Người thổi linh hồn vào đá
Hoàng Vũ Thuật
1- Đây là tập thơ thứ 5 của Đỗ Thành Đồng. Theo tôi
không nên đặt tập “Cỏ vô danh” cùng với 4 tập từ 2012 trở về đây, bởi nó chấm dứt
một thi pháp cũ để bước sang thi pháp mới, sang giai đoạn mới - giai đoạn của
thơ đương đại. Với Đá về hình thức, anh tìm cách biểu hiện lạ. Tên tập
và tên các bài trong tập chỉ một chữ. Khi anh cho ra đời Rác và Rỗng,
đã có người cảm nhận, thấy Hoàng Vũ Thuật lấy tên tập thơ Màu rồi Mùi đã
học theo. Tôi im lặng. Bởi tôi tin anh có bản lĩnh và con đường riêng của
mình. Đá đã thể hiện tâm thế đó. Anh muốn cô đọng lại, lược bỏ những
gì không cần thiết, để tự con chữ bật lên bản chất thơ.
Nhà thơ đã viết:
anh là tôi
ta sống để làm gì?
(Ai)
Trong cuộc sống nhiều khi hai người giống nhau về tính cách
là chuyện thường. Nhưng trong sáng tạo lại chuyện khác. Tôi là tôi. Tôi không
thể là anh, giống anh. Nếu giống nhau “ta sống để làm gì” nữa? Một câu hỏi cũng
là câu trả lời vậy. Trời đã sinh ra Nguyễn Bính, không thể có nhà thơ thứ hai
sáng tác theo phong cách Nguyễn Bính. Đỗ Thành Đồng hoàn toàn khác Trần Thị
Huê, Phan Văn Chương, Lê Minh Thắng... dù họ có thể xem như “một lứa bên trời” ở
Quảng Bình hiện nay. Chỉ điều này thôi, chúng ta đã có quyền hy vọng và tin họ
sẽ làm nên trang mới cho thành tựu văn học Quảng Bình.
Giả dụ không có họ văn học nói chung, thơ nói riêng ở Quảng
Bình sẽ ra sao?
2- Đã nói sáng tạo, ta phải nghĩ ngay cái khác và mới.
Ta hãy đọc Tôi đã tin những thứ anh vẽ ra/ là sự lớn lên của một cơ thể (Che).
Câu thơ hàm nghĩa. Hiểu sao cũng được, bởi nó không mô tả, không giải thích mà
chỉ cảm. Thứ thơ tạo nghĩa, sinh nghĩa, rất trừu tượng và đẫm mùi hiện sinh.
Cũng như khi anh viết:
anh nghĩ không phải tại anh
mà là lỗi của gió
Bâng quơ làm sao, ẩn dụ làm sao? Có phải đổ lỗi cho gió
không? Khi “những câu chuyện tấy sưng đàn bà góa” (Lỗi).
Thơ đương đại, nó kết nối với thế giới bằng cách cảm riêng,
cho dù mỗi dân tộc có ngôn ngữ riêng. Mang thể loại truyền thống, có từ 1873 -
1937, thơ Haiku Nhật bản vẫn tạo ra những hình tượng lạ, phù hợp với đời sống
hiện đại đang ngày một phát triển. Lấy bài của Hosai Ozaki làm thí dụ:
Người con gái
Trên tờ báo tường
Lúc nào cũng khóc
Người ta sẽ đặt câu hỏi vì sao cô gái trên báo tường ấy lúc nào
cũng khóc? Có rất nhiều cách trả lời. Nhưng rõ ràng cô gái trên báo tường là
nhân vật hư cấu hiện ra cùng nỗi đau đồng loài. Ranh giới giữa hiện thực và huyền
ảo không còn tồn tại nữa.
3- Phải nói trong thời gian 8-9 năm, các tác giả ở trên
đã biết khai mở miền đất riêng biệt cho thế hệ của mình. Không ai bỏ cuộc, họ sẵn
sàng từ bỏ lối tư duy lấy “cảm hứng tập thể” làm tiêu chí. Lối tư duy rất cũ kĩ
và nhàm mòn. Thơ các anh chị đã hướng về đời thường, thân phận, hướng về những
thứ gần gũi quanh mình như máu thịt, hơi thở. Viết về một tấm áo rách, Đỗ Thành
Đồng biết khai thác tình mẫu tử gần gũi, thân thương: Hơi thở mẹ mềm sợi
chỉ/ luồn qua những vết thương con/ còn những mũi kim xương tủy/ mẹ giữ cho
mình... (Rách). Thơ ấy lúc nào cũng vẫy gọi chúng ta đồng sáng tạo.
Tôi nghĩ trên bước đường tìm kiếm, Đỗ Thành Đồng đã chạm đến
ngưỡng cửa mà các nhà phê bình và độc giả khó tính đang trông đợi. Vài dòng cảm
nhận như đã biết, tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ sau thế hệ Đỗ Thành Đồng cần
phải biết lắng nghe. Bởi lắng nghe tức biết nhìn lại mình, nhìn sang người để
tìm tới sự lựa chọn tốt đẹp. Không ai nghe theo lối giáo điều, cưỡng bức, thô
thiển cả. Nhưng lắng nghe lẽ phải rất cần thiết trong chúng ta. Bất kỳ công việc
sáng tạo của người nghệ sĩ hay hành động, tư duy, tình cảm trong cuộc sống của
mỗi người đều vậy. Điều này không trừ một riêng ai!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét