Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Một thời qua chợ Miêu Bông

Một thời qua chợ Miêu Bông
Chợ Miêu Bông nằm cách quê nội tôi một dòng sông nhỏ. Đây là một ngôi chợ ở vùng quê, nhưng có chút hơi thở thị thành, nhờ không cách xa thành phố Đà Nẵng bao nhiêu, và nhờ những chuyến xe đò ngược, xuôi vẫn thường dừng ngay trước chợ. Vào đầu thập niên năm mươi, tôi có hai người bà con, thím Diên và bác Hội Du, buôn bán ở ngôi chợ này.
Chợ đông mỗi ngày một buổi, từ tinh mơ kéo dài đến khoảng hai giờ chiều. Trong thời gian tôi sống ở quê nội, nhiều lúc tôi đã theo những người con của thím và bác tôi lang thang vào ngôi chợ. Thằng Tiên, anh Thoại, anh Lữ chiều nào cũng qua giúp hai bà mẹ thu cất hàng vào khi chợ sắp tan. Trong những lần làm cái đuôi như thế, tôi có dịp ngắm và nghe những sinh hoạt náo nhiệt của chợ búa. Dĩ nhiên sự hiện diện của tôi không phải lúc nào cũng rơi vào buổi chợ tan.
Hình ảnh, âm thanh có thể khác nhau chút ít, tùy thời điểm.Nhưng đặc điểm chung chung của một ngôi chợ làng quê, tôi nghĩ ở đâu cũng bao gồm cảnh hỗn tạp, ồn ào, luộm thuộm, bẩn thỉu, mùi hôi chen với mùi thơm… Riêng với ngôi chợ Miêu Bông, tuy không phải là ngôi chợ thứ nhất tôi được biết, được gặp, nhưng đây chính là ngôi chợ tôi lui tới nhiều nhất, quan sát nghe nhìn được nhiều nhất, và có thể dễ dàng lượm ra một vài kỷ niệm xinh xinh. Với chợ Miêu Bông, tôi không có cái ngơ ngáo như ở chợ Quán Rường, chợ Được…Tôi không có cái cảm giác đi tìm một bóng hồng như ở chợ Đông Ba, chợ Sông Vệ, chợ Tam Kỳ… Tôi không có những giây phút trống rỗng, đi tìm một cốc cà phê như ở chợ Quảng Ngãi, chợ Quán Lác, chợ Tăng Nhơn Phú… Tôi không có cái nhàn du, đi ngắm mọi người mua sắm như ở chợ Bến Thành, chợ Tăng Bạt Hổ… Tôi không có cái phút đi chọn mua hàng hóa, thức ăn như ở chợ Cồn, Chợ Vườn Hoa, chợ Hàn, chợ Tân Định… Tôi không có cái nao nao đứng chụp ảnh như ở chợ Hội An, chợ Vĩnh Điện, chợ Búng… Biết bao nhiêu là chợ tôi đã được ghé qua, nhưng đậu kín nhất trong lòng tôi vẫn là chợ Miêu Bông.
Để săm soi lại những kỷ niệm với ngôi chợ miền quê thân mến, tôi dặn mình hãy chậm rãi, vịn từng đầu mối nhớ tưởng để lần về, được chút nào hay chút ấy, đừng nghĩ quá mau, sống lại quá vội mà tay gõ không kịp, rối cả một đoạn đời.
Chợ Miêu Bông được dựng sát bên quốc lộ số một, trên đoạn đường từ cầu Đỏ, cầu Cẩm Lệ chạy vào Thanh Quýt, Vĩnh Điện, Hội An…Một nền đất sét nện, rộng già hơn nửa diện tích một cái sân vận động đúng tiêu chuẩn, đỡ một cái nhà lồng đứng vững chãi, trên nhiều trụ gỗ, mập, ốm không đều nhau. Đó là nóc chợ chính, trống hốc cả bốn mặt. Gió từ sông Liêm Lạc thổi lên. Bụi từ Quá Giáng tạt vào, tất cả tự nhiên, phơi phới. Một dòng nắng nghiêng, một dải mưa tạt, như phấn như son, càng làm cho nền đất bóng chắc. Trên cái nền đất mỗi ngày một ấm chân người ấy, được khéo léo sắp đặt những dãy sạp, hàng ngang, hàng dọc, có thứ tự tùy theo từng ô, mà điểm chuẩn thường là những gốc cột. Những khoảng trống làm lối đi lòng vòng, như một sợi dây dài buộc thân thiết các sạp lại với nhau. Không biết có phải đã có cuộc bốc thăm để chọn chỗ ngồi. Hay sự phân chia tùy thuộc vào mặt hàng bày bán. Nhưng dù dưới hình thức nào, trong lòng chợ đã có được một sự sắp đặt thứ tự và hình như ai cũng bằng lòng với vị trí của mình.
Cuộc mua bán như một trận đấu thể thao tích cực. Hàng hóa là vật chơi, như trái banh, con cờ… Hai đội chơi là những đối tượng trực tiếp ra giá, trả giá, và không thiếu những khán giả, góp ý, cổ vũ, động viên. Có lẽ sự so sánh việc buôn bán ở chợ với một cuộc chơi của tôi có phần khập khiễng, thiếu thuyết phục. Nhưng ngày ấy, quả thật tôi đã rất thú vị, khi được chứng kiến những cảnh mua bán tại ngôi chợ quê này.
– Cái áo này giá bao nhiêu đây chị?
– Năm đồng đó.
– Hả? Cái áo này có chi mô mà mắc rứa?
– Hàng hộp đó bà ơi, coi kỹ đi!
Cô bán hàng áo quần, nhìn thoáng người khách, đánh giá và mau miệng:
– Bà nhìn nề, không mắc đâu, hàng từ ngoài Hàn vô đó, còn nguyên trong hộp đây nề, hàng làm tận bên tây nhập về, không phải đồ lô đâu. Bà ngó kỹ cái nhãn coi.

Chị bán hàng vừa nói vừa chỉ vào chỗ hột nút cổ đã gài kín. Ngón tay chị ấn nhẹ trên mặt giấy gương trong suốt. Cái ngón tay không thon nhỏ, không sạm nắng của chị cử động nhẹ nhàng, như gãi lên tờ giấy gương. Chị đang suy tính chớp nhoáng để làm cách nào đưa cái áo hộp của chị vào lọt trong cái giỏ xách của người đang trực diện. Trong giây phút nghiêm trọng ấy, chắc chị quên hết mọi việc ở nhà, ở ngay sau lưng. Chị cảnh giác, tập trung để dứt điểm. Nhưng bà mua hàng có lẽ chỉ hỏi giá cho vui buổi đi chợ, nên mau mắn phủi tay bằng một câu hẹn cho có:
– Được, để tôi về dẫn con tôi lại, coi nó có ưng không cái đã.
Bà bỏ đi. Ở ngay bên cạnh đó. Giọng kêu với của một người bán vải:
– Thôi lại đây tôi bán mở hàng cho… hàng bombay của Chà và mà bán giá ni, thiệt là… để vốn làm quen với chị đó.
Rồi không kịp nghỉ hơi, bà hỏi luôn:
– Xé mấy thước?
Tầm nhìn của tôi không đậu lâu được ở bất cứ một hoạt cảnh nào. Tai nghe, mắt nhìn, mũi ngửi… tôi bỏ lạc cả thằng Tiên. Nhưng không sao, chỗ bán hàng của thím Diên tôi đã biết. Hàng của thím là hàng tạp hóa với cả trăm thứ lỉnh kỉnh. Từ xâu kim găm, hộp kim may, các cuộn chỉ, đến cả vở, viết học sinh. Rồi các thẩu kẹo ú, kẹo mè xửng, kẹo đậu phụng. Bánh in bọc giấy xanh, đỏ, vàng, trắng . Mấy thẩu ruợu trắng, rượu dầm thuốc bắc. Mấy chai bia lùn. Mấy chai nước chanh. Những cái đèn treo bốn mặt gương. Lược sưa, lược dày, lược cài tóc. Kính tròn bỏ túi. Kẹp giắt, kẹp bản dành cho con gái. Dầu cù là. Dầu Nhị Thiên Đường. Dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín. Thuốc Dán Con Rắn. Thuốc Tiêu Ban Lộ. Thuốc Ách bi rin. Thuốc Ga ni đăng, Anh Côn Đờ mân. Giấy vàng bạc. Hương thẻ, hưong khoanh. Đèn cày trắng đỏ số 1, số 2. Quạt giấy, quạt mo. Chổi chà, chổi lông gà…vân vân và đủ thứ, phong phú vô cùng. Cái thế giới ấy, cái sạp hàng ấy của thím Diên thật vui mắt, thật thu hút, tôi tưởng như đang sờ thấy và nắm chắc trong tay giọng nói trầm trầm của thím:
– Con ăn bánh gì không? Lấy kẹo đậu phụng cho anh ăn đi Tiên.
Tôi không qua chợ để ăn vặt. Nhưng nhiều lần tôi được ăn như thế, từ hàng thím Diên, từ hàng bác Hội Du. Bởi bác cũng có một giang sơn giống hệt như thím Diên. Thằng Tiên, anh Thoại, anh Lữ thường dựa vào tôi để ăn ké, dù quà bánh vốn là của gia đình họ.
Tôi đang đi lần ra hướng quốc lộ. Người mua kẻ bán vẫn chen chúc sát bên tôi. Chung quanh nóc chợ chính, rất nhiều chòi nhỏ với đủ loại mái, tranh, tôn, chen nhau ngó vào lòng chợ. Những người buôn gánh, bán bưng, ngồi, đứng, đi trong những khoảng trống họ thấy thích hợp. Trong đám này, tôi bắt gặp vài ba người có bộ tịch rất lạ. Khác hẳn với những người chung quanh. Họ vừa ngọng nghịu mời khách, vừa ngờ nghệch dòm quanh quẩn. Họ nói ít, quan sát nhiều. Thỉnh thoảng nắm giữ vành nón mình như sợ gió bay. Rồi có người vụt đứng dậy, nhanh nhẹn bưng cái rổ hàng nho nhỏ của mình, lách thật nhanh đi chỗ khác.
Tôi thấy có một người như vậy bị một ông nắm tay kéo lại. Tuy đứng không xa, nhưng cái ồn ào của một ngôi chợ đang đông, tôi không nghe được người đàn ông nói gi. Ông lên tay xuống ngón rồi xé một mẩu giấy màu xanh, cầm sẵn trên tay, dán lên nón người đàn bà vừa lách đi không kịp. Thì ra ông ta là người đi thu thuế chợ và người đàn bà kia chỉ là một người đi bán bất đắc dĩ. Ở nông thôn, nhiều gia đình tằn tiện, gà đẻ được vài chục trứng, không để ấp, không dám ăn mà mang ra chợ bán, để kiếm ít đồng mua thêm chút mắm, chút dầu. Hoặc vườn nhà ổi, chanh… thuận nắng vừa mưa sai quả, lại mang ra chợ. Cũng có trường hợp trong nhà có người đau ốm cần chút tiền mua thuốc thang, đành kiếm một cái gì để mang ra bán. Lợi tức từ những món hàng như thế thường chẳng đáng là bao, nếu phải bị đánh thuế, không còn gì xót lòng hơn. Tôi chưa hiểu biết gì về cuộc sống. Chưa biết ái ngại giùm ai. Nhưng rõ ràng tôi thấy mình không ưa người đàn ông thu thuế. Tò mò tôi lách theo ông xem thử ông còn chộp được ai nữa, trong khi trên nón những người quanh tôi đều đã có một miếng giấy nhỏ xanh hoặc đỏ.
Mùi cá tanh xông vào mũi, tôi định tháo lui khỏi khu vực bán cá. Nhưng tức thì, ngay sát chân tôi, bà già bán cá giở cái trẹt ra khỏi miệng một cái rổ có trét dầu rải. Tiếng cá quậy nước kéo đôi mắt tôi xuống. Một rổ lúc nhúc cá đồng. Tôi bắt gặp những con cá rô nghiêng nghiêng trên mặt nước. Vài cái mình cá diếc bạc trắng ngất ngư lật ngửa. Chắc chắn phải có cá tràu, cá ngạnh… nằm phía dưới, Không chừng có cả cá lia thia. Tôi nhón gót dòm cá quậy liên tục. Sợ cá nhảy ra ngoài, bà bán cá đậy lại rồi giở ra liên tục gây chú ý đến người mua. Tôi thất vọng không nhìn thấy con lia thia nào. Mùi “Giấy Một Đồng Vàng” chợt thơm lừng. Tôi sờ tay lên túi áo, còn nguyên. Trong khoảnh khắc, tôi nhớ rõ hình vẽ một người đàn ông, ở trần, đội nón, gánh một gánh dưa đầy trên tờ giấy bạc. Với tờ giấy nhỏ này, tôi mua được những con lia thia, nếu có.
Thằng Tiên, từ phía sau vỗ mạnh vào ngang hông tôi một cái cùng một tiếng “hù!” đi theo liền tiếng cười như nấc cụt của hắn. Tôi giật mình quay lại, tiện chân đá nhẹ vào ống quyển hắn. Thằng Tiên giả vờ qụi xuống rồi đứng vụt dậy nheo mắt làm trò. Tôi nhìn thằng em họ bé loắt choắt cười theo. Với cái đầu bự, tóc rễ tre, cắt ngắn, tia tỉa như một đám cỏ, thằng Tiên rất nghịch ngợm, ma lanh. Hai vành tai trên hơi xừng ra, rất ngộ nghĩnh. Mặt mày sáng sủa với cái miệng cười suốt ngày. Từ hôm tôi hồi cư, không ngày nào hắn không tìm tôi. Chỉ cho tôi nhiều trò chơi mới như bắn bi, búng dây thun… và thường kéo tôi qua chợ. Có lần, cũng ở chợ này, hắn mua cà rem cây rồi phỉnh tôi:
– Anh cắn mạnh vào, nhai thật mau kẻo kem chảy hết.
Mới ở núi về, đâu đã ăn cà rem bao giờ, tôi tê buốt cả răng, cả miệng lưỡi, ngấu nghiến cho mau hết cái cục nước đá ngọt dài thòng ấy, không thấy ngon lành gì cả, chỉ chực nhả ra, nhưng lại thấy tiếc của lạ, nuốt vội. Trong lúc mặt mày thằng Tiên tỉnh bơ. Hắn ngó chăm bẳm vào miệng tôi, và không ngớt hỏi:
– Ngon không, ngon không anh?
Khi tôi nuốt trôi miếng cắn cuối cùng, hắn mới vùng lên cười, bỏ chạy. Mãi đến vài ngày sau, tôi mới biết cách thưởng thức ăn cà-rem-cây, rõ là dân ở núi.
Chúng tôi đã rủ nhau ra ngoài bìa chợ, lân la đến gần một ông già xem bói. Thằng Tiên coi bộ rất khoái ông lão này. Đã nhiều lần, hắn ngồi chồm hổm dưới đất, ngó sững cái miệng ông ta nói khi có khách. Hôm ấy, ông thầy bói ngồi một mình trên một cái đòn gỗ thấp như thường lệ. Trước mặt ông là một cái chõng tre nhỏ. Bề dài chừng một thước. Bề ngang cỡ năm tấc. Bề cao độ ba tấc, thấp hơn cả hai cái đầu gối của chính ông ta. Năm sáu lá bài gồm đầm, già, bồi, ách với đủ mặt rô, cơ, bích, chuồn, được sắp một vòng cung trên mặt vạt giường. Số bài còn lại được úp mặt trong một cái chén nhỏ, có hình vẽ con gà trống trên vành chén. Một cây quạt giấy màu tím bầm, được xếp cẩn thận, đặt gần bên cái chén đựng bộ bài. Ông thầy bói đeo kính trắng trông rất đạo mạo. Ông mặc cái áo bà ba màu trắng, đã ố vàng, nhưng không rách. Những hột nút trên áo ông cũng đặc biệt.
Chúng như những hột cườm ngà ngà, to bằng cục gôm cây bút chì. Cái quần ông thầy bói mặc không đen hẳn mà cũng không nâu hẳn. Với tuổi chừng năm mươi, tôi thấy ông như một dân quân ở chiến khu hơn là một ông lão. Ông thầy bói cầm một cuốn sách gì đó trên tay. Thỉnh thoảng ông lật vài trang trong khi ánh mắt vẫn quét ra đường. Ông đang rình khách. Cặp môi ông chực cười nhiều lần nhưng hé không ra. Hình như ông chỉ quan tâm đến nét mặt những người đàn bà qua lại, chợt nhìn vào ông, vào cái chõng tre, thỉnh thoảng có vài con ruồi mỏi cánh đậu vài giây.
Tôi có cái tật nhìn cái gì cũng nhìn rất kỹ, dù ánh mắt tôi không để yên lâu trên bất cứ vật nào. Ông thầy bói chưa có khách. Cái nắng chín, mười giờ của tháng bảy đã bắt đầu hôi hổi. Chúng tôi xê dịch vào trong một chút, chạm một chòi bán đồ vàng mã. Tôi rất thú vị khi ngắm các hình tượng con ngựa, mũ, hia, quần, áo… làm bằng giấy ngũ sắc sặc sỡ. Hồi đó tôi chưa có trí khôn bao nhiêu và cũng chẳng có nguyên nhân nào để nghĩ đến chuyện sinh tử. Những nhu cầu vật chất của đời người sinh thời không có khả năng, chết rồi có được bù đắp? Không chỉ những gia đình khá giả mới sắm cho thân nhân khuất bóng những vật dụng tươm tất. Nhiều nhà chật vật vẫn một vài lần gồng mình, để tạo cơ hội cho những người mình thương yêu, tiếp tục nuôi ảo tưởng sẽ có một giai đoạn sung mãn, giai đoạn đó có thể ở trong cõi chết. Thật là quý.
Thằng Tiên không thích sạp hàng thợ mã. Hắn kéo tôi đi. Hai đứa rúc dọc, luồn ngang trong chợ. Có lúc lấn đụng người này kẻ kia nhưng chẳng ai phàn nàn. Lại ló ra bìa một phía khác. Đụng vào khu vực ăn uống. Những gánh thức ăn với đầy đủ thúng gióng đặt gần nhau. Gánh cháo lòng. Gánh bánh tráng hến. Gánh mì Quảng. Gánh đậu hũ. Gánh xu xoa… Rổ bánh nậm. Rổ bánh bột lọc bọc con tôm. Rổ bánh ít… phong phú thức ăn và dồi dào thực khách, phần đông là mấy bà. Chúng tôi sớm dội ngược xa khu này. Lảng vảng không khéo có người cho mình đi ngó miệng. Vòng tới, vòng lui, chúng tôi lại trở ra gần mặt lộ.
Từ vòng đai chợ, tôi nhìn qua bên kia đường. Một dãy nhà vách xây, có cái lợp ngói, có cái lợp tôn nằm liền vai nhau, dọc theo con đường nhựa xám xám. Tất cả các căn nhà này đều là những cửa hàng. Trong vóc dáng khang trang cao ráo, những mặt hàng hình như được chọn lọc, và chưng bày có phần sáng sủa hơn bên chợ chính. Tôi cũng nhìn thấy một tiệm hớt tóc đang có khách. Hình như ông thợ đang đè cứng đầu một thằng bé, trạc tuổi tôi, để cạo sau ót. Tiệm thuốc bắc đứng sát bên. Một người đàn ông đứng trước dãy thẩu gương, nhưng bị lấp từ bụng trở xuống vì một cái tủ dài đen thui. Ông ta cầm một cái cân thật nhỏ, mở một nắp thẩu. Một người đàn bà đứng nghiêng hông ra đường, đang theo dõi từng cử động của người đàn ông. Cạnh tiệm thuốc bắc là một quán ăn. Một chồng bánh tráng nướng, vài xâu bánh ú, treo ngay phía trên cái bàn nhỏ, đặt gần cửa ra vào. Không biết quán bán chính món gì. Tôi chưa thấy có khách vào.
Một chiếc xe đò, từ hướng cầu Đỏ, lịch xịch, ép sát lề, dừng ngay trước mặt quán ăn. Chú lơ xe bu phía sau đã nhảy xuống mặt đường. Chú không lo giúp những bạn hàng vội vã bưng thúng gióng xuống xe, mà không ngớt chào mời những con buôn, những hành khách đang từ trong chợ chạy vội ra. Một cái xe đò khác, ngược chiều, từ Thanh Quýt ra, dừng cách chỗ chúng tôi đứng một thước. Cảnh xuống xe, lên xe diễn ra giống hệt như cảnh vừa rồi. Nhanh chóng, ồn áo, như một đám ruồi đang đậu yên bị động bay vụt lên.
Chợ có phần đông hơn. Nhưng chợt lặng đi trong vài giây. Tôi không ngạc nhiên lâu, khi thấy một nhóm lính Tây từ đồn Quá Giáng kéo vào chợ. Lính Tây hay lính Quốc gia vào chợ Miêu Bông đã là chuyện thường, bởi vì đồn Quá Giáng cách chợ Miêu Bông chỉ chừng hơn năm trăm thước. Lính vào chợ có thể là đội hỏa vụ, đi mua thức ăn tươi. Hoặc cũng có thể là những người đi dạo chơi trong lúc chưa có công vụ. Dẫu là chuyện thường, nhưng chợ Miêu Bông luôn luôn dành một vài phút giật mình như vừa rồi. Nguyên nhân này có lẽ bắt nguồn từ ngày tôi chưa hồi cư.
Chuyện qua cũng chưa lâu lắm. Tôi nghe lóm nhiều người kể. Hồi đó ở đồn Quá Giáng, có một viên chức người Việt trong đội ngũ commando, ông được thăng đến chức quản. Và vì có tục danh là Chiếu, nên được mọi người gọi là Quản Chiếu. Theo lời đồn, ông Quản Chiếu là một thanh niên mặt mũi khôi ngô nhưng tính khí thất thường. Ông được người Pháp tin dùng vì sự tàn bạo độc đáo của ông. Ông thành danh mau chóng là một hung thần của nhiều làng thôn kế cận đồn Quá Giáng, trong đó có cả làng quê nội Liêm Lạc của tôi.
Đồn Quá Giáng nằm sát quốc lộ số một. Đây là một trong những chốt được người Pháp bố trí dọc theo quốc lộ. Ngoài nhiệm vụ giữ đường, đơn vị đồn trú ở đây còn có nhiệm vụ tảo thanh, lục soát, phát hiện và tiêu diệt những mầm mống phản động trong tầm địa bàn hoạt động. Doanh trại đồn Quá Giáng không rộng lắm, không kiên cố bao nhiêu, nhưng trong suốt mấy năm kháng chiến chống Pháp, hình như đồn này chưa lần nào bị tổn thất nặng.
Đồn gồm có doanh trại và lô cốt. Lô cốt (blackhaus), là một công sự được xây đúc bằng bê tông cốt sắt kiên cố. Bề dày và độ cứng phòng chống được nhiều loại đạn. Chung quanh có chừa nhiều lỗ châu mai để tác xạ. Doanh trại gồm một nhà ngói nhỏ và một dãy nhà tôn thấp, xây cất trên một vạt đất vốn là đất ruộng được đắp cao. Chung quanh khu vực được khai quang, để rộng tầm quan sát. Tất cả bản doanh này đều được nhiều lớp hàng rào kẽm gai bao bọc. Dĩ nhiên cùng với kẽm gai còn có những trái mìn, trái lựu đạn được gài đặt khéo léo. Cách đồn Quá Giáng không xa có một cây cầu sắt vững chắc nhưng chỉ dài chừng năm chục thước. Cây cầu này và dòng nước khiêm nhường bên dưới chính là mồ chôn của rất nhiều người dân vô tội, mà đao phủ, phần nhiều là ông Quản Chiếu trẻ tuổi. Cũng theo lời kể, ông Quản Chiếu không chỉ có ngón tay trỏ sở trường bóp cò. Mà thú vui của ông là dùng dao cắt cổ, và phải cắt thế nào để nạn nhân giữ được mạng cho ông mua vui lần sau. Làng tôi có một thanh niên bị ông cắt cổ đến ba lần, vào ba thời điểm khác nhau, nhưng vẫn không chết. Máu huyết con người có biết ca hát, reo vui, hay tỏa thơm một mùi hương đặc biệt, để cho một người nào đó có tính khí đặc biệt phải thèm khát, nghiện ngập? Nghĩ về máu có mùi hương, tôi không thể không nhớ đến những ông Hường, ông Phan, các anh Thiều, anh Hiểu… của nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Máu quả thật có mùi hương, và nhiều trường hợp tác dụng khác nhau.
Ông Quản Chiếu không sống lâu. Dân làng tôi kể, ông có một người cha có đạo đức, một người anh hiền lành. Nhân một ngày giỗ của gia đình. Người anh đã bàn với người cha nên để anh ta ra mặt khuyên nhủ Quản Chiếu theo về con đường thiện. Người cha vẫn ngại, nên giấu người anh trong buồng, chờ ông thuyết phục trước. Nghe nói ông Quản Chiếu hôm ấy có ít nhiều vui vẻ và cởi mở với cha, nhưng ngay sau khi biết có sự hiện diện của người anh, ông đã đổi thái độ, và tức khắc, rút dao phóng vào buồng. Chẳng rõ vì sao, hôm đó là lần rút dao cuối cùng của Quản Chiếu.
Sự thực của câu chuyện, đáng tin được bao nhiêu phần trăm tôi không rõ. Ngắm nghía vài mảnh kỷ niệm với ngôi chợ Miêu Bông, tôi lại nhắc đến một ông Quản Chiếu nào đó, cũng giết người mà không được đặt tên đường, tên phố, có lẽ hơi phí giấy, nhưng biết làm sao. Quản Chiếu đã từng vô chợ Miêu Bông, đã từng cắt cổ người, để thưởng ngoạn màu máu ở ngay ngôi chợ này không phải là ít lần. Có thể có người đã bỏ mạng trên một sạp hàng xén, trên một quầy thịt nhỏ… đâu đó trong ngôi chợ này. Hồn họ vẫn ở đây, bên những trụ cột, trên những rui, mè, kèo, rượn tím bầm màu thời gian.
Chẳng phải điều gì cũng trở thành kỷ niệm. Cũng chẳng phải kỷ niệm phải vì một điều gì to lớn. Dù đã xa quê nội, đã không còn nhiều dịp ghé qua chợ. Miêu Bông vẫn không tằn tiện cho tôi những cơ hội nhớ tưởng. Đó là những dịp tôi về thăm làng bằng xe đò, trong những buổi chiều.
Một vài buổi chiều như vậy, sau khi xuống xe, tôi thường rúc vào lòng chợ. Thay vì đì băng qua để xuống bến đò, tôi thong thả ngồi lại bên một chiếc chõng tre, hay một mặt bàn gỗ, ngó loanh quanh. Chợ đã tan từ bao giờ. Trong cái trống hốc bày ra thật rõ những cái thân thương nhất, gắn bó nhất với ngôi chợ. Sự èo uột, ốm yếu của từng vật thể, níu giữ, bám víu lấy nhau để tạo thành một tổng thể thật thân thiết đáng thương, Cái tổng thể này lại ấm mùi đất, đậm mùi cây lá, thoang thoảng mùi sông nước, dễ gì phai tan. Những con ruồi tôi chợt thấy. Những mẩu rác tôi chợt nhìn ra, đỡ tôi đứng dậy, dìu tôi đi quanh. Tôi tìm lại trên nền đất âm thanh nhịp bước trước đây của mình. Không mất đâu. Chẳng mất đâu, tiếng nói của một thời chìm lẫn đâu đó. Tôi sẽ tìm ra ngay thôi. Những tiếng mặc cả, những tiếng cười, lẫn những tiếng chửi bới. Có ngôi chợ nào mà không như vậy. Nhưng có chợ nào giống chợ nào ở cái hồn cái vía của nó. Một lần tôi đã dựa vào một cây cột chợ, bình thản quẹt diêm châm một điếu thuốc. Khói mỏng chờn vờn, tôi trông ra như chùm mây, cứ theo đó mà ngó ra. Con đường quốc lộ từ Cầu Đỏ như đang dẫn về một đám gió. Một chút ít bụi vu vơ mà tôi chợt thấy được cái ngày tôi cùng thằng Tiên trèo lên xe lục lộ chở đá, để ra dòm mặt mũi cái cầu Đỏ, vốn đã được sơn đen từ thời nào. Ngày đó, đoạn đường này nằm trong giai đoạn xây dựng chưa hoàn tất. Anh rể tôi, Anh Kiều Văn Kiểm, chồng chị Sáu Hường là ông cai trông coi, điều động công việc chở đá, đổ đá, nghiền đá đấy mà. Anh Kiểm vui tính, thỉnh thoảng lại cho tôi và Tiên ngồi trên các cục đá rong chơi. Và chỉ cần nhích mắt lên một tí, tôi đã thấy ngôi nhà của hai con bạn Đỏ, Đen. Hai con bạn đã từng cho tôi thấy tất cả những gì quí giá của chúng, dù chúng lẫn tôi, ngày ấy chưa hiểu hết những hữu dụng của vưu vật.
Miêu Bông. Chợ Miêu Bông, lạ nhỉ, sao tôi chưa làm cho địa danh thân thương một bài thơ? Gọi tên Miêu Bông, nhắc tên Miêu Bông trong thơ thì không sót. Nhưng trải tình làm thảm cho ngôi chợ sống đời cùng thơ, thì tôi lỡ quên. Đã cuối đời rồi. Xin cho tôi tạ lỗi. Hãy mặc cả, hãy cười nói, hãy văng tục, hãy chửi gào, hãy thơm cùng hoa trái, hương, trầm, hãy tanh tưởi cùng thịt cá, rác rến…Và cứ mặc kệ tôi.
Thấy chưa, ít câu lục bát bất ngờ đã hoàn tất lúc 9 giờ 4 phút sáng, ngày 15 tháng 11. Montréal Nord đang có những giọt tuyết bông đầu tiên của mùa tuyết năm 2005. Xin gởi về Chợ Miêu Bông vời vợi xa.
bay vù về chợ Miêu Bông
ai mua tôi bán chút lòng vân vi
chẳng biết mua lại những gì
vói tay vẫn đọt xuân thì hôm xưa…
hái, thành chùm nắng, chùm mưa
rồi thành chùm nhớ đong đưa chùm buồn
cất vào lòng ủ mùi hương
cho ấm lỗ rún, cái xương cuối đời
trẻ, già tôi vẫn là tôi
nằm, bò, chạy, nhảy, đứng, ngồi… nhớ thương.
Luân Hoán
Theo http://www.tramhuongthuquan.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...