Xuân qua miền đất lạ
Thi thoảng tôi vẫn giành cho mình dăm bảy phút buổi tối để
lang thang trên con đường đầy ắp nhân tình. Con đường cũng nhỏ như cái thị trấn
nho nhỏ của nó. Ở đó người ta chẳng thể cày cuốc được gì bởi bao quanh nó là rừng
đặc dụng, rừng cảnh quan nên cách kiếm cơm duy nhất của họ là phục vụ du lịch.
Có nhiều cách phục vụ du lịch như đưa đón khách bằng những
phương tiện thô sơ xe ngựa, xe lừa là thứ mà du khách rất yêu thích đến hoa quả
nhặt hái từ rừng sâu luôn làm cho khách thích thú bởi vị ngon mà lạ của nó.
Cũng là những cái thúng mẹt đan bằng tre nứa, lòng nông, kín lỗ người ta bày
bán trên đó những sản vật mà họ có như khoai luộc, bánh tráng nướng, hột vịt lộn,
sữa đậu…Đơn giản vậy nhưng có thể nuôi sống cả nhà. Khá giả hơn một chút thì
người ta buôn bán hàng thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ đó là những món hàng mà
du khách mong có được để làm quà lưu niệm cho chuyến đi của mình.
Dừng lại nơi có nhiều người ngồi xúm xít, vui vẻ ăn uống nói
cười bên những cây đèn bão sáng nhờ nhờ tôi mới nhận ra rằng đây là bánh tráng
nướng. Với một lò than nhỏ, lửa vừa phải, vài quả trứng, một ít hành phi trộn với
ruốc xào đã nêm nếm là có thể làm ra món bánh tráng nướng ngon lành này.
Để bánh lên vỉ, tráng lên đó một quả trứng, rắc đều hành phi
và ruốc. Bánh chín xịt thêm tương ớt, rắc thêm ít tiêu, gập bánh lại làm đôi. Cứ
cầm thế mà ăn hoặc cắt bánh ra từng miếng nhỏ xếp lên đĩa nếu đãi khách.
Đó là món khoái khẩu của bọn trẻ trong đó có tôi. Bếp quê
luôn sẵn than hồng, muốn ăn là có thể làm ngay. Để đốt cháy công đoạn, mẹ tôi
thường cho lòng trứng vào bát, nêm vào đó gia vị và hành lá xắt nhỏ. Thoa một lớp
dầu lên bánh trước khi nướng, khi bánh se mặt múc hỗn hợp trứng kia tráng lên.
Chỉ có thế, nhưng trong tôi bánh của mẹ làm bao giờ cũng ngon nhất. Không có
tương ớt thì chấm xì dầu, không có xì dầu thì ăn khan thế vẫn ngon.
- Cho tôi một bánh.
Cô bán hàng hỏi mà không thèm ngước nhìn:
- Thường hay đặc biệt.
- Loại nào cũng được.
Có lẽ hơi bất ngờ vì câu trả lời chẳng ngô chẳng khoai của
tôi nên cô bán hàng nhìn tôi không chớp mắt. Tôi cười nhẹ làm lành.
Thoăn thoắt thao tác những động tác quen thuộc, bàn tay cô
gái điêu luyện như một vũ công tài hoa. Thêm ít khô nai, miếng pho ma đầu bò
tán nhuyễn, vài hạt tóp mỡ cái bánh thường bỗng thành đặc biệt bởi giá trị dinh
dưỡng và mùi vị hấp dẫn của nó nên đồng tiền cũng phải gấp đôi gấp ba. Bánh vừa
chín, cô gấp đôi nó lại rồi quay sang nhìn tôi:
- Ăn luôn hay mang về?
- Xử luôn cho cô đỡ tốn cái bao.
Cô gái phì cười, tôi cũng cười. Đêm vùng cao thật đẹp. Thích
nhất là không khí trong lành. Trong cái se lạnh của tiết trời cuối thu đầu đông
người cô đơn như tôi cảm thấy thiêu thiếu một thứ yêu đương nào đó. Nhìn những
hạt mồ hôi lấm tấm trên trán, trên má cô gái tôi bỗng muốn mình thành ngọn gió
thay cho chiếc quạt trên tay cô luôn phe phẩy xua tan đi cái nóng bởi lò than hồng.
Tôi muốn là nụ hôn của gió. Tôi chợt nhớ về mẹ tôi cũng gánh trứng vịt mỗi chiều.
Gánh trứng ấy đã nuôi tôi lớn khôn.
- Tính tiền đi chị.
Một cô khách trẻ trông rất sành điệu.
- Của em, hai cái, mười bốn ngàn.
- Mắc dữ rứa, chỉ có quả trứng bé tẹo và chút mỡ hành.
Hẳn nhiên là kèm theo cái nguýt dài nữa.
Vẫn lời nói ngọt ngào không hề giận dữ. Cô bán hàng luôn biết
làm nguội và hài lòng những cái đầu quá nóng. Tôi cười khen, đứng dậy móc bóp
tính trả tiền thì cô gái níu tay ngồi lại:
- Thư thả đã. Uống thử cốc trà rừng xem có ngon không nào.
- Trà rừng ư. Chưa nghe thấy bao giờ.
- Có nhiều chứ. Nhưng trà ở đây hơi bị ngon đó.
Ý tứ ghê quá ta. “Ước gì cô ấy là bia, một ta uống hết chẳng
chia đứa nào” thì cũng là cái yêu rất đáng yêu của một nhà thơ tài hoa nào đó
mà tôi chỉ nghe lóm được nhưng lại nhớ hoài. Trong tôi như bừng lên ngọn lửa,
thứ lửa ấm và xao xuyến lạ. Cô rót cho tôi một cốc và cô bé sành điệu kia một cốc.
- Ngon thật. Hơi chát nhưng ngọt đượm. – Tôi thật lòng.
- Có hậu. Đúng không?
Lại ý tứ nữa rồi.
- Vâng…nhưng cuối cùng vẫn là kỷ niệm.
- Mai còn ở đây không?
- Tính không ở lại nhưng chắc ở lại.
- Ghé “ủng hộ” mình nhé.
Tôi gật đầu nhè nhẹ. Thông cảm cho câu nói như thuộc lòng của
người bán luôn muốn nuông chiều khách. Thương họ phải đón nhận đủ mọi loại ý kiến
khen chê. Một sự bất công phát sinh từ đồng tiền bởi cách khen chê không đúng tầm,
đúng chỗ. Tôi biết mình không thế, dù sao thì tôi cũng là cánh mày râu trước phụ
nữ nhất là phụ nữ đẹp thì phải biết hòa nhã, dịu dàng. Đó là vũ khí khá bén đấy.
Luôn thành công nếu phải chinh phục ai đó.
- Hình như cô không phải là người địa phương này?
- Tôi đoán thế bởi tiếng cô trong và ngọt ngào như người miền
xuôi.
- Buôn bán mà anh, không thế thì ngồi đuổi muỗi.
- Ngáp ruồi chứ.
Cả hai cùng cười tít mắt. Đường về ánh trăng như sáng và đẹp
hơn. Đêm đã vào khuya nhưng tôi không thể nào chợp mắt được. Cứ trằn trọc sao
sao ấy. Nghĩ đến cô bán hàng, đến thân gái dặm trường mà thương khan mới ấu trĩ
chứ. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin cô sẽ vượt qua tất cả. Tiếc
là sáng mai tôi phải rời xa nơi này bằng chuyến tàu sớm nhất bởi có tin mẹ tôi
bệnh đau đột ngột. Bỗng dưng tôi lại trách mình vì không dám xin cô gái số điện
thoại. Một sự yếu đuối không nên có khi mà từ xa lạ đã thành như thân thích. Với
tôi ai đã từng giúp mình thì không thể quên đi, ngược lại giúp được ai thì đâu
có gì phải nhớ. Thấy người khổ hơn mình mời được họ ăn uống là vui rồi. Tuy đơn
sơ đạm bạc nhưng hạnh phúc nhận về thì bát ngát mênh mông. Hơn nhau ở chỗ đó
nên lòng tốt thường cứ nghèo hoài.
Tuổi thơ tôi lớn lên trong bình yên, tuy có hơi thiếu thốn
nhiều bữa không cá thịt, sữa đường nhưng thi thoảng mẹ đi chợ về vẫn có tấm
bánh đồng quà là sung sướng nhất rồi. Những đứa trẻ quê tôi vẫn lớn, vẫn khôn đấy
thôi dẫu rằng không văn minh hiện đại như lớp trẻ bây giờ.
Tôi tin cô bán hàng sẽ tìm thấy nụ cười hồn nhiên và thật đẹp
của mình lẫn trong vô vàn gian lao vất vả bởi cuộc mưu sinh phương xa của em. Đất
nước ngày luôn đổi mới, đời sống người dân ngày càng được sung túc thì không lý
do gì em phải tần tảo gieo neo hoài. Hẹn gặp lại là ước mơ bé nhỏ của tôi. Bé
nhỏ nên có thể thực hiện được. Tôi mỉm cười vu vơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét