Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Âm nhạc mang đến cho tôi

Âm nhạc mang đến cho tôi…
Tôi đến với âm nhạc từ chiếc máy radio cũ kỹ còn giữ lại được sau những trôi nổi thăng trầm của gia đình, và âm nhạc như một dòng suối tươi mát trong lành chảy qua những ngày tháng khắc nghiệt của biến động xã hội, của gian nan cơm áo, của căm giận oán ghét, của đố kỵ nghi ngờ, của những cuộc chia ly… Âm nhạc là dòng nước róc rách thầm lặng luồn qua những khe đá lởm chởm khô khan để nuôi nấng những hạt mầm nhỏ nhoi của hy vọng, của cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu, của chấp nhận và vươn lên…
Một chiều tan trường, do không có áo mưa mà mưa thì lớn quá, tôi đứng trú mưa trên bậc thềm đầy rêu, dưới giàn hoa giấy của căn nhà cũ kỹ, tôi ngẩn ngơ nghe tiếng đàn réo rắt hòa lẫn tiếng mưa tí tách bên thềm, và nhủ lòng, một ngày nào đó, mình sẽ chơi được bản nhạc ấy …
Không có điều kiện học nhạc bài bản, nhưng vì niềm ham thích; hay vì khi ấy, không có một thứ giải trí nào khác, mà tôi bắt đầu mò mẫm tự học từng dòng nhạc lý, từng nốt nhạc vụng về vào những đêm khuya, và xuýt xoa nhưng vẫn nghiến răng chịu đựng những vết phồng rộp rướm máu… để bước qua giai đoạn đầu tiên bên cây đàn guitar.
Cuối cùng tôi cũng đã chơi được trọn vẹn bản nhạc ấy ở tuổi mười hai, và tiếp tục tự tập những bản khác vào những thời khắc rảnh rỗi hiếm hoi … Nhưng đó là những thời khắc hạnh phúc tuyệt vời, khi thả hồn mình vào những giai điệu bay bổng.
Những khi muộn phiền, những lúc nản lòng, cây đàn trở thành người bạn, và những lúc đau buồn nhất, tôi lại chơi đi chơi lại bản nhạc đầu tiên ấy, từ chậm đến nhanh, thả vào trong đó những nỗi buồn sâu thẳm … Với thời gian, với những lo toan bận rộn, tôi đã dần quên nhiều bản nhạc từng khổ công luyện tập, hoặc chỉ còn nhớ chập choạng, đứt quãng, nhưng riêng bản nhạc ấy, chi cần rải những nốt đầu tiên, là tất cả lại trở về, như chưa hề có những lúc cây đàn đã từng nằm phủ một lớp bụi dày thời gian…
Một cô bạn rất thân hay đến nhà chơi, khi nghe bản nhạc, cũng đã háo hức học, nhưng tập mãi vẫn quên trước quên sau, bù lại, bạn vẽ rất đẹp và mê tranh lụa. Chúng tôi thường đạp xe đi dạo lòng vòng dưới mưa những chiều tan trường, và tranh cãi về âm nhạc, bằng mớ kiến thức vô cùng hổ lốn, lủng củng và bé bằng nắm tay của cả hai…
Một thời gian sau, cô bạn chia tay tôi đi định cư ở Mỹ cùng anh trai. Chúng tôi bặt tin nhau. Cho đến một hôm, cô bạn trở về: đen đúa, nhưng chững chạc. Bạn kể rằng, những ngày ở xứ người, mỗi sáng nhất là mùa đông, nhưng bạn đều thức dậy thật sớm để đi làm và luôn được nghe một giọng nữ trong vắt: “Chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ phai, như dòng suối tình êm ái, có anh và em, còn ai còn ai nữa đã yêu nhau trong cuộc đời…”. Bạn kể, bạn đã vượt qua những ngày tháng gian nan nhờ giọng hát ấy, giọng hát đã đem cho bạn một cảm xúc kỳ lạ, một nghị lực âm thầm… Giờ đây, bạn đã yên ổn ở Canada, nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày tháng cũ, bạn luôn nhắc đến bản nhạc và giọng hát trong vắt ấy…
Có những bản nhạc đã đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời, có những bản nhạc được ngân lên thành lời hoặc chỉ là trong âm thầm, khi mưa thánh thót bên song hay nắng tràn trề ngoài phố, trong nỗi nhớ quắt quay hoặc khi lòng lắng xuống êm ả, trong bình minh rạng rỡ hay hoàng hôn u buồn, trong những vui sướng hoặc khổ đau … và sẽ còn đi theo chúng ta, từng ngày …
Âm nhạc ơi! hãy đến với những ai đang yêu, với những con tim đơn côi, với những con người đau thương, mất mát …
Tôi hiểu tại sao tôi chưa bao giờ quên bản nhạc ấy, một bản nhạc rất đỗi giản dị …
Làm sao em biết bia đá không đau…
Tôi là người thích văn nghệ nói chung, nhất là âm nhạc. Nhưng không hiểu tại sao đã lâu lắm rồi, tôi không còn đi nghe những chương trình ca nhạc được tổ chức một cách quy mô và chuyên nghiệp. Vì thời gian? Vì nghĩ rằng thật hoang phí? Vì nhiều lý do …
Dần dần tôi nhận ra, tất cả những điều đó chỉ là nguyên nhân phụ.
Bây giờ tôi đã hiểu rằng, để “nghe” âm nhạc (hiện giờ nhiều người đi “xem” âm nhạc) cho trọn vẹn, thì không quan trọng đó là ai hát; ca sĩ chuyên nghiệp, nổi tiếng hay chỉ là những người bình thường, người yêu ca hát. Mà quan trọng nhất là họ đã trải lòng cùng âm nhạc như thế nào, âm nhạc đã nâng cánh cho họ ra sao. Tôi sợ nhất những ca sĩ với làn hơi khỏe khoắn, hát với một kỹ thuật điêu luyện, nhưng hát như trả bài…
Tôi đã rưng rưng nghe một cụ già ở tuổi “cổ lai hy” cố gắng giữ nhịp và run run hát: “em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ…”. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt sâu hằn vết chân chim ấy ánh lên khát vọng, niềm nhớ tiếc một thời thanh xuân, say mê ca hát nhưng bị cấm đoán bởi quan niệm cỗ lỗ “xướng ca vô loài” nên đành phải cất đam mê ấy cho đến lúc không còn muốn cất nữa …
Tôi đã từng lặng lẽ nhìn một người bạn của mình giữ chặt micro hát mê mải: “xin cho em một lần được gọi tên anh, một lần được nhung nhớ anh…” với những giọt lệ rưng rưng không kềm giữ, và đọc trong đó niềm hạnh phúc được tỏ bày …
Âm nhạc có một năng lực kỳ lạ, nó khiến con người đến gần nhau, nó nói dùm con người những gì không thể nói bằng lời bởi sự hữu hạn của ngôn từ và của những rào cản vô hình. Và trên tất cả, nó khiến con người tìm thấy sự bình đẳng trong dàn trải vì bất cứ ai cũng có thể hát với tất cả đam mê, với tất cả niềm hạnh phúc khi thả mình trong tiếng hát tiếng đàn. Âm nhạc giữ dùm rất nhiều những kỷ niệm đời xanh tươi hay úa héo. Vì vậy, khi con người thật thà cất lên tiếng hát của chính trái tim mình, khi nương cánh cùng âm nhạc, tâm hồn họ cũng vươn lên cao và xa hơn những giới hạn ngặt nghèo của cuộc sống khắc nghiệt. Mọi đớn đau phiền muộn chất chứa như lớp trầm tích bỗng òa vỡ thành dòng thác tuôn tràn trong mùa lũ, rồi lắng đọng dần và róc rách tựa dòng suối lượn quanh những khe đá rong rêu…
Hãy gửi lòng mình vào âm nhạc khi nỗi buồn chất ngất, bởi chung quanh ta, nỗi buồn luôn hiện hữu, nhưng ta đã thả nó vào trong âm nhạc, “hát lên cho đời sống vơi đi niềm đớn đau…” , đã tìm ra cứu cánh để băng qua nỗi buồn.
Và không chỉ như thế, ta còn có những phút giây hạnh phúc, hạnh phúc khi được tỏ bày, hạnh phúc hơn nữa bởi có những người đã nghe ta hát, và đồng cảm với ta…
Con người vẫn luôn là con người, vẫn cần những sẻ chia bằng cách này hay cách khác, vì có như thế nào, thì “ngày sau sỏi đá… cũng cần có nhau”.

Dấu Chân Kỷ Niệm - Phi Nhung - NhacCuaTui

Lê Trung Ngân 
Theo https://bacsiletrungngan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...