Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Nghiên bút thức khuya

Nghiên bút thức khuya
Gởi gió gởi mây
Ba mẹ sinh con đợi tuổi trăng tròn
Đâu có nghĩ chữ tâm lại khuyết
Nghe lòng đau xé thành đáy huyệt
Mộ hồn nằm lơ lửng cõi âm dương
Quảy gánh thơ đi rao bán trên đường
Cay đắng riêng mình ăn ở bạc
Măng vặn vẹo vân tre mòn thấu cật
Tình chắt chiu đo đếm lớn bằng không
Mắc nợ lời thề tát cạn biển đông
Cho tôi trả chút hoài công sớm tối
Xin tận hiến xác thân tôi đoạn nỗi
Thủa tim người rịn máu xuống tao nôi
Đỉnh tháp âm u gió trút nhiều rồi
Trò lộng ngữ rêu rao điều khôn dại
Khóc Nguyễn Trãi đưa cha quá ải
Giận ngô đồng sinh trái mù u
Nghiên bút thức khuya không để ngọn đèn lu
Còn không thể kinh thư để thiếu
Chữ thấm da bông tre già mới hiểu
Phước nhà không lẽ trúc mà cong!
NGUYỄN TAM PHÙ SA
Nghiên bút thức khuya
Trong “Than Đạo” Nguyễn Đình Chiểu viết: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Ngẫm chuyện xưa nghĩ chuyện nay, ở đâu và bao giờ cũng thế, vẫn còn thứ rác rưởi luôn đeo bám làm mục ruỗng, trì trệ sự đi lên của đất nước. Trong tập thơ Ra đi cùng dã tràng (NXB Trẻ ấn hành năm 2000), nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa cũng đã ký thác tâm sự trong bài Gởi gió gởi mây một câu thơ như “tuyên ngôn”: Nghiên bút thức khuya không để ngọn đèn lu. Ở đây Nguyễn Tam Phù Sa đã nhân hóa là nghiên bút thức khuya không để ngọn đèn lu trong hàm nghĩa đối ứng. Hình ảnh nhân hóa ấy nói lên sức mạnh của ngòi bút phải biết trăn trở cùng trang viết dẫu có bị một áp lực nào đè nặng người viết cũng phải vượt qua, luôn giữ tâm thế vững chãi, không được chùn bước và quỵ ngã… Bút sắt lòng trong, quang minh chính đại.
Người theo nghiệp kinh thư, nghiên bút thì ai cũng hiểu rằng, có nhiều lúc cơm áo không đùa với khách thơ. Và người cầm bút cũng nhận thức, ải khó qua nhất là sức cám dỗ của đồng tiền. Người xưa từng nói nén bạc đâm toạc tờ giấy. Chỉ một phút giây nông nổi, mất cảnh giác là người viết có thể tự đánh mất mình. Dĩ nhiên, nghiệp làm báo, làm thơ của một người - dẫu có bị thua thiệt nhiều thứ nhưng thời gian sẽ đáp đền cho anh nhiều thứ khác. Duy một điều anh không hề thay đổi là còn không thể kinh thư để thiếu. Tôi nghĩ khi chấp bút câu này trang sách trước đèn của cụ Đồ Chiểu diện tiền ngay với tác giả: Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le…
Gởi gió gởi mây, bài thơ dàn thành năm khổ, vẻn vẹn 20 câu, nhưng khí thơ rất mạnh. Từng khổ, từng câu hài hòa; có chỗ tình tiết đắn đo, có chỗ dồn nén cảm xúc nghe nhói buốt tâm can: Khóc Nguyễn Trãi đưa cha quá ải/ Giận ngô đồng sinh trái mù u. Tâm sự của người con với người cha là công chưa thành danh chưa toại, chưa trả nghĩa ơn đền…, ta nghe như đứt lìa gan ruột: Nghe lòng đau xé thành đáy huyệt/ Mộ hồn nằm lơ lửng cõi âm dương. Nhà thơ càng bất lực khi nhìn ra Măng vặn vẹo vân tre mòn thấu cật/ Tình chắt chiu đo đếm cũng bằng không. Đời sống mong manh, phận người chìm nổi. Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn cũng từng trút nỗi niềm cay đắng: Khuấy xong chén bột gạo rồi/ Bồng con ra bếp cha ngồi cho ăn/ Đường vàng mua quá khó khăn/ Cha đành bỏ muối đừng nhăn mặt nào/ Mặn thì dương tính càng cao/ Con thêm cứng cáp mai lao vào đời, buông xuôi đến thế! Ở khổ 3, được Nguyễn Tam Phù Sa chọn làm đề từ cho cả tập thơ, đã toát lên một thân phận khiêm nhường: Xin tận hiến xác thân tôi đoạn nỗi/ Thủa tim người rịn máu xuống tao nôi.
Lại nhớ, Chu Thần Cao Bá Quát từng viết: Nợ áo cơm nên lụy tới hình hài. Nguyễn Tam Phù sa cũng nhận ra cuộc đời này là cõi tạm, tất cả hình tướng đều hư huyễn, với trò lộng ngữ rêu rao điều khôn dại… như cuộc chơi như cuộc ra đi cùng dã tràng cũng là sự đồng hành với cát và bụi, với sóng với gió và mưa… Riêng tôi, giả định như được thay một nhan đề khác: Nghiên bút thức khuya thì cũng thi vị lắm, bởi vì tần suất chữ khum và cong được nhắc lại nhiều lần làm bật nổi chủ đề thi phẩm. Những chữ ấy ứng vào trang đời – trang  thơ từng vị thấm ngấm của Nguyễn Tam Phù Sa nỗi thương đời khó bề nói hết. Nhưng thôi, có người chê mình dại, có người trách mình hèn, anh cũng mặc, phải không? Vì anh không có ý làm xiếc ngôn từ mà chỉ viết bằng cả trái tim chân thật sau bao trải nghiệm giữa cõi nhân tình.
Chị Trần Thị Hoàng đã viết về anh: “Vẫn dòng thơ chân thật, hiền lành viết về quê hương, ba mẹ, tình yêu, kỷ niệm… Đọc thơ anh một lần nữa tôi hiểu rằng tuổi trẻ, tuổi đời của anh không thanh thản, trước sau vẫn ầm ào vang vọng không ngớt tiếng sóng, tiếng gió và mưa:
Mưa gió nữa đi, cứ ầm vang đừng ngại
Tình trăm năm đến thế thỏa lòng!
Hờn trách gì đâu chỉ là chút sóng
Thủa yêu người vỗ miết một đời sông
(Thủa yêu người)
Và đâu đó tình cờ, trong  một dịp anh về thăm quê cũ, gặp anh vẫn cung cách điềm đạm, cười hiền tôi cảm thấu những lý lẽ riêng qua rất nhiều câu thơ kinh lịch của anh:
Chữ thấm da bông tre già mới hiểu
Phước nhà không lẽ trúc mà cong!
Vâng, trúc vẫn thẳng băng, đâu chỉ vi lẽ phước nhà!.
21-6-2006
Đình Quân
Theo http://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Gió Cửa Hà” - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muốn bộc bạ...