Cõi yêu thương đan rộng nối dài
(Đọc tập thơ Cõi vắng của Lê Kim Hạt,
Cõi vắng, gồm 41 bài thơ, của người thơ bước vào tuổi
“Thất thập cổ lai hy”, nhà thơ Lê Kim Hạt (NXB Hội Nhà văn, 2012). Tôi đã đọc
tập thơ trước của anh, Bờ nhân gian và bây giờ là một Cõi vắng.
Thực ra vẫn là một “nhân gian” của Lê Kim Hạt, nhìn ở các góc cụ thể, trong
những hoàn cảnh khác nhau mà thôi. Đó là cõi của người đã trải nghiệm cả đời
người, giờ đây trước tuổi điền viên, cái góc quê điền viên, như gió cuối làn,
như cây cuối vụ, nghe hoang lieu, hiu quạnh làm sao:
“Vườn vài cây cau
Vóng vót
Chỉ hoa không quả
Tủi nhành
Sân không trẻ rêu xanh ngơ ngắt
Hai nửa già xiêu vẹo mắc vào nhau”.
(Cõi vắng)
Nếu ở Bờ nhân gian, thấy một Lê Kim Hạt đăm đắm
niềm quê, cái niềm quê Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc bên dòng sông Phan
nhiều kỷ niệm, nhiều giăng níu, nhiều câu thơ thảng thốt thi sĩ của anh về dòng
sông, con đò, những người nông dân áo vải nắng gió, trên cánh đồng tần tảo thì
ở Cõi vắng, vẫn trên nền cảm hứng về những nỗi người, là cái nhìn nhân văn
giãi bày về những miền thân thuộc, nhiều trải nghiệm và thương nhớ của anh,
nhưng biên độ cảm xúc và suy tư dường như đã chuyển nhịp, sang một cung bậc thi
cảm, ít nhiều đã có sự vận động, thể hiện ở cá mối quan tâm khác so với những
gì anh bộc bạch trong những tập thơ trước. Nó không chỉ còn là: “Chum
tương vẫn đợi nón mê/ Dây hoa muống tím lê thê ao nhà” nữa, mà thời gian,
cuộc sống xô bồ nhiều biến trải ở chốn quê làng đã khác lắm rồi: “Cỏ may mọc
rất tinh ranh/ Giàu đâu chưa biết đành hanh thì nhiều/ Lời điêu cũng đến là
điêu/ Xót câu bầu bí nhiễu điều giá gương” (Lục bát chuyển mùa). Đây là
một lời cảnh tỉnh về những biễn đổi ở nông thôn, nhưng là cái biến đổi làm thay
đổi nét đẹp truyền thống văn hóa làng, vốn được coi là những giá trị nhân văn
thì mới đáng lo âu, bận lòng đến thế nào.
Dẫu vậy, cuộc đấu tranh, vật lộn để khẳng định những
giá trị tinh thần, những giá trị người và những gì còn lại, làm nên tâm thế quê
làng vững chãi bao đời, mà có lẽ sẽ còn trường tồn, đã được Lê Kim Hạt “phiên
dịch” lại: “Muôn năm cỏ sao thành lúa nước/ Tổ tiên ta dựng lên hồn cốt
làng/ làng có thật, chuyện làng không cổ tích/ ngôn ngữ ca dao nắng mưa phiên
dịch/ lam lũ tháng năm vẫn rích rắc kéo đàn…/ có lẽ thế mà nên can đảm/ dìu ta
qua mọi cám dỗ chắn đường” (Không thể khác).
Ở đó, mối băn khoăn về quê hương, ruộng đồng ngày càng
co hẹp, thương cả cánh cò không còn bến đỗ; thực ra là mượn cánh cò mà nuối
tiếc những mùa xua. Bây giờ, mùa như bức tranh vẽ nháp nham nhở, phố đã mò vào
làng, tất nhiên làm sao cưỡng được, nhưng nó là duyên cớ để ông bày tỏ niềm cảm
thong canh cánh của mình: “Đã lâu sông bặt bóng đò/ đồng co hẹp cánh cò
đành phiêu bạt/ mùa màng như bức tranh vẽ nháp/ sắc phố phường duệch doạc mắt
trẻ con (Mơ va thức). Những biến đổi đến chóng mặt, nó không chỉ là “đồng
co hẹp cánh cò đành phiêu bạt” mà nó xáo trộn, “tốc hành” vào thẳng đời sống
văn hóa, đời sống tinh thần của làng quê: “Nào diễn văn “tiếp thị” hát say
sưa/ nào ngôn ngữ “a còng” ngọt tai thời mở cửa/ đem “quốc doanh” ca dạo tục
ngữ/chẳng ngạc nhiên khi “chứng khoán” hiền tài. (Ghi chép bên lề). Nhắc những
sự kiện như khoét sâu nuối tiếc. Sao không nuối tiếc khi ngay cả người yêu
thương của mình cũng không còn nhận ra, vì gương mặt em, hình hài em giờ cũng
quá khác xưa nhờ mỹ viện đã mon men về: “Ta ôm em hay ôm mỹ viện/ ngước
mắt lên rụng thuở cánh chuồn”(Mỹ viện). Cánh chuồn tuổi thơ, cánh chuồn yên ả
của làng quê, có thế biến mất trước bão gió thời thế như thế chăng?
Nhưng dù sao, vẫn còn đây cái đẹp muôn thuở, và cũng
là ký ức là khát vọng của nông thôn: “Chim rửa giọng tiếng trong trẻo quá/ Sương
mỏng tang nép ở sau nhà/ Ngọn gió thức giật mình ngơ ngẩn lá/ nắng lên đồng mớm
nụ giục hoa” (Viết lúc ban mai). Vẫn còn đây những: “Chiều vàng lưng
lửng chân mây/ cánh chim vẽ nửa nét ngày vào đêm” (Lục bát xuống dòng), mà thời
gian chưa thể cưỡng đoạt mang đi.
Vẫn còn đây một trung du, với cái nhìn ngộ nghĩnh về những viên sỏi, hay chính là cái nhìn về tuổi thơ, kỷ niệm tuổi thơ bất biến, nhưng những đứa trẻ ngày ấy thì đã vơi dần trên thế gian, càng làm cho Cõi vắng của ông thêm trống vắng làm sao: “Ta quê đồi/ bạn bè cùng sỏi/ gái chơi ô ăn quan/ trai lấy sỏi làm đạn súng cao su…/ đêm hoang hoảng nồng khê/ lem luốc sỏi ngủ ngon trong túi áo túi quần”. Và bây giờ: “Những đứa trẻ xưa/ giờ đã thưa dần”. Chỉ “lũ sỏi đồi mồ côi bây giờ vẫn lông bông/ không nhà không cửa/ không già/ không lớn” (Với sỏi). Và những gốc quê làng luôn vẳng trong tâm hồn thi sĩ Lê Kim Hạt như một góc yên ả “nghỉ dưỡng” tâm hồn cảu người thơ ấy: “Dìu dịu hương vườn dâng vô cớ/ Lúa vào mây bổng cong gọng vớ/ điệu dân ca yên ả sang đò” (Thu cảm).
Vẫn còn đây một trung du, với cái nhìn ngộ nghĩnh về những viên sỏi, hay chính là cái nhìn về tuổi thơ, kỷ niệm tuổi thơ bất biến, nhưng những đứa trẻ ngày ấy thì đã vơi dần trên thế gian, càng làm cho Cõi vắng của ông thêm trống vắng làm sao: “Ta quê đồi/ bạn bè cùng sỏi/ gái chơi ô ăn quan/ trai lấy sỏi làm đạn súng cao su…/ đêm hoang hoảng nồng khê/ lem luốc sỏi ngủ ngon trong túi áo túi quần”. Và bây giờ: “Những đứa trẻ xưa/ giờ đã thưa dần”. Chỉ “lũ sỏi đồi mồ côi bây giờ vẫn lông bông/ không nhà không cửa/ không già/ không lớn” (Với sỏi). Và những gốc quê làng luôn vẳng trong tâm hồn thi sĩ Lê Kim Hạt như một góc yên ả “nghỉ dưỡng” tâm hồn cảu người thơ ấy: “Dìu dịu hương vườn dâng vô cớ/ Lúa vào mây bổng cong gọng vớ/ điệu dân ca yên ả sang đò” (Thu cảm).
Cõi vắng của Lê Kim Hạt là cõi trầm tư, băn khoăn niềm
riêng của những tâm sự về cội rễ quê làng, về con người sống với nhau ra sao
trước một thực tế nông thôn nhiều xáo trộn, nhiều lo âu, bằng một tâm hồn đa
cảm và cả nghĩ. Cả những vẻ đẹp luôn thức thỏm trong tâm hồn ông, nhắc ta không
thể quên cái đẹp của nhân tình thế thái, cái đẹp bình dị, mộc mạc mà cũng mượt
mà nhân nghĩa của quê hương. Ngoài cảm hứng tập trung là những mảng đời sống
quê xuyên suốt trong thơ ông từ nhiều tập thơ trước, ở tập thơ này, ông còn
viết về tình thầy trò, trong Bài giảng cuối cùng thật xúc động: “Mắt thầy sương
khói dâng gầy/ bàn tay giơ nắm bàn tay từng trò/ Một đời sông một bóng đò/ Bao
nhiêu nhân nghĩa qua bờ nhân gian!”. Hay ông viết về những hạt cát Trường
Sa, dù nhỏ nhoi, cũng là máu, là hồn Tổ quốc, trụ vững nơi miền biên hải…
Đó là tâm thế của một hồn thơ luôn khao khát, trải
lòng mình bằng: “Những yêu thương đan rộng nối dài/ cúc vàng vẫn ngóng mùa
hoa cải”. Ta hy vọng Cõi vắng của ông vẫn đan rộng nối dài cho những mùa hoa
nhân nghĩa còn nở về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét