Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Bản làng Tây Nguyên

Bản làng Tây Nguyên
Ngả lưng dưới bóng mây
Tôi nhìn bầu trời vương chút nắng
Thấy yêu một giờ vắng lặng
Cao nguyên mơ đất bằng
Nguyễn Chánh Tín
Vài năm trước đảo chính Nhật 1945, anh tôi làm y tá tại bệnh viện Huế, "bị" đổi lên làm ở nhà thương Ban Mê Thuột. Hồi ấy, vùng đồi núi miền Trung còn là là nơi rừng rậm cây ngàn, ma thiêng nước độc, thú dữ đầy đường, bổ nhiệm lên đấy được cho là như bị tù đày. Tiếng đồn ghê rợn về Ngục Kon Tum bên cạnh, ngày nay dọn sạch, đóng góp thêm phần sợ hải cho người ở xa lại sinh sống, định cư. Tuy vậy, anh tôi làm việc ở đấy khá lâu, bình yên sống với gia đình đến lúc về hưu.

  
Một mùa hè trước, trên đường đi viếng các tháp Chăm, tuy phần lớn xây dựng ở miền biển, vợ chồng chúng tôi cũng cố gắng ngoặt qua viếng vùng núi miền Trung sau khi nghe trên sân khấu Tết ở UNESCO bài hát Bóng cây kơ nia đầy tình cảm. Buôn Ma Thuột không còn hoang vu như trước, dân cư không còn trần truồng như trong ảnh các sách xưa hay trong các bưu ảnh. Những nữ sinh mặc áo dài trắng tha thướt giữa trung tâm thành phố chỉ biết họ là những cô gái Ê đê khi thấy trở về nhà sàn dài của cha mẹ dọc theo suối Eatam đổ ra sông Sêrêpôk Theo truyền thuyết, các nhóm cư dân Ê đê là hậu duệ Anak Aê diê, vị thần tối cao, đọc chệch ra Anak Ê đê, người con do trời sinh ra. Một dân tộc ít người, khoảng một nửa triệu, nói tiếng Malay-Polynesia, Ê đê có mặt tại quê hương bản địa Đông Dương từ lâu đời, sống rải rác ở Việt Nam, Camphuchia, Thái Lan, gần đây một số ít di tản qua Canada, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển, Hoa Kỳ. Trước đó, họ sống quây quẩn trong các bản làng, vài tên còn được nhắc đến: Buông Kram, Buông Alê, Buông Păn Lăn, Buông Kosier, Buông Enao, Buông Dung, đặc biệt Buông Akõ Dhông. Danh từ Ban Mé Thuot (tiếng Ê đê có nghĩa Làng cha thằng Chuột) được đặt ra thời Pháp là một bản thuộc khu vực Buôn Kram, thời Việt Nam Cộng Hòa đổi ra Ban Mê Thuột, rồi sau 1975 trởi thành Buôn Ma Thuột. Ban là đô thị gồm có các buôn, khu vực nhỏ như phường. Buôn Ma Thuột ngày nay là tỉnh lỵ tình Đăk Lăk (tiếng M’nông có nghìa Hồ nước), một đô thị miền núi ở trung tâm Tây Nguyên. Với một dân số ít người lớn nhất Việt Nam, ở đô cao 536m, thị trấn nầy nằm ở vị trí chiến lược, quan trọng về an ninh, quốc phòng. Sau đảo chính Nhật năm 1945, gia đình vua Bảo Đại lên định cư ở đây và vùng Tây Nguyên, được gọi Hoàng Triều Cương Thổ: công trình biệt thự Bảo Đại nay trở thành viện bảo tàng, hồ Lak Nam Phương Hoàng Hậu, chùa Sắc tứ Khải đoan Đan Hy Hoàng Hậu,... Sau này Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng xuất hiện nhiều ở trong vùng.

Buôn Ma Thuột là nơi người Kinh đầu tiên lưu lạc đến lập nghiệp, xây dựng Đăk Lăk nên hầu hết các di tích có ý nghĩa lịch sử tập trung ở đây. Tòa nhà nguyện do các nữ tu dòng Biển Đức xây dưng năm 1956, qua năm 1967 trở thành Tòa Giám Mục với Giáo phận mới. Một công trình kiến trúc cổ đẹp hầu hết bằng gỗ, lợp ngói vảy cá, toà nhà mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống Ê Đê bản địa do chính nghệ nhân Công giáo Ê đê bỏ nhiều công phu thực hiện. Tòa Giám Mục còn giữ một số kiệt tác nhưng một phần lớn được đem trưng bày ở Bảo tàng dân tộc học Cầu Giấy ở Hà Nội. Những năm 1900, người miền núi thường được gọi người Thượng hay xuống vùng biển cướp bóc nên người Pháp thành lập thị trấn Ban Me Thuot để bảo vệ. Nhân khai thác vùng cao nguyên Đắc Lắk (ngôn ngữ nhóm Môn-Khmer), họ dọc theo Mêkông vào sông Sêrêpôk đến Buôn Đôn, rồi khám phá các suối Eanao-Eatam, nơi bản làng Ê đê có mật độ lớn. Để hướng dẫn người Ê đê các phương thức sản xuất cơ bản như trồng lúa, trồng cây công nghiệp cà phê, cao su, họ điều động lên Tây Nguyên dân miên biển như công nhân Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang, các thầy giáo Bình Định, Huế. Khoảng thập niên 20, chữ Ê đê được phiên âm ra tiếng quốc ngữ, trường ca sử thi (2077 câu) Bài ca về chàng Đam Săn thể hiện nét lịch sử văn hóa Tây Nguyên. Thời Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Đắk Lắk chia thành quận: Lạc Thiện, Phước An, Buôn Hồ, Ban Mê Thuột, thị xã Lạc Giao. Thị trấn bắt đầu được đô thị hóa, phát triển giao thông, hai phi trường, máy móc phục vụ nông nghiệp,...



Một vị trí du lịch lớn nhất tỉnh Đăk Lăk với những điểm Bản Đôn, Hồ Lawk, cụm thác Đray Sáp, thị trấn Buôn Ma Thuột cũng là trung tâm văn hóa, giao thông. Một trong những bản còn giữ được nhiều giá trị truyền thống là Buôn Cô Thôn còn gọi Buôn Akõ Dhông (Lũng đầu nguồn) với những căn nhà ngói bằng gỗ cà chít, giáng hương, duyên dáng, khang trang, kiến trúc độc đáo nhà sàn Ê đê. Trong mọi nhà, chiếc cầu thang với đôi bầu sữa ca ngợi nòi giống trường tồn, thể hiện quyền lực của phụ nữ trong xã hội mẫu hệ. Người phụ nữ nắm quyền quyết định như hỏi cưới chồng, con cái sinh ra lấy họ mẹ nhưng già làng là một vị đàn ông. Người Ê đê quan niệm cồng chiêng là vật thiêng liêng; mọi lễ mới, xuống đồng,.. cần phải cử hành long trọng trong không khí cồng chiêng nên hộ nào cũng cất giữ và bảo quảng cẩn thận nhưng nhạc khí nầy. Khi vào viếng buôn, khách được xem công việc dệt thủ công các mặt hàng thổ cẩm và mua những sản phẩm dệt tay thật sự. Khách cũng được mời uống cà phê, đặc sản miên Tây Nguyên, thường quên người Kinh lên đây phá rừng làm rẫy đồng thời cũng phá hoại môi trường sinh sống của dân miền núi. Khách để ý không thấy có trâu, bò, heo, gà dưới sàn mà nuôi ở một khu riêng, ý thức vệ sinh công cộng. Dân cư trong buôn có ước vọng nâng cao đời sống, phát triển mạnh mẽ thủ công truyền thống tuy vẫn chú trọng mặt văn hóa ít bị bên ngoài ảnh hưởng. Dân trong bản hay lại ngắm cây cổ thụ kơnia được phổ biến qua giọng hát lưu luyến, khêu gợi của cô ca sĩ Măng Thị Hợi đã đổ dồn mọi tình cảm của mình vào trong bài Bóng cây kơnia thơ Nguyễn Ngọc Anh, nhạc Phan Huỳnh Điểu:
Buổi sáng em làm rẫy, Thấy bóng cây kơnia,...
Bóng ngả che ngực em, Về nhớ anh không ngủ.


Bóng cây Kơnia - NSƯT Thanh Thúy - YouTube
Ðể hòa mình vào cuộc sống dân Ê đê, khách được mời thưởng thức rượu cần, còn gọi lảu kép (rượu trấu), lảu bẳng (rượu ống), lảu co (rượu cây), lảu xá (rượu vỏ trấu), lảu xả (rượu của người Xá) khác nhau ở khẩu vị ngọt đắng. Nó là một đồ uống cồn men, sử dụng thông qua một cái ống gọi là "cần" (cũng có thể uống trong ly, cốc), tuy thường xuyên, bất biến nhưng nguồn gốc lâu đời trở thành thuần phong mỹ tục, phản ứng tinh thần công đồng. Mọi người, già trẻ, trai gái đều mặc sức uống tùy khả năng, miễn là có cảm giác nồng ấm, sảng khoái, vui vẻ hòa đồng với tất cả. Để chế rượu cần, người ta dùng gạo, bắp, khoai, sắn, y dĩ, chuối, dứa , củ mài,... cùng men, rượu. Ngâm nước vài ba ngày, trộn men (làm từ lá rừng), chôn trong đất, chôn càng lâu rượu càng thơm nồng, 5-7 ngày đến khi dậy mùi, bịt kín 9-10 ngày sau mới dùng, uống lạnh càng ngon. Trước khi uống phải đỏ thêm nước suối để hòa tan chất cồn trong nước cốt lõi mùi hương đặc trung. Rượu càng già, uống càng thấy đậm đà : men ngọt cống hiến vị ngọt như mật, men đậm gây vị đắng mạnh hơn để cho đàn ông gọi là lầu phủ trai sử dụng trong những cuộc gặp gỡ bạn bè lảu khay cáy khá (rượu mở thịt gà). Thứ tự uống cũng quan trọng: nữ trước, nam sau; chủ nhà, thầy cùng rồi mới đến khách,... Dù sao, cần đã được vít uống thì không được thả ra, được xem như là thất lễ. Mỗi người uống xong phải lấy tay bịt đẩu cần trước khi chuyển qua người sau. Ngoài thức uống ngon mát, rượu cần còn là một vị thuốc kích thích tiêu hóa, lợi tiểu. Thì ra thưởng thức rượu là cả một nền văn hóa! Người Tây Nguyên không uống rượu cần để chè chén, giải sầu mà để tiếp đón bạn bè, khách quý, ngây ngất trong một bẩu trầm bổng cồng chiêng.
Trên đường Pleiku (tiếng Gia Rai có nghĩa Làng Đuôi) đi Kon Tum (tiếng Ba Na là Làng Hồ), giữa địa hình đồi núi bao bọc, để ý tìm rất có thể kiếm ra những bản làng hẻo lánh như làng cổ Kon K’Tu (tiếng Ba Na có nghĩa nguyên sơ), nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng. Nhưng khách không được tự ý vào, phải xin phép trước và ông già làng hay buôn trưởng kranh bon ra đón tại cửa buôn, nhận chút quà (bánh trái) rồi mới dẫn đi xem. Cơ sở được hảnh diện giới thiệu trước nhất là ngôi nhà rồng sang drong truyền thông cao vút, một không gian xã hội bất khả xâm phạm, kiến trúc đặc hữu, không trang trí gì nhiều nếu không là những nhạc cụ cồng chiêng. Ông già làng giải thích nhà dành nhất là cho trai trẻ và ngây thơ nhắc lại nhiểu lần: con gái đã lấy chồng không còn được vào! Trước nhà rồng môt cây nêu cao, còn gọi cột cúng, biểu tương tâm linh trong các nghi lễ truyền thống, nơi đi về của các Giàng là các vị thần, và cũng được xem như là trục vũ trụ thông tam giới để tiếp cận các giới thần linh, cõi ông bà tổ tiên. Vì vậy, cây nêu là một tác phẩm hoa văn, họa tiết, màu sắc trang trí phong phú. Ở cuối làng một ngôi nhà nhỏ là lớp học tiếng Việt: cô giáo trẻ nhỏ nhẹ giải thích trai trẻ phải biết viết, biết viết tiếng Việt để có việc làm. Cuối cuộc viếng thăm, trong lúc tôi được mời uống rượu cần với các ông để hân hạnh tiển đưa một chàng trai đi bộ đội (may cho tôi là khá chiều, rượu vơi nhiều và nước suối đã được đổ thêm vào chum rượu thành loãng lạt), nhà tôi được các bà đón tiếp: nhỏ con (nhỏ hơn cả nhà tôi!) họ nói tiếng Việt lơ lớ, ngập ngừng và vui vẻ thấy không kém thông thạo hơn nhà tôi nhờ những bài học ở trường Viễn đông sinh ngữ đã khá xa vời. Còn mấy ông quen với giọng bắc các cán bộ, thấy tôi ăn mặc xuềng xoàng, nghe giọng Huế ọ ẹ của tôi, chắc cũng tưởng tôi thuộc một sắc tộc nào đây!.

  
Tuy nhỏ, bản rất sạch sẽ, súc vật không cùng chung sống mà có khu nuôi riêng. Ra khỏi chu vi làng, khách lướt qua những khu nghĩa địa với những ngôi mộ bỏ hoang, những tượng gỗ hình thù khác nhau, phần lớn hư mục. Khác với niềm tin của nhiều dân tộc, chết rồi thì lên thiên đàng hay xuống địa ngục, người miền núi tâm niệm những người con sinh ra từ rừng thì chết xuống cũng trở về lại rừng vì họ gắng chặt văn hóa, tín ngưỡng, mọi yếu tố tâm linh với rừng. Họ tin khi đã qua đời, con người chưa rời rừng ngay mà được đặt trong áo quan là một khúc cây to có đục lỗ, phía trên có tấm ván bịt kín và trát nhựa cây rồi chôn trong một ngôi mộ tạm. Họ tin còn được gia đình "nuôi nấng ăn uống" qua chiếc ống cắm sâu xuống mộ. Hồn vía người chết chỉ hết lai vãng để về với thiên nhiên khi lễ bỏ mả đã được thực hiện gọi là để chia tay. Làm lễ là dựng nhà mồ với tre, mây, tranh, hay gỗ tốt như gỗ cây hương, cây cà chít, sắp dọn bên trong những vật dụng hằng ngày và chặt đẽo những bức tượng dâng tặng người đã mất, thường cắm quanh nhà mồ. Tượng có thể là vật liệu trong đời người sống muốn chia sẻ với kẻ chết, có thể nhân vật hình dung người buồn, kẻ vui, đàn bà có mang, đàn ông phô trương dương vật. Tượng là một vật biểu lộ tình cảm của gia đình hay bạn thân, thường thực hiện ngay ngày lễ bỏ mả, đơn giản, đai khái, không theo kích thước, tỷ lệ cần thiết, ngày càng mất tính mộc mạc, nguyên sơ. Ngày nay, rừng và gỗ được quản lý chặt chẽ, người đẽo cũng cần phải người thợ khéo léo cho nên chỉ có gia đình giàu mới có khả năng làm nhà mồ vì lễ bỏ mả kéo dài 3-7 ngày là một nghi lễ quan trọng nhất trong một đời người và bây giờ người quá cố mới có mồ thật sự...
Tây Nguyên thường được cho là đất "vạn vật hữu linh", mọi hành động, mọi cử chỉ đều có thần linh chứng nhận, nếu cần phải cầu xin, làm xong phải tạ ơn hay tạ tội. Vì vậy nhiều lễ thức, lễ nghi, lễ hội xen lẫn với cuộc sống hằng ngày, thể hiện qua các lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ cồng chiêng,... đánh dấu đời sống tâm linh. Trong quan niệm "vạn vật hữu linh" họ tin tưởng thế giới gồm có ba phần: thiên, trung, hạ giới. Thiên giới là nhà Trời dành cho Thượng đế Aê diê và các thần linh Yang. Trung giới là không gian của con người. Hạ giới là thung lũng sâu của của ma quỷ, thần ác và cũng là nơi cư trú của người quá cố. Qua các lề nghi, họ tin tưởng ở một quan hệ giữa các giới. Tuy nhiên, cần phải công nhận mô hình làng tự quản, thuần nhất chỉ còn tồn tại ở vùng xa sâu, khó khăn đi lại. Phần lớn các dân tộc tại chỗ và di cư sống chung đụng tạo ra sự kiện đồng hóa văn hóa, tất nhiên làm giảm sút giả trị văn hóa truyền thống. Ngày nay, Tây Nguyên có ba loại làng: làng thuần nhất còn rất ít, làng chung sống dân cư tại chỗ và thiểu số di cư, và làng lẫn lộn di dân các bản buôn và các làng người Kinh. Một cuộc đổi mới tự động diễn biến trong xã hội, những trưởng thôn thay thế các khua buôn làm giảm sút tính cộng đồng của làng, kết cuộc là liên kết giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ, trở nên lỏng lẻo. Công năng, vai trò, ý nghĩa tâm linh rời bỏ cộng đồng để trở về phục vụ cá nhân như ở bao xứ khác, làm mai một giá trị văn hóa truyền thống của bản làng Tây Nguyên. Từ xưa, trước khi đổi mới, dựa lên các căn bản bền vững: đất, nước, rừng, dân miền núi biết xây dựng một xã hội thân thiện, lành mạnh, bền vững, thể hiện các tiêu chỉ về thẩm mỹ kiến trúc, văn hóa, tâm linh... Người dân Tây Nguyên còn phải tranh đấu nhiều trước những thách thức của xã hội mới.
Thành Xô cuối hè 2017
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một ngày đi hôi gạo

Một ngày đi hôi gạo Đó là những ngày đầu tháng năm năm 1975. Tôi rảnh rổi không có việc gì làm, đạp xe qua nhà cậu tôi ở Cầu Kinh, một khu...