. Nhắc về kỷ niệm trong 10 năm đứng trên bục giảng, chị bồi
hồi nhớ: “Đó là ngày 20-11 đầu tiên từ khi đặt chân tới nơi đây. Hôm ấy, các em
học sinh mang đến 1 giò lan rừng, kèm theo 1 cái… bánh chưng, bảo là góp làm
quà cho cô giáo. Lúc đó mình vô cùng xúc động, thấy ấm lòng giữa cái lạnh giá đầu
đông miền sơn cước…”.
Trải qua bao gian nan, chị vẫn gắn bó với đại ngàn, miệt mài
cùng học trò vùng cao. Ngôi
trường cũng từng bước được sang sửa khang trang hơn với những dãy phòng học
kiên cố, khu nhà bán trú rộng rãi với gần 200 em học sinh theo học.
Ý thức được vai trò, trách nhiệm và lương tâm nhà giáo, trong suốt những năm công tác tại đây, chị Duyên luôn gương mẫu về mọi mặt như phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và ý thức nghề nghiệp. Với tình cảm yêu thương học trò sâu sắc, hình ảnh cô giáo Duyên cũng in sâu vào các lứa học trò, chúng coi cô như người mẹ hiền thứ hai của mình.
Ý thức được vai trò, trách nhiệm và lương tâm nhà giáo, trong suốt những năm công tác tại đây, chị Duyên luôn gương mẫu về mọi mặt như phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và ý thức nghề nghiệp. Với tình cảm yêu thương học trò sâu sắc, hình ảnh cô giáo Duyên cũng in sâu vào các lứa học trò, chúng coi cô như người mẹ hiền thứ hai của mình.
Thầy Nguyễn Quốc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Chiềng Yên đánh
giá: “Đối với đồng nghiệp, cô Duyên luôn sẵn sàng trao đổi mọi kinh nghiệm,
sáng kiến trong nghiệp vụ giảng dạy. Từ khi cô Duyên tới, trường đã có nhiều học
sinh đạt giải cao, nhiều thành tích xuất sắc hơn. Nhiều năm liền cô Duyên đạt
danh hiệu Lao động tiên tiến, Giáo viên dạy giỏi cấp trường và được bầu làm Tổ
trưởng Tổ KHXH, là tấm
gương để đồng nghiệp học tập và noi theo”.
Mười năm trôi qua, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng lòng yêu
nghề, nhiệt huyết “gieo chữ” cho học trò vùng cao vẫn cuộn chảy trong trái tim
của cô giáo miền Quan họ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét