Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Những sợi tình lên men

Những sợi tình lên men
Nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai là người Việt nhưng sống và làm việc tại Nhật, chịu ảnh hưởng chi phối của văn hóa Nhật, tâm tình Nhật. Ấy thế, ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tuyết Mai vẫn thấm đẫm nhuộm sắc Việt. Đây là giá trị tâm hồn của một người, một nhà thơ biết tôn vinh vẻ đẹp thơ Việt và ngôn ngữ Việt, một người con xa sứ luôn hướng về cội nguồn, người đó có tâm hồn đẹp, người có  tâm hồn đẹp thì ngôn ngữ thơ cũng tự nhiên đẹp, người đời bảo “hữu xạ tự nhiên hương” ý là vậy. 
Quan niệm về “hạnh phúc” thẩm lọc qua đôi mắt, tâm hồn ở một người từng trải, hiểu người và hiểu đời, biết và trân trọng giá trị “cho và nhận” bởi đời người mong manh, ngắn ngủi lắm.
“Đời người sống được mấy gang
Thôi đừng tuyết phất dọc ngang... đông buồn...” (trong Chông chênh đông buồn)
hay:
“Thả trôi cho hết vò vày
Cột lòng cho chặt, đắng cay trả trời...” (trong bài Trả trời đắng cay)
và đây nữa:
“Buồn vui cũng một kiếp người
Cầm đàn mà gảy nốt môi bập bùng” (trong Tháng ba lấp lánh hoa xoan)
Dĩ nhiên, hạnh phúc là cho và nhận. Khi cho và nhận cùng chung sợi tình nồng thắm, khi đó hạnh phúc thăng hoa viên mãn. “Sợi tình nồng thắm đó” đồng hành xuyên xuốt quan niệm về mối tương quan giữa người với người để sao cho những giá trị “trao đổi” không chỉ cho kết quả “tương đương, bằng nhau” như trong toán học mà kết quả, niềm vui, hạnh phúc đó được nhân bội lên trong mắt người, mắt ta và gieo niềm tin yêu cho những người xung quanh. Cũng bởi vậy mà rất nhiều bài thơ trong tập thơ mang hàm ý sâu sa đó. Bài thơ có tiêu đề cùng tên với tập thơ là ví dụ điển hình.
“Hũ tình ta uống quanh năm...
Mây vầng ép chặt thinh không
Gió trời ngồn ngộn, phập phồng ngực cây
Hũ tình đâu chỉ ta say
Ngoài kia thác dội, cối chày bập bung...” (trong Hũ tình ta uống)
Rất nhiều người định nghĩa tình uyên ương, lứa đôi. Những nhận định mang tính chất "của nhà trồng được" tức con mắt người nhận định được nhãn mãn còn vùng cảm nhận đã “bao bọc” màng cảm thấu, nên những cảm nhận đã “tự khế ước” tính  chủ quan, cái tôi lộ rõ, khi đó “ưu điểm khách quan” đã bị “bào mòn, lõm khuyết”. Cũng có thể những nhận định đúc rút từ những sự vật hiện tượng mà chủ thể nhận định bắt gặp, sàng lọc, tinh lọc ra "bàn tiệc" ngôn ngữ. Còn nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai luôn hóa thân đồng cảm với “cảnh và tình” nên rất khéo léo trong việc “dịch hóa những tín hiệu, mật mã tình đời” bằng ngôn ngữ thơ... tuy nhiên, ở “Hũ tình ta uống” đôi lúc nhà thơ đã nhập vai “tròn quá” nên có lúc "thẳng thừng" chưng bày bức tranh đa màu tầng tầng, ý ý sau tấm rèm ngỡ chỉ màu hồng viên mãn mà còn ngổn ngang chất chồng những suy tư, trăn trở, âu lo và đôi chút hụt hẫng... Cái “tuy nhiên” đó không làm mất đi vẻ đẹp của thơ mà còn cộng hưởng cho bức tranh “thơ và đời” đầy đủ, đa thanh nhiều vị, gam màu thêm phong phú, bức tranh thêm màu “nóng” và khi đó dụ ý thơ đẹp, tròn  hơn. Ta nói thêm: Cảm giác đôi uyên ương yêu và được yêu là cảm giác hạnh phúc. "Cái cảm giác hạnh phúc và bình yên nhất chính là được ôm trọn người mình yêu vào buổi tối và nhìn thấy họ đầu tiên vào buổi sáng” (trong câu nói hay về hạnh phúc). Ở “Hũ tình ta uống” có những giận hờn, nuối tiếc.
“Trách ông trời sao máy móc dập khuôn
Chẳng se duyên cho đôi mình gần gựa
Cách xa hoài, tình râm ran bốc lửa
Đói khát nhau thiếu một nửa không tròn.” (trong bài Sao chẳng ở gần)
Cái tình trong “Hũ tình ta uống” lúc như nắng vàng óng ả kiêu sa, kiều diễm, hút hồn. Lúc như bão gió phong ba hờn dỗi giận hờn muốn đi tận cùng của yêu... và ý nghĩa nhân văn, vẻ đẹp thẩm mĩ của “Hũ tình ta uống” là: "trên đường tình êm đềm như mặt sông đứng gió, hay ào ạt xô bờ như sóng ngày biển động thì cái đích cuối mà nhân vật trữ tình trong thơ hay bất kể cá nhân người trong cuộc sống đều hướng tới, mong “lĩnh, hưởng trọn dư vị tình yêu, hạnh phúc đong đầy"
“Câu thơ bùa chú ta mơ nhau cùng...” (trong Giọt thương)
Hay:
“Mùa yêu về lung liêng, mê mẩn đất trời
Nồng ấm vuốt từng vồng, từng bụi
Bao đêm ngày từng đan tình cặm cụi
Ngắm nây nây, mình sáng phấn nụ tươi.
Em là thế, anh ơi em là thế!” (trong Em là thế)
Tình yêu trong “Hũ tình ta uống” của Tuyết Mai phần lớn như dòng sông chín đỏ phù sa ửng hồng, rạo rực, cuộn trào xối xả. Chỉ thi thoảng tình yêu đó ma mị như "ma trận" trong toán học nhiều phương trình, nhiều căn bậc thứ hàm. Để "giải" "phương trình tình" đó không hề dễ, ngoài việc thấu hiểu còn phải cẩn thận, tinh tế tránh bỏ sót, đánh rơi những "dụ ý thơm thảo" trong ngôn ngữ tình độc đáo của Tuyết Mai. Và chính ưu điểm một hồn thơ “thật thà và nổi loạn”, một Nguyễn Tuyết Mai cuồng say mà thủy chung son sắc, một nhân vật trữ tình “dám yêu và dâng hiến”
“Em và anh bện lả lơi dây tình...” (trong Mùa ngâu bện tình)
“Anh và em cũng như bao nhiêu người, chúng ta yêu nhau lúc khóc, khi cười
Và sẻ chia buồn vui khó nhọc.
Như cuộc đời này, cỏ cây trong thiên nhiên tự mọc
Đơm hoa tươi, rồi tỏa ngát hương nồng.
Em và anh - tuy hai mà một, chung con thuyền, ta về bến tênh tênh...”(trong Ta với mình)
hay trong “Xông xênh kỷ hợi” nhà thơ viết:
“Vòng ôm thít chặt tình đôi
Chuông lòng thánh thót hai người niệm yêu”
 
Trong “Hũ tình ta uống”, nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai sử dụng nhiều thể thơ: thể thơ tự do, lục bát, thất ngôn bát cú, thể luật đường, đường thi... đã làm cho “Hũ tình ta uống” phong phú luận điệu thơ, hoạt cảnh thơ và cung bậc cảm xúc thơ được đa dạng, đa sắc. Ngôn ngữ thơ lúc bộc trực hân hoan, lúc ẩn ý sâu  sắc, lúc khúc triết luận lý và nhiều khi "phổ" ngôn ngữ chiêm nghiệm tâm linh phỏng đoán... để đích cuối cùng của cái tài sử dụng hình thức ngôn ngữ phong phú đó là lời thơ rất thi thơ, chất thi sĩ vàng óng như hương cốm vào mùa”
“Bện hai cái nhớ xoắn thành tình ta
Ngực đêm chỉ chực vỡ òa” (trong Nhớ gọi tên rồi)

Trong “Hũ tình ta uống” có hai yếu tố quan trọng không thể thiếu. Đó là nhân vật  “anh và thơ”. “Anh” là cảm xúc, sự sống cho “thơ” được khai sinh, tồn tại và dường như nhân vật trữ tình chỉ sống được nhờ “thơ và anh”. Có “anh và thơ” nhân vật trữ tình mới nói cười, hát ca, giận hờn...hạnh phúc.
“Em nuôi nụ cười bằng cảm xúc yêu anh...
Khép mỹ miều, chọn vui sống cùng thơ” (trong Mặc đời cát bụi)
Hay:
“Mãi buồn, vịn chặt vào thơ
Vần gieo chếnh choáng, mắt mờ mỏi mong” (trong bài Buồn)
Từ "hũ" trong "Hũ tình ta uống" mang hơi hướng cũ. Trong cuộc sống dân gian trước, thường tích trữ đồ ăn, của cải. Người bình dân dùng hũ đựng nước, muối cá, cà, ủ mắm, ủ tương... những phú quan, nhà giàu sang chảnh nhiều của cải, nhiều tiền thường có hũ vàng, hũ bạc... "hũ" để tích trữ "ăn dần, dùng dần, tiêu dần,". Nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai dùng từ "hũ" trong "Hũ tình", có phải chăng ngầm hiểu "những ngọt ngào đắng, cay, chát, chua như một sự "tích trữ", một sự bồi đắp "thặng dư" của cuộc sống đem lại đã “lên men”, đã đến lúc được hưởng, đã đến “thời cơ”, thời gian thảnh thơi, nhàn dỗi, an nhàn chỉ việc an hưởng... giờ chỉ việc... “uống”. Dùng “từ cũ” nhưng lại nói cho cái mới, cho cuộc sống mới “không có gì tự nhiên có, cuộc sống là trải nghiệm và tích trữ. Có ngày mai là bắt nguồn từ hôm nay, có hôm nay không thể thiếu hôm qua và ngược lại”. Và nhan đề của tập thơ giống chiếc áo khít đóng dụ ý này chăng?!
Tập thơ “Hũ tình ta uống” là một tập thơ tình. Những sợi dây tình đã lên mem và ngôn ngữ tình sóng sánh trong “Hũ” . Nhân vật trữ tình “uống”, “uống tình” dĩ nhiên sẽ say. Say vì “Hũ tình” say về tình đời, say bởi người thương... nhưng có những điều bất ngờ “nhiều khi càng uống càng tỉnh, uống rượu tỉnh rượu, uống tình tỉnh tình”... nhưng chân chính “cố định, bất di, bất dịch” hơn cả  có những điều: uống cho say hay uống cho tỉnh thì “cái tình trong Hũ tình ta uống” luôn đong đầy và người uống tình đó là người hạnh phúc.
Hà Nội, tháng 6 năm 2019
Nguyễn Thanh Huyền
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bỏ bùa - Truyện ngắn Phan Mai Hương Đón cốc nước chè của một cô bé gầy gò, đen sắt, trên mặt đầy tàn nhang, dáng vẻ nhanh nhảu và láu lỉ...