Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Đọc thơ thiền và thơ hình họa của Hữu Đạt

Đọc thơ thiền và 
thơ hình họa của Hữu Đạt
(Đọc tập Thơ Thiền và thơ hình họa 
của Hữu Đạt. NXB Hội Nhà văn, 2019)
Tôi với Hữu Đạt là bạn đồng niên, đồng khóa. Hồi kháng chiến chống Mỹ bọn Hà Nội chúng tôi sơ tán về Quảng Oai (Ba vì, Hà Nội) học cùng các bạn địa phương. Tôi nhớ hồi đó Hữu Đạt là cán sự Hóa (HĐ giỏi thiên về các môn tự nhiên hơn), thế mà sau mấy chục năm gặp lại bỗng nhiên lại được gặp Hữu Đạt là một anh giáo - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã từng “một tay múa đủ mười đường văn chương”! Hữu Đạt sáng tác đủ cả: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, trường ca… lại viết cả kịch bản sân khấu và điện ảnh. Có những câu cửa miệng mình nói hàng ngày như “Chuyện thường ngày ở huyện” giờ mới biết đấy chính là tên vở kịch do bạn mình chuyển thể lên sân khấu từ gần nửa thế kỷ trước, hoặc “Công trường thời mở cửa” hóa ra lại là tên cuốn tiểu thuyết của Hữu Đạt và được chính tác giả viết thành kịch bản điện ảnh dưới dạng một bộ phim dài tập (10 tập) phát sóng trên VTV1, VTV2,VTV4, VTV5, VTV9… cách đây chục năm. Tôi phục quá!
Cầm trong tay cuốn Thơ thiền và thơ hình họa bạn tôi đưa, bảo đọc và cho biết vài nhận xét, ban đầu tôi cảm thấy… rất sợ! Một là đã “thiền” thì chắc phải rất cao siêu, người trần mắt thịt như mình làm sao cảm nhận được? Hai là “thơ hình họa” thì tôi chưa đọc bao giờ. Đây là kiểu thơ mà có lẽ Hữu Đạt là người đầu tiên đưa vào tiếng Việt (không tính thơ mô phỏng của các thi sĩ: Nguyễn Vỹ, Lê Ta…). Mặc dù, hồi học phổ thông tôi cũng có lần đi thi học sinh giỏi văn nữa! Nhưng xưa như Diễm rồi. Cứ nghĩ trong nhóm bạn cùng chơi có mấy cô giáo dạy văn rất xinh đẹp, giỏi giang, sao Hữu Đạt không đưa cho các bạn ấy đọc nhỉ? Giá Hữu Đạt bảo tôi bình luận một ván cờ vua thì xong “ngay và luôn”. Nhưng nhận xét một tập thơ thì…không đơn giản.
Tuy vậy, thấy Hữu Đạt động viên “Ông là người viết phê bình bóng đá và viết tản văn rất sắc, lại là bạn học cùng với tôi thời chiến tranh, đặc biệt lại là người đã nhiều năm sống ở Nga, chắc sẽ có những phát hiện về tập thơ này”, tôi lại đâm ra tò mò.
Một khi đã điếc thì sợ gì súng! Tôi đọc. Càng đọc càng thấy hay và cuốn hút. Gọi là thơ thiền nhưng nó cũng rất đời và gần gũi với những câu thơ thong thả như tiếng “chuông thủng thỉnh đi giữa mây ngàn”... Thong thả vì có những lúc Độc ẩm mình ta một ấm trà để lắng nghe Thăm thẳm xa đưa một tiếng gà và ngắm nhìn Hàng cây như lạnh ánh sương sa (Độc ẩm) rồi bất giác cảm nhận thấy sự yên ắng cả một vùng núi non Chợt nghe chim hót sau vòm lá/ Bỗng hiện khách xa ngóng cảnh chùa (Bên núi). Những lúc ấy, đời thật nhàn tản, yên nhiên tự tại. Nhưng rồi lại có lúc soi mình và bỗng nhận ra Đời người như chiếc lá/ bay vèo giữa cơn dông (Đời người), bỗng nhận ra: Cuộc đời thoảng qua như trong cõi mộng/ Chưa kịp nhận ra tóc đã bạc trắng đầu (Soi mình) hay Đời người thấp thoáng chưa kịp nhận/ Sương đã nhuộm qua nửa mái đầu (Có một mùa thu). Cảm giác ấy giống như cảm giác của Trịnh Công Sơn “Tuổi buồn như lá, gió mãi cuốn đi, bay tận cuối trời” … Vâng! Lúc ta đang thiền, đang sống chậm cũng chính là lúc ta bỗng nhận ra rằng cuộc đời trôi nhanh như gió thoảng. Vâng! Đời người vèo một cái đã qua, mới đấy đã gần nửa thế kỷ, mới đấy mà “tóc điểm bạc thêm vài ba sợi, nhìn lại mình đời đã xanh rêu”…Thiền trong thơ Hữu Đạt như một sự suy ngẫm, chiêm nghiệm và cũng là sự trải nghiệm vậy. Bởi thế, chỉ có những ai từng trải mới cảm nhận hết câu những câu thơ buồn đến hoang hoải cả cõi lòng mà Hữu Đạt đã thốt lên: Tôi hỏi vì sao em buồn thế? “Cuộc đời cay đắng lắm anh ơi”/ Tôi lặng nhìn em qua ánh mắt/ Nhớ những chiều mưa trắng cả trời (Có những chiều mưa). Đọc đến đây tôi như thấy như Hữu Đạt đã uống cạn chén đắng cuộc đời!
Thật ra những bài thơ thiền của Hữu Đạt chỉ chiếm một phần khá nhỏ trong tập thơ. Phần lớn còn lại là “đời”. Hữu Đạt hay phải xa tổ quốc, lúc đi học, lúc đi dạy hay làm chuyên gia… nên có rất nhiều bài thơ thấm đẫm một nỗi buồn xa xứ. Đó là chuỗi bài thơ anh viết khi đi qua các vùng đất Âu châu: từ thủ đô Matxcơva qua Paris sang Luých xăm bua, Bruxen… rồi về Thượng Hải. Mỗi bài thơ đều chứa chất những tâm sự và nỗi buồn riêng. Ta hãy nghe nỗi lòng của nhà thơ khi anh thẫn thờ đứng bên nghĩa trang danh nhân của nước Nga vĩ đại: Chiều nước Nga thấm buồn trên vách đá/ Không có tiếng chim chỉ xạc xào tiếng lá/ Tôi nghe người xưa kể chuyện với chính mình (Trước mộ các danh nhân). Buồn đến thấm vào đá thì buồn cỡ nào? Đá có vẻ như là nhân chứng của những gì rất sâu đậm, rất vĩnh cửu. “Người đàn bà hóa đá… Đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian… Dòng tên anh khắc vào đá núi” Thấm buồn trên vách đá… Bạn đọc có để ý chữ “thấm”? Thấm là một cái gì đó rất từ từ, rất nhẹ nhàng nhưng không cưỡng lại được! Buồn ở đây như những giọt cafe phin từ từ thấm qua vách đá, “từng giọt và từng giọt” nhỏ sầu vào tim ta… Tôi đã sống ở Nga nhiều năm nên tôi rất chia sẻ với tác giả. Ai đã từng đi Nga, sống ở Nga (hay Liên xô cũ) chắc đều biết những bài dân ca Nga. Tôi rất thích dân ca Nga. Bài nào cũng đượm một nỗi buồn mang mác. Nước Nga quá rộng lớn, ở những vùng dân cư thưa thớt tầm mắt trải đến tận chân trời nên đi trong cõi mông mênh ấy, ai cũng… buồn, và điều đó được trải vào các bài dân ca. Nếu một chiều đông lạnh lẽo bạn nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy đất trời tuyết trắng xóa và nắng chợt lên mới thấy cái vẻ vừa đẹp vừa buồn trong thơ Hữu Đạt Nghe thì thầm những lời của đất/ Hát về một nước Nga xưa/ Văng vẳng từ xa tiếng chuông nhà thờ/Ai đọc bài Thánh kinh/ làm ngọn nắng ngập ngừng bên tháp cổ (Rừng Nga).Tuyết lạnh đến mức “nắng cũng ngập ngừng” nên cây sồi cũng ngủ đông mãi mới “cựa mình thức dậy”. Đọc những câu thơ này tự nhiên bạn sẽ thấy một nỗi buồn bỗng dâng lên xâm chiếm cõi lòng mà “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu). Hữu Đạt chắc đã trải qua nhiều buổi chiều như vậy, nên đến những “đêm viễn xứ” là những đêm Hữu Đạt phải “khắc khoải trong cô đơn tuyết giá”, những đêm nhớ quê với những hình ảnh và cảnh đời thật giản dị: Con đường ấy một thời con đã lớn/ Nay có còn lầm lũi bước chân trâu hay Nhớ cây ổi mẹ trồng trước ngõ/ Nhớ vườn chuối xưa mỗi buổi đón cha về (Nhớ quê). Có lẽ vì Hữu Đạt quê bên bờ sông Hồng, nên hình ảnh sông nước, đồng quê luôn chập chờn trong thơ anh: Anh có nhớ dòng sông quê hương/ Ngày tháng sáu ầm ào cơn nước lũ/ Sông rất rộng mà thuyền thì rất nhỏ/ Vẫn bồng bềnh trên sóng ngược sông Thao (Anh có còn nhớ quê!), hay: Đồng ruộng ngút ngàn/ Mênh mông sóng lúa/ Ngày tháng Chạp rét như dao cứa/ Lập thập mò cua cá dưới thung sâu (Anh có còn nhớ quê!) Nhiều câu thơ của Hữu Đạt đọc lên rất buồn, nhưng đó là cái buồn của vẻ đẹp làng quê. Tôi rất thích những câu thơ của anh viết về nỗi nhớ vì nó rất gợi: Nhớ con nước ập òa kè đá/ Nhớ những đêm hè mẹ vá áo cho con (Nhớ quê)… Những chữ “ập òa” đó như những con sóng vỗ vào những kỷ niệm thời “nhất quỷ nhì ma” bạn bè thường rủ nhau ra kè đá chơi, chân bỏ thõng xuống nước, ngắm trăng… để rồi bao năm tháng đi xa, nay nhớ lại những kỷ niệm xưa, cảm giác thật mộng mơ: Tôi đứng thẫn thờ nhìn bến cũ/ Lao xao sóng nước dưới chân mình/ Kỷ niệm tuổi thơ nhòa trong cát/ Trăng vàng bỗng vỡ nước lung linh. Kỷ niệm đẹp, lãng mạn như thế nên ai chẳng nhớ đến muốn khóc? Hữu Đạt như đã lạc vào cõi mộng du: Thuyền con một chiếc đi trong mộng/ Khắc khoải câu thơ vỡ ngang dòng (Có một mùa thu)… Trải qua những đêm như vậy làm sao ngủ, làm sao tránh được cái cảnh phải “nhấm nháp nỗi buồn khi xa xứ: Chếnh choáng đêm dài nửa tỉnh say/ Ngất ngư lưng chén rượu vơi đầy/ Nhấm nháp nỗi buồn khi xa xứ/ Ngoài cửa hững hờ bông tuyết bay (Không ngủ). Cô đơn quá! Có những câu thơ của Hữu Đạt đã lột tả đến tột cùng của nỗi cô đơn: Bao đêm mình lại với mình/ Khuya rồi khuya… với lặng thinh phố phường (Vết thương)…
Không chờ ai, không ai chờ mình và cuối cùng: Yêu rồi mãi lại thành không/ Một mình mình lại chờ mong chính mình (Một thời). Có lẽ vì luôn bị nỗi nhớ ám ảnh nên những năm tháng ở nước ngoài, Hữu Đạt luôn phải gồng mình, đôi khi phải mượn chén rượu để vượt qua: Gió thổi nhọc nhằn qua phố cũ/ Con đường lát đã bỗng buồn tênh/ Tiếng cười xa vẳng theo tiếng gió/ Có kẻ đang say bước một mình (Đêm trên đất khách). Có lẽ, mỗi khi buồn nhớ quá Hữu Đạt lại lấy thơ ra đọc, nhưng đọc xong anh lại như bị mê đi rồi trôi về bến hư vô: Hoàng hôn tím cả đôi dòng/ Quặn lòng chỉ thấy hư không thoảng về/ Nhớ nhiều như bị bùa mê/ Đọc câu thơ thấy… phê phê nỗi buồn (Người ơi).
Tôi đã từng đọc đâu đó: những tác phẩm nghệ thuật bất hủ thường ra đời trong sự cô đơn, đau khổ, trong nỗi buồn nhớ của tác giả. Có vẻ như, chỉ những lúc đó người ta mới có thể “nhà tơ rút ruột” để làm nên những áng văn chương để đời. Không biết Hữu Đạt- bạn tôi có rơi vào trường hợp đó không nhưng tôi thấy Hữu Đạt có những bài thơ, những câu thơ rất hay, rất ấn tượng. Bài thơ “Khi mùa hè sắp hết“ là một trong những bài như vậy: Du dương giữa thinh không/ tiếng chuông chùa quá khứ/Bài ca ai hát nữa, tiếng vo tròn như sương/Từng giọt và từng giọt/ Rơi ngay bên Thánh đường. Tôi cũng từng nghe người ta bàn về câu ca tiếng hát tròn trịa, đầy đặn, nhưng “vo tròn như sương” thì chỉ có Hữu Đạt mới phát hiện ra. Và khi tiếng hát đã “vo tròn” thành từng giọt để “rơi bên Thánh đường” thì từ thực nó đã hóa thành ảo, xa xôi như cõi thiêng liêng sâu thẳm.
Đọc toàn bộ tập thơ, có thể nhận ra, đây là một thi phẩm được sáng tác với nhiều chủ đề và nhiều thể loại khác nhau. Các mảng chủ đề chính là chủ đề viết về nỗi nhớ quê hương, về tình yêu, về những kỷ niệm thiêng liêng thời thơ ấu và tuổi học trò. Qua đó, Hữu Đạt đã bộc lộ những tỉnh cảm sâu nặng với cha mẹ, với vợ, con, với người yêu, với thầy cô, bạn bè. Thơ Hữu Đạt thiên về hoài niệm nên lắng đọng nỗi buồn, khi mênh mang, khi thăm thắm, nhưng đó là nỗi buồn đẹp của một thi nhân luôn “đắm say” hết mình (như Lý Hoài Thu nhận định về tập “Lữ hành”). Thi thoảng, bạn đọc có thể gặp một số bài thơ mang tính thế sự như “Có nơi nào”. “Tôi khóc”, “Tổ quốc tôi”, “Ông chủ”, “Nhớ Tết xưa”… thể hiện nỗi trăn trở của một nghệ sĩ trước thời cuộc, nhưng nhìn chung, âm hưởng toàn tập là âm hưởng trữ tình. Trong đó, thiên nhiên có thể được coi là nốt bổng luôn đi cạnh nốt trầm là những cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ về trăng, về gió, về mùa thu, về biển. Thiên nhiên đã làm cho thơ Hữu Đạt có vẻ đẹp riêng,rất lạ: Mùa đông sao dài quá/ Trăng khuyết còn khuyết thêm…/ Lại một đêm không ngủ/ Trăng mút làn môi em (Trăng khuyết). Đọc những câu thơ này, tôi lại ước được làm trăng, làm cây để ngắm “em” như chính nhà thơ: Nắng trên sườn núi siêu xiêu /Em nằm trên cỏ trái yêu ngọt lành/ Hồng hồng hai đóa xinh xinh/ Như hoa nhú nụ trên cành búp non (Giấc mơ). Thực là một bức tranh quá đẹp!
Vâng! Thơ tình là một mảng không thể thiếu trong sáng tác của các nhà thơ. Mỗi nhà thơ đều có một “em” rất riêng của mình với rất nhiều hoài niệm. Nhớ ngày nào em còn rất trẻ, nhớ ngày nào em là thiếu nữ mà anh được “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”! “Em” của đôi mắt “xanh thẳm da trời”, khiến Lòng anh như thuyền chơi vơi (Thăm động Thủy Tiên), và hoàng hôn cũng phải rạo rực: Mắt em có màu xanh của rừng/Mắt em có nỗi buồn của gió/ Mắt em có bông sen mùa hạ/ Đồng ngoại ô chiều rạo rực hoàng hôn (Đêm thị xã)
Vâng! Ai mà chẳng Một thời mình đã từng yêu, một thời mình đã từng chiều chuộng nhau (Một thời), một thời uống vào nhau những tối tự tình? Cuộc đời không có “em” thì buồn tẻ lắm! Nhưng “Em” của bạn tôi- nhà thơ có cái độc đáo riêng: Áo xòe đem theo nắng (Khi em về Văn Yên), Đó là hình ảnh “em” thấm đẫm tuổi học trò: Hành lang vắng tiếng guốc lạnh tanh/ Ký túc chiều vắng em/ Trời cũng hững hờ bỏ quên vạt nắng/ Cổng trường thơ ơ cánh bằng lăng tím/ Hoàng Hôn cũng hóa thành cổ xưa (Ký túc chiều vắng em). “Em” với một mái tóc rất riêng, lúc thì đẫm hương đồng nội, lúc lại thấm đậm màu hương quế, và “có mùi hương “rất đặc trưng”: Mái tóc em hương đồng quê mái rạ/ Hơi thở em thoang thoảng gió sông Đà hoặc: Mắt em buồn như mặt hồ buổi sớm/ Mây thì lang thang núi thì say đắm/ Câu hát nào nghiêng cả chuyến đò ngang (Suối Hai). Mùi hương ấy chắc chỉ bạn tôi cảm nhận được vì nó “rất riêng, riêng của riêng mình” khiến cho bạn tôi nhiều đêm không ngủ và có khi thờ thẫn: Có bao người đã từng thương nhớ, có ai định nghĩa được bao giờ/ Nhớ là những đêm mất ngủ/ Là những chiều ngồi thờ thẫn trong mưa (Nhớ). Nhớ thương là yêu nên khi có tình yêu thì thế nào chẳng có thương nhớ, có đợi chờ? Cái cung bậc tình cảm ấy trong thơ Hữu Đạt được tái hiện trong nhiều hoàn cảnh: Lúc trời sắp tắt nắng thì Em ơi sao nhớ thế/ Bồn chồn cả hoàng hôn (Chia xa), lúc trời khuya yên tĩnh thì Thèm cơn gió ngoại ô vọng xa xăm tiếng dế/ Thèm chút lao xao trong ánh mắt em cười (Xa Hà Nội), lúc sắp ban mai thì “vật vờ”, “ú ớ gọi tên em”… Nhớ đến rút ruột: Anh rút ruột đi cho nỗi nhớ /Đến bên em để mình trống rỗng lòng (Trống rỗng). Có thể nói, trong thơ Hữu Đạt, nhớ đã trở thành nỗi ám ảnh, có khi chan hòa cả nước mắt: Hoa phượng rớt làm trái tim thổn thức/ Thương nhớ quá nên bờ môi khẽ hát/ Lệ nhạt nhòa trang nhật ký sinh viên (Hoa phượng). Có lúc nhớ trở thành thứ âm thanh vang vọng trong tâm khảm: Chiều thu vàng âm thầm trong tiếng gió/ Vẫn vọng về trầm mặc nước Nga xưa (Nhớ nước Nga). Có lúc khiến lòng dạ người ta phải bồn chồn: Tiếng tàu hun hút phố xa/ Nghe vang vang nhớ như là cuối năm/ Thoắt rồi đã đến mùa xuân/ Lòng ngao ngán Tết mỗi lần xa quê (Chạnh lòng). Trong mọi cung bậc viết về “nhớ” thì “nhớ em” luôn là một cung bậc được thể hiện bằng nhiều biểu tượng đa dạng nhất. Trong đó, nhớ luôn luôn là những khắc khoải đợi chờ trong nỗi buồn trĩu nặng: Ngân hà sao đổ về đông/ Bầu trời nghiêng… Gió.../ mênh mông cánh cò/ Gánh buồn đi đổ cơn mưa/ Bến thương kia một con đò đợi em. Đợi một ngày đất lạ thành quen. Đợi một đời em quen thành lạ. Cho nên, cũng có khi nhớ lại là niềm hy vọng mới lóe lên trong trẻo và tươi tắn: Nắng trưa cát bụi kinh thành/ Em đến thăm, gió mỏng manh giữa trời/ Nụ cười lóng lánh mồ hôi/ Mặn nồng của cả một thời thanh xuân/ Em về theo những bước chân/ Là bâng khuâng những xa gần nhớ mong/ Nắng chiều như cũng thong dong/ Mang theo hương lúa lên đòng ngoại ô (Em đến - em về)
Em như một làn gió mong manh, mang mặn nồng đến, mang nhớ mong đi, chỉ còn lại nắng chiều với hương lúa. Nhưng “Em là cánh én mỏng chao xuống cho đời anh xao động” nên dù chỉ thoảng qua như mây trôi nhưng: Đến khi tóc ngả sương rồi/ Vẫn không quên có một thời nhớ mong (Hè nào).
Với cuộc đời tình yêu không chỉ là khát vọng mà còn sự bền vững, tự tại. Thiếu vắng tình yêu, cuộc sống sẽ trở thành vô nghĩa: Vắng em anh chẳng thành anh/ Chỉ như chiếc lá mong manh giữa chiều (Giấc mơ)… Nên đã sống thì phải yêu.Đã yêu thi có thương, có nhớ,có đợi chờ, mà còn có cả giận hờn nữa! Bởi thế có khi: Mùa thu này em viết cho anh/ Những dòng chữ rối bời như cỏ rối (Hoa phượng). Giận hờn nếu biết dừng đúng mức sẽ làm cho tình yêu trở nên thăng hoa, thi vị, nhưng giận hờn quá mức có khi lại gây ra những cuộc chia tan: Một thời thấm đẫm đa mang/Một thời yêu để rồi tan nát lòng (Mùa thu), và lúc đó: Thư viết cho nhau toàn những điều buồn tẻ, cuối thư rồi quên cả những nụ hôn (Có những mùa xuân). Nghe thật chua chát! không biết người ta quên thật hay cố tình quên? Nhưng sao quên được cái thuở ngày xưa, đẹp và hồn nhiên ấy? Qua rồi cái thuở ngày xưa/ Em vừa đọc sách em vừa nướng khoai nhưng “anh”vẫn: Lang thang suốt những ngày dài/ Tìm em ở tận làng chài cuối sông (Qua rồi).
Cái thời ấy mới ấm cúng và hạnh phúc làm sao! Nhưng rồi “cái thời anh vẫn chờ em” cứ xa dần, còn lại chỉ mình anh trong nỗi nhớ vô vọng: Em đi lấy chồng ở tuổi mười lăm/ Để cho khuyết ánh trăng rằm”/ Để cho héo cả nong tằm mẹ phơi! Gió đi hai phía chân trời/ Mây đi đem cả những lời nhớ mong (Qua rồi). Đọc những câu thơ này, tôi bỗng liên tưởng đến bài “Lá diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm mà nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc “Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn”…Nhưng biết làm sao được, đời là thế, c’est la vie, hãy để cho bạn tôi đắm mình trong những nỗi niềm riêng của mình: Vì tình một thủa đa mang/ Lại thương con sáo bay ngang chuyến đò (Qua rồi)…
Nói đến Hữu Đạt không thể không nói đến một loại đặc sản, đó là thơ hình họa. Thơ hình họa rất khó đọc đấy nhé. Tôi phải tự ngắt nhịp, tự gieo vần. Rất thú vị như được cùng sáng tác với nhà thơ. Tôi thấy, Hữu Đạt rất ý nhị khi tạo ra những bức họa mang đầy hàm ẩn: bài thơ “Rừng Nga” có hình cây thông, bài thơ “Khi em về Astrakhan” có hình máy bay, bài “chiều trên biển”, “Thăm tháp Tường Long hình con tầu, và con thuyền, “Ú tim” thì mang hình con quay, bài “Nhớ em” có hình trái tim v.v…Thôi, mỗi bạn đọc hãy tự đọc, tự cảm nhận theo cách riêng của mình!
Có lần Hữu Đạt tâm sự: Mỗi một hình họa trong thơ anh là một hình tượng và có ngụ ý riêng. Ví dụ bài “Về thăm xứ Thanh” là bài thơ hình cái ly có chân có ngụ ý rằng: Lâu rôi không gặp, nay gặp nhau thì phải uống rượu. Bài “Hoa pơ lang” có hình ngọn đèn là ngụ ý: Những ước mơ thuở học trò luôn là ngọn lửa thắp trong tim ta không bao giờ tắt…
Trong sáng tác thi ca, “thơ chơi chữ” là thứ thơ khó viết, không phải nhà thơ nào cũng làm được.Vì chơi chữ là một thủ pháp nghệ thuật tinh xảo và điêu luyện. Trong tập Thơ thiền và thơ hình họa thi thoảng có những bài thơ kiểu này. Tuy không nhiều nhưng nó cũng để lại những ấn tượng đậm nét. Đó là những bài như: Làng Gồ, Suối Hai, Vẫn nhớ…
TLK: Cuộc đời mỗi con người ai chẳng có một thuở học trò đầy ắp kỷ niệm. Hữu Đạt đã không quên dành những trang sâu lắng nói về những kỷ niệm của thời chúng tôi vào thơ. Những câu anh viết về bạn, về thầy thường rất tinh tế : Mỗi khi cười em ửng hồng đôi má/ Thầy dạy văn đôi lúc cũng sững sờ (Trở về nơi sơ tán)
“Em” đấy là người lĩnh xướng bài “Du kích sông Thao”, “em” đấy là người hát bài “hoa pơ lang”. Mới đó mà nửa thế kỷ đã trôi qua. Biết bao vật đổi sao rời, nhưng cảnh xưa người cũ dường như vẫn chập chờn ẩn hiện theo ta mỗi bước. Thơ Hữu Đạt bộc lộ một cách sâu sắc những hồi ức mà mỗi người trong thế hệ chúng tôi đã mang theo cả nửa thế kỷ: Lớp học cũ bốn phương trời phiêu dạt/ Anh về đây trống hoác cả cõi lòng/Nhớ ai bên xóm đồi thuở ấy/ Chỉ thấy ảo hình như có lại như không (Trở về nơi sơ tán). Đến bây giờ, mỗi lần về thăm trường cũ, lòng tôi vẫn xao xuyến, khi nhớ đến những câu thơ của Hữu Đạt: Mình anh đứng giữa sân trường/ Bâng khuâng nhặt chiếc lá bang trên tay (Đứng giữa sân trường).
Chỉ riêng ở phần thơ hoài niệm, Hữu Đạt cũng đã có những bài khiến người đọc phải dồn nén nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Xa rồi những núi đồi đầy trám sở, xa rồi cái thời đội mưa ướt sũng/ cùng nhau đi trên đường đất đỏ nhòe nhưng mỗi chúng tôi vẫn nhớ mãi: Có thời hoa pơ lang bạn hát/ Âm thanh đi dọc núi đồi/ Có thời tiếng vi ô lông réo rắt/ Đi trong mông mênh đát trời (Có thời). Đó là cái thời thầy trò đi lao động ở nông trường, vất vả nhưng lại rất thi vị và lãng mạn: Đêm bát ngát mùi hương hoa cỏ/ Bóng núi đồi nối tiếp cuối chân mây/ Con chồn nhỏ nép mình bên bờ suối/ Bỗng giật mình tiếng đập cánh dơi bay (Nhớ thầy)… Xa rồi! Xa rồi nhưng vẫn nhớ vẫn thương. Nhưng Nhớ quên là chuyện của đời/ Người ơi vẫn nhớ một thời bên nhau (Vẫn nhớ)!
Trong tập Thơ thiền và thơ hình họa tác giả đã dành mấy bài thơ tặng tôi - Hồng Hải - Người viết bài này. Thật vui và cảm động, nhưng nhân đây cũng xin lấy mấy câu thơ của Hữu Đạt để “tự thanh minh” cho mình:
Có thời sao ta trong trẻo thế
Không biết yêu mà chỉ mến nhau thôi (Có thời)
Giờ vẫn thế!
Gấp lại trang sách, trong lòng đọng bao cảm xúc.
Hà Nội, đầu năm 2019
Nguyễn Hồng Hải
Theo https://www.trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Du Tử Lê, Từ Công Phụng - Con dế buồn tự tử giữa đêm sương

Du Tử Lê, Từ Công Phụng Con dế buồn tự tử giữa đêm sương! Du Tử Lê viết bài thơ 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu vào năm một ngàn chín trăm sá...