Vẻ đẹp người phụ nữ qua văn chương
Trai tài gái sắc, sắc được xem là phẩm chất riêng của người
phụ nữ. Xưa nay đã tốn biết bao lời lẽ, giấy mực để tôn vinh người đẹp. Trong lịch
sử, nhiều mỹ nhân đã làm điên đảo thậm chí đổ sụp cả một triều đại. Người đẹp
là mục tiêu cho bọn vua chúa, kẻ lắm tiền nhiều bạc săn tìm, là đối tượng cho
văn nhân thi sĩ chiêm ngưỡng và ngợi ca.
Trong
văn học cổ điển Việt Nam, không ít nhân vật là mỹ nhân sắc nước hương trời: Dao
Tiên trong “Hoa tiên truyện”, Giáng Kiều trong “Bích Câu kỳ ngộ”, Trần Kiều
Liên trong truyện Phan Trần, Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên”. Cung oán ngâm
khúc và Truyện Kiều là hai tác phẩm tiêu biếu thể hiện sắc đẹp người phụ nữ.
Trong “Cung oán”, Nguyễn Gia Thiều đã đẩy bút lực, nâng ngôn từ lên tột đỉnh để
miêu tả nhan sắc tuyệt trần của người cung nữ:
“Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa
Vẻ
phù dung một đóa khoe tươi
Nụ
hoa chưa mím miệng cười
Gấm
nàng Ban đã nhạt mùi thu dung
Áng
đào kiểm đâm bông não chúng
Khóe
thu ba gợn sóng khuynh thành
Bóng
gương lấp ló trong mành
Cỏ
cây cũng muốn nổi tình mây mưa
Chìm
đáy nước cá lừ đừ lặn
Lửng
da trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.”
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình.”
Trong
Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dùng những câu trang trọng, gọt dũa nhất để thể hiện
sắc đẹp Thúy Kiều: “Làn thu thủy, nét xuân sơn - Hoa ghen thua thắm liễu hờn
kém xanh - Một hai nghiêng nước nghiêng thành…”. Trên năm chục lần dùng những
từ ngữ thanh quý để tôn vinh nhan sắc Kiều, “Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng
ưa”.
Nhan
sắc người phụ nữ trong văn học cổ điển đều có chung những khuôn mẫu, chuẩn mực
mang tính ước lệ để đối sánh: nào hoa, nguyệt, thu thủy, thu ba, xuân xanh,
xuân sơn, má đào, lời ngọc, hương trời… Mẫu quý phái thì có Tây Thi, mẫu tưởng
tượng thì có tiên nữ, Hằng Nga… Đều là lý tưởng. Nét đẹp chọn lọc quá, lý tưởng
quá thành ra xa vời như là những gì thiêng liêng, cao khiết để chiêm ngưỡng tôn
thờ hơn là để chiếm lĩnh, ôm giữ trong vòng tay mình.
Truyện
cổ Việt Nam cũng không thiếu mỹ nhân: Mỵ Nương, Mỵ Châu, Tiên Dung, cô Tấm,
nàng công chúa… Tiếc thay, truyện chỉ kể rằng những phụ nữ ấy rất đẹp còn đẹp thế
nào thì không nói. Người nghe ngầm hiểu, ngầm thừa nhận rồi tưởng tượng, hình
dung theo kiểu của mình. Trong truyện cổ, người ta chú ý tình tiết, cốt truyện,
thắt nút mở nút hơn là miêu tả.
Vẻ
đẹp của người phụ nữ trong ca dao - tục ngữ có tiêu chuẩn tiêng, khác với quan
niệm thẩm mĩ phong kiến. Mắt phụng mày ngài, mặt hoa da phấn… rất ít được nói tới.
Vẻ đẹp ở đây cụ thể hơn: mắt bồ câu, má lúm đồng tiền, mũi dọc dừa…”Đàn bà tốt
tóc thì sang”, “Răng đen rưng rức…” “Cổ tay em trắng như ngà - Con mắt em
liếc như là dao cau - Miệng cười như thể hoa ngâu - Cái khăn đội đầu như thể hoa
sen”
Có
thể nói “Mười thương” là bài ca dao tiêu biểu nhất ca ngợi
sắc đẹp nữ giới. Mười thương cũng là mười tiêu chuẩn thẩm định: “
1. Tóc bỏ đuôi gà
2. Ăn nói mặn mà có duyên
3. Má lúm đồng tiền
4. Răng lánh hạt huyền kém thua
5. Cổ yếm đeo bùa
6. Nón
thương quai tua dịu dàng
7. Nết ở khôn ngoan
8. Ăn nói lại càng
thêm xinh
9. Cô ở một mình
10. Con mắt có tình với ai”.
Đủ các tiêu chuẩn: đẹp tự nhiên, đẹp trang điểm, đẹp tính nết, hoàn cảnh đẹp… Vẻ đẹp người con
gái trong ca dao độc đáo, hồn nhiên, thuần phác, gần gũi và tràn đầy
nhựa sống, chỉ một chi tiết thôi cũng đã là một hấp lực làm đắm đuối giới mày
râu: “Vú em chum chúm chũm cau/ Cho anh bóp cái có đau anh đền”. Ối, được
thì đền cả người cả đời anh cũng chịu!.
Tuy
vậy, do quan niệm gần như chính thống trong dân gian là: “Xấu mặt chặt nồi”,
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”, “Cái nết đánh
chết cái đẹp” nên nội dung miêu tả nhan sắc người đẹp trong tục ngữ - ca dao
ít ỏi, đậm đà nhưng hiếm hoi. Nhiều khi, đề cập đến nhan sắc rồi hạ
thấp, phủ nhận để khẳng định tính tình hoặc chỉ xem nhan sắc dưới giác độ nhân
tướng học: siêng năng hay lười nhác, có khắc sát chồng con, đẻ ủm thế nào, nuôi
con tốt không… Và khi nói “duyên thầm”, “Người xấu duyên lặn vào
trong, Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài” thì các tiêu chuẩn về nhân
trắc trở nên mù mờ, tiêu chuẩn vẻ đẹp thiên về tâm lý chủ quan hơn là sinh lý cơ thể, ngoại hình khách quan. Và như vậy thì ai cũng có thể có duyên,
cũng “đẹp” cả.
Vẻ
đẹp người phụ nữ trong văn học cổ điển là để chiêm ngưỡng, làm cho con người
“tinh tấn” thêm, ngược lại, nét đẹp của các cô gái trong ca dao - tục ngữ gần
gũi hơn, có thể “cầm nắm” được. Người đẹp hiện ra độc đáo, hấp dẫn nhưng còn mờ
nhạt ít ỏi quá. Phải tìm đến kho tàng trường ca Tây Nguyên thì nhan
sắc người phụ nữ mới được chú ý miêu tả không kém gì công phu miêu tả sắc đẹp
các vị nữ thần hoặc giai nhân trong thần thoại hoặc anh hùng ca Hy lạp.
Hãy
chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nàng Bơra Tang (sau này là vợ của Xing Mưu) trong “Xing
Nhã”:
“Xing
Nhã nhìn Bơra Tang, thấy bắp chân dưới của nàng bẹ như khoai môn, bắp vế trắng
tựa ngà voi, bụng thon thon như bụng kiến vàng, ngực nàng nở hình nồi lở, đít trứng
chim, ngón tay múp tựa lông nhím. Mắt nàng sáng hơn sao Bắc Đẩu, bước đi nhịp
nhàng hơn voi đực mở ngà, hơn voi cái uốn vòi, khiến lòng Xing Nhã rạo rực yêu
thương”
Cái
đẹp tự nhiên, hồn hậu, khỏe khoắn. Tâm lý e ngại, giữ ý, chỉ dám liếc không dám
ngó nơi kín đáo bị vượt qua, ở đây cứ nhìn ngắm những chỗ ưa nhìn ưa ngắm, khỏi
phải kiêng khem cấm kị. Hãy chiêm ngưỡng tiếp vẻ đẹp của Bơra Tang:
“Nàng
mặc một cái váy hoa kơ-nam, váy hoa ê-máo, váy thêu hình con hươu, thêu hình thần
thánh đỏ rực. Mép trên tấm vải thêu hình ông sao, mép dưới thêu hình ông trăng,
hai bên gót chân nàng đeo lục lạc vàng…Toàn thân nàng đẹp hơn hình con cá măng
bơi lội. Nàng mặc áo đen hơ-ngâm, áo màu hạt gắm. Cổ đeo cườm vàng. Búi tóc gài
trâm đồng trâm bạc, bước đi của nàng mềm mại như voi dạo chơi”
“Người
đẹp vì lụa”, xống áo đẹp càng tôn nét vẻ con người. Vẻ đẹp đây vừa lí tưởng vừa
sinh động, nổi bật, sáng chói, tỏa sức sống thu hút người khác chiêm ngưỡng và
khát khao.
Một
chi tiết thôi cũng đủ thể hiện sức hấp dẫn của nàng Hơ-bia Bơ-lao (trong trường
ca Xing Nhã): “Búi tóc đen láy của nàng đẹp hơn trứng chim kơ-đơng rơi
trên cái lưng cong lá mía”. Liên tưởng so sánh cực kì sinh động, diễn tả vẻ
đẹp một cách độc đáo, xuất thần. Còn nàng Hơ-bia Sun (trong trường ca Đăm
Đi): “Nàng nằm ngủ như một chiếc nhẫn bạc rơi giữa chiếu hoa”. Sang quý,
nhẹ nhàng, êm ái biết bao, thanh nhã như một bức tranh tĩnh vật. Vẻ đẹp của
Hơ-bia Sun cũng làm cho Xing Mơ-nga thăng hoa, từ chỗ chỉ biết “ngửi hơi” đến
chỗ cảm nhận được hương ngọt: “Ơ em Hơ-bia Sun, ngửa mặt lên cho anh xem,
nghiêng má cho anh hôn. Anh hôn bắp vế thấy mùi cua, hôn ở bắp đùi thấy mùi cau
trầu. Anh hôn dưới cằm mới thấy mùi mật ong trên cây”.
“Học
trò trong Quảng ra thi - Thấy cô gái Huế chân đi không rời”. Cô gái Huế thế nào
mà làm khớp chân những chàng trai Quảng? Không rõ, cứ nghĩ cô gái Huế duyên
dáng là được. Nhưng duyên chỗ nào? Không rõ, tùy người nhìn cảm nhận lấy. Phải
chăng đây là sức tỏa của cái duyên bị lễ giáo nén, sức hút của nét duyên thầm.
Hèn chi người ta thường bảo gái Huế kín đáo nhưng mà gợi cảm.
Trở
lại trường ca Tây Nguyên. Sắc đẹp của các cô “gái góa” (gái tơ chưa chồng) níu
giữ làm cho Xing Mơ-nga mê mẩn đi lạc đoàn:
“Cô gái vùng dậy, lấy váy thêu hoa có tết tua mặc vào. Nàng
chải đầu, tóc đen như con rắn than, tóc dài chạm đến nhượng chân. Nàng búi tóc
tròn hơn trứng chim rừng, búi tóc nhỏ nàng cài trâm đồng, búi tóc to cài trâm bạc,
lấp lánh tai đeo hoa ngà voi, cổ đeo chuỗi cườm. Tiếng nói cười trong trẻo như
hoa nở ban mai. Thân hình nàng tròn trĩnh như vầng trăng mới mọc. Chân nàng bước
đi nhẹ nhàng, xinh đẹp làm sao.”
Các chi tiết đều tinh khôi, sinh động như đang diễn ra trước
mắt. Các vẻ đẹp được lựa chọn, quan sát và mô tả ở nhiều phương vị chứ không phải
chỉ có chính diện.
Có thể nói trong trường ca Tây Nguyên thì người đẹp Hơ Nhí (vợ
Đam San trong trường ca Đam San) là được miêu tả kỹ nhất:
“Tay trái nàng đeo một xuyến vàng, tay phải đeo một xuyến
kép, thân mình nàng óng ánh như một miếng thép trên cái khiên. Tóc nàng bới thấp
xuống gáy theo kiểu người Mơ-nông. Nửa mái tóc trên cột một sợi dây theo kiểu
người Ê-đê. Một làn tóc bay phất phơ như đuôi phượng. Hơ Nhí đi lại rất yểu điệu.
Tóc đều và chải kỹ, búi tóc trơn láng to hơn núp chiêng. Chiếc váy mỗi bước đi
phồng lên như gà mái xù lông để giữ con. Mỗi bước nàng đi nghe như
tiếng chim mơ-lang vỗ cánh bay. Mỗi bước đi váy tung gió làm cho trấu cám bay
lên.”
Người đẹp hiện ra rạng rỡ, phong phú, tỏa sang màu sắc và đường
nét, không phải khi ngồi trang điểm mà trong sinh hoạt tự nhiên bình thường.
“Cái váy ấy đen như mây, đen như hoa hơ-bê, lóng lánh như một
luồng ánh sáng, chói lọi như một chớp lòa. Dân làng loáng cả mắt. Búi tóc vấn
chặt như hoa kơ-nang. Nàng vấn tóc lên hơi cao. Một mái tóc thoát ra ngoài thả
xuống đến vai. Tóc nàng dài đến nỗi thả ra thì xuống tận đất như một thác nước
và che bóng rợp như một cây kơ-nia. Một cây trâm bạc cắm dọc, một cây trâm bạc
cắm ngang giữ cho búi tóc đứng im, gió bão cũng không chuyển. Nàng đủng đỉnh,
thân mình uyển chuyển như cành cây bơ lô sai quả, mềm dẻo như những cành trên đỉnh
cây, gió đưa đi đưa lại. Váy nàng dài đến nổi thân nàng bước đã xa mà váy còn
mãi đàng sau. Nàng đi đứng rất duyên dáng, ngực nhô ra đằng trước, bàn chân
nàng bỏ xuống đất thì cũng vừa lúc bước chân kia dở lên, ai cũng phải khen đẹp. Nàng đi như chim phương bay, như chim diều hâu lượn trên không, như nước chảy dưới
suối. Lúc nàng dừng lại hay ngồi xuống thì chẳng ai duyên dáng được như thế. Tiếng
nàng thánh thót đến tai ta rồi người nàng mới bước tới.”
Ở đây, là vợ Đam San, một tù trưởng hùng mạnh, người đẹp Hơ
Nhí xuất hiện trước đám đông khác chi một mệnh phụ đường đường, một nữ chủ của
núi rừng. Bút pháp khoa đại như nghi vệ để đón rước cung nghinh người đẹp. Vẻ đẹp
được quan sát miêu tả sống động, toát hồn lên từ những chi tiết làm cho mọi người
ngất ngây.
Chính những nhân vật (hóa thân của tác giả) trong trường ca
đã làm một cuộc thẩm định. Hơ Bhí (cũng là vợ Đam San) khen Hơ nhí đẹp bằng “hai
vườn hoa quả” - dùng cái nhiều, cái to lớn có tính số lượng để đánh giá, “đo” phẩm
chất. Đẹp thế nhưng khi so với những người đẹp khác thì Đam San thấy Hơ Âng (chị
của Đam San) đẹp hơn Hơ Nhí chừng “ba ngón tay”. So với Hơ Bhí (em Hơ Nhí,
vợ Đam San) với Hơ Âng thì thấy Hơ Bhí đẹp hơn chừng “ba ngón tay”. So Hơ
Bhí với Hơ Li (người yêu của Đam San) thì thấy Hơ Li đẹp hơn “ba ngón tay” -
dùng cái nhỏ, ít để so sánh mức xấp xỉ, chênh lệch không nhiều, lấy thô vụng để
biểu đạt sự tinh vi. Tưởng tượng, miêu tả sắc đẹp thì bay bổng nhưng thẩm định
nhiều ít, hơn kém thì vụng về, thô sơ và cũng chính đó là nét hồn nhiên của “thời
ấu thơ” nhân loại.
Có hai người đẹp là Hơ Nhí và Hơ Bhí làm vợ nhưng Đam San vẫn
chưa thỏa mãn khát khao sắc đẹp. Sống với hai nàng một thời gian, Đam San quyết
đi bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ lẽ. Nhan sắc nữ thần Mặt Trời thế
nào?
“Nữ thần Mặt Trời thay một cái váy mới. Thấy váy đó chưa đẹp
lại thay cái váy khác đẹp hơn. Váy nành nhấp nhánh như tia chớp sáng. Tóc nàng
chảy bóng che xuống hai tai. Nàng đi khỏi buồng và tới đâu thì chỗ ấy sáng lên.
Dáng nàng đi như chim diều bay, như chim phương hoàng liệng, như nước chảy êm đềm.
Lúc dừng lại, ngồi hay đứng, cũng đẹp không ai so tầy. Tiếng nàng nghe rõ mặc
dù người chưa thấy. Cổ nàng đẹp như cổ con công. Nàng là con của Trời
và Đất”.
Và rồi lời cầu hôn của Đam San bị nữ thần Mặt trời từ chối,
thất vọng, chàng trở về và bị lún ngập trong rừng U Minh Sun Y Rít.
Trong trường ca Tây Nguyên, người đẹp được miêu tả cao lộng,
sáng chói rực rỡ vừa gợi cảm, hấp dẫn, nồng ấm, thân thuộc. Người đẹp
là kết tinh, là biểu trưng sức sống của núi rừng, chim thú, hoa cỏ… Tất cả tinh
anh hòa quyện và tỏa sáng nơi người sơn nữ.
Người đẹp là hoa của đất trời, là nguồn gợi cảm cuộc sống và
văn chương. Hãy chiêm ngưỡng, ngây ngất, ngợi ca; bao nhiêu người đẹp là bấy
nhiêu kỳ công của tạo hóa.
Bút Nguyên Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét