Cung Tiến: Những tình khúc
lãng mạn về cố nhân
Nhà báo Vương Trùng Dương hỏi tôi có bài viết nào về nhạc sĩ
Cung Tiến không để anh đăng báo nhân dịp Đêm Cung Tiến “Vết Chim Bay” được tổ
chức vào trung tuần tháng Bảy nầy tại Nam California.
Về Cung Tiến tôi có những kỷ niệm khi gặp nhạc sĩ kiêm giảng
sư đại học ở sân trường đại học xưa. Hình như khi đó tôi gặp ông, cố nhân chưa
có. Nhạc của ông thật hay, với tôi, trên lý thuyết nhiều hơn. Mãi sau năm u buồn
1975, nhạc sĩ Cung Tiến sang Minnesota, tôi sang Nam Cali, tôi tiếp tục nghiệp
đèn sách, trau dồi kinh sử, cắp sách đến trường học cho có cái mãnh bằng lận
lưng, có cái nghề hậu thân như lời mẹ căn dặn, mỗi đêm khuya ngồi lắng đọng tâm
tư với bài vở, có lúc nhạc Cung Tiến nhảy ra bên tai từ chiếc stereo trong nhà
bỗng vang vọng âm thanh be bé của Hương Xưa, của Hoài Cảm khiến con tim hăm hai
biết ý nghĩa xao xuyến cố nhân Sài Gòn xưa, rồi cố nhân sang Paris. Tôi thầm
nghĩ GS Cung Tiến tài thật. Ông đã trao cho đàn em những lý thuyết kinh tế dù
khó khăn, và hơi khô khan. Nhưng trái lại âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến không
chê vào đâu. Khi cố nhân ở gần hình như nhạc của ông ít thấm thía, ít dày vò,
ít len lén tâm tư như khi cố nhân ở xa ta.
Trước những năm 75, Giáo sư Cung Thúc Tiến giảng dạy học tại
trường đại học Kinh Thương (tức Kinh Tế & Thương Mại, Economics &
Business) nơi tôi mài đũng quần trên ghế nhà trường. Trái ngược với môn Kinh
tê, Tài chánh gồm nhiều số liệu, dữ kiện đo lường, những lý thuyết mang nhiều
thống kê, toán học, những thực tế của đời sống thường nhật, dù giảng dạy và làm
việc với nghề nghiệp xét ra chẳng có tí ti lãng mạn, nhưng tâm hồn của nhạc sĩ
Cung Tiến phải nói là lãng mạn vô song, nhạc dâng nỗi niềm nhớ thương biết bao
giờ nguôi, buổi chiều nhung nhớ cố nhân len lén trở về với tâm tư cô đơn,…
Hương Xưa, Cung Tiến:
Thực vậy, cũng như mỗi khi đêm về nghe bài dạ khúc của
Schubert do Cung Tiến đặt lời, tiếng dương cầm lướt trên phím đuổi theo từng nốt
nhạc, tiếng réo rít của vĩ cầm, hòa lẫn theo tiếng trầm bổng của cello, hihihi…
phải nói là một hồn bay lên tận mây xanh sảng khoái… Sao mà “đã tai” quá vậy
khi mà từng lời ca rót nhẹ vào tâm hồn trầm ngâm, lắng đọng cho từng cung nhạc,
cho phê cõi lòng, cho buốt thính nhỉ, như từng nhịp đập tim yêu rung động thời
mây cao mấy tầng, tuổi hạc vun đầy bao mơ mộng như tôi?
Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò.
Còn đó tiếng tre êm ru, còn đó bóng đa hẹn hò,
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu
Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao
Còn đó tiếng khung quay tơ, còn đó con diều vật vờ
Hương Xưa được nhạc sĩ Cung Tiến đặt lời đề tặng cho ca sĩ
Duy Trác. Nhạc hay đã đành, gắn liền với tên tuổi Franz Schubert, lời lại rất
hay, ăn khớp với nhạc, ý nghĩa, trữ tình gột tả nội tâm sâu lắng đã tạo nên những
cảm xúc nồng nàn nhất khi một người nhớ một người.
Người ơi, một chiều nắng tơ vàng
hiền hòa hồn có mơ xa?
Người ơi, đường xa lắm
con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ
Nào, bây giờ ta hãy xét qua một tác phẩm numero uno khác của
Cung Tiến. Trên trang mạng tapchiamnhac.net, tác giả Nguyễn Quang Học viết:
“Một “Hoài Cảm” chưa thể nói hết về Cung Tiến, song rõ ràng
đây là một ca khúc thành công nhất trong cuộc đời sáng tác của ông. Trước năm
1975 đã có rất nhiều ca sĩ thể hiện “Hoài Cảm” nhưng có lẽ chưa có ai thể hiện
“Hoài Cảm” lại “Hoài Cảm” bằng Lệ Thu. Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện Lệ
Thu xử lý từng nốt nhạc, từng lời hát một cách chuẩn mực và chín chắn đến mức
tuyệt dỉnh. Tiết tấu của Hoài Cảm khá chậm, song chắng thể khác bởi nó miêu tả
một nỗi nhớ rưng rức, một nỗi nhớ bâng khuâng lâng lâng len lén nhen lên từ sâu
thẳm tâm hồn trong cảnh chiều tà hiu quạnh vốn chỉ chuốc tâm tư cho những kẻ
lãng tử nghệ sĩ. Cung Tiến viết “Hoài Cảm” ở giọng đô thứ cung đô thường nên
bài ca mang tính dân tộc rất cao. Những nhạc sĩ sau này được đi học bên Tây bên
Tàu rốt cuộc chỉ mang về cho đất nước một mớ nhạc lơ lớ lai căg làm nền âm nhạc
Việt Nam rơi vào tình trạng hổ lốn, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy viết khiến cho
diện mạo âm nhạc nước nhà méo mó hỗn loạn. Họ nói đó là sự phát triển, là sự tiếp
thu học hỏi lẫn nhau, là sự hòa nhập vào dòng chảy âm nhạc nhân loại v.v... Vâng,
họ hòa nhập đấy, tiếp thu đấy, phát triển đấy nhưng họ dựa vào cái gì? Cội nguồn
âm nhạc của dân tộc thì bị lãng quên, bỏ bê không chút xót xa tiếc nuối. Họ
nghĩ rằng làm như thế để tỏ cho thiên hạ biết rằng ta đây đã được đi học Tây học
Tàu rồi hay sao? Thật đáng buồn đến đáng giận. Song cũng đành phải thông cảm
cho họ khi tầm hiểu biết của con người là có giới hạn. Họ cũng chỉ làm theo những
gì họ đã biết, đã học, đã được dạy dỗ. Ý thức về âm nhạc dân tộc là một cái gì
đó rất đỗi quê mùa lạc hậu trong họ. Có lẽ chính vì những lý do trên mà “Hoài Cảm”
của Cung Tiến cùng một số bản nhạc, ca khúc viết ở những thang âm dân tộc của một
số nhạc sĩ cùng thời ông và sau này càng trở nên có giá trị, được trân trọng
trong số những ca khúc buổi ban đầu của bình minh âm nhạc Việt Nam. Ở đoạn b
cao trào Cung Tiến đã viết ở cung đô trưởng. Chuyển điệu làm cho bài hát khỏe
khoắn hẳn lên, nỗi nhớ dâng trào tới đỉnh điểm chứ không còn man mác miên man
như đoạn a. Phải có kỹ thuật và kiến thức âm nhạc tương đối khá mới có thể viết
được như thế (Xin nói thêm rằng những nhạc sĩ tiền chiến hiếm có người được đào
tạo qua trường lớp chính quy). Cũng có lẽ chỉ là chút hâm mộ một ca khúc hay
nên phỏng đoán vậy chứ thực sự nếu chưa được như thế thì chỉ càng khẳng định sự
tài hoa của Cung Tiến, người nghệ sĩ với nỗi nhớ cố nhân mênh mông bao phủ những
hoàng hôn của dân tộc.”
Người trong xứ hâm mộ thầy Cung Tiến như thế này thì nhạc
Cung Tiến đại biểu cho nhạc vàng của VNCH “dzách lầu” rồi còn gì bàn cãi chi nữa
nhể? Chưa hết, một vị thính giả khác của nhạc Cung Tiến nối tiếp cho lời nhận
xét nồng nàn chẳng kém nhé. Mời đọc:
“Uh, bài này Lệ Thu thể hiện hay nhất! hihi… Không hiểu mỗi lần
nghe bài nì buồn đến lạ! huhu… Nỗi buồn đó cứ như kẻ trộm, ta đã khép kín cửa
nhưng nó vẫn cứ lẻn vào…nhẹ nhàng xâm chiếm! Nỗi buồn trong bài hát này đến
không nhanh, chầm chậm thôi… như làn khói vào phòng khép kín…chỉ một làn khói
nhẹ nhưng có sức lan tỏa ghê gớm! Vậy là toàn bộ ta đã bị nó chế ngự mất rồi…
Bạn thử ngâm nga bài này thử đi… nho nhỏ thôi…và bạn sẽ thấy
bạn hát trong tiếng nghẹn ngào… như muốn khóc mà không thể khóc… Nó như ứ đọng
ngay ở cổ họng, chực thoát và khi có cơ hội nó nấc lên da diết ngậm ngùi” Lòng
cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?”… Bài hát từng câu từng chữ đều
đượm buồn…một cái buồn rất thu…”mùa thu tràn nỗi nhớ”…. và một giọng hát xa vắng…
Mình cũng thích bài này lắm… dù nghe bài này chả khi nào thấy vui!!!…”
Thấy chưa nhạc Cung Tiến da diết, ngậm ngùi như me-sừ thính
giả trên cho cảm nghĩ thực lòng đấy nhé!? Như vậy thì nhạc Cung Tiến lại thêm bảnh
hơn nữa với tình khúc Hoài Cảm hay yêu hoài, tâm tư cứ mãi bị người yêu hành hạ,
bị cố nhân dày vò ray rứt tâm tư như muốn khóc. Được yêu, được buồn, được khóc,
chao ôi, nhất cõi đời rồi, còn gì sung sướng bằng nhể? Hỡi những bạn tôi khi
tương tư lòng, khi cố nhân bước xa xa bạn rồi, huhuhu… cơn nhung nhớ cố nhân dằn
vật dâng cao tràn ngập hồn già ở tuổi biết yêu, xin bạn hãy vô tư cho lệ rơi đi
nhe, nghe thanh âm Cung Tiến thỏ thẻ, nho nhỏ khi chiều buồn len lén tâm tư, cố
nhân đã đi xa xa ta rồi, hmm… cho hồn này khôn nguôi, hmm… cho lòng này không
vui… Một hồn cô liêu, buồn chi lạ, biết nói chi nhể?
Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa
Quạnh hiu về thấm không gian
Âm thầm như lẫn vào hồn
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
Sương buồn lắng qua hoàng hôn
Lòng cuồng điên vì nhớ… cố nhân ơi. Nghe hết bài nhạc sẽ đưa
ta về sự mộng mơ của tuổi biết yêu đương, biết nhớ thương, biết ngóng trông, biết
rung động con tim xanh trót trao cho cố nhân; Vâng, Hoài Cảm theo tôi chính là
một cung khúc “giết người trong mộng”.
Hoài Cảm, Cung Tiến:
Sau đây là phần điểm qua tiểu sử và tác phẩm âm nhạc, văn học
và cảm nghĩ của nhạc sĩ Cung Tiến. Ông được xem như một nhạc sĩ nổi tiếng theo
dòng nhạc tiền chiến. Có thể nói ông là nhạc sĩ trẻ nhất có sáng tác được phổ
biến rộng với bài Hoài Cảm năm 14 tuổi. Mặc dù Cung Tiến chỉ xem âm nhạc như một
thú tiêu khiển nhưng ông đã để lại những nhạc phẩm rất giá trị như Hương Xưa và
Hoài Cảm, điển hình cho loại nhạc thính phòng, loại nhạc thanh cao.
Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27 tháng 11
năm 1938 tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến học xướng âm và ký âm với hai
nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong khoảng thời gian 1957 đến
1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế và ông có theo tham dự các
khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại Âm nhạc viện Sydney.
Trong những năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội
đồng Anh (British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại Cambridge,
Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.
Vào đầu thập niên 1980 Cung Tiến phổ nhạc từ 12 bài thơ trong
tù cải tạo của Thanh Tâm Tuyền mang tên “Vang Vang Trời Vào Xuân”, tập nhạc này
được viết cho giọng hát và Piano và được trình bày lần đầu tiên tại Thủ Đô Hoa
Thịnh Đốn vào năm 1985.
Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm, soạn
cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3, 1988 tại San Jose
với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc
khánh 1988.
Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập Ta về, thơ Tô Thùy Yên,
cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 1993, với tài trợ
của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại
dân ca Việt Nam khác, ông đã soạn Tổ khúc Bắc Ninh cho dàn nhạc giao hưởng. Năm
1997, ca đoàn Dale Warland Singers, đã đặt ông một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm
25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này. Năm 2003, Cung Tiến đã trình
làng một sáng tác nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành dựa trên một điệu
dân ca Quan họ. Ông là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác ở Minneapolis,
Minnesota, Hoa Kỳ.
* Về tác phẩm âm nhạc:
Cung Tiến sáng tác rất ít và phần lớn các tác phẩm của ông đều
sau 1954, trừ bài Thu vàng, Hoài Cảm được ông viết năm 1953 khi mới 15 tuổi,
nhưng chúng thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi cùng phong cách trữ
tình lãng mạn. Tự nhận mình là một kẻ amateur trong âm nhạc, viết nhạc như một
thú tiêu khiển, Cung Tiến không chú ý tác quyền và lăng xê tên tuổi mình trong
lĩnh vực âm nhạc. Các nhạc phẩm Hoài Cảm, Hương xưa của ông được xếp vào những
ca khúc bất hủ của tân nhạc Việt Nam.
Tác phẩm
Tổ khúc Bắc Ninh - Nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm - Ta Về - Lơ
thơ tơ liễu buông mành
Tổ khúc Bắc Ninh…
Đêm (thơ Thanh Tâm Tuyền) - Đêm hoa đăng - Đôi bờ (thơ Quang
Dũng) - Hoài Cảm - Hoàng hạc lâu (thơ Thôi Hiệu - Vũ Hoàng Chương dịch) - Hương
xuân - Hương xưa (viết tặng Duy Trác) - Kẻ ở (Mai chị về) (thơ Nguyễn Đình
Tiên, thường bị nhầm là của Quang Dũng) - Lệ đá xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền, viết
tặng Phạm Đình Chương) - Mùa hoa nở - Nguyệt cầm (ý thơ Xuân Diệu) - Thu vàng –
Thuở làm thơ yêu em (lời Trần Dạ Từ) - Vết chim bay (thơ Phạm Thiên Thư)
* Về tác phẩm văn chương:
Ông có dịch hai đại tác phầm của hai văn hào Nga là Fyodor
Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ.
– Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm của M. Dostoievski,
1969).
Vào năm 1864 Dostoevski cho xuất bản cuốn Hồi Ký Viết Dưới Hầm
là tác phẩm về chủ nghĩa hiện sinh hay nhất từng được viết trong nền văn học của
thế giới.
– Một Ngày Trong Ðời Ivan Denissovitch (dịch từ A.
Solzhenitsyn, 1969). Một Ngày của Ivan Denissovitch kể về những gì xẩy đến cho
một người tù cải tạo tên Ivan Denissovitch trong một ngày dưới chế độ bạo ngược
cộng sản Stalin.
Trong lãnh vực văn học, giữa thập niên 50 và 60, với bút hiệu
Thạch Chương, Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê
bình văn học, cũng như dịch thuật, cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan Điểm, và Văn.
Nhóm Sáng Tạo là nhóm nổi tiếng nhất xuất phát từ phong trào
di cư từ miền Bắc 1954. Hoạt động của họ là mở một con đường mới về ngôn ngữ
hình ảnh cũng như về lý tưởng tự do, ông hợp tác với họ bằng những bài viết về
triết học cũng như những nhận định âm nhạc lúc đó ông đã đi du học. Thế hệ trẻ
về sau là lớp học trò của Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền chắc chắn
chịu nhiều ảnh hưởng của Sáng Tạo. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết cho
một số báo với bút danh là Đăng Hoàng.
* Nhạc sĩ Cung Tiến tâm tình cùng phóng viên Mặc Lâm:
Ngày thứ Năm, 13 tháng 4, năm 2006, phóng viên Mặc Lâm của
đài RFA phỏng vấn nhạc sĩ Cung Tiến và những sáng tác và hoạt động âm nhạc
trong những thập niên đã qua như sau:
– Mặc Lâm: Là một người yêu thích âm nhạc và có những nhạc phẩm
nổi tiếng rất sớm như: Hoài Cảm, Thu Vàng, Hương Xưa…lý do nào khiến ông trở
thành một chuyên gia kinh tế học và ông có cho rằng kinh tế và âm nhạc là hai
lĩnh vực khó hòa hợp lẫn nhau hay không?
– Nhạc sĩ Cung Tiến: Câu hỏi này nó có hai phần một phần là tại
sao tôi trở thành chuyên gia kinh tế học và một phần là giữa âm nhạc và kinh tế
có hòa hợp với nhau hay không. Tôi được học bỗng kinh tế học vì âm nhạc không
phải là ngành mà ngoại quốc cho chính phủ VNCH hồi đó.
Sự thực thì âm nhạc và kinh tế không phải là khó hòa hợp vì cả
hai đều là nghệ thuật cả. Kinh tế học không phải là một khoa học mà là một nghệ
thuật giữa kẻ mua người bán, giữa người sản xuất và người tiêu dùng, cho nên nếu
không hòa hợp được thì cũng không thể xung khắc lẫn nhau.
– Mặc Lâm: Ông đã từng công tác với nhóm Sáng Tạo rất sớm qua
bút hiệu Thạch Chương bằng những bài viết và dịch thuật, ông có nhận xét gì về
hoạt động cũng như ảnh hưởng của nhóm này?
– Nhạc sĩ Cung Tiến:Nhóm Sáng Tạo là nhóm nổi tiếng nhất xuất
phát từ phong trào di cư. Hoạt động của họ là mở một con đường mới về ngôn ngữ
hình ảnh cũng như về lý tưởng tự do.
Tôi hợp tác với họ bằng những bài viết về triết học cũng như
những nhận định âm nhạc lúc đó tôi đã đi du học. Thế hệ trẻ về sau lớp học trò
của Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền chắc chắn là chịu nhiều ảnh hưởng
của Sáng Tạo.
– Mặc Lâm: Được biết Thanh Tâm Tuyền là bạn thân của ông, xin
ông cho biết một vài kỷ niệm đối với tài thơ này nhân kỷ niệm một năm ngày mất
của thi sĩ.
– Nhạc sĩ Cung Tiến: Tôi quen Thanh Tâm Tuyền năm 1956 khi
tôi theo học năm cuối cùng của trung học tại Chu Văn An, lúc ấy Thanh Tâm Tuyền
mới vào nam theo làn sóng di cư của sinh viên.
Hành trang du học của tôi chỉ có mấy quyển sách, trong đó có
hai quyển Tôi Không Còn Cô Độc của Thanh Tâm Tuyền và Tháng Giêng Cỏ Non của
Mai Thảo. Cho tới khi tôi về nước vào năm 1963 tôi mới gặp lại Thanh Tâm Tuyền
và chúng tôi có những quan hệ thân thiết hơn.
– Mặc Lâm:Thưa ông có phải văn chương cực kỳ lạ lẫm của Thanh
Tâm Tuyền đã khiến ông phổ nhạc hai bài Đêm và Lệ Đá Xanh hay vì lý do dễ hiểu
hơn vì nhà thơ là bạn thân của ông?
– Nhạc sĩ Cung Tiến: Tôi thấy bài thơ rất buồn và rất độc
đáo. Bài thơ này tôi phổ ở Sydney năm 1957 với mục đích gửi tặng Phạm Đình
Chương. Mãi sau này tôi mới phổ bản Đêm của Thanh Tâm Tuyền trong tập thơ Liên,
Đêm Mặt Trời Tìm Thấy.
– Mặc Lâm: Bên cạnh Thanh Tâm Tuyền là một nhà thơ khác trong
nhóm Sáng Tạo cũng được ông quan tâm đó là nhà thơ Tô Thùy Yên, Với thi phẩm Ta
Về ông đã sáng tác nhiều loại hình âm nhạc cho tác phẩm này, xin ông cho biết
vài chi tiết về việc này.
– Nhạc sĩ Cung Tiến:Tập thơ Ta Về của Tô Thùy Yên lọt ra khỏi
trại cải tạo và Mai Thảo đưa cho tôi xem vài bài trước khi Tô Thùy Yên định cư
tại Mỹ. Tôi đã soạn cho bài thơ này trở thành những giọng ngâm, hát, nói với những
nhạc cụ tây phương phụ đệm.
– Mặc Lâm: Thưa ông, từ nhạc phẩm đầu tay là bản Hoài Cảm được
sáng tác năm 1953 cho đến nay đã có bao thăng trầm trong đời sống riêng cũng
như của toàn dân tộc, ông có nhận xét gì về nhạc phẩm này và điều gì vẫn còn in
đậm trong lòng ông cho tới bây giờ sau khi nhạc phẩm này ra đời?
– Nhạc sĩ Cung Tiến: Đây là ca khúc đầu tiên của chúng tôi viết
từ năm 1953 lúc đó tôi mới 14 tuổi lúc tôi mới học đệ lục nó là công an khúc
hoàn toàn trữ tình của một học sinh ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của Huy Cận,
Xuân Diệu… Riêng với tôi nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính giả yêu
thích tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình.
– Mặc Lâm: Cảm ơn Nhạc sĩ Cung Tiến.
Sau cùng, Cung Tiến quả thực là một người đa tài, ông mang
nhiều vai trò xã hội, ông là một chuyên viên cũng như giảng viên giảng dạy về
kinh tế, tài chánh, một nhà văn đóng góp cho văn học Việt Nam; Và đáng lưu tâm
hơn cả, ông là một nhạc sĩ của khuynh hướng nhạc lãng mạn trữ tình trong vườn
hoa âm nhạc Việt Nam, điển hình là hai ca khúc bất hủ: Hương Xưa và Hoài
Cảm.
Chiều buồn len lén tâm tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa
Quạnh hiu về thấm không gian
âm thầm như lấn vào hồn
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
Sương buồn lắng qua hoàng hôn
ĐK:
Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ, thấy nhau lần nữa
Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?
Chờ nhau hoài cố nhân ơi!
Sương buồn che kín nguồn đời
Hẹn nhau một kiếp xa xôi,
nhớ nhau muôn đời mà thôi!
Thời gian tựa cánh chim bay,
qua dần những tháng cùng ngày
Còn đâu mùa cũ êm vui?
Nhớ thương biết bao giờ nguôi?
(Hoài Cảm, Cung Tiến)
Trong những thập niên qua, tôi ái mộ dòng nhạc Cung Tiến
nhưng chưa có dịp bày tỏ cảm nghĩ của mình về nhạc sĩ tài hoa nầy đã đóng góp
trong khu vườn hoa âm nhạc Việt Nam hơn nửa thế kỷ rồi. Như mọi lần, mỗi lận nhận
email của nhà báo Vương Trùng Dương gợi ý… nguồn cảm hứng lại đến với tôi. Và,
không gì quý hơn trong tình văn nghệ với nhau: đáp lễ.
Tháng 6/2010
Việt Hải
Nguồn: Wikipedia, Dactrung,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét