Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Hãy mãi mãi thanh tân

Hãy mãi mãi thanh tân
Giữa cảnh đất trời sang xuân, ta thường hay hướng tới cái đẹp với bao khát vọng tràn ngập trong lòng. Lúc này, Đà Lạt chính là cái đẹp ấy trong tôi.
Không hiểu sao khi nghĩ về tiềm năng du lịch ở Đà Lạt tôi hay liên tưởng tới những bảo vật gia truyền mà văn chương xưa nay hay đề cập đến. Lẽ thường chẳng ai chỉ muốn ngắm nghía báu vật. Thế mà gìn giữ nó đã khó, phát huy giá trị của nó lên còn khó hơn nhiều. Để làm được điều này, tôi cho rằng ít nhất phải có hai điều kiện: tình yêu và hiểu biết. Việc khai thác tiềm năng ở Đà Lạt cũng vậy. Cố nhiên, nói đến hiểu biết và nhất là nói đến tình yêu Đà Lạt thì có lẽ không biết đâu là bến, là bờ. Nhưng cứ nhìn vào những gì ta đã làm và những gì ta chưa làm được cho Đà Lạt, chúng ta có thể nhận ra, đôi khi bằng trực giác, giới hạn cần phải vượt qua.
Trước hết là tình yêu Đà Lạt. Có một thực tế là không mấy ai, dù chỉ một lần trong đời đặt chân tới Đà Lạt lại không ấp ủ tình yêu đó. Tuy nhiên, để có thể chuyển tình cảm thành hành động thì tình cảm ấy phải thường trực và ở mức độ cao hơn, sâu hơn bình thường. Không biết có phải là hẹp hòi không khi tôi nghĩ Đà Lạt là một điểm du lịch lý tưởng không phải chỉ riêng đối với nước ta thôi đâu. Các thành phố du lịch lớn trên thế giới thường gắn liền với những di tích lịch sử. Chưa đầy một trăm năm tuổi, Đà Lạt có phần thua kém về điểm này. Để bù lại, Đà Lạt lại có cảnh trí thơ mộng, hài hòa khiến du khách hầu như đứng ở đâu cũng phải sửng sốt trước vẻ đẹp của nó. Đặc biệt, với khí hậu dịu mát quanh năm, Đà Lạt vừa là nơi du lịch, vừa là nơi nghỉ dưỡng gợi khao khát của bao người. Không, không phải vì quá yêu Đà Lạt mà tôi nói quá về nó đâu. Tôi có dịp được đi thăm một số danh thắng nổi tiếng ở Liên Xô và các nước Đông Âu, như thành cổ ở Vacsava. Trước khi được tận mắt chiêm ngưỡng thành cổ, câu thơ của Tố Hữu cứ ngân nga trong lòng tôi, kích thích trí tưởng tưởng của tôi:
Anh cùng em đi trên Thành xưa
Vacsava ấm năng ban trưa.
Tôi hình dung Thành cổ với những lâu đài uy nghi, những nhà thờ chọc trời, những quảng trường lát đá thênh thang... Khi có dịp đến nơi, mọi cái hóa ra không như tôi tưởng. Nhưng dẫu sao Thành cổ vẫn có sức cuốn hút đến mê người vì nó có vẻ đẹp độc đáo gắn với lịch sử cổ xưa của một dân tộc giàu sức sáng tạo. Đà Lạt của chúng ta cũng vậy. Nó hấp dẫn bởi vẻ đẹp riêng. Người Đà Lạt có quyền tự hào về thành phố của mình.
Đó là tình yêu, còn hiểu biết? Không thể làm chủ được Đà Lạt khi ta chưa hiểu nó đến nơi đến chốn. Phải thừa nhận rằng, từ hiểu biết, bằng hiểu biết chúng ta đã làm được khá nhiều cho Đà Lạt. Như khu hồ Xuân Hương chẳng hạn. Đã có bao đổi thay theo chiều hướng đi lên thật đáng mừng. Đó là quy luật của cuộc đời này, nó bất chấp mọi suy nghĩ u ám, mọi toan tính ác độc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá xa so với mong ước của chúng ta. Ví như, tôi vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó, có lẽ là chất “núi rừng”, chất “nguyên sơ”, chất “dân tộc” - những cái góp phần cho Đà Lạt thực sự là Đà Lạt. Từ lâu tôi ao ước xuất hiện những chiếc “xe núi” chạy trên dây cáp nối liền những ngọn đồi cao với nhau như thường thấy ở một số nước. Tôi cũng ao ước có những điểm du lịch ở Đà Lạt còn giữ được vẻ hoang sơ của thiên nhiên, chim muông, cây cỏ. Tôi còn ao ước một ngày nào đó sẽ có một thảo cầm viên, một bảo tàng dân tộc giữa thành phố du lịch của chúng ta. Chẳng lẽ đó là những ước mơ quá xa xôi, ngoài tầm với? Tôi không nghĩ vậy! Nếu định làm thì ta có thể làm được, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều. Không thể khác được...
Tôi vừa nói đến tình yêu và hiểu biết trong việc sử dụng báu vật Đà Lạt của chúng ta. Điều vừa nói cần thấm sâu thành nếp suy nghĩ và hành động của mỗi người Đà Lạt dù ở đâu và ở cương vị nào.
Xuân 1992
Phạm Quang Trung
      Theo https://sites.google.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...