Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Anh y nguyên châm đuốc tìm anh

Anh y nguyên châm đuốc tìm anh
(Đọc tập thơ Bờ nhân gian của Lê Kim Hạt,
NXB Hội Nhà văn, 2011) 

Trước hết, tôi thử làm một pháp thống kê thuần túy theo lối nhặt từ trong Bờ nhân gian của Lê Kim Hạt, đặng tìm ra những câu thơ lục bát mang dấu ấn cá nhân và cá tính của một ngòi bút. Và tôi cảm thấy yên tâm vì có “việc” để thực hiện phép thống kê này. Đó là những câu: Xác đò nằm chết bên sông/ Gió khô không khốc thổi bong lời nguyền; Sông quê nửa chảy nửa chờ/ Dòng sông dát sáng đôi bờ nhân gian; Chiều say ngượng chín chân mây/ Lồng bồng gánh một quãng ngày lên non; Đêm làng đom đóm sáng xanh/ Bay loanh quanh mãi mà thành ca dao; Tri âm vắng ở đâu rồi/ Để tôi và bóng cứ ngồi uống nhau; Song thưa lọt mảnh trăng gầy/ Bao nhiêu thương nhớ đổ đầy cách ngăn; Con đò chữa cả dòng sông/ Đàn có chữa cả cánh đồng quê ơi/ Nụ cười chữa cả mặt người/ Câu thơ chữa cả những lời dửng dưng; Cầm hai câu hát trên tay/ Tung lên làm một ánh ngày nhuộm xuân; Trăng tà cài dưới mái hiên/ Trời cho ta mượn chiếc liềm gặt sao…
Đấy là những câu thơ như thể được trải lòng mình ra mà viết. Có thể tìm thấy được ở đây khả năng quan sát, phát hiện kiểu Lê Kim Hạt mà ở trong đó đã ngầm tải nhiều ý tứ khác nhau. Có câu đọc lên thấy xa xót. Có câu đọc lên thấy nao lòng. Có câu đọc lên thấy cái tưởng chừng đã cũ lại được làm mới. Có câu đọc lên thấy nhiều người như được sẻ chia bởi một người. Có câu đọc lên thấy trĩu nặng. Có câu đọc lên thấy nhẹ cả người… Nhưng ôm trùm lên tất cả vẫn cái đích xuất phát, tạm gọi là sự thành tâm của một người thơ.
Viết đến đây, tự dưng tôi lại nhớ đến một đoạn trong Luận ngữ (trích từ Tứ thư). Nguyên văn như sau: “Khổng Tử đọc lên bốn câu thơ: Cây đường đệ đơm hoa/ Nhởn nhơ đung đưa rối lại khép/ Anh đâu không nghĩ đến em/ Chỉ vì nhà em ở xa quá. Dứt lời, Khổng Tử liền bình luận: Vậy là chẳng nhớ gì đâu. Nếu như nhớ thật thì có gì là xa”. Trong lời bình (cũng lấy ở Luận ngữ trích từ Tứ thư) có đoạn: “Câu thơ trên là một câu tỏ tình những xảo ngôn và không thành thật. Trai gái yêu nhau thì làm gì có khoảng cách không gian và thời gian”.
Nêu dẫn chứng này để thấy: Đối với bất kỳ nhà thơ nào khi làm thơ, sự thành tâm quan trọng đến mức nào.
Cũng có người cho rằng Lê Kim Hạt chỉ có thơ lục bát và đề tài thường trực trong thơ ông chỉ vào ra ở mấy con sông. Nhưng khi đọc Bờ nhân gian, tôi không tin Lê Kim Hạt chỉ có vậy. Nói theo một cách khác: Ngoài Lê Kim Hạt của lục bát và những dòng sông còn có một Lê Kim Hạt của nhiều cái khác đáng nhớ nữa.
Đây là những câu thơ ấn tượng ở những thể thơ khác: Cái đã biết khóc điều chưa biết; Cho hy vọng phập phồng ở trọ; Trăm cuộc tiễn đưa đón một cuộc trở về; Chẳng biết khi nào ta đã quên tên quên tuổi; Địu câu thơ đói lả cuộc hành trình… Đó là những chữ lạ lóe lên, được đặt vào đúng chỗ, đúng lúc: Gió mai phục triền sông; Gió quả phụ dắt làn mây trắng; Trôi hoang mang khi chạm phải xác ngày… Những câu thơ mang tâm trạng u hoài, tiếc nuối một thời đã qua, cũng không thiếu: Ngày xưa ơi sao mà đau đáu thế/ Đêm trăng thề vằng vặc mãi bờ đê; Ta thèm có được ngày xưa/ Mời nhau một bát canh cua qua rào…
Tôi dám chắc cái vệt “nuối tiếc quá khứ” được nhấn mạnh ít nhất ở 2 bài: Viết ở cổng làng và Nghịch lý hẹp. Tôi dám chắc cái nỗi lo văn minh tấn công văn hóa và cái tình cảm cố hữu không dễ đổi thay đã trở thành điểm xuất phát của 2 thi phẩm này.
Đây là nguyên văn bài Viết ở cổng làng: Đã có lần tôi chạy khỏi tôi/ Càng cố thoát lại càng mình đến thế/ Cái cổng làng như một lời tuyên thệ/ Xa lắc xa lơ vẫn nhớ chốn mà về.
Đây là những câu trích từ Nghịch lý hẹp: Công nghiệp cho tuổi già, công nghiệp của trẻ hơn/ Công nghiệp ngủ, công nghiệp ăn, quyền uy công nghiệp…/ Chọn đứng ở đâu/ Giữa dòng nước xiết/ Không thể hợp lưu cho mỗi mong chờ… Rồi cũng trong văn cảnh ấy mà tác giả bật ra những câu khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ: Ta như khói vật vờ/ Trong ẩm ướt/ Không còn chỗ ráo khô/ Để lòng nhóm lửa…
Thì ra cái tâm lý “Có đất nào như đất ấy không/ Phố phường tiếp giáp với bờ sống” của cụ Tú Xương thuở nào vẫn còn ám ảnh nhiều người. trong đó có Lê Kim Hạt, đến tận hôm nay. Và cũng xuất phát từ tâm lý này mà cái phần quá khứ đáng yêu, quá khứ trong suốt của Lê Kim Hạt, vẫn còn có đất sống.
Sau chót, đọc Bờ nhân gian tôi càng hiểu thêm thơ và con người thơ Lê Kim Hạt. Tất nhiên ông không chỉ có thế, mà còn Chợt náo nức bước chân ký ức/ Rửa mặt vào tinh sương cho mát mẻ tâm hồn. Và chỉ cần từ phép thống kê thuần túy thôi, đã thấy một Lê Kim Hạt vẫn Anh y nguyên châm đuốc tìm anh.
 Lê Huy Giang
Theo http://vhnt.ttcntt.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ một trang văn Trang Thế Hy

Từ một trang văn Trang Thế Hy “Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn...