Cách đây hơn 300 năm có một ông hoàng tên Khurram, cháu nội
Akbar là ông vua lừng danh của dòng họ Moghol, gốc tích Mông Cổ xa xăm, lại chiếm
đóng miền bắc Ấn Độ. Thông minh, thanh lịch, phong nhã, có học thức, ông hoàng
này còn thạo cầm quân khiển lính. Khổ là mang phải một tính ngang bướng nên tuy
là đứa con có thiên tài nhất của vua Jahangir, ông bắt đầu đời mình với một
hành vi phi đạo: ám sát một người anh rồi sau đó gây hấn với vua cha vì bất
bình trong chuyện nối ngôi. Với những rắc rối gia đình như vậy, suốt đời trai
trê ông phải rời khỏi triều đinh lê la khắp nước.
Tình yêu vô thủy vô chung
Năm 21 tuổi ông lấy vợ. Cô Arjmand Baru, trẻ hơn ông hai tuổi,
đẹp đẽ, thông minh, lại vừa hiếu học, cũng không phải con nhà tầm thường. Ông nội
cô ta, Mirza Ghiyas, cũng như ông thân, Asaf Khan, đều là thị vệ đại thần. người
cô của cô ta, thi sĩ Nur Jahan, lại là vợ vua Jahangir. Arjmand yêu chồng,
quí chồng, rời bỏ cha mẹ, lầu son cung cấm, theo chồng bôn ba xa chốn kinh
thành, chia sẻ miếng cơm tấm áo thời buổi hàn vi. Khi vua cha Jahangir băng hà,
nhờ sự tận tình, khéo léo của ông gia Asaf Khan, ông hoàng Khurram lên nối ngôi
lấy niên hiệu Shah Jahan (nghĩa là Hoàng đế của thế giới). Hồi ấy ông mới 35 tuổi.
Bà vợ lên chức hoàng hậu, được phong tước Mumtaz Mahal (tức là con cưng của hậu
cung). Số mệnh long đong, chưa hưởng thụ cuộc sống vàng son được bao lâu thì bốn
năm sau, theo chồng đi chinh phục miền Deccan về, bà từ trần sau khi sinh hạ đứa
con thứ 14 (có tác giả chỉ nói đến con số 9, cũng đã nhiều lắm rồi). Vua Jahan
đau đớn vô cùng, mất ăn, mất ngủ, bỏ đèn, bỏ sách, hết còn nghe nhạc, hết chịu
tẩm hương, bần thần mất trí cho đến lúc quyết định xây ngay ở kinh đô Agra một
nhà mồ để lưu truyền lại mãi kỷ niệm của người vợ yêu. Đặt tên nhà mồ Taj
Mahal (vòng hoa cung điện), ông muốn nó lộng lẫy như nhan sắc bà vợ đã xấu
số qua đời. Ông thành công xây dựng một công trình vô cùng tuyệt diệu ngày nay
được sắp vào các cung điện đẹp nhất thế giới, một viên ngọc quý, một kỳ
quan của nhân loại mà hằng ngày khách thập phương từ mọi nơi tụ về, xếp hàng
dài đằng đẵng để vào chiêm ngưỡng.
Cũng nên biết thêm, nhà vua còn có ý định cho xây bên kia bờ
sông Yamura, ngay trước Taj Mahal, một ngôi mộ cho chính mình bằng cẩm thạch
đen thay vì cẩm thạch trắng như Taj Mahal, và cho nối liền hai nhà mồ qua một
chiếc cầu hai màu đen trắng, tượng trưng cho mối tình bất diệt. Nhưng cuộc sống
đã dành cho ông một cuối đời đau khổ: chưa kịp xây cất ngôi mộ thứ nhì nấy
thì một đứa con ông, Aurengzeb, truất phế ông để chiếm ngôi. Ông bị giam giữ
tám năm cho đến chết trong một đồn ải gọi là Hồng đài (Red Fort), cũng ở kinh
đô Agra, không quá xa để qua cửa sổ, ngày ngày ông có thể ngồi ngắm nhà mồ của
bà vợ và mặc sức tưởng niệm đến quá khứ xa xăm. Khi ông qua đời, Aurengzeb, một
ông vua háo chiến, vô nhân, chỉ dành cho ông một chỗ nhỏ cạnh mả bà vợ trong
nhà mồ Taj Mahal. Âu cũng là một chút an ủi cho mối tình tuyệt vọng.
Hỗn hợp hài hòa nghệ thuật
Yêu vợ tha thiết để xây nhà mồ cho vợ là chuyện thường tình ở
thời buổi ngày nay. Nhưng đây ta ở giữa thế kỷ XVII: hồi ấy Hồi giáo không có
tục lệ xây mộ, nhất là cho một người đàn bà, và nghệ thuật tang lễ cũng hoàn
toàn bị cấm đoán. Ta phải tìm nguyên do ở dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc bị Mông
Cổ đô hộ, họ đã bắt đầu xây dựng những nhà quanh mộ. Vua Tamerlan, đầu thế kỷ
XV, có nhà mồ của mình, tuy nhỏ nhưng đã thành hình. Đến lượt người Thổ
qua chinh phục miền bắc Ấn Độ. Trong số con cháu của Tamerlan, gần một thế kỷ
sau, có Babur đến đóng đô ở Delhi, dựng lên vương triều Moghol sánh chói, hùng
mạnh, tồn tại hơn một trăm năm cho đến đời Aurengzeb. Cháu nội Babur chính
là Akbar. Ông vua nầy tuy theo Hồi giáo, vẫn còn tiêm nhiễm tục lệ miền
Trung Á và rất khoan hồng về mặt tôn giáo: đấy là một đức tính cần thiết để
cai trị một vùng đầy dẫy tín ngưỡng, đạo giáo rất khác nhau. Ông có lẽ
là ông vua siêu việt nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, chỉ ba đời sau, vào triều
vua Aurengzeb, khi toàn thể lãnh thổ Ấn Độ thu về một mối, đất nước thống nhất,
cũng là lúc bắt đầu một cuộc thoái hóa, suy đồi: ấy chỉ vì Aurengzeb là một
ông vua Hồi giáo cực đoan, hết còn khoan hồng độ lượng như các vua trước, người
hiền lần lượt rời bỏ triều đình ra đi...
Có thể nói là trong thời vương triều Moghol, Ấn Độ thịnh vượng
nhất dưới hai triều vua Jahangir và Shah Jahan: dân giàu, nước mạnh, văn hóa
nghệ thuật tối cao. Nghệ thuật Hồi giáo, nhập cảng từ phương Tây, đem vào Ấn Độ
nhiều ý tưởng mới lạ: vườn tược, nóc bằng, cẩm thạch, tòa lầu ở bốn góc,... Đi ngang qua Ba Tư, nhiều tượng được ghép thêm vào: của tò vò Iwan nội tiếp
trong những khoảng hình chữ nhật, vừa có kênh chia ra làm bốn phần để cấu
thành tchkar bagh (bốn vườn), mộ bia bai tầng có tám phòng bao quanh
tạo ra hach behecht (tám thiên đường),... Đáng phục là các nghệ
sĩ hấp thu rất tài tình mọi chi tiết và thực hiện cũng thật khéo léo. Một điều
đáng chú ý, cho đến nay nhà mồ chỉ được xây cho mấy ông. Trong phong tục Hồi
giáo, người vợ luôn phải phục tùng chồng, không vừa ý bị đuổi về ngay, khi chia
gia tài chỉ nhận phần nhỏ, đi ra ngoài luôn phải có khăn che mặt, trong khuê
phòng tất nhiên mất hết tự do,... Ta phải đợi đến triều đại Moghol mới thấy mặt
mũi người phụ nữ đưa ra ánh sáng. Điển hình nhất là trường hợp nữ sĩ Nur Jahan,
vợ của vua Jahangir. Đẹp đẽ, thông minh, có học thức, bà lại còn khéo léo,
duyên dáng, biết giúp chồng cai trị khi ông rơi vào vòng rượu chè, trụy lạc.
Tên bà còn để lại, ghi tạc trên các đồng tiền cạnh tên chồng. Sau này, khi
Aurengzeb lên ngôi, ông ta giết rất nhiều bà con trong gia đình, nhưng đối với
Nur Jahan thì luôn luôn trọng vọng.
Linh hồn nhà mồ đêm trăng
Trong bối cảnh ấy, ta dễ hiểu hơn tình yêu của Shah Jahan và
nhà mồ Taj Mahal. Không biết ai đã điều khiển cuộc xây cất, có lẽ nhà vua tự
tay đốc suất. Cũng không biết tên các kiến trúc sư: nhiều đề nghị đã đưa ra
nhưng chẳng có một bằng chứng rõ rệt. Rất có thể Ustad Ahmad và em là
Ustad Amid đã vẽ họa đồ; Geronimo Veroneo từ Venise xa xăm đến, lo về kế hoạch
hòa hợp tòa nhà và vườn tược; một kiến trúc sư người Thổ Nhĩ Kỳ, Austin de
Bordeaux, mà vua Jahangir đã ban cho chức "người sáng tác nghệ thuật",
cũng đóng góp nhiều trong cuộc xây dựng và nhất là về trang hoàng... Nghệ sĩ, thợ
thuyền thì lại càng ít được biết hơn, nếu không là nhà vua đã cho đi tìm từ các
phương xa. Vua Jahan rất thích cẩm thạch trắng, nhất là lại để diễn tả vẻ ưu
nhã, yêu kiều của một phụ nữ, thì không nề hà bắt chở về từ mỏ đá Djodhpur bên
xứ Radjasthan. Tuy nhiên ông không quên tài nguyên địa phương là sa thạch đỏ
thường được dùng để xây dựng các đồn ải. Hòa hợp hai loại đá nầy đã được thực
hiện rất hài hòa. Cũng nên nghĩ đến tổ chức của một công trường khoảng hai vạn
thợ thuyền, ăn, ở, làm việc trong hơn 16 năm trời.
Tôi và nhà tôi được đưa đến trước Taj Mahal một sáng đầu thu,
sương mù còn vương víu làm cảnh vật thêm mờ ảo, thần tiên. Sau khi vượt
qua nhà cổng đồ sộ bằng sa thạch đỏ hoe, khách giật mình trước một bể nước dài
soi bóng nhà mồ nằm ở đằng xa, trắng xóa và nổi bật như viên ngọc quý bày trong
tủ kính. Lại gần hơn, một bể nước thứ nhì chắn ngang bể thứ nhất, chia vườn làm
bốn phần. Vượt quá bể nước này còn phải nhiều bước nữa mới đến chân nhà mồ
chính xây trên một cái nền khá cao, thành thử du khách dù đông bao nhiêu cũng
chỉ thấy lúc nhúc ở dưới, không che lấp chút nào nhà mồ. Công trình là một lâu
đài hình tám cạnh, cao hơn 60 m, rộng cũng xấp xỉ cở ấy, trên cùng là một cái
trần hình củ giống như một quả cầu phía dưới bị cắt ngang. Ở bốn góc là bốn cái
lầu minaret thấp hơn nhà mồ chính nhưng lại thon hơn nên nhìn rất
thoáng mắt. Tất cả các bộ phận nầy đều bằng cẩm thạch trắng, chạm trổ trang
hoàng với đủ loại đá quý, không cầu kỳ mà lại có vẻ đơn sơ, kín đáo, cho thoát
ra một ý tưởng tận thiện tận mỹ, gợi lên một phản ảnh thần linh, một vẻ đẹp cao
cả của sự chết. Đứng trước Taj Mahal, ta có cảm tưởng như linh hồn đã thật
lên đến chốn cực lạc vì chính ngay ở nhà mồ cũng như vườn tược xung quanh, mọi
cách sắp đặt, trang trí đều được đắn đo để tạo ra một thế giới thiên đường.
Người ta thường bảo vào buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, thì
nhà mồ nhuốm một màu hồng đẹp. Vì vậy cho nên chiều hôm ấy chúng tôi đã kiếm
cách trở lại xem. Nhà mồ hôm ấy trở nên hồng thật nhưng, sau khi mặt trời khuất
bóng, dưới bầu trời thắm đỏ, ngôi nhà cẩm thạch trắng bổng nhuộm đủ màu sắc,
tím, xám, xanh, vàng, có khi mường tượng phản ảnh của những viên ngọc bích, hồng
bảo,... Tôi còn tiếc không có dịp trở lại viếng Taj Mahal dưới ánh trăng thanh
vì nghe nói khi ấy khách mới cảm nhận trọn vẹn linh hồn nhà mồ. Không phải tình
cờ mà UNESCO đã ghi Taj Mahal vào danh sách các tài sản thế giới như cung điện,
lăng tẩm thành phố Huế của chúng ta. Cái khác nhau là ở Huế, các đế vương khi
còn sống đã lo xây cất nơi mình sẽ yên giấc ngàn thu, bên nầy nhà mồ là kỷ niệm
một mối tình nồng nàn mà một ông vua muốn dành cho người vợ yêu quý. Rút cuộc,
cái may của bà hoàng hậu Mumtaz Mahal là có được một ông chồng độc đáo, cái may
của vua Shah Jahan là xây cất được một nhà mồ tuyệt diệu đến nỗi người đời
tha thứ những tội lỗi của ông, và cái may của ta là nhờ cuộc gặp gỡ các
nghệ thuật Hồi giáo, Ba Tư, Ấn Độ, ngày nay có diễm phúc say mê ngắm nghía một
bảo vật như Taj Mahal.
Hắc Ký Ni Sơn 1995 - Thành Xô 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét