Trăng rừng
Cương rảo bước về phía cuối làng. Anh dừng lại trước một ngôi
nhà nhỏ nằm khiêm nhường dưới chân đồi. Nắng thu trải vàng trên cây lá. Bụi tre
gai cạnh nhà như đã to và rậm hơn nhiều, những tay gai chằng chịt quấn chặt vào
nhau thành một khối. Có lần Dịu bảo anh: “Em sẽ quấn anh, sẽ ôm anh chặt như những
tay tre này để chúng mình không bao giờ rời nhau”. Căn nhà vẫn vậy. Mái lá cọ
đã bạc màu dầu dãi dưới nắng mưa, cạnh cây bưởi mùa này lá và mấy quả còn lại
treo lửng lơ trước gió đang ngả màu vàng. Ao nhỏ trước nhà nước trong veo. Cây ổi
vẫn đứng đó rủ cành che kín nửa mặt ao. Bên kia là hai cây ché tuyết (loại chè
cổ thụ) tán lá xanh đậm, khi trước hàng ngày Dịu vẫn ra hái lá về hãm nước, thứ
nước chè xanh thơm và ngọt mà chỉ vùng này và ở những cây chè tuyết mới có. Cảnh
cũ không thay đổi là mấy nhưng sao vắng lặng làm vậy. Không thấy tiếng ngan gà
ríu rít không thấy bóng dáng bố, mẹ ra vào và trên dây phơi như lâu rồi cũng ít
có quần áo được treo lên đó.
Anh đánh tiếng. Một người phụ nữ bé nhỏ chừng ngoài ba mươi
tuổi chạy ra. Nhìn thấy anh bộ đội chị đứng sững lại nhìn trân trân vào anh. Một
phút trấn tĩnh Cương reo lên:
- Chị Hiền! Em về đây rồi chị ơi!
- Trời ơi! Cương! Có phải Cương đấy không?
- Phải rồi, em đây, Cương đây chị!
Người phụ nữ tên Hiền chạy xô lại ôm lấy anh, Chị gắng hết sức,
cán chặt môi lại mà vẫn không ngăn được nước mắt:
- Em vẫn còn sống mà trở về đấy ư!
Giọng Cương xúc động:
- Vâng, em về rồi chị! Cả nhà ta thế nào, Dịu đâu chị ơi!
Chị Hiền òa khóc không nói nên lời cứ đứng ôm riết lấy anh.
Bước vào cửa anh khựng người lại. trên bài thờ dưới ảnh ông cụ
là ảnh Dịu, Tóc tết đuôi sam buông lơi trên chiếc áo quân phục màu xanh. Anh đứng
trân trân nhìn lên di ảnh Dịu, Trời ơi! Dịu của anh, sao thế này? Tim anh như
có một bàn tay bóp nghẹt. Đôi chân nặng nề vô định tiến đến bên bàn thờ. Nước mắt
anh chảy tràn từ bao giờ xuống môi mặn chát. Đôi mắt anh dừng lại trước khuôn mặt
trái xoan bầu bĩnh, đôi mắt đen láy lấp lánh ánh cười và cái nhìn trong sáng
thánh thiện như nói với anh “Đừng khóc anh! Con trai ai lại khóc”. Như một cái
máy, anh rút ba nén hương, tay anh run bắn đến nỗi chị Hiền đứng bên cạnh phải
giúp anh bật lửa. Anh như nhìn thấy thấp thoáng hình bóng người yêu chập chờn trong
làn khói hương …
Chị Hiền rót nước cho anh rồi khẽ khàng kể:
Năm ấy các anh đi rồi, một năm sau có đợt tuyển quân nữ Dịu
cũng xin phép bố mẹ làm đơn xung phong nhập ngũ. Ông bà không có con trai, chỉ
có hai chị em gái, xã không cho đi nhưng Dịu kiên quyết xin bằng được. các chú
các bác ở xã đành chấp thuận nguyện vọng của Dịu. Em nó được học một lớp quân y
rồi lên đường vào chiến trường làm y tá trong một một trạn quân y ở Quảng Bình.
Thư nào gửi về nó cũng hỏi về em: “ Có thấy anh Cương viết thư về không, anh có
trở lại làng mình không?...
Em kể mỗi lần đón thương binh từ trong ra lại hồi hộp nhìn
xem có anh tròng số đó không. Ngày đêm cầu khấn cho anh bình an, tránh được mũi
tên hòn đạn. Có lần một anh thương binh khi điều trị xong được quay lại mặt trận.
Nghe Dịu kể, anh ấy nói có biết anh Cương, B trưởng Trần Cương (chẳng biết có
phải em không) Dịu viết một lá thư dài gửi cho em. Thư ấy có đến tay em không?
Anh lặng lẽ lắc đầu: “Chiến trường rộng lớn lắm, hơn nữa một
thời gian sau đó em được trên điều động chuyển sang tăng cường cho đơn vị khác
vào sâu trong đồng bằng sông Cửu Long nên không nhận được thư nào của Dịu”
Chị Hiền kể tiếp: Mùa hè năm 1972 “Mùa hè đỏ lửa” trong thành
cổ Quảng Trị. Trạm xá của Dịu chuyển sâu vào trong để tiếp nhận và điều trị
thương binh từ trong thành Cổ đưa ra. Rồi một buổi trưa mùa hè năm ấy trạm xá bị
máy bay B52 ném bom. Bao nhiêu thương binh và nhiều y bác sĩ của bệnh xã hi
sinh. Dịu bị vùi lấp sâu trong đất đá.phải hơn một ngày sau đồng đội mới tìm thấy.
Em nó đã hi sinh trong tư thế nằm đè lên một thương binh. Một mảnh bom đã găm
vào sườn bên phải và một chân bị dập nát. Khi lôi được Dịu ra người ta phát hiện
thấy anh thương binh vẫn còn thoi thóp thở và được cứu sống. Khi tỉnh lại biết
Dịu đã hi sinh anh thương binh khóc thảm thiết nói: “Cô ấy đã vì cứu tôi mà phải
chết”… Gia đình nhận được giấy báo tử, chiếc ba lô và một số đồ dùng cá nhân của
em do đồng đội chuyển về vào mùa Đông năm ấy. Bố vì quá thương nhớ em đổ bệnh rồi
ra đi. Mẹ ngày một già yếu. Nhà chả còn ai nên chị cho cháu Quyết sang đây,
cháu đang học lớp 10 trường huyện hàng ngày đi học, trưa tối về có bà có cháu,
lúc trái gió trở trời…
Chị Hiền lau nước mắt đứng dậy, tiến đến bàn thờ thắp thêm
cho Diu nén hương chị nói trong nước mắt: “Dịu ơi! Cương về rồi đây. Hôm nay chị
sẽ đưa Cương những kỉ vật của hai em để Cương giữ. Ở dưới suối vàng chắc em toại
nguyện rồi”.
Cương bần thần mở gói ni lông màu xanh lá cây… đây rồi chiếc
áo quân phục đã bạc màu của anh tặng Dịu trước ngày đi Nam chiến đấu. Vẫn còn
nguyên nếp gấp. Hồi ấy anh và Dịu mỗi người tặng nhau một chiếc áo mà mình
thích nhất. Dịu thích chiếc áo này vì một lần đi tập về Dịu phát hiện chỗ lưng
áo anh bị gai cào rách. Dịu đã nắn nót mạng lại cho anh. Anh muốn tặng Dịu một
chiếc áo khác nhưng cô nói: “Áo mới để anh mặc vào chiến trường. Áo này mới thấm
nhiều mồ hôi của anh. Em sẽ thấy hơi ấm anh mỗi lần mang áo ra” Còn anh giữ của
Dịu chiếc áo sơ mi hoa phù dung trắng trên nền vải lụa màu vàng nhạt. Đây là
chiếc áo Dịu thích nhất. Cô hay mặc vào những dịp quan trọng và đặc biệt cái
màu trắng xen lẫn màu vàng tạo thành một màu vàng nhạt rất hài hòa. Dịu gọi đó
là “Chiếc áo màu thu thương nhớ”. Đây rồi quyển sổ tay chép những bài thơ mà
hai người cùng tâm đắc. Anh nắn nót trình bày rất đẹp bằng bút dạ và mực màu. Từng
bài thơ anh chép rồi Dịu chép có bài anh và Dịu cùng chép mỗi người một nửa khổ
thơ. Mỗi lbài thơ đều in đậm những kỉ niệm của hai người. Đây cuốn nhật ký của
Dịu.
Ngày tháng năm 1970
Nhận thư anh vui quá! Anh báo tin các anh đi tàu đến Vinh thì
tiếp tục đi tàu thủy để vào Quảng Bình, sẽ nhận quân trang ở đó rồi tiếp tục
hành quân theo đường mòn sang Tây Trường Sơn. Thư anh viết lúc nghỉ đêm ở Hà
Tĩnh. Thế là em xa anh đã mười ngày rồi. Em nhớ anh vô cùng Cương ơi!
Ngày tháng năm 1970
Thư anh gửi từ Trường Sơn, binh trạm 52, chắc là anh đã vào
xa lắm rồi. Thảo nào mấy tháng nay bặt tin anh. Anh kể rất nhiều chuyện trên đường
ra trận. Chuyện anh gặp người cùng quê, chuyện rừng Trường Sơn, những cánh rừng
bị chất độc Diooxxin chỉ còn trơ trụi cây khô và những cung đường lầy lội… Anh
kể những đêm trăng ở Trường Sơn hiếm lắm. Ban đêm chỉ thấy pháo sáng, đèn dù,
những khu rừng cháy do bom Napan... Trăng bị át đi trong lửa đạn, trong sự hối
hả của cuộc chiến…
Hoàng sơn, ngày tháng năm 1971
Cương yêu thương của em! Đêm nay là đêm cuối trên đất quê
hương thân thương nơi còn ghi đậm biết bao kỉ niệm của chúng mình. Mỗi ánh nắng
sớm mai, mỗi chiều hoàng hôn, những đêm trăng, con đường nhỏ… nơi đâu cũng ghi
dấu anh. Giờ này anh đang nơi đâu? Có nhớ về em, người con gái của vùng núi rừng
Đông Bác vụng về nhưng yêu anh hết lòng. Chắc anh vất vả lắm. Ra trận chỉ có
bom đạn và chết chóc… Ngày mai em cũng lên đường làm chiến sĩ như anh. Em sẽ đứng
trên trận tuyến với anh, chia lửa cùng anh. Em đi tìm anh, mình sẽ bên nhau,
cùng chung chiến hào chiến đấu và sẽ trở về trong ngày đại thắng. Trời ơi! Ngày
đó sẽ vui biết bao nhiêu. Anh đưa em về thăm đồng bằng quê anh nơi có con sông
Cầu với những điệu dân ca mê đắm lòng người. Em chưa về nơi ấy nhưng trong những
câu dân ca anh hát em đã thấy tất cả. Em yêu vùng quê xa lạ nhưng thân thương
biết bao nhiêu. Em đang nhẩm lời hát“ Một mảnh trăng treo, suốt canh thâu anh
ơi em vẫn đợi, vẫn chờ….”
Anh ấp cuốn sổ vào ngực nghe con tim mình nghẹn lại. Dịu của
anh đây! Dịu ơi! Lẽ nào…
Trời tối hẳn, Cương đi về phía quả đồi trước mặt. Con đường
nhỏ dẫn lên đồi, từng mô đá, bụi sim mua…hình như vẫn chờ bước chân anh như
ngày nào. Nơi này anh và Dịu vẫn ra đây mỗi khi có trăng. Ngàỳ ấy cứ sinh hoạt
xong thế nào anh và Dịu cũng trốn lên đây ngắm trăng. Đêm nay trăng mười sáu. Mặt
trăng tròn vạnh nhô lên tỏa ánh vàng xuống khắp núi rừng. Những chiếc lá đẫm
ánh trăng lấp lánh. Một tiếng chim từ qui gọi bạn xa xa. Lại là trăng mười sáu.
Đêm ấy, trước ngày chia tay Dịu vào Nam chiến đấu cũng là đêm trăng mười sáu.
Dịu đi bên anh hai người leo lên đồi. Bất giác anh bước lên
trước cầm hai tay Dịu và đi giật lùi. Dịu bảo:
- Anh bỏ tay em ra đi cẩn thận không ngã bây giờ. Lên dốc mà
còn đi giật lùi.
- Không anh không ngã! Anh muốn được nhìn thấy gương mặt em
dưới trăng. Dịu ơi, em biết anh vừa nhìn thấy gì không? Giọng Cương sôi nổi hẳn
lên. Dịu giật mình ngó quanh:
- Có thấy gì đâu anh!
- Nhiều mà em ơi! Em có tin không?
- Anh cứ dọa em. Có gì mà nhiều nào.
Biết Dịu đang hoang mang sợ “ma” anh vội nói:
- Anh nhìn thấy rất nhiều ông trăng.
- Có một ông trăng thôi. Anh hoa mắt rồi. Cô nói và cười hóm
hỉnh.
- Thật không, nếu không phải anh hoa mắt em phải đền anh nhé.
Tiếng dịu chắc nịch:
- Anh thua là cái chắc, sao em phải đền chứ!
- Được nhé, nghe anh công bố đây. Trước hết nhìn thẳng vào mắt
anh. Anh nhìn rõ ràng có rất nhiều ông trăng. Em thua chưa?
- Ở đâu mà nhiều ông trăng nào. Anh chỉ ăn gian là giỏi.
- Không ăn gian đâu, Đây này anh thấy nhiều ông trăng trong mắt
em, miệng em cười cũng lấp lánh toàn trăng. Em chịu không?
Dịu phải thừa nhận là Cương đúng. Anh rất tinh tế trong mọi
nhận xét. Mình thì chỉ cãi là nhanh. Cô tự nghĩ và cười thầm.
Hai người ngồi xuống tảng đá đố nhau ai đọc được nhiều câu
thơ có từ trăng: Giọng Dịu trong trẻo thanh thoát:
“Trời cao mây bạc trăng tròn/ Dế than hưu quạnh trăng buồn nỉ
non”. Nghe anh đọc này, trăng thế này mới đẹp chứ: “Trăng say đắm đuối trong
sương nhạt/ như đón từ xa một ý thơ”. “Hay thế anh! Câu thơ này của ai vậy?” Dịu
hỏi. “ Của thi sĩ Hàn Mặc Tử đấy. Thi sĩ viết nhiều thơ về trăng và rất hay.
Lúc rỗi anh sẽ chép cho em” Dịu trầm ngâm: “Vâng, nhưng mai anh đi rồi, bao giờ
chép thơ cho em được”, “Thì lúc anh về. Đến em rồi đấy” “Trăng vàng như quả
chín/ Lửng lơ treo trước nhà. Đến anh”, Dịu chỉ vào anh nói.
Cương đọc ngay không đắn đo: “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng
quá”, “Vầng trăng vằng vặc giưa trời” Dịu nhanh nhảu như sợ Cương tranh đọc mất.
Đúng là thi sĩ nói về trăng như trăng đêm nay đó, đúng không anh. Đến anh rồi!”
Cương không đọc ngay, anh quay sang cô: “Có rất nhiều câu thơ hay về trăng của
các thi sĩ cổ kim nhưng anh thích nhất câu này. Em đoán được không?” “Em đoán
sao được. Anh đọc đi em nghe.” Giọng cô nũng nịu.
“Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau.
Thơ Nguyễn Bính đấy em biết không? Hình ảnh thật giản dị, gợi cho ta cái không
gian nhỏ mà chứa đựng biết bao tình cảm đầm ấm gia đình đôi lứa. Hình ảnh vườn
chè là quê em đấy, nơi đây sẽ là quê hương thứ hai của anh. Anh sẽ mang theo
hình bóng em, tình cảm em và những nét quê thân thuộc cùng ra trận.” Cương nói
và nhìn xa xăm …
“Anh ơi! Rồi chúng mình sẽ xa nhau.” Giọng Dịu thầm thì. “Biết
bao giờ mình lại được cùng nhau ngồi ngắm trăng và đọc thơ anh nhỉ?”
Anh ngồi sát lại Dịu. Cô tựa hẳn đầu vào vai anh. Cương thấy
rõ mấy sợi tóc trong gió nhẹ vương vào má anh. Mùi thơm của tóc phảng phất thật
dễ chịu. Đúng là con gái. Con gái hơn con trai các anh là biết tự chăm sóc
mình. Trong bất kể trường hợp nào con gái cũng biết tạo cho mình một cái gì đó
đặc biệt. Dịu của anh cũng thế. Anh sẽ nhớ sẽ mang theo hương thơm mái tóc em.
Anh quàng tay ôm Dịu hôn lên mái tóc cô. Anh thấy vai Dịu run lên. Cô nép chặt
vào người anh.
- Chờ anh em nhé! Đánh Mỹ xong anh trở về. Chúng mình sẽ có
những đứa con. Anh sẽ ở vùng đồi này với em để phụng dưỡng bố mẹ như các cụ hằng
mong.
- Vâng, em chờ anh! Nhất định anh phải khỏe mạnh trở về với
em.
Hai người lặng đi. Chỉ có ông trăng sáng trên đầu vẫn vô tư
thả những sợi vàng xuống đầy tóc đầy vai đôi trẻ…
Đêm nay, cũng dưới trăng mười sáu, cũng trên ngọn đồi thân
yêu quen thuộc này chỉ còn mình anh!
Có tiếng bước chân, anh quay lại cháu Quyết con trai chị Hiền
lên tới nơi:
- Cháu đi tìm chú, mẹ cháu bảo lên đồi sẽ gặp chú. Chú lại
lên đây ngắm trăng sao. Trăng đêm nay sáng quá chú nhỉ. Trăng mùa thu có khác.
- Thế tốt nghiệp xong cháu định vào học nghề gì?
- Cháu sẽ cố gắng thi vào trường Đại học Nông nghiệp chú ạ.
Cháu về cải tạo vùng đồi. Đất mình rộng mênh mông mà dân vẫn đói vẫn nghèo quá
chú ạ.
- Cháu nghĩ hay lắm. Đúng là tuổi trẻ. Cần phải thế cháu ạ.
Chú sẽ là một trong những thành viên đầu tiên ủng hộ cháu.
- Thật không chú? Chú về đây ở chú nhé!
Hai chú cháu nói rất nhiều về ngày mai trên vùng đồi này.
Cương đã quyết định sau khi ra quân sẽ về đây. Việc đầu tiên
anh làm là mang hài cốt của Dịu về để anh hương khói cho cô, chăm sóc phần mộ bố
và phụng dưỡng mẹ già.
Trăng đã ngả về bên kia trời. Đôi chim Từ Qui chắc đã gần
nhau rồi. Tiếng gọi gấp gáp hơn. Người ta nói hai con chim gọi nhau từ chập tối
mỗi con ở một bên đầu núi, tới khi gặp nhau thì trời sáng chúng lại xa nhau.
Nhưng anh với Dịu thì không! Anh sẽ góp phần làm cho mảnh đất này xanh lại cho
những mùa trăng sáng mãi.
Trại sáng tác miền Trung, Thu 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét