Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Thông điệp về tình yêu trong ca khúc Trịnh Công Sơn

Thông điệp về tình yêu 
trong ca khúc Trịnh Công Sơn
Đề tài tình yêu, nhạc sĩ nào cũng viết. Nhưng ở người nhạc sĩ đặc biệt này, ông đã viết một tôn giáo về tình yêu. Không lặp lại, không giống người nào, nhất là ở một linh cảm, xuyên suốt các du ca của ông.
Cách ca ngợi, hay diễn tả tình yêu trong các bài ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, muốn hiểu thật sâu sắc, chúng ta làm thử bằng cách cách “lột vỏ” khái niệm yêu.
Chúng ta lột cái vỏ thứ nhất: đó là khi đang bị yêu, muốn yêu và được yêu. Cái vỏ thứ hai là đứng xa tình yêu, mất yêu, hết yêu, không còn được yêu, tình yêu mới đi xa.
Dành cho cái vỏ thứ nhất là nồng nàn, ân ái, thề thốt, chỉ có ta trên đời,...
Dành cho cái vỏ thứ hai là nhớ nhung, mê muội, ê chề, đau đớn, tiếc nuối, tuyệt vọng...
Lột cái vỏ thứ ba: thì hoặc nhiều người nói đến mờ nhạt hoặc không để ý đến. Nhưng ở Trịnh Công Sơn, ông đã lột cái vỏ thứ ba của tình yêu một cách có ý thức, làm cho định nghĩa về tình yêu mới trở thành hoàn chỉnh. Cái vỏ thứ ba là cái vỏ rất xa, rất lớn, như thiên hà xa xăm. Để từ đó, con người nhìn về và chiêm nghiệm: tình yêu là gì? Ở đây, con người sẽ hiểu đầy đủ chữ tình.
Phải hiểu triết lý cuộc đời một cách sâu sắc, và dùng kiến thức của nền văn hóa “là lối sống hưởng thụ cao nhất của đời người”, đó là Phật giáo, thì sẽ hiểu cách lột tả về tình yêu của Trịnh Công Sơn, mà những bài tình ca của ông vì thế, thấm sâu và đọng mãi lâu dài trong thế hệ này, và các thế hệ sau.
Tình yêu, là một cảm giác. Cảm giác này rất phức tạp và có nhiều lớp, nhiều tầng, nhiều ngoại vi, nội hàm, không đơn thuần như một phản xạ đơn. Cảm giác này là một dòng sông, từ nguồn ở một nơi không định rõ. Có thể do tiền kiếp, có thể do linh cảm tồn tụ, cộng hưởng trong quá trình thăng hoa, có thể những điện tích tự nhiên trong thiên hà quanh ta, có thể do những hình bóng đã khắc hằn sâu trên cơ thể con người, có thể do những nợ đời trong những mối quan hệ với mọi người trong thiên hà chúng ta,... Rồi chúng được năm giác quan chế biến, từ hấp thụ, đến từ chối, từ rung cảm đến tuyệt vọng,... đều do năm giác quan, cùng tác động một lúc với các dòng sông đang chảy. Gần gũi nhất, thấy rõ nhất là ở đôi mắt, rồi đôi môi, rồi đôi má làn da, rồi đến năm ngón tay, hình ảnh lung linh của tình yêu qua mắt, mùi thơm của tình yêu qua mũi, vị ngọt của tình yêu qua lưỡi môi...

Nhưng tình yêu cũng là một cái gì hoàn toàn không có gì, nếu dòng sông không còn chảy, và năm ngón tay thiên thần (tượng trưng cho năm giác quan) không còn tác động. Các hành động tự nhiên đó đều hoạt động cùng lúc với một con tim, một khối óc. Lúc nó hoạt động ta có thể biết và không biết; lúc nó không hoạt động, ta cũng có thể biết và không biết. Vậy, cái ý tưởng yêu đôi khi là ý tưởng bất chợt đến rồi bất chợt đi.
Tình yêu mà dễ điều khiển, thì không còn tình yêu nữa. Vì cái tính không thể đoán trước được của nó mà nó còn đẹp như ngày nay, còn là giấc mộng đi tìm kiếm của tất cả con người.
Trong lúc ta yêu, ta có tất cả, và chỉ có ta trên đời. Trong lúc không còn tình yêu, ta chỉ còn hố đen sâu thẳm của những điều hư vô bất tận.
Đi trong tình yêu, là rong ruổi đi trong hai chiều của hy vọng và tuyệt vọng. Tuy không bao giờ đạt được ở đỉnh cao nhất và thấp nhất, nhưng đi tìm tình yêu chỉ là cuộc đi vòng loanh quanh cuộc đời. Hay đi trong hai thái cực: yêu và không yêu. Khi yêu, giữ mình để không phạm vào thái cực, nếu yêu điên cuồng quá sẽ rơi nhanh vào vực sâu. Nhưng như thế nào là điên cuồng? Hoàn toàn không thể xác định được. Chỉ khi nào có cảm giác mất, thì biết mất mà thôi, như thế nào là điên cuồng thì không xác định được. Khi tuyệt vọng, vì sợ nên gần tuyệt vọng thì con người lại ngoắc ngoải treo lên bờ hố định mệnh để van xin quỳ lạy. Hoặc do một sự huyền diệu, con người bỗng thanh thản nhẹ nhàng như được tái sinh. Đó là hiệu ứng của sự gần va chạm vào tuyệt vọng.
Có thái cực này, để có thái cực kia. Có hai đầu giới hạn, để con người vật lộn trong đó để tìm chữ tình cho mình. Cho nên, điều thánh thiện tự nhiên là có một tình yêu trong một khoảng khắc cho ta và lấy mất của ta, trong khoảnh khắc có tình yêu và không có tình yêu, được yêu và phản bội, gần gũi và hư không,... Vì vậy, Trịnh Công Sơn mới viết: 
“Nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ”.
Lột tả hai chiều như vậy chỉ có ở trong Trịnh Công Sơn, mới là cách diễn tả đúng nhất tình yêu.
Lột tình yêu ở cái vỏ thứ ba là đem tình yêu hóa thân vào tự nhiên, coi em là nguyệt (“Nguyệt ca”), coi em là tình yêu (em không còn da thịt nữa!), như vậy, em là không khí, em là đá sỏi, em là bia đá, em là hạt bụi. Như vậy, tình yêu càng ngày càng đi xa máu thịt, đi xa nhục dục.
Làm cho con người không cần có em ở gần, mà con người vẫn yêu thương nồng nàn được.
Như vậy, tình yêu, khi thăng hoa, nói ở khía cạnh nào đó là vô sinh. Nhưng xưa nay, tình yêu được định nghĩa là hữu sinh vì muôn thuở con người cho rằng, sinh lý là mũ miện của tình yêu.
Đó là nghịch lý trong tư tưởng về tình yêu của Trịnh Công Sơn.
Nhưng khi tình yêu được hiện thân và hóa thân vào thiên nhiên, thì con người yêu thiết tha hơn, nồng nàn hơn, vụ lợi bớt dần, hy sinh trở thành một đức tính đẹp nhất của tình yêu, làm con người thánh thiện hơn. Vậy nghịch lý này vẫn cần cho đời. Có nghĩa việc “tình yêu hoá” sẽ dẫn con người tới bế tắc, (ở chỗ chẳng biết tình yêu cho ta được cái gì), nếu ta không lượng được rằng mình được bao nhiêu, nhưng “vừa đủ” như thế nào, nó sẽ làm con người sống an bình hơn.
Một khi yêu em cũng như yêu một tia nắng, thì em cũng là mọi hư vô trong ta. Cho nên tình yêu ta cân bằng hơn, và em là điều cần thiết như mọi vật quanh ta, nhưng chẳng kiêu kỳ hơn bất cứ vật gì quanh ta. Vì nhìn thấy và không nhìn thấy, ta vẫn thấy tình yêu hiển hiện rõ trước mặt ta trong cuộc đời.
Giải quyết nghịch lý này, ta phải dùng văn hoá của đạo Phật mới nhìn rõ được mọi việc. Tình yêu, vốn là không, dù cho rằng nó là cảm giác hay là một cái gì cầm nắm được. Nó chỉ thuộc về con người (coi như cây cỏ không có tình yêu), vậy nó cũng thuộc về “khổ”. Có nghĩa nó thuộc về một sự “cố hữu, cố bám” vào con người. Vì nó không tồn tại vĩnh viễn, mà chỉ ở các dạng thay đổi liên tục, và nó cũng không ở riêng trong một cái ta (có nghĩa là ta chẳng tự mình lấy được một tình yêu cho mình). Tình yêu là một cảm giác làm cho con người luôn đi tìm, luôn chiếm đoạt nó về mình. Lòng tham làm cho con người luôn có cảm giác không bao giờ đủ. Lòng tham nhỏ thì làm mất thời gian để vào những việc khác, lòng tham lớn sẽ đi đến chiến tranh, huỷ diệt. Chỉ có sự tôn vinh tình yêu, làm cho nó trở thành nhẹ nhàng, thì tình yêu sẽ đến, tình yêu sẽ ở mãi trong ta. Không có tình yêu ích kỷ (Trịnh Công Sơn nói khi ta yêu, biết đâu ở đâu đó có kẻ đang bất hạnh). Làm cho tình yêu vượt xa định nghĩa “sở hữu”, như một ngôi nhà, như một của quý ngọc ngà châu báu. Tình yêu như vậy, sẽ làm cho mọi tình yêu đều có giá trị như nhau, các người yêu và được yêu, không được yêu, không kiêu kỳ, không tự lợi, không kiêu căng, mà vui vẻ sống cùng trần gian, cùng mọi người, sinh linh, cây cỏ, vì ai cũng chỉ là một trong những số đó mà thôi.
Nói cho cùng, không thể nào bắt buộc mọi người, nhưng đạo lý sống đó không bắt người ta từ bỏ mọi thứ của ái tình, nhưng điều hòa, chỉnh lý cho con người sống và yêu tốt hơn, đúng hơn. Tình cảm này không khác xa gì với lòng từ bi. Có vậy, tình yêu sẽ còn được che chở trong muôn vàn thời khắc. Làm cho thế giới này sống vui trong hòa bình nhân ái, đó là cái nôi màu mỡ cho những mối tình cao thượng. Trong một xã hội không ích kỷ, con người nhường nhịn nhau, sống vì nhau, vì người khác,... thì chẳng còn mảnh đất nào dung dưỡng cho những sự giành giật, giết chóc nhau vì những cái lợi ích trước mắt, tầm thường. Vậy thì con người có vô vàn thời gian để sống mà yêu nhau, yêu hết cả mọi người, yêu hết cả mọi sinh linh.
Đó chính là một sự cao thượng mà chỉ ở Trịnh Công Sơn, người đã có công lớn đưa tình yêu vào cõi vĩnh hằng của sự bao bọc trong mọi tình yêu cao thượng nhất của con người trong mọi cõi thiên thu. Người đã có công định nghĩa tình yêu là một tình cảm ngang hàng và đều quan trọng như nhau trong các tình yêu khác, cần thiết, và chế ngự được nó, làm cho con người tâm hồn bao la rộng lớn hơn, làm cho con người yêu cuộc sống hơn, làm cho tình yêu đôi lứa sẽ cao thượng và rất xa vời những điều tầm thường nhỏ nhen của cuộc đời như dối trá, đê tiện, đớn hèn, lọc lừa, đểu cáng...
Cho nên, trong lời mở đầu giới thiệu những bài ca Trịnh Công Sơn - Khánh Ly [từ cuốn băng Ca khúc da vàng], có câu:
“Những bài ca của tôi là những bản tình ca không có hạnh phúc”. Nếu không có bài viết này, người ta khó có thể cho rằng: đã là tình yêu, tại sao lại không có hạnh phúc? Nghĩa đen, là cái ý nghĩa thứ nhất: tình ca của người nô lệ da vàng, ngồi trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ. Nghĩa chung là: tình yêu, dù đẹp dù hay bao nhiêu cũng không đem lại hạnh phúc, vì đều là việc tìm kiếm một hưởng thụ nào đó, gắn liền với sự ích kỷ con người. Trịnh Công Sơn đang mô tả các tình yêu, như xưa nay, mọi người hiểu một cách thông thường. Thì các tình yêu “thông thường” đó đều bất hạnh. Ông cũng chỉ ra cho chúng ta, tình yêu nào là tình yêu vĩnh hằng. Phải nhờ suy ngẫm, chiêm nghiệm của người nghe, (mà chỉ qua các ca từ, chúng ta chưa có thể cảm nhận được hết), chúng ta mới hiểu được cái thông điệp có một không hai này của ông.
Đó là việc bóc được cái vỏ thứ ba của tình yêu. Cho chúng ta được phép ghé mắt vào tâm hồn bao la của người nghệ sĩ, được nhìn rõ giọt lệ thiên thu. Giọt lệ đó, là sự đau đớn triền miên của nhiều kiếp người mất công đi tìm giá trị tuyệt đối của tình yêu cuộc sống. 
Phan Hoàng Sơn
Theo http://www.talawas.org/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...