Có ai trong đời mà không thắp lên một nén hương? Hồi còn
bé, mỗi khi đứng trước ban thờ, bên mẹ tôi, trong những ngày giỗ, tôi không khỏi
run run ngước nhìn làn khói tỏa ra từ cây hương, cảm thấy như có gì thần bí, màu
nhiệm đang vây quanh mình. Dường như ông bà tổ tiên trên ban thờ đang dần hiển
linh, dạy bảo, dặn dò và răn đe bên tai tôi. Khi hương tắt bao giờ cũng đem lại
cho chúng tôi niềm vui phấn khích nhưng có lẽ không một ai dám nói ra, bởi đây
là lúc hạ mâm và chúng tôi được ăn uống thoả thuê. Rồi khi những ngày trời đông
rét mướt tầm tã mưa đi qua nơi chùa chiền, trong tiếng mõ đều đều và mùi hương
thoang thoảng, tôi thường co mình lại bước thật nhanh hơn. Lại những đêm hè
không trăng sao nơi bãi tha ma đồng không mông quạnh, ai đó đặt nén hương le
lói làm lũ chúng tôi quáng quàng ôm nhau vừa chạy vừa la hét mà mùi hương
thoang thoảng đuổi theo mỗi bước chân càng thấy rợn hơn.
Tôi lớn lên, mùi hương theo tuổi, linh thiêng ám ảnh lạ
lùng...
Tục thắp hương xuất phát từ Tây Vực và đi vào đời sống con
người Việt Nam không biết tự bao giờ. Người ta thắp hương ở Chùa, Đình, Đền,
Phủ, Miếu, Tháp, Am... để cầu mong Thần Linh, Thánh Trời, Phật, Mẫu phù hộ độ
trì và mang đến điều tết lành. Trong mỗi gia đình xưa thường có câu đối:
"Tiên tổ an linh, con cháu nhà cửa thịnh vượng, Tuế thời tưởng niệm, khói
hương nghi ngút dài lâu”. Mỗi khi mùi hương lan toả là lúc con người ta như trầm
tĩnh lại, hồi tưởng về quá khứ xa xăm phảng phất mơ hồ. Mùi hương làm cho hồn
người có cảm giác đang giao hòa với quá khứ nhất là trong những ngày Lễ, Tết. Từ
chiều tối 30, ngày củ mật, hương nhang đã lan khắp không gian. Thường khi mưa
xuân lất phất, khí trời ẩm ướt, muốn cho hương khỏi tắt, người ta thường dùng
hương sào, hương vòng. Hương lộc là hương những người đi lễ đầu năm lấy ở các
đình chùa về thắp tại bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ thổ công ở nhà, thay vì hái
lộc cành cây.
Người ta tin rằng hương lộc của Thánh, Phật mang lại sự no ấm, phát đạt. Đang lúc thắp hương mà gặp cơn gió. cả cây hương sẽ cháy bùng lên thành ngọn lửa, và người ta tin rằng ấy là điềm tết, báo trước sự may mắn quanh năm. Nhìn những vị chân tu ngồi gõ mõ, miệng tụng kinh, mắt lim dim trong khói hương trầm nhẹ tỏa, có cảm tưởng như vị sư nọ đã hòa nhập cõi bồng lai.
Người ta tin rằng hương lộc của Thánh, Phật mang lại sự no ấm, phát đạt. Đang lúc thắp hương mà gặp cơn gió. cả cây hương sẽ cháy bùng lên thành ngọn lửa, và người ta tin rằng ấy là điềm tết, báo trước sự may mắn quanh năm. Nhìn những vị chân tu ngồi gõ mõ, miệng tụng kinh, mắt lim dim trong khói hương trầm nhẹ tỏa, có cảm tưởng như vị sư nọ đã hòa nhập cõi bồng lai.
Những người giàu lòng nhân đức, thấy những nấm mộ vô chủ ven
đường không khỏi mủi lòng cắm nén hương. Hương khói sẽ làm ấm lòng vong hồn người
nơi cõi âm, như một câu Kiều đầy trắc ẩn:
Rằng nay trong tiết Thanh minh
Mà sao hương khói vắng tanh thế này?
Mà sao hương khói vắng tanh thế này?
Những ngôi mộ thường xuyên được hương khói là những ngôi mộ
có chủ, vong hồn người quá cố luôn luôn được gần gũi với dương gian. Người Việt Nam coi
việc thắp hương là để vong hồn của những người thân dã mất hiện về, lẩn quất
đâu đây bên mình. Như trong lễ xá tội vong nhân, giữa trời đất một mâm cỗ cúng
được bầy lên, hương khói nghi ngút dành cho những vong hồn không nơi nương tựa.
Cũng lúc ấy mỗi người dường như cảm nhận được sai sót của mình trong cuộc sống
và mong muốn được ăn năn. Những nhà khá giả thường cầu kỳ thắp hương trong lư đồng.
Những người nghèo, những kẻ lang thang, trú mình nơi đầu đường xó chợ, cũng
dùng ống bơ đổ đầy gạo để cắm hương, khấn bái.
Cõi linh không của riêng ai là vậy. Trong cuộc sống, thông
thường người ta cũng hay dùng hương khói để nói về những điều thiêng liêng, bí ẩn,
khó có thể tâm sự cùng ai. "Lòng thành thắp một nén hương”. Chuyện kể rằng
có một ông tướng về hưu lập một ban thờ ngay tại nhà mình và lấy ngày 27/7 hằng
năm để hương khói cho các chiến sĩ đã tử trận. Một phụ nữ miền Nam tình
nguyện đi tìm hài cốt của đồng đội mà hành trang đem theo chỉ là nửa ba lô
hương. Nhờ có "khói hương báo mộng" mà người phụ nữ đó đã tìm được rất
nhiều hài cốt đồng đội của mình. Rồi là chuyện của vài ba kẻ lầm đường lỡ bước,
dùng nén nhang để quyết với lòng mình trở về cõi thiện... Với cuộc đời hương
khói là như thế, giản dị, gần gũi nhưng lại vô cùng thiêng liêng. Hà Nôi từ xưa
đã có hẳn một con phố làm và bán hương: phố Hàng Hương. Trong nghệ thuật, nhà
văn Nguyễn Tuân có tác phẩm rất nổi tiếng của mình "Chiếc lư đồng mắt
cua". “Đốt lò hương cũ so tơ phím này" là câu thơ của Nguyễn Du nói về
sự linh thiêng của khói hương.
Giờ đây, hương khói đã có phần không giữ được hồn xưa. Khắp
nơi khắp chốn người ta mượn hương mượn khói làm điều mê tín, dị đoan những ngôi
đền, chùa, nơi mà người người nối nhau đến cầu tài, cầu lộc mùi hương nồng nặc
cay mắt, hòa quyện với mùi vị toả ra từ những mâm thức ăn đầy tứ ụ làm cho người
ta có cảm giác những thói tục hiện hữu đang lấn át hết cả sự linh thiêng. Lại
những ông đồng bà cốt thường bầy biện ban thờ rắm rối, rồi đốt hương nhang mờ mịt
tạo bầu không khí hư ảo, huyền bí để dễ bề "xuất thần"!? Bước chân
vào những cửa hàng, cửa hiệu "không đúng lúc", chủ hàng vo mẫu giấy đốt
vía kèm theo nén hương thắp lên ban thờ thổ công, khách hàng cũng nên biết điều
mau mau rời khỏi, nếu không muốn bị lườm, bị nguýt. Rồi người ta lấy hương khói
đặt nơi đất lưu không để biến thành "đất thánh" của mình. Hương khói
tràn lan như thể, có lẽ khói xe máy chưa chắc đã làm con người ta văn minh hơn
khói hương (!).
Nhưng dầu sao mặc lòng, việc dâng hương tự ngàn xưa vẫn là một
nghĩa cử văn hoá, thuộc về đạo lý tín ngưỡng, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam.
Những gì nhất thời rồi sẽ qua đi. Tục đốt hương sẽ còn đó như phép màu nhiệm
linh thiêng để kết nối, giao hòa tâm hồn của con người muôn đời, như một nét
văn hoá tâm linh trong cuộc sống cộng đồng.
An Thư
Nguồn:Văn hóa doanh nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét