Đoàn Chuẩn - Một giai thoại đẹp và buồn
Có những đêm về sáng
Đời sao buồn chi lắm cố nhân ơi!
Đời sao buồn chi lắm cố nhân ơi!
(Trích ca khúc “Lá đổ muôn chiều”)
Đó là nhạc Đoàn Chuẩn. Nhạc của ông thường vẳng lên trong tâm
tưởng tôi suốt 12 năm nằm trong “trại cải tạo” giữa những núi rừng miền Bắc giá
buốt và miền Nam hiu quạnh. Không còn là nỗi nhớ, không còn là những tiếc nuối
mà là nỗi u uất, thăm thẳm mịt mờ. Còn gì bi thảm hơn những đêm về sáng, nằm một
mình giữa rừng núi hoang dại và mình cũng dại dột nhìn về dĩ vãng. Tuy thế, nhìn
về dĩ vãng vẫn hơn là nhìn về tương lai chẳng có gì, chẳng còn gì, cũng thăm thẳm
mịt mờ như núi rừng đêm nay và tất cả mọi đêm.
Nỗi ao ước âm thầm: Ước gì được nghe trọn vẹn một bản nhạc của
Đoàn Chuẩn!
Đau xót mà nghe, càng nghe càng thấm, nghe bao nhiêu đau bấy
nhiêu, như người ta muốn khóc thật to để vơi được phần nào những buồn khổ.
Nhưng làm sao nghe được trong hoàn cảnh đó. Cho nên nó cứ vương vất nghẹn nỗi
đau làm sao. Chỉ trong hai câu trong bản nhạc đó thôi, hình ảnh của người yêu,
của bạn bè bật dậy, cả một quãng đời hiện lên mơ hồ, quằn quại như điệu múa từ
tiền kiếp, không bao giờ gặp lại.
Hôm nay giữa TP. Saigon, tôi ngồi nghe lại cả một cuốn CD nhạc
Đoàn Chuẩn khi nghe tin anh mất. Từ Hà Nội một người bạn tôi điện thoại cho biết
tin này đầu tiên, trước khi những tờ báo ở Sài Gòn loan đôi dòng về tin buồn
này. Người bạn tôi đã có từng có thời gian ở Hải Phòng vào những năm 1952-1953
và cũng đã có một số kỷ niệm với anh Đoàn Chuẩn. Tôi cũng có một vài kỷ niệm
nhưng là rất nhỏ, trước hết là nó nhỏ với một nghệ sĩ lớn tuổi như Đoàn Chuẩn,
có lẽ đến sau này anh chẳng còn nhớ tôi là “thằng nhóc” nào. Bởi anh hơn tôi đến
gần 10 tuổi. (Anh sinh ngày 15-6-1924, tôi sinh năm 1933). Tuổi 19-20 với tuổi
30 khác nhau nhiều lắm. Còn hơn thế, hồi đó anh đã là một nghệ sĩ có tên tuổi,
còn tôi chỉ là một anh “nhí”, đang là một “mầm non văn nghệ”.
Nhóm Văn nghệ Hoa Niên của Hải Phòng thành hình vào khoảng
năm 1952 do họa sĩ Trọng Thường thành lập. Thời kỳ của những thành phố mới hồi
sinh sau giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp. Cả thành phố Cảng của miền Bắc
dường như chỉ có một nhóm văn nghệ duy nhất đó thôi. Người trưởng thành nhất là
họa sĩ Trọng Thường, anh đã từng tham gia trong một vài đoàn văn công kháng chiến
rồi trở về “thành”, hồi ấy người ta gọi là “dinh tê”. Nhóm văn nghệ gồm khoảng
chừng trên 10 người, những ca sĩ “hạng nhất” vào thời đó như Ngọc Quang, Tường
Vi và những ca nhạc sĩ mới ra lò như Hoài An, Huyền Linh, Phó Quốc Thăng,
Thu Huyền, Lương Thảo, Trần Hải… Sở dĩ tôi được gia nhập nhóm này vào cái tuổi
19-20 vì thỉnh thoảng đi chơi với Lương Thảo, Trần Hải và cũng đã có vài bài viết
lách trên mấy tờ báo ở tận Hà Nội như Cải Tạo, Tia Sáng. Thời đó, Hải Phòng
chưa hề có một tờ báo nào.
Vì thế nhóm văn nghệ “tài tử” này được dư luận chú ý. Khoảng
giữa năm 1952, chúng tôi chuẩn bị tổ chức một buổi trình diễn thi ca nhạc kịch
tại nhà hát lớn thành phố. Một tờ chương trình được in rất xôm, bài thơ của tôi
đã “được đăng” trên nhật báo Tia Sáng cũng xuất hiện trên trang 2 của tờ chương
trình này.
Trước buổi trình diễn thi ca nhạc kịch chừng một tuần lễ, anh
Đoàn Chuẩn đến thăm. Trụ sở của chúng tôi là căn nhà ngoài của anh em ca sĩ Ngọc
Quang, trên con đường nhỏ gọi là Ngõ Nghè. Anh Đoàn Chuẩn lúc đó đã đạo mạo lắm
rồi. Dáng người khỏe mạnh, bảnh bao nhưng rất hiền lành. Anh hỏi thăm về đêm
trình diễn và dĩ nhiên anh Trọng Thường không bỏ qua dịp may mời anh Đoàn Chuẩn
trình diễn một bản guitare Hawaiennne vốn là thứ đàn mà anh Đoàn Chuẩn rất
thành thạo. Anh nhã nhặn từ chối lấy cớ bận đi Hà Nội. Anh chỉ hứa sẵn sàng cho
mượn một cái magnétophone để thu lại toàn bộ chương trình hôm đó. Vào thời này
có được cái máy như thế không phải là chuyện nhỏ. Không những phải là con nhà
giàu mà con phải là tay biết chơi mới gửi mua thứ này tận bên Tây. Nhưng rồi đến
đêm trình diễn, chuyên viên thu thanh đã làm cháy cái máy ghi âm đó của anh.
Cũng vì chuyện này mà sau đó vài tuần tôi còn được gặp lại
anh Đoàn Chuẩn. Anh hỏi thăm anh Trọng Thường để lấy lại chiếc magnétophone.
Anh Đoàn Chuẩn cho tôi leo lên chiếc xe hơi, đó là chiếc xe Buick kềnh càng,
láng coóng. Hồi đó cả miền Bắc chỉ có hai chiếc xe Buick nên anh Đoàn Chuẩn rất
tự hào về điều này. Nếu không có vụ này chắc chẳng bao giờ tôi được ngồi trên
chiếc xe đó. Tôi đưa anh đến nhà anh Trọng Thường ở phố Cầu Đất lấy lại chiếc
máy dù nó đã bị cháy. Anh nhận lại máy mà không hề phàn nàn một tiếng. Tôi lo
ngại theo dõi từng thái độ của anh và tôi lễ phép nói: “Cả nhóm lo lắm, anh Trọng
Thường rất ân hận, phải trốn anh đấy. Không biết lấy gì mà đền anh đây”. Anh lắc
đầu: “Anh sẽ gửi đi sửa, có ai muốn làm cháy đâu.” Tôi kính phục cử chỉ đó của
anh.
Hồi đó anh được tiếng là công tử thành phố cảng. Một thành phố
có hoa phượng đỏ trên cao, có lá me bay vàng đường và có những tàn lá bàng che
rợp những mái hiên, nhưng không có những hàng sấu như Hà Nội. Gia đình anh
nổi tiếng, hầu như khắp thành phố này không ai không biết tên. Hãng nước mắm Vạn
Vân không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà là ở cả Đông Dương. (Người ta thường truyền
tụng “cốm Vòng, cà Báng, húng Láng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân).
Cửa hàng nhà anh gồm bốn năm gian rộng trên đường vào Chợ Sắt.
Thỉnh thoảng có dịp đi qua trước nhà anh tôi thường lén nhìn vào, cũng chẳng biết
để làm gì.
Trong óc tưởng tượng của tôi, đôi khi tôi nghĩ đến một ngày
nào đó sẽ được thấy chị Đoàn Chuẩn. Qua những bản nhạc của anh, qua cung cách sống
của anh, tôi hình dung ra một thiếu phụ rất hiền rất đẹp, da trắng như trứng gà
bóc, vận chiếc áo dài bằng nhung xanh (màu xanh vốn là màu của Đoàn Chuẩn), cổ
đeo chiếc kiềng vàng, chân đi đôi hài thêu, đầu vấn tóc trần, có đôi mắt bồ câu
đen lánh… Nhưng quả là tôi chưa thấy bao giờ, cho nên đến nay hình ảnh ấy vẫn
còn nguyên vẹn trong tôi.
Sau năm 1954, anh ở lại miền Bắc, tôi ở miền Nam. Tôi có nhiều
dịp để tìm hiểu về anh và những nghệ sĩ còn ở lại miền Bắc. Nhưng về anh thì
tuyệt vô âm tín. Những nghệ sĩ như Văn Cao, Tô Vũ còn thấy sáng tác, còn tham
gia hoạt động ở một số cơ quan. Song Đoàn Chuẩn thì vẫn yên lặng. Thỉnh thoảng
nghe lại những bản nhạc của anh, tôi thực sự thấy lòng nao nao. Gửi gió cho mây
ngàn bay, Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Tình nghệ sĩ… đều là những tác phẩm bất hủ.
Những phòng trà ca nhạc, vũ trường thời đó hầu như đêm nào người ta cũng được
nghe những bản nhạc Đoàn Chuẩn, lên ngôi nhất là Thu quyến rũ do Ánh Tuyết hát
(Ánh Tuyết xưa chứ không phải Ánh Tuyết ngày nay tại Sài Gòn, không phải Ánh
Tuyết trong CD nhạc mà tôi vừa nghe vừa viết bài này).
Tôi phát biểu ở đây một nhận định rất riêng tư, một so sánh đầy
cảm tính. Nếu nhạc của cố nhạc sĩ Văn Cao thanh cao, lời lẽ rất văn hoa, bay
như cánh chim trong khung trời hoa thơm cỏ lạ đến tận Thiên Thai thì nhạc của cố
nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lời lẽ bình dị, không bay bổng nhưng thấm sâu, rất sâu, hầu
như bài nào cũng là nỗi nuối tiếc, đau đớn của con người thật đang sống. Có cảm
tưởng như nỗi đau ở trước mặt, có thể sờ thấy, có thể cảm nhận rất rõ, nó quanh
quẩn đâu đó như một phần cơ thể của chính mình. Nó gần gụi với người nghe lắm,
như một lời tâm tình giản dị mang xuyên suốt một tình yêu tuyệt vọng với hình
bóng thân thuộc của quá khứ đã… tàn rồi nhưng không bao giờ phai. Những bản nhạc
của anh thường ký tên chung với một người bạn thân là Từ Linh, có người nói
Đoàn Chuẩn chỉ ký tên chứ Từ Linh không làm nhạc, nhưng có người bạn tôi là anh
em kết nghĩa với Từ Linh lại cam đoan rằng đã từng thấy Từ Linh làm nhạc. Nhưng
Từ Linh không xuất hiện bao giờ nên Từ Linh như một “ẩn số” với nhiều thính giả.
Theo tin tức tôi có thì Từ Linh đã mất vào khoảng năm 1987 vì bệnh ung thư.
Ngoài những bản nhạc tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao
nhiêu lần, tôi thật sự kinh ngạc khi nghe bài Vĩnh Biệt trong CD “Gửi gió cho
mây ngàn bay” do nữ ca sĩ Ánh Tuyết hát, Trung tâm băng nhạc Trẻ thực hiện, Bảo
Chấn hòa âm. Thoạt tiên mở đầu bản nhạc, nghe như có tiếng trống thúc đâu đây,
cứ ngỡ là bài hùng ca. Và ngay câu đầu tiên người ta đã nghe thấy lời ai oán của
một “chiến tướng” đứng trước một thành quách bị tàn phá dưới tay quân địch:
“Ai đốt Cô Tô thành vì đôi mắt giai nhân hề, lửa cháy báo tin rằng thành quách
ta… Ai trót nhấp men tình để Mỵ Cơ thương nhớ, khi khóc rồi Tiễu Nhiên còn
mơ…” “Em khác gì Quỳnh Giao, lúc cam lòng phung phí hết xuân xanh, lúc đêm
về, thương cho đời mà cũng ghét cho đời mà cũng chán cho đời…” Tâm tình Tiễu
Nhiên - Mỵ Cơ, Phạm Lãi – Tây Thi phải chăng chính là tâm trạng tác giả:
Thương, ghét và chán chường? Nỗi niềm u ẩn cho cuộc tình và cho cuộc đời mình.
Bài ca Vĩnh biệt còn được gọi là “Bài ca bị xé”. (Tôi được biết ở hải ngoại bài
này còn được đặt tên là Vàng phai mấy lá). Và bài ca cho đến mãi sau này mới được
phổ biến. Tại sao vậy? Đây là một bí mật riêng tư của tác giả. Nhưng nay anh đã
thành người quá cố, những người yêu nhạc của anh thì chắc nhiều người muốn biết.
Có người cho rằng bài này được làm từ năm 1955, đó là kết quả của một mối tình
tuyệt vọng giữa Đoàn Chuẩn và một danh ca thời xưa, nay còn sống ở Sài Gòn.. Có
nghĩa là tác giả yêu nhưng không bao giờ được yêu lại. Bởi thế nên bài ca bị
xé.
Nhưng tôi đã đem ý kiến này hỏi nhạc sĩ Lê Hoàng Long, một
người bạn của anh Đoàn Chuẩn và một vài người khác. Có người cho rằng đó là kết
quả của một mối tình nồng nàn say đắm. Hồi đó anh Đoàn Chuẩn ở Hải Phòng yêu một
nữ danh ca ở Sài Gòn. Anh đã yêu cầu một hàng bán hoa ở đường Catinat, mỗi ngày
đưa đến tặng nữ ca sĩ một bó hoa tươi nhưng không ghi tên người gửi. Nữ ca sĩ
này không nhận và đòi phải cho biết tên. Đoàn Chuẩn hứa là sẽ cho biết tên sau
nửa tháng. Và nửa tháng sau đó Đoàn Chuẩn đã tiết lộ tên người gửi hoa. Trong
hoàn cảnh như thế ai cầm lòng cho đậu. Mối tình bắt đầu. Nhưng tiếc rằng cả hai
người đều đã có gia đình nên một thời gian sau mối tình tan vỡ. Bài ca cũng đã
nói lên sự “đàn trùng dây, phím lỡ”.
Bài ca không được phổ biến và bị xé vì mang nỗi đau thương
như không thể nói thành lời, như một sự dỗi hờn với định mệnh. Nhưng tất cả
chỉ là dự đoán. Sự thật như thế nào chỉ có ông mới biết và những người yêu nhạc
Đoàn Chuẩn bây giờ coi như một giai thoại đẹp và buồn khi vĩnh viễn chia tay với
người nghệ sĩ tài hoa, người mãi mãi là một công tử, một nghệ sĩ tài tử đúng
nghĩa nhất đối với tôi.
Một bài thơ của Đoàn Chuẩn:
Khi tôi vừa viết xong bài này, nhạc sĩ Lê Hoàng Long có đưa
cho tôi một bức ảnh của anh Đoàn Chuẩn và phía sau bức ảnh có hàng chữ ghi:
“Long, Tao mời mày chén rượu đầu xuân con Rắn, và ngâm:
Em ơi! Lá có rơi ngoài muôn ngả
Thì chung quy cũng chỉ vì đất thân yêu.
Anh phong sương, mưa nắng đã hoen nhiều
Đời nhạc sĩ có gì vui đâu em hỡi!
Anh ra đi em cũng đừng chờ đợi
Mai anh về kia nữa hoặc… chẳng bao giờ”.
30/1/1989
Văn Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét