Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Tâm hồn anh sống lại thành tuổi thơ

Tâm hồn anh sống lại thành tuổi thơ
Nếu dòng ý thức tạo nên cấu trúc tác phẩm thì những mảng hình ảnh siêu thực lại là phương cách Thanh Tâm Tuyền thể hiện ý thức. Thơ Thanh Tâm Tuyền đầy dẫy những hình ảnh siêu thưc, như trong những giấc mơ. Giải mã những giấc mơ là vô nghĩa. Nhưng nó lộ ra những vùng sâu thẳm trong ý thức của Thanh Tâm Tuyền đối với thực tại.
Thanh Tâm Tuyền là một hiện tuợng thơ đặc biệt góp phần cách tân thơ ca ở miền Nam sau 1954, nhưng thơ ông không dễ đọc.
I. "Hoàng đế đầy đủ quyền uy"
Thanh Tâm Tuyền có một vương quốc thơ. Người đọc thơ ông là người hoàn toàn tự do, có thể đọc và có thể ném cuốn sách ra cưả sổ. Nhưng nếu muốn nhập lãnh thổ thơ ông, người đọc phải thần phục những luật lệ tinh thần do ông đặt ra. Ông nói với người đọc:
"Ở đây tôi là hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, người hoàn toàn tự do. Để cai trị, tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ. Người hoàn toàn tự do. Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ." [1]
Đó là những lời thách thức cao ngạo đối với độc giả đương thời. Cao ngạo là một thứ bệnh tự huyễn hoặc của nhà thơ, nhà văn. xưa nay thường thế. Thanh Tâm Tuyền tự phong mình là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy trong lãnh thổ thơ của mình, bắt người đọc phải thần phục, lời thách thức ấy cho đến nay dường như vẫn còn nguyên giá trị.
Người ta ca ngợi, người ta khẳng định tài năng Thanh Tâm Tuyền, và đòi phải xác lập vị trí của ông trong thơ ca Việt Nam hiện đại, thế nhưng dường như chưa có ai thực sư thâm nhập được vùng đất đai thơ Thanh Tâm Tuyền. "Người đọc theo dõi, tìm hiểu, chứ thật sự yêu thích thì không nhiều; cũng có người, có bài báo chê trách là thơ lập dị, bí hiểm, hũ nút" [2].
Chẳng hạn, đọc bài Tĩnh Vật (tạp chí Sáng Tạo, số Xuân 1957), Phạm Việt Tuyền chỉ tiếp cận được một cách cảm tính, ông không đọc được bằng trí tuệ, bởi vì trí tuệ bất lực trước một cấu trúc ngôn ngữ mới lạ: "Đấy là thứ thơ phải hiểu bằng trực giác, phải nhờ tưởng tượng và tình cảm để nếm cái khoái trá bí mật nhưng có thật đối với những kẻ định dùng cân lượng của văn xuôi mà đo lường..."[3]
Phạm Xuân Nguyên, gần 40 năm sau (1994), dẫn bài Tĩnh Vật như là tiêu biểu thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, cũng không có một kiến giải nào về bài thơ trên (có lẽ ông không nhập được vào lãnh thổ thơ Thanh Tâm Tuyền). Ông muợn ý của Phạm Việt Tuyền, Cao Thế Dung và Trương Vũ để kết: "Nhận xét của Cao Thế Dung và Trương Vũ, theo tôi, đã nói được khá chính xác giá trị thơ Thanh Tâm Tuyền và ý nghĩa cuộc đổi mới thơ của ông đối với thơ Việt miền Nam nói riêng và thơ Việt nói chung"3.
Vậy làm thế nào để nhập vào được lãnh thổ thơ Thanh Tâm Tuyền? tất nhiên là phải thần phục những luật lệ tinh thần do Thanh Tâm Tuyền đặt ra. Những luật lệ ấy là gì?
Theo tôi đó là "thi pháp" của thơ Thanh Tâm Tuyền. Không khám phá thi pháp này, không thể đọc thơ ông.
Đặng Tiến cho rằng "Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra "diễn ca", còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới." 4
Nhận xét trên của Đặng Tiến là có cơ sở, nhưng chỉ ở mặt kỹ thuật viết. Điều này Nguyễn Xuân Sanh đã làm rất đạt từ trước Thanh Tâm Tuyền (chẳng hạn bài Buồn Xưa). Thanh Tâm Tuyền không phá vỡ vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ. Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, người đọc luôn nghe một giọng trầm buồn nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Thanh Tâm Tuyền vẫn triệt để khai thác nhịp điệu thơ. Ông dùng nhiều kiểu trùng điệp, kiểu ngắt nhịp, kiểu câu dài ngắn xen kẽ, kiểu câu kể xen với câu trữ tình, câu độc thoại...
Vậy cốt lõi thi pháp của thơ Thanh Tâm Tuyền là gì?
Đó là nguyên tắc sáng tác có nền tảng tư tưởng và nghệ thuât dưạ trên chủ nghĩa Hiện Sinh, chủ nghĩa Siêu Thực và bóng dáng kỹ thuật Tân Hình Thức (Tôi gọi là "bóng dáng", vì thời Thanh Tâm Tuyền chưa có thơ Tân Hình Thức). Thanh Tâm Tuyền đã kết hợp cả ba ý thức nghệ thuật trên cùng một lúc trong tác phẩm của ông để làm nên sự mới lạ trong thơ.
Mỗi bài thơ Thơ của Thanh Tâm Tuyền là một dòng ý thức, một trạng thái hiện sinh của nhà thơ, không phải dòng chảy tâm trạng như trong thơ Lãng Mạn. Đây là một bước cách tân, đưa thơ Lãng Mạn 1930-1945 vào bảo tàng quá khứ. Vì đặc điểm căn bản của Thơ Mới là dòng chảy tâm trạng trước thực tại, là sự tồn tại Cái Tôi tiểu tư sản trong thơ. Hai tập thơ đầu của Thanh Tâm Tuyền được viết với kỹ thuật dòng ý thức. Thơ là dòng ý thức tuôn chảy, như một sông, ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt, lấn át nhau, đan bện vào nhau kỳ quăc và phi logic. Hiện thực bị cắt vụn, bị phân ly, ném đi mỗi nơi một mảnh. "Cái tôi" tồn tại trực tiếp trong ý thức. Bài thơ không có bối cảnh hiện thực. Không gian, thời gian bị tước bỏ vai trò làm bối cảnh, chỉ còn cái lõi là dòng ý thức. Dòng chảy ý thức ấy không còn bám rễ được vào hiện thực khiến cho nó trở nên thực sự không hiều được.
Nếu dòng ý thức tạo nên cấu trúc tác phẩm thì những mảng hình ảnh siêu thực lại là phương cách Thanh Tâm Tuyền thể hiện ý thức. Thơ Thanh Tâm Tuyền đầy dẫy những hình ảnh siêu thưc, như trong những giấc mơ. Giải mã những giấc mơ là vô nghĩa. Nhưng nó lộ ra những vùng sâu thẳm trong ý thức của Thanh Tâm Tuyền đối với thực tại. Chẳng hạn: Giấc mơ "tôi thèm giết tôi" bằng cách bóp cổ chết, giấc mơ đi tìm thần chết, nắm tóc bắt thần chết gật đầu...
tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
(Phục Sinh)
Từ biệt nàng tôi hỏi
Em đã chết rồi chăng?
Trong quan tài nàng đáp
Ôi đất lạnh mưa băng
Tôi tìm thần chết hỏi
Nàng được tự do chăng?
Thần chết câm và điếc
Tôi nắm tóc bắt gật đầu
Và trở về dương thế...
(Sầu Khúc)
Ta đã gặp đâu đây những cơn mộng mị hoảng loạn như thế trong thơ của Hàn Mặc Tử (Say trăng, Hồn lìa khỏi xác). Quả thật, không phải vô tình mà Thanh Tâm Tuyền ca ngợi Hàn Mặc Tử, vì trong dòng Thơ Mới 1930-1945, Hàn Mặc Tử đã vượt qua Tượng Trưng để đến với Siêu Thực.
Về ngôn từ, Thanh Tâm Tuyền dùng nhiều phép so sánh, ẩn dụ. Để hiểu những ẩn dụ này, người đọc phải vượt qua nhiều liên tưởng mới tới được ý nghĩa thực. Nhiều ẩn dụ đòi hỏi những bước liên tưởng quá xa, không sao lần ra nguồn cội, người đọc mệt trí và bất lực.
tôi buồn chết như buồn ngủ
dù tôi đang đứng bên bờ sông
nước đen sâu thao thức
(Phục Sinh)
Câu thơ "tôi buồn chết như buồn ngủ/ dù tôi đang đứng bên bờ sông " là một so sánh bình thường, vế so sánh đã có chút mới lạ. Đến câu "nước đen sâu thao thức " phép ẩn dụ đã đưa tư duy người đọc đi rất xa, câu thơ trở nên đa nghĩa. Có thể là: tôi đứng bên bờ sông nước đen, dòng nước sâu thao thức; hoặc tôi đứng bên bờ sông, đêm đen, sâu thẳm, tôi thao thức về trạng thái "buồn chết"...
Trong một câu thơ, đôi khi Thanh Tâm Tuyền lắp ghép thật nhiều hình ảnh thuộc những trường nghiã khác nhau, khiến cho người đọc không sao lần ra những mối quan hệ giữa chúng
bàn tay/ mày/ mắt/ trăng/ môi/ nhiệt đới
chiến tranh còn những khoảng trống đất hoang
(Chim)
Câu thơ Thanh Tâm Tuyền cũng được thiết kế theo một cách riêng, ông không ngắt câu theo cú pháp thông thường, mà viết liền mạch các câu liên tiếp chồng lên nhau hoặc cắt vụn cấu trúc câu ra chỉ còn đơn vị từ. Thanh Tâm Tuyền cũng tạo ra nhiều kiểu bố cục mới lạ, ý tứ không được sắp xếp theo logic bình thường mà đảo lộn bất thường. Chẳng hạn, mở đầu bài thơ là một loạt những cận ảnh, sau đó ống kính lùi dần, lộ ra câu thơ chủ thể. Câu thơ mang ý nghiã chủ đề có thể đứng ở giưã hoặc cuối bài (Nhịp Ba; Chim; Định Nghiã Một bài thơ Hay; Một Bài Thơ; Cỏ...). Người đọc phải biết ngắt câu thơ Thanh Tâm Tuyền đúng cách, biết tìm ra cấu trúc bài thơ trong đó ý tưởng chủ đạo bị ẩn dấu, bị vây quanh, bị làm nhiễu bởi những hình ảnh siêu thực, những ẫn dụ, những đan bện phi logic pha tạp của ý thức, cả cái thực và cái hoang tưởng. Tức là phải tháo rời bài thơ ra, lắp ráp lại, phải xoay sở tìm cho được cái logic đã bị phá vỡ, giải mã những ẫn dụ, phải đọc nhiều lần bài thơ may ra trí tuệ mới tìm ra lối vào.
Xin đem tất cả những kỹ thuật của thi pháp TTT nêu trên để thử sức với bài Tĩnh Vật (bài thơ mà cả Phạm Việt Tuyền và Phạm Xuân Nguyên, cách nhau gần 40 năm, đều không có một lời minh giải).
Mẩu bánh mì ở góc bàn
Và cốc nước trong như mắt đẹp
Thôi/ để giấc mơ lên cỏ hoa
Hiện hình nỗi chết
Từ ngón tay
Hết cả niềm hồn hậu
Người đau bằng màu bằng âm thanh
Những ngày nghèo đói
Ăn mày
Cố sức/ tiếng cười trên cổ nõn
Tóc mai
Phố nhỏ lên chiều/ mãi nhớ thương
Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực
Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống.
(Sáng Tạo, số Xuân 1957)
Bài thơ được viết liền mạch, tôi thử tách dòng phân đoạn bố cục, và ngắt ý bằng vạch nhịp [/], in đậm những chữ cần chú ý, để khi nhìn vào chúng trong tổng thể bài thơ, sẽ nhận ra những mối quan hệ nào đấy.
Hai câu đầu có thể là bức tranh tĩnh vật, được tả thực với phép so sánh bình thường.
Mẩu bánh mì ở góc bàn
Và cốc nước trong như mắt đẹp
Đến câu thứ ba, dòng ý thức hiển lộ nhanh, trực tiếp, pha tạp, đan bện phi logic nhiều hình ảnh chớp nhoá. Hiện thực bị cắt ra, vứt chỗ này một mảnh, chỗ kia một mảnh, cần phải hàn gắn chúng lại:
Ta hình dung ra thế này: Đó là buổi chiều, nơi con phố nhỏ, Thanh Tâm Tuyền nhìn thấy (trong ý thức của mình), những kẻ đi ngoài kia la lối đòi sống. Đó là những số phận nghèo đói, ăn mà, đau thương, nhổ máu ra khỏi ngực, nỗi chết chực chờ, đã cố sức nhưng không sao thoát khỏi nỗi tuyệt vọng, hết cả niềm hồn hậu. Thôi/ để giấc mơ lên cỏ hoa.
Dòng ý thức cứ tuôn chảy. Những hình ảnh xuất hiện liên tiếp như trong giấc mơ hỗn độn, không có gốc rễ. Bức tranh tĩnh vật ở hai câu đầu nhập nhoà với thực tại. Cuộc sống đang bày ra trong dòng ý thức của Thanh Tâm Tuyền cũng là tĩnh vật. Tại sao lại "Là tĩnh vật", vì cuộc sống nghèo đói, ăn mày, đau thương, nhổ máu ra khỏ ngực, nỗi chết của hiện thực miền Nam lúc bấy giờ cứ bày ra đấy ngày này qua ngày khác, không có gì thay đổi, như bức tranh tĩnh vật treo trên tường kia, chỉ từng ấy sự vật, không thay đổi, một bức tranh chết. Nỗi bi đát của những thân phận người chính là ở chỗ: cuộc sống là Tĩnh vật, tuyệt không có gì thay đổi, dù cố sức mà la vào mồm đòi sống. "La vào mồm" là một cụm từ lạ. Đó là hình ảnh những con người trong một cuộc đấu tranh xô xát ở ngoài kia, (chẳng hạn trong những cuộc biểu tình xô xát với cảnh sát), mặt đối mặt, sấn sổ vào nhau, mồm sát mồm, gào thét lên như "la vào mồm" nhau, quyết liệt.
Trước thực tại "hiện hình nỗi chết, Hết cả niềm hồn hậu ấy", thái độ tình cảm của Thanh Tâm Tuyền là gì? Thanh Tâm Tuyền bi thương, phẫn nộ, tuyệt vọng. Thái độ tình cảm ấy ẩn dấu trong những hình ảnh, những động từ mạnh "nhổ máu ra, la vào mồm/ sống. Nhịp thơ ngày càng ngắn lại, quyết liệt, sau cùng chỉ còn duy nhất mộ chữ SỐNG cuồng nộ bi thương.
Phố nhỏ lên chiều/ mãi nhớ thương
Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực
Là tĩnh vật
Kẻ đi ngoài kia la vào mồm
Sống.
Thanh Tâm Tuyền dành tình cảm sâu nặng cho những kiếp người nghèo đói, ăn mày, đau thương, nhổ máu ra khỏi ngực, nỗi chết chực chờ, đã cố sức nhưng không sao thoát khỏi nỗi tuyệt vọng trong thế giới này. Thanh Tâm Tuyền đau nỗi đau thân phận thời đại. Giọng thơ buồn sâu thẳm, bi phẫn.
Bạn đọc sẽ hỏi, vậy những chữ trong bài thơ tôi chưa nói tới có ý nghiã gì? thực ra đó là những từ của phép ẩn dụ (so sánh ngầm). Nó tạo ra sự phong phú của hình ảnh thơ, tạo ra sự lấp lánh của nhiều lớp nghiã, và có tác dụng gây nhiễu với kiểu đọc logic. Hiểu được chúng cũng được, bỏ qua cũng không sao, cái chính là nắm cho được dòng ý thức của Thanh Tâm Tuyền, nhận cho ra cái hiện thực Thanh Tâm Tuyền đang đối diện, và đào xới cho được cái mạch ngầm tình cảm ẩn trong con chữ tưởng như trơ trơ. Đồng thời phải vượt qua đuợc nhiều bước liên tưởng của câu chữ ẩn dụ để tìm đến cái nguồn Thanh Tâm Tuyền muốn nói. Nhưng yêu cầu quan trọng là người đọc phải nhập đuợc vào dòng ý thức của Thanh Tâm Tuyền.
Chẳng hạn câu, Và cốc nước trong như mắt đẹp. Cốc nước trong là yếu tố thực được miêu tả. Cụm từ so sánh "như mắt đẹp" chỉ tôn thêm cái trong của cốc nước và tạo thêm cái lạ trong cách so sánh, hiểu hay không hiểu chẳng thêm gì cho yếu tốc chính là "cốc nước trong". Câu "Phố nhỏ lên chiều mãi nhớ thương" phải được ngắt ra làm hai ý: "Phố nhỏ lên chiều/ mãi nhớ thương". Bối cảnh suy tư của Thanh Tâm Tuyền là phố nhỏ, có thể là chiều đã lên. Trong bối cảnh ấy Thanh Tâm Tuyền thấy lòng mình mãi nhớ thương. Câu thơ tiếp nối dòng ý thức là "Người nhổ muôn ngàn giấc máu ra khỏi ngực" có thể là Thanh Tâm Tuyền nhìn thấy trong ý thức, nhiều người đang ngủ (muôn ngàn giấc) đấy là những con người khốn khổ, lao lực kiệt sức, ho lao? (nhổ máu ra khỏi ngực). Phép ẩn dụ tạo nên nhiều liên tưởng, nhờ vậy câu thơ đa nghĩa, đồng thời có cả thái độ bi phẫn của Thanh Tâm Tuyền.
Miêu tả dòng ý thức, đem vào thơ những giấc mơ hoang tưởng Siêu thực, sử dụng những kỹ thuật xáo trộn ngôn ngữ, rõ ràng Thanh Tâm Tuyền chịu ảnh hưởng những trào lưu hiện đại phương Tây, đó là bước cách tân của Thanh Tâm Tuyền. Nếu nói Thanh Tâm Tuyền cách tân thơ ca thì chính là kỹ thuật này, ở TTT đó là một kiểu tư duy nghệ thuật, một thi pháp
ai hỏi anh ngoài hàng dậu
lãng mạn lập thể siêu thực dã thú đa đa
(Chim)
Hiển nhiên các trào lưu hiện đại đang mời gọi Thanh Tâm Tuyền. Trước các trào lưu Lãng mạn, Lập thể, Siêu thực, Dã thú, Đa đa, Thanh Tâm Tuyền chọn thái độ nào?
Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao
(Mưa Ngủ)
không đa đa siêu thực
thẳng thắn
khởi từ ca dao sang tự do
(Một Bài Thơ)
Nhưng Thanh Tâm Tuyền đã không trở thành thi sĩ ca dao như ông muốn vậy. Ông không có được những bài Lục bát hay. Bài Xuân Ca đăng báo Dân Chủ ở Saigòn 1957 là một bài Lục bát hiếm hoi. Thanh Tâm Tuyền chỉ làm thơ tự do theo các trào lưu hiện đại. Thanh Tâm Tuyền cho rằng: "Thơ bây giờ là một sự xáo trộn ngôn ngữ. Ta phải ghi nhận công của phái Siêu thực Tây phương đối với ngôn ngữ. Tôi làm thơ, ngoài mối ám ảnh chung về tư tưởng đức lý nói trên, còn theo đuổi một mối ám ảnh về ngôn ngữ."
Điều này khác xa với Bùi Giáng. Bùi Giáng triệt để phủ định ảnh hưởng trào lưu phương Tây. "Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy theo đuổi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ." [4]
Điều lạ lùng là cả hai nhà thơ, dù rất khác nhau về quan điểm, lại từng là bạn của nhau và đã có những đóng góp đặc biệt làm mới thơ ca Việt Nam. Thanh Tâm Tuyền và Bùi Giáng đã là những phong cách nghệ thuật độc đáo, những cá tính sáng tạo nổi bật trên thi đàn miền Nam Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, mà những thế hệ sau có muốn học tập cũng không dễ gì vượt qua được.
II. Hoàng đế cô độc
Sau khi đã vượt qua những luật lệ và nhập được vào lãnh điạ thơ của Thanh Tâm Tuyền, chúng ta hãy đến thăm vị hoàng đế và dạo quanh lãnh thổ của người, để tìm kiếm, và may ra, tìm thấy kỳ hoa dị thảo, tìm thấy những suối nguồn tươi mới, và tìm thấy một tân thế giới chưa từng ai đặt chân đến chăng?
Trên hành trình sáng tạo của mình Thanh Tâm Tuyền người bộ hành cô đơn (Chim), người nghệ sĩ đơn độc, Người ý thức sâu sắc và quyết liệt thân phận cô độc. Cô độc, buồn sầu trong sự chọn lưạ con đường thơ, chọn lưạ làm một tên hề buồn nhất thế giới.
Như kẻ say rót rượu lấy mà uống
Cho vui thêm cuộc hành trình
(Đúng rồi những người thù ghét thơ tôi ơi)
Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc.
(Bao Giờ)
Mày chỉ là tên hề buồn, tên hề buồn nhất thế giới chẳng làm ai cười nổi.
(Sầu Khúc)
Thanh Tâm Tuyền cô độc trong ý thức hiện sinh, sợ hãi cả cây cột đèn, hoang vu lạnh lẽo và trần trụi, trong tâm trạng một người sống sót (Cỏ), thường trực đối diện ám ảnh của sự nỗi chết ôm ghì, chết đuối, bóp cổ chết, súng bắn vào đầu đạn nổ nhịp ba, của biển đen sầu hận, của hư vô không cùng.
Anh sợ những ngôn ngữ bơ vơ
Sau những chiều động bão
Những ngày kín sương mù
niềm hắt hủi
Khói tím buồn
hàng thân cây cô đơn như mình anh
vùi hận sầu đen tối
Chôn xuống đáy biển sâu
chiều dốc lạnh
Con đường duỗi dài cánh tay người chết đuối
thành phố bỏ trốn
Em có thấy hư vô đắp dưới mền tóc dày
(Bài Hát Buồn)
Trong nỗi cô độc ấy, Thanh Tâm Tuyền khao khát xẻ chia, dù trái tim đã thành hòn đá vô tri tĩnh mịch rỗng tuếch
Bạn bè chia tay ném bỏ lại cô đơn
Một mình anh mang nặng
Và chua cay
Vùng biển đen
Mùa hè thiêu đốt cả cô đơn
Em biết không? Em biết không?...
(Sầu khúc)
Hòn đá vô tri tim tĩnh mịch
Biết gì về tình yêu, anh, đâu biết gì về tình yêu
Đi đâu? Em đâu? Đây một mình anh
Một mình anh tôi mọi lũ một mình
Hoang vu phập phồng trong trái tim rỗng tuếch
(Tặng Vật - 1962-1963)
Thanh Tâm Tuyền cô độc giữa quê hương đọa đày (miền Nam)
Tôi ngồi khóc bên bờ sông trôi mãi
Em bỏ đi
Những người thân nhất đều hắt hủi
Giữa xứ sở đau thương tôi chịu đoạ đầy
(Về Quách Thoại)
Thanh Tâm Tuyền nói Tôi Không Còn Cô độc, và dù đã Tìm Thấy Mặt Trời trong Đêm, nhưng suốt hành trình thơ, Thanh Tâm Tuyền ngày càng cô độc và tuyệt vọng
Bị xua đuổi khỏi nơi trú ngụ
Hắn làm tên du thủ vong tình
Cùng xứ sở mắc vòng khốn đọa
Trên hoang phế sau đêm thảm họa
(Hắn rũ bỏ ký ức và ra đi)
Căn nguyên của nỗi cô độc hiện sinh ấy là gì?
Ta phải tìm câu trả lời trong bối cảnh thời đại Thanh Tâm Tuyền đang sống. Đặng Tiến cho rằng: "Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật" [5]. Nói như vậy phải chăng cũng đồng nhất Thanh Tâm Tuyền với những nhà thơ nhà văn Lãng Mạn 1930-1945. Họ là những trí thức tiểu tư sản thất bại trong chính trị (chẳng hạn Nhất Linh, Khái hưng...), tìm vào văn chương như một phương cách thoát ly, như một sự tự lưà mị chính mình?
Trường hợp Thanh Tâm Tuyền, theo tôi là khác. Bối cảnh thời đại Thanh Tâm Tuyền sống đã khác rất xa bối cảnh xã hội Việt Nam trước 1945. Thanh Tâm Tuyền sinh năm 1936, đến khi toàn quốc kháng chiến chống Pháp 1946, ông mới 10 tuổi. Theo Đặng Tiến[6], những năm 1950, ông hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, cùng với những người sẽ trở thành bạn văn nghệ về sau: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế... Sau kháng chiến, đất nước chia đôi, ông vào Nam. Tại Sài Gòn, 1955, ông viết cho các tuần báo Dân Chủ, Người Việt, tham gia biên tập báo Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, và ông thường được xếp vào "nhóm" Sáng Tạo. 1962, bị động viên vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, được giải ngũ, rồi tái ngũ, phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hoá, "tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch" (1972), cấp bực cuối cùng là đại uý. Sau 1975, ông bị bắt đi học tập, gần mười năm, tại nhiều trại cải tạo miền Bắc. Sau khi ra trại ông sang định cư tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990.
Miền Nam những năm sau 1954, và nhất là từ 1963 trở đi, là một xã hội đầy biến động, đầy âu lo. Chiến tranh ngày càng ác liệt, nỗi chết trở thành ám ảnh thường trực. Sự sụp đổ, sự băng hoại, sự tan rã là không tránh khỏi. Nỗi tuyệt vọng bao trùm, phủ lấp những tròng mắt thâm u, tiềm ẩn trong từng hơi thở. Thanh Tâm Tuyền không tránh khỏi hoàn cảnh và tâm trạng này. Thanh Tâm Tuyền chìm trong ý thức Hiện sinh. Ông không có một lý tưởng để vươn tới, để dấn thân, để cuộc sống có nghiã. Ông không có niềm tin tâm linh để có thể vác lấy thập giá định mệnh mà vượt qua, ở thời đại của ông thượng đế đã chết (Nietzsche). Ông cũng không có đủ Bi,Trí, Dũng của một bản thể tự tại để đương đầu với sóng cuồng bão động, và quan trọng là ông không có được quan hệ máu thịt với dân tộc và cội nguồn để trở về, "Giữa quê hương ngoảnh mặt làm ngơ Không còn nơi chốn nào thân thiết", "đắm giạt Làng-quê Không-có-đâu". Ông sống không có niềm tin, dù "đôi khi anh muốn tin" (Lệ Đá Xanh) để rồi sau cùng lại ra đi, xa lánh lặng lẽ đìu hiu khuất lấp.
Đi. Xa lánh. Như người xưa
lặng lẽ điềm nhiên rảo gót về
bên triền lũng khuất nắng quái hoặc
Đạm bạc chiếc bóng đìu hiu
(Chia Tay - 1990)
Nỗi buồn sâu thẳm trong tất cả những bài thơ của TTT là nỗi buồn của hiện sinh quy tử, cái chết vội vàng, cái chết tan tành không cưỡng lại được. Cũng là nỗi buồn trước thực tại đất nước. Ông dùng hình ảnh ẩn dụ để nói về thời đại mình. Ông không dám nói thật sự tàn bạo của nỗi chết. Ông che dấu sự bộc lộ trực tiếp những nghĩ suy về thời cuộc, che dấu sự bi đát thân phận, che dấu mình để khỏi bị trả thù bởi móng vuốt bóng đêm. Ông trốn chạy, ông buông xuôi "bập bềnh lả theo trời ", mặc định mệnh. Không có tương lai, không có ánh sáng, chỉ có hoang vu lạnh vắng, chỉ có sợ hãi đớn đau ôm ghì, chỉ có những hoảng loạn đớn hèn đe doạ được vẽ ra bằng những hình ảnh ẩn dụ: xứ sở mắc vòng khốn đọa, trên hoang phế sau đêm thảm họa, giông bão, mùa đông dài ác nghiệt, núi nhọn, lưả cháy, biệt ly, đau thương đoạ đày, nhục nhằn, chó dữ, những con chó sói, con mắt đen đen đen, tròng mắt ma quỉ soi, rượt bắt, chập chùng hố huyệt, hấp hố, nỗi chết,...
Tôi chờ đợi
lớn lên cùng giông bão
Đất nước có một lần
tôi ghì đau đớn trong thân thể
những giòng sông những đường cầy núi nhọn
những biệt ly rạn nức
Tôi chờ đợi
phổi đầy lửa cháy
môi đầy thẹn thùng
vục xuống nhục nhằn tổ quốc
(Bài Ca Ngợi Tình yêu)
sợ chó dữ
con chó đói không màu
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang
(Phục sinh)
Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Sao tuổi trẻ quá buồn...
anh đưa em đi trốn
những dày vò ngày mai
(Dạ Khúc)
Mày gặp mày không nhìn nổi ra mày trong bờ bụi
Cơn rượt bắt cuồng cơn hấp hối ngu xuẩn ở trong luồng thôi thúc dữ
Linh hồn của con mắt đen đen đen và sáng như cơn mưa rào đầu mùa
Mày ở trong mày hai chân lún và ẩn náu
Và đêm ngã vấp và ngày vỡ toang...
Mày còn tấm tặng phẩm, tấm tặng phẩm đớn hèn trên tấm thân mang hiến
Cái chết vội vàng như quả rục cái chết tan tành như tiếng kêu.
(Tặng Phẩm -1962, 1963)
Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện
Lòng ta lạnh vắng như cỏ cây...
Như phiến gỗ nặng thả theo nước
Bập bềnh trôi nổi ta về xuôi
Như lau lách mọc chen bờ bãi
Phất phơ tóc bạc lả theo trời.
(Đỉnh Non Xa - Giai phẩm Văn 3.9.1974)
Thanh Tâm Tuyền ôm ghì lấy đất nước đau thương, cùng chia xẻ vòng khốn đoạ với xứ sở, cùng vục xuống nhục nhằn tổ quốc, cùng xớt chia nỗi chết với bao người, còn hy vọng "rằng anh còn trở về/ rằng anh còn người yêu. Trong nỗi bi thương thê thiết ấy, thái độ chính trị của Thanh Tâm Tuyền là gì? Thanh Tâm Tuyền thấm thía thân phận một dân tộc nô lệ (Đen). Thời ấy, người trí thức miền Nam nào cũng đau nỗi đau tủi nhục về thân phận nhược tiểu của "người nô lệ da vàng " (chữ của Trịnh Công Sơn). Thanh Tâm Tuyền đứng về phiá những người vô tội chối từ khí giới, phản đối chiến tranh, vì chiến tranh còn những khoảng trống đất hoang (Chim), khao khát hoà bình, khao khát một ngày yên vui, đất nước trổ hoa, người người mừng vui, Hà nội Huế Saigòn ôm lấy nhau nức nở.
Nhịp ba
Sóng bồi phù sa
Ruộng lúa trổ hoa
Núi cao uốn cây rừng
Nhịp ba nhịp ba nhịp ba
Tình yêu tự do mãi mãi
Đất nước ào ào vỗ nhịp
Triều biển chập chùng
Hà Nội Huế Sàigòn
Ôm nhau nức nở
(Nhịp Ba)
Người đọc nghe trong thơ Thanh Tâm Tuyền nhịp đập của một trái tim yêu nước không gọi rõ tên, tuy sâu thẳm nhưng mơ hồ, bởi vì trước 1975 đất nước còn bị chia đôi, đất nước ông nói đến là miền nào? Không, đó là một đất nước trong thể thống nhất, Thanh Tâm Tuyền nhìn thấy "Đất nước ào ào vỗ nhịp/ Triều biển chập chùng/ Hà Nội Huế Sàigòn/ Ôm nhau nức nở"
Trong viễn cảnh ấy, dường như Thanh Tâm Tuyền đã thức tỉnh? Thanh Tâm Tuyền trở về sự thật, "Rửa sạch mặt mũi lem luốc chùm ảo vọng", tự "bóp cổ chết gục" để phục sinh
Tan rồi trái cầu không tưởng
Cuộc phiêu lưu chết sững chốn vô cùng
(Tặng phẩm- 1962, 1963)
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một lần sự thật
(Phục sinh)
Linh hồn phục sinh của Thanh Tâm Tuyền đã ánh lên một chút, (chỉ một chút thôi vì nó ẩn mật) nỗi đau với những con người đau khổ, với quê hương đất nước. Tâm hồn ấy dường như cháy bỏng khát vọng tự do. Lúc đầu thơ ông vang lên tiếng ca ngợi tự do chính trị, sau đó là chuyển sang tư tưởng của tự do Hiện Sinh, nhưng Thanh Tâm Tuyền chưa buớc chân vào được chân trời tự do hiện sinh ấy, thơ ông chưa đạt tới tầm vóc của thơ tư tưởng. Người đọc chỉ thấy thấp thoáng những tín niệm của chủ nghiã Hiện Sinh như buồn nôn, tự do (La Nausée- J.P.Sartre); kẻ xa lạ (L’Etranger-A. Camus); sự đánh mất đức tin ("Thượng đế đã chết "- Nietzsche). Thanh Tâm Tuyền muốn thơ mình là tiếng nói là tiếng khóc của những con người vô tội yêu tự do, là tiếng thơ là tiếng cười của Việt Nam ngày mai, nhưng sẽ chẳng bao giờ Thanh Tâm Tuyền đạt được uớc nguyện ấy. Đó là tất cả bi kịch của Thanh Tâm Tuyền.
Anh nhớ em cùng một lúc với thành phố
với những con đường anh đi qua một lần
anh nâng niu cuốn sách nói đến cách mạng
nói đến người tâm hồn trái tim tự do
(Liên, Những bài thơ tình thời chia cách)
Nhịp ba
Tình yêu
Tự do
mãi mãi
Tình yêu tự do mãi mãi
Tình yêu tự do
mãi mãi anh ơi
(Nhịp Ba)
Tôi chờ đợi
một người không
nhiều người
ở thành phố thiếu thốn
ở làng mạc đoạ đầy
tôi là tiếng nói là tiếng khóc
những người bỏ đi hẹn trở về
những người mím hơi thừa chịu đựng
tôi chờ đợi
tôi là tiếng thơ là tiếng cười
mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam
(Bài ca ngợi tình yêu)
Nhân vật em trong thơ Thanh Tâm Tuyền có thể là cái phao bấu víu sau cùng của tâm hồn ông, cũng là người ông chia xe nỗi niềm. Giọng thơ nói với em là giọng tâm tình chia xẻ, như là bám víu, như là hy vọng trong tuyệt vọng, giọng buồn biền biệt. Thực ra đó là cách Thanh Tâm Tuyền bày tỏ lòng sầu héo, nỗi buồn rưng rưng, sự sợ hãi bị bóp chết trong tuyệt vọng trần truồng (xin đọc: Liên, những bài thơ tình thời chia cắt; Tặng phẩm; Bài Thơ Của Tháng Giêng; Sầu khúc...)
Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai
(nếu đời người không có những sớm mai)
anh trở dậy
đọc thơ Nguyễn Du
những câu lục bát buồn rưng rưng cuối đường của một ngày
(Liên, Những bài thơ tình thời chia cách)
Đêm về khuya tình đã vắng như màn trời
Này em đan cho anh những ảo tưởng
Với ngây thơ nào em còn sót...
Vàm sông nước xoáy như tiếng cười thầm
Ở sau lưng ở trước mặt
Anh thả người trôi nổi
Em biết không? Em biết không?
Anh đốt dần xác thịt như cành nhọn
Giữa chiều mùa đông ở đây trong cốt tuỷ
Tuyệt vọng trần truồng
(Sầu khúc)
Thơ ở Đâu Xa đuợc Thanh Tâm Tuyền viết trong thời gian ông ở trong trại cải tạo có khuynh hướng tư tưởng, bút pháp và thái độ sống khác hẳn. Theo Phạm Kiều Tùng[7], thơ Thanh Tâm Tuyền sau 1975 là một giai đọan sáng tác khác: "... giai đoạn sáng tác cuối đời của anh, một giai đoạn tạm gọi là giai đoạn "không còn muốn kể nữa", vì "không có gì đáng kể"?". Phạm Kiều Tùng căn cứ vào bài học của Thanh Tâm Tuyền ghi trong cuốn sổ tay mà trước khi sang Mỹ định cư, Thanh Tâm Tuyền đã gửi cho ông:
Bài học Đạo Đức Kinh:
Như thể không có sự gì xảy ra, đáng kể; ngoài các câu được viết.
Lời không của ai, không nói với ai.
Cùng một lúc mở và đóng, ở ngoài và ở trong.
(dưới đây là bút tích của TTT)
Bùi Vĩnh Phúc [8] trong bài Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền, đọc lại Thơ ở đâu xa, đã viết khá thuyết phục về chặng đường thơ Thanh Tâm Tuyền sau 1975. Ông nhận xét: "Thơ ông trong tập này đằm chín và sâu lắng. Kinh nghiệm cuộc đời và sự thẩm thấu khổ đau, cái nhìn vào pháp tướng của mọi sự vật trong đời đã làm cho những bài thơ ông mang một tố chất gì đó rất gần với sự tỉnh thức và chấp nhận trong tinh thần giáo lý Công giáo, cùng lúc, cũng mang trong chúng một thiền chất khiến ta thấy chúng, có những lúc, có cái tinh thần đốn ngộ của Thiền tông và cái tinh thần bát nhã của đạo Phật."... "Trong Thơ ở đâu xa, người ta thấy có nỗi buồn và có niềm đau. Có đấy. Có sự cảm nhận buốt sắc về hiện sinh, về định mệnh mình. Nhưng kẻ thi sĩ ấy vẫn không chịu ngã gục hoặc nằm vùi trong sầu khổ."
Phạm Kiều Tùng [9] lý giải theo một cách nhìn khác: "Tôi nghĩ đơn giản: Anh đã "thoát". Thanh thoát. Anh đã tìm về - và tìm được, tìm về được - cái minh triết của cổ nhân... Minh triết của cổ nhân dạy rằng thấu hiểu bản chất của những sức mạnh bất khả kháng, thấu hiểu quyền uy của bóng tối chính là chinh phục chúng, là trở nên lớn lao hơn chúng." (Phạm Kiều Tùng - Bài Học Đạo đức Kinh của Thanh Tâm Tuyền)
Nếu tổng hợp ý kiến của Bùi Vĩnh Phúc và Phạm Kiều Tùng lại, thì phải chăng tư tưởng của Thanh Tâm Tuyền sau 1975 là sự tổng hợp cả Phật (Tinh thần Bát Nhã), Nho (Định mệnh), Lão (Bài học Đạo đức Kinh) và Thiên Chúa Giáo?
Tôi không tin rằng Thanh Tâm Tuyền có thể tổng hợp được tư tưởng của các tôn giáo lớn ấy, bởi vì thơ Thanh Tâm Tuyền không phải là thơ tư tưởng. Trong thơ, Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn không thể hiện sự giác ngộ chân lý nào của các tôn giáo ấy. Bảo rằng "Ông đã sống trong tù như một hành giả, như một thiền sư" với tâm thế "Thiền lao" (Bùi Vĩnh Phúc) tôi e rằng sẽ là một ngộ nhận, bởi vì Thanh Tâm Tuyền đâu có nhìn thực tại là vô thường, vô ngã, đâu có nhận ra Phật tánh trong vạn vật, đâu có vượt qua sắc không ngũ uẩn, đâu có đuợc uy lực Thiền để "Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư". Thanh Tâm Tuyền cũng không tự nhận lấy chén đắng và vác lấy thập giá đời mình bước đi, lên đỉnh núi kia, tự đóng đinh, để cưú lấy cuộc đời. Thanh Tâm Tuyền đâu có tri Thiên Mệnh, biết nhận ra "lẽ hưng phế" để sống thuận theo Thiên Mệnh. Thanh Tâm Tuyền cũng chẳng màng đến triết lý "vô vi" để sống an nhiên.
Trước sau TTT vẫn là người tuyệt vọng. Hắn Rũ Bỏ Ký ức và Ra Đi rồi Chia Tay, từ bỏ mảnh đất nghèo khổ Việt Nam mà có lần Thanh Tâm Tuyền nghĩ rằng mình "đứng vững không khuỵu chân". Sau đó là sự im lặng. Thanh Tâm Tuyền đã im lặng trong suốt quãng đời còn lại (từ 1990 đến 2006, 16 năm, thời gian dài hơn những năm tháng trong trại cải tạo). Thanh Tâm Tuyền cũng từ bỏ tập bản thảo viết sau thời gian ra trại trước khi đi Mỹ, như là từ bỏ chính mình. Tôi hiểu nỗi tuyệt vọng của Thanh Tâm Tuyền là vô phương cứu chữa, tuyệt vọng trần truồng, không che dấu.
Dù sao những bài "thơ trong đầu" của Thanh Tâm Tuyền cũng là một chặng đường sáng tác mới trong hành trình thơ của ông. Ngày 30/4/75 ập đến như một chấn động mang tính bước ngoặt quyết định. Thanh Tâm Tuyền cũng như bao người ở miền Nam lúc ấy hoang mang lo sợ, không biết tương lai sẽ thế nào. Những năm tháng sống trong môi trường cải tạo, Thanh Tâm Tuyền từ con người của ý thức hệ duy tâm trước kia giờ đây trở về với cái thực đời thường, sống thật với sự sống của chính mình, sống cùng với sự tồn tại của người khác, không còn phải sống trong xáo trộn, xô bồ, lo sợ chết chóc, đối diện với những bất trắc tráo trở phản bội đớn hèn đau thương trước đó. Tâm hồn Thanh Tâm Tuyền trở nên yên tĩnh, bình an, trong sáng hơn. Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm kể [10]: "Năm đầu cùng chung trại Long Giao. Anh lán 9. Tôi lán 6. Lán là nhà mái tôn dài, trại lính cũ. Gặp tôi, anh mừng rỡ. Năm đầu ở đây, chưa phải lao động nhiều nên có thì giờ nhàn rỗi." Một dịp tết, Nguyễn Đức Tâm kể: "ngày Tết lén cắp rượu đem vô. Tôi chia cho Thanh Tâm Tuyền một nửa. Anh không uống được nhiều rượu. Một hai chung như thế cũng đủ cho thi sĩ của chúng ta có hứng khởi làm những câu thơ về xuân về Tết trong tù tuyệt vời".
"... Trời có mấy độ xuân?
Đất bao nhiêu miền lạ?
Chưa ngấy tiệc trần gian.
Hồn run xanh búp lá."
Bây giờ xung quanh Thanh Tâm Tuyền là rừng thâm u, hẻm núi dốc, đèo cao, trời xanh, gió mưa, trăng sao, đồi nương. Thanh Tâm Tuyền lao động, sống đời sống người lao động như bao nhiêu người lao động khác, tất nhiên là khổ hơn, như chính dân tộc này mấy ngàn năm qua: thức khuya dậy sớm, làm những công việc lao động: Chủ Nhật Lên Núi Kiếm Củi, Hái Trà Dưới Trời Mưa Tháng Bảy, Trưa tháng chín trên đồi cọ, Thơ làm khi đi nuôi cá, Tháng mười cấy rau lấp, Chiều nắng hanh trên đồi hương nhu, Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa...
Khung cảnh thiên nhiên đất nước cùng với cuộc sống lao động này đã thức tỉnh hồn thơ dân tộc ở Thanh Tâm Tuyền? Ta gặp những cảm xúc, cách nghĩ, chất liệu thơ Thanh Tâm Tuyền giai đoạn này có bóng dáng của thơ Thiền (thời Lý, Trần), có âm điệu thơ Nguyễn Trãi (khi ở Côn Sơn), có chút tình của thơ Nguyễn Khuyến (khi về sống với nông dân). Hồn thơ Thanh Tâm Tuyền sáng trong. Cỏ cây hoa lá, trăng sao, núi rừng, đồi cao, mưa gió và công việc lao động ánh lên nhiều vẻ đẹp và rực rỡ chất thơ, rực rỡ hương sắc, chất ngất tình say. Dường như Thanh Tâm Tuyền đã trở về được với cuộc đời chân thực, hội nhập được với tâm hồn dân tộc (?)
Bây giờ Thanh Tâm Tuyền "Ngóng tiếng gà trong thôn", "đứng vững trên mảnh đất nghèo khổ", nhìn ngắm trời xanh như giếng ngọc, nhận ra Đất hiền thở hương nắng thênh thang, nghe Vang Vang Trời Vào Xuân. Đi hái trà mà hồn lãng mạn quên về, Thiếp mê tình tứ trên đồi cỏ, cả trong mưa vẫn đẹp, Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới (Xin đọc: Xuân tứ, Dậy sớm, Vang vang trời vào xuân, Chủ Nhật lên núi kiếm củi; Xuân, Hái trà dưới trời mưa tháng Bảy, Trưa tháng 9 trên đồi cọ, Làm thơ khi đi nuôi cá, Tháng mười cấy rau lấp, Bến mộng, Chiều nắng hanh trên đồi hương nhu, Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Bái khi đi vác nứa, Bài Ru Tháng Năm - 5/1981...)
Đứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
(Vang vang trời vào xuân)
trong suốt trời sông
vô vàn bóng nguyệt
đêm lộng gương tạc
nhẹ thênh hình dung
(Bến Mộng)
Tháng Năm nắng trong ủ mật hương
Óng biếc sau mưa những rừng thông
Thiếp mê tình tứ trên đồi cỏ
Ngày nhởn nhơ khoác áo huy hoàng
(Bài Ru Tháng Năm - 5/1981)
Những bài thơ trích ở trên có thể góp cho thơ ca dân tộc những tứ thơ rất đẹp, mang đuợc vẻ đẹp của tâm hồn Việt nam bình dị, sáng trong. Thật hiếm thấy được những tứ thơ như vậy trong thơ Thanh Tâm Tuyền trước 1975. Thơ ở Đâu Xa là tâm hồn Thanh Tâm Tuyền phục sinh trong cuộc sống lao động, gắn bó với thiên nhiên đất nước, toả sáng nhiều vẻ đẹp có bề sâu cốt cách tâm hồn Việt Nam. Quả thực, những trải nghiệm bể dâu của Thanh Tâm Tuyền đã thăng hoa thành những bài thơ, thực sự có giá trị.
Chỉ tiếc rằng từ đề tài, chất liệu đến cảm xúc và cách thể hiện, Thanh Tâm Tuyền đã không vượt qua được những nhà thơ dân tộc đi trước ông.
Nói đến Thanh Tâm Tuyền người ta dè dặt về những tháng ngày ông ở trong trại cải tạo. Tôi gọi đó là những tháng ngày bể dâu, và thực ra cả những năm tháng trước đó ở miền Nam, ông đã sống cuộc đời bể dâu rồi. Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì những trải nghiệm bể dâu của Thanh Tâm Tuyền cũng là những trải nghiệm tử sinh mà nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc đã đi qua, mỗi người mỗi hoàn cảnh riêng do lịch sử quy định.
Tuy vậy, cũng có người không vượt qua được, đành rơi vào bi kịch Thanh Tâm Tuyền ở vào trường hợp này. Đối diện với số phận nghiệt ngã, tầm vóc Thanh Tâm Tuyền không thể sánh được với tầm vóc của Nguyễn Trãi, tấm lòng của Thanh Tâm Tuyền không thể sánh được với "tấm lòng thấu suốt nghìn đời" của Nguyễn Du, bản lĩnh của Thanh Tâm Tuyền không ngang cân với thái độ dứt khoát bỏ về đi cày, đi bừa, đi thồ, đi đốn củi, đi xe đá của Hữu Loan...
Rất tiếc là Thanh Tâm Tuyền đã không đi tiếp con đường trở về với dân tộc, gắn bó với nhân dân như các bậc tiền bối. Đọc thơ ông, trước sau, người đọc nhận ra sự thiếu vắng một lý tưởng, Thanh Tâm Tuyền không có niềm tin, không có đời sống tâm linh, không tìm đuợc cho đời mình một ý nghiã. Ông không vượt qua đuợc nỗi quay quắt hiện sinh.
Sau khi ra trại, trở lại đời thường, có lẽ chứng kiến nhiều chuyện đau lòng, đổ vỡ, Thanh Tâm Tuyền lại rơi vào tình trạng tuyệt vọng, thế là Hắn Rũ Bỏ Ký ức và Ra Đi, từ bỏ tất cả. Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm, một người bạn của Thanh Tâm Tuyền kể rằng [11]: "Thanh Tâm Tuyền và tôi vào tù cùng ngày cùng chỗ. Gần chín năm sau, ra tù cùng chỗ cùng ngày... khi về Sài Gòn, hơn tháng trời tôi và đứa con gái 13 tuổi trên chiếc xe đạp cà rịch, ngày ngày tìm đến những địa chỉ khắp cùng ngõ ngách trao thư tận tay những người vợ, người mẹ, người cha, người tình. Sài Gòn, Thủ Đức, Biên Hòa. Nơi xa xôi thì gửi theo bưu điện. Qua việc làm này, tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện buồn vui tủi nhục của những bạn bè cùng cảnh... Tôi đã có ý định ghi lại những hoạt cảnh xã hội này, nhưng cuối cùng không thực hiện vì trân trọng những đau thương đổ vỡ riêng tư". Trước khi ra đi Thanh Tâm Tuyền đưa cho Phạm Kiều Tùng [12] tập bản thảo và bảo: "Cậu xem có dùng được gì thì dùng, không dùng được thì hủy đi, tôi để cậu toàn quyền quyết định" anh cười nói thêm "Hủy đi, như Gogol, Kafka, như Kleist". Đó là xấp bản thảo Thanh Tâm Tuyền viết trong khoảng thời gian từ sau ngày ông được ra trại tới trước ngày ông rời bỏ quê hương.
Tôi nghĩ rằng, Thanh Tâm Tuyền lâm vào tình trạng bi đát, tuyệt vọng như chưa bao giờ bi đát tuyệt vọng hơn thế. Giống như Gogol, trong tình trạng khủng hoảng tinh thần, đã đốt bản thảo Những linh hồn chết tập I năm 1845, tập II năm 1852; và F. Kafka để lại di chúc muốn đốt hết tác phẩm của mình...
TTT sang định cư ở Mỹ, đất nước của nữ thần tự do, cuộc sống vật chất dư đủ, tại sao ông lại sống im lặng, ông lặng im như không tồn tại, tại sao ông từ bỏ sáng tác? Điều này buộc chúng ta phải tìm câu trả lời, bởi vì khi còn ở trong trại cải tạo, cuộc sống bị giới hạn nhiều, ông vẫn viết được những bài thơ trong đầu tuyệt bút, vậy mà lúc tự do, ông lại từ chối sự tồn tại của chính mình? Hay phải chăng lại một cuộc bể dâu khác của thân phận lưu vong nơi xứ người? Lại chứng kiến những cảnh đau lòng, và một lần nữa, lại sụp đổ những ảo tưởng của cuộc hành trình đời mình chăng?
cuộc hành trình thiêng liêng đi mãi bằng giòng máu
hoàn thành bao nhiêu tác phẩm
chỉ để sau rốt kết luận một lời
anh hãy từ biệt mọi người bằng tác phẩm của mình
(Định nghĩa một bài thơ hay)
Thi sĩ, giòng giống bị bức triệt
Nương náu miền đầy ải thâm u
Không ngớt tay cuốc xẻng đào huyệt
Tự vùi chôn gương mặt phai nhòa.
(Hắn rũ bỏ ký ức và ra đi)
III. Giá trị của Thơ Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền chủ trương cách tân thơ ca, ông đã thực hiện được sự cách tân trong hai tập Tôi Không Còn Cô Độc (1956) và Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy (1964). Trong hai tập này, Thanh Tâm Tuyền đã cách tân thơ bằng cách miêu tả dòng ý thức, kết hợp với việc ghi lại những cơn mê sảng Siêu Thực và sử dụng nhiều ẩn dụ, viết liền mạch câu thơ không ngắt ý, hoặc ngắt ý không tuân theo quy luật ngữ pháp thông thường để tạo sự tối nghiã, sự hàm hồ. Thanh Tâm Tuyền có nhiều hình ảnh thơ khá mới lạ.
Nhưng Thanh Tâm Tuyền đã không đi tiếp con đường cách tân ấy, ông lại trở về với thơ ca truyền thống. Từ dòng ý thức, ông trở về với thơ tâm trạng của thơ Lãng Mạn (1930 -1945), từ Siêu Thực ông trở về Hiện Thực, từ ẩn dụ bí hiểm ông trở về với chất liệu đời thường. Thanh Tâm Tuyền từ bỏ lối thơ lạ và bí hiểm trở về với lối thơ chân chất tự nhiên. Điều này có ý nghiã gì? Thanh Tâm Tuyền nhận ra con đường cách tân là con đường đi vào ngõ cụt? Đó chỉ là những khoe khoang phù phiếm trắc nết, những không tưởng, "không tưởng của những cuộc phiêu lưu chết sững".
Nếu đặt TTT trên dòng lịch sử Văn học Việt Nam hiện đại, bên cạnh những nhà thơ cùng thời như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần..., Thanh Tâm Tuyền định vị được trí những người mở đường cho một dòng thơ mới sau thơ Lãng Mạn và thơ Hiện thực thời kháng chiến chống Pháp. Thanh Tâm Tuyền có công cách tân thơ miền Nam, kết hợp ý thức Hiện Sinh với Siêu Thực và kỹ thuật có bóng dáng Tân Hình Thức sau này, tạo thành một thi pháp riêng. Nhưng những cách tân của Thanh Tâm Tuyền chỉ dừng ở mặt kỹ thuật viết, chưa đạt tới tầm tư tưởng nghệ thuật, vì thế không tạo ra được một trào lưu như thời kỳ Thơ Mới (1930-1945). Tôi trộm nghĩ rằng, ngay cả ở chính sự cách tân ấy, Thanh Tâm Tuyền chỉ đi tiếp con đường của Xuân Thu Nhã Tập trước đó, tất nhiên là có những đóng góp mới hơn, (Xuân Thu Nhã Tập chưa có tư tưởng Hiện sinh, chưa có "dòng ý thức") và tồn tại như một hiện tượng thử nghiệm, để rồi chính Thanh Tâm Tuyền từ bỏ con đường ấy, không có người tiếp bước.
Thơ Thanh Tâm Tuyền có ít thành công nếu so sánh với lời nhạc của Trịnh Công Sơn. Thực ra ca từ của Trịnh Công Sơn là thơ. Thanh Tâm Tuyền và Trịnh Công Sơn gần giống nhau về bút pháp khi viết lời, Trịnh Công Sơn nghiêng về Ấn Tượng. Lời nhạc của ông thâm nhập được vào công chúng, thể hiện được nhiều trạng thái tâm hồn của công chúng, phát hiện ra nhiều cái đẹp của cuộc sống, làm phong phúc đời sống tinh thần của thời đại.Trái lại, thơ TTT là một lãnh địa bí hiểm của Siêu Thực, ít người vào được. Có lẽ vì thế mà Võ Phiến đánh giá rằng Thanh Tâm Tuyền là nhà văn hơn nhà thơ. Kiệt Tấn kể [13]: "Hồi Võ Phiến sang chơi Paris và đóng đô tại nhà tôi ở Bagnolet, có bận tôi hỏi, theo ông, Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ hay nhà văn. Võ Phiến đã đáp không do dự: là một nhà văn."
Công bằng mà nói, TTT trong thơ cách tân, đã có được nhiều bài thơ hay như: Phục Sinh, Lệ Đá xanh, Nhịp Ba, Đen, Bài Ca Ngợi Tình yêu, Dạ Khúc, Tĩnh Vật,... nhưng thật khó tìm thấy bài thơ nào của Thanh Tâm Tuyền được công chúng yêu mến rộng rãi và lâu dài như những ca khúc của Trịnh Công Sơn, hay những bài trong tập Kinh Bắc của Hoàng Cầm.
Thơ Thanh Tâm Tuyền không thâm nhập được vào nhiều trái tim người đọc, và không mở đường cho một trào lưu mới của thơ ca Việt Nam, đó là điều đáng tiếc. Tất nhiên con đường cách tân nào cũng đầy chông gai, và thơ, không nhất thiết phải được quần chúng yêu mến như ca dao mới là thơ hay. Điều đáng quý là Thanh Tâm Tuyền đã đóng góp phần mình vào tiến trình đi về phía trước của thơ ca dân tộc...
Tôi thường nhớ những câu thơ ngọt ngào, mát rượi này của Thanh Tâm Tuyền:
"Vẫn em của thuở trăng nào
Đêm hôm nở đóa chiêm bao xanh ngần
Vẫn em tình của trăm năm
Đoan trang khóe hạnh thâm trầm dáng thơ
Vẫn em mối kết thiên thu
Vẫn em xoa dịu sầu tư cõi này".
(Thơ tình trong tù -1980)
Chú thích:
[1] Đặng Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Talawas 4.4.2006
[2] Đặng Tiến, Thanh Tâm Tuyền,Talawas 4.4.2006
[3],3 Phạm Xuân Nguyên, Biến cố thứ nhất của văn học thời hậu chiến: Thanh Tâm Tuyền, Talawas 23.9.2006
4 Đặng Tiến, Thanh Tâm Tuyền,Talawas 4.4.2006
[4] dẫn theo Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khốn. Talawas, văn học miền nam trước 1975
[5] Đặng Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Talawas 4.4.2006
[6] Đặng Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Talawas 4.4.2006
[7] Phạm Kiều Tùng, "Bài Học Đạo đức Kinh" của Thanh Tâm Tuyền, 03/21/2007 www.thotanhinhthuc.org.
[8] Bùi Vĩnh Phúc, Biệt khúc cho Thanh Tâm Tuyền, (Đọc lại Thơ ở đâu xa).Talawas 21.4.2006
[9] Phạm Kiều Tùng, "Bài Học Đạo đức Kinh" của Thanh Tâm Tuyền, 21/3/2007 www.thotanhinhthuc.org.
[10] Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm, Thanh Tâm Tuyền - Những điều nhớ, Talawas 15.5.2006
[11] Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm, Thanh Tâm Tuyền - Những điều nhớ, Talawas 15.5.2006
[12] Phạm Kiều Tùng, "Bài Học Đạo đức Kinh" của Thanh Tâm Tuyền", 21/3/2007 www.thotanhinhthuc.org.
[13] Kiệt Tấn, Tôi có còn cô độc? Talawas 6.8.2006.
Bùi Công Thuấn
NGUỒN: TẠP CHÍ THƠ - HỘI NHÀ VĂN VN
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Linh Khiếu, nếu ta có một nắm đất Thơ Nguyễn Linh Khiếu là dòng thơ trữ tình mới. Anh tin vào khả năng của ngôn ngữ trong việc gi...