Đã
mấy lần, tôi toan đi tìm đích xác nơi nào tuổi thơ nữ sĩ Anh Thơ đã ở, đã viết
những vần thơ đẹp, trong trẻo như những bức tranh phong cảnh đẹp mà dịu buồn.
Đấy là tập thơ “Bức tranh quê”, được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn, năm 1939,
khi nữ sĩ mới tròn 18 tuổi {Có nhiều tư liệu nói về năm sinh của Anh Thơ:
1918, 1919, nhưng chúng tôi lấy 1921,theo tập kỷ yếu “Nhà văn Việt Nam hiện đại”,
NXB Hội nhà văn, 1997}. Sau này, 1941, nhà xuất bản Đời Nay ấn hành và “Bức
tranh quê” tạo tiếng vang lớn trong bạn đọc.
Qua
sách báo đã viết về bà, qua nhiều câu chuyện kể, qua hồi ký bà viết, tôi hình
dung ra ngôi nhà tuổi thơ bà ở cùng bố mẹ, có vẻ đẹp trang nhã và bình yên. Hẳn
nó không phải là trang ấp, hay dinh thự gì quá to lớn, nhưng tôi tin là một
khuôn viên ấm cúng và nề nếp. Có thể không phải tòa ngang dãy dọc gì, nhưng
chắc là có nếp nhà ngói tươm tất, căn gác nhỏ, ngoài vườn có hàng cau, bên bể
nước mưa có cây ngâu, cây hoa hải đường và có thể có cả hoa tường
vi. Gia phong một công chức thời Tây, vừa phóng túng vừa chặt chẽ, nó chưa
thoát bỏ hoàn toàn nếp sống gia giáo phong kiến. Vì thế, nữ sĩ từng phải lén
lút viết những vần thơ vụng dại của mình. Những vần thơ đắm đuối, ngây ngất,
nhưng không mơ màng sướt mướt kiểu “chàng-nàng” mà báo chí thuở ấy thường
đăng tải. Sự đắm say nghiêng về cảnh trí thiên nhiên, về những con vật, như:
trâu bò, bướm, ong, ruồi... Rồi đến những bác nông dân đang buổi cày trưa, những
bà gánh hàng ra chợ sớm có thằng cu lõn tõn theo sau. Đấy là cảnh vật phơi phới,
tươi rói kề sát bên ngoài bờ rào bờ giậu khuôn viên nữ sĩ đang ở.
Có thể vì cánh cổng nhà luôn cài then, nên trái tim chộn rộn giàu tố chất thi
sĩ sớm phát tiết trong người con gái Vương Kiều Ân, tên thật của nữ sĩ, luôn
muốn vượt rào, vượt khuôn phép gia phong, vượt trên đời sống yên ả, đẹp mà
nhàm chán. Những vần thơ “Bức tranh quê” của Anh Thơ đã ra đời trong bối cảnh
bức bối và đầy khao khát giải phóng đó chăng?
Cũng
vì quý trọng phẩm chất thi sĩ đó, tôi hình dung ra con đường đầy cỏ ướt, nhà
thơ Nguyễn Bính vận bộ com lê trắng, đội mũ cát sáu múi đánh phấn trắng, dận
giầy tây trắng, xăng xái cuốc bộ tới thăm nữ sĩ. Chuyến tầu chợ đầu máy hơi
nước chạy than cổ lỗ, rền rĩ kéo còi vào ga Phủ Lạng Thương. Ấy là lúc nhà
thơ số một của đồng quê Việt Nam, cập rập cắp chiếc vỏ hộp bích
quy bằng sắt sơn xanh đỏ, bên trong chứa đầy những bức thư, những bài thơ
tình toan trao tặng người con gái tìm gặp. Có lẽ, trong buổi trao giải thưởng
Tự Lực Văn Đoàn năm trước, thi sĩ đồng quê “Lỡ bước sang ngang” đã bị những vần
thơ của “Bức tranh quê” bỏ bùa. Ông đã ngộ nhận rằng, những vần thơ của nữ sĩ
kia viết cho mình, tặng riêng mình. Vì thế, ông hăm hở đáp tầu từ tỉnh Nam
lên, tìm gặp nữ sĩ sông Thương? Cảm xúc thi sĩ có trời kiểm soát nổi. Rồi mối
tình mông lung, mơ hồ và rối ren kia đi đến đâu, cũng chả thần thánh nào phán
định trước được. Chỉ biết, sau cuộc hội ngộ không được bén duyên lắm, chàng
thi sĩ đồng quê lại lãng đãng cắp vỏ hộp bích quy bên trong chứa đầy những bức
thư, những bài thơ tình chưa kịp trao cho nàng, lại mộng du đi tới những miền
đất mê đắm và xa xăm khác.
Nghĩa
cử phục tài, trọng tài của lớp thi sĩ ngày ấy, hình như cao hơn lớp
trẻ viết lách bây giờ. Mà quả thật, “Bức tranh quê” ra đời ngày ấy, gây tiếng
vang lớn trong giới cầm bút. Chiếm được giải thưởng xứng đáng của cuộc thi
thơ do nhóm Tự Lực Văn Đoàn tổ chức, không phải dễ dàng. Con mắt của ban giám
khảo ngày đó cũng đầy tinh tường. Đó là các ông Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch
lam, Thế Lữ, Tú Mỡ... Có nhiều giải thưởng văn chương của nhiều tổ chức, tuy
có quảng bá ầm ĩ, nhưng các tác phẩm sớm mờ nhạt theo thời gian. Nhưng, những
giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn đã để dấu ấn đáng kể cho nền văn học nước nhà. Chả
biết cái ngày từ bến sông Thương về thủ đô nhận giải thưởng, cô gái mười tám
tuổi ấy đã nghĩ gì, cảm xúc ra sao? Chứ ba mươi tư năm sau, năm 1973, tại Trường
bồi dưỡng những người viết trẻ, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức tại Quảng Bá (Hà
Nội), khi chúng tôi may mắn được nghe bà tâm sự về sự kiện trọng đại đó, bà vẫn
rân rân xúc động. Có những giải thưởng làm thay đổi cuộc đời con người. Bà
ghi nhận như thế. Từ một cô gái bị khuôn phép, vụng trộm làm thơ trong bờ tường
gia đình, bà đã bước ra cuộc sống, hòa nhập vào đội ngũ những người cầm bút
chuyên nghiệp. Từ nhịp điệu sống tẻ nhạt nữ nhi quanh bếp núc tư gia, bà hăm
hở đi theo cách mạng, đi qua bao miền đất, hòa nhập cùng số phận của dân tộc
mình. Đề tài sáng tác đã mở ra nhiều hướng, đa diện. Tuy nhiên, miền đất quê
hương Phủ Lạng Thương vẫn là nỗi canh cánh của bà. Tiếng chim tu hú cứ kêu thổn
thức trên những chặng đường công tác. Tiếng chim tu hú, tiếng gọi của nhớ
thương, của tuổi trẻ bình yên, cứ nức nở trong tâm hồn nữ sĩ. Những câu thơ
như vọt ra nỗi nhớ.
Bỗng
tiếng chim tu hú
Đưa
từ vườn vải xa
Quả
bắt đầu chín lự
Ngọt
như nỗi nhớ nhà.
Rồi:
Cha
già thêm tóc bạc
Chống
gậy bước lên đồi
Thương
một mùa vải đỏ
Má
hồng con đang tươi.
(Tiếng
chim tu hú)
Tôi như cảm được
cái ngậm ngùi của người con gái dấn thân vào cuộc sống. Lại nhớ ba mươi bài
thơ, viết một mạch trong một tháng trời để kịp gửi về dự thi thơ dạo ấy. Thì
ra trong đời cầm bút của bất kể một nhà thơ nào, cũng có những thời khắc viết
như lên đồng, viết rất phiêu. Nghệ thuật đôi khi như sự phi lý, không dễ gì
lý giải. Có phải sức mạnh khao khát sống, khao khát muốn thoát khỏi cuộc sống
đẹp mà tẻ nhạt, hay có được sức thần bí nào đó trời đất ban phát? Nếu không
có giây phút phiêu thần kỳ, đố ai mà làm được những điều phi thường
như thế.
Bình
tĩnh đọc lại “Bức tranh quê”, ngoài tình yêu da diết với thiên nhiên, với con
người của miền quê tuổi thơ, người đọc sẽ cảm nhận được sự thèm khát bứt
phá sự sống trong cái khung cảnh hẹp và tù túng đó. Những câu thơ,
chứa chất nỗi niềm vùng vẫy, giải phóng. Ngay bài thơ “Chiều xuân” mở đầu của
thi phẩm “Bức tranh quê”, trong cái khung cảnh tưởng bình yên:
Mưa
đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò
biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán
tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên
chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Người đọc đã thấy có gì xáo động
không yên. Có phải những câu thơ vô tình Lũ cò con chốc chốc vụt bay
ra? Làm giật mình một cô nàng yếm thắm. Tôi cảm thấy, cái không
gian tưởng yên ả Trong đồng vắng xanh rờn và ướt lặng, đã chứa đựng
một cái gì xao xác, chuyển động ở bên trong rồi.
Trong một bài thơ khác
về xuân của Anh Thơ, bài “Đêm trăng xuân” cũng không dấu nổi cái bất thường
đang bùng nổ trong hồn vía người con gái trẻ. Giữa khung cảnh tươi
đẹp, bình yên, tưởng chừng như trói buộc:
Đồng
lặng lẽ sương mù buông bát ngát
Ao
âm thầm mây tới ngập mênh mang
Gió
im vắng tự tầng không man mác
Mưa
bay trăng nhè nhẹ dệt tơ vàng
Giữa khung cảnh Làng
xóm lặng say đi trong giấc ngát, nào ai hay hương hồng hương lý (hay trái
tim rạo rực của cô gái?) đã dậy miên man. nhưng có lẽ cái bất ngờ hơn,
khi sông nước thuyền im về đỗ ngủ, thì Bến bỗng nổi một nhịp cười
như rú. Để bao biện cho tiếng cười vụt hiện như rú, nữ sĩ đã khép bằng câu
thơ Sông rùng mình nước rợn bóng ma bơi. Tôi không tin có bóng ma nào ở
đây, mà nhận cảm, trái tim người con gái đang khát yêu, đã vụt ra những biểu
cảm bất thường. Tình yêu, đôi khi còn hơn ma quái. Tiếng cười như rú kia, nó
như nỗi niềm hứng khởi bất ngờ. Nó vừa hạnh phúc, vừa có cả những gì như hoảng
sợ. Thì ra, đằng sau bức tranh thanh bình của làng quê, nữ sĩ Anh Thơ đã
không dấu nỗi niềm khát yêu của mình.
“Bức
tranh quê” là khung cảnh đa âm, sống động của làng quê xứ Bắc một thời. Nó có
tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng cười, tiếng hát, vạt áo hoa lý hoa lan của
cô thôn nữ ngày hội, có tấm áo nâu đẫm mồ hôi của bác thợ cày; có con trâu,
con nghé, con lợn kêu eng éc, con bói cá trầm tư, con chuồn chuồn ớt bay bổng
bay chìm, có cả con ruồi, con nhặng vo ve. Trong cái không khí xáo động, ồn
ã, khấp khởi của làng quê trù phú, rạo rực, vội vã của ngày áp tết, nữ sĩ Anh
Thơ lại khắc họa rất ấn tượng với một lữ khách trên chuyến đò dọc với dáng vẻ
riêng, tâm trạng riêng Một lữ khách lạnh lùng ôm khăn gói/ Mắt mơ màng
theo tiếng pháo xa xa. Thì ra, thời buổi nào, con người cũng lắm nỗi niềm.
Người lữ khách lạnh lùng ôm khăn gói trên chuyến đò dọc, còn đi tới đâu, có bến
nào, mái nhà nào đón đợi không, khi làng xóm đôi bờ đã đì đùng pháo tết?
Không chỉ là cảm thông sự cô đơn với kẻ lữ khách, mà tôi ngờ rằng
chính nữ sĩ muốn nói cái giây phút cô đơn của chính mình, trong ngay cái tổ ấm
gia đình đề huề, yên ấm của mình. Với một tâm hồn yêu thương nồng ấm
con người, thì ai cũng vậy thôi, cũng sẽ có những giây phút cô quạnh với
chính mình. Nỗi cô đơn như nét chấm phá đẹp trên bức tranh thủy mạc.
Có
phải chính cái đề huề, ngăn nắp, quy cũ của một gia phong, có chịu ảnh hưởng
cả nền giáo dục nho học và tây học, muốn o ép, phong tỏa mọi con người trong
gia đình sống theo một khuôn mẫu, thì trái tim khát khao tự do, với
những ý nghĩ bất thường của người làm thơ, nên giữa các bài thơ như những bức
tranh kia, lại có những câu thơ tưởng chừng muốn bứt phá, quẫy đạp.
Lại
nhớ cảnh ngộ gò bó của một gia đình gia phong thuở ấy. Ấy là thời điểm nữ sĩ trẻ trung vừa được vinh hạnh nhận giải thơ “Bức tranh quê” của Tự
Lực Văn Đoàn, thì chàng sinh viên trường Luật mang hoa đến nhà xin gặp. Với
tác phong tân tiến tự tin của chàng sinh viên Luật, như không đúng chỗ, chàng
đã bị trả giá. Bà nội của nữ sĩ từ trong buồng ra, như hắt gáo nước lạnh vào
thẳng mặt chàng “Gia phong nhà tôi không cho trai gái tự do gặp mặt.
Nếu muốn lấy cháu tôi, phải về thưa bố mẹ có manh mối hẳn hoi, mang lễ đến dạm
ngõ cẩn thận, thì mới được thấy mặt cháu tôi!” Tôi cũng không hình dung nổi, nữ sĩ tuổi xuân khi ấy ngấp nghé trong cửa
buồng, ý nghĩ chộn rộn ra sao? Có thể cô gái Vương Kiều Ân khi ấy vừa muốn
tôn trọng cái lề lối của gia phong nhà mình, vừa muốn phá dỡ cái o ép, rào cản
vô hình đè nặng trái tim mình. Cứ đọc “Bức tranh quê” của nữ sĩ,
qua cái nhìn đẹp và đằm thắm, qua các câu thơ bất thần, hẳn ít nhiều giải mã
được đôi điều ấy.
Có
phải muốn thoát khỏi cái giam cầm, o ép, tù túng của gia phong như đã không hợp
thời, hay tâm hồn thơ mênh mang đã kéo nữ sĩ theo cách mạng. Từ bỏ cuộc sống
êm ấm, điền viên, dẫu chưa phải lầu son gác tía, không phải cành vàng lá ngọc,
nhưng người con gái đang độ tuổi xuân mơn mởn, chân yếu tay mềm, đã háo hức
theo chị theo em đi làm cách mạng. Tôi hình dung người con gái gập cất những
chiếc áo dài tân thời màu trắng, màu hoàng yến vào rương hòm, tháo đôi hài trắng,
vận lên mình chiếc áo cánh gụ, quần đen, đi dép cao su, khoác túi dết, nón lá
vồn vã chạy theo mấy chị đang chờ ngoài cửa, để hòa vào dòng người đang bừng
bừng khí thế đi giành độc lập tự do. Cách mạng là cuộc thay đổi. Từ một cô bé
nhút nhát trong nhà thêu thùa, may vá, nữ sĩ Anh Thơ đã hòa nhập xã hội, từng
làm Bí thư huyện Hội phụ nữ Việt yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng. Bà từng là
ủy viên thường vụ tỉnh Hội phụ nữ tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, khi còn rất trẻ.
Chính những ngả đường, những mảnh đất mới, và nhất là không khí cuộc sống mới
sục sôi đã hứng khởi, chắp cho tâm hồn thơ của bà bay cao, bay xa, vượt ngoài
giới hạn của bức tranh quê chật hẹp thuở nào. Sự nghiệp văn chương của bà
nâng lên tầm vóc mới. Kể chuyện Vũ Lăng (Truyện thơ, 1957), Theo
cánh chim câu (Thơ, 1960) là tiếng thơ yêu đời, biết vượt qua cái tôi bé
nhỏ, để hòa nhập vào cái ta rộng lớn. Với uy tín văn chương của bà,
ngay từ năm 1957, bà đã được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa
1, khóa 2. Những sáng tác mới, thêm khẳng định tài năng và bút lực
dồi dào của bà. Đảo ngọc (Thơ, 1964), Hoa dứa trắng (Thơ,
1967), Mùa xuân màu xanh (Thơ, 1974), Quê chồng (Thơ,
1979), Lệ sương (Thơ,1995). Qua bộ ba tập hồi ký (Từ bến sông
Thương, Tiếng chim tu hú, Bên dòng sông chia cắt) độc giả hiểu thêm cuộc đời
của bà, từng bước từng bước vượt lên mọi chông gai, gian khó. Đó là một tấm
gương của một tâm hồn thơ biết gắn bó và hòa quyện cùng số phận của nhân dân
và đất nước.
Nữ
sĩ Anh Thơ là một người luôn có tấm lòng yêu quý, dìu dắt thế hệ các cây bút
nữ sau mình. Các nhà thơ nữ sau bà, rồi đều thành danh, như Xuân Quỳnh, Ý
nhi, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ... luôn giữ nhiều kỷ niệm đẹp về bà,
coi bà như người chị cả ân cần, chu đáo cho nhiều lớp nhà thơ nữ quy tụ. Những
năm 1971-1975, bà về làm biên tập Tạp chí Tác phẩm mới, cùng các nhà thơ cự
phách, như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, đã góp phần xây dựng một
tạp chí văn chương sáng giá của Hội nhà văn Việt Nam một thời. Ngay cả khi tuổi
đã cao, nhưng bà vẫn ham đi thực tế, để mong câu thơ mình gắn liền với hơi thở
cuộc sống. Nhớ lại những năm chiến tranh phá hoại, với thân gái mảnh mai và
chiếc mũ rơm, bà đã nhiều lần theo các đơn vị bộ đội vào trận tuyến khu Bốn
khói lửa. Bà đã viết và từng đọc thơ bên mâm pháo ngoài công sự cho các chiến
sĩ. Con người thi sĩ cá nhân, bà như luôn muốn gắn bó với cái chung, với nhân
dân, đất nước. Tôi chưa có điều kiện để hỏi chuyện thời trẻ, bà
háo hức thoát ly khỏi nhà, theo cách mạng ra sao, nhưng cứ đọc lại những vần
thơ bà viết, tôi lại hình dung ra một vẻ đẹp thẳm sâu của một chặng đường tuổi
trẻ bà đã trải qua. Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn vải xa. Câu thơ
da diết của bà, phải chăng được viết ra khi người con gái của Hội phụ nữ xăng
xái đi sát phong trào. Cái vạt áo gụ, quần đen, dép cao su và túi dết vải,
tóc tết sam, vành nón trắng, đang sải bước trên những ngả đường bụi
đỏ Bắc Sơn, Lục Ngạn? Tiếng chim tu hú Ngọt như nỗi nhớ nhà. Cuộc cách mạng
nào chả gian khổ. Hẳn có những giây phút giữa chặng hành trình, chợt nhớ về
ngôi nhà yên ấm bên bờ sông Thương. Hình ảnh người cha lại thêm da diết Cha
già thêm tóc bạc/ Chống gậy bước lên đồi. Nhưng người đi biết vững lòng, bởi
hiểu người cha luôn thương yêu, dõi theo chặng hành trình của mình, thương
xót khi Má hồng con đang tươi.
Có
phải trời phú cho con người thơ có tâm hồn nồng hậu và lãng mạn, thì đường
duyên phận lại gánh nhiều đa đoan. Một người con gái xinh đẹp, một tâm hồn
tươi trẻ và đằm thắm, ấy mà đường tình duyên lại không suôn sẻ. Thời về học
Trường bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá, Hà Nội, chúng tôi có nhiều dịp được tiếp
xúc nữ sĩ Anh Thơ. Trong một không khí vui vẻ, mấy anh chị em trong lớp mạnh
dạn hỏi chuyện tình riêng tư thời trẻ của bà. Bà thật thà kể lại, có hai nhà
thơ từng quý mến bà. Chúng tôi hỏi, thi sĩ đồng quê si tình từng ôm vỏ hộp
bích quy chứa đầy những bức thư tình, thơ tình có ướp hoa bưởi,
hoa chanh từng nhảy tàu hỏa từ thành Nam lên ga Phủ Lạng Thương để gặp bà ra
sao? Thi sĩ đồng quê đã đọc, đã tặng bà những bài thơ nào? Bà không nói,
mà xúc động khi kể lái sang chuyện thi sĩ “ông hoàng của thơ
tình” Yêu, là chết ở trong lòng một ít cũng rất nhiều cảm tình với
mình. Đương nhiên, thi sĩ yêu là chết kia, đang thời kỳ nổi danh
như sao băng, ăn vận lịch sự, mái tóc xoăn bồng bềnh, và những câu thơ như bỏ
bùa người nghe, hỏi nữ sĩ trẻ trung nào chả xiêu lòng?!
Một
bữa, nhà thơ Xuân Diệu có đến lớp học. Giờ phút giải lao, nhiều anh em vì
trân quý mà tò mò hỏi, rằng thời trai trẻ, thi sĩ yêu là chết có
phải từng mê đắm nữ sĩ “Bức tranh quê” không? Và nữ sĩ “Bức tranh quê” cũng
mê ngây ngất thi sĩ yêu là chết? Lại còn nghe thi sĩ có viết
thư gửi nữ sĩ, thôi đừng yêu nhau, vì lấy nhau không hạnh phúc
đâu?! Câu chuyện thực thực hư hư, chả rõ đầu đuôi ra sao. Đã vậy, chuyện đã
lùi xa mấy chục năm rồi. Nhà thơ Xuân Diệu khi ấy không trả lời, chỉ nhắc gọng
kính lấy khăn mùi xoa thoảng hương nước hoa Pháp, ông lau mắt
kính, lắc lắc mái tóc xoăn bồng bềnh. Tôi thấy ông chớp chớp mắt.
Chuyện
đời tư của mỗi con người, nhất là những người nổi tiếng, thường còn chìm khuất
rất nhiều bí ẩn. Ba tài thơ đình đám một thời của nền văn chương nước ta, nay
đã là người thiên cổ. Nhưng dư ba về họ, là những vĩ thanh đẹp bất tận. Bởi họ
là những con người kiệt xuất trong một thời đoạn, mà anh em chúng tôi vẫn nói
vui, đó là thời hoàng kim của văn chương nước nhà, mà các thi sĩ, nữ sĩ ấy,
là một thế hệ vàng, về sau khó có được. Với tài năng, với tư cách, với sự
đóng góp văn chương cho đất nước, họ xứng đáng được hưởng niềm yêu quý của
nhân dân. Họ là các nhà thơ của nhân dân. Nhà nước, đã vinh danh họ cao nhất,
trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Người
nghệ sĩ chân chính, luôn biết dành hết tâm lực của mình dâng hiến cho quê
hương mình, nhân dân mình. Nữ sĩ Anh Thơ khi cuối đời, đã có nghĩa cử rất
đáng trân trọng. Tuy tài sản của bà rất nhỏ nhoi, trước khi chết, bà có viết
di chúc với tâm nguyện, dành số tiền bán ngôi nhà nhỏ bé của mình, lập quỹ “Hỗ
trợ văn học Anh Thơ”. Với mục đích bồi dưỡng, tạo điều kiện hỗ trợ cho các
cây bút trẻ, nhất là các tác giả nữ có triển vọng. Thời gian qua, ba tác giả
trẻ, đã được Quỹ hỗ trợ văn học Anh Thơ tài trợ in sách. Đó là ba tập thơ
“Tôi đã lớn” của Trương Quế Chi, “Mắt giấy” của Nguyệt Phạm, “Thơ Chinh Lê” của
Nguyễn Hữu Hồng Minh. Giữa thời buổi vật chất lên ngôi, xã hội rất
đau đầu vì rất nhiều quan chức tham ô hàng nghìn tỉ đồng của nhân dân, họ còn
vơ vét hàng trăm tỷ đồng, về xây dinh thự, biệt phủ cho riêng mình. Thì chúng
tôi càng thấy, số tiền nhỏ nhoi tích cóp bằng mồ hôi công sức của
nhà thơ Anh Thơ, sẵn sàng dành để chăm sóc thế hệ sau mình, càng
thêm to lớn và vô cùng giá trị.
Một
ngày xuân mưa lay phay, mấy anh chị em chúng tôi ngược Bắc Giang về thăm mộ nữ
sĩ Anh Thơ. Chuyến đi ý nghĩa này, là do nhà thơ Cẩm Thơ về nước, khởi xướng.
Sinh thời, nữ sĩ Anh Thơ nhận nuôi Cẩm Thơ từ nhỏ, chăm sóc cho ăn học. Cẩm
Thơ trở thành một hiện tượng thơ trẻ em, cùng thời “thần đồng thơ” Trần Đăng
Khoa. Cẩm Thơ hiện là một nhà nghiên cứu văn học, văn hóa có danh vị bên nước
Pháp. Chuyến về nước kỳ trước, Cẩm Thơ đã dụng công tu tạo phần mộ ba mẹ nuôi
mình, là nữ sĩ Anh Thơ và bác sĩ Bùi Viên Dinh, rất đàng hoàng tại nghĩa
trang Bắc Giang. Cẩm Thơ kể lại, nguyện vọng của bố mẹ, là được trở về yên
nghỉ trên mảnh đất sông Thương quen thuộc. Chuyến đi bữa ấy, có các nhà thơ
Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn. Khi xe sắp qua cầu sông
Thương, tôi chỉ cho mấy anh em con sông từng vào thơ ca phía trước mặt. Con
sông thơ mộng “nước chảy đôi dòng” từng vào nhiều câu thơ, khúc
hát, nay nằm trơ cạn, đục ngầu ô nhiễm. Bóng dáng tre pheo đôi bờ đâu còn nữa.
Chỉ thấy các nhà máy, xí nghiệp và mấy lò gạch thủ công đang nghi
ngút thả lên trời những đám khói đậm đặc. Khu nghĩa trang Bắc Giang nằm bên
kia dòng sông Thương. May mắn nơi đây, xóm mạc vẫn còn đôi nét hoang sơ,
thanh bình thuở xưa. Đâu đó, còn thấp thoáng chòm xoan hoa tím rụng tơi
bời. Biết tin đoàn anh chị em chúng tôi từ Hà Nội lên, mấy anh em làm văn viết
thơ làm nhạc của Hội văn học nghệ thuật Bắc Giang cũng có mặt.
Khi chúng tôi lặng lẽ đặt những bông hoa và thắp những nén thương
thành kính trên mộ nữ sĩ Anh Thơ, trời đang mưa như câu
thơ thuở nào Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng, bỗng
quay hửng nắng. Tâm trí chúng tôi khi ấy chộn rộn vô cùng. Ý nghĩ miên man
trong tôi. Một người nữ tài danh lớn lên bên bờ sông Thương, giã từ mảnh đất
sông Thương, để đi tới rộng dài đất nước, để viết những vần thơ ca ngợi con
người và đất nước bằng tình yêu đằm thắm của mình. Một con người đã dành cả
tâm lực cho quê hương, đất nước. Khi yên nghỉ, lại lặng lẽ, bình dị
về nằm trên mảnh đất bên bờ sông Thương thanh bình. Mùa vải chưa tới,
sao tôi như chợt nghe thấy tiếng chim tu hú khắc khoải vọng về đâu
đây Bỗng tiếng chim tu hú/ Đưa từ vườn vải xa...
Tháng 1-2018
Vũ Từ Trang
Theo https://www.trieuxuan.info/
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét