Nói về đời thường của nhà thơ Bùi Kim Anh có rất
nhiều chuyện để kể một cách hấp dẫn từ miệng người này sang tai người khác.
Nhìn ở góc độ nọ thấy nhà thơ Bùi Kim Anh lận đận làm điểm tựa cho người chồng
đang vinh hiển tột độ bỗng vướng vòng lao lý. Nhìn ở góc độ kia thấy nhà thơ
Bùi Kim Anh nhẫn nại chăm sóc cháu ngoại là “chú lính chì” Thiện Nhân mà con
gái mình mở lòng nhận nuôi.
Người đàn bà lúc nào cũng tất tả ấy vui buồn ra sao,
không thể lý giải nếu chỉ quan sát những hành vi hàng ngày, mà chỉ có thể hiểu
chị qua chính những câu thơ chị viết giữa chông chênh đời mình!
Nữ sĩ Bùi Kim Anh đã nghỉ hưu lặng lẽ với chức danh nhà giáo,
nhưng vẫn còn thao thức với chức danh nhà thơ. Hơn 10 tập thơ đã in hoàn toàn đủ
để chị hiểu thị hiếu thờ ơ của bạn đọc hôm nay đối với thi ca như thế nào. Tuy
nhiên, Bùi Kim Anh vẫn viết, như một cách tự vấn số phận, như một cách nâng đỡ
bản thân. Trong từng bài thơ, chị chủ động không dùng dấu câu và không chủ động
xác lập những chữ viết hoa đầu dòng. Mục đích duy nhất: Cho phép những vướng mắc
tâm hồn tràn ra trang giấy thật tự nhiên! Thơ Bùi Kim Anh mang dáng dấp của những
lời tự thú chân thành: “có người đàn bà ngồi trước trang báo mạng/ tìm ngày xưa
như chưa có ngày xưa”. Thế giới công nghệ càng chiếm lĩnh cuộc sống, thì nỗi cô
đơn càng bủa vây người làm thơ. Vì vậy, ở trường hợp Bùi Kim Anh, thơ không nhằm
khoe vẻ đẹp của lãng mạn hay của đắm say mà thơ thay thế cho tiếng thở dài ngập
ngừng buông: “tôi ngồi trong góc của mình viết cho riêng mình đọc/ lời ốm yếu
và lời hèn nhát/ ngoài kia vật vã ngoài kia biến động”.
Thế kỷ 21 không còn đắc địa cho những câu thơ véo von ca tụng
nữa. Thơ trước hết dành để lau nước mắt cho người bẽ bàng trước xã hội xuất hiện
lắm điều nhiễu nhương “một niềm tin giữa u mê/ một bình yên lạc bốn bề lo toan/
sớm mai kéo loáng bức màn/ tay nắm phải gió mở choàng vạt đêm”. Tuổi càng cao
Bùi Kim Anh càng cảm thấy hụt hẫng về những chuẩn mực đang xô lệch dần, đang
hao hụt dần. Ở thời đại này, người dễ rung động và người biết rung động sẽ phải
đeo mang nhiều ám ảnh nặng nề: “va đập thời gian những tế bào ký ức vỡ vụn/ va
đập tình người trơ niềm xao xuyến/ nắm bàn tay mình không chặt/ nắm bàn tay người
không run…”
Thơ Bùi Kim Anh rưng rưng buồn. Buồn len vào từng ý. Buồn len
vào từng câu. Buồn len vào từng dòng. Không buồn sao được, khi chị nhận ra sự lạc
lõng của chính mình giữa dòng người bấn loạn lao về phía lợi danh: “sao người
đàn bà làm thơ lại đi chợ/ sao người đàn bà đi chợ lại làm thơ/ chữ rối bung
như mớ rau bí buộc rối”, dẫu đôi lần tự cảnh tỉnh: “tiếc thương một vệt mây
trôi/ bận chi để nặng đôi lời vấn vương”.
Tuy nhiên, giữa rất nhiều ngột ngạt, phẩm chất thi sĩ vẫn không thể che giấu được. Thỉnh thoảng thơ Bùi Kim Anh bật lên những nét thật bay, thật duyên lúc chan hòa với cảnh vật hồn nhiên. Khi thì “chiều Sơn Tây níu lại người đàn bà lạc vào tiếng chuông ngân”, khi thì “góc phố xa lơ phơ nhành phượng tím/ ly cà phê lạnh nước dâng đầy/ gói ghém lại bao sắc màu Đà Lạt/ sợ nặng tình tuột đóa hoa rơi”.
Tuy nhiên, giữa rất nhiều ngột ngạt, phẩm chất thi sĩ vẫn không thể che giấu được. Thỉnh thoảng thơ Bùi Kim Anh bật lên những nét thật bay, thật duyên lúc chan hòa với cảnh vật hồn nhiên. Khi thì “chiều Sơn Tây níu lại người đàn bà lạc vào tiếng chuông ngân”, khi thì “góc phố xa lơ phơ nhành phượng tím/ ly cà phê lạnh nước dâng đầy/ gói ghém lại bao sắc màu Đà Lạt/ sợ nặng tình tuột đóa hoa rơi”.
Sự trải nghiệm của nhà thơ Bùi Kim Anh vừa nhọc nhằn vừa tin
yêu: “buồn vui xếp cũng đã đầy/ có thêm cũng chỉ làm dày vần thơ”. Trên cõi sống
ngắn ngủi và bí ẩn, không ai mưu cầu gồng gánh bi kịch, nhưng lỡ không tránh khỏi,
thì bi kịch lại là chất liệu sáng tạo cho thi sĩ đích thực. Trong giai đoạn chồng
chị, nhà báo Trần Mai Hạnh, vướng vòng lao lý, thì thơ Bùi Kim Anh giống như nhật
ký uất nghẹn: “Những câu thơ viết cho mình làm sao nói dối/ Chẳng ai muốn cô
đơn choàng lên tâm trạng/ Chẳng ai thích lẻ loi”. Ngày xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương
“ví đây đổi phận làm trai được, thì sự anh hùng há bấy nhiêu”, còn hôm nay Bùi
Kim Anh chỉ dám “Nếu” thầm thỉ: “Nếu tôi là đàn ông/ Tôi sẽ sống một ngày không
cần biết đến thời gian, gia đình, bữa ăn, giấc ngủ, và cả những điều ấp ủ, tình
yêu/ Và chính vì những ý nghĩ ngông cuồng này/ Tôi mãi là người đàn bà tội nghiệp!”.
Trong thơ chị, từng có những đêm rất dài, những đêm chờn vờn cay đắng, những
đêm ngập tràn bơ vơ. Những đêm mệt nhọc dồn dập đổ ập vào chị những câu thơ
nhũng nhẵng không kịp ngắt: “Những vật vã đã qua đi lại đến/ Tuyến lệ đã khô nước
mắt lại đầy/ Buông tay để hạt thời gian lăn lóc/ Buông tay tất cả kệ bóng chiều
sầm sập/ Một người đàn bà bỏ quên những câu thơ tình trong cuốn sổ tay vàng úa/
Một người đàn bà run rẩy trái tim mềm” (bài Trái tim mềm) rồi bấp bênh khoảnh
khắc tủi hờn “Người đàn bà ngẩn ngơ lảm nhảm trong đêm câu thơ tụng niệm/ Giận
mình không thể làm trái bom hất lên tự thẩm sâu u uẩn/ Không là một đám cỏ để
người xéo oằn mà vẫn giận mình” (bài Tự họa). Hay nói cách khác, chị chỉ
còn vũ khí cuối cùng là thơ để tự vệ trước những đêm rờn rợn hoảng hốt: “Ta
băm nát đời mình vào những câu thơ/ Trang điểm tâm hồn bằng lời bằng chữ/ Ta lầm
lỡ chỉ thơ tha thứ/ Cho ta vịn vào khi thiên hạ lùi xa” (bài Bình minh đấy
một ngày)
Nhà thơ Bùi Kim Anh luôn đau đáu “người đàn bà ru con rồi ru
cháu bằng lời của những câu thơ” nên chị cũng lỡ làng tự thú về những khoảnh khắc
“Thơ tôi lợt lạt thiếu nắng mai và gió trời/ Trở trăn câu chữ như đồng tiền bé
mọn cho người để an ủi mình thôi”. Thế nhưng, thơ đã dìu chị qua gập ghềnh khi
không còn nước mắt để khóc. Có thể là tọc mạch quá đáng, nhưng từng thời điểm
khó khăn nhất của nhà báo Trần Mai Hạnh đều thể hiện rất rõ trong thơ vợ ông,
dù dưới mỗi bài thơ không ghi chú ngày tháng viết ra. Nhờ thơ, chị đã kiên cường
chấp nhận thử thách: “Bất hạnh không hề mang nhãn mác/ Ta không thể lựa chọn/ Sự
khốn cùng chẳng chung đúc một khuôn/ Ta không thể nhấc lên nặng nhẹ chịu đựng mỗi
con người”. Hành trình thơ tuần tự theo hành trình nguy nan. Đó là hình ảnh người
con trai vào “Sáng tháng chín”: “Con trai ơi, hãy yên lòng ra đi mỗi sớm/ Mẹ ở
bên cha/ Ta còn mãi mái nhà/ Nạn kiếp của cha đã làm mất ở con tiếng cười/ Những
câu chuyện hồn nhiên mỗi chiều không còn nữa”. Đó là giây phút “Ngỡ là” hụt hẫng
chia biệt: “Ngỡ cầm vàng phải giữ vàng/ Cái giàu dễ tuột, cái sang dễ hèn/ Ngỡ
đâu hai tiếng ghét ghen/ Ba phen chìm nổi bảy phen đọa đày/ Ngỡ anh là của em
đây/ Mà ngăn cách, mà chân tay rã rời”. Đó là ái ngại “Dành cho con gái” yếu đuối:
“Con bé xíu giữa khung nhà/ Bước nặng nhọc chờ ngày sinh nở/ Bé xíu giữa kinh
hoàng tai họa/ Cánh cò run rẩy bão giông…/ Con vượt qua bể cạn một mình/ Cha một
mình ngụp trong oan khổ/ Mẹ xoay lại vần thơ viết dở/ Đêm rất xa và Ngày rất xa”.
Đó là “Ngày giỗ mẹ” ngậm ngùi: “Ngày giỗ mẹ thơm hương/ Căn nhà vắng, mình con
lạy mẹ/ Con đã thành bị can chờ xét xử/ Mẹ về lạnh thấu xa xôi…/ Lạy mẹ, con đi
giải nỗi oan dày/ Dẫu vô vọng vẫn cầm lòng cứng cỏi/ Công lý dẫu xa đường con
đi tới/ Có mẹ theo đỡ bước đọa đày”. Đó là những ngày hầu tòa phương Nam luôn
“Nhớ cháu” phương Bắc: “Có cháu ở bên nô đùa/ Chiều Sài Gòn nắng cũng thưa thớt
dần/ Tiếng cười đuổi theo gót chân/ Đêm không mộng ác để gần ban mai”. Đó là
lúc thăm nuôi người ở “Phía ấy”: “Ta đứng hai chân dồn hơi thở xuống nền gạch lạnh
tanh/ Phía ấy là lối anh đi/ Gió quét/ Mưa quét/ Chổi quét mỗi ngày”. Đó là phờ
phạc người đàn bà “Có những lúc” chột dạ:
“Hãy cho tôi mặt nạ da người/ Tôi vênh váo dạo qua khắp phố/ Chẳng còn ai nhận ra tôi nữa/ Một người đàn bà lẻ loi”. Đó là “Đêm cuối năm” giá buốt: “Năm trở mình đau nhức khắp căn nhà/ Không có anh không ai mở cửa đón hoa xuân nở/ Ta không thể sống bằng hoài niệm năm xưa cũ/ Bao quanh anh/ Bao quanh em/ Chật những bức tường”. Đó là khi nhấp nhổm “Gió lay”: “Dạt thuyền đến tận cửa sông/ Vững tay lái vẫn sợ không đến bờ” và giật mình vì một sự “Rơi”: “Bất ngờ một chiếc lá rơi/ Tưởng đông rớt lại cho người lạnh vai” rồi thảng thốt “Không đâu”: “Ước gì có một ngọn sào/ Trắng đen phơi hết chuyện nào cũng khô”. Lấp lánh hơn cả, đó là nỗi “Mong một ngày” đoàn tụ”: “Sẽ một ngày bình thường/ Không chờ mưa chờ nắng/ Có thời gian chững lại/ Có không gian hai người”. Cuối cùng hết cơn bĩ cực, đó là “Một lần khác mọi lần”: “Anh trở về với em/ Như bao chuyến xa nhà vội vã/ Như bao lần lạnh lẽo bên nhau/ Dẫu mất mát đã ghim vào trí nhớ/ Dẫu chẳng vẹn nguyên/ Anh vẫn là tất cả…/ Tai họa bất ngờ/ Tạo hóa lại tái sinh/ Đã là rủi, đã là may mắn/ Như con cáo chết giả để thử lòng người cõi sống”…
“Hãy cho tôi mặt nạ da người/ Tôi vênh váo dạo qua khắp phố/ Chẳng còn ai nhận ra tôi nữa/ Một người đàn bà lẻ loi”. Đó là “Đêm cuối năm” giá buốt: “Năm trở mình đau nhức khắp căn nhà/ Không có anh không ai mở cửa đón hoa xuân nở/ Ta không thể sống bằng hoài niệm năm xưa cũ/ Bao quanh anh/ Bao quanh em/ Chật những bức tường”. Đó là khi nhấp nhổm “Gió lay”: “Dạt thuyền đến tận cửa sông/ Vững tay lái vẫn sợ không đến bờ” và giật mình vì một sự “Rơi”: “Bất ngờ một chiếc lá rơi/ Tưởng đông rớt lại cho người lạnh vai” rồi thảng thốt “Không đâu”: “Ước gì có một ngọn sào/ Trắng đen phơi hết chuyện nào cũng khô”. Lấp lánh hơn cả, đó là nỗi “Mong một ngày” đoàn tụ”: “Sẽ một ngày bình thường/ Không chờ mưa chờ nắng/ Có thời gian chững lại/ Có không gian hai người”. Cuối cùng hết cơn bĩ cực, đó là “Một lần khác mọi lần”: “Anh trở về với em/ Như bao chuyến xa nhà vội vã/ Như bao lần lạnh lẽo bên nhau/ Dẫu mất mát đã ghim vào trí nhớ/ Dẫu chẳng vẹn nguyên/ Anh vẫn là tất cả…/ Tai họa bất ngờ/ Tạo hóa lại tái sinh/ Đã là rủi, đã là may mắn/ Như con cáo chết giả để thử lòng người cõi sống”…
Nhà thơ Bùi Kim Anh đã có một cuộc đời đồng hành thi ca, san
sẻ thi ca. Bước qua tuổi “cổ lai hy”, chị vừa in tập thơ có tên gọi Tóc trắng
nắng mai, cho thấy bóng dáng của một nữ sĩ đã đi hết những thác ghềnh số phận,
để thảnh thơi với hạnh phúc giản đơn: “Thời trẻ gom chữ bán buôn/ Về già nhặt
chữ phơi buồn hóng chơi/ Chọn nơi thanh vắng ta ngồi/ Trong tĩnh lặng gọi những
lời tri âm”.
Lê Thiếu Nhơn
Nguồn: Văn nghệ số 27/2019
Nguồn: Văn nghệ số 27/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét