Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Ngàn mây xám, chiều nay về đây treo lững lờ

“Ngàn mây xám, chiều nay 
về đây treo lững lờ,”

Dấu Chân Địa Đàng - Khánh Ly - YouTube

“Ngàn mây xám, 
chiều nay về đây treo lững lờ,”
“Và tiếng hát, về ru mình trong giấc ngủ vùi,,
Rồi từ đó, loài sâu nửa đêm quên đi ưu phiền,
để người về hát đêm hồng, 
địa đàng còn in dấu chân bước quên.”
(Trịnh Công Sơn - Dấu Chân Địa Đàng)
(Kn 18: 14-15)
“Địa đàng in dấu chân”, nơi nào thế? Phải chăng là: “đêm hồng”, là “bước quên”, hay “giấc ngủ vùi”? Thật ra thì, nghệ sĩ là những vị từng “ru với gió”, “mơ theo trăng”, và “vơ vẩn cùng mây”, làm sao định vị được địa đàng, tìm dấu chân.
Bần đạo đây, cũng đã cảm nghiệm được điều ấy, những hai lần. Lần đầu, là lần quyết tâm về “miền quá khứ”, có người cháu gọi bằng cậu từng 50 năm chôn vùi đời mình chốn viện tu rất khắc kỷ, ở “Castagniers” miền Nam nước Pháp. Lần đó, bần đạo cứ là bon chen tìm đến với núi rừng trùng điệp với hy vọng xa vắng chốn miền có dấu chân “địa đàng”, nhưng không được. Bởi, lúc nào cũng văng vẳng nghe bên tai lời ca vui tựa hồ lời nghệ sĩ đang còn hát:
“Trời buông gió, và mây về ngang bên lưng đèo,
Mùa xanh lá, loài sâu ngủ quên trong tóc chiều.
Cuộc đời đó, nửa đêm tiếng ca như than phiền
Bàng hoàng lạc gió mây miền,
Trùng trùng, ngoài khơi nước lên sóng niềm.”
(Trịnh Công Sơn - bđd)
Lần thứ hai, bần đạo lại cũng tìm về miến dĩ vãng chốn khổ tu khi trước, ở vùng sâu vùng xa, rất gần Machu Pichu, xứ Pê-ru. Và lần này, bần đạo cũng lại bị quật thê thảm đến độ toàn thân mình trở thành gần như hư vô/rỗng tuếch, cả đầu óc lẫn con người. Có ở tâm trạng ấy, mới thấy những gì gắn liền đời mình vẫn chẳng là gì cả. Chỉ là hư luống.
Hôm nay, ngồi “một mình trên phố” lố nhố chốn phồn hoa đô hội, lại thấy cần sự tĩnh mịch/lặng thinh, nhưng nay thấy hiếm. Cũng may còn có cái gì đó tựa ơn trên gửi đến cho mình vài ba tư tưởng nhỏ, rất thoáng chốc, giống lời thơ người nghệ sĩ vẫn ray rứt:
“Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần
Nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng
Vùng u tồi loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng
Một đời bỏ ngõ đêm hồng
Ngoài trời còn dâng nước lên mắt em.”
(Trịnh Công Sơn - bđd)
Nhà thơ đây, những là “chùng chân”, ”buông vó” vì đêm đó nghe như “lời ca dạ lan ngại ngùng”. Còn bần đạo đâu dám làm thế, chỉ là bạn bè thấy mà thương bèn tặng cho một bài suy tư có dáng dấp của đấng bậc tải trên báo, có lời lẽ về những “lặng thinh là tình đã thuận”, bận bịu như sau:
“Lặng thinh, không chỉ là việc cần có trong thánh lễ, hoặc các buổi phụng vụ thôi, nhưng cả với cuộc đời nữa. Cuộc sống hôm nay chừng như quá ồn ào, kích bốc. Nhìn vào mọi chốn, người người đều thấy nơi nào cũng lào xảo đủ thứ tiếng động. Thanh âm đủ loại chừng như cứ nối tiếp và nối tiếp không ngừng từ các loa phóng thanh cứ ra rả từ các đài phát sóng, cho đến các loại máy ghi âm tân kỳ phát ra đủ mọi loại âm thanh, cùng tiếng nhạc. Cả khi người ta đang tập trung lái xe hay làm việc quần quật, hoặc ngủ nghỉ, lúc nào cũng thấy toàn những âm thanh và tiếng động. Khủng khiếp hơn, ngày hôm nay, các màn ảnh phát hình và vi tính chiếm đoạt gần như trọn vẹn thời gian trong cuộc sống của nhiều người. Thậm chí, cả vào lúc gia đình tụ họp để ăn uống, bên nhau chuyện trò hoặc nguyện cầu, lại vẫn thấy tình huống sôi động, rất dễ nóng bỏng.
Vâng. Ngày nay người người cần đến thinh lặng. Cần lặng thinh để suy tư, nghĩ ngợi, hiệp thông với Chúa. Nhận ra được sự hiện diện của Đức Chúa. Có lẽ, hơn bao giờ hết, con người cần đến sức mạnh của nội tâm, điều mà sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từng minh định:
“Nhu cầu đời sống nội tâm là tất cả những gì ta cần đến, cho cuộc sống. Bởi, cuộc sống hôm nay, có nhiều thứ khiến con người mình dễ chia trí và ra khỏi mọi động thái suy tư tụng niệm, tự kiểm hoặc xem xét tình trạng an nhiên tự tại, của chính mình.” (x. GLHTCG chưong đoạn 1779)
Chính vì lý do đó, có lẽ cũng nên nhìn ra sự cần thiết để ra khỏi cảnh trí ồn ào nói trên thỉnh thoảng cũng nên tắt máy phát thanh, nghe nhạc trên dĩa hoặc ipod nhét nơi tai. Để rồi, thay vì bị phóng pháo bằng tiếng động, là những dụng cụ khiến con người trở nên thụ động, tê cứng, để mà tìm kiếm những giây phút hoặc kế hoạch chuyện trò với Chúa, qua nguyện cầu. Đó, là thế giới khác hẳn. Thế giới của an bình, lặng thinh. Rồi tự hỏi: sao tôi cứ phải lệ thuộc vào với máy móc, đến là thế…” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 15/1/2012 tr. 10)
Bần đạo đây, chẳng là đấng bậc hoặc thày sáu cao siêu vời vợi để dám đề nghị với chúng nhân anh em, mà chỉ dám đưa ra một nhận định cho riêng mình, ấy là: có lặng thinh mới thấy và nghe được điều Chúa nói với con người, thời đại này. Thấy, là thấy Chúa vẫy gọi mọi người hãy đến với Ngài. Nghe, là nghe lời thầm thì của lặng thinh Chúa nói nhỏ. 
Khi xưa, môn đồ gần cận luôn thấy Chúa làm việc trong âm thầm, lặng thinh. Lặng thinh trong nguyện cầu. Thinh lặng khi chữa lành và ban ơn. Và nhiều nữa, kể sao cho hết. Ngày nay, Chúa vẫn còn khuyến cáo con rất nhiều thứ, dù họ không là đồ đệ chẳng tin vào Ngài, cả những hiện tượng ồn ào như thác lũ. Hiện tượng xảy đến với nhân gian, không chỉ cho người ngoài Đạo, mà cả đến dân con của Ngài nữa.
Hôm nay, phiếm luận chuyện Đạo xen lẫn chuyện đời, bần đạo thấy có bổn phận phải mở mắt cho to, vểnh tai cho rộng để thấy và nghe được tiếng lào xào của lặng thinh, lình bình nơi góc xó. Tiếng lào xào của thinh lặng nay không chỉ xảy ra nơi con trẻ, ở trời Tây, mà nhiều địa hạt khác, như: thi ca, âm nhạc, hội họa, y tế, giáo dục, và nhiều thứ khác, nói chung nơi cuộc sống thực tiễn.  
Cuộc sống hôm nay, ngoài những thông tin rất “loạn” (hiểu theo nghĩa tiêu cực, bóng bảy) còn thấy xảy ra hiện tượng người người chạy trốn, thoát rất xa khỏi chốn miền thiên nhiên, triền miên im ắng. Cả và thiên nhiên hôm nay, lại cũng bị con người dính tay vào để tàn phá, chỉnh sửa hoặc bố ráp theo ý mình. Ý của người vẫn sử dụng tiền tài/của cải mà khuynh loát.
Nói cách khác, những ai bận tâm lo lắng chuyện như thế, nay cảm nghiệm thêm lời người nghệ sĩ xưa vẫn còn hát:
“Tiếng ca bắt nguồn từ đất khô
Từ mưa gió, từ vào trong đá xưa,
Đến bây giờ, mắt đã mù,
Tóc xanh đen vầng trán thơ,
Dòng sông đó, loài rong yên ngủ sâu,
Mới hôm nào bão trên đầu,
Lời ca đau trên cao.”
(Trịnh Công Sơn - bđd)
Phải chăng, tiếng lào xào của lặng thinh ở đâu đó, là “lời ca đau trên cao”? Phải chăng, chỉ những ai biết được sự lặng thinh/im ắng mới cảm nhận được những ồn ào của lặng câm, ở mọi chốn? Lời ca trên cao và tiếng ồn ào lặng câm ấy, không phải ai cũng cảm và cũng thấy, nhất là chuyện lào xào nghe rất “phiếm” như chuyện bên lề một điện thư/thư điện trên mạng mà bần đạo mới nhận từ bạn bè thân thương, như sau:
“Cảm ơn anh em đã gửi cho bọn này bài viết có "lời lẽ rất phá hoại". Phá cả Đạo lẫn đời. Đúng là “lời lẽ phá hoại” của những người rảnh rỗi không có việc gì làm, hoặc có chủ đích phá Đạo, hoặc được trả tiền để làm việc ấy.
Tôi không theo dõi loạt bài về "Cánh Chung luận" qua lại giữa Gm Nguyễn Văn Khảm và những người "ăn theo" hoặc "nói dựa", vì đâu hiểu gì vấn đề hóc búa là "Cánh Chung", làm sao luận.
Tôi nghĩ, mình cũng nên để tâm hồn lắng đọng mà đi vào thinh lặng, sẽ nghe và thấy nhiều, rồi hãy suy tư tản mạn chuyện "Lặng thinh" luôn thấy cần. Mấy hôm nay, đầu óc bọn tôi cứ rong chơi đâu đó, nên khó viết. Cầu mong mọi sự trở về với lặng thinh, bình dị để người người cảm nhận được sự im ắng của thiên nhiên, vạn vật, cuộc đời.
Cầu chúc anh em và mọi người vẫn cứ bình an sau khi đọc các bài viết mang tính "phá thối" ở trên mạng hay đâu đó, vẫn lền khên xóa không kịp.”
Và sau đó, một thư hồi âm từ bạn tri âm có tâm hồn cũng tri kỷ, lại rất kỹ như:
“Mong rằng Anh sẽ lắng nghe được "TIẾNG VỖ CỦA MỘT BÀN TAY" để cảm nhận và nghe được nội âm vang lừng của TÌNH YÊU THƯƠNG, để viết cho mọi người, không trừ một ai, cả những kẻ có ngôn từ phá hoại nữa.” (trích điện thư qua lại của bạn bè trong nhóm thư từ rất điện tử hôm 3/2/2012)
Với người đời, tiếng lào xào của lặng câm/im như hến, đến là thế. Đến như thế hoặc rặt như vậy vẫn cứ ào ào, khiến con người càng đi dần vào cuộc cãi tranh, giành giựt, tranh chấp. Tranh và chấp, cả khi có sự việc mà mình không tài nào nắm bắt, như chuyện “Cánh chung luận” của ai đó vẫn còn đó. Tranh và chấp, cả khi các thứ ấy không là “của bở” ăn được/uống được, mà vẫn chỉ lặng câm/im ắng, rất miên trường. 
Với nhà Đạo, nỗi lắng đọng của lặng thinh mang ý nghĩa một mời gọi ở kinh sách Thánh Hiền đề cập gọi mời mọi người hãy để ý:
“Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng,
lúc đêm trường chừng như điểm canh ba,
thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài
đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường
xông vào giữa miền đất bị tru diệt,
mang theo bản án không thể huỷ của Ngài
như lưỡi gươm sắc bén. “  
(Khôn ngoan 18: 14-15)
Và, Lời của Chúa còn đó rất buồn như sau:
“Còn anh em, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện diện cả nơi kín ẩn.”
(Mt 6: 6)
Thiết tưởng, “Nơi kín ẩn” mà thánh sử nói đến, hẳn là chốn miền đầy ắp những lặng thinh, tình thông thoáng. Có lắng đọng hiệp thông, chung sống với thiên nhiên vạn vật, hoặc con người. Im ắng ấy, chắc không là tranh chấp, cãi tranh, giành giựt như ngôn sứ Habacúc từng khẳng định:
“Và Giavê, ngự trong thánh điện của Người,
toàn thể cõi đất, hãy thinh lặng trước nhan Người!”
(Ha 2: 20)
Trên thực tế, nhiều “thánh điện của Chúa” vẫn trưng bảng chỉ dẫn “Nơi này, Nhà của Chúa” để nhắn nhủ dân con bước vào đó, hãy cứ lặng thinh, im ắng, nguyện cầu. Còn ngoài đời, làm sao tìm được chốn nguyện cầu im ắng, giống như thế? Vũ trụ vạn vật vẫn còn đó, đón chờ loài người hãy cùng chim muông, thú vật, đến mà xem. Xem rồi, hãy hòa mình mà lắng đọng trong thinh lặng. Và khi đã lặng thinh/im ắng rồi sẽ phát hiện tình huống rất dễ thương, như truyện kể ở bên dưới:
“Nhà hiền triết nọ dẫn học trò đi ngao du khắp chốn trên đời. Trong mười năm, thầy trò theo nhau đi hầu hết các nước, gặp hầu như tất cả những người có học vấn. Nay, thày trò trở về, người nào người nấy kinh luân đầy một bụng. Kinh nghiệm đầy mình.
Trước khi vào thành, nhà hiền triết ngồi nghỉ trên bãi cỏ ở ngoại thành, nói với học trò: “Mười năm ngao du, các con đều trở thành kẻ sĩ học rộng hiểu nhiều. Nay, sự học sắp kết thúc, ta sẽ giảng cho các con bài học cuối.”
Học trò kéo đến vây quanh nhà hiền triết. Một lát sau, bậc thầy hỏi:
- Hiện chúng ta đang ngồi ở đâu thế?
- Dạ thưa, ta đang ngồi nơi bãi cỏ hoang ngoài thành.
- Trên bãi hoang này, có cây gì mọc lên không?
- Dạ, Bãi hoang này, mọc toàn cỏ dại.”  
- Đúng! Nơi đây mọc toàn cỏ dại. Giờ ta muốn biết có cách gì để trừ nó không?
Đám học trò thi nhau đáp:
- Dạ. Chỉ cần một xẻng là đi hết.
- Dạ thưa thày, dùng lửa để diệt cỏ, cung là phương cách rất hay!
- Thưa thày, theo em, rắc vôi lên là tốt nhất.
- Theo em, diệt cỏ phải trừ tận gốc. Chỉ cần nhổ được hết thứ đó là xong!
Nghe vậy, nhà hiền triết đứng dậy nói:
- Bài học hôm nay, đến đây là hết. Các con hãy đi về, làm theo cách suy nghĩ của mình mà diệt cỏ. Nếu không được, năm sau quay lại ta nói chuyện tiếp.
Năm sau, thầy trò quay lại, ai cũng thấy cỏ hoang hôm trước nay trở thành đồng lúa ngô xanh tươi. Đám học trò quây quần bên đám ruộng, chờ thày đến, nhưng chờ mãi vẫn không thấy thầy. Ít năm sau, nhà hiền triết quá vãng, đám học trò cũ của ông mới lại tìm đến nhau để tu sửa các tài liệu cùng luận thuyết của thày mình, chợt thấy ở chương cuối, ông có ghi thêm một câu: “Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ một cách hay nhất, là trồng cấy mùa màng ở trên đó. Cũng vậy, muốn cho bãi cỏ nhà mình không còn lo buồn chuyện ồn ào/huyên náo, cách duy nhất là đem vào đó, sự lặng thinh tuyệt đối, mới được.”
Học thuyết của nhà hiền triết, có thể chỉ áp dụng trên giấy bút, thôi. Thực tế ở đời, người người nên ứng dụng sự lặng thinh cho riêng mình, rồi sẽ thấy. Thấy và đạt, chỉ khi nào ta quyết tâm sống bền bỉ, không nôn nóng. Đó mới là điểm son vàng của cái gọi là “lặng thinh là tình đã thuận.” Thuận, trong an vui. Hiền hòa. Lặng lẽ. 
 Trần Ngọc Mười Hai
Theo http://tranngocmuoihai.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...