Một mùa tưởng niệm
Ở bên này vĩ tuyến, dưới vùng trời tự do nhiều ánh sáng của
chúng ta, với “Hai mùa nắng mưa” cố hữu, tuy thời tiết không phân định rõ bốn
mùa “Xuân, Hạ, Thu, Đông”, nhưng trong tâm tưởng, tôi vẫn thấy hiển hiện đủ bốn
mùa, theo một chu kỳ mầu nhiệm của những tháng, năm - tiềm thức. Mỗi vang bóng,
mỗi kỷ niệm còn ghi trong ký ức tôi hình như vẫn mang nặng cái khí hậu u linh của
những thời gian quá khứ. Khi hậu ấy nhiều lúc tưởng chừng bao phủ cả lên cảnh vật
hiện tại. Thời tiết mỗi năm dường như cũng chuyển biến theo. Có thể nói: Luật
“Tuần hoàn cảm ứng” của lòng người đã tạo lên từng “Mùa tưởng niệm” nhắc nhở
ngay từ trong cùng thẳm tâm linh. Chúng ta tưởng niệm những gương mặt anh hùng
liệt sĩ của ngày xưa, những bóng dáng uy nghiêm mà thân thiết của các bậc tiền
bối đã đem lại cho non sông cái sắc thái vĩnh cửu, đã làm cho linh hồn sông núi
sống mãi trong lòng dân tộc, và đã khiến cho bốn mùa hoa gấm của giang sơn đời
đời còn nguyên vẹn thanh sắc. Từ trong tâm linh sâu thẳm của chúng ta, tự nhiên
cũng dâng lên khói hương sùng bái.
Vậy mỗi năm, vào đúng tiết thu, từ khoảng đầu tháng 7 tới
tháng 9 dương lịch. “Một mùa tưởng niệm” lại trở về cùng chúng ta, bàng bạc
trong hương khói cảm hoải. Kế tiếp nhau trong ba tháng mùa thu, ba gương mặt kẻ
sĩ cao khiết đã khuất bóng từ thế kỷ trước, vào mùa này lại hiển hiện nghi dung
phảng phất, nhắc chúng ta nhớ lại ba ngày giỗ Lớn trong lịch sử văn học: Nguyễn
Đình Chiểu, từ trần ngày 3 tháng 7 năm 1888; Phan Thanh Giản, tử tiết ngày 1
tháng 8 năm 1867; và Nguyễn Du, mất ngày mồng 10 tháng 8 (Âm lịch) năm đầu niên
hiệu Minh Mệnh (1820).
Một mùa thu, ba lần kỷ niệm!. Ba cái chết của ba bậc danh nhân
tiền bối mà hậu thế không bao giờ quên được tên tuổi: ba kẻ sĩ đáng kính, ba
nhà thơ đáng yêu.
Phải chăng, bởi vì mùa thu là “Mùa của thi nhân”, cho nên ba
nhà thơ quen thuộc của dân tộc cùng “chọn” đúng thời tiết tiêu sơ hiu hắt để mà
tận nhập vào đại mộng? Cho hình hài “hoàn phản không hư” vào đúng mùa lá rụng,
phải chăng linh hồn thi nhân cũng muốn như chiếc lá lìa cành cuốn theo chiều
gió?
Tuy nhiên, ba nhà thơ tiền bối của chúng ta bước vào thiên cổ
chính là để sống vĩnh cửu trong không - thời gian và sống tự do phơi phới ngoài
vật lý, không phải như những vong hồn đọa lạc “lang thang trong trường dạ…”.
Không cần chúng ta cầu nguyện, hương hồn các Người cũng đã lâng lâng bay lên những
vùng trời siêu thoát. Chúng ta tưởng niệm các anh hồn đó chính là để tìm lại những
tia sáng khác với phát tiết ra từ ngọn lửa thiêng quý báu ngày nào đã từng nuôi
dưỡng những tâm hồn vĩ đại, mà hào quang chiếu rọi tới chúng ta từ bao lâu nay
đủ là dấu hiệu chứng tỏ anh hồn các Người vẫn còn sống ấm nóng bên cạnh chúng
ta, và sống mãi muôn đời, nghìn kiếp.
Kẻ trước, người sau, ba kẻ sĩ: Nguyễn Du, Phan Thanh Giản,
Nguyễn Đình Chiểu đã lần lượt đi vào cõi tịch diệt để trở nên bất diệt. Lịch sử
đã dành cho các Người những danh dự xứng đáng, trước hết là niềm ngưỡng mộ
thành khẩn và lâu dài của hậu thế. Hôm nay, tưởng niệm anh hồn các Người, chúng
ta nhắc tới một vài vang bóng đã qua, khả dĩ hình dung được cả gương mặt cùng tấm
lòng cao nhã của tiền nhân.
Chúng ta nhớ tới Nguyễn Đình Chiểu tiên sinh, tức Đồ Chiểu,
tác giả Lục Vân Tiên, nhà thơ ái quốc tiêu biểu cho sĩ khí miền Nam, vị quân sư
mù của lãnh binh Trương Định. Và chúng ta không quên lời thơ trong Ngư tiều vấn đáp của tiên sinh:
Dầu đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dầu đui mà khỏi danh nhơ,
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình.…
Sáng chi xàm nịnh theo đòi,
Nay vinh mai nhục mang lời thị phi?
Sáng chi nhân nghĩa bỏ đi,
Thảo ngay chẳng biết, lỗi nghì thiên luân.
Thấy rồi muôn việc trong trần,
Xin còn hai chữ “tâm thần” ở ta…
Không những là một nhà thơ, Nguyễn Đình Chiểu tiên sinh còn
là một nhà đạo đức, một bậc quân tử gương mẫu của lý tưởng Nho giáo, bậc thầy của
đám môn sinh các vùng Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, và cũng đáng là bậc thầy dạy đạo
lý thánh hiền của cả đám hậu sinh thời nay. Lời thơ trong Lục Vân Tiên, đặt vào
cửa miệng Ngư Ông, cũng chính là để Đồ Chiểu tiên sinh tự nói lên tâm trạng của
mình:
Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chẳng sờn lòng đây.
Rầy doi, mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng…
Tuy có phong thái của bậc hiền giả “an bần lạc đạo”, không
màng danh lợi ở đời, nhưng Nguyễn Đình Chiểu còn giữ bền cả cái huyết tính bất
khuất của một kẻ sĩ trung kiên với tinh thần dân tộc. Trước cảnh tàn vong của đất
nước, tiên sinh đã không ngần ngại góp tài sức cùng các nghĩa sĩ kháng Pháp,
quyết tâm tranh đấu dành độc lập cho tổ quốc. Trong phong trào Nghĩa Quân chống
xâm lược, danh tiếng vị quân sư mù của Lãnh binh Trương Định đã từng nổi dậy khắp
từ thành thị tới thôn quê.
Việc lớn không thành. Tiên sinh chạy về Ba Tri (Bến Tre) ở ẩn
dạy học. Nhiều lần người Pháp định mua chuộc tiên sinh, tỏ ý muốn giúp đỡ tiên
sinh về tiền tài, nhưng tiên sinh đã từ chối, và nhất định không chịu hợp tác với
người Pháp. Thái độ khẳng khái ấy đã thác ngụ trong hai câu thơ Lục Vân Tiên
sau đây:
Di, Tề chẳng khứng giúp Châu,
Núi non ẩn mặt, công hầu lảng tai…
Hiển nhiên hơn nữa, trong bài “Điếu Phan Công Tòng”:
Anh hùng thà thác chẳng đầu Tây,
Một giấc sa trường phận rủi may.
Viên đạn nghịch thần treo trước mắt,
Lưỡi gươm địch khải nắm trong tay…
Và thái độ ấy cũng chỉ là thái độ của một kẻ sĩ biết tự trọng,
một kẻ sĩ biết giữ tròn khí tiết, đúng với quan niệm Trung thần Nghĩa sĩ của
Nho Giáo:
Làm người trung nghĩa đáng bia son,
Đứng giữa càng khôn siềng chẳng mòn.
Cơm áo đền rồi ơn đất nước,
Râu mày giữ vẹn phận tôi con.
Tinh thần hai chữ phao sương tuyết,
Khí phách ngàn thu rỡ núi non.
Gẫm truyện ngựa Hồ, chim Việt cũ,
Lòng đây tưởng đó mất như còn.
Đặc biệt nhất trong sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đinh Chiểu,
thiết tưởng không phải là Lục Ván Tiên (tuy tác phẩm dài này phổ biến nhất),
cũng không phải Ngư Tiều Vấn Đáp, không phải Dương Từ Hà Mậu, mà phải kê tới những
thơ văn ái quốc của tiên sinh. Những bài thơ Viếng Phan Thanh Giản, Điếu Lãnh
binh Trương Định… những bài văn Tế Vong Hồn Mộ Nghĩa, Điếu Lục Tỉnh Sĩ Dân, Tế
Trương Định… đều có một tác dụng truyền cảm mãnh liệt sâu xa. Lời văn trầm hùng
thống thiết, vần điệu rung động chân thành mà thi tứ vẫn dồi dào phong phú,
đúng là lời nói tâm huyết thốt tự đáy lòng một nhà thơ chân chính yêu nước.
Thấm thía biết bao nhiêu, những lời văn Tế Vong Hồn Mộ Nghĩa
như sau:
Ôi thôi thôi!
Chùa Lão Ngộ năm canh ưng đóng lạnh,
tấm lòng son gởi bóng trăng rằm;
tấm lòng son gởi bóng trăng rằm;
Đồn Tây Dương một khắc đặng trả hờn,
tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn bầy mẹ già ngồi khóc trẻ,
ngọn đèn khuya leo lét trong lều;
ngọn đèn khuya leo lét trong lều;
Não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng,
con bóng xế dật dờ trước ngõ.
con bóng xế dật dờ trước ngõ.
Ôi!
Một trận khói tan,
Ngàn năm tiết rỡ.
Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé,
nỡ làm cho bốn phía mây đen;
nỡ làm cho bốn phía mây đen;
Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai,
ai cứu đặng một phường con đỏ?
ai cứu đặng một phường con đỏ?
Thác mà trả nước non rồi nợ,
danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen;
danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen;
Thác mà ưng đình miếu để thờ,
tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ…
tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ…
Nhà thơ ái quốc chí thành, tác giả đoạn Văn Tế cảm khái rào rạt
đó, trong những ngày về ẩn náu ở Bến Tre, đành âm thầm sống với nỗi lòng hoài
quốc mênh mang của mình trước cuộc điêu tàn không phương cứu chữa của Đất Nước.
Thế rồi, ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (tức là ngày 3
tháng 7 năm 1888), tiên sinh lặng lẽ từ trần, lòng còn nghẹn một điều u uất
chưa nguôi.
Kẻ sĩ Nguyễn Đình Chiểu từ trần vừa lúc những trận mưa đột ngột
miền Nam bắt đầu giăng buồn hiu hắt trên sông núi, cách đây 72 năm. Hãy cứ tin
rằng đấy là những dòng nước mắt của Trời Đất khóc một kẻ sĩ anh hùng.
Chỉnh kẻ sĩ Nguyễn Đinh Chiểu, 21 năm trước khi biệt giã cõi
đời, đã từng khóc cái chết nghĩa khí của một kẻ sĩ khác bằng bài thơ dưới đây:
Non nước tan tành, hệ bởi đâu?
Rầu rầu mây bạc cõi Ngao Cháu.
Ba triều công cán, vài hàng sớ,
Sáu tỉnh cương thường, một gánh thâu.
Ải Bắc, ngày trông tin nhạn vắng,
Thành Nam đêm chạnh tiếng quyên sầu.
Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ đây mặc gió thâu.
Đó là thơ viếng cụ Phan Thanh Giản, người bạn thanh khí của
Nguyễn Đình Chiểu, và cũng là người bạn già đi bước trước Nguyễn Đình Chiểu
trên đường phụng sự Nghĩa Lớn (Phan Thanh Giản sinh năm 1796, mất năm 1867, thọ
71 tuổi; Nguvễn Đình Chiểu sinh năm 1822, mất năm 1888, thọ 66 tuổi).
Đồng thời vởi Phan Thanh Giản, đã có nhiều người khóc cái chết
của tiên sinh. Và ngày nay, hậu thế vẫn hằng nhắc nhở tới cái chết của tiên
sinh để mà thương cảm, xót xa, kính trọng, coi đó là một tấm gương tiết tháo
sáng ngời.
“Hải Nhai Phan Lương Khê Thư Sinh”!
“Người học trò họ Phan hiệu Lương Khê ở góc bể”, năm 30 tuổi
đã từng đỗ tiến sĩ, đã từng làm quan dưới ba triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức;
từ một chức Hàn Lâm Viện Biên Tu, mấy lần thăng giáng, lên tới Hộ Bộ Thị Lang,
được cử đi sứ, rồi sung chức Kinh Lược ba tỉnh phía tây Nam Kỳ, để rồi cuối
cùng, khi vĩnh biệt cõi đời, lại chỉ là một thư sinh với hai bàn tay trắng,
không chức tước, không phẩm trật!
Nhưng, chết đi như vậy, thư sinh họ Phan đã có một danh hiệu
cao đẹp hơn tất cả mọi phẩm tước ở trên đời: đó là cái danh hiệu Kẻ Sĩ Khí Tiết,
vằng vặc sáng muôn đời.
Ai nấy đều đã rõ: Năm 1867, quân Pháp đánh ba tỉnh miền tây
Nam Kỳ. Tự lượng biết sức không chống nổi, Phan Thanh Giản phải buộc lòng nộp
thành trì cho khỏi hại dân. Tiên sinh gửi sớ về kinh xin nhận tội, rồi nhịn ăn
17 ngày, và uống thuốc độc tự tử. Tiên sinh từ trần vào ngày mồng 5 tháng 7 năm
Đinh Mão, tức là ngày 1 tháng 8 năm 1867 [1].
Tấm lòng trung liệt của Phan Thanh Giản, ai mà không nhận thấy?
Cái chết của họ Phan đã có giá trị một sự hy sinh cao quý: tự hủy một thân
mình để giữ cho an toàn trăm họ, hành động ấy xét ra còn có ý nghĩa hơn là một
cuộc kháng cự đến cùng chỉ gây thêm đổ vỡ.
Tuy triều đình Huế thời đỏ mù quáng nghị tội “Phan Thanh Giản
bị đoạt chức quan, phải đục tên trong bia Tiến sĩ, ghi tội “trảm giam hậu” đời
đời… nhưng tới triều Đồng Khánh người ta đã thấu hiểu được tinh thần trung
nghĩa của bậc sĩ phu khí tiết mà cho khai phục nguyên hàm.
Có điều: luận công hay định tội thì người chết cũng đã chết
rồi, và “tiếng thơm của kẻ sĩ tiết tháo vẫn còn nguyên vẹn, không một bản nghị
án nào có thể làm tăng thêm hay suy giảm. Người đã khuất bóng không cần nói gì
để tự bào chữa. Từ ngày ấy tới nay, đã có dư luận minh oan hộ Người, và gần một
trăm năm lịch sử đã thẩm xét thái độ của Người.
Sổ hàng di biểu lưu thiên địa,
Nhất phiến đan tâm phó sử thư.
Nghĩa là:
Đôi hàng di biểu vương trời đất,
Một tấm lòng son gửi sử xanh.
Và Phạm Án Sát đã có thơ ca tụng :
Phan công tiết nghĩa sách cao dầy.
Thương bấy vì đâu khiến chẳng may.
Hết dạ giúp vua, trời đất biết,
Nát lòng vì nước, quỷ thần hay.
Tuyệt lương một tháng, rau xanh mặt,
Bị cách ba phen, lửa đỏ mày.
Chỉ sợ sử thần không biết ráo,
Tấm lòng ấm ức phải thày lay!
Cho đến cả người Pháp cũng phải tỏ niềm quý trọng phẩm cách của
bậc sĩ phu lão thành. Trong bức thư phân ưu gửi cho gia đình họ Phan, thiếu tướng
De Lagrandière đã viết:
“J’apprends avec une grande douleur la mort de S.E.
Phan-Thanh-Giản, votre père. Le royaume d’Annam dont il était le membre le plus
éminent perd dans ce vieillard respecté une de ses gloires et de ses lu-mières,
et le sentiment de profonde estime qu’il laisse dans ma mémoire et dans
celle des Français sera plus durable que la haine de ses ennemis…”.
(Bản chức rất lấy làm đau đớn khi hay tin thân phụ công tử là
cụ Thượng Phan Thanh Giản từ trần, nước Nam mà Ngài là một phần tử xuất chúng mất
vị lão thành đáng kính ấy tức là mất một phần vinh quang của xứ sở, và mối tình
quý trọng sâu xa mà Ngài lưu lại trong ký ức riêng tôi cũng như trong ký ức người
Pháp sẽ lâu bền hơn mối thù hằn kẻ nghịch…) [2]
Bao nhiêu xôn xao của thế cuộc, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu
nụ cười! Cả bao nhiêu lời phẩm bình dị nghị, khắc nghiệt hay khoan dung, chê
trách hay khâm phục, bao nhiêu tiếng thị, tiếng phi thuở đó giờ đây cũng đều vắng
chìm vào tịch mịch, tan biến vào không hư! Chỉ còn lại một tấm lòng kẻ sĩ thiết
tha son sắt cùng non sông. Và chỉ còn lại tiếng vọng tâm thành của những vần
thơ chứa chan nhiệt huyết, như bài Tuyệt Cốc - biểu thị tận cùng của lòng trung
kiên đến thác:
Trời thời, đất lợi, lại người hòa,
Há dễ ngồi coi, phải nói ra?
Làm trả ơn vua, đền nợ nước,
Đánh cam gánh nặng, ruổi đường xa.
Lên ghềnh, xuống thác, thương con trẻ,
Vượt biển, trèo non, cám phận già.
Những tưởng một lời an bốn cõi,
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!
Một Nguyễn Đinh Chiểu, một Phan Thanh Giản đủ là hai cái bóng
mênh mang bao trùm lên hơn nửa phần thế kỷ cận đại, vào giữa lúc đất nước cũng
đang chuyển mình sang thu.
Trước ngày Phan Thanh Giản tuẫn tiết 47 năm, và trước ngày
Nguyễn Đình Chiểu từ trần 68 năm, Nguyễn Du cũng đã khuất bóng vào một mùa thu,
có lẽ để sánh bước nhau cùng đi trên đường thiên cổ, không còn phân biệt niên kỷ,
triều đại. Thêm cái bóng vĩ đại của Nguyễn Du hiển hiện trong Mùa Thu Tưởng Niệm,
cả vòm trời văn học hôm nay cũng hình như thao thức.
Ngày giỗ Tiên Điền, mồng 10 tháng 8 âm lịch, đã trở nên một
ngày lễ truy điệu thường niên mà khắp giới văn nhân thi sĩ đều trọng vọng ghi
nhớ. Anh hồn tác giả Đoạn Trường Tân Thanh cùng Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh ở
bên kia trần lụy chắc hẳn không còn thắc mắc vì lẽ:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ há nhăn khấp Tố Như.
Không cần phải đợi tới ba trăm năm sau, từ khi tiên sinh lìa
trần tới nay, mới có hơn 100 năm, đã biết bao nhiêu người khóc Tố Như, bao
nhiêu tấm lòng rung cảm hòa điệu cùng tâm sự Tố Như, bao nhiêu tâm hồn từng thổn
thức chung một cung đàn thanh khí với Tố-Như?
Thi sĩ Chu Mạnh Trinh đã viết trong bài Tựa Thanh Tâm Tài
Nhân Thi Tập (nguyên tác Hán Văn, do Đoàn Tư Thuật dịch nôm) như sau:
"Ai dư nước mắt khóc người đời xưa?" Thế mà giống đa tình luống
những sầu chung, giọt lệ Tầm Dương chan chứa; lòng cảm cựu ai xui thương mướn?
Ngâm câu Ngọc Thụ não nùng. Cho hay danh sĩ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm
nặng nợ. Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai lưu lạc đau lòng…
Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu. Cái kiếp không hoa
luẩn quẩn, con hồn xuân mộng bâng khuâng…”
Phong Tuyết Chủ Nhân Thập Thanh Thị đã viết rất đạt lý về
Truyện Kiều những lời sau đây:
“Có người hỏi ta rằng: Thúy Kiều có người thật không? Ta đáp
rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao lại có truyện Thúy Kiều?
Ta đáp lại rằng: Từ lúc mờ mịt chưa có gi, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi,
có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hóa không ai dò được manh mối từ đâu. Trong khoảng
ấy có rét, có nóng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc
vơi xuống, không thể nào giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường,
thì tất có cuộc biến. Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc
năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường,
thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố ở
trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực để
chép ra, như những truyện anh hùng, truyện phong tình, truyện trung thần, liệt
nữ, truyện đạo sĩ ni cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái
cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi. Truyện Thúy Kiều có lẽ cũng là một thứ
sách như thế cả…”
Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân cũng viết những lời thực
chí tình tha thiết:
“Truyện Thúy Kiều chép ở trong lục Phong Tình… Tố Nhự tử xem
truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn
đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn Trường Tân Thanh, thành ra cái lục Phong Tinh
thi vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy.
Trong một tập thỉ chung lấy bốn chữ “Tạo Vật Đố Tài” tóm cả một
đời Thúy Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc; khi nỉ
non tiếng nguyệt, khách dưới đèn dăm khúc tiêu tao; khi duyên và kim cải, non bể
thề bồi; khi đất nồi ba đào, cửa nhà tan tác; khi lầu xanh, khi rừng tía, cõi
đi về nghĩ cũng chồn chân; khi kinh kệ, khi can qua, mùi từng trải nghĩ càng tê
lưỡi. Vui, buồn, tan hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt,
không khác gì một bức tranh vậy…”
“Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt,
đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng
nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy…”
Cổ nhân thương khóc Thúy Kiều của Nguyễn Du như thương khóc một
nhân vật có thực mà mình đã quen, đã biết, đã vương duyên nợ đằm thắm từ giờ;
như thương khóc một nhân vật do chính mình sáng tác. Đến lượt, cô Kiều của Tố
Như lại bị người khác “hoàn thai đoạt cốt”, để biến thành “người tình nhân của
tất cả”. Chính đó là dấu hiệu niềm cảm thông hoàn vẹn nhất, hòa điệu với tâm hồn
tác giả Đoạn Trường Tân Thanh.
Bài thơ đề Truyện Kiều của Phạm Quý Thích tiên sinh đáng kể
là một trong những khúc hòa âm tuyệt diệu đó:
Giai nhân bất thị đáo Điền Đường,
Bán thế yên hoa trái vị thường.
Ngọc diện khởi ưng mai thủy quốc
Băng tám tự khả đối Kim Lang.
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu,
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường.
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân Thanh đáo để vị thùy thương.
Dịch nôm:
Giọt nước Tiền đường chẳng rửa oan,
Yên hoa chưa trắng nợ hồng nhan?
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng;
Gót ngọc khôn đành chốn Thủy quan.
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp ;
Một giây bạc mệnh dứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm.
Trời bắt làm gương để thế gian.
Nói đến Nguyễn Du và Truyện Kiều, từ xưa đã biết bao nhiêu
bút mực tiếp mạch nguồn cảm thông!.
Hôm nay, chúng ta gợi nhớ tới vang bóng của Nguyễn Du trong một
mùa thu tưởng niệm. Chúng ta chợt nhận thấy hình như vùng ánh sáng Tư Do ở đây
có đượm một phong khí lâng lâng thoát tục diệu kỳ. Chính bởi vì khí hậu vùng trời
tự do đã giữ bền cho chúng ta kỷ niệm, khiến chúng ta có dịp tìm thấy những ánh
hào quang tuyệt vời của dĩ vãng - nghĩa là giúp chúng ta lưu luyến thêm dĩ
vãng, để mà tin yêu hiện tại và hy vọng ở tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét