Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

"Bến xuân" và cõi mộng của Văn Cao

"Bến xuân" và cõi mộng của Văn Cao
Đầu thập kỷ 40, nữ danh ca, “huyền thoại” của đất Hải Phòng, Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao một lần duy nhất, khi đó Văn Cao còn đang ở Bến Ngự, Hải Phòng. Lần viếng thăm đầu tiên đó được ông nhớ suốt đời.
Ngày hôm ấy, trời nóng, Văn Cao cởi trần nằm bò ra sáng tác. Trong căn nhà chật chội, Hoàng Oanh ngồi quạt cho chàng Văn, và ông đã thổ lộ với cô: “Ước gì anh có em để hàng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ”. Đó là câu tỏ tình duy nhất mà Văn Cao dành cho Hoàng Oanh - giản dị mà chân thành, nhưng ông cũng biết là hai người không thể thuộc về nhau. Ít lâu sau, Hoàng Oanh đã lên xe hoa cùng với một người bạn rất thân của ông - nhạc sĩ Hoàng Quý. Và ca khúc
“Bến Xuân” viết dành tặng riêng cho Hoàng Oanh đã có những câu thế này:
“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u ú ù u ú
Cành đào hoen nắng chan hòa!
Chim ca thương mến chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương”.
Nét nhạc thật nhẹ nhàng và thanh thoát, đưa ta đến cõi mơ, ở đó có thanh, có sắc, có tĩnh, có động, có bóng giai nhân. Đó là bến nước đa tình, rạng ngời, đón  người đẹp “đến tôi một lần”. Rõ ràng cảnh là không có thực mà người nghe vẫn như lạc bước vào một không gian dịu mát, khi xa, khi gần, lại gần gũi vô cùng. Cảnh đẹp thì phải có người đẹp và người đẹp cũng cần không gian tô điểm cho mình. Dường như, không phải Văn Cao đang mở lối vào cõi mộng của riêng ông, mà đó chính là cõi mộng của nhân thế.
“Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.”
Đến đây, ta tin chắc rằng Văn Cao không phải chỉ chạm vào mộng mị mà ông còn dấn thân, còn chìm đắm để cùng dạo bước với giai nhân giữa ngát hương đất trời, giữa êm đềm nước biếc. Giai nhân như lẩn vào không gian, dịu êm, thanh thoát. Nhẹ nhàng và  nên thơ quá đỗi!
“Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha lưu luyến tình vừa qua”.
Ý nhạc đang tươi tắn nhẹ nhàng bỗng chuyển dồn dập, cao vút lên. Sự trắc trở của thanh âm như một sự giật mình giữa cõi mộng. U ám, cô đơn bắt đầu bao trùm, cảnh vật bắt đầu chìm trong mênh mang sương khói, giai nhân cũng mờ dần, dư ảnh chìm vào sóng nước, chỉ còn rơi lại tiếng oanh vàng nức nở giữa trời mây. Trong thơ Đường, nhạn là tín sứ của tâm tưởng của tình yêu tương tư và cánh nhạn biểu thị sâu sắc sự ly biệt. “Chiều nay run rẩy thơ đôi cánh. Một cánh chim xưa đến lạc loài”. Văn Cao đã biệt ly người tình ngay cả trong mộng.
“Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu…
Từng đôi chim trong nắng khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hòa
Chim reo thương nhớ, chim ngân xa u ú ù u ú
Hồn mùa ngây ngất về đâu
Người đi theo mưa gió xa muôn trùng
Lần bước phiêu du về bến cũ
Tới đây mây núi đồi chập chùng
Liễu vương tơ tóc vàng trong nắng
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân.”
Giai nhân đã chẳng còn nhưng Văn Cao vẫn ngập ngừng giữa bến mơ. “Bến” đìu hiu nhưng “bến” đã cảm cái tình của người nghệ sĩ. Cũng những thanh, sắc, hương, hình đó mà không còn dáng người xưa, giờ đây lại bao trùm nỗi nhớ thương, khắc khoải, ước ao. “Không có em, cõi nhân gian này hoang vắng” (Un seul être vous manque, tout est dépeuplé - L’isolement - Alphonse de Lamartine). Văn Cao ngơ ngác ngập ngừng trong cõi mơ hồ bởi trong cái không gian không thực đó ông đã biến những khát khao, mong nhớ của mình thành cái đẹp hiện hữu để sẻ chia. Ông vẫn muốn ở lại cùng “bến xuân”, đắm mình vào nó dù cho đó là chỉ cái đẹp não nề…
Trong một cuốn video được ra mắt ít lâu sau khi Văn Cao mất, ông tâm sự: “Hình tượng người thiếu nữ chỉ là hình ảnh tưởng tượng trong không gian mơ hồ của tôi. Hầu như tôi làm nhạc tình ái thì không có người đàn bà nào là thật hết. Tôi gặp không phải không nhiều và người ta yêu tôi cũng nhiều, tôi thích cái đẹp nhưng lại sợ sự hòa nhập với cuộc đời người khác”.­ Có phải chăng, những “gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương” cũng là sự biến ảo mộng mị trong cõi thanh âm mơ hồ? Không hẳn, bởi Hoàng Oanh trong “Bến xuân” là hiện hữu. Chúng ta chỉ có thể nói rằng những bóng hồng đi qua cuộc đời nhạc sĩ chính là nguồn cảm hứng để thoát thai thành những hình tượng yêu kiều đầy huyền ảo.
Bến Xuân
Văn Cao - Khánh ly
Phan Khắc Huy
Theo https://vannghetiengiang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...