Cảm nhận về mười bốn câu
giữa đoạn trích Trao duyên
Truyện
Kiều là một trong những kiệt tác vĩ đại trong sự nghiệp sáng tác cũng như cuộc
đời của đại thi hào Nguyễn Du kể về cuộc đời của nàng Thúy Kiều tài sắc vẹn
toàn nhưng bạc mệnh. Một trong những trích đoạn nổi bật trong Truyện Kiều là đoạn
“Trao duyên”, đặc biệt là mười bốn câu thơ giữa tái hiện tình cảnh xót xa của
Thúy Kiều khi trao kỷ vật tình yêu với Kim Trọng cho em gái Thúy Vân.
Mối tình Kim Trọng Thúy Kiều vừa chớm nở thì tai họa bỗng ập
xuống gia đình Thúy Kiều, không còn cách nào khác Kiều buộc phải bán mình lấy
tiền cứu cha và em trai, cũng bởi vậy mà Kiều phải đau xót từ bỏ mối tình với
Kim Trọng và nhờ em gái là Thúy Vân thay chị kết duyên với chàng. Nếu mười hai
câu thơ đầu là cảnh Thúy Kiều trao duyên và nhờ em se duyên với Kim
Trọng thì mười bốn câu sau là tâm trạng đau xót của nàng Kiều khi trao kỷ vật
cho em.
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Chiếc vành, bức tờ mây rồi cả phím đàn, mảnh hương nguyền đều
là những kỷ vật tình yêu của Kiều với Kim Trọng, nay Kiều giao hết chúng lại
cho em gái Thúy Vân. Với Kiều nhìn mỗi kỷ vật là mỗi kỷ niệm với Kim Trọng lại
ùa về. Càng ngắm nhìn chúng càng dội về những kỷ niệm ngọt ngào của mối tình đã
qua, trái tim cũng vì vậy mà càng thêm đau xót. Có lẽ với Thúy Vân chúng chỉ là
những đồ vật vô tri vô giác bình thường nhưng đối với Thúy Kiều thì mỗi kỷ vật
là một chìa khóa mở ra một chân trời kỷ niệm, chân trời của tình yêu và hạnh
phúc. Kiều nói với em gái rằng: “Duyên này thì giữ vật này của chung” ý muốn
nói rằng “duyên này” tức là duyên phận giữa Thúy Vân và Kim Trọng, còn
duyên phận giữa Thúy Kiều và chàng Kim coi như đã chấm dứt hoàn toàn. Thế nhưng
người ta vẫn nói rằng “tình đầu khó quên”, Kiều làm sao có thể quên đi được những
tình cảm ngọt ngào đã có ấy, vậy là nàng xin “vật này của chung” muốn nói rằng
dù duyên phận không còn nhưng xin cho nàng được giữ lại cho bản thân những ký ức
đẹp đẽ về mối tình đã qua ấy. Những tưởng nhờ em se tiếp duyên với Kim Trọng sẽ
giúp Kiều được an ủi phần nào khi tình yêu tan vỡ nhưng qua những dòng thơ này,
chúng ta chỉ thấy một nàng Kiều đau đớn, giằng xé vì mất đi tình yêu. Chính Kiều
là người hết lời nhờ cậy em nối duyên với chàng Kim nhưng cũng chính Kiều là
người đau đớn khôn cùng, chơi vơi và vẫn hi vọng yếu ớt có thể níu giữ chút
tình cảm nào đó cho bản thân.
Quá đau buồn vì tình cảnh của bản thân mà Kiều không kiềm chế
cảm xúc của bản thân nữa, để mặc chúng cứ dâng trào như thác lũ và bắt đầu có
những suy nghĩ tiêu cực cực điểm vào tương lai:
“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”
Nếu những dòng thơ trên là những cảm xúc xót xa đến nhói lòng
của Thúy Kiều thì đến những câu thơ này chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chút gì
đó xa xôi, mờ mịt và hư ảo tựa như từ cõi âm trở về. Nguyễn Du đã sử dụng hàng
loạt những từ liên quan đến sự chết chóc như “mai sau”, “đốt lò hương”, “trông
ra”, “hiu hiu gió”, “chị về”, “hồn”,… để diễn tả cảm giác tuyệt vọng đến cực điểm
của Thúy Kiều. Lúc này đây, Kiều thấy mình thật bi kịch và đáng thương đến nhường
nào. Đọc đến đây chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng nhớ lại cảnh Kiều và Vân
qua mộ Đạm Tiên, một người con gái xinh đẹp nhưng đoản mệnh và đáng thương đến
mức khi chết cũng là chết trong sự cô đơn, không ai quan tâm. Kiều có những dự
cảm không tốt về cuộc đời mình, và cũng có lẽ giây phút phải bán mình cứu cha
và em và buộc phải chia tay Kim Trọng thì linh hồn Kiều cũng như đã chết rồi.
Đau xót là vậy nên Kiều dặn em rằng:
“Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan”
“Dạ đài” là nơi âm phủ tăm tối lạnh lẽo, cũng như cuộc đời sắp
tới của Kiều. Khát khao duy nhất và tha thiết của Kiều trong hoàn cảnh ấy là hi
vọng sau này vẫn có người tưởng nhớ và tẩy oan cho nàng. Hồn Kiều còn “mang nặng
lời thề” thế nên cho dù có chết đi cũng không thể siêu thoát được, điều đó cũng
là sự đau đớn và sợ hãi trước tương lai vô định và mù mịt của Kiều. Điều ấy thật
sự là bi kịch biết bao.
Mười bốn câu thơ giữa đoạn trích “Trao duyên” đã khắc họa thành công bi kịch tình yêu của Thúy Kiều khi phải chia tay Kim Trọng và nhờ em
gái Thúy Vân se tiếp mối duyên ấy. Nhờ ngòi bút thiên tài của Nguyễn Du mà
chúng ta càng thấy cảm thương hơn trước số phận nghiệt ngã của nàng Kiều hồng
nhan nhưng bạc mệnh ấy.
Anh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét