Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Bản ngã, tâm linh - thể xác, tự do, tha nhân

Bản ngã, tâm linh
Thể xác, tự do, tha nhân
Ý hướng tính văn chương “Con người còn giá trị hơn cả vũ trụ”
Đó là câu nói được triết gia Charles Werner lột tả từ tinh thần của Phúc âm. Ồ, cái con người, nó là ai mà được tôn vinh lên trên hết vũ trụ như vậy? Hỡi Thượng Đế, Đấng sáng thế của toàn vũ trụ, Ngài tạo ra vũ trụ cho chúng tôi hay tạo ra chúng tôi để cho vũ trụ?
Câu hỏi này dẫn chúng ta ngược nguồn trở lại buổi khai thiên lập địa, Sáng thế kỷ đã ghi chép lại rằng: Chúa tạo dựng trời đất để đặt con người mang hình ảnh cao quý của Ngài vào giữa đất sống trần gian. Spinoza nói: "Con người là một hiện thể tư duy là một phần trong thách đố của con người, song ngược lại con người cũng không tránh khỏi là thách đố của Thượng Đế. Con người ra sao, văn hóa của nó thế nào thì Thượng Đế của nó như thế ấy. Con người không chỉ dựng xong đền thánh là đã làm xong cái việc xây cất nơi cư trú cho linh hồn. Cũng không phải khi nó nguệch ngoạc làm dấu thánh giá là Thiên Chúa sẽ hạ xuống an bài cho nó. Không? Thiên Chúa phải là bầu trời khát vọng luôn luôn biến đổi từ ánh dương sáng láng buổi bình minh đến những tia nắng cuối chiều u hoài hùng vĩ cho tâm linh khát khao sáng tạo của con người. Nghĩa là, Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa cho con người khi mà nó day dứt khôn nguôi trong suy tưởng và sự nghiệp làm người. Thiên Chúa sẽ chết khô héo khi mà linh hồn định ngừng nghỉ bằng cuộc an thân nơi tượng đài Thiên Chúa. Jasper nói "Những người vô thần có khi lại gần lý tưởng hữu thần hơn là những người mang bộ áo hữu thần”.
Thượng Đế có hay không? Không hữu ích bằng việc chúng ta nhân danh Ngài để nhắm tới cứu cánh cao cả siêu việt làm người, và để sống với lý tưởng làm người đang thăng thiên về siêu việt. Maurice Barrès nói: "Tôi không phán đoán chân lý tôn giáo, tôi chỉ nhận định rằng những chân lý ấy liên hệ đến sự phát triển của tâm hồn tôi".
Chúng ta không quên lãng Thượng Đế - cõi con người lý tưởng của chúng ta. Và bây giờ chúng không thể quên lãng con người - kẻ hành hương đi tìm Thượng đế mong tự hoá thân thành lý tưởng của mình. Bởi thế, sau Thượng Đế tất yếu lệ con người. Thánh Augustine nói: "Lý thuyết về sáng tạo tự thân sẽ dẫn đến lý thuyết về con người. Bởi lẽ con người chiếm cứ một địa vị ưu tiên trong thế giới được tạo lên: Con người tức thì hiện diện như non cao giữa thế giới khả giác và thế giới tinh thần thuần khiết. Đó là nguyên nhân tại sao sau khi tiếp xử Thượng đế - Đấng sáng tạo, triết học phải hướng về con người, đúng bản tính và cứu cánh của nó".
Đó là ngôi vị của con người trong dãy số sáng tạo của Chúa. Song, nếu không có Chúa thì sao? Nếu không có chúa, không có thỏa ước bí nhiệm giữa Chúa và con người, thì con người liệu có tự chấm dứt tra vấn về mình, về cuộc đời mình như một hữu vô trì hay không? Không! Nếu không có Chúa thì con người cũng phải nỗ lực tự cứu rỗi lấy mình, còn nếu như có Chúa cũng vậy thì, con người văn phải tự cứu rỗi lấy mình, bởi lẽ trong ngày tận thế Chúa sẽ chọn ra cỏ lùng và lúa, cỏ lùng sẽ bị đốt, còn lúa sẽ được xếp vào kho nhà trời. Vấn đề con người là tất yếu của Hữu tự cứu rỗi lấy mình, Sartre nói: "Không phải vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa. Trái lại con người phải tự tìm ra mình và tự tin chắc rằng không thể có gì cứu rỗi được mình cả ngoài chính mình, mặc dù có một chứng cớ có giá trị về sự hiện hữu của Thiên Chúa".
Đó là con người, cái con người bị đính mắc vào dòng chảy sáng tao của Thiên Chúa. Trong dòng chảy đó, con người được xem như một phó sản tối cao của Thiên Chúa, hoặc một ốc đảo đứng độc lập khỏi sự soi bóng của quyền trượng Thượng Đế mong tự cứu rỗi lấy mình. Còn đất đứng thực tại của con người thì sao? Con người đứng giữa trần gian - trân trân giữa những biến cố hãi hùng đổ nát của lịch sử, của xã hội thì sao? Con người trước hết là con người sống đã rồi sau mới triết lý. Và cái con người, nó chẳng bao giờ thoát khỏi cái trung tâm cá thể của mình. Henry Milier nói: "Tất cả mọi vấn đề nghiêm trọng trên thế giới chỉ là vấn đề cá nhân, có thể giải quyết từ nơi cá nhân. Tôi không muốn xây dựng lại trần gian, tôi không muốn, cải tạo con người. Tôi biết rằng dù có một ngàn cuộc cách mạng xảy ra, thế giới cũng chỉ vẫn vậy, dù một ngàn cuộc cách mạng xảy ra, thế giới cũng vẫn vậy dù một ngàn Chúa cứu thế cũng vẫn thế, con người, ồ, cái con người! Còn thế giới?" (CĐST, 246).
Thế giới ư? Nó cũng chỉ là xã hội “liên cá thể" mà thôi. Nghĩa là thế giới chẳng bao giờ thoát nổi cái chu vi mà ở đó mọi cá thể tham dự vào như những đơn tử riêng rẽ tụ hội về. Xã hội xét cho cùng cũng chỉ là một hữu siêu hình - nó hiện ra như một mạch vữa tương tác giữa các ca thể với nhau. Không có cá thể không có xã hội. Bởi thế hữu đầu tiên của nhân loại là hữu cá thể hữu con người riêng rẽ hữu cái tôi. G.Marcel nói "Hữu thể mà tôi yêu hơn hết đó là chính tôi".
Tình yêu đầu tiên của con người là yêu lấy mình. Đó là sự thực mãnh liệt đầy sức biện chính nhất cuộc đời. Liệu có kẻ nào bỏ mặc mình trong cô đơn? Liệu có kẻ nào vào hùa với mọi người để tự hắt hủi mình như một kẻ thù cuối cùng sát cánh nhất? Liệu có kẻ nào đủ lãnh cảm để thờ ơ bỏ mặc trái tim cô đơn của nó thổn thức giữa những hàng lệ lạnh băng như những giọt mưa cuối thu? Người Pháp có một câu thật chí lý "Người ta chẳng bao giờ cô độc trong nỗi cô đơn của mình". Như cuộc hôn phối vĩnh cửu của linh hồn và thể xác, của ý thức và vô thức, con người là người bạn song hành tuyệt đối khăng khít đầu tiên cũng như cuối cùng của mình. Xã hội ư? Nền văn minh ư? Gia đình ư? Cộng đồng ư? Không! Trước hết phải có con người, có bản ngã chủ thể trước đã - đó là những cái tôi tham dự vào xã hội. Có phải căn cứ vào cái tôi và nhân danh cái tôi, con người mới nói: lên những lời thống thiết rằng: người yêu của tôi, bạn của tôi, vợ của tôi, gia đình của tôi, hạnh phúc của tôi, xóm giềng của tôi, tổ quốc của tôi, thế giới của tôi, và cuối cùng là vũ trụ của tôi! Bởi thế mọi sự nghiêm trọng xảy ra ở đời đều bắt nguồn từ cái Tôi.
Cuộc chinh phạt thành Tơroa hiển hách của những đội thuyền chiến HyLạp chẳng bắt đầu từ nỗi cạy cú của gia đình Mênêlax là gì! Cuộc chinh phạt dãy Anpơ lừng lững của người Phi Châu chẳng bắt đầu từ thiên tài của Hanibal là gif? Cuộc thăm thú vườn treo Babilông mở ra nền giao kết văn hoá Tây Đông chẳng bắt đầu từ tiếng vó ngựa rầm rập của Alếcxander một Đại hoàng đế trẻ tuổi dũng lược kiêu hùng là gì! Cuộc hạ sơn ào ạt của những vó ngựa phương Đông rong ruổi qua phía Tây bán cầu chẳng bắt nguồn từ chiếc đầu bốc lửa trường chinh của Thành cát tư hãn là gì! Trong biến cố hào hùng của lịch sử cận đại, trận Oatéclô khiến cả Châu Âu rùng mình chuyển động chẳng bắt đầu từ chàng trung uý pháo binh là gì? Bởi chứng nghiệm được biến cố của thực tại lịch sử, G.Tarde nói: "Sự kiện xã hội tiêu biểu chỉ là sự kiện lên cá nhân".
Con người là ai? Vị trí của nó trong lịch sử, trong xã hội, cũng như siêu hình học "Thượng đế" chưa đủ để nói lên vai trò trung tâm vũ trụ của nó. Cách đây hơn hai ngàn năm nhà hiền triết Protagoras nói: "Con người là thước đo vạn vật". Quả vậy, nếu không có con người làm sao chúng ta có thể nói được: Đỉnh núi kia lớn và hòn sỏi kia nhỏ. Giả sử, chúng ta lấy chân đá hòn sỏi văng đến gần một tổ kiến, những chú kiến tán loạn chạy dạt ra hai phía, chúng không hiểu được có một đỉnh núi ở đâu đã thình lình lăn đến. Và chẳng may một chú kiến gặp tai nạn, nó bắn văng vào giữa một đám bọ gậy, đám bọ gậy vừa chạy tản đi vừa la thất thanh "voi ma múi". Cứ như vậy, nếu chúng ta cứ tiếp diễn suy tư của mình, thì một con châu chấu sẽ trở thành một con đại bàng trước mặt con kiến, và đỉnh Hymalaya sẽ chỉ là một hòn sỏi bị lãng quên dưới ánh sáng của thần mặt trời. một ngọn nến thắp giữa nhà sẽ trở thành mặt trời của đám ruồi muỗi. Chúng ta hãy nhìn vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú có phải được dựng lên cho những con kiến và đám sâu bọ nhìn ngắm? Không? Chắc hẳn là không? Chỉ một chiếc lá rụng có thể là cơn động đất huỷ diệt với những con kiến đang bò trên đó. Vũ trụ được tạo dựng nên là nhắm tới tầm vóc sinh sống, ngắm nhìn cũng như chinh phục của con người, bởi chỉ có con người mới thắc mắc, nhận biết và thấu hiểu nổi hệ hành tinh của Chúa. Vì lẽ đó, việc tìm hiểu con người như một thước đo đầu tiên của vũ trụ là thật cần thiết. Trái núi lớn, nó lớn là bởi so với con người chứ không phải so với mặt trời. Hòn sỏi nhỏ, nó nhỏ bởi vì qui chiếu vào tầm vóc của con người, chứ không nhỏ khi lăn qua bầy kiến.
Nhân danh con người, vũ trụ có một thước đo trung dung để đổ vạn vật. Song đó mới chỉ là cái con người của kích thước. Hơn cả thế, con người còn vượt lên để chiếm lĩnh dòng chữ tối cao của bảng giá trị muộn loài bằng một tâm hồn sáng láng siêu việt độc nhất vô nhị của nó: Tâm hồn phản tỉnh chính mình. Heidegger nói: nghiên cứu hữu thể đầu tiên là nghiên cứu con người. Quả vậy nó là kẻ duy nhất có khả năng tự vấn hỏi mình".
Nếu không có con người, vũ trụ có tự giải đáp lấy bài toán bí nhiệm của mình không khi mà chẳng bao giờ nó tự cất lên được lời tra vấn mình? Chính con người đã làm điều đó? Con người đã khoác vào tâm thức khả tri của mình bổn phận của kẻ dò tìm chân lý? Chẳng có ai khác ngoài nó phải làm điều đó. Đến đây toàn vẹn bổn phận của con người đã lộ ra: con người phải gánh lấy trách nhiệm tra hỏi và giải đáp vũ trụ toàn thề-cái vũ trụ là đất sống của nó. Song con người là ai? Tự nó vẫn luôn luôn là một bí nhiệm trước mặt nó. Nó có phải là linh hồn thông thiên với Thượng Đế không khi mà Pascal đã phỉ báng: "Ai muốn làm thiên thần sẽ trở thành con vật". Nó liệu có phải là con vật không khi mà White Head đã lớn tiếng: "Những thế lực vụn vặt của trí tuệ đã cộng tác một cách mù quáng vào việc biến đổi khỉ thành người".
Hay con người là nửa người nửa ngợm như Henry Millier đã nhìn nhận: "Trong bất cứ ý nghĩa đích thực nào, chắc chắn chúng ta cũng chưa sống thực. Chúng ta không còn là thú vật nữa, nhưng hiển nhiên chúng ta cũng chưa làm người".
Vậy câu hỏi con người là ai vần giấu mặt khỏi con người đang sờ sờ ra đấy! Tại sao các vị Hoàng Đế lại cần đến các nhà chiêm bốc - tử vi: Tại sao dân lành lại cần đến những thầy bói toán? Tại sao những sắc tộc trên nữ cao lại cần đến thầy cúng và thầy phù thủy? Tại sao nhiều nhà bác học lại cần một thánh đường để làm dấu thánh giá? Và tại sao khoa học lại chẳng lúc nào ngừng nghỉ cuộc công phá định mệnh huyền bí của mình. Đó có phải là con người chưa hiểu đầy đủ về nó, về hiện sinh của nó, quá khứ của nó, tương lai, tiền định của nó cũng như cứu cánh của nó! Giống như Chúa mặc khải giấu mặt khỏi cuộc đời, đến lượt con người - cái hình ảnh của nó cũng giấu mặt khỏi chính nó. Và bởi sự giấu mặt của nó, nên cuộc đời đã và mãi mãi sẽ là một huyền nhiệm. Con người sống cuộc đời huyền nhiệm chứ không sống cuộc đời của những rôbốt đã được lập chương trình bằng sắt thép và chất dẻo. Chúng ta hãy thử nghe nhà triết học Horne bàn về cái tầm vóc “hữu hạn toàn hảo” của con người: “Nền triết học của chúng ta cam quyết rằng học trò là một con người hữu hạn, nó lớn lên thâu hái nền giáo dục riêng rẽ trong cái hình ảnh vô hạn định về con người đó là con người mà nguồn gốc của nó là thần thánh bản thể của nó là tự do và cứu cánh của nó là bất tử”.
Chúng ta hãy nghiên cứu con người được xem như thể giá trị trung tâm của toàn vũ trụ. Con người là ai? Là thánh thần? Là động vật? Hay là một tiến trình thăng thiên từ động vật lên thánh thần? Đó là con người nói chung? Còn cái con người "đầu tiên", con người của mọi con người "cái tôi" của mọi chúng ta, cái tôi của anh, cái tôi của tôi - một cái tôi riêng rẽ và phổ quát tham dự vào cộng đồng, dân tộc và nhân loại thì sao? Để bắt đầu từ cái tôi bản ngã, bạn buộc phải thừa nhận với tôi một chân lý đầu tiên: Cái Ngã là cái có mặt trước hết của mỗi con người, nó được chăm chút, được yêu trước hết. Ma le Branche nói: "Người ta không thể thôi yêu mình, nhưng người ta chỉ có thể chấm dứt tình yêu sai lầm về mình làm thôi".
Tình yêu mình, đó chính là nguồn mạch đầu tiên xây lên bản ngã của mình. Mỗi con người sau khì đã thiết lập nên bản ngã đầy ắp và riêng rẽ của mình, thì mới có khả năng tham dự vào xã hội như một phần tử đặc thù có cá tính. Tình yêu tự ngã cốt tử đến mức mà nếu ta hiến cho ai đó cái bản ngã của mình thì ta sẽ chẳng còn là ta nữa. Đó anh có là một thiên tài lớn đến đâu, dù anh có một tấm lòng từ bi quảng đại dạt dào đủ để rưới điều thiện hảo khắp mặt đất này, thì tất cả những điều anh làm phải mang tên anh, nếu anh phi bản ngã, nghĩa là anh tự vong thân trong sự hiện diện của mình, thì tất cả tài năng và lòng tốt kìa chẳng còn nơi nào bấu víu, và sẽ giống anh, chúng sẽ chẳng có lấy một tên gọi. Chúng ta hãy nhìn ra lịch sử: bát thuốc độc chân lý chẳng có tên là Socrat là gì! Thập giá đóng đinh chẳng mang tên Jêsu ư! phong trào bất bạo động chẳng cùng tên gọi với Thánh Gandhi sao! Bản ngã là cái cốt tử, cái đầu tiên cũng như cái cuối cùng không hiến cho ai được. Nếu tôi có hiến dâng cho chân lý, cho dân tộc, cho gia đình của tôi cả một đời hay chính sinh mệnh của tôi, thì đó chỉ là sự dâng hiến của đời tôi chứ không phải sự dâng hiến bản ngã. Bởi nếu tôi có cái chết, cái chết đó vẫn là mang tên tôi vì nó là của tôi, không ai có thể sở đắc sự hy sinh của tôi được, nhà văn Montaigne nói: "Hãy giúp người nhưng không tự hiến cho ai cả".
Bản ngã không chỉ là một sắc thái rực rỡ của một con người mong tham dự vào sự đa dạng phong phú của xã hội nó là bổn phận của mỗi con người, bởi một khi con người mang cái "Tôi" của mình tức là nó tuyên bố rằng: tôi đây, ý chí của tôi đây, hành động của tôi đây, đạo đức của tôi đây! Như vậy, tôi sân sàng chịu trách nhiệm về mọi tư tưởng và hành vi của mình trước vinh quang cũng như trừng phạt, tôi không muốn ai đó cướp lấy công lao của tôi và tôi cũng chặng .muốn đổ lỗi lên đầu ai cả. Bởi vậy, kẻ không chịu tạo ra bản ngã của mình là kẻ muốn trốn tránh trách nhiệm của nó trước cuộc đời và nó trốn tránh việc nó mang lấy tên mình. Kẻ đó khởi đầu bằng việc đánh thó chính mình, tiếp đến, nó sẽ đánh thó nhân loại, đó là hiển nhiên vì "kẻ ăn cắp quả trứng sẽ có ngày ăn cắp con trâu". Nó là kẻ thù của những người công chính và trung thực, Nietzsche nói: "Kẻ thù của tôi là những kẻ rắp ranh phá hoại và không chịu tạo ra cái bản ngã của chính mình".
Trong đời sống kẻ chân chính chịu trách nhiệm về mình, và tự tin để sống cùng lương tâm, một cách thanh thản và tốt lành. Còn kẻ xấu, kẻ dốt, kẻ lười biếng thì sao? Chúng ta hãy nhìn vào các triều đình, có phải đám hoạn quan ngu dốt thường tụ lại với nhau để xúc xiểm, bôi lem, hãm hại một vài con người dám nói lên chân lý! Chúng ta hãy nhìn vào rừng sâu, có phải đám đạo tặc vẫn ủ rê quần tụ lại với nhau ẩn nấp trong bụi cây tối tăm rậm rạp thình lình tấn công những con người lương thiện ít ỏi đi qua? Chúng ta hãy nhìn ra phố phường, chẳng phải đám ăn xin ăn mày biếng nhác thường quần tụ lại thành "Khu phố tiếng lóng" để che chở cho nhau. Jasper nói: "Trong sự can đảm tập thể của thời đại, ta dễ nhận ra sự mất can đảm và sự hèn nhát của cá nhân. Cũng hệt như khi vì sợ hãi những kẻ cướp đường hay dã thú, người ta phải đi thành hàng ngũ trong sa mạc".
Đoàn lũ, đám đông không có nhân cách, nhân cách là của từng con người cụ thể. Mỗi người phải mang lấy nhân cách của mình và chịu trách nhiệm về điều đó. Bởi vậy, khi những cá nhân muốn trốn tránh bổn phận cũng như nhân cách của mình, nó gia nhập vào đoàn lũ để trốn đi cái việc phải xây nên nó. Không? Tội ác của đám đông sẽ bị lấp liếm đi bằng sự biện hộ về lòng vô minh cuồng khích. Đạo hạnh của một chủng tộc sẽ cướp đi đạo đức của từng cá nhân bằng cách đổi lấy một cái tên gọi khác là truyền thống. Trong khi đó con người có bổn phận phải sống đức hạnh của mình, phải sáng lạo ra đức hạnh của riêng mình. Trước hết con người chân chính phải xây nên con người của chính mình.
Xây nên con người của chính mình là nhiệm vụ cam go nhất của con người
Sau đây là một đoạn vặn trích của Ipxen diễn tả anh chàng Perguyn đã đi tìm bản ngã như thế nào: Perguyn đang đi quẩn quanh bên bức tượng Xphanhx, thì Bêgriffênel viên bác sĩ của một nhà thương điên ra khỏi chỗ nấp sau bức tượng tiến đến hỏi:
Bêgriffênel - Xin thứ lỗi cho, thưa ngài! Một câu hỏi sinh tử? Ngài đến đây có việc gì?
Perguyn - Đi thăm viếng. Tôi đến thăm một người bạn thời trẻ.
Bêgriffênel - Thế nào? Quái vật Xphanhx à?
Perguyn - TốI quen biết đã từ lâu.
Bêgriffênel ... Thế ra, Ngài quen hắn? Xin hãy trả lời? Nói đi chứ nào? Cho tôi biết hắn là cái gì?
Perguyn - Là cái gì! Thì tôi biết rõ lắm chứ. Hắn là bản thân hắn.
Bêgriffênel, nhảy chồm lên - Chà! ánh chớp chói lòa. Tôi thoáng thấy điều huyền bí của đời sống. Ngài bảo bản thân hắn? Ngài có chắc không?
Perguyn - Chắc. Ít ra là chính hắn khẳng định như vậy.
Bêgriffênel - Bản thân hắn! Cuộc đại biến chuyển sắp đến rồi. (Ngả mũ).
… (Trích Bran - Perguyn, 342)
Tại sao xây nên con người của chính mình lại là nhiệm vụ cam go nhất? Chúng ta hãy nghe Saint Exupéri qủa quyết "Chỉ có con người mới xây dựng nổi cô đơn".
Cô đơn! Hai chữ đó vang lên đã đủ gây cơn sóng cồn tê buốt trong lòng bạn chưa? Và xây dựng nên bản ngã riêng của mình có phải là cam lòng chấp nhận cuộc thử thách của cô đơn? Vâng? Cô đơn chắc hẳn là định mệnh khắc nghiệt nhất của con người. Chúng ta hãy thử nghe lời tâm sự thống thiết của một vị linh mục ngày nào cũng tiếp xúc với hàng vạn con chiên nhân ngày "Linh mục - chủ chăn". Ông nói: Cái giá lớn nhất trong cuộc đời dấn thân tu hành của một linh mục là cô đơn. Đó là nỗi cô đơn dạt dào thống khổ chua xót suốt cuộc đời. Và nó trở nên một thử thách day dứt trọn cuộc đời trong từng thớ thịt, từng mạch máu, từng giây từng phút. Tôi thiếu nhà ư? Không, tôi ở giữa vòm cuốn nhà thờ. Chúa mênh mông lồng lộng! Tôi thiếu cơm ư? Không, cá giáo xứ nuôi tôi với phẩm vật dồi dào! Tôi thiếu áo mặc ư? Tôi luôn được xúng xính trong những bộ lễ phục sang trọng dài lượt thượt.
Không? Cái mà tôi thiếu nhất - cái khoảng trống hư vô tút hút cứ mở mãi trong con tim cô đơn của tôi là hơi ấm của một con tim khác. Đó là nỗi niềm buốt giá vĩnh viễn trọn đời tôi. Và đó cũng là mối tình của tôi dâng lên Đức Chúa Trời. Một mối tình mang trọn vẹn thách thức cam go thống khổ.
Một trinh nữ đẹp khép cửa tâm hồn để trở thành một pháo đài cô đơn sừng sững trước tất cả những chàng trai hào hoa suốt ngày vây quanh tán tỉnh. Tại sao vậy? Nàng muốn khép lại cho riêng nàng một thế giới vào một buổi chiều ý nghĩa nào đó đã mở ra bằng lời thủ thỉ kết ước chung thủy với chàng trai quả cảm. Và chàng đã ra đi chưa trở về. Nàng vẫn đợi và cứ đợi, con tim nàng, tâm hồn nàng, cơ thể nàng đầy ắp hình ảnh và hơi ấm của chàng. Song bi kịch thống khổ là ở chỗ đó. Hình ảnh của chàng thì tràn ngập mà diện mạo của chàng thì vắng mặt. Còn vô số những chàng trai dập dính trước cửa thì sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng có nổi một hình ảnh nào. Pháo đài của nàng là một pháo đài nhức nhối nỗi cô đơn bịt bùng thống khổ.
Một con vật bị nhốt hay bị lạc bầy có cô đơn không? Không! Nó chỉ độc hành chứ không cô đơn, bởi lẽ ngay tức khắc khi nhìn thấy bầy đàn cửa mình, nó hớn hở ra nhập dễ dàng. Trái lại, nỗi cô đơn của con người khác hẳn, nó ghẻ lạnh, cô độc giữa cuộc đời tấp nập đầy người. Có một câu chuyện thật rằng: Một thiền sư từ bỏ làng quê mình ra đi tìm một nơi cô quạnh trên dãy Hymalaya đầy tuyết phủ để ngồi thiền. Sau hơn bốn mươi năm đi dọc dãy Hymalaya, ông thất thểu trở về làng. Người làng hỏi: ông không tìm thấy chỗ yên tĩnh để ngồi thiền à. Ông trả lời "Không! Chỗ yên tĩnh thì rất nhiều, nhưng chỉ có điều, lòng tôi đã không yên tĩnh để ngồi yên một chỗ nào".
Vậy đó, vị thiền sư đã thừa nhận thất bại của mình. Ông đã thua cuộc nỗi cô đơn của mình, trái tim náo nhiệt của ông đã chẳng một lần xúi giục nổi những bước chân hăm hở lang bạt hãy ngồi xuống.
Cô đơn là nỗi đau thống khổ của con người, bởi con người vừa sống cô đơn vừa ý thức về nỗi cô đơn của mình. Nhưng cũng chính có ý thức mà con người là kẻ duy nhất dám đối chọi với nỗi cô đơn của mình để xây nên mình một cách toàn diện nhất. Chúng ta thử tưởng tượng , một tên ma cô đơn gái bị tống giam mười năm, hắn có cô đơn không? Ngay giờ phút đầu tiên được xổng trại hắn sa ngay vào giữa những vòng tay của đám "chị em" vẫn ưu ái gã như một đại ca. Không! Hắn chẳng bao giờ xây nên nổi nỗi cô đơn của mình lấy một giờ. Sự cô độc suốt 10 năm của hắn chỉ là một hoàn cảnh bắt buộc, hoàn cảnh đó ở ngoài tâm hồn hắn.
Cô đơn ! Không phải tiếng kêu rêu rao cho bản ngã lạc lõng của mình, mà cô đơn là điều kiện thuần khiết để đào luyện chính mình trước khi tham gia vào cuộc hội nhập nhân loại như một kẻ mang trách nhiệm và bổn phận. Cô đơn là điều kiện riêng rẽ để phản tỉnh chính mình cũng như xây nên ý thức của mình. Schelling nói: "Con người ngủ trong thân cây mộng tưởng trong dã thú, nhưng ý thức và nhận biết chính mình trong con người". Và Thánh Augustine cũng nói "Con người có thể đánh mất chính mình trong khát vọng vĩnh cửu của nó để tìm kiếm ánh sáng chân lý đã sáng tạo ra nó".
Đó là con người nói chung, còn con người nhà văn thì sao? Anh là nhà văn, anh lại càng phải xây nên bản ngã của mình một cách độc lập đặc thù nhất, và hơn nữa anh hãy sáng tạo ra bản ngã của mình. Nếu không làm vậy thì làm sao tác phẩm của anh có thể mang tên anh? Và sự sáng tạo ở đâu khi mà cuộc đời đã là vậy, luôn là vậy, và mãi mãi là vậy! Tình yêu ư? Chẳng phải Adam và Eva đã yêu nhau từ thủa khai thiên lập địa ư? Đau khổ ư? Chẳng phải nước mắt loài người đã rỏ từ thế hệ này đến thế hệ khác! Chiến tranh ư? Chẳng phải mùi khét lẹt của thuốc súng và hơi thối rữa của xác chết vẫn ám khí trên những trang sử còn hoen máu! Hoà bình ư? Chẳng phải là những hơi thở mỏng manh xao xuyến của những trái tim dễ cảm còn đang run rẩy trong gang tấc của thời gian? Tham vọng ư? Biến cố ư? Tiền bạc ư? Nghèo đói ư? Bất công ư? Tất cá đã cũ cả rồi, nó cũ như lịch sử loài người. Vậy anh sáng tạo cái gì?
Có phải anh sẽ sáng tạo cái nhìn mới mẻ của anh giữa những vấn nạn đã trơ lý nỗi cam go trên thế gian sông núi đã cũ quá này! Vậy chúng có cách nào khác, cái đầu tiên anh phải sáng tạo là sáng tạo ra bản ngã của mình. A.Rimbaud nói: "Sự nghiên cứu của con người muốn trở thành thi nhân là sự hiểu biết về chính hắn toàn bộ, hắn tìm kiếm tâm hồn hắn, hắn tra xét, khảo sát, học hỏi nó. Ngay sau khi hiểu nó, hắn phải đào luyện nó, việc đó có vẻ đơn giản: Trong bất kỳ bộ não nào cuộc phát triển tự nhiên cũng tự viên thành" (CSĐT, l09).
Trong bất kỳ bộ óc nào cuộc phát triển tự nhiên cũng tự viên thành: Bạn chẳng bao giờ có thể hy vọng trơ thành một nhà văn lừng lẫy trước khi bạn công phu đào luyện mình thành một người thông thái và toàn hảo, một bản ngã đầy bản lĩnh và vững chãi trước gió bụi cuộc đời. Vậy bản ngã của bạn có hùng mạnh không khi bạn phải nhờ vía những bản ngã khác hùn hạp cho bạn, bạn có viết bằng bộ não của đám đông và những cánh tay tập thể không? Bạn có đi tìm cảm hứng sáng tạo giữa những tiếng thanh la chũm chọe - tiếng hò reo nổ tứ bề? Không! Chẳng bao giờ bạn có thể sáng tạo tác phẩm đích thực của bạn bằng cách ấy. Bạn hãy thử nhìn khắp'' 'trần gian, Platon, Aristote, Newton, Einstein, Đostoievski, Balzac đã để lại cho nhân loại di sản của họ riêng, hay di sản của hộ gia đình hoặc khu phố họ? Như một kẻ hành hương độc lập, bạn hãy đi qua sa mạc một mình, đó là bổn phận riêng có mà bạn không thể chối từ, bởi lẽ khi bạn suy tư và thông thiên với chân lý đó là sự nghiệp của riêng tâm hồn bạn, và chỉ có thế, thế thôi, tâm hồn bạn mới trở nên giá trị. Các bạn hãy nghe đây bổn phận của kẻ can trường: "Con người không chịu gia nhập vào đám đông là kẻ từ chối khoan dung với mình" (Schopenhauer - NGD, 8).
Đó là cách duy nhất để đào luyện mình, cách từ chối hang ổ lẩn trốn của một bản ngã ươn hèn đã đánh rơi bổn phận mang tên mình. Bạn phải là bạn thì tác phẩm của bạn mới là của nhà văn mang tên tác giả là bạn. Còn nếu bạn không phải là bạn, bạn thuộc về đám đông, thì tác phẩm cũng giống như bạn, nó sẽ là tuỳ phẩm hay thụ phẩm của khối tác giả bao trùm lên bạn. Khi ta vong thân đào thoát khỏi bổn phận của ta thì hiển nhiên ta cũng vong thân khỏi tác phẩm của mình. Bạn là một nhà văn bởi trước hết bạn là một con người - một con người có nhân cách và tài năng. Đó cũng là cách mà nhà văn Henry Miller đã xác định: "Bởi không có sự phân cách giữa chính bản thân tôi như một nhà văn và tôi như một con người: Thất bại như một nhà văn có nghĩa là thất bại như một con người" (CSĐT, 145).
Khi con người trở vào trong suy ngẫm chính nó để tìm kiêm xem nó là ai và nó là cái gì? Đó là cuộc phản tính khởi nguồn để nó nhận biết nó như một mắt xích đầu tiên trong chuỗi xích "sự nghiệp làm người", bởi chỉ khi hiểu rõ mình, con người mới có thể đặt cho nó một dự phóng - một cứu cánh chính đáng trong cuộc hành trình làm Người. Và hiến nhiên hơn cả điều đó, con người muốn sống trong tâm thức trăn trở tra hỏi dò tìm chân lý, chứ không muốn sống buông thả phó mặc như động vật, Pascal nói: "Con người là cây sậy biết suy nghĩ. Con người tàng trữ chân lý và cũng là cái ổ bẩn thỉu đầy mờ ám và sai lầm, vinh quang cao cả mà cũng là cặn bã".
Không! Những con người đích thực không muốn làm cặn bã, nó muốn dùng hết tâm lực của mình để lần bước theo khát vọng chân lý của mình. Nhưng khi con người quay gót vào trong phản tỉnh chính mình thì có thất vọng về sự cạn cợt của mình không? Khi trọn vẹn vùng đất tâm hồn bị phản tỉnh khám phá tọc mạch có thể mang lấy nguy cơ trở nên buồn tẻ không thể nào chịu được - tấm áo quyến rũ trong huyền nhiệm của nó liệu có đang bị phơi lột một cách trơ trẽn? Không! Con người vẫn sống như một bi kịch huyền nhiệm giữa dòng định mệnh, nó chẳng bao giờ là một nụ cười bất tận và cũng chẳng phải tiếng khóc cứ da diết mãi niềm chua xót. Nó chẳng thể hy vọng mình là thần thánh, mà cũng chẳng tuyệt vọng nản chí như một kẻ phiêu lưu vĩ đại phải cam lòng chôn chân xuống mảnh đất cuộc đời chỉ rộng bằng miệng thúng. Cuộc đời con người vẫn chẳng bao giờ ngừng nghỉ tiếng hối thúc vẫy gọi lên đường bằng âm hưởng thống thiết sự huyền nhiệm của một định mệnh bất khả trì. Bởi lẽ: "Con người luôn luôn vượt khỏi 'những gì ta biết về nó".
Tại sao vậy? Tại vì con người luôn luôn là niềm khám phá bí ẩn của con người. Tại sao con người lại cứ thủ vai nhăn vật bí nhiệm bất khả lý giải trước mắt nó, để rồi lại phải gian nan theo đuổi sự săn lùng chính mình không ngừng nghỉ?
Con người là một huyền nhiệm bởi nó khát tự do! Con người không chịu sống theo một chu trình đã được ấn định của tạo hoá và số phận, bằng khí phách hiên ngang của mình, nó tuyên bố tự do, và ngay lập tức cuộc đời nó trở nên thống khổ, bởi lẽ: tự do của nó đã trở nên một thách thức với Thượng Đế, định mệnh, thiên nhiên và chính đồng loại của nó. Song con người chấp nhận thách thức cam go quyết tử đó, bởi nó yêu tự do, nó không phải đám vi trùng lúc nhúc hàng tỉ tỉ con nhưng chẳng bao giờ có lấy một biến cố bất thường nào bởi chúng an phận sống trong lề luật thiên nhiên đã an bài cho chúng. Con người là tự do. Bởi con người là một động vật vị thân, Sartre nói "Vị thân là một hữu thể tự xác định bằng hành động và điều kiện tiên quyết của hành động, đó là tự do".
Con người khác động vật ở chỗ nó hành động cho nó và vì nó, và muốn hành động thì điều kiện tiên quyết phải là tự do. Đó là một thực tại không thể chối bỏ, và vì vậy cũng không thể chối bỏ: Con người là tự do.
Mặt khác, con người trước hết phải là những cá thể độc lập, và mỗi cá thể chỉ được gọi tên như là cá nhân khi ít nhất chứa trong nó quyền tự quyết đầu tiên, Donald Butler nói "Mỗi cá nhân có đầy đủ tự do nền tảng của mình - đó là quyền tự quyết". Đi xa hơn nữa, Kierkegaard còn muốn định nghĩa một tự do tất yếu như thể con người tự là "Đấng sáng thế" cho nó, ông nói: "Chúng ta tự ban cho chúng ta, chúng ta không tự tạo bởi hư vô. Chúng ta thành người tự do" .
Điều kiện tiên quyết của hành động là tự do, con người là hành động và muốn hành động, bởi lẽ con người cấu thành cùng với tự do. Nhưng theo Kant, thì con người còn là .tự do bởi cứu cánh của nó. Đó là tất yếu, bởi vì chẳng có một hành động nào lại chẳng nhắm đến một cứu cánh nhất định. Không có hành động nào là vu vơ! Con người là hữu tinh thần, nó lập lộ trình. dấn bước và đến ga cuối cùng để thành tựu hành động của nó, muốn vậy nó phải tự do. Kant nói: "Trong thế giới những phấn tử tự nhiên, con người chỉ là một hiện tượng trong muôn vàn hiện tượng. Nhưng trong thế giới của yếu tố tinh thần, cái gọi là "vương quốc của cứu cánh", nó là một hữu- thứ tự do. Một tự do được tấn phong lên ngôi vị chúa tể".
Khi con người hiện hữu, nó buộc phải có tự do, tự do để hoàn thành cứu cánh tất yếu của nó như một hữu tinh thần. Vì tính hiển nhiên của nó, Kant nói "Con người là một hiện tượng vừa có cứu cánh vừa tự do".
Con người là tinh thần, tinh thần nhắm đến cứu cánh bằng một đôi cánh tự do bất khả ly thân của nó. Đó là tất yếu! Không có tự do, sẽ chẳng có dự trình, sẽ chẳng có cứu cánh nào cả. Chính vì vậy mà cả Kant và Leibniz đều xác nhận: "Nhân loại tự tồn một ý chí tự do".
Tuy nhiên nếu tự do là tất định của con người, thì cùng một lúc nó cũng quy định: Bổn phận của con người là tất định. Khi con người tuyên bố: Nó tự do! thì nó cũng.tuyên án: Nó được tự do, và nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi mang lấy tự do. Một cô gái bị bắt cóc và cưỡng hiếp phải đem thân hầu hạ một tên kẻ cướp, cô ta không bị tuyên phạt vì tội đánh mất trinh tiết của mình bởi lẽ cô đã không có tự do để giữ gìn trinh tiết của mình. Một kẻ giết người sẽ không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tội trạng của nó nếu có một kẻ mạnh hơn nó dí súng vào gáy bắt phải làm điều đó. Không có tự do, những kẻ thừa hành của ông chủ sẽ không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi hành động theo mệnh lệnh của ông chủ, mà chính ông chủ của họ sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Bởi vậy, tự do không chỉ là tiếng kêu từ tâm khảm hùng tráng của con người, mà còn là bi kịch nghịch lý của con người. Người chân chính yêu tự do như sáng tạo và bổn phận của họ, còn kẻ nguỵ tín thì lại muốn lẩn trốn khỏi tự do như lẩn trốn khỏi trách nhiệm cứ đèo dính lấy con người. Sartre nói "Người ta bị bó buộc phải tự do như phải chịu một hình phạt vậy. Tự do vừa là nguồn say khát vô biên của sáng tạo vừa là bổn phận ngang trái mà con người phải khoác lên mình như sự buộc tội bất khả trốn chạy, Sartre nói "Đối với tự do của tôi, không có sự kiện nào ưu đãi cả. Tất cả cách thức tôi hành động đều biểu hiện sự tự do như nhau, ngang nhau".
Khi con người được tự do tuyệt đối, thì nó cũng phải chịu trách nhiệm một cách tuyệt đối. Tự do lên án nó như một cáo trạng xác thực toàn bộ suy tưởng, lời nói và hành động là của nó chứ không phải của ai khác. Mỗi cá nhân phải làm ông chủ mọi hành động của mình, và không thể trốn chạy. Khi có tự do, con người phải chịu trách nhiệm ngay cả hành vi nhỏ bé nhất của mình. Sartre nói "Con người phải .chịu trách nhiệm về đam mê của mình".
Khi Bao Tự sai người xé ba trăm thước lụa mỗi ngày để nghe tiếng rít cho thỏa tai, thì sẽ làm cho bao nhiêu thần dân không áo mặc? Khi một ông chủ sai lột truồng một ả hầu, rồi sai lấy kim châm lên da thịt mong thưởng thức những âm thanh gào xé đau đớn của thân xác, thì liệu đó có phải là một đam mê chính đáng? Khi những ông chủ phè phỡn đùa rỡn với những ả đào hát, uống rượu bình thơ trên sàn chiếc du thuyền đang rẽ sóng ngà của một đêm trăng bàng bạc, dưới hám thuyền tối tăm những lằn roi rít lên quật xuống những chiếc lưng trần kiệt lực đang cố sức chèo, thì đâu là trăng gió? Đâu là hạnh phúc? Khi một gã đàn ông lọc lõi cát bụi cuộc đời tìm cách tán tỉnh rủ rê trái tim trinh nữ trong trắng run rẩy vào dạ tiệc truy hoan lạc thú dài chẳng tầy gang, xong xuôi hắn bỏ đi như một kẻ gặt hái thời khắc may mắn của một canh bạc, còn nàng đó là một canh bạc suốt cuộc đời, hạnh phúc đã chào đón nàng bằng một cõi lòng tan hoang niềm hy vọng thiện tín với cuộc đời. Đam mê đó có phải là một trọng tội? Để lý giải phần nào trách nhiệm của đam mê, chúng ta hãy thử ngẫm lại câu chuyện của vua Đavít trong Kinh Thánh:
Một ngày kia, khi Đavít đi dạo trên mặt thành, ông nhìn thấy một người đàn bà đang tắm nắng có tên là Bátsêba. Hứng chí lên, Đavít cho triệu "thần dân" của mình đến giường ngủ để thỏa mãn cơn khát thị dâm. Sau đó để chiếm nàng mãi mãi, Đavít đã sai chồng nàng tên là Uri đi đánh xung thành và ngầm sai quân lính rút lui để mặc Uri đương đầu với kẻ thù. Uri chết, Đavít chiếm lấy vợ Uri, và nàng Bátsêba đã sinh cho Đavít một người con. Việc làm của Đavít đã không qua khỏi mắt Đức Giêhôva Chúa trời, Đức Giêhôva sai người đến kể với Đavít một câu chuyện rằng: ở nước Ngài có hai thần dân ở cạnh nhau. Một người giầu nứt đố đổ vách với vô số bầy cừu, bầy bò và đàn gia súc. Một người chỉ có mỗi một con cừu, và anh ta cứ ôm ẵm nó cả ngày vì yêu quí. Đến một ngày nhà giầu có khách, anh ta cậy thế lực bắt con cừu của hàng xóm để giết thịt thết khách. Nghe đến đó, Đavít nổi xung la lên "Ta sẽ bắt phạt gã nhà giầu phải đền người hàng xóm bốn con cừu, vì nó không biết thương xót". Lúc đó Đức Giêhôva hiện ra và bảo: "Đó là chuyện của ngươi đấy! Ngươi có biết bao nhiêu vợ trong cung, vô số nàng hầu cung tần mỹ nữ, vậy mà ngươi đã cướp đi vợ người duy nhất của kẻ tôi tớ ngươi, vợ con ngươi bị người ta tranh giành hạ nhục xâu xé giữa chợ ngay lúc thanh thiên bạch nhật…”
Sau đó thì con của Batsêba chết và con gái nhà Đavít đã loạn luân hãm hại lẫn nhau một cách ô nhục và thê thảm.
Đó có phải là một kết quả tất yếu? Đavít đã gieo nhân nào thì không hái quả ấy. Ông đã gieo một đam mê không chính đáng vào cuộc đời, thì sự thiếu chính đáng sẽ cướp đi của ông những đam mê tinh khôi trong sáng khác. Không! cuộc sống ắt phải là một cơ thể đầy ắp nhựa sống thuần khiết thanh cao. Nó không thể là một dòng máu đã vấy bẩn sự nhiễm trùng ô trọc.
"Tâm linh"... chẳng siêu hình tý nào!
Nguyễn Bỉnh Quân
Lao Động Có anh bạn bảo tôi: Người Việt mình không có tâm thức tôn giáo triệt để mà chỉ hay tin các "điềm". Một cụ lão thành, 57 năm tuổi Đảng, sáng ra đi đâu vẫn ngại gặp cô hàng xóm nặng vía. Thấy cô là cụ quay vào chờ một lúc sau mới đi.


Cháu gái 19 tuổi, đoàn viên, võ sĩ Teakwondo gọi điện giật giọng: "Bác ơi hôm qua cháu nằm mơ thấy cắt móng tay, có sao không bác?". Bác bảo: "Theo sách giải đoán giấc mơ thì mơ thấy cắt móng tay là điềm báo sẽ cãi nhau vặt với mấy đứa cùng lớp". "Ôi thế thì chả sao, cháu cứ lo bố đi công tác xa có chuyện gì!".
Chuyện các quan lớn, quan bé các đại gia, tiểu gia có "bốc sư" tư cũng không hiếm. Nhất cử nhất động, "phi vụ" nào cũng phải xin một quẻ. Thấy bảo rút thẻ xăm, bấm giờ, bấm quẻ, tính tuổi các đối tác rồi phán như thần: Được! Đại phát! Nếu phi vụ đó thắng đậm thì đãi thầy vài vé, thắng nhạt thì một chầu bia ôm. Thua thì thầy sẽ lý giải rành rẽ tại sao để lần sau biết mà né.
Vừa gặp bạn cũ làm cấp vụ ở trung ương đi cùng một đại văn sĩ, thầy phán luôn: Ông không được đi dép có quai, phải đi giày, đen, nâu là hỏng. Còn ông cắt ria đi cho gọn, đầu tóc cầm kiểu đinh thế kia, mất hết lộc có khi còn ốm đau nữa ấy chứ, mình ăn ở cái oai "xuất giá công khanh" kia mà. Thế mà rồi hai vị kia cũng đổi giầy sửa tóc thật! Thôi cứ theo cụ Khổng: Với quỷ thần cứ kính nhi viễn chi. Kính cẩn vẫn hơn. Chả biết có quỷ thần hay không? Nhưng nhỡ có thì sao!
Nhiều gia đình ngân sách chi cho "tâm linh": Cúng vái ngày sóc vọng, ngày giỗ, cúng sao đầu, giữa, cuối năm, xem bói, đi đền, đi chùa, có khi cả "tua" liên hoàn 10 chùa thiêng một lượt, có khi tour quốc tế tâm linh sang tận Tây Tạng hay Myanmar vài ngàn USD một người... cộng lại chắc còn hơn ngân sách chi cho sinh hoạt văn hoá nghệ thuật. Nói gì nữa, tâm linh mà không là văn hoá à?
Danh lam thắng cảnh là nguồn thu của quốc gia và môi trường văn hoá tâm linh của quốc dân. Thí dụ chùa Hương, chùa Bà, điện Hòn Chén... chẳng là một nguồn thu ngân sách quan trọng của địa phương sao.
Vụ cáp treo chùa Hương từng gây ra một cuộc chiến kinh tế giữa mấy công ty. Sở Thừa Thiên - Huế thu mỗi thẻ xăm tre có số và lời giải ở Hòn Chén 2.000đ, chùa Bà An Giang bỏ 8 tỉ đồng làm một trại điêu khắc quốc tế cho du lịch tỉnh nhà. Còn hàng vạn chùa, đền, miếu thiêng khắp nước là nơi hành hương của mấy chục triệu người quanh năm chi thu không biết có tính cho ngành công nghiệp không khói hay không. Người ta khánh thành chùa Đồng mới lớn nhất Việt Nam. Một đại gia chi không biết mấy trăm tỉ cho một Đại Nam Quốc Tự xem ảnh thấy hoành tráng hết ý. Các danh lam còn thu nhập cao, dân chi nhiều tiền vì gắn với các lễ hội.
Du lịch - văn hóa - tâm linh thành ba trong một ở môi trường danh lam thắng cảnh. Tôi tự hỏi đây có phải là một quốc sách văn hóa và kinh tế của nước ta hay không; tự phát hay có chiến lược; hay Nhà nuớc và nhân dân cùng làm?
Tôn giáo đang là chuyện quá lớn, bao trùm toàn cầu. Tôi chẳng dám lạm bàn vì căng thẳng tôn giáo gần kề với súng đạn, bạo loạn và đủ sự bất an. Chỉ biết rằng sự an bình của tôn giáo, tự do tín ngưỡng và tự do tâm linh chính là một rường cột của mọi xã hội. May cho đất nước nào có được sự hài hòa tôn giáo - không cực đoan. Nhà nước và tôn giáo, tôn giáo và văn hoá từng, đang và sẽ là những vấn đề chiến lược "cốt tử" của mỗi quốc gia. Ai ai, làng nào, huyện nào, tỉnh nào, nuớc nào cũng có hai phận đạo và đời. Hài hòa được thì tốt nhất. Quá đà u mê tín hay thực dụng trắng trợn tàn bạo đều làm mất cân bằng đạo và đời.
Dân gian hay đùa vui khi nói mong muốn của mình: Hòa hợp giữa đạo và đời, giữa chính quyền và tôn giáo, giữa tâm linh với tiền bạc.
Tâm linh có lẽ chẳng siêu hình tý nào!.
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Yêu hoa - Yêu gió - Yêu trăng

Yêu hoa - Yêu gió - Yêu trăng Tiếng phi cơ hạ cánh rào rào trên phi đạo, Thy giật mình nhảy nhỏm khỏi ghế ngồi để ngắm nhìn thành phố thân...