Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Cảm nhận về thời gian

Cảm nhận về thời gian
Vật chất vận động, tồn tại và phát triển trong không gian và thời gian, đó là nhận thức triết học, trong thực tế không thể tách rời hai phạm trù này. Mở đầu truyện Kiều, cụ Nguyễn Du viết: “Trăm năm trong cõi người ta”. Trăm năm là thời gian, cõi người ta là một sự giới hạn phạm vi không gian. Không gian thì con người có th nhìn thấy, sờ nắn… Thời gian không vậy, phải dùng tư duy để nhận biết. Tuy vậy, người ta vẫn cứ muốn tri giác, muốn cảm nhận nó.
Chỉ xét riêng về thời gian thì có thời gian vật lý và thời gian tâm lý. Theo thời gian vật lý thì 1 giờ có 60 phút, 1 phút bằng 60 giây, 1 ngày có 24 giờ… Biểu trưng của nó là cái đồng hồ, quyển lịch. Trong toán học cũng đề cập đến thời gian như là chuỗi (vận động) vừa là điểm (đứng im). Còn thời gian tâm lý thì không thế, có thể dừng lại, có thể trôi, có thể lùi vào quá khứ xa xăm, có thể nhảy băng vào tương lai, có thể nhanh chậm, không đồng đều.
Do vậy, thời gian tâm lý tuy có nét chung nhưng chỉ tồn tại trong mỗi cá thể. Ngày vui qua mau, ngày buồn lê thê, chờ thì chậm đến, chán thì chậm qua. Cùng một lúc nhưng tâm trạng hai người khác nhau thì thời gian tâm lý ở họ cũng khác nhau, chuyển biến tùy thuộc cá thể.
Trong văn chương, chủ thể sáng tạo của nó là cá nhân, dù là văn chương bình dân mà tác giả của nó được xem là tập thể thì người khởi xướng, người sáng tạo đầu tiên hoặc người sáng tạo bổ sung đều tìm cách lưu dấu ấn riêng của mình. Vấn đề là cái riêng đó phải độc đáo vừa phù hợp với não trạng chung.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cái vui muốn giữ thì mau qua, sinh ra tiếc nuối. “Ngày xuân con én đưa thoi” (Kiều), mùa xuân biểu tượng sức sống, của sự trẻ trung, tràn trề sinh khí ai mà chẳng muốn lưu giữ, muốn đắm mình vào đó nhưng rồi như một thoáng “con én đưa thoi”. Thời gian ma chiết tất cả, nhất là với tuổi xuân và sắc đẹp, những vết hằn thời gian dù phấn son cũng khó che lấp: “Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi, Những hương thừa phấn tủi bao xong” (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều). Vết hằn năm tháng đậu mắt mi” chi tiết rất nhỏ nhưng rất tiêu biểu của thời gian mà Nguyễn Phú Liêu đã nhận ra trong Gặp lại học trò cũ ở Vĩnh Châu. Xuân Diệu cũng hối hả trong tình yêu: “Mau với chứ vội vàng lên với chứ, Em em ơi tình non đã già rồi”.Từ non đến già là một trạng thái đột biến nên thời gian cũng gấp gáp. Trái lại, nỗi buồn thì lê thê, điều mình muốn xua đi, muốn cắt đứt thì nó dai dẳng đeo bám, “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (Một ngày ở tù nghìn thu ở ngoài) (Cổ thi). Trông mong chờ đợi thì lâu tới: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề, Huống chi tam thu mà bất kiến hề, Đường kia nỗi nọ như chia tấm lòng” (Ca dao). Có sự chờ đợi nào mà không mòn mỏi với thời gian, người chinh phụ phải hóa đá trông chồng. “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê” (Kiều). Người phụ nữ trong bài Thăm lúa (Thơ Trần Hữu Thung) có chồng đi kháng chiến cũng mong ngóng mỏi mòn với cách đếm thời gian thô sơ nhưng chân chất ấn tượng: “Xòe bàn tay bấm đốt, Tính đã mấy năm tròn, Người ta bảo đừng trông, Ai cũng nhủ đứng mong, Riêng em thì em nhớ”. Ước thu ngắn chừng nào thì thời gian càng kéo dài lê thê như cấp lũy thừa, thời gian bao giờ cũng nghịch lại với những ước mong của con người.
Thời gian có chiều ngược của nó, lùi về dĩ vãng, có khi để con người cảm nhận cái “bản lai diện mục” của mình: “Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa” (Cung oán ngâm khúc- Nguyễn Gia Thiều), có khi để làm sống lại những cảnh đời, con người. Truyện cổ tích thường bắt đầu bằng “Ngày xửa… ngày xưa…” chậm rãi kéo người nghe, đưa tâm hồn người nghe nhập vào thế giới quá vãng… Quá khứ- hiện tại lẫn vào nhau, đắp đổi nhanh chóng: “Xưa sao phong gấm rủ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” (Kiều).
Thời gian tương lai cũng được cảm nhận. Khi giao kỷ vật cho Thúy Vân nhờ thay mình nối duyên với Kim Trọng, Kiều mường tượng “Mai sau dù có bao giờ, Đốt lò hương ấy so tơ phím này, Trông ra ngọn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Thời gian gắn với sự liên tưởng tâm lý.
Thời gian vật lý phân chia rõ rệt đến từng giây thậm chí cả phần nghìn giây, tách bạch quá khứ, hiện tại, tương lai, chính xác mà siêu hình. Thực tế thời gian là một chuỗi, không thể có lát cắt phân định. Quá khứ, tương lai dù xa cách mấy cũng  cò thể hiện diện ngay trong hiện tại thông qua kí ức, tưởng tượng. Tản Đà từng tưởng tượng cảnh Lưu Nguyễn lên tiên: “Cửa động - Đầu non - Đường lối cũ - Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”. Khuyên Từ Hải ra hàng, Kiều cũng nhấn: “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào”. “Nghìn năm” đây là một nhất thể quá khứ - hiện tại -  tương lai.
Đo thời gian bắng cách đo vật lì dù chính xác  nhưng khó tạo ấn tượng, khó có sức sống, phải đặt vào đó tâm trạng, tâm lí  thì thời gian mới hiển hiện. “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” (Thăng Long thành hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan), tuế (năm), nguyệt (tháng), năm tháng được biểu hiện gắn với không gian và tâm trạng hoài cổ. Người ta cũng thường dùng các yếu tố sự vật để biểu dạt thời gian. Nếu nói ba năm thì nghe vô cảm, vô hồn nhưng khi nói “Cam ba lần có trái, Bưởi ba lần ra hoa” (Thăm lúa) thì thời gian hiện ra như có thể cấm nắm được.
Trong không gian chứa cả thời gian, có thể cảm nhận đêm khuya khi nghe nước nhỏ giọt, khi nghe tiếng suối tuôn róc rách, thời gian ẩn mình, dù không một từ nào nói đến nhưng nó vẫn hiện ra thông qua những dấu hiệu tinh tế như một chút âm thanh. Thời gian có thể dàn trải, trôi hoặc gom lại, diễn biến nhanh hay chậm lệ thuộc vào tâm lý. Cái nhạt nhẽo vô vị thiếu ấn tượng thì ít được chú ý nên dễ quên lãng, những ngày bình thường “mỗi ngày như mọi ngày” thì nhớ  làm chi bởi có gì đâu đáng nhớ. Chính lúc, chính khi, chính cái chúng ta ghi nhớ nhất là lúc sự vật (không gian) tập trung biểu hiện và chính lúc đó thời gian cũng được gom lại, “công suất” tâm trạng cũng được thu mở tối đa. Có thể nói đây là sự cô đúc không - thời gian cộng hưởng cao độ với tâm trạng. Nguyễn Trãi đã thể hiện sự dồn dập của thời gian đi liền chiến thắng quân Minh: “Ngày mười tám trận Chi Lăng Liễu Thăng thất thế, Ngày hai mươi trận Mã Yên Liễu Thăng cụt đầu, Ngày hăm lăm bá tước Lương Minh đại bại tử vong, Ngày hăm tám thượng thứ Lý Khánh kế cùng tự vẫn” (Bình Ngô đại cáo).
Người ta thường nói nước chảy đá mòn, có tác giả lại nói đến “nước mòn” để nói đến tác động ma chiết của thời gian: “Thời gian trôi dẫu nước cũng mòn” (Gửi bạn, Nguyễn Phú Liêu). Tuy vậy, phải nói rằng bước cảm nhận táo bạo, độc đáo nhất về thời gian là “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ. Thời gian ở đây không còn dừng lại  ở sự cảm nhận truyền thống là nhanh chậm, ngắn dài, lùi vế quá khứ, hướng vào tương lai mà nhà thơ muốn nhìn, muốn ngửi, muốn chiếm lĩnh, muốn phân chất hương và màu:
“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”
Thời gian là vô hình, đương nhiên. Nỗ lực của con người và nhất là các nhà thơ nhà văn dù muốn “hữu hình hóa”, muốn nó hiện hình thì cuối cùng nó vẫn mông lung huyền ảo. “Thời gian là khách bốn phương, nó lạnh lùng bắt tay người bạn ra đi và mở tay ôm lấy người mới đến” (Shakespeare). Nó có đó rồi không đó, ẩn hiệu trêu ngươi và cuộc đuổi bắt níu giữ trở nên bất tận.
Bút Nguyên Tử
Theo http://butnguyentu.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...