Báo Văn nghệ số 13 năm 2010 có đăng
bài Bao nhiêu là trăn trở chưa thể lý giải được… của nhà phê bình Từ
Sơn. Thực ra đây chỉ là một lá thư ngỏ gửi Nguyễn Khắc Phê nhân anh đọc cuốn tiểu
thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường dầy dặn của nhà văn xứ Huế ẩn
tàng rất nhiều nội lực văn chương này. Là nhà phê bình trải nghề, nổi tiếng là
cẩn trọng, Từ Sơn thành thực tâm sự: “Sau một tuần đọc một cách kỹ lưỡng
và chậm rãi. Rất xúc động…”. Rồi ngay sau đó, anh lập tức bày tỏ nỗi băn
khoăn: “Đọc xong, tôi rất muốn viết một bài phê bình thật tâm huyết và nghiêm
túc về cuốn tiểu thuyết của Phê. Nhưng rồi tôi lại thấy khó quá”. Vì sao? Có lẽ,
đây mới chính là điều anh muốn thổ lộ. Không chỉ với Nguyễn Khắc Phê, cố nhiên:
“Muốn viết một bài phê bình đúng như ý mong muốn, tôi cần phải đọc toàn bộ các
tác phẩm của bạn trong mấy chục năm qua, phải tìm đọc nhiều tài liệu và các tác
phẩm văn học phản ánh một chặng đường đầy biến thiên bi tráng của dân tộc, phải
cập nhật thông tin tình hình văn học hiện nay, v.v… là những điều mà không một
ai viết phê bình văn học có thể tự cho phép bỏ qua. Đấy là chưa kể phải tìm hiểu
nhiều mặt để đưa ra được những kiến giải đúng đắn về những vấn đề mang tính thời
đại bạn đã nêu ra trong cuốn tiểu thuyết này. Những việc này hiện nay đối với
tôi quả là bất cập”. Sao Từ Sơn nói vậy? Chẳng là trước đó nhà phê bình của
chúng ta đã can đảm nhìn thẳng vào thực tế: “Vào trạc tuổi ‘cổ lai hy’, tôi thấy
‘lực bất tòng tâm’”. Bức thư ngắn, ý chính chỉ có thế, nhưng chẳng hiểu sao những
lời bộc bạch nghề nghiệp chân thực ấy của nhà phê bình đàn anh cứ làm tôi thắc
thỏm hoài…
Có lẽ bởi vậy mà khi cầm trên tay tập sách của nhà phê bình
Nguyễn Huy Thông có tên Cảm nhận văn chương do Nhà xuất bản Thanh
niên mới ấn hành đầu 2010 này, tôi bỗng trở nên thận trọng và dè dặt hơn mọi lần
khi nảy ra ý định cầm bút. Viết phê bình văn chương, dầu là phê bình về/cho
sáng tác hay phê bình về/ cho phê bình thì cũng vậy thôi, đâu phải là công việc
khơi khơi cho qua chuyện. Nhất lại biết, Nguyễn Huy Thông đi vào con đường phê
bình khá sớm. Bài Duy Khán với tập thơ “Trận mới” in trên báo Tiền
phong (9/1972) và bài Về tập thơ “Đất này… năm tháng” của Đào Xuân
Quý in trên báo Văn nghệ (4/1973) chỉ là tiêu biểu. Thậm chí có bài phê
bình được anh viết từ năm 1964, trong sinh hoạt văn học sôi động thường xuyên
diễn ra ở học đường vào thời ấy, như bài Điểm một số bài thơ viết về liệt
sĩ Nguyễn Văn Trỗi…
Cảm nhận văn chương là tập tiểu luận phê bình văn chương
thứ ba của anh, sau hai tập Mạch đời… mạch văn (Nxb Thanh niên, 2000)
và Bản lĩnh nhà phê bình và thực tiễn sáng tác (Nxb Thanh niên,
2006). Đấy là chưa kể tới tập sách với dung lượng khá lớn do Nguyễn Huy Thông đứng
ra tuyển chọn và biên soạn có tựa đề Lưu Trùng Dương - nhà thơ của
nhân dân, nhà thơ của anh “bộ đội Cụ Hồ” (Nxb Văn hóa Thông tin,
2008). Được biết, anh còn là tác giả của nhiều tập ký sinh động
như Sáng thu này ở đất Mũi (2001), Còn đó nụ cười (2001)…
Nguyễn Huy Thông từng được vinh danh bằng Giải thưởng cuộc Vận động sáng tác về
ký văn chương với chủ đề Những kỷ niệm sâu sắc của tình hữu nghị Việt
Lào do Hội Nhà văn tổ chức vào năm 1998.
Tập Cảm nhận văn chương, ngoài phần phụ lục đưa vào
những ý kiến bàn luận về tác giả ra, gồm tất cả ba phần chính, với 34 bài, được
nhà phê bình Nguyễn Huy Thông viết trong vài năm trở lại đây. Trong cuốn sách mới
này, người đọc ít thấy những bài trao đổi, tranh luận về văn hóa, xã hội, học
thuật ít nhiều xa cách với văn chương như các tập trước. Chẳng hạn, nhiều người
từng bắt gặp Trao đổi với Nguyễn Huy Thiệp: hư cấu nhưng không được xuyên
tạc lịch sử…; hay Về việc lạm dụng tiếng nước ngoài trên các sách báo
hiện nay; Lại bàn về chữ nghĩa, văn phong trong văn bản của các cơ quan Nhà nước… ở
tập đầu ra mắt năm 2000. Còn ở tập thứ hai in năm 2006, ta thấy các bài: Cần
đảm bảo sự chính xác khi trích dẫn thơ văn; Về việc dùng từ ngữ trong các chương
trình truyền hình; Vấn đề phiên chuyển tên nước nước ngoài trên các báo hiện
nay… Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp biểu hiện ở tính chuyên biệt được
tác giả càng ngày càng ý thức một cách sâu sắc và triệt để hơn theo thời gian
hành nghề. Bù lại, trong tập mới này, người đọc có nhiều dịp suy ngẫm cùng Nguyễn
Huy Thông về nhiều vấn đề văn chương cần thiết và cấp thiết như: Đổi mới
thơ nên bắt đầu từ đâu? Hay: Thơ trẻ - băn khoăn và mong đợi…
Trong tập Cảm nhận văn chương, người đọc tiếp tục nhận
được nhiều tư liệu văn chương quý giá như từng có dịp tiếp nhận ở hai tập đầu
qua bài Tình cảm của nhân dân Đôminica đối với Bác Hồ. Anh nhớ lại một chi
tiết hết sức đáng nhớ về Tổng bí thư đảng cộng sản Đôminica là
Narơxiô Ixa Konđe ở Đại hội Lần thứ 27 của đảng cộng sản Liên Xô. Tại diễn đàn
Đại hội có một không hai này, vị Tổng bí thư nọ đã nhắc tới bài Trời hửng rút
trong tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài liệu được
Nguyễn Huy Thông tìm thấy trên tờ Sự thật ra ngày 3/3/1986, khi anh học
tại Trường Đảng Cao cấp Liên Xô khóa 1983 - 1986. Những câu thơ như Sự vật
vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi vang lên một âm hưởng
đặc biệt vào thời điểm mà tình hình cách mạng thế giới diễn biến hết sức phức tạp
và mau lẹ, để rồi dẫn tới cái tình cảnh bi đát Nhân loại chuếnh choáng đi
dưới ánh sáng mặt trời (thơ Mai Văn Phấn), chừng 5 năm năm sau… Riêng ở
tập mới này, tôi đặc biệt thích thú với một vài ý tưởng được rút tỉa trong
các bài viết của anh về nhà văn hóa Trường Chinh. Kể ra, ở những tập phê bình
trước, ta cũng đã bắt gặp đây đó những ý kiến phê bình về và cho phê
bình, như bài viết Góp một cách nhìn về văn học Việt Nam hiện đại qua tập
sách mới của Mai Hương. Khi đó, anh bàn về tập tiểu luận phê bình Văn
học - một cách nhìn in năm 1999 của một nhà phê bình nữ vào loại hiếm hoi
lúc ấy. Nhưng có thể nói, đến lúc này, khi bắt gặp văn phong chính luận của Trường
Chinh, ngòi bút của Nguyễn Huy Thông mới được thỏa sức vẫy vùng. Xin dừng lại
nghe anh bàn về tác phẩm lý luận nổi tiếng Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa
Việt Nam được Trường Chinh (xin được gọi vậy mà không thêm từ đồng
chí ở phía trước, do ở đây ta đang bàn tới Trường Chinh với tư cách một
nhà văn hóa) viết năm 1948: “Bản Báo cáo của đồng chí Trường Chinh với lối viết
văn chính luận, khúc triết (có lẽ viết khúc chiết nghĩa mạch
lạc, gẫy gọn thì chuẩn xác hơn! - PQT), súc tích, sáng sủa, đậm tính chiến
đấu và sức thuyết phục…” (tr.50). Tiếc là ở một đôi chỗ, chắc là vì quá say
sưa, tác giả trích dẫn có hơi nhiều và hơi dài, dễ gây ra cảm giác thiếu tập
trung, do vậy mà thiếu sâu đậm, như tới gần một trang anh nêu ý kiến của Trường
Chinh trong Lời nói đầu tập Thơ Sóng Hồng. Dẫu vậy, theo tôi, đây có thể
xem là những bài viết nên và đáng đọc.
Tôi chú tâm đến dụng ý của người viết trong việc chọn lựa để
nêu lại những quan niệm nghệ thuật của Trường Chinh ngày trước. Tất cả đều hướng
đến sự vận động của nền văn chương đương đại đúng như đòi hỏi của thứ phê bình
đích thực. Như những câu thơ từ lâu đã trở nên quen thuộc này: Sáng tạo có
phải đâu là mất gốc?/ Lỗi lai căng, lập dị có hay gì?/ Chớ xét chữ, lời, câu một
cách lạ kỳ,/ Cốt nghịch mắt, trái tai, không cần giai điệu. Nghĩa
là: Lấy hình thức kỳ khôi lừa bạn đọc. Xu hướng ấy, trong bất cứ
hoàn cảnh nào, cũng nên xem là lệch lạc, vào lúc đó cũng như bây giờ. Tuy
nhiên, theo tôi, ý nghĩa của câu thơ sau có lẽ không còn mấy thích hợp nữa: Ta
viết chỉ ta hay/ Không đếm xỉa đến công nông quần chúng. Cũng vậy, câu nói
của P. Neruda được Nguyễn Huy Thông nhắc tới trong một bài khác: “Thơ cũng như
bánh mỳ phải được chia đều cho tất cả mọi người” (tr.108). Tinh thần ấy còn thấy
phảng phát đây đó trong nhiều lời bình của tác giả, như: “Thơ Tố Uyên tràn đầy
cảm xúc chân thành, dung dị và dễ hiểu - PQT lưu ý” (tr.117). Thật
may, đó chỉ là một vài tiểu tiết hiếm hoi. Nhìn chung, những ý tưởng anh dẫn ra
để phân tích, biện giải là cần thiết. Chẳng hạn câu nói khiêm nhường mà thấu
lý của Trường Chinh với nhà văn Chu Văn: “Chịu trách nhiệm trước nhân dân, lịch
sử và hậu thế là tác giả, còn ý kiến của tôi chẳng qua là cá nhân.
Đồng chí đồng ý cái nào cần sửa thì sửa, không thì cũng không có vấn đề gì”. Rồi thái độ thận trọng ẩn chứa những hiểu biết thâm sâu và lối ứng xử lịch duyệt của Trường Chinh khi dịch câu thơ cảm khái trước khí phách của người anh hùng làng Gióng của Cao Bá Quát: Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/ Đằng không do hận cửu thiên đê là: Phá giặc, chỉ e ba tuổi muộn/ Lên trời, chi sa chín tầng cao. Ông chân thành nhận ra: “Câu kết có hàm ý nói lên cái mong mỏi sâu xa của Cao Bá Quát muốn đất nước sau cơn phong ba sẽ có sự biến đổi một cách triệt để tận gốc. Tôi thấy mình dịch chưa thật đạt được cái ý ấy” (tr.64). Lời Trường Chinh khen bài Tràng giang của Huy Cận lại giúp nhiều người có dịp hiểu thêm một phương diện khác rất đáng quý, rất đáng trọng của nhà cách mạng: “Sao mà bài thơ của anh hay thế, sao mà tiếng Việt đẹp thế, sao mà quê hương ta đáng yêu thế…”. Cách nhìn nhận ở đây là toàn diện mà chân xác. Những câu thơ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song… được tác giả dẫn ra sau đó hoàn toàn thuyết phục chúng ta (tr.70).
Đồng chí đồng ý cái nào cần sửa thì sửa, không thì cũng không có vấn đề gì”. Rồi thái độ thận trọng ẩn chứa những hiểu biết thâm sâu và lối ứng xử lịch duyệt của Trường Chinh khi dịch câu thơ cảm khái trước khí phách của người anh hùng làng Gióng của Cao Bá Quát: Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/ Đằng không do hận cửu thiên đê là: Phá giặc, chỉ e ba tuổi muộn/ Lên trời, chi sa chín tầng cao. Ông chân thành nhận ra: “Câu kết có hàm ý nói lên cái mong mỏi sâu xa của Cao Bá Quát muốn đất nước sau cơn phong ba sẽ có sự biến đổi một cách triệt để tận gốc. Tôi thấy mình dịch chưa thật đạt được cái ý ấy” (tr.64). Lời Trường Chinh khen bài Tràng giang của Huy Cận lại giúp nhiều người có dịp hiểu thêm một phương diện khác rất đáng quý, rất đáng trọng của nhà cách mạng: “Sao mà bài thơ của anh hay thế, sao mà tiếng Việt đẹp thế, sao mà quê hương ta đáng yêu thế…”. Cách nhìn nhận ở đây là toàn diện mà chân xác. Những câu thơ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song… được tác giả dẫn ra sau đó hoàn toàn thuyết phục chúng ta (tr.70).
Ngay những lời phê bình thơ Sóng Hồng của Nguyễn Huy Thông
cũng dễ tìm được sự đồng điệu của nhiều người. Ví như, người đọc tin rằng câu
thơ của Sóng Hồng viết trước Cách mạng tháng Tám Huýt sáo trên đường đời
vui tuổi hai mươi là hay vì chính cái lẽ mà nhà phê bình đã chỉ ra: “Nó
nói lên sự hồn nhiên, say mê hoạt động của một chàng trai tuổi còn rất trẻ mà dồi
dào nhựa sống và nhiết huyết cách mạng” (tr.66). Và điều này dẫn người đọc tới
chỗ sở đắc nhất của tập sách: sự cảm nhận văn chương - đúng như tựa đề của
cuốn sách.
Tự nhiên tôi nhớ tới câu nói của Octavio Paz: Việc biết là cái gì đó khác
rất xa với việc cảm nhận ra nó. Đến mức, lúc đầu tôi có ý định dùng chính
câu nói của nhà văn nổi tiếng Mexico làm Đề từ cho bài viết này nữa kia! Không
phải vì đó là lời của chủ nhân Giải Nobel Văn chương năm 1990. Quan trọng là
câu nói rất chân xác. Đặc biệt là đối với văn chương, nghệ thuật. Nhà nghiên cứu
Mỹ L. Waters từng giải thích sự Khủng khoảng lý luận văn học trong nhà trường
Mỹ như sau: “Nghiên cứu văn học hàn lâm bây giờ đã bị bật gốc, nó không
còn gắn với mảnh đất văn học, là nơi từ đó nó sinh ra… Những gì diễn ra trong bốn
bức tường của các khoa văn học dưới cái nhãn hiệu nghiên cứu văn học, thảy đều
là kinh viện… Nghiên cứu văn học hôm nay không muốn hiểu bản chất và tính chất
của tác động thẩm mỹ, nó không quan tâm cái cách con người phản ứng với nghệ
thuật…”. Nguyên do chính yếu là ở chỗ: nó “bỏ qua sự phản ứng của
chúng ta đối với các hiện tượng thẩm mỹ, thực tế đã từ chối nhiệm vụ chủ yếu của
mình là tác động vào tâm hồn”. Muốn thoát khỏi khủng khoảng, yêu cầu mà tác giả
đưa ra “rất đơn giản” và đồng thời cũng “rất cơ bản” là hãy trở về với khẩu hiệu: Hưởng
thụ nghệ thuật. Như vào những năm 1960, ở Mỹ, S. Sontag cho đăng bài
báo Phản đối cắt nghĩa. Bà từng đưa khẩu hiệu lên tường của một trường
đại học là: "Chúng tôi không cần thông diễn học, chúng tôi cần sắc dục học" (Văn
nghệ, số 1&2/2008).
Nhà văn Argentina L. Borges trong Bài
giảng về thơ cũng đưa ra yêu cầu cảm thụ thi ca theo chiều hướng tương tự.
Ông giải thích: “Đây là cách tôi đã giảng dạy, nghĩa là tôi dựa trên sự kiện mỹ
học, mà sự kiện ấy không cần phải được định nghĩa. Sự kiện mỹ học là cái gì đó
cũng hiển nhiên, cũng tức thời, cũng bất khả định nghĩa như tình yêu, như vị
trái cây, như nước. Chúng ta cảm nhận thơ như cảm nhận sự gần gũi của một người
đàn bà, hay như chúng ta cảm nhận một hòn núi, một thủy vịnh. Nếu chúng ta cảm
nhận nó tức thời, thì tại sao lại pha loãng nó vào những thứ chữ nghĩa khác, những
thứ chữ nghĩa hiển nhiên còn yếu hơn cả những cảm nhận của chúng ta?”.
Rồi ông kết luận: “Có những người chẳng cảm nhận thơ - PQT nhấn mạnh, chút nào, mà họ lại dấn thân vào việc giảng dạy thơ. Tôi tin vào cảm nhận thơ chứ không tin vào giảng dạy thơ. Tôi đã không dạy cho sinh viên yêu những văn bản nào đó; tôi dạy cho sinh viên làm cách nào để yêu văn chương, cách nào để thấy văn chương là một hình thái của niềm lạc thú” (tienve.org). Ta hiểu tại sao L. Borges lại say sưa nhắc tới thói quen của Montaigne: “Nếu thấy trong sách có chỗ khó thì ông ta bỏ qua, bởi vì ông coi việc đọc là một thứ hạnh phúc”. Đó là hạnh phúc được đồng sáng tạo với người viết. Và đồng thời đó là bí quyết thành công của chính L. Borges với tư cách là một nhà văn. Theo nhà nghiên cứu văn chương P. Vail thì đọc L. Borges, “độc giả bị hút vào đó như là một yếu tố của nó”, tựa như “ông mời chúng ta vào hội với ông”. Hơn thế, cũng theo ý kiến của P. Vail, L. Borges là “người có cống hiến lớn lao - lớn hơn so với bất kỳ nhà văn nổi tiếng nào - cho ngành nghiên cứu văn học”, ở chỗ “thậm chí đến dạng thức và thể loại văn chương Borges cũng định nghĩa theo cảm thụ của người đọc” (Văn học Nước ngoài, số 1/1999, tr.107 & tr.108).
Rồi ông kết luận: “Có những người chẳng cảm nhận thơ - PQT nhấn mạnh, chút nào, mà họ lại dấn thân vào việc giảng dạy thơ. Tôi tin vào cảm nhận thơ chứ không tin vào giảng dạy thơ. Tôi đã không dạy cho sinh viên yêu những văn bản nào đó; tôi dạy cho sinh viên làm cách nào để yêu văn chương, cách nào để thấy văn chương là một hình thái của niềm lạc thú” (tienve.org). Ta hiểu tại sao L. Borges lại say sưa nhắc tới thói quen của Montaigne: “Nếu thấy trong sách có chỗ khó thì ông ta bỏ qua, bởi vì ông coi việc đọc là một thứ hạnh phúc”. Đó là hạnh phúc được đồng sáng tạo với người viết. Và đồng thời đó là bí quyết thành công của chính L. Borges với tư cách là một nhà văn. Theo nhà nghiên cứu văn chương P. Vail thì đọc L. Borges, “độc giả bị hút vào đó như là một yếu tố của nó”, tựa như “ông mời chúng ta vào hội với ông”. Hơn thế, cũng theo ý kiến của P. Vail, L. Borges là “người có cống hiến lớn lao - lớn hơn so với bất kỳ nhà văn nổi tiếng nào - cho ngành nghiên cứu văn học”, ở chỗ “thậm chí đến dạng thức và thể loại văn chương Borges cũng định nghĩa theo cảm thụ của người đọc” (Văn học Nước ngoài, số 1/1999, tr.107 & tr.108).
Theo con đường đó, nhà phê bình Nguyễn Huy Thông đã cảm
nhận ngay được vẻ đẹp ánh lên từ những vần thơ dung dị của Tố
Uyên, và người đọc lập tức dễ đồng tình cùng anh: “Đáng yêu sao nhiều
câu thơ giàu cảm xúc và tâm trạng của Tố Uyên khi chị diễn đạt những nỗi buồn,
những xót xa, da diết, đau đáu, trăn trở trong tính yêu: Cái nhớ trôi đi,
tình yêu cũng trôi đi/ Như thác lũ, như nước nguồn chảy xiết/ Làm sao trở lại bến
bờ” (tr.118). Thật phù hợp với lời tâm tình của Lưu Trùng Dương - một trong những
người thơ anh dành nhiều thiện cảm hơn cả: “Theo tôi, một bài thơ hay phải là một
bài thơ được nhiều người cảm nhận - PQT lưu ý, yêu thích, chứ không
thể chỉ có một kẻ tung một vài người hứng”. Nhưng có lẽ không ở đâu, sự cảm
nhận văn chương lại đủ đầy và tràn đầy như khi anh viết về thơ của lứa
bạn bè một thuở. Đó là những Phan Cung Việt, Nguyễn Ngọc Chung, Nguyễn Liên.
Tác giả bộc bạch: “Bốn chúng tôi đều học cùng một lớp của Khoa Ngữ văn Trường Đại
học tổng hợp khóa 1963-1967 và rất đam mê sáng tác, nghiên cứu. Ba anh đều là
những nhà thơ thành danh, còn tôi nghiêng về mảng lý luận, phê bình, mặc dù có
những lúc cao hứng cũng cầm bút là thơ” (tr.98). Rất đúng với ý tình một đôi lần
xuất hiện trong thơ Nguyễn Ngọc Chung: Thời gian trôi, tuổi thêm nhiều/ Chỉ
riêng tình bạn có chiều trẻ ra… Và quá khứ với tình người tình thơ dạt dào
chợt thức dậy, nôn nao đến bổi hổi bồi hồi: Lớp tre nứa dựng chân đồi/ Cơm
măng, mỳ độn, tối nồi sắn nương/ Sách đèn mơ chuyên văn chương/ Ngủ ôm nhau ấm
tình thương bạn bè.
Không phải vô cớ mà trong các tập sách của Nguyễn Huy Thông
ta bắt gặp hàng loạt bài viết như thế. Về thơ Phan Cung Việt
có: Ngày xuân đọc “Mưa xuân” của Phan Cung Việt; Những đóng góp mới của
Phan Cung Việt trong tập thơ “Trăng khuya” (Tập đầu); “Lượng thứ mùa
đông” - tập thơ nồng ấm tính người của Phan Cung Việt (Tập thứ hai); Và ở
tập Cảm nhận văn chương này là bài Những tìm tòi mới của Phan
Cung Việt trong thơ và trường ca. Về Nguyễn Ngọc Chung thì có: “Tiếng
gọi đò” - một bước tiến trong lao động thơ của Nguyễn Ngọc
Chung (Tập thứ hai); Hồn quê trong thơ lục bát của Nguyễn Ngọc
Chung (tập này). Về Nguyễn Liên lại có: Thơ Nguyễn Liên - một cách
nhìn dung dị và nhân hậu về con người và cuộc đời (Tập đầu). Và tập lần
này là bài: Cái nhìn đôn hậu, đằm thắm tình người của Nguyễn Liên trong “sau
cơn bão”. Dẫu điểm xuất phát có thể là riêng tây, nhưng cái nhìn của anh
cơ bản là khách quan. Có lẽ là do anh biết tạo ra một khoảng cách nhất định -
khoảng cách không thể thiếu khi hành nghề phê bình. Như những đánh giá sau:
“Nguyễn Liên đã thể hiện một cái nhìn trầm tĩnh, đôn hậu đối với tình yêu và cuộc
đời bao la”. Rồi nữa: “Anh phát hiện được những chồi lộc non còn rớt lại, báo
hiệu sức sống mới trong tương lai”. Bạn đọc có thể xác nhận điều đó bằng nhiều
vần thơ nặng trĩu tâm tình của Nguyễn Liên, như: Đằng sau cơn bão là em/
Anh con thuyền nhỏ có thêm cánh buồm/ Con đê vỡ, núi đồi tan/ Đằng sau cơn bão
còn nguyên tiếng cười.
Vậy nên, nhận xét của Nguyễn Ngọc Chung với bạn bè mà tác giả nhắc tới, theo ý tôi, chưa hẳn đã hoàn toàn thuyết phục: “Thơ nó (Nguyễn Liên) có nét tự nhiên, tự hồn và giản dị, vốn là đặc trưng của thơ” (tr.98). Nhất là ở cái ý sau cùng: “… vốn là đặc trưng của thơ”. Có thể nhiều người sẽ nghĩ khác!
Vậy nên, nhận xét của Nguyễn Ngọc Chung với bạn bè mà tác giả nhắc tới, theo ý tôi, chưa hẳn đã hoàn toàn thuyết phục: “Thơ nó (Nguyễn Liên) có nét tự nhiên, tự hồn và giản dị, vốn là đặc trưng của thơ” (tr.98). Nhất là ở cái ý sau cùng: “… vốn là đặc trưng của thơ”. Có thể nhiều người sẽ nghĩ khác!
Tôi lưu tâm nhiều tới những đánh giá của Nguyễn Huy Thông về
thơ Phan Cung Việt ở “ý thức nới rộng chiều kích tế bào thơ…", ở sự
"dè dặt, thận trọng trong việc tìm tòi, đổi mới nội dung, thể loại, nhịp
điệu, cấu tứ thơ…”. Nhà phê bình tán thành với nhà thơ, và đến lượt mình, người
đọc cũng chia sẻ với nhà phê bình ở những gì tâm đắc nhất: “Đọc mãi, chiêm nghiệm
mãi rồi sẽ tìm ra câu trả lời” (tr.73). Nhất quán trong cả tập
là định hướng chung ấy: “Tôi cảm thấy Phan Cung Việt…”; “Tôi nhận
thấy anh tỏ ra…”(tr.73). Tôi, với tư cách là người thưởng ngoạn, có được bữa
tiệc thi ca tương đối thỏa nguyện, bay biến mất nỗi hoài nghi về hiện trạng thơ
đương đại nước ta "xuống dốc", "lạm pháp" hay "bế tắc"…
từng nghe thấy ở nhiều diễn đàn bấy lâu. Như câu thơ: Quê tôi bận bịu suốt
ngày/ Sáng ra gió đã về ngay trong làng. Rồi: Lá dâu chịu gió bốn
bên/ Vì đâu khắp lá lại viền răng cưa. Hay: Hỏi thăm làng dệt trong
ngoài/ Ai còn thương nhớ thì dài sợi tơ. Thực và hư, cảnh và tình, xưa và
nay… cứ hòa quyện vào nhau trong những vần thơ gợi rất nhiều tình thương nỗi nhớ
xa gần… trong lòng mỗi người. Viết về nhà cách mạng Trần Phú, thơ Phan Cung Việt
tỏ ra sâu sắc, thiêng liêng mà cứ thấy gần gũi, khơi gợi, quấn quyện đến mức
khó quên: Quê anh đó làm người là phải học/ Đã kén tằm là phải vàng
ươm. Ta không thấy nhà thơ lên giọng giảng giải. Những vần thơ cứ như tự
nhiên cất lên từ con người và cuộc đời gắn liền với vùng đất ấy. Và, sự lý giải
của nhà phê bình ập đến thật đúng lúc và đúng chỗ: “Phan Cung Việt sinh ra và lớn
lên trên quê hương Trần Phú nên anh được thừa hưởng cả một bề dầy truyền thống
tốt đẹp của mảnh đất này” (tr.79).
Ở trường hợp Lưu Trùng Dương, sự gắn bó giữa nhà phê bình và
đối tượng phê bình lại mang sắc thái xã hội có phần rộng dài hơn. Trong bài viết
tập trung khá nhiều trí tuệ và tâm huyết Lưu Trùng Dương - một đời thơ ngợi
ca đất nước và người lính, ta nhận ra nhiều bài học quý giá về nghề và về
đời. Như nhận xét sau của Tế Hanh qua bộ lọc của Nguyễn Huy Thông: “Lưu Trùng
Dương làm thơ vì cách mạng, mà nhờ có cách mạng anh mới thành nhà thơ” (tr.40).
Tự nhiên tôi liên tưởng tới chính văn nghiệp của anh. Cũng có thể nói, không có
cách mạng thì sẽ không thể có Nguyễn Huy Thông - nhà phê bình văn chương. Có lẽ
vì thế mà anh đã dành cho nhà thơ của miền đất Đà Nẵng biết bao lòng cảm thông,
chia sẻ: “Nhà thơ không ca ngợi một chiều mà anh có ý thức phân tích kỹ những đổi
thay sâu sắc trong tâm hồn, tính cách của con người quê hương trong quá trình
đi lên xã hội chủ nghĩa” (tr.44). Anh chọn được những câu thơ hay vốn là bí quyết
trước tiên của thứ phê bình tinh tế: Bay qua sông Đà, sông Mã/ Lòng tôi cuồn
cuộn phù sa. Hay: Buồm Tổ quốc có hồn ta làm gió. Có điều, không
phải sự chọn lựa của nhà phê bình lúc nào cũng xác đáng cả. Chẳng hạn, chất thơ
của câu sau hình như có phần thiếu hụt: Sự nghiệp anh hùng ta vinh dự góp
bàn tay/ Một ngày qua ta làm đẹp ngày mai. Bởi lẽ, triết lý trong thơ Lưu
Trùng Dương ở đây xem ra chưa gây được nhiều hiệu quả như nhà thơ và nhà phê
bình mong muốn. Có thể thấy ở nhiều câu thơ khác nữa, như: Được ngắm hoa:
đã có phần hạnh phúc/ Được trồng hoa: hạnh phúc lớn hơn. Một vài nhận định của
nhà phê bình do vậy chưa tạo được sự đồng tình, đồng điệu rộng rãi. Chẳng hạn ý
kiến sau về thơ tình của Lưu Trùng Dương: “Đây là những bài thơ có sắc thái
riêng…, cái riêng và cái chung hòa quyện vào nhau”. Và câu thơ được chính Nguyễn
Huy Thông dẫn ra như là một bằng chứng: Có phải vì chúng mình yêu nhau/
nên Đà nẵng có nhiều hoa hơn trước (tr.48). Đúng ra, Lưu Trùng Dương từ
lâu nổi tiếng nhờ mảng thơ trữ tình công dân khi viết về người chiến sỹ cách mạng.
Đóng góp chủ yếu của ông cho nền thơ cách mạng cũng là ở đó.
Ngoài ra, cố nhiên nhà phê bình còn hướng tới sáng tác của
nhiều nhà thơ khác nữa. Như thơ Hoàng Phong. Trong trường hợp này, qua trang viết
của Nguyễn Huy Thông, tôi thấy nhận xét của Ngô Văn Phú về thơ Hoàng Phong rằng,
đó chỉ là “tiếng nói chân thành của một người yêu văn chương” (tr.87), là có
chiều quá thận trọng và khe khắt. Những vần thơ tình sau của Hoàng Phong, theo
ý tôi, phải nói là rất “chuyên nghiệp”: Em san cho anh một nửa/
Ta thành hai nửa đầy vơi/ Em ơi đắng cay từng giọt/ Cho nhau trọn một vơi đầy.
Nên nhớ, người đời hầu như ai cũng từng là tình nhân tuyệt vời cả! Còn trước
nay, thơ tình, tình yêu đôi lứa ấy, thì nhiều, nhiều lắm, không kể xiết. Vậy mà
những vần thơ như thế của Hoàng Phong như lập tức nhập thẳng vào hồn người
khác, thành tiếng nói quyến rũ của lòng ta tự lúc nào. Như không thể khác. Như
không cách nào làm chủ nổi. Xin nêu một dẫn dụ khác: Em dịu dàng hồn hậu
giữa đời anh của Hoàng Phong. Tôi được nghe vang lên nhiều lần đây đó, giữa
lòng người và ngay chính lòng tôi. Không ít lần đâu! Phải nói, vị Giám đốc Nhà
xuất bản Thanh niên một thời không chỉ có một đôi vần thơ hay như thế, để ta
không được phép cho mình cái quyền đứng từ xa, đứng từ trên mà phán xét tùy tiện,
bất công. Xin nêu thêm một minh chứng khác, đoạn thơ trong bài Hai dòng
sông phải nói là rất đặc sắc, không dễ viết này: Em mượt mà dòng Đuống
biếc bãi dâu/ Anh ào ạt cuộn dòng sông Mã/ Em kín đáo và em lặng lẽ/ Cho
dòng anh ghềnh thác bạc đầu. Tôi nghĩ, không quá lời đâu, những vần thơ
tình này dám đường hoàng thách thức nhiều cây bút thơ chuyên nghiệp hàng đầu!
Chỉ tiếc là nhà phê bình của chúng ta ở đây xem ra còn quá dè dặt, ngòi bút
chưa thật tung tẩy hết mình như cần phải có!
Thơ Xuân Quỳnh trong tập sách dầu chỉ được đọc lại, ở
một trường hợp Tự hát nhưng đã gợi nhiều điều thích thú và bổ ích.
Cái chính là người viết nhận ra bản sắc đích thực của thơ Xuân Quỳnh. Hãy nghe
nhà phê bình cảm nhận rõ ràng là hay, thật mà đúng: “Thơ Xuân Quỳnh
bao giờ cũng là tiếng nói giàu cảm xúc, chân thực, đằm thắm, mãnh liệt và dạt
dào vô cùng trong yêu thương và đớn đau” (tr.92). Và đây nữa: “Thơ chị giản dị,
chân thành mà sắc sảo thông minh” (tr.93). Nhà phê bình không chỉ tiếp cận với
đối tượng cảm nhận như một sinh thể tĩnh tại mà còn ở dạng thức diễn
biến, có chuyển động, thậm chí có đổi thay trong hồn và nhất là trong thơ: “Kể
từ tập Gió Lào cát trắng - 1974, trở đi, thơ tình yêu của Xuân
Quỳnh có thêm nhiều xao động, trắc trở, lận đận, khắc khoải, nung đốt lòng người”
(tr.94). Rất kịp thời, nhà phê bình chọn lựa rồi trình ra những câu thơ có thể
xem là đắc địa hơn cả:
Em
trở về đúng nghĩa trái tim em
Là
máu thịt, đời thường ai chả có
Vẫn
ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng
biết yêu anh cả khi chết đi rồi
Tự nhiên tôi muốn nói to lên cái điều có lẽ chẳng còn gì mới
lạ này: phải chăng lẽ tồn tại của nghề phê bình chính là ở sự kết
tinh, rồi nâng cao sự thưởng thức của người đọc. Không phải là ngẫu nhiên đâu
khi người ta thường định danh các nhà phê bình là siêu độc giả.
Điều cần nói thêm là khi dụng bút, Nguyễn Huy Thông còn mạnh
dạn chỉ ra những hạn chế của đối tượng phê bình, mặc dầu đôi khi cũng gây ra cảm
giác qua quýt, buộc phải làm cho phải phép. Thái độ tích cực này đã thấy ở những
trang phê bình đầu tiên của anh. Như bài phê bình anh viết vào tháng 8 năm 1973
về tập thơ Chiến trường gần đến chiến trường xa của Huy Cận. Anh thẳng
thắn phê, và còn tỏ ra biết phê: “Có khi anh xuất phát từ những
khái niệm, những nguyên lý có sẵn rồi dùng bàn tay nghệ thuật để tạo nên bài
thơ. Vì vậy sức thuyết phục của các bài thơ bị giảm, âm hưởng đều đều, tứ thơ bị
dàn trải, kém sinh động (Lá thư gửi anh, Tình yêu trong đất nước chở che…)”
- Mạch đời… mạch văn, tr.18. Anh chỉ ra những khiếm khuyết của
tác giả những vần thơ Yêu/ Có nghĩa là/ Mong cho người hạnh phúc và Nhưng
anh biết chính là có nó/ Chính là có nó ở em, anh” là ở chỗ “sự dễ dãi của
câu thơ, hình ảnh thơ” (tr.107). Ngay cả thơ của bạn mình - Nguyễn Ngọc Chung,
Nguyễn Huy Thông cũng ý thức được chức phận soi sáng của phê bình: “Ý thơ và
câu chữ trong một số ít bài còn mòn cũ và lặp lại” (tr.114). Quả
đúng như tâm sự của nhà thơ Phạm Đức mà Nguyễn Huy Thông có lần nhắc tới: “Trăm
tập thơ in ra may mắn mới có vài ba tập khá, bởi trong tập khá có một vài bài
có thể đọng lại một ý hoặc một câu nào đó trong yêu mến của người đọc” (tr.108).
Mọi thiếu sót trong thơ vậy là khó tránh, và vì thế, việc chỉ ra những thiếu
sót ấy trong phê bình cũng là hợp lẽ!
Cuối cùng, cần chỉ ra phong cách phê bình dần dà định hình
trong trường hợp Nguyễn Huy Thông là gì? Nhà thơ Phan Cung Việt đã gắng chỉ ra
trong bài viết Bản lĩnh phê bình văn học. Tôi không có ý tranh luận với
anh Việt, nhưng có lẽ tôi nghiêng về nhân xét của nhà phê bình Mai Hương hơn, mặc
dầu trong trường hợp này chị bàn về tập ký Sáng thu này ở đất Mũi của
Nguyễn Huy Thông. Bài viết có tựa đề Bút ký có nguồn mạch từ cuộc sống. Vâng,
tôi muốn nhấn mạnh tới nguồn mạch cuộc sống, nguồn mạch văn chương tuôn chảy
trong văn phê bình của anh. Đúng như ý tưởng chủ đạo xuyên suốt trong tập phê
bình đầu tiên đã được Nguyễn Huy Thông xác định dứt khoát: “Mạch đời
tự nhiên… góp phần làm mạch văn của các tác giả thêm dào dạt tuôn chảy”.
Tập sách tất nhiên còn bộc lộ những hạn chế có thể nói là khó
tránh khỏi. Ngay trong tập đầu tiên, tôi đã nhận ra những từ dùng còn chưa thật
chuẩn xác. Chẳng hạn: “Người vợ trẻ trong đêm khuya đã hy sinh - PQT
nhấn mạnh, giấc ngủ bên đứa con thơ hăm hở cùng mọi nười san lấp hố bom để kịp
cho xe lao nhanh ra chiến trường” (tr.13). Ở tập phê bình này, sự thiếu
chính xác lại ở những tiểu tiết, đôi khi không quan thiết lắm, nhưng cũng dễ
gây nên nghi ngại, thậm chí nghi ngờ không đáng có ở những người đọc tinh tường.
Ví như: việc tác giả gọi Nguyễn Đăng Mạnh là giáo sư, tiến sỹ (tr.61).
Không phải cứ giáo sư là lập tức đi kèm với tiến sĩ đâu! Một
đằng là chức danh khoa học, dùng để nhận biết những cống hiến của một nhà khoa
học trong một lĩnh vực cụ thể; một đằng là học vị, do học hành, thi cử mà có.
Nguyễn Đăng Mạnh chưa bao giờ đeo đuổi học vị tiến sĩ cả! Hay như,
tác giả cũng cần hết sức tránh những nhận xét chung chung, đặt vào đâu xem ra
cũng đúng và hợp cả, như đoạn viết về thơ Nguyễn Ngọc Chung sau: “Nhà thơ đã có
sự dụng công, trau chuốt, tìm tòi, sáng tạo về cấu tứ, nội dung, cảm xúc và từ
ngữ, nhịp điệu, niêm luật để viết nên những câu thơ giàu hình ảnh, rung động
lòng người, không rơi vào sự tẻ nhật, dễ dãi, vần vè đơn điệu như “Trái
tim thức, ngủ chòng trành vì yêu”, “Dẫu là ở cuối con sông/ Yêu nhau câu hát
ngược dòng tìm nhau”, “Tiếng cười con gái ủ đông than tình”… (tr.114).
Do vậy, bạn đọc có thêm cơ sở chờ mong Nguyễn Huy Thông sẽ
luôn mài sắc cái nhìn, tư duy và ngòi bút phê bình, để khi có dịp nhìn lại cuộc
đời cầm bút của mình, anh có thể phần nào thỏa nguyện như khát vọng nghề nghiệp
của văn hào Pháp Balzac mà nhà văn xô viết Pauxtovxki và chính anh từng rất tâm
đắc: “Lúc nào cũng hướng tới tuyệt mỹ” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần
thứ 4, tr.635).
Đà
Lạt,17/9/2010
Phạm Quang Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét