Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Lâm Quý người và thơ

Lâm Quý người và thơ
LÂM QUÝ
Họ và tên khai sinh: Lâm Văn Quý
Sinh năm 1947
Mất năm 2007
Quê quán: Xã Quang Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1993)
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc
- Tác phẩm chính đã xuất bản:
* Hát về nguồn (Thơ in chung, 1980)
* Núi mọc trong mặt gương (Thơ in chung, 1981)
* Điều có thật từ câu dân ca (Thơ, 1990)
* Kó Lau Slam (Truyện tình thơ, 1991)
* Tình thơ Cao Lan (Thơ, 1997)
* Truyện cổ Cao Lan (Chung tác giả, 1982)
* Truyện cổ Sán Chay (Sưu tầm, 2001)
* Chàng út của ông mặt trời (Truyện ghơ, 1995)
* Cô gái nghèo và chàng Tiên Lợn (Sưu tầm, 2001)
* Truyện Sưu và Mốc (Truyện thiếu nhi, 2002)
* Xịnh ca Cao Lan (Dịch thơ dân gian cổ, song ngữ, 2003)
* Văn hóa Cao Lan (Nghiên cứu, sưu tầm, 2004)
* Văn hóa các dân tộc Vĩnh Phúc (Nghiên cứu sưu tầm, 2005)
* Cái lều nương (Tập truyện ngắn, 2006)
* Hoa đỏ lửa (Thơ, 2007)
- Giải thưởng văn học:          
* Giải Nhì thơ, Giải thưởng Văn học Hùng Vương - Vĩnh Phú, 1991
* Giải Nhất thơ tỉnh Yên Bái, 1997
* Giải B thơ Báo Văn nghệ - đề tài dân số kế hoạch hóa gia đình, 1995
* Giải B văn tỉnh Yên Bái, 2000
* Giải B văn tỉnh Vĩnh Phúc, 2006
- Suy nghĩ về nghề văn:
Văn là sáng tạo ra con người chân chính, làm đẹp cho con người chân chính, đồng thời cũng là liều thuốc chữa cho con người chưa đẹp. Mẹ tôi - một bà lang mế dân tộc Cao Lan suốt đời đi thu hái những cây tầm gửi về nấu cao. Thứ cao lá màu xanh đậm gọi là cao Péc dịch nghĩa là chữa được bách bệnh. Mẹ tôi bảo: Con muốn làm được thơ hay, hãy học cách nấu cao của mẹ. Tôi đã đi đến nhiều miền quê đất nước, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc… và “hái” được những lời nói đẹp về “nấu cao” sáng tác ra những tác phẩm văn thơ là thứ Cao ngôn ngữ. Ai muốn khỏe người chỉ việc cho chất “cao ấy” vào ngâm rượu nhâm nhi rồi sẽ thấy khỏe người và đẹp lên.
LÂM QUÝ NGƯỜI VÀ THƠ 
Tôi từng uống rượu với Lâm Quý từ những ngày gặp anh ở Vĩnh Yên. Quý uống rượu giỏi, vừa uống vừa đọc thơ và thường là thơ của mình. Thường các nhà thơ người dân tộc thiểu số, thơ có lối ví von khá ngộ nghĩnh và sinh động. Lâm Quý cũng có những câu thơ như thế.
Lối nói đầy hình ảnh cũng là sở trường trong
“Tình thơ Cao Lan”:
Tiếng hát em khéo vặn chạc thừng
Vặn xoắn tình anh vào đấy
Chạc để buột trâu dưới gậm
Để buộc bò dưới sân
Nỡ buộc tình anh vào cột
Cột nhà em bằng lim
Trâu ghếch sừng là đổ
Cột nhà em bằng táu
Bò hẩy chân là xiêu
Cột tình em yêu yêu
Anh xoay bên này hẩy
Vòng bên kia anh du
Mà sao vẫn đứng dậy
Tiếng hát em khéo vặn chạc mây
Vặn xoắn tình anh vào đấy…
(Tình em đêm hát ví)
Lâm Quý không những yêu vẻ đẹp của dân tộc mình mà còn yêu thiên nhiên, thi ca, con người của những dân tộc khác. Anh yêu tiếng khèn của người H’Mông.
Con chim sau hè nó hát
Nhớ tiếng sáo anh
Em lấy cài khèn
Thổi lên bên bờ suối
Con cá dưới
Con chim trên cành
Nhìn xuống
Cá si ta gửi lời nhé
Đem ra sông ra biển
Tìm đến chỗ người yêu
Chim si ta nhờ mi
Ngậm tiếng khèn bay đi
Đến chỗ người yêu ta hót.
(Tiếng khèn bên bờ suối)
Anh nhắn nhủ cô gái Mơ - Nông đi hái măng chớ hái nhiều, để buôn làng còn nuôi tre cứng cáp, biến tre thành những cây chông chống quân Pháp xâm lược, giữ làng cùng với dân làng:
Ơ cô gái Mơ - Nông
Hái măng chớ hái nhiều em nhé
Lồ - ô đang vào mua sinh đẻ
Giúp những việc gần xa
Cây Lồ - ô chín nắng mười mưa
Cũng au đen như lưng cha lưng mẹ
Cũng cần cù nuôi con từ thuở bé
Ngày ngày mong con lớn lên
Thành ngọn chông, con là người du kích
Giữ buôn làng, giữ rừng Lồ - ô
Thành ngọn đuốc con là người đi trước
Soi đường cho bộ đội dân công
Vào mùa chiến dịch.
(Rừng Lồ - ô)
Anh ca ngợi Hnét, để đọc được thư chồng đã vui vẻ tình nguyện học cái chữ của Bác Hồ:
Đến mùa hoa Krinh
Chồng Hnét sẽ về
Đem quà vui miền Bắc
Và cả chữ Bác Hồ
Đựng đầy bao ý Đảng
… Đêm nằm nựng hôn con
Đặt thư chồng lên ngực
Chẳng biết chồng nói gì
Cái đầu nghe nhưng nhức
(Cứ nhờ người ta đọc
họ biết hết chồng mình).
Hôm sau buôn làng gặp
Hnét đi chợ về
Tay cầm hai cây bút
Quyển vở giấy trong ngực…
(Chuyện riêng của Hnét)
Lâm Quý còn là dịch giả biết đem dịch từ nguyên tác bản trường ca tình yêu cầu dân tộc mình để giới thiệu với bạn đọc. Kó Lauslam kể lại thân thế và sự nghiệp của nữ thần thơ ca người Cao Lan Lauslam, là truyện thơ dân gian đã được lưu truyền từ tổ tiên bao đời trước. Tiếng ca là nguồn sống, làm đẹp cả núi sông, hoa lá:
Người đăng gặt áo ấy
Hỏi lại bằng câu ca:
- Ngọn lá trôi từ đâu
Chòng chành đầy câu hát
Bông hoa trôi về đâu
Làm cả dòng sông đẹp
Nếu không chê hoa xấu
Mời ghé bến làng nghèo
Chẳng có gà mời rượu
Chẳng có cơm mời ăn
Chỉ giầu lòng mến khách…
Truyện thơ được dịch rất nhanh thoát tưởng như là người dịch cũng chính là tác giả. Đoạn tả ngày hội như còn sinh động, đầy hứng thú:
Nàng xuống núi cùng con gái nèm còn
Cùng con trai hát ví
Những quả còn tua xanh lại lượn trên mây
Quả còn tua vàng rơi xuống đất
Như đàn cú chao mồi
Bay đi bay lại
Như con chim cu vỗ cánh bay vút
Lao qua gầm trời đậu trên ngọn cây mai…
Nhà thơ Nguyễn Cảnh Tuấn nhận xét về Lâm Quý rất ưu ái:
“Tính tình ngay thẳng thật thà, cương trực. Am hiểu vốn văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình; là một thấy (trí thức dân tộc) được cấp sắc, nhiều uy tín với dân tộc Cao Lan. Ngôn ngữ thơ văn độc đáo, mang đậm nét màu sắc dân tộc. Cha là một trí thức người CaoLan, mẹ là người giỏi hát dân ca.
… Thơ Lâm Quý xét về đê tài, thể loại dẫu khác nhau, nhưng âm hưởng vốn dân ca, truyện cổ, truyện thơ của dân tộc Cao Lan đã tạo nên đứa con tinh thần của anh được tắm mát trong môi trường văn hóa thuần khiết riêng biệt”. (Dân tộc Cao Lan có nhà thơ Lâm Quý).
Tôi thì nhớ Lâm Quý với chiếc mũ nồi đội lệch, chiếc áo dân tộc, đôi khi miệng ngậm chiếc tẩu, khói thuốc bốc lên nghi ngút. Gặp tôi, lặng lẽ chào:
- Anh lại về quê đấy à?.
Ngô Văn Phú 
Theo http://vhnt.ttcntt.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện có thật trong gia đình tôi

Chuyện có thật trong gia đình tôi Má tôi phải nói là một người rất ghét chuyện đồng bóng, ma quỷ, bói toán... như vậy mà chuyện lại xảy ra...