Chất dân gian thấm đẫm trong
“Sức bền của đất”
(Trường ca Biển của Hữu Thỉnh
Trước khi nói đến chất dân gian, dân ca thấm đẫm với
những ưu điểm trong Sức bền của đất, ta hãy nghe nhà thơ Hữu Thỉnh có
đôi lời phi lộ ở đầu sách. Lời tác giả: Trường ca này tôi viết từ sau phút
đón giao thừa Tết Ất Mão 1975, tại một tiểu đoàn xe tăng, Lữ đoàn xe tăng 273
Anh hùng. Lúc đó, tiểu đoàn đang trong tư thế tấn công giải phóng thị xã Công
Tum trong chiến dịch Tây Nguyên 1975.Tôi viết một mạch hết đêm giao thừa, cả
ngày mồng một và đến quá nửa đêm hôm ấy thì xong. Tôi chép nó trong sổ tay và
mãi đến khi kết thúc chiến tranh (30-4-1975) mới giở ra xem lại và gửi dự cuộc
thi thơ 1975-1976 của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. May mắn
thay, Sức bền của đất vàChuyến đò đêm giáp ranh đã vinh dự được
trao giải A của cuộc thi này.
Qua lời giải thích trên, ta thấy Sức bền của
đất được viết rất nhanh. Với 5 chương (không có tựa đề ở mỗi chương), tất
cả có 530 câu thơ, chương 2 dài nhất (251 câu) mà chỉ viết một ngày, một đêm,
thêm nửa đêm nữa là xong (Tất nhiên sau này, trước khi in sách ông có sửa chữa
và viết thêm), nhưng như thế cũng có thể nói rằng, thơ đã chưng cất sẵn trong
ông như đập nước đang trữ nước và chỉ chờ khơi một cái là tuôn trào.
Thực vậy:
Anh nhớ em như cơn mưa tích nước
Cứ chực òa chỉ một cớ không đâu
Đất. Ở đâu cũng đất. Lữ đoàn xe tăng 273 trong tư thế
tấn công là đi trên đất. Nhưng sức bền của nó còn tiềm ẩn vững chãi oai hùng là
ở hướng khác nữa.
Mở đầu trường ca, tác giả viết:
Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ
Mẹ ở nhà đã cất áo bông?
Mẹ có ra bờ sông
Qua bến đò tiễn con dạo trước?
Đường xuống bến có mười sáu bậc
Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu…
Và, chỉ cách đó 19 câu, theo mạch vỉa cảm xúc này, tác
giả đã khắc họa rất rõ:
Mẹ là người chúng con thương nhớ nhất
Đất nước ngày có giặc
Mẹ vẫn đỏ miếng trầu
Ấm một vùng tin cậy phía sau.
Vùng tin cậy phía sau ấy chính là hậu phương hùng hậu!
Là mẹ, là em, là ruộng nương châu thổ. Bởi vậy, trong chương một (66 câu), đã
có 11 câu thơ nói về mẹ.
Ở trại sáng tác Tam Đảo năm 2010, Hữu Thỉnh lên thăm
và tổng kết trại, ông nói vui: đây là vùng đất rừng quê tôi, lúc nhỏ tôi đã
từng là “lâm tặc”. Ở vùng quê, ai mà chẳng thương mẹ đun nấu rạ rơm sáng, trưa,
chiều khói bụi mù mịt. Phải vào rừng kiếm củi thôi. Nhưng củi khô thì hiếm. Củi
tươi thì nặng gánh vác không được nhiều. Vậy phải chờ ngày nắng to, vào rừng
chọn cây dẻ, cây ngạnh tươi mà đốn hạ một vạt. Ba ngày sau vào tuốt lá, bó hai
bó củi khôn gánh về cho mẹ. Thế đấy. Từ “lâm tặc” là nói lũ cướp ngày tàn phá
bây giờ còn ngày trước làm gì có từ đó?
Từ mẹ, từ cây đa bến nước sân đình, từ cái nôi của hát
xoan, hát ghẹo. Bao kỷ niệm từ thuở nhỏ của ông với đồng đất quê hương, những
tối sân đình hát vui chơi cùng bạn. Lại được người mẹ giỏi hát đã gieo vào lòng
cậu con trai thông minh hoạt bát những lớp lang bài bản. Hát xoan, bước một:
Giáo trống, bước hai: Xuân cách - Thu cách, bước ba: Bỏ bộ - xin huê - đố chữ.
Hát ghẹo thì: Ví đặt trầu, Giọng sổng, Sang giọng, Ví tiễn chân. Và nhiều ngạn
ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao trữ tình đã nhập vào ông để bây giờ ông khéo
léo huy động hết vào trường ca Sức bền của đất.
Nhưng cái giỏi của người sáng tác là không hề bê
nguyên xi một câu xoan, câu xẩm, bỏ bộ, xin huê, đố chữ nào. Mà có thể chỉ là một
nét hư ảo thoán qua, một giai điệu, một bóng hình tưởng tượng thuở nào cho ông
phát triển những câu thơ, những đoạn thơ theo mạch cảm xúc những giọng của hát
ghẹo hay Bỏ bộ của hát xoan? v.v…
Cây vối đứng bờ ao, cặp thừng treo gác bếp
Bồ muối để dành vần cạnh bếp tro
Cái cối cái chày đếm nhịp nhỏ to
Bao truyền thuyết được kể ra từ đấy…
Hai chữ thủy chung đính ở góc khăn
Bớt chông chênh những ngày chờ đợi
Kim chỉ có đầu hoa thơm có cội
Bèo trôi lôi bến tiễn đưa nhau
Tre làm nhà ngâm ba năm mới vớt
Ớt cựa gà ba vụ mới cay
Trời có mưa có nắng
Giếng có cạn có đầy
Con gái ở bền không chê tấm vá
Con trai ở bền như đá muối dưa…
Con trai ở bền như đá muối dưa? Chỉ nghĩ về câu
thơ này ở đoạn thơ này đã thấm thía lắm. Muối dưa phải có nghề. Phải có tay
muối dưa. Chỉ thao tác sai một công đoạn thì dưa sẽ khú. Dưa khú là lo đi đổ
ngay không thì nó khắm lắm!
Thuở nhỏ, tôi đã thấy vú (mẹ) tôi muối dưa cải. Cải
Bắc, trong tôi gọi là cải bẹ, cành dày, lá to. Vú mua ở chợ Đồng Hới, đường xa,
gánh về đến nhà đã héo. Vú lột ra từng cánh, rửa sạch, cắt ngắn bằng hai đốt
lóng tay, để trên xảo thưa cho ráo nước. Vú nấu nước sôi, pha muối vừa phải.
Vớt bọt, lắng cặn bã. Nước vừa hẩm mới cho cải vào vại hình tròn. Tay vú nén
cho cải chặt xuống. Đặt lên tấm vỉ tre thưa đan lóng mốt. Và động tác cuối cùng
là đằn lên nó một hòn đá mồ côi. Nước dần dẫy lên ngập nửa hòn đá. Chừng hai
ngày, vắt dưa ăn đã giòn, đã ngon. Để thêm vài ngày nữa thì dưa vàng, chua và
bốc mùi thơm dưa. Dưa cải vàng và chua là đúng dưa chín. Từ nó, có thể chế biến
cùng với thịt, cá, tương đậu mà thành nhiều món ăn (cả chay và mặn) dân dã rất
ngon, rất Việt Nam! Tôi còn nhớ, dưa cũ chưa hết, vú đã nén vại khác. Một phần
ít dưa chua, vú dành nấu riêng cho thầy tôi thời chay. Còn hầu hết là nấu mặn
cho cả nhà và thợ cày, thợ gặt. Nhà tôi xưa nhiều ruộng. Nhưng trong nhà không
ai biết gì đến việc cày bừa nên vú tôi phải thuê tất. Thợ cày, thợ gặt họ rất
thích ăn cá mè kho dưa và canh dưa chua nấu cá tràu (cá quả). Dưa cải, rồi còn
dưa hành, dùng vào dịp lễ Tết truyền thống. Dưa cải bắp có thêm rau răm (hai
thứ đều thái chỉ).
Ở Nghệ - Tĩnh có muối cà (cà nghệ), còn muối xơ mít (gọi nhút) v.v… Tất cả các loại muối và mắm đều phải có tấm vỉ đan thưa và hòn đá đằn lên trên. Ồ, hóa ra hòn đá mồ côi lại bền, lại chung thủy lắm ru? Và qua hòn đá muối dưa cho ta thấy tác giả trường ca này mới thật “đáo để” và sắc sảo đến ngần nào!
Ở Nghệ - Tĩnh có muối cà (cà nghệ), còn muối xơ mít (gọi nhút) v.v… Tất cả các loại muối và mắm đều phải có tấm vỉ đan thưa và hòn đá đằn lên trên. Ồ, hóa ra hòn đá mồ côi lại bền, lại chung thủy lắm ru? Và qua hòn đá muối dưa cho ta thấy tác giả trường ca này mới thật “đáo để” và sắc sảo đến ngần nào!
Hai câu thơ:
Con gái ở bền không chê tấm vá
Con trai ở bền như đá muối dưa.
Nếu bạn đọc nào cần biết, thì theo tôi nên hỏi ông Hữu
Thỉnh lấy từ câu ca, tục ngữ hay từ câu xoan, câu xẩm nào ở quê ông mà giỏi đến
vậy?
Một trường ca dài thấm đẫm chất văn học dân gian,
nhưng ông chỉ lấy bốn câu cần thiết (có đóng dấu ngoặc) “Nàng về nuôi cái
cùng con”, “Mẹ tham khúc cá thu/ Gả con về biển mịt mù tăm tăm”, “Chim bay về
núi túi rồi” và mười câu hát đồng dao trẻ em: “Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt
đàn bà/ Phải tội đàn ông/ Cơm trắng như bông/ Gạo tiền như suối/ Bỏ mắm bỏ
muối/ Bỏ chuối hạt tiêu/ Bỏ niêu cứt gà/ Bỏ cho bà nào/ Bỏ cho bà
này”. Còn từ đầu chí cuối trường ca là ông tự tung tự tác mà nên chương.
Theo năm tháng sáng tác ghi trong văn bản của ba
trường ca, thì bản thảo đầu tiênSức bền của đất, viết trước Đường tới
thành phố hai năm, và viết trước Trường ca biểnsáu năm. Và bây giờ
bạn đọc được đọc một lúc cả tập (ba trường ca) thì dễ dàng nhận định, đánh giá
sức vóc trường ca Hữu Thỉnh. Riêng tôi, giá như tôi mới chỉ đọc Sức bền
của đất thôi, thì cũng đã thấy đã đời lắm, tin cậy lắm. Bởi không đầy bản
lĩnh, vốn sống dồi dào và tinh thông để công phá vào lĩnh vực văn học khó mà
vẫn thành công. Nói ngắn: Hữu Thỉnh có tài viết trường ca.
Quải lưới đương ngàn, trong hát xoan, hát ghẹo đều có
trò chơi bắt cá, thường tổ chức ở sân đình. Nam làm lưới, nữ làm cá. Khi bắt
được cá, theo nghĩa bóng bẩy là họ đã trao tình cho nhau. Nhưng bởi tổ chức vui
chơi nên dầu đã bắt được cá mà vẫn như là chưa có gì.
Một ví dụ (chương hai), tác giả còn hồn hậu hơn, trẻ
trung hơn và vui không kém gì trò chơi quải lưới (Sang giọng - Hát ghẹo):
Ta sang xóm Chùa
Giếng đông người tắm
Con gái con trai đàn ông đàn bà
Họ chỉ mặc buổi chiều cho đỡ vướng
Anh và em cùng nhau đến tắm
Đứng như khoai như sắn giữa đông người
Anh ngó em
Em cũng ngó anh
Như bức vách nhìn vào bức vách
Em chưa chúm cau
Anh chưa thóc mách
Em và anh bong bóng sinh đôi
Rồi em lớn lên
Biết thử yếm đào
Anh cũng lớn lên
Biết đo quần lá tọa…
Sợi chỉ bền từ cây tre cây trúc
Sợi chỉ bền từ cây sui cây gai…
Sông ta quăng lưới giặc đến đằng sông…
Tôi trích thơ nhiều bởi tôi cố ý, để bạn đọc xem ra
cách vận dụng câu chữ dân gian của người xưa có chỗ nào kháp ý, kháp chữ với
người viết bây giờ? Ở đoạn thơ trên, phía người lớn, Họ chỉ mặc buổi chiều
cho đỡ vướng, còn trẻ nhỏ thì, Em chưa chúm cau/ Anh chưa thóc
mách, thì vui quá là vui. Cả làng đêm tối kéo nhau tới tắm giếg làng (theo
tập quán không quần áo) mà chẳng ai để ý đến chuyện sex (như bây giờ) và bắt bẻ
gì được ở người viết. Họ chỉ mặc buổi chiều cho đỡ vướng, là tài
thơ và diễn quá khéo! Em chưa chúm cau/ Anh chưa thóc
mách/Đứng như khoai như sắn giữa đông người/ Như bức vách nhìn vào bức
vách… thì, tác giả là ông nhộn trẻ, ông hóm trẻ nên không có ai chê khuyết
chỗ nào!
Tuổi thơ quê nhà - Tình yêu -Chiến trận đan xen quay
cuồng trong người lính:
Mưa đựng hết trê tàu lá cọ
Trên trời có ông đùng bà đoàng
Làm sấm làm chớp
Dưới đất có anh và em
Lập một thiên đường không biết sợ
Chỗ ta đứng ngày xưa
Thành chỗ ngắm của pháo bầy bom chụp
Chúng nó chia ô bản đồ Tổ quốc
Tính suất bom cho mỗi con người…
Kẻ thù điên lên pháo chụp bom giờ
Trăng mười bảy lại vá lành bến gãy
Con gái lại lên rừng con trai xuống biển
Nghe tiếng súng biết nhau đang ở đâu…
Kẻ thù suốt ngày mong cho ta chết
Còn ta thì nhớ em và thương mẹ mòn đêm…
Và:
Có miếng cao nai không sao gửi được
Mẹ ta đã ngoài sáu mươi!
Truyền thuyết Thánh Gióng được tác giả chuyển sang sự
tích ông Khổng Lồ cũng rất hợp lý:
Hiện ra bước chân ông Khổng Lồ
Cơm gạo xềnh xoàng tình yêu quá cỡ
Bước chân ông Khổng Lồ thành giếng
thành ao
Con trai rửa mặt đánh trận xa nhà
Con gái gội đầu thành dâu hiếu thảo…
Rồi, dần hiện lên những vị anh hùng giữ nước chống
giặc ngoại xâm làm nên những trang sử ngời chói của dân tộc:
Sông ta quăng lưới giặc đến đằng sông
Núi ta lấy nâu giặc tràn qua núi
Ngô Quyền nhìn người dân binh
cuối cùng trước giáo gươm giặc tới
Người lệnh cho thủy triều đầu quân
Sai rừng gỗ lim trùng trùng làm cọc.
Trần Quốc Tuấn đại bản doanh trên nước
Kế đầu tiên là kế nhân hòa
Lệnh đầu tiên: người hiền không bỏ sót
Đại yến của Quang Trung chỉ cơm nắm
muối vừng
Yêu sĩ phu Bắc Hà không phải là một kế
Mà là luật tồn vong
Những danh tướng tra gươm vào vỏ
Huyền Trân công chúa ra đi một mình…
Tiếp đến:
Sau này người ta sẽ bới tro lật cỏ đi tìm
Giải thích nhiều từ cổ
Trọng điểm là gì?
Chốt là gì?
Hủy diệt là gì?
Khi ấy
Anh và em chẳng còn ai nhớ nữa
Bởi:
Ta đi từ đầu sông Lô tới cuối sông Thương
Từ thung lũng Sa Thầy ra sông Trường
trắngcát
Ta để lại Quán Hàu, Phà Hianh, Đường 20,
Đắc Tô, Ban Mê Thuột…
Nơi đói ăn mơ mộng sống quên đời!...
Thì ra, trong những cuộc chiến tranh vệ quốc ở tất cả mọi
thời, những người con của dân tộc Việt Nam ra trận đều coi cái chết nhẹ như
lông hồng!
Trường ca Sức bền của đất, dù tác giả không
đặt đề từng chương, chỉ là chữ số La mã I, II, III, IV, V, người đọc cũng có
thể biết. Ví dụ (Xin lỗi tác giả trước) chương I có thể là “Lên đường”,
bởi cuộc đưa tiễn của người mẹ xa con, con xa mẹ mới da diết làm sao:
Con không dám nhìn mẹ lâu
Mái chèo khua sóng đánh
Nước ngấn lưng đê sẫm lời mẹ dặn
Mùi trầu cay ấm hoài trên vai…
Để sang chương hai, Sức bền của đất là sự huy
động Tổng lực của hậu phương với tiền tuyến, người đi xa với người ở lại, sự
khốc liệt đạn bom ở chiến trường với lời xoan lời xẩm êm ả ở quê nhà. Tình mẹ
con, tình bạn bè, tình yêu được tác giả dựng lên một thế trận đại cục của cuộc
chiến tranh nhân dân (được trích nhiều thơ ở trên), thì đến chương ba là
chương “Đối kháng và sự nham hiểm của kẻ thù”.
Kẻ thù không ưng ta gọi anh, em
Đừng chú bác ông bà gì ráo
Muốn phá vỡ quê hương bền dai trong máu
Chúng nhổ làng đi dồn vô ấp tân sinh.
Kẻ thù thật là “chu đáo” với ta
Bày trăm kế đầu hàng và phản bội
Duy có điều chúng không sao hiểu nổi
Người đến chiến hào mỗi sáng lại đông thêm
Con đường tấy lên như một lời thề
Đất gọi ta
Làng gọi ta
Nóng bỏng
Vịn vào cây ven đường nhẵn bóng
Ngỡ như đồng đội đỡ ta lên
Phục kích bất ngờ bắn giặc xóc xâu
Đánh bộc phá theo đội hình cuốn chiếu
Đột kích xe tăng đập rắn trúng đầu
Mọi cách đánh đều lấy lời chỉ vẽ
Ở các chương, chương nào cũng khắc ghi vào tim người
lính là dù ở đâu cũng phải sống đúng, sống tốt với bạn bè, có người trên kẻ
dưới, mới hòa hợp mới làm nên công chuyện, để bước sang chương bốn là
chương “Hồi tưởng”, và, những kỷ niệm của người lính về quê hương bản
quán, về mẹ, về bạn bè trường lớp, về em lại càng thêm sâu nặng ân tình.
Còn bao sách chúng ta chưa đọc đến
Nhỡ hẹn liên miên với các giảng đường
Nhỡ hẹn với mưa phùn ải Bắc
Mai một cành thắt ruột kẻ tha hương
Nhỡ hẹn Chùa Thầy
Vặn nhỏ mặt trời để vào hang Cắc Cớ
Nhỡ hẹn Yên Tử, nhỡ hẹn Chùa Hương
Nhỡ hẹn Đền Hùng, chùa Tây Thiên,
chùa Độc Cước
Chưa đến Hội Lim
Thẫn thờ
Dải yếm
Chưa đi Hội Phủ Giầy, mê mẩn chầu văn…
Những ước mơ đẹp thế, mê ly thế nhưng quân thù trước
mặt, cả ở sau lưng
Có những thằng còn núp trong bóng tối
Thằng sống sót rình bắn anh sau gáy
Thằng viện binh gào đại bác tầm xa
Báng súng gãy,
Lưỡi lê quăn
Trong trận giáp lá cà
Giặc chạy rồi
Anh dựa vào gốc cây ô môi mà thở
Khốc liệt quá, giữa sự sống và cái chết đang nằm trong
gang tấc, nhưng khi tỉnh lại, người lính đã nhớ mẹ với ước mơ rất bình dị:
Sau cuộc chiến tranh này
Ta chỉ mang về một chiếc vỏ đạn
Làm cối giã trầu cho mẹ của ta.
Đến chương kết - tổng kết trận đánh. Thắng và bại,
được và mất, tác giả không khai triển gì thêm, chỉ gói gọn trong 39 câu là vừa
đủ ý và tứ cho một bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh vệ quốc, lập lại non
sông gấm vóc của đất nước Việt Nam thống nhất mà tác giả - nhà thơ Hữu Thỉnh là
người lính trong cuộc. Bởi thế, kẻ viết bài này cũng chỉ cần trích vài câu thơ
ở cuối bản trường ca là đủ ý và tứ cho một thứ …gọi là… “Cảm thức văn
chương”, vậy:
Chừng như là đã cuối cuộc chiến tranh
Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá
Anh không còn trẻ nữa
Những khẩu súng kia đã lớn tuổi rồi
Mộ bạn nhờ rừng thiêng giữ hộ
Bè bạn xanh rờn ngày nhập ngũ
Thành vô danh trên khắp địa bàn
Thành tướng lĩnh cầm quân trận cuối
Và:
Mùa xuân sẽ đến thay lời kết
Trong khói bụi tơi bời anh và em tong tả
tìm nhau
Ta chao chân trên những mảnh bờ
Lặng lẽ nhận sức bền của đất
Đạp cứ điểm lần theo từng dấu dép
Ta nhận ra màu bùn qua những cánh
đồng chiêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét