Văn chương, đọc và viết
Giờ đây, trong giới văn học, chắc không mấy ai là không biết tới Lý thuyết
tiếp nhận hiện đại, kể cả Mỹ học tiếp nhận mà cách đây không lâu thường thì chỉ
những chuyên gia trong nghề mới có điều kiện hiểu biết đến nơi đến chốn. Có
điều, theo chỗ tôi được biết, thì tiếp nhận văn chương ở ta mới chỉ được chủ
động ứng dụng khá rộng rãi trong khâu cảm thụ, phê bình và nghiên cứu. Riêng
lĩnh vực sáng tác văn chương thì hình như còn ít đựơc suy nghĩ vận dụng (Ở ta,
người sớm có thiên hướng đi từ Lý thuyết tiếp nhận hiện đại để tìm hiểu mối
quan hệ phát sinh của văn chương có lẽ là nhà nghiên cứu Huỳnh Vân. Trong
bài Quan hệ văn học - hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp
thẩm mỹ, có đoạn ông nhấn mạnh: “Nhưng nếu xét trên tổng thể… thì các
quá trình này - sáng tác và tiếp nhận - là đan xen vào nhau và nối tiếp nhau.
Tiếp nhận do đó vừa đi sau sáng tác, lại vừa đi trước sáng tác” -
Tập Văn học và hiện thực Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1990,
tr.222). Tuy nhiên, như tiêu đề của bài viết, Hùynh Vân không có ý
định tập trung nghiên cứu sáng tạo của nhà văn trong mối tương quan với người
đọc. Có thể nhiều người quen nghĩ về mối quan hệ giữa tác phẩm và người đọc
theo cách liên tưởng trực tiếp. Họ chưa hẳn đã thấy người sáng tạo qua tác
phẩm. Nếu hiểu cho thật đúng thì lý thuyết tiếp nhận phải gắn chặt với khâu
sáng tác của nhà văn một cách trực tiếp không kém gì sản phẩm do họ làm ra. Bởi
vậy, việc nâng cao chất lượng sáng tạo như bấy lâu nay ta đòi hỏi không thể
không tính tới nhu cầu thẩm mỹ luôn khác biệt và luôn thay đổi của người đọc.
Thời nào cũng thế. Và ở đâu cũng thế. Bài viết tập trung giải quyết mối quan hệ
giữa người viết và người đọc là vì vậy.
Tìm hiểu lý thuyết tiếp nhận văn chương hiện đại, ta tất nhiên phải tiếp
cận với một trong những khái niệm then chốt là tầm đón
nhận (erwahrtungshorizont) mà có người dịch là tầm đón
đợi hay chân trời đón đợi. Đây là thuật ngữ được nhà Mỹ học tiếp nhận
người Đức H. Jauss tiếp thu từ K. Mannheim trong cuốn sách được ông ta công bố
vào năm 1958. Nhưng phải thấy ông đã phát triển và mở rộng thêm nhiều. Như
nhiều người đã biết, cùng với W. Iser, H. Jauss là một trong những tên
tuổi nổi bật nhất của Trường phái mỹ học Konstanz. Khái niệm tầm đón
nhận được ông xem là một trong những phạm trù nền tảng cho học thuyết của
mình hiện tồn tại nhiều cách giải thích và cách hiểu có phần khác nhau. Nhà
nghiên cứu Phương Lựu giảng giải: …“Ông (H. Jauss) sử dụng với
hàm nghĩa là những nhu cầu và trình độ thưởng thức kết tinh từ kinh nghiệm
sống, hứng thú, lý tưởng của mỗi một người đọc” (3. tr.545). Trong khi nhà
nghiên cứu Nguyễn Văn Dân lại viết: “Khái niệm công cụ cơ bản
của Jauss là khái niệm “tầm đón nhận” của công chúng độc giả, tức là trình
độ kiến thức văn hóa - văn học của công chúng” (4. tr.56). Riêng nhà
nghiên cứu Nguyễn Thanh Hùng thì hiểu: “Tầm đón nhận bao gồm cả những hiểu
biết về các hình thức biểu hiện văn học khác nhau, những kinh nghiệm nghệ
thuật được lưu truyền và những tri thức khác có liên quan đến văn học để một
lúc nào đó những trữ lượng sẽ biến thành hiện thực tinh thần khi người đọc gặp
những tác phẩm tương ứng. Tầm đón nhận của bạn đọc bao gồm cả những khát vọng
về đạo đức và nhất là tư tưởng nghệ thuật, lý tưởng và hành động thẩm mỹ, đôi
lúc nó tác động trở lại tác giả để quy định trước ý nghĩa của văn bản tác phẩm
tương lai” (2. tr.114). Cần phân biệt thực chất quan niệm của H. Jauss với
những cách hiểu phái sinh có cơ sở của những người vận dụng khái niệm tầm
đón nhận từ ông. Nguyễn Thanh Hùng đi theo hướng này. Ta có thể chia sẻ
được với cách hiểu của anh là vì thế. Nhưng nếu giải thích quan niệm của H.
Jauss như hai trường hợp Phương Lựu và Nguyễn Văn Dân thì lại phải bám sát
nguyên nghĩa các câu chữ mà ông đã viết.
Khái niệm tầm đón nhận được H. Jauss trình bầy khá rõ ràng và cụ
thể trong công trình nổi tiếng Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối
với khoa học văn học ra đời năm 1970 (Tư liệu của bài biết này dựa theo
bản dịch từ tiếng Hung của Trương Đăng Dung. Tên công trình của H. Jauss được
Phương Lựu dịch là Văn học sử như là sự khiêu chiến với lý luận văn
học, vì ông hiểu rằng: “Điều này có liên quan với quan niệm của Hans
Robert Jauss về tác phẩm văn học không chỉ là sản phẩm riêng của nhà văn. Mà nó
phải được người đọc tiếp nhận, thì mới trở nên hòan chỉnh. Cho nên nói cho
cùng, chủ thể khiêu chiến ở đây, không phải là văn học sử, mà chính là lý luận
văn học ” - (3. tr.544). Nếu nhớ lại thì ngay từ năm 1978, nhà nghiên cứu
Huỳnh Vân dịch thẳng từ tiếng Đức tác phẩm trên của H. Jauss là Lịch sử
văn học như là một sự thách đố đối với ngành nghiên cứu văn học do Trường
Đại học Konstanz ấn hành năm 1967. Tôi nghiêng theo cách dịch này). Khi
nâng thành khái niệm khoa học, H. Jauss buộc phải “khách quan hóa tầm đón
đợi” nhằm xác định nghĩa ổn định cho khái niệm, và viết: “… Cái
hệ thống ra đời trong giây phút lịch sử mà bất kỳ tác phẩm nào xuất hiện, và
được xây từ hiểu biết trước đây về thể loại, từ hình thức và đề tài của những
tác phẩm có trước, và từ sự đối lập của ngôn ngữ nhà thơ và ngôn ngữ thông
thường” (1. tr.87 - 88). Cuối chương 6 của công trình
khoa học nói trên, ông diễn giải cụ thể thêm: “Nhưng khách quan hóa tầm
đón đợi… có thể xác nhận nhờ ba yếu tố…: Đầu tiên là từ những chuẩn mực đã quen
thuộc hoặc từ thi pháp nội tại của thể lọai; thứ hai là từ mối quan hệ ẩn kín
đối với những tác phẩm quen thuộc của môi trường văn học, thứ ba là từ mâu
thuẫn giữa hư cấu và hiện thực, chức năng thi pháp và thực tiễn của ngôn ngữ mà
người đọc nhạy cảm thường xuyên có khả năng so sánh” (1. tr.90). Vậy là nghĩa
của khái niệm tầm đón nhận được H. Jauss xác định rất rõ ràng, đó là
trình độ và kinh nghiệm văn chương có trước của mỗi người đọc khi tiếp xúc với
tác phẩm, bao gồm 3 bộ phận hợp thành: một là, quan niệm về thể
lọai; hai là quan niệm về hình thức và đề tài; và ba
là quan niệm về đặc trưng văn chương ở sự phân biệt giữa hư cấu và thực
tế, giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ tòan dân. Nếu đối chiếu với yêu
cầu giải thích chứ không phải là vận dụng khái
niệm tầm đón nhận của H. Jauss thì có thể thấy cách hiểu của Phương
Lựu có lẽ hơi rộng, còn cách hiểu của Nguyễn Văn Dân lại có phần hơi chung, mặc
dầu cả hai cách giải thích đó đều ít nhiều xuất phát từ nguyên nghĩa và có căn
cứ thực tế.
Thật ra, trong cuốn giáo trình lý luận văn chương mới nhất của Đại học Sư
phạm Hà Nội in năm 2002, Phương Lựu có vận dụng và triển khai thêm ý nghĩa của
thuật ngữ tầm đón nhận như là một trong những yếu tố khởi điểm
của tiếp nhận văn chương. Ông cho khái niệm quen thuộc này gồm nhiều nhân tố
hợp thành. “Trước hết - Ông viết - là do thực tiễn sống và giáo
dưỡng văn hóa, đã hình thành nên ở người đọc từ thế giới quan đến nhân sinh
quan, từ thái độ chính trị đến khuynh hướng tình cảm và hứng thú thẩm mỹ. Rồi
nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính… Và cũng như trong sáng tác, vai trò của cá
tính cũng rất to lớn trong việc hình thành tầm đón nhận của người
đọc”. Ông yêu cầu phân biệt tầm đón nhận của của cá nhân với tầm đón
nhận của tập thể được hiểu như “tiêu biểu cho một lớp người, một thế hệ,
một lực lượng xã hội”.
Ông đồng thời nêu những biểu hiện cụ thể của tầm đón nhận ở ý nghĩa, ý tưởng và văn lọai trước khi người đọc đến với một tác phẩm văn chương nào đó. Chưa hết, ông còn cho rằng: “Thật ra, câu chuyện về tầm đón, dựa trên kinh nghiệm và thể nghiệm vốn có này, còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực cụ thể và tế vi khác như về phong cách, một bút danh, một tiêu đề, một lời đề từ, thậm chí cả việc trang hòang ngoài bìa… Tất cả những thứ vô tình hay hữu dạng này, có khi rất bâng quơ, nhưng cũng ít nhiều làm nên cuộc “đối thọai” giữa những suy nghĩ ban đầu của bạn đọc với nội dung được triển khai theo hình tuyến của văn bản tác phẩm” (từ tr.349 đến tr.351). Có thể thấy sự vận dụng khái niệm tầm đón nhận từ H. Jauss của Phương Lựu là khá khóang đạt mà cũng rất khó phản bác. Nhưng, xin được nhắc lại, đấy là theo xu hướng vận dụng chứ tuyệt nhiên không phải theo xu hướng giải thích quan niệm về tầm đón nhận của nhà mỹ học người Đức.
Ông đồng thời nêu những biểu hiện cụ thể của tầm đón nhận ở ý nghĩa, ý tưởng và văn lọai trước khi người đọc đến với một tác phẩm văn chương nào đó. Chưa hết, ông còn cho rằng: “Thật ra, câu chuyện về tầm đón, dựa trên kinh nghiệm và thể nghiệm vốn có này, còn biểu hiện ở nhiều lĩnh vực cụ thể và tế vi khác như về phong cách, một bút danh, một tiêu đề, một lời đề từ, thậm chí cả việc trang hòang ngoài bìa… Tất cả những thứ vô tình hay hữu dạng này, có khi rất bâng quơ, nhưng cũng ít nhiều làm nên cuộc “đối thọai” giữa những suy nghĩ ban đầu của bạn đọc với nội dung được triển khai theo hình tuyến của văn bản tác phẩm” (từ tr.349 đến tr.351). Có thể thấy sự vận dụng khái niệm tầm đón nhận từ H. Jauss của Phương Lựu là khá khóang đạt mà cũng rất khó phản bác. Nhưng, xin được nhắc lại, đấy là theo xu hướng vận dụng chứ tuyệt nhiên không phải theo xu hướng giải thích quan niệm về tầm đón nhận của nhà mỹ học người Đức.
Từ khái niệm tầm đón
nhận tất nảy sinh ra một loạt khái niệm phái sinh có quan hệ mật thiết với
nhau. Đáng chú ý nhất là khái niệm khỏang cách thẩm
mỹ (asthetischedistanz), như là sự khác biệt giữa tầm đón
nhận của tác giả (qua tác phẩm) với tầm đón nhận của người
đọc và khái niệm đồng nhất thẩm mỹ (asthetischeidentifikation),
như là sự bắt gặp giữa tầm đón nhận của tác giả (qua tác phẩm)
với tầm đón nhận của người đọc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Hùng có
lý khi phân biệt khái niệm đầu với khái niệm khỏang cách tiếp
nhận (rezeptionsdistanz) và khái niệm sau với khái niệm đồng nhất
tiếp nhận (rezeptionsidentifikation) nhằm cho các thuật ngữ được sử dụng
trong nghiên cứu văn chương có điều kiện “rõ rệt hơn”, nghĩa là xác
định và phù hợp hơn (2, tr.112). Trong thực tế vận dụng, có nhà nghiên cứu chú
trọng mặt khỏang cách trong tiếp nhận. Như Đỗ Lai Thúy. Ông viết
trong cảm hứng ngợi ca như sau: “Nếu văn bản chỉ chứa đựng lớp nghĩa gọi
là nghĩa tồn tại thì người đọc trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm làm nảy
sinh lớp nghĩa thứ hai là nghĩa kiến tạo… Nói người đọc hiện đại là người đọc
tích cực, người đọc sáng tạo là vì vậy”. Ngay sau đó, đi xa hơn, ông nhấn
mạnh: “Nếu cách đọc ở người đọc cổ điển là tuyến tính thì ở người đọc hiện
đại là phi tuyến tính. Tức biến một tác phẩm văn chương vốn có lý lịch xuất
thân là nghệ thuật thời gian trở thành nghệ thuật không gian”, nghĩa là tạo
ra nghĩa mới của văn bản, người đọc ở đây không đơn thuần là người thuật
chuỵên, mà còn là người làm chuyện (5, tr.144 -
145). Có nhà nghiên cứu lại nhấn mạnh mặt đồng nhất trong
tiếp nhận. Như Nguyễn Thanh Hùng. Ông cho rằng: “Lý thuyết tiếp nhận luôn đặt
vấn đề khuyến khích sự đồng nhất thẩm mỹ trong đông đảo bạn đọc” (2,
tr.113). Ông còn tỏ ý mong mỏi: “Theo chiều dài thời gian đi tới
tương lai của quá trình tiếp nhận thì những khỏang cách thẩm mỹ sẽ được thu hẹp
lại và sự đồng nhất thẩm mỹ sẽ được mở rộng hơn để tiếp nhận văn học thực sự là
sự tiếp nhận một đối tượng thẩm mỹ chứ không phải sự tiếp nhận chủ thể tiếp
nhận” (2,tr.115). Ý ông muốn đặt hy vọng vào sự nghiệp giáo dục, nhằm nâng
cao trình độ thẩm mỹ, để đến một lúc nào đó khỏang cách thẩm mỹ giữa người viết
và người đọc được rút ngắn, khi đó người đọc sẽ tiếp nhận văn chương một cách
phù hợp như là những đối tượng thẩm mỹ, để không còn chênh lệch quá
lớn như hiện thời. Nhìn chung, cả hai nhà nghiên cứu đều chủ động vận dụng một
cách sáng tạo, hướng tới việc nâng cao chất lượng lĩnh vực mình quan tâm. Một
người thì chú trọng tới họat động phê bình, còn người kia lại chú trọng tới
họat động giảng dạy văn chương nhất là ở bậc phổ thông trung học. Đáng nói là
cả hai nhà nghiên cứu đều ít khi rơi vào phiến diện cực đoan, không vì quá quan
tâm tới mặt này mà đi tới bỏ qua mặt kia của vấn đề.
Chỉ có điều, các nhà
nghiên cứu ở ta, như đã nói và đã thấy, còn ít chú tâm vận dụng lý thuyết tiếp
nhận vào hoạt động sáng tạo của nhà văn. Để đi theo hướng này, ta nên đặc biệt
chú tâm tới những ý kiến của H. Jauss về giá trị đích thực của một
tác phẩm văn chương liên quan mật thiết tới hai khái niệm khỏang cách thẩm
mỹ và đồng nhất thẩm mỹ, nhìn cả dưới góc độ đồng
đại lẫn lịch đại. Ông viết: “Tầm đón đợi có thể được thiết
lập bằng cách đó của một tác phẩm văn học tạo điều kiện để chúng ta xác
định tính chất nghệ thuật bằng phương thức và kích thước của sự tác động lên
một công chúng cho trước” (1.tr.90). Rồi ông tiến hành sự phân tích sáng
tỏ, đầy sức thuyết phục của mình như sau: “Nếu ta gọi khỏang cách thẩm mỹ
là khỏang cách nằm giữa tầm đón đợi có sẵn và một tác phẩm mới xuất hiện mà sự
tiếp nhận nó, qua sự phủ định những kinh nghiệm cũ hoặc ý thức được những sự
việc lần đầu tiên nói ra, có thể đưa đến “sự thay đổi tầm đón đợi”, thì chúng
ta cũng có thể làm cho khỏang cách thẩm mỹ đó trở nên có thể nắm bắt được về
mặt lịch sử trên phạm vi của những phản ứng của công chúng và sự phán xét phê
bình (sự thành công phản đối hoặc tức tối, sự đồng tình thưa thớt hay thấu hiểu
muộn màng chậm chạp)” (1. tr.90).
Trước tiên, ông muốn nói tới sự thay đổi tầm đón nhận của người
đọc ở những tác phẩm văn chương có tính nghệ thuật, được hiểu là
những tác phẩm thành công, có giá trị về phương diện khám phá nghệ
thuật. Bởi vậy, ngay sau đó, ông viết tiếp: “Cái phương thức thực
hiện, thực hiện quá mức hoặc không làm thỏa mãn hay đánh lừa những mong đợi của
công chúng đầu tiên trong giây phút lịch sử mà một tác phẩm văn học xuất hiện,
sẽ đưa ra những tiêu chí rõ ràng cho việc xác định giá trị thẩm mỹ (tức
quyết định tính chất nghệ thuật của tác phẩm)” (1. tr.90
-91). Dựa vào tiêu chí này, việc có góp phần làm thay đổi tầm đón nhận của
người đọc hay không, thay đổi đến mức nào sẽ làm nên sự khác biệt dễ thấy
giữa tác phẩm văn chương tầm thường, thiên về “giải trí” đơn
thuần, “không đòi hỏi thay đổi tầm đón đợi”, với những tác phẩm đặc
sắc, có giá trị cao về mặt thẩm mỹ. Ông hướng cái nhìn của mình tới“kiểu thay
đổi tầm nhìn thứ hai có hiệu lực đối với cái gọi là các tuyệt tác cổ điển…
những tác phẩm có hình thức đẹp…mà chúng ta chỉ có thể đọc và trải nghiệm tính
nghệ thuật của chúng với nỗ lực riêng, không theo cách thông thường” (1.
tr.91). Tôi hiểu đây là một đòi hỏi cao không chỉ đối với người sáng tác mà
còn cả đối với người đọc, nhất là kiểu người đọc tinh
hoa hay người đọc lý tưởng.
Không
phải ngẫu nhiên mà người sáng lập nên Mỹ học tiếp nhận nổi tiếng lại chĩa mũi
nhọn phê phán về phía các nhà xã hội học văn chương, tiêu biểu là R. Escarpit.
Trong Xã hội học văn học - cuộc cách mạng sách, nhà mỹ học người Pháp
này có quan niệm khác hẳn với H. Jauss về giá trị của một công trình nghệ thuật
đích thực được“thể hiện cái mà cộng đồng chờ đợi ở nó, và trong nó cộng đồng nhận
ra chính mình” (1. tr.91). Nói khác đi, theo R. Escarpít, một tác phẩm càng
thành công khi khỏang cách thẩm mỹ giữa tác phẩm mới ra đời
với tầm đón nhận quen thuộc có trước của người đọc, càng được
thu hẹp, và nếu bằng không thì là lý tưởng nhất. Đã rõ là R. Escarpit đã tuyệt
đối hóa vai trò của sự đồng nhất thẩm mỹ. Riêng về điểm này, H.
Jauss chỉ trích thật đích đáng: “Cái quan điểm khách quan này giải thích
một thành tựu văn học bằng việc nhập làm một ý đồ của một tác phẩm với sự mong
đợi của một nhóm xã hội, nó luôn bỏ mặc xã hội học văn học khi cần phải giải
thích sự thành công đến muộn màng hay bền lâu của một tác phẩm văn
học” (1. tr.91 - 92). Ông tỏ ra hòan tòan có lý. Lịch sử văn chương
thiếu gì những dẫn dụ để xác minh điều đó. Không ít tác phẩm gây dư luận ồn ào
lúc mới ra đời, nhưng sau đó lại nhanh chóng rơi vào lãng quên.
Ngược lại, có không ít tác phẩm từng chịu nhiều ghẻ lạnh, thậm chí bị nghiêm khắc lên án từ nhiều phía lúc mới xuất hiện, lại chiếm được vị trí danh giá ổn định trong lịch sử văn chương khi cơn gió thời thượng qua nhanh. Trong công trình của mình, H. Jauss dẫn ra một trong những sự kiện văn chương mà ông cho là giật gân từng xảy ra ở Pháp trong năm 1857. Hai cuốn tiểu thuyết cùng ra đời: Bà Bovary của Flaubert và Fanny của bạn ông, Feydeau. Trong một năm, cuốn Fanny đã được xuất bản tới 13 lần. Thành công như thế thì chỉ có tiểu thuyết Atala trước đó của Chateaubriand mới có thể so sánh được. Thế nhưng, lịch sử văn chương Pháp sau này chỉ ghi nhận giá trị của kiệt tác Bà Bovary, nào mấy ai còn nhớ tới Fanny. Theo lý giải của H. Jauss là do cống hiến vô giá trong “sự biến đổi hình thức” ở “lối kể chuyện lạnh lùng” của Flaubert mà có nhà nghiên cứu đã ví von một cách dí dỏm: “nếu cái máy kể chuyện của ông có thể đúc được từ thép của Anh thì nó cũng họat động như G. Flaubert” (1. tr.94). Từ đó, H. Jauss đi tới kết luận: “Thế rồi khi cuốn Bà Bovary, mà khởi đầu chỉ được đón nhận trong phạm vi hẹp và được đánh giá là bước ngoặt của lịch sử viết tiểu thuyết, trở nên nổi tiếng thế giới, thì công chúng bị nó chinh phục đã chấp nhận cái hệ thống đón đợi mới, và với việc đó, những mặt yếu của Feydeau - lối viết khoa trương, bắt chước mốt, những lớp mạ trữ tình mang tính tự truyện - đã bị xem là không thể nào chịu được nữa, Fanny chỉ là thành công tàn úa của ngày hôm qua” (1. tr.94). Có thể dễ dàng dẫn ra nhiều minh chứng tương tự từ xưa tới nay trong lịch sử văn chương dân tộc và nhân lọai.
Ngược lại, có không ít tác phẩm từng chịu nhiều ghẻ lạnh, thậm chí bị nghiêm khắc lên án từ nhiều phía lúc mới xuất hiện, lại chiếm được vị trí danh giá ổn định trong lịch sử văn chương khi cơn gió thời thượng qua nhanh. Trong công trình của mình, H. Jauss dẫn ra một trong những sự kiện văn chương mà ông cho là giật gân từng xảy ra ở Pháp trong năm 1857. Hai cuốn tiểu thuyết cùng ra đời: Bà Bovary của Flaubert và Fanny của bạn ông, Feydeau. Trong một năm, cuốn Fanny đã được xuất bản tới 13 lần. Thành công như thế thì chỉ có tiểu thuyết Atala trước đó của Chateaubriand mới có thể so sánh được. Thế nhưng, lịch sử văn chương Pháp sau này chỉ ghi nhận giá trị của kiệt tác Bà Bovary, nào mấy ai còn nhớ tới Fanny. Theo lý giải của H. Jauss là do cống hiến vô giá trong “sự biến đổi hình thức” ở “lối kể chuyện lạnh lùng” của Flaubert mà có nhà nghiên cứu đã ví von một cách dí dỏm: “nếu cái máy kể chuyện của ông có thể đúc được từ thép của Anh thì nó cũng họat động như G. Flaubert” (1. tr.94). Từ đó, H. Jauss đi tới kết luận: “Thế rồi khi cuốn Bà Bovary, mà khởi đầu chỉ được đón nhận trong phạm vi hẹp và được đánh giá là bước ngoặt của lịch sử viết tiểu thuyết, trở nên nổi tiếng thế giới, thì công chúng bị nó chinh phục đã chấp nhận cái hệ thống đón đợi mới, và với việc đó, những mặt yếu của Feydeau - lối viết khoa trương, bắt chước mốt, những lớp mạ trữ tình mang tính tự truyện - đã bị xem là không thể nào chịu được nữa, Fanny chỉ là thành công tàn úa của ngày hôm qua” (1. tr.94). Có thể dễ dàng dẫn ra nhiều minh chứng tương tự từ xưa tới nay trong lịch sử văn chương dân tộc và nhân lọai.
Tuy nhiên, trên thực tế, có người đã vô tình hoặc cố ý tuyệt đối hóa quan niệm
của H. Jauss. Trong chiều sâu quan niệm, ông có cái nhìn hài hòa, uyển chuyển,
chứ không rơi vào cực đoan, chỉ nhấn mạnh tới sự chênh lệch trong
khỏang cách thẩm mỹ của tác phẩm thành công với người đọc lần đầu. Nghĩa là,
ông vừa chú trọng tới khái niệm khỏang cách thẩm mỹ lại vừa không
quênkhái niệm đồng nhất thẩm mỹ. Cứ đọc kỹ câu nói quan trọng đã dẫn
ở trên cũng đủ rõ. Ông khá uyển chuyển và biện chứng khi chủ động kéo dài câu
văn bởi hàng lọat mệnh đề kết gắn với nhau“… thì chúng ta cũng có thể làm cho
khỏang cách thẩm mỹ đó trở nên có thể nắm bắt được về mặt lịch sử trên phạm vi
của những phản ứng của công chúng và sự phán xét phê bình (sự thành công phản
đối hoặc tức tối, sự đồng tình thưa thớt hay thấu hiểu muộn màng chậm
chạp)”. Nếu sự chênh lệch quá lớn, nghĩa là chỉ nhấn
mặt khỏang cách mà bỏ rơi mặt đồng nhất, thì sự thể sẽ hoàn toàn khác. Không phải vô tình khi ông khẳng định thêm:“… Chúng ta phải nhìn tính
chất nghệ thuật của một tác phẩm văn học bằng khỏang cách thẩm mỹ chia tách tác
phẩm ra khỏi sự chờ đợi của những người đọc đầu tiên thì sẽ dẫn đến việc cái
khỏang cách mà khởi đầu được ý thức như là cách nhìn mới mẻ - PQT nhấn
mạnh, được đón nhận vui vẻ hay hờ hững thì đối với những người đọc sau, nó
có thể biến mất ở mức độ mà mặt yếu kém buổi đầu của một tác phẩm trở nên rõ
ràng và như là sự mong đợi đã chấp nhận - PQT lưu ý - nó sẽ có vị trí
trong phạm vi những kinh nghiệm thẩm mỹ sắp tới (1. tr.91). Nếu đúng như
vậy thì người viết phải chủ động nắm bắt khỏang cách thẩm mỹ có thể có, nhằm
điều chỉnh kết cấu vẫy gọi sao cho đừng quá xa với khỏang cách
thẩm mỹ của người đọc tiềm ẩn (những thuật ngữ nổi tiếng của nhà Mỹ
học tiếp nhận W. Iser). Tôi cho rằng một trong những thách thức tài năng của
một nhà văn chính là ở sự hình dung không dễ dàng mức độ đồng
nhất trong tương quan với khỏang cách của tầm đón
nhận ở anh ta và tầm đón nhận nơi người đọc. Tâm thế sáng tạo lý
tưởng phải là kết quả của sự dự kiến tài tình, nhờ nhiều khả năng khác nhau nằm
trong ý thức và tiềm thức của người sáng tạo trên phương diện tiếp nhận.
Điều này là hoàn toàn nhất quán với quan niệm chung về văn chương
của H. Jauss. Chẳng hạn, quan niệm của ông về cái mới đích thực
trong nghệ thuật. Ông viết một cách quả quyết: “Cái mới đồng
thời là phạm trù lịch sử - tác giả nhấn mạnh từ này - nếu chúng ta
tiếp tục sự phân tích văn học theo phương pháp lịch đại với những câu hỏi rằng
những yếu tố lịch sử như thế nào thì làm cho hiện tượng văn học mới trở thành
mới” (1. tr.102). Nếu là một phạm trù mang tính lịch sử thì không
thể không chú trọng tới sự kế thừa. Truyền thống văn chương là nhân tố không
được phép xem thường hoặc bỏ qua. Điều này cũng không mấy xa lạ với quan niệm
của ông về ý nghĩa của tác phẩm văn chương đối với xã hội. Ông cho
rằng: “Chức năng xã hội của văn học và những khả năng có trước của nó chỉ
bộc lộ ở nơi mà ấn tượng văn học tác động (chứ không hòan tòan thay
thế - PQT lưu ý) đến tầm đón đợi của người đọc - được xác định qua
thực tiễn đời sống - ảnh hưởng đến việc hiểu thế giới và cứ như vậy nó cũng tác
động trở lại đến thái độ xã hội của người đọc” (1. tr.107). Nếu hiểu như
vậy thì mọi tác phẩm quá xa lạ với bạn đọc đơn giản là sẽ không được tiếp
nhận, và vì thế, không thể chiếm được cảm tình của người tiếp nhận, nói gì tới
ý nghĩa xã hội thật sự. Nên nhớ rằng, khi tỏ ra không tán đồng với các nhà xã
hội học văn chương, H. Jauss không hề có thái độ phủ định sạch trơn. Ông
viết: “Xã hội học văn học không nhận biết một cách tương đối biện
chứng đối tượng của nó, nếu nó xác định phạm vi được tạo nên bởi nhà văn,
tác phẩm và công chúng một chiều - những nhấn mạnh của PQT - như
thế” (1. tr.92). Sự chừng mực trong lập luận thể hiện sự cân phân trong
nhận thức của ông rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Tôi đã trình bầy cách hiểu của mình về một số khái niêm công cụ của Lý
thuyết tiếp nhận hiện đại tập trung ở đỉnh cao của nó là Mỹ học tiếp nhận trong
mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc. Cố nhiên bài viết do dung lượng và chủ
đích có thể hơi nghiêng về mặt lý thuyết. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại vấn đề này
trên phương diện thực tiễn. Rất mong sự quan tâm của đông đảo bạn đọc về vấn đề
hiện còn đất trống cho nhiều suy tư và khám phá này.
Tài liệu tham khảo:
Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học -Trương Đăng Dung dịch từ nguyên bản tiếng Hung - Tạp chí Văn học Nước ngoài, Số 1/2002.
Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học -Trương Đăng Dung dịch từ nguyên bản tiếng Hung - Tạp chí Văn học Nước ngoài, Số 1/2002.
Nguyễn Thanh Hùng - Đọc và tiếp nhận văn chương - Nxb Giáo dục,
Hà Nội, 2002.
Phương Lựu - Lý luận phê bình phương Tây thế kỷ XX
- Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.
Nguyễn Văn Dân - Nghiên cứu văn học - Lý luận và ứng dụng - Nxb
Giáo dục, Hà Nội, 1999.
Đỗ Lai Thúy - Người đọc - hành trình từ cổ điển đến hiện đại
- trong tập Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn
học - Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét