Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Chất thơ trong ca từ của nhạc sĩ Phùng Chiến

Chất thơ trong ca từ 
của nhạc sĩ Phùng Chiến
Âm nhạc và thơ có mối quan hệ rất khăng khít. Thưở ban đầu, âm nhạc và thơ cùng tồn tại trong ca dao. Khi mới ra đời, ca dao chính là thơ ca dân gian truyền miệng dưới hình thức những câu hát. Điều này được minh chứng rất rõ trong dân ca. Lời bài Cây trúc xinh trong quan họ Bắc Ninh, lược đi những “tang tình”, những “qua lối nọ” sẽ hiện ra cặp thơ lục bát hoàn chỉnh:
Trúc xinh trúc mọc bên đình
Chị hai xinh, đứng một mình càng xinh.
Trong bài Trống cơm, lược đi những “tình bằng” những “ấy mấy” và những từ thêm thắt khác, sẽ còn lại câu thơ:
Trống cơm khéo vỗ nên vông
Một đàn con xít lội sông đi tìm
Thương ai con mắt lim dim
Một đàn con nhện đi tìm giăng tơ.
Tách phần lời ra khỏi các làn điệu của Dân ca Mông, sẽ có những bài thơ như nhà nghiên cứu sưu tầm Doãn Thanh đã công bố. Phần lời của các bài Vươn Giáy chính là những bài thơ khá đặc sắc đã được các tác giả Thèn Sèn, Lù Dín Siềng, Sần Cháng và Lò Ngân Sủn sưu tầm và đã được xuất bản. Những bài thơ ấy là mạch nguồn để nhà thơ Lò Ngân Sủn khai thác, tiếp thu và phát triển rất thành công. Với dân ca các dân tộc khác cũng tương tự như thế.
Những làn điệu bổng trầm, ngân nga chắp cánh cho ngôn ngữ gửi gắm tình cảm, vượt qua không gian và thời gian để đến với đối tượng riêng hoặc chung, để rồi lưu truyền trong cộng đồng. Trong lịch sử phát triển của loài người, âm nhạc và thơ tách dần ra thành hai loại hình nghệ thuật thì thơ và ca vẫn gắn bó rất hữu cơ như một mối duyên khăng khít. Trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ. Nhạc điệu bên trong và vần điệu là một trong những thuộc tính của nghệ thuật thơ. Trong ca khúc, chất thơ của ca từ là một yếu tố quan trọng để giai điệu âm nhạc phát huy hiệu quả.
Chất thơ thể hiện ở tứ thơ, ở ngôn ngữ dồn nén, hàm súc cô đọng, ở hình ảnh và các biện pháp tu từ. Nhiều ca khúc dùng thơ phổ nhạc, phổ hoàn toàn lời thơ hoặc có thêm bớt, nâng cao. Việc đặt lời mới phổ vào các làn điệu dân ca cũng thể hiện mối quan hệ khăng khít nói trên.
Trong những sáng tác của mình, nhạc sĩ Phùng Chiến có những ca khúc dùng thơ phổ nhạc, có những ca khúc anh tự sáng tác lời cho giai điệu. Trong những ca khúc phổ thơ, anh chọn những bài thơ có tứ thơ và có nghệ thuật ngôn từ gợi cảm. Khi thì tứ của bài thơ gợi cảm xúc cho anh. Có khi bài thơ đóng vai trò gợi mở để rồi hình thành một tứ mới cho giai điệu cất cánh. Có khi sự gợi mở lại chỉ bắt đầu từ một hai câu thơ trong bài thơ. Dù trường hợp nào, ca khúc với thơ vẫn có sự gắn bó như một mối duyên tình. Với những ca khúc phổ thơ, ngoài sự thêm bớt theo yêu cầu của giai điệu, anh còn dày công chọn lựa, bổ sung, nâng cao, làm cho chất thơ đằm thắm hơn, hòa quyện, giao thoa với giai điệu mà suy tư và cảm xúc mạnh mẽ đã đem lại cho anh.
Từ bài thơ Sa Pa của Lý Seo Chúng ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất thơ mộng, Phùng Chiến bắt gặp câu thơ:
 Sa Pa nơi trời cao, đất cao...
... Mùa thu dịu dàng như vầng trăng...
Anh phát triển thành tứ mới: Xứ sở tình yêu. Sau những lời thơ mô tả, phát triển cái ý “nơi trời cao và núi cao” và “mùa thu dịu dàng như vầng trăng” là đến những câu thơ anh phát triển và nâng cao, nhập vào giai điệu chuyển sang cao trào:
Em đến từ làng nào?/ Anh đến từ bản nào?
Mà lời hát da diết/ Mà kèn vang tha thiết
Lời hát và tiếng kèn/ Như cháy lên ngọn lửa
Lửa tình đêm hoang dã/ Lửa cháy đêm hoang dã
Sa Pa của chúng mình/ Sa Pa nơi hẹn hò
Xứ sở của tình yêu!
(Xứ sở của tình yêu)
Với mức độ sử dụng, chọn tỉa hay tựa vào thơ để phát triển, khi Phùng Chiến phổ thơ vào nhạc đều có cách thức để gìn giữ và nâng cao chất thơ như thế.
Hầu hết những ca khúc mà ca từ hoàn toàn do anh sáng tạo đều có chất thơ rất đậm nét. Bài viết này xin đi sâu vào chất thơ trong ca từ của những ca khúc này của nhạc sĩ Phùng Chiến.
Trước hết, mỗi ca từ trong ca khúc của Phùng Chiến đều có tứ thơ và là các tứ thơ hay, truyền cho người nghe sự đồng cảm sâu sắc. Tứ thơ là hồn cốt của bài thơ, của ca từ. Người nghệ sĩ phải vận dụng cùng lúc các khả năng: cảm xúc, suy ngẫm, liên tưởng. Các khả năng ấy nhập thân vào hình tượng cụ thể tạo nên tứ thơ. Từ một hiện tượng bình thường, ba khả năng ấy phát hiện ra cái bất ngờ, mang ý nghĩa mỹ cảm sâu sắc, chính là tứ thơ. Tứ thơ là tiêu điểm nghệ thuật, là hồn cốt trung tâm tỏa ra toàn bài. Tứ gọi lời, gọi vần điệu, gọi hình ảnh. Nhà thơ Xuân Diệu viết: “Lao động thơ trước hết là kiếm tứ, làm thơ khó nhất là tìm tứ”. Nhạc sĩ Phùng Chiến đã lao tâm khổ tứ để tìm kiếm giai điệu và để tìm kiếm tứ trong ca từ. Và giai điệu cùng tứ thơ đã đến với anh, là kết quả của lao động trí tuệ và cảm xúc được hình thành âm ỉ bao lâu để rồi hiện về như thể bất chợt, như thể “ trời cho”.
Sa Pa ở độ cao 1500 mét, núi cao chạm mây trời, mây sà xuống núi. Ấy là sự thường hiển hiện, ai đến Sa Pa cũng thấy. Nhưng cảm xúc, suy ngẫm và liên tưởng đã đem đến cho anh cái tứ: Sa Pa nơi đất trời gặp gỡ, nơi âm dương giao hòa. Từ cái tứ đất trời, âm dương giao hòa ấy, anh liên tiếp có các cặp hình ảnh: Con người và hoa trái; sương và lối phố; tiếng khèn chàng trai và tiếng đàn môi cô gái, mặt trời và má em; phố và mây. Từng cặp từng cặp cứ sóng đôi, hòa quyện quấn quýt. Đất gặp trời, trai gái gặp nhau, âm dương giao hòa, tình yêu con người lớn lao biết nhường nào! Chính cái tứ này là hồn cốt cùng với giai điệu âm nhạc tạo nên sức hấp dẫn của ca khúc.
Hát về Mường Hum, Nguyễn Tài Tuệ tìm được cái tứ suối Mường Hum chảy mãi. Phùng Chiến có được cái tứ chiều Mường Hum. Trong sáng tạo văn học - nghệ thuật xưa và nay, thời điểm đem lại cảm xúc trước cảnh vật và cuộc sống thường là buổi bình minh, buổi chiều và đêm. Phùng Chiến cảm xúc trước buổi chiều phố núi, khi đã kết thúc hoạt động của một ngày, cảnh vật và con người chuyển tiếp từ ngày sang đêm, với những màu sắc, những hình ảnh gợi tâm trạng bâng khuâng. Chiều hôm đã là thi tứ trong thơ ca cổ điển và thơ ca hiện đại với nhiều bài thơ bất hủ. Phùng Chiến có thi tứ cho ca từ của bản nhạc trữ tình gắn với không gian cảnh vật và con người khi chiều về nơi phố núi, và anh đã thành công. Thi tứ ấy đã làm cho ca từ trong Chiều Mường Hum rất giàu chất thơ.
Hoa phong lan đẹp, mọi người đều thấy vẻ đẹp của loài hoa này. Với con mắt nhạc sĩ - thi sĩ, Phùng Chiến ngẫm ngợi và liên tưởng đến những gì sâu xa hơn. Anh có thi tứ cho ca khúc Phong lan rừng, thi tứ về một vẻ đẹp gắn với những điều tiềm ẩn sau những cánh hoa và sắc màu của loài hoa lẩn khuất trong núi, gợi nghĩ đến vẻ đẹp thanh tao thầm lặng của những cô gái sơn cước và liên tưởng ra rộng hơn. Thi tứ ấy được diễn đạt bằng những hình ảnh gợi sự nghĩ suy đồng cảm, man mác, sâu lắng và giai điệu chở nó cũng man mác sâu lắng như thế.
Dòng sông Chảy như cái tên của nó có dòng chảy mạnh mẽ, qua địa phận Lào Cai là đoạn thượng lưu càng cuộn chảy mạnh mẽ hơn. Điều ấy không lạ với mọi người. Nhưng nhìn dòng sông cuộn chảy, Phùng Chiến suy ngẫm và liên tưởng về không gian và thời gian, liên tưởng sức mạnh thần linh và sức mạnh con người, anh hình thành thi tứ khát vọng Sông Chảy - khát vọng của thiên nhiên và khát vọng của con người. Chính thi tứ ấy tạo nên lời ca cho bản nhạc mang tính hùng ca, một bài ca về sự khát vọng và sức mạnh con người biến khát vọng thành hiện thực...
Như trên đã nói, tứ thơ gọi lời, gọi vần điệu và gọi hình ảnh. Nắm bắt được tứ thơ, nắm bắt được hồn cốt trung tâm của ca từ, Phùng Chiến đã dụng công chọn từ ngữ, nhạc điệu và hình ảnh, làm cho tứ thơ tỏa sáng lấp lánh. Anh hay dùng từ láy, có ca khúc, mật độ từ láy rất cao. Từ láy  làm cho ngôn ngữ Việt có ngữ điệu uyển chuyển do cách láy âm láy vần của nó, làm cho sự vật trở nên sống động, nói mà luyến láy như hát, càng phục vụ rất đắc lực cho âm nhạc. Cả đoạn đầu của ca khúc Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời liên tiếp những từ láy:
Bồng bềnh bồng bềnh mây trắng
Thấp thoáng lô nhô rừng cây
Trong xanh long lanh dòng suối
Dập dìu sắc màu chợ phiên.
... Xốn xang nhịp váy đung đưa...
Tất cả đều động đậy, rạo rực đón nhận sự giao hòa trời đất.
Người nghe gặp nhiều câu hỏi tu từ trong ca từ của Phùng Chiến. Hỏi đấy, nhưng không phải hỏi để chờ đợi câu trả lời, mà hỏi để khẳng định, hơn thế nữa, hỏi để gợi mở suy ngẫm, tạo sự bâng khuâng. Câu khẳng định thì đóng đinh nội dung thông tin trong tâm trí người nghe. Câu hỏi tu từ không chỉ khẳng định mà còn tạo sự nghĩ suy đồng cảm, mở ra sự lay động man mác, là sự khẳng định ở trạng thái mở.
Hẹn gặp ai mà sao vui thế?
Tiếng đàn môi em nói điều gì?
(Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời)
Cơn gió nào đưa em đến?
Áng mây nào đưa em sang?
(Cánh còn cầu duyên)
Tình em như thế ai mà chẳng say?
Tình quê như thế quên sao được người ơi?
(Một thoáng Lai Châu)
Trong ca dao trữ tình thường gặp từ “ ai” phiếm chỉ, chẳng hạn:
- Nhớ ai bổi hổi bồi hồi...
- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ...
Ta cũng gặp nhiều lần nhạc sĩ Phùng Chiến dùng từ “ai” phiếm chỉ làm đậm thêm chất trữ tình trong ca từ:
Vô tư em cười - Xao động lòng ai.
(Phong lan rừng)
Ai đó chưa về ngẩn ngơ đứng chờ ai.
(Chiều Mường Hum)
Vấn vương bao tình - Ai về cùng Sa Pa.
Đắm say bao tình - Ai về cùng Sa Pa.
(Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời)
Có khi là từ “người" phiếm chỉ:
Có người xuống chợ say quên lối về...
(Mường Khương quê tôi)
Phùng Chiến khá kỳ công trong việc chọn từ ngữ hình ảnh. “Sa Pa chiều nghiêng huyền thoại”. Tả cái nghiêng của núi, cái nghiêng của nắng chiều thì rõ rồi. Nhưng “chiều nghiêng huyền thoại” còn là cái nghiêng của sự đắm say trước cái đẹp. Tôi nhớ đến hình ảnh “núi nghiêng” trong bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ Tạ Hữu Yên bày tỏ cảm xúc trước vẻ đẹp của thiếu nữ Mông  Sa Pa:
Em như nụ ấy như hoa ấy
Váy xòe mềm mại nét hoa văn
Đôi mắt em nhìn tình đến vậy
Núi cũng nghiêng rồi huống nữa anh!
Tập trung làm cho cái tứ của mỗi ca từ trở nên lung linh tỏa sáng, Phùng Chiến có sự quan sát và chọn lọc hình ảnh tinh tế, tạo được những câu thơ gợi cảm:
Kìa những nhịp cầu bắc qua sông Chảy
Lấp lóa lưng trần em tắm bên sông.
(Cảm xúc Phố Ràng)
Bốn câu sau đây khá bất ngờ:
Rượu em mời
Anh say lời em hát
Vai chen vai bát ngát
Tình đầy đêm xoang.
(Đak Nông âm vang mùa cồng chiêng)
Rượu em mời, anh say rượu là sự thường, nhưng anh lại “say lời em hát” kia. “Vai chen vai bát ngát”, khá mới lạ! Và câu cuối: “Tình đầy đêm xoang”, rất hàm xúc, rất thơ!
Một thoáng Lai Châu, nhưng thực ra chẳng hề một thoáng, bởi ca từ của ca khúc này có những câu thơ mang hình ảnh rất đậm nét:
... Nhớ dòng Nậm Na quanh năm trong mát
Soi bóng nhà sàn thấp thoáng sườn non
... Hội Then Kin Pang Mường So té nước
 Lóng lánh miệng cười áo cóm tròn căng
... Ngọt ngào câu khắp nâng chén em mời
Tình em như thế ai mà chẳng say.
(Một thoáng Lai Châu)
Tách ra khỏi giai điệu, phần lời của ca khúc Chiều Mường Hum là một bài thơ có thể đứng độc lập, tự khẳng định theo đặc trưng thơ ca, có tứ, có nhạc điệu và hình ảnh miêu tả vừa gợi sự liên tưởng, điều mà không phải ca từ của ca khúc nào cũng có thể đạt tới:
Bản núi chiều xuống dịu dàng nắng lung linh
Vẳng tiếng kèn rung lòng những bâng khuâng
Chiều về Mường Hum lấp lánh suối ngàn
Êm trôi trong xanh lượn quanh phố núi
Chiều rồi chợ tan
Ai đó chưa về vẫn còn ngẩn ngơ đứng chờ ai.
Chiều phố núi tím trong sương mờ
Về Mường Hum như vào trong mơ
Dìu dặt tiếng hát em thiết tha
Miệng cười lóng lánh câu dân ca
Bồng bềnh em dắt anh qua cầu
Ngạt ngào hương say mùa cốm mới
Chiều Mường Hum xao xuyến đất trời
Nồng nàn nói với em những lời yêu thương...
(Chiều Mường Hum)
Phùng Chiến có nhiều thành công hơn khi anh viết về những vùng đất và con người của một vùng quê, những sinh hoạt văn hóa, nhất là sinh hoạt văn hóa đậm màu sắc dân gian truyền thống, lĩnh vực gắn với nghề và nghiệp của anh. Với những đề tài khác, ca từ của anh ít thành công hơn. Anh thống nhất với tôi khi trao đổi về điều này và những trường hợp cụ thể ấy là có thể lý giải  được.
Thật đáng mừng khi trước đây vùng đất và con người Lào Cai đã ngân lên trầm bổng trong nhiều ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Quang thì hai thập kỷ nay nhạc sĩ Phùng Chiến và các đồng nghiệp của anh trong Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lào Cai tiếp tục có những ca khúc đặc sắc về quê hương và con người Lào Cai và nhiều vùng đất khác, trong đó anh là nhạc  sĩ có nhiều thành công nổi bật. Chất thơ trong ca từ của Phùng Chiến đã góp phần quan trọng làm cho các giai điệu âm nhạc của anh đi vào lòng người và có sức ngân vang lan tỏa cùng thời gian.
Lào Cai, xuân sang hè 2013
Cao Văn Tư
Theo https://laocai.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết...