Bản chất nghệ thuật
Giới lý luận, phê bình văn chương ở ta gần như đã đi tới thống
nhất về bản chất lưỡng tính của phê bình. Nhiều người đã khẳng định phê bình
văn chương vừa là khoa học vừa là nghệ thuật *. Đã có không ít bài viết đi sâu
phân tích bản chất khoa học của phê bình. Tôi xin được nhìn phê bình ở góc độ
nghệ thuật, trên ba phương diện cơ bản sau:
- Tính nghệ thuật của tác phẩm phê bình.
- Tư chất nghệ sĩ của nhà phê bình.
- Con đường tiếp nhận riêng biệt của văn phê bình.
Tôi có dụng ý riêng khi gọi sản phẩm của nhà phê bình không
phải là bài phê bình, cũng không phải là công trình phê bình, mà là tác phẩm
phê bình. Tựa như một áng văn, một bài thơ, một cuốn truyện, một kịch bản
văn chương vậy. Chỗ tương đồng giữa chúng là ở sự sáng tạo, vẻ độc
đáo, mà tựu chung là ở dấu ấn cá nhân mà một công trình nghệ thuật
đích thực luôn bộc lộ và đòi hỏi.
Cùng nhằm tới cái đích hiểu biết, khám phá, sáng tạo (lời
của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), nhưng nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch hướng tới
thực tại đời sống, còn nhà phê bình lại hướng tới chính sản phẩm của họ. Chất
liệu khác nhau nhưng cùng chung một tính chất, tính sáng tạo. Mà sáng tạo
thì bao giờ cũng đi liền với cái mới. Trong nhận thức và trong tư tưởng.
Đối tượng tìm hiểu, phát hiện của phê bình là văn chương, bao
gồm các hiện tượng văn chương, trọng tâm là tác phẩm văn chương, và các hoạt động
văn chương trọng tâm là sáng tạo văn chương. Nói một cách khác, trung tâm chú ý
của nhà phê bình là tác phẩm và nhà văn trong mối quan hệ qua lại giữa chúng.
Nhà văn thể hiện sức khám phá đời sống, biểu hiện tư tưởng, khẳng định tài năng
của mình qua tác phẩm. Trong khi tác phẩm chính là con đẻ tinh thần của nhà
văn, được tạo nên bởi một hình thái lao động đặc thù gọi là lao động nhà văn.
Tác phẩm, nhất là những tác phẩm mới ra đời, luôn thách đố
các nhà phê bình. Cảm hiểu và bình giá sao đây cho đúng đắn và thuyết phục? Phải
có điểm tựa. Ý định chủ quan của người viết chăng? Cần đấy nhưng chưa đủ. Có
khi dễ đi đến sai lệch. Trước hết và trên hết phải là văn bản tác phẩm. Sự khác
biệt, đồng thời là sự kỳ diệu của văn chương nằm ở chỗ đó. Tác phẩm văn chương
là sản phẩm tinh thần của nhà văn, hẳn nhiên là thế! Đến tay bạn đọc thì tác phẩm
văn chương lại trở thành sản phẩm tinh thần chung của xã hội. Nó có đời sống
riêng, đôi khi chính người cho nó linh hồn và hình hài cũng không ngờ tới. Giá
trị của văn chương, bởi vậy, nằm ở nơi người đọc. Ý định chủ quan của người viết
và ý nghĩa khách quan của tác phẩm nhiều khi đồng nhất, cũng lắm khi khác biệt,
thậm chí so lệch. Đây là mảnh đất trống để nhà phê bình cấy cày, gieo hạt. Và
suy cho cùng, đây chính là lẽ tồn tại của họat động phê bình và của bản thân
nhà phê bình.
Hướng tới tác phẩm và nhà văn, nếu không có gì thật sự mới mẻ
thì nhà phê bình lấy đâu động lực và cảm hứng để cầm bút. Phải có phát hiện! Ở
hai mặt chính yếu như thường thấy là nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật
của tác phẩm, từ đó nâng lên giá trị, đóng góp của từng nhà văn, của từng giai
đọan, thời kỳ, hoặc của cả nền văn chương. Tôi muốn nhấn mạnh tới sự khám
phá về tư tưởng qua văn phẩm và qua văn nghiệp của tác giả. Sức nặng chủ yếu của
tác phẩm là ở tư tưởng tỏa ra từ hình tượng. Giá trị trước hết của nhà văn là ở
khả năng soi sáng về mặt tư tưởng.
Thêm nữa, như bất cứ một công trình sáng tạo nào khác, đã gọi
là một áng văn phê bình thì phải độc nhất vô nhị. Không gì nhàm chán, vô duyên
bằng sự đơn điệu trong nghệ thuật. Chữ văn từ ngàn xưa ở phương Đông
cũng như ở phương Tây bao hàm nghĩa giàu có, phong phú. Muốn vậy, mỗi
nhà phê bình phải có đóng góp riêng, mỗi áng văn phê bình phải là một thế giới
riêng. Bắt chước người trong phê bình là không được phép. Lặp lại mình trong
phê bình cũng chẳng nên làm. Cần đặc sắc trong ý tưởng, độc đáo trong cấu trúc,
sáng tạo trong ngôn từ, và riêng biệt trong giọng điệu. Đây là chỗ khác biệt cơ
bản, dễ thấy nhất giữa một tác phẩm phê bình văn chương với một công trình
nghiên cứu văn chương.
Điều vừa nói gắn chặt với dấu ấn cá nhân của người viết
trong phê bình. Chẳng phải vô cớ mà người ta thường gọi nhà phê bình là nhà
văn, ít khi gọi là nhà khoa học. Nghiêng về ấn tượng, chủ quan là đặc tính nổi
trội của nghệ thuật, trong đó có phê bình. Trong khi trung tính, khách quan lại
là đặc điểm nổi bật của khoa học, trong đó có văn học. Do vậy, áng văn phê bình
nói rất nhiều, rất trung thực về nhà phê bình. Từ sở thích, sở trường, sở đoản
đến năng lực, phẩm chất, tư tưởng, tư duy và phương pháp… Văn là người, văn
phê bình bộc lộ rõ người viết phê bình.
Như ở những nghệ sĩ ngôn từ khác, có thể dễ nhận ra những
biểu hiện của tư chất nghệ sĩ ở nhà phê bình. Đó là sự biểu lộ cảm xúc một
cách mãnh liệt, khả năng quan sát một cách tinh tế, trí tưởng tượng phóng
khoáng và sáng tạo, đặc biệt là ở năng lực cảm thông sâu sắc trước tác phẩm và
trước nhà văn. Các biểu hiện trên ở từng nhà phê bình, ở từng tác phẩm phê bình
có thể khác nhau về mức độ, nhưng nếu thiếu hoặc yếu một phương diện nào cũng đều
ảnh hưởng tới chất lượng của phê bình và đóng góp của nhà phê bình.
Tôi chỉ xin đi sâu vào khả năng cảm thông của nhà phê
bình đối với tác giả và tác phẩm. Đã thành xa lắc xa lơ cái thời người ta
ưa xem phê bình như là ngọn roi quất vào con ngựa sáng tác cho nó lồng lên, lao
nhanh về phía trước. Giờ đây, quan niệm phê bình chủ yếu là chia sẻ, cảm thông
với người sáng tạo đã thành quan niệm phổ biến, được nhiều người tán đồng. Chia
sẻ không có nghĩa là không phê, không chê. Có điều, chê, phê trên tinh thần
chia sẻ khác xa với chê, phê theo lối bôi đen, đạp đổ. Nhà văn, đối tượng chính
của phê bình, hơn ai hết là người dễ nhận ra điều này. Thành thật mà nghĩ, chẳng
nhà văn chân chính nào lại luôn ngộ nhận về giá trị của tác phẩm do mình viết
ra, và nói chung là tài năng của mình cả. Nhất thời thì có thể có. Nhà văn cũng
là con người như bao con người khác mà. Bình tâm xem xét lại thì khác. Lương
tri trong họ sẽ lên tiếng. Nếu có gì không phải thì lương tâm của họ sẽ không
yên đâu. Hơn thế, đứng cạnh nhà văn là bao đồng nghiệp, bao công chúng. Họ chẳng
thể nào lầm lạc đâu. Rồi thật giả, đúng sai đều sẽ lộ nguyên hình dưới ánh sáng
của chân lý. Ai đó có thể lừa được một vài người trong một khoảnh khắc nào đó,
làm sao lừa được mọi người, lừa được lịch sử!
Cuối cùng, tôi muốn nói đến sự gặp gỡ trong tiếp nhận
văn phê bình với những áng văn chương khác. Có nhiều biểu hiện, dễ thấy nhất
có lẽ là ở sức thuyết phục và sự thấm thía trong khi đọc phê bình. Một áng
văn phê bình hay không thể thuần lý mà lý phải đi cùng với tình, chan chứa
trong tình - cái tình chân thật, chân thành.
Thành công của hoạt động phê bình tùy thuộc rất nhiều ở
cách chọn vấn đề, nhất là ở cách trình bày vấn đề. Ở đây, cảm quan của nhà
phê bình mang tính quyết định. Muốn thế, nhà phê bình phải đằm mình trong
đời sống văn chương, phải quý trọng nhà văn, trân trọng sáng tạo nghệ thuật từ
trong thẳm sâu của lòng mình. Mà trên hết là phải giác ngộ được chức phận xã hội
thiêng liêng của phê bình. Làm được vậy, cầm bút viết phê bình sẽ khác hẳn. Đã
đành, đây không phải là chuyện viết chơi chơi cho vui, viết khơi khơi để kiếm
tiền. Cũng không phải là chuyện đền ơn trả óan. Đáng nói nhất là khi ấy, không
một ai có thể cầm tay bắt nhà phê bình phải viết, ngoài sự thôi thúc mãnh liệt
tự bên trong.
Cảm quan nghề nghiệp giúp cho nhà phê bình ăn nhập vào
tinh thần của thời đại, từ đó mà nắm bắt được hồn cốt của tác phẩm, tầm mức của
nhà văn. Nó nhắc nhở, gợi mở cho nhà phê bình hướng tới dòng chảy tự nhiên của
đời sống văn chương, mạch nguồn đích thực của sáng tạo nhà văn. Khi ấy, cách viết
sẽ khác, giọng điệu cũng sẽ khác. Nhà phê bình không chỉ là mình nữa mà là người
đại diện - đại diện cho lẽ phải, cho đạo lý, cho nghệ thuật, nghĩa là cho chân,
thiện, mỹ ở tầm cao mà nghệ thuật ngôn từ mong ước vươn tới.
Khi ấy, áng văn phê bình sẽ giàu sức thuyết phục, bởi cái gọi
là ấn tượng phê bình mà trong những giây phút thăng hoa nhà phê bình
đã sáng tạo nên, chân thành dâng hiến cho người đọc. Hạnh phúc nghề nghiệp sẽ dồn
dập đến với người viết phê bình. Ở chỗ, không bắt người khác thừa nhận mà tự
nhiên người ta phải thừa nhận; không nhắc người ta phải nhớ mà tự nhiên người
ta sẽ nhớ. Tác động xã hội của phê bình được nâng cao dần lên trong lòng công
chúng. Rồi, cái điều tưởng dễ đạt mà thật ra là khó vô cùng sẽ đến với anh: đó
là ý nghĩa thật sự của người cầm bút trong xã hội chúng ta. Trước
nhân dân mình. Và trước dân tộc mình.
Bản chất nghệ thuật của phê bình văn
chương, theo tôi, là mang ý nghĩa như thế. Thấm nhuần tính nghệ thuật của phê
bình, từ nhận thức đến hành động, sẽ là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy
hoạt động phê bình, nâng cao chất lượng phê bình theo mong ước và đòi hỏi của
chúng ta hôm nay và mai sau.
Ghi chú:
* Xin xem bài Phê bình văn học trước yêu cầu mới của thời
đại, Văn nghệ, số 23, ra ngày 5/6/2004.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét