“Cảo thơm lần giở trước đèn”, mấy trăm năm qua rồi vẫn còn
thơm giữa chốn trần ai bao nỗi. Đọc truyện Kiều, thấy một đại thi hào của dân tộc
lặng lẽ trong cô phòng, bên bàn văn ươm những vần thơ gieo về bãi bể nương dâu.
Cảnh Thúy Kiều đi tảo mộ được vẽ
bởi HS Nguyễn Tư Nghiêm năm
1965
Nguyễn Du (1766 - 1820) đã viết nên kiệt tác Truyện Kiều hằng
định trong dòng chảy văn học. Lần giở những thi phẩm mà Nguyễn Du để lại, từ
các tác phẩm thơ chữ Hán đến quốc âm để thấy những sự vĩnh hằng giữa bể thơ sầu
muộn.
Các trước tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Về thơ chữ Hán, cho đến nay, các nhà nghiên cứu tìm thấy được 249 bài thơ nằm trong ba tập Thanh Hiên thi tập: 78 bài; Nam trung tạp ngâm: 40 bài; Bắc hành tạp lục: 131 bài. Về chữ Quốc âm, cụ để lại hai tác phẩm nổi tiếng là Đoạn trường Tân Thanh hay gọi là Truyện Kiều (3254 câu) và Văn tế thập loại chúng sinh (184 câu thơ). Ngoài ra có các tác phẩm khác như Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ (98 câu), Thác lời trai phường nón (48 câu) về những cô gái phường vải và cuộc giao duyên.
Nguyễn Du xuất thân trong nhà gia thế nhưng chẳng hưởng được mấy vinh hoa. Sinh thời buổi loạn li, tranh giao quyền lực, cha mẹ mất sớm khi còn nhỏ tuổi, mười một tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mất mẹ. Nguyễn Du chịu cảnh mồ côi cha mẹ và bắt đầu cuộc sống tha hương, sống nay đây mai đó, ăn nhờ ở đậu, hoặc ở nhà các anh hoặc ở quê vợ. Cả đời chỉ độc mang cho mình một túi thơ, thứ tài sản vô giá, trong ngần, tinh khiết.
Cuộc sống lưu lạc trong mười năm 1786 đến 1795 của Nguyễn Du được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “mười năm gió bụi”. Những năm tháng ấy, tập thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập đã phản ánh khá rõ. Đây là tập thơ đầu tiên của Nguyễn Du, ở đó thắm thiết tình cảnh, tâm sự của cụ trong hoàn cảnh lênh đênh, lưu lạc đầu sông cuối bể: “Gió bụi mười năm biệt cố hương/ Bơ phờ đầu bạc, đất người nương” (U cư 2). Mười năm gió bụi ấy, Nguyễn Du từng sống trong lao ngục với bao nỗi ê chề: “Phong trần bốn biển non sông khóc/ Lao ngục mười tuần sống thác cam” (My trung mạn hứng). Tha phương và ôm hằng một mối nhớ thương cố xứ của kẻ lưu lạc ăn nhờ ở đậu, khổ sở giữa cảnh Bắc Hà tao loạn: “Tấc lòng ta biết cùng ai tỏ/ Hồng Quế cao sâu phỏng mấy tầm” (U cư 2). Bao nhọc nhằn, cơ khổ của mười năm gió bụi là cả tấm tơ lòng day dứt, đau đớn của Nguyễn Du. Phận kẻ sĩ lưu đày trong cơn bỉ cực của xã hội đương thời túi rỗng tiền không, bệnh tật, cơ hàn có lẽ vì thế mà trong Độc tiểu thanh kí, cụ ngậm ngùi cho thân phận:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Chẳng biết ba trăm năm lẽ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng”)
Sau khi nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước, Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), thì năm 1803 Nguyễn Du được tin dùng, phụng mệnh lên ải Nam Quan nhận sắc phong của nhà Thanh cho vua Gia Long. Từ đây, Nguyễn Du bước vào đường hoạn lộ vốn dĩ ông chẳng mấy tâm màng đến. Chức quan thăng tiến liên tục từ Đông các đại học sĩ, rồi ban tước Du Đức hầu, Cần chánh điện đại học sĩ, Tham tri bộ Lễ, nhiều lần được cử đi sứ. Nguyễn Du chán cảnh quan trường, nhiều lần mong mỏi cáo quan về quê (1808). Dù quan tước cao nhưng cụ vẫn giữ mực thanh liêm, đạm bạc. Gia phả họ Nguyễn chép: “Dầu làm đến chức á khanh mà ông vẫn giữ vẻ thanh nhã đơn giản như một học trò nghèo”. Những bài thơ trong tập Nam Trung tạp ngâm - tập thơ chữ Hán được viết trong những năm làm quan là tiếng thở dài của nhà thơ trước một thực trạng xã hội đương thời, nơi mà Nguyễn Du khó có thể dung mình an thú.
Thử thân dĩ tác phàn lung vật
Hà xứ trùng tầm hãn mạn du
Mạc hướng thiên nhai thán luân lạc
Hà Nam kim thị đế vương châu”
(Chậu lồng vướng kiếp thôi đành đoạn
Sông nước vui chơi há dễ dầu
Luân lạc phương trời thôi chớ nghĩ
Bờ Nam đã thuộc đất Thần Châu).
(Tân thu ngẫu hứng)
Nguyễn Du dấn bước quan trường, tha hương đất người, còn đâu thú tiêu dao nơi quê nhà, phường săn phường vải, làm quan “thử thân dĩ tác” - chậu lồng vướng kiếp. “Hà xứ trùng tầm hãn mạn du” (Sông nước vui chơi há dễ dầu) đã trói kiếp thơ trong chốn cung xiêu, triện đè trên bút.
Đó là tâm trạng của kẻ tha hương giữa chốn đô thành, Nguyễn Du đau đáu: “Hồi thủ Lam Giang phố/ Nhàn tâm tạ bạch âu” (Ngoảnh đầu trông bến sông Lam/ Nhìn đàn cò trắng lòng nhàn chẳng yên) (Thu chí). Nguyễn Du mang nỗi hoài cảm của thế nhân, viếng cảnh chùa thanh tịnh mà tâm quằn quại: “Khả liên bạch phát cung khu dịch/ Bất dữ thanh sơn tương thủy chung” (Thương ta đầu bạc còn đeo nợ/ Chẳng được cùng non vẹn thủy chung) (Vọng Thiên thai tự). Ấy vậy mà cụ cũng kịp để lại cho chốn sương khói kinh thành và dòng Hương sầu mộng một thi tác “Thu chí” ngập bến bờ:
Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
(Sông Hương một mảnh trăng
xưa nay gợi nên bao nỗi sầu)
Đời thi nhân như những đợt sóng buồn, lặng yên mà khắc khoải, dồn dập mà vô hình, đời buồn, chán, là bãi bể nương dâu “Nội quạnh chôn đầy xương bạc mệnh/ Quê người gởi tạm kiếp phù vinh” (Ngẫu đắc).
Cũng trong thời gian làm quan cho nhà Nguyễn, ông chứng kiến cảnh đại dịch hoành hành, hàng nghìn người chết, cảnh rất thương tâm. Nguyễn Du đã “Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”, và tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh, hay còn gọi là Văn chiêu hồn, được viết nên như tâm hương độ thác cho muôn phận lầm than. Nguyễn Du khóc cho người trần thế, lặn ngụp giữa bể dâu. Và tiếng thơ Văn chiêu hồn an ủi, che chở cho những oan hồn không chốn nương thân.
Văn tế thập loại chúng sinh được đánh giá là tác phẩm song thất lục bát duy nhất sử dụng dày đặc và rất độc đáo thủ pháp tiểu đối. Bàn về tác phẩm này, sinh thời nhà thơ Xuân Diệu có đôi lời nhận định: “Trong nền thơ Việt Nam ta từ trước, có một tác phẩm rất độc đáo về đề tài, hầu như là duy nhất, nói đến những người chết, nói đến cái chết dưới trăm tình thế, chưa có bài thơ nào mà tập trung nói đến những hồn người chết như vậy và thực chất lại là sự ôm trùm rộng rãi những người sống - đó là Văn Chiêu hồn...”. Tác phẩm kể về những nỗi đau thế gian và sự đơn độc của những hồn oan câm lạnh giữa cảnh âm “Trời thăm thẳm mưa gào gió thét/ Khí âm huyền mờ mịt trước sau/ Ngàn mây nội cỏ rầu rầu/ Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?”. Với biết bao nguyên nhân gây nên đau khổ, là việc binh nhung của kẻ có quyền, nhất tướng công thành vạn cốt khô, nào hay: “Gió mưa sấm sét đùng đùng/ Phơi thây trăm họ nên công một người”. Cuối tác phẩm, Nguyễn Du gửi gắm tư tưởng đạo Phật: “Ai ơi lấy Phật làm lòng/ Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”. Đây là cái ngộ của bậc cao nhân không dưới trăm lần đọc kinh Kim Cương.
Văn chiêu hồn hòa quyện trong lời kinh tiếng mõ, ngân động nhân gian, tế cho người cõi âm và tiếng lòng vang vọng cõi dương. Nay, lần giở cảo thơm vẫn còn tê tái tâm can, mà nhận lấy rằng: “Kiếp phù sinh như hình như ảnh/ Có chữ rằng: Vạn cảnh giai không”...
Nguyễn Du tuy xuất thân là dòng dõi quan lại, khoa bản nhưng ông hết sức bình dị, gần gũi với quần chúng nhân dân lao động, hòa mình vào lối hoạt động văn nghệ dân gian. Người dân quê nhà huyện Nghi Xuân thường gọi cụ là quan “Thúy Kiều”, một cái tên hết sức bình dị, thân mật gắn liền với công lao sự nghiệp và cuộc đời của một đại thi hào dân tộc, dù rằng ông từng là quan lớn Tham tri bộ Lễ, Cần chánh Đại học sĩ. Nguyễn Du dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho quê hương nghèo khó. Có năm vùng quê Nghệ - Tĩnh mất mùa, cụ đã trực tiếp đề nghị quan cai quản xứ ấy là Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh miễn thuế cho dân. Tấm lòng của Nguyễn Du được Ngô Nhân Tĩnh đồng thuận. Sau khi dân được miễn thuế, ông đã đáp lại bằng lời cảm ơn chân tình qua những câu thơ: “Xa nhìn Hồng Lĩnh ngôi sao đức/ Nâng chén mừng quê cách dặm ngàn” (1).
Và hai bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón là những áng thơ mang dấu ấn đáng nhớ trong các sinh hoạt văn hóa làng xã. Xưa, mỗi lần về quê, cụ đã cùng với trai gái của làng tạo lối hát ví phường nón một cách hoàn chỉnh, đậm đà sắc thái dân ca của một làng nghề Xứ Nghệ và hai tác phẩm trên ra đời trong không gian sinh hoạt đậm đặc tính chất thơ ca dân gian ấy.
Nhận định bất hủ của Phạm Quỳnh trong bài diễn văn nhân ngày giỗ thi hào Nguyễn Du ngày 8 tháng 12 năm 1924: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, đã đưa truyện Kiều đứng vào hàng kiệt tác văn học và Nguyễn Du xứng đáng là bậc đại thi hào của dân tộc. Cơ tầng ngữ nghĩa thấm đẫm chất Việt được Truyện Kiều chuyển tải một cách nhuần nhị cùng với biết bao giá trị văn hóa, tinh thần mang màu sắc Việt được gửi gắm rất tinh tế, rất thơ. Truyện Kiều lại được ví như quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của dân tộc Việt Nam ta (Phạm Quỳnh). Hết thảy là sự rực rỡ của thi ca và niềm tự hào của dân tộc.
Truyện Kiều đích thật “Cảo thơm lần giở trước đèn” hai trăm năm qua đã khơi gợi sự đam mê, tìm tòi của biết bao thế hệ. Với 3254 câu lục bát, Truyện Kiều kể về thân phận nàng Thúy Kiều, một giai nhân, một bóng hồng mỹ tuyệt “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Vì chữ Hiếu, Kiều phải bán mình chuộc cha, bỏ lại xuân xanh, bỏ lại mối tơ duyên lỡ hẹn với Kim Trọng và bắt đầu 15 năm lưu lạc giữa chốn trần ai nhơ nhớp. Nào những mặt Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến... giập vùi hồng nhan lao khổ, nhục hèn. Cuộc đời Thúy Kiều đầy nỗi ám ảnh về thân phận con người bị chà đạp, đe dọa ví như con ong cái kiến, thân lươn, cánh bèo… biểu tượng của sự bé nhỏ, mong manh. Sống đày đọa giữa cõi người ta xa lạ, thứ đất khách quê người không mấy ai mặn mà, chỉ mong ngóng cố hương, thao thiết như tâm trạng Tố Như mấy mươi năm tha hương vạn dặm. Đi qua đời người, ngược ngang thế cuộc, sống trong đau thương mất mát, sống trong tranh giành, được mất, Nguyễn Du phải than lên:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Cả cuộc đời thi nhân bôn ba dâu bể, đoạt được chữ vui trong thiên hạ chỉ tích tắc ngọn gió. Chốn nhân gian bao la sầu, ảm đạm theo từng ngày tháng. Trong hành trình thất lạc của chính mình, Nguyễn Du đã đi tìm, đã ngộ, đã tưởng nhưng cảnh tình chưa bao giờ gói gọn chữ thảnh thơi. Mượn thơ giải sầu, bày tỏ nỗi niềm kẻ sĩ, thiên hạ mới rõ tấc gang. Ấy như, giữa sự rối ren của thế cuộc, bẩn nhơ chốn quan trường, đau khổ chốn nhân sinh mà nghe được câu Kiều:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Đàn dứt mành gió, người trần thả cả hồn vào trong ấy mà thấy mình mắt thịt. Không thể nghe bằng tai, thấy bằng mắt, ngửi bằng mũi mà đổ cả linh giác để thừa hiện thứ quốc âm trần tình đấy thôi. Người nay xem, sao đành bỏ tiếng mẹ để theo tiếng nước người xếnh xang, bỏ thi pháp dân tộc mà đèo bòng những áo thơ xống xếnh làm gì!
Thôi hãy đọc những dòng lục bát mộc mạc của ta, lấy dòng lục bát mà so lòng người. Ngẫm xem Nguyễn Du đưa ra những lời chân tình, nhuốm màu Phật pháp, kẻ sáng tạo, người thiện trí thức không thể bỏ qua:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Một chữ thiện, một người an vui, nhà nhà an vui, quốc gia xã tắc an vui. Lấy gì mà đo tâm, tâm thiện khởi thiện duyên. Ôi chữ tài, khéo mà tan tác theo gió lốc của cái tâm bất thiện, háo danh, háo lợi. Chỉ chừng đấy thôi, ngẫm lại chính mình cũng thấy lòng hổ thẹn.
Truyện Kiều là một kiệt tác đồ sộ, mở ra nhiều cánh cửa tối thắng cho tinh thần Việt cả ở mặt thể loại và nội dung. Vậy mà Nguyễn Du lại rất khiêm tốn khi cho cả sự sáng tạo ấy là: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Kiều đã làm khuây khỏa tâm hồn của một thi nhân luôn đeo mang những nỗi u sầu, mà nay, hậu thế “mua vui”, mua vui sao lòng nặng gánh u hoài. Cuộc đời đâu dài đằng đẵng, mà chỉ như chớp giật, như một hơi thở, sao nỡ đành phó thác mây trôi. Truyện Kiều tạo nên một loạt hiệu ứng văn học - văn hóa rất thú vị của dân tộc: “lẩy Kiều”, “trò Kiều”, “bói Kiều”, “thơ vịnh Kiều”, “tranh Kiều”, “tuồng Kiều”, “phim Kiều”, “thành ngữ rút từ Truyện Kiều”... Truyện Kiều đi vào lòng người, soi chiếu những gương mặt của thực tại bằng những câu thơ bất hủ, ăn sâu trong máu thịt của nhân dân.
Xin viện dẫn chuyện cựu Tổng thống Bill Clinton khi đến thăm Việt Nam đã trân trọng đọc câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa” thể hiện sự trân quý đối với truyện Kiều và nền văn hóa Việt. Nhiều nhà nghiên cứu thế giới quan tâm Truyện Kiều và tác phẩm Truyện Kiều được dịch ra hơn 20 thứ tiếng đi khắp năm châu bốn biển, gieo vào lòng người nỗi ưu sầu của một thi nhân đau đớn trong giấc miên trường trời Nam xa xăm. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong nền thi ca thế giới.
Một điều nữa, Nguyễn Du với lòng tự hào dân tộc, giàu tư duy của kẻ độc lập sáng tạo đã dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để viết bằng Việt văn, thấm nhuần hồn cốt dân tộc. Tác phẩm tiêu biểu cho thiên tài Nguyễn Du là Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) và Văn tế thập loại chúng sinh, đều viết bằng quốc âm. Chính cụ Nguyễn Du là người đề cao văn hóa dân tộc, dùng chính quốc âm quốc ngữ của dân tộc mình để viết nên các tác phẩm kiệt tác, đậm hồn dân tộc.
1. Theo Nguyễn Ban, Đại thi hào Nguyễn Du với quê hương.
Các trước tác của Nguyễn Du không thật đồ sộ về khối lượng, nhưng có vị trí đặc biệt quan trọng trong di sản văn học và văn hóa dân tộc. Về thơ chữ Hán, cho đến nay, các nhà nghiên cứu tìm thấy được 249 bài thơ nằm trong ba tập Thanh Hiên thi tập: 78 bài; Nam trung tạp ngâm: 40 bài; Bắc hành tạp lục: 131 bài. Về chữ Quốc âm, cụ để lại hai tác phẩm nổi tiếng là Đoạn trường Tân Thanh hay gọi là Truyện Kiều (3254 câu) và Văn tế thập loại chúng sinh (184 câu thơ). Ngoài ra có các tác phẩm khác như Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ (98 câu), Thác lời trai phường nón (48 câu) về những cô gái phường vải và cuộc giao duyên.
Nguyễn Du xuất thân trong nhà gia thế nhưng chẳng hưởng được mấy vinh hoa. Sinh thời buổi loạn li, tranh giao quyền lực, cha mẹ mất sớm khi còn nhỏ tuổi, mười một tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mất mẹ. Nguyễn Du chịu cảnh mồ côi cha mẹ và bắt đầu cuộc sống tha hương, sống nay đây mai đó, ăn nhờ ở đậu, hoặc ở nhà các anh hoặc ở quê vợ. Cả đời chỉ độc mang cho mình một túi thơ, thứ tài sản vô giá, trong ngần, tinh khiết.
Cuộc sống lưu lạc trong mười năm 1786 đến 1795 của Nguyễn Du được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “mười năm gió bụi”. Những năm tháng ấy, tập thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập đã phản ánh khá rõ. Đây là tập thơ đầu tiên của Nguyễn Du, ở đó thắm thiết tình cảnh, tâm sự của cụ trong hoàn cảnh lênh đênh, lưu lạc đầu sông cuối bể: “Gió bụi mười năm biệt cố hương/ Bơ phờ đầu bạc, đất người nương” (U cư 2). Mười năm gió bụi ấy, Nguyễn Du từng sống trong lao ngục với bao nỗi ê chề: “Phong trần bốn biển non sông khóc/ Lao ngục mười tuần sống thác cam” (My trung mạn hứng). Tha phương và ôm hằng một mối nhớ thương cố xứ của kẻ lưu lạc ăn nhờ ở đậu, khổ sở giữa cảnh Bắc Hà tao loạn: “Tấc lòng ta biết cùng ai tỏ/ Hồng Quế cao sâu phỏng mấy tầm” (U cư 2). Bao nhọc nhằn, cơ khổ của mười năm gió bụi là cả tấm tơ lòng day dứt, đau đớn của Nguyễn Du. Phận kẻ sĩ lưu đày trong cơn bỉ cực của xã hội đương thời túi rỗng tiền không, bệnh tật, cơ hàn có lẽ vì thế mà trong Độc tiểu thanh kí, cụ ngậm ngùi cho thân phận:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Chẳng biết ba trăm năm lẽ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng”)
Sau khi nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước, Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), thì năm 1803 Nguyễn Du được tin dùng, phụng mệnh lên ải Nam Quan nhận sắc phong của nhà Thanh cho vua Gia Long. Từ đây, Nguyễn Du bước vào đường hoạn lộ vốn dĩ ông chẳng mấy tâm màng đến. Chức quan thăng tiến liên tục từ Đông các đại học sĩ, rồi ban tước Du Đức hầu, Cần chánh điện đại học sĩ, Tham tri bộ Lễ, nhiều lần được cử đi sứ. Nguyễn Du chán cảnh quan trường, nhiều lần mong mỏi cáo quan về quê (1808). Dù quan tước cao nhưng cụ vẫn giữ mực thanh liêm, đạm bạc. Gia phả họ Nguyễn chép: “Dầu làm đến chức á khanh mà ông vẫn giữ vẻ thanh nhã đơn giản như một học trò nghèo”. Những bài thơ trong tập Nam Trung tạp ngâm - tập thơ chữ Hán được viết trong những năm làm quan là tiếng thở dài của nhà thơ trước một thực trạng xã hội đương thời, nơi mà Nguyễn Du khó có thể dung mình an thú.
Thử thân dĩ tác phàn lung vật
Hà xứ trùng tầm hãn mạn du
Mạc hướng thiên nhai thán luân lạc
Hà Nam kim thị đế vương châu”
(Chậu lồng vướng kiếp thôi đành đoạn
Sông nước vui chơi há dễ dầu
Luân lạc phương trời thôi chớ nghĩ
Bờ Nam đã thuộc đất Thần Châu).
(Tân thu ngẫu hứng)
Nguyễn Du dấn bước quan trường, tha hương đất người, còn đâu thú tiêu dao nơi quê nhà, phường săn phường vải, làm quan “thử thân dĩ tác” - chậu lồng vướng kiếp. “Hà xứ trùng tầm hãn mạn du” (Sông nước vui chơi há dễ dầu) đã trói kiếp thơ trong chốn cung xiêu, triện đè trên bút.
Đó là tâm trạng của kẻ tha hương giữa chốn đô thành, Nguyễn Du đau đáu: “Hồi thủ Lam Giang phố/ Nhàn tâm tạ bạch âu” (Ngoảnh đầu trông bến sông Lam/ Nhìn đàn cò trắng lòng nhàn chẳng yên) (Thu chí). Nguyễn Du mang nỗi hoài cảm của thế nhân, viếng cảnh chùa thanh tịnh mà tâm quằn quại: “Khả liên bạch phát cung khu dịch/ Bất dữ thanh sơn tương thủy chung” (Thương ta đầu bạc còn đeo nợ/ Chẳng được cùng non vẹn thủy chung) (Vọng Thiên thai tự). Ấy vậy mà cụ cũng kịp để lại cho chốn sương khói kinh thành và dòng Hương sầu mộng một thi tác “Thu chí” ngập bến bờ:
Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
(Sông Hương một mảnh trăng
xưa nay gợi nên bao nỗi sầu)
Đời thi nhân như những đợt sóng buồn, lặng yên mà khắc khoải, dồn dập mà vô hình, đời buồn, chán, là bãi bể nương dâu “Nội quạnh chôn đầy xương bạc mệnh/ Quê người gởi tạm kiếp phù vinh” (Ngẫu đắc).
Cũng trong thời gian làm quan cho nhà Nguyễn, ông chứng kiến cảnh đại dịch hoành hành, hàng nghìn người chết, cảnh rất thương tâm. Nguyễn Du đã “Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”, và tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh, hay còn gọi là Văn chiêu hồn, được viết nên như tâm hương độ thác cho muôn phận lầm than. Nguyễn Du khóc cho người trần thế, lặn ngụp giữa bể dâu. Và tiếng thơ Văn chiêu hồn an ủi, che chở cho những oan hồn không chốn nương thân.
Văn tế thập loại chúng sinh được đánh giá là tác phẩm song thất lục bát duy nhất sử dụng dày đặc và rất độc đáo thủ pháp tiểu đối. Bàn về tác phẩm này, sinh thời nhà thơ Xuân Diệu có đôi lời nhận định: “Trong nền thơ Việt Nam ta từ trước, có một tác phẩm rất độc đáo về đề tài, hầu như là duy nhất, nói đến những người chết, nói đến cái chết dưới trăm tình thế, chưa có bài thơ nào mà tập trung nói đến những hồn người chết như vậy và thực chất lại là sự ôm trùm rộng rãi những người sống - đó là Văn Chiêu hồn...”. Tác phẩm kể về những nỗi đau thế gian và sự đơn độc của những hồn oan câm lạnh giữa cảnh âm “Trời thăm thẳm mưa gào gió thét/ Khí âm huyền mờ mịt trước sau/ Ngàn mây nội cỏ rầu rầu/ Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?”. Với biết bao nguyên nhân gây nên đau khổ, là việc binh nhung của kẻ có quyền, nhất tướng công thành vạn cốt khô, nào hay: “Gió mưa sấm sét đùng đùng/ Phơi thây trăm họ nên công một người”. Cuối tác phẩm, Nguyễn Du gửi gắm tư tưởng đạo Phật: “Ai ơi lấy Phật làm lòng/ Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”. Đây là cái ngộ của bậc cao nhân không dưới trăm lần đọc kinh Kim Cương.
Văn chiêu hồn hòa quyện trong lời kinh tiếng mõ, ngân động nhân gian, tế cho người cõi âm và tiếng lòng vang vọng cõi dương. Nay, lần giở cảo thơm vẫn còn tê tái tâm can, mà nhận lấy rằng: “Kiếp phù sinh như hình như ảnh/ Có chữ rằng: Vạn cảnh giai không”...
Nguyễn Du tuy xuất thân là dòng dõi quan lại, khoa bản nhưng ông hết sức bình dị, gần gũi với quần chúng nhân dân lao động, hòa mình vào lối hoạt động văn nghệ dân gian. Người dân quê nhà huyện Nghi Xuân thường gọi cụ là quan “Thúy Kiều”, một cái tên hết sức bình dị, thân mật gắn liền với công lao sự nghiệp và cuộc đời của một đại thi hào dân tộc, dù rằng ông từng là quan lớn Tham tri bộ Lễ, Cần chánh Đại học sĩ. Nguyễn Du dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho quê hương nghèo khó. Có năm vùng quê Nghệ - Tĩnh mất mùa, cụ đã trực tiếp đề nghị quan cai quản xứ ấy là Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh miễn thuế cho dân. Tấm lòng của Nguyễn Du được Ngô Nhân Tĩnh đồng thuận. Sau khi dân được miễn thuế, ông đã đáp lại bằng lời cảm ơn chân tình qua những câu thơ: “Xa nhìn Hồng Lĩnh ngôi sao đức/ Nâng chén mừng quê cách dặm ngàn” (1).
Và hai bài Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón là những áng thơ mang dấu ấn đáng nhớ trong các sinh hoạt văn hóa làng xã. Xưa, mỗi lần về quê, cụ đã cùng với trai gái của làng tạo lối hát ví phường nón một cách hoàn chỉnh, đậm đà sắc thái dân ca của một làng nghề Xứ Nghệ và hai tác phẩm trên ra đời trong không gian sinh hoạt đậm đặc tính chất thơ ca dân gian ấy.
Nhận định bất hủ của Phạm Quỳnh trong bài diễn văn nhân ngày giỗ thi hào Nguyễn Du ngày 8 tháng 12 năm 1924: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, đã đưa truyện Kiều đứng vào hàng kiệt tác văn học và Nguyễn Du xứng đáng là bậc đại thi hào của dân tộc. Cơ tầng ngữ nghĩa thấm đẫm chất Việt được Truyện Kiều chuyển tải một cách nhuần nhị cùng với biết bao giá trị văn hóa, tinh thần mang màu sắc Việt được gửi gắm rất tinh tế, rất thơ. Truyện Kiều lại được ví như quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của dân tộc Việt Nam ta (Phạm Quỳnh). Hết thảy là sự rực rỡ của thi ca và niềm tự hào của dân tộc.
Truyện Kiều đích thật “Cảo thơm lần giở trước đèn” hai trăm năm qua đã khơi gợi sự đam mê, tìm tòi của biết bao thế hệ. Với 3254 câu lục bát, Truyện Kiều kể về thân phận nàng Thúy Kiều, một giai nhân, một bóng hồng mỹ tuyệt “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Vì chữ Hiếu, Kiều phải bán mình chuộc cha, bỏ lại xuân xanh, bỏ lại mối tơ duyên lỡ hẹn với Kim Trọng và bắt đầu 15 năm lưu lạc giữa chốn trần ai nhơ nhớp. Nào những mặt Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến... giập vùi hồng nhan lao khổ, nhục hèn. Cuộc đời Thúy Kiều đầy nỗi ám ảnh về thân phận con người bị chà đạp, đe dọa ví như con ong cái kiến, thân lươn, cánh bèo… biểu tượng của sự bé nhỏ, mong manh. Sống đày đọa giữa cõi người ta xa lạ, thứ đất khách quê người không mấy ai mặn mà, chỉ mong ngóng cố hương, thao thiết như tâm trạng Tố Như mấy mươi năm tha hương vạn dặm. Đi qua đời người, ngược ngang thế cuộc, sống trong đau thương mất mát, sống trong tranh giành, được mất, Nguyễn Du phải than lên:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Cả cuộc đời thi nhân bôn ba dâu bể, đoạt được chữ vui trong thiên hạ chỉ tích tắc ngọn gió. Chốn nhân gian bao la sầu, ảm đạm theo từng ngày tháng. Trong hành trình thất lạc của chính mình, Nguyễn Du đã đi tìm, đã ngộ, đã tưởng nhưng cảnh tình chưa bao giờ gói gọn chữ thảnh thơi. Mượn thơ giải sầu, bày tỏ nỗi niềm kẻ sĩ, thiên hạ mới rõ tấc gang. Ấy như, giữa sự rối ren của thế cuộc, bẩn nhơ chốn quan trường, đau khổ chốn nhân sinh mà nghe được câu Kiều:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Đàn dứt mành gió, người trần thả cả hồn vào trong ấy mà thấy mình mắt thịt. Không thể nghe bằng tai, thấy bằng mắt, ngửi bằng mũi mà đổ cả linh giác để thừa hiện thứ quốc âm trần tình đấy thôi. Người nay xem, sao đành bỏ tiếng mẹ để theo tiếng nước người xếnh xang, bỏ thi pháp dân tộc mà đèo bòng những áo thơ xống xếnh làm gì!
Thôi hãy đọc những dòng lục bát mộc mạc của ta, lấy dòng lục bát mà so lòng người. Ngẫm xem Nguyễn Du đưa ra những lời chân tình, nhuốm màu Phật pháp, kẻ sáng tạo, người thiện trí thức không thể bỏ qua:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Một chữ thiện, một người an vui, nhà nhà an vui, quốc gia xã tắc an vui. Lấy gì mà đo tâm, tâm thiện khởi thiện duyên. Ôi chữ tài, khéo mà tan tác theo gió lốc của cái tâm bất thiện, háo danh, háo lợi. Chỉ chừng đấy thôi, ngẫm lại chính mình cũng thấy lòng hổ thẹn.
Truyện Kiều là một kiệt tác đồ sộ, mở ra nhiều cánh cửa tối thắng cho tinh thần Việt cả ở mặt thể loại và nội dung. Vậy mà Nguyễn Du lại rất khiêm tốn khi cho cả sự sáng tạo ấy là: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Kiều đã làm khuây khỏa tâm hồn của một thi nhân luôn đeo mang những nỗi u sầu, mà nay, hậu thế “mua vui”, mua vui sao lòng nặng gánh u hoài. Cuộc đời đâu dài đằng đẵng, mà chỉ như chớp giật, như một hơi thở, sao nỡ đành phó thác mây trôi. Truyện Kiều tạo nên một loạt hiệu ứng văn học - văn hóa rất thú vị của dân tộc: “lẩy Kiều”, “trò Kiều”, “bói Kiều”, “thơ vịnh Kiều”, “tranh Kiều”, “tuồng Kiều”, “phim Kiều”, “thành ngữ rút từ Truyện Kiều”... Truyện Kiều đi vào lòng người, soi chiếu những gương mặt của thực tại bằng những câu thơ bất hủ, ăn sâu trong máu thịt của nhân dân.
Xin viện dẫn chuyện cựu Tổng thống Bill Clinton khi đến thăm Việt Nam đã trân trọng đọc câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa” thể hiện sự trân quý đối với truyện Kiều và nền văn hóa Việt. Nhiều nhà nghiên cứu thế giới quan tâm Truyện Kiều và tác phẩm Truyện Kiều được dịch ra hơn 20 thứ tiếng đi khắp năm châu bốn biển, gieo vào lòng người nỗi ưu sầu của một thi nhân đau đớn trong giấc miên trường trời Nam xa xăm. Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong nền thi ca thế giới.
Một điều nữa, Nguyễn Du với lòng tự hào dân tộc, giàu tư duy của kẻ độc lập sáng tạo đã dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để viết bằng Việt văn, thấm nhuần hồn cốt dân tộc. Tác phẩm tiêu biểu cho thiên tài Nguyễn Du là Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) và Văn tế thập loại chúng sinh, đều viết bằng quốc âm. Chính cụ Nguyễn Du là người đề cao văn hóa dân tộc, dùng chính quốc âm quốc ngữ của dân tộc mình để viết nên các tác phẩm kiệt tác, đậm hồn dân tộc.
1. Theo Nguyễn Ban, Đại thi hào Nguyễn Du với quê hương.
Lê Vũ Trường Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét