Niccolò Paganini - Nghệ sĩ vĩ cầm
Paganini (1782-1840) là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ violin có
khả năng thần kỳ: chơi 3 quãng tám trên 4 dây trong khoảng 1 gang tay, cho đến
nay vẫn còn được giới cầm thủ xem như là bất khả thi. Chính vì thế, ông được
đánh giá là người nghệ sĩ violin vĩ đại nhất lịch sử.
Tuổi niên thiếu sa ngã
Niccolò (hay Nicolò) Paganini là một nghệ sĩ chơi violin,
viola, guitar và nhà soạn nhạc người Ý. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất trong lịch sử, dù rằng không thể xác thực điều này do không
có được những băng ghi âm các tác phẩm ông trình diễn. Mặc dù thế kỷ 19 ở châu
Âu có một số nghệ sĩ violon xuất chúng, nhưng Paganini là nghệ sĩ bậc thầy ở thế
kỷ này.
Chân dung Paganini khi còn trẻ.
Ảnh: Public Domain
Ảnh: Public Domain
Niccolò Paganini sinh tại Genova, Ý ngày 27/10/1782, con trai
của Antonio và Teresa Paganini. Paganini học chơi mandolin với cha khi mới 5 tuổi,
chuyển sang học violin lúc lên 7, và bắt đầu sáng tác vào năm 8 tuổi. Ông có buổi
biểu diễn đầu tiên trước công chúng năm 11 tuổi. Ngay từ thời thơ ấu Paganini
đã học nhạc với nhiều thầy giáo, trong đó có Giovanni Servetto và Alessandro
Rolla.
Cậu thiếu niên Paganini đã không khỏi choáng ngợp trước những
thành công và đến năm 16 tuổi sa vào cờ bạc và rượu chè. Một thiếu phụ vô danh
đã cứu sự nghiệp của Paganini khi đưa ông về điền trang của mình. Ở đó ông từ bỏ
khỏi các tật xấu, tiếp tục học violin trong 3 năm. Trong thời gian này, ông đồng
thời học cả guitar.
Sau 3 năm này ông tiếp tục đi du lịch và biểu diễn violin,
sau đó quay trở lại Genova năm 1804, bắt đầu sáng tác một số tác phẩm. Thời
gian này ông để ý tài năng của một cô bé học trò 7 tuổi của mình Catarina
Calcagno, cô bé sau này trở thành nhạc công violin dàn nhạc giao hưởng rất nổi
tiếng.
Tái xuất trước công chúng năm 23 tuổi: là nhạc công đầu tiên
đi lưu diễn với vai trò nghệ sĩ độc tấu
Ông tái xuất hiện trước công chúng vào năm 23 tuổi: năm 1805,
vùng Lucca bị Napoleon kiểm soát, ông trở thành nhạc trưởng cho em gái của
Napoleon, Elisa Baciocchi, Công nương Lucca mỗi khi ông không đi diễn. Ông trở
nên nổi tiếng với vai trò nghệ sĩ violin, xuất hiện lần đầu trước công chúng
Milano năm 1813, Viên năm 1828, London và Paris năm 1831. Paganini là một trong
những nhạc công đầu tiên, nếu không nói là người đầu tiên đi lưu diễn với vai
trò nghệ sĩ độc tấu không có những nghệ sĩ khác đi kèm. Ông có khả năng thu hút
đông đảo khán giả và trở thành một siêu sao giàu có.
Chân dung Paganini, 1819 - được vẽ bởi họa sĩ Jean Auguste
Dominique Ingres (1780-1867). (Ảnh: Public Domain)
Cây vĩ cầm nổi tiếng Il Cannone của Paganini được làm năm
1742 bởi Giuseppe Antonio Guarnieri del Gesùlãm - hiện trưng bày tại Palazzo
Doria Tursi, Genova, Italy. (Ảnh: Wikipedia/ Creative Commons Attribution-Share
Alike 3.0 Unported)
Nhạc cụ ưa thích của ông là cây violin Il Cannone được làm
năm 1742 bởi Giuseppe Antonio Guarnieri del Gesù, được ông đặt tên là “The
Cannon” do với nó ông có thể tạo ra những âm hưởng mạnh mẽ. Các dây đàn gần như
nằm trên một mặt phẳng, khác với phần lớn các loại violin khác đặt các dây theo
hình vòng cung để tránh chạm phải các dây không mong muốn khi chơi đàn. Cách đặt
dây của cây Il Cannone cho phép Paganini cùng lúc đánh 3 hoặc 4 dây cùng lúc.
Cây Il Cannone bây giờ được trưng bày trong tòa thị chính thành phố Genova, mỗi
tháng người trông giữ nó lấy ra chơi một lần, và cho các cầm thủ nổi tiếng thuê
theo định kỳ.
Năm 1833 tại Paris, ông đặt Hector Berlioz viết một bản viola
concerto. Berlioz viết Harold in Italy nhưng Paganini chẳng bao giờ chơi bản nhạc.
Sức khỏe ông suy giảm dần do ngộ độc thủy ngân có trong thuốc
chữa bệnh thời đó. Bệnh tật làm ông mất khả năng chơi violin, ông ngừng diễn
năm 1834.
Ngày 27/5/1840 ông mất tại Nice nước Pháp.
Paganini và sự phát triển của kỹ thuật violin: một hiện tượng
kỳ lạ
Cầm thủ violin người Israel Ivry Gitlis nói: “Paganini là hiện
tượng kỳ lạ chứ không là sự phát triển… đã có những vĩ cầm thủ (trước Paganini)
và rồi là Paganini.” Dù rằng các kỹ thuật Paganini sử dụng đã có trước đó nhưng
phần lớn các tay violin đương thời vẫn chú tâm vào âm điệu và kỹ thuật kéo vĩ
(gọi là “kỹ thuật tay phải” cho cầm thủ bộ dây) là hai vấn đề cơ bản cho vĩ cầm
thủ cho đến ngày nay.
Ảnh: Public Domain
Cụ thể: Arcangelo Corelli (1653-1713) được xem như là người
cha của kỹ thuật violin, ông đã biến vai trò cây violin từ nhạc cụ chỉ ở trong
dàn nhạc trở thành nhạc cụ đơn tấu. Khoảng trong thời gian đó khả năng biểu đạt
phức điệu của cây violin được khẳng định bằng các tác phẩm như Sonatas and
partitas dành cho violin đơn tấu BWV 1001-1006 của Johann Sebastian Bach
(1685-1750).
Còn các tay violin nổi danh khác như Antonio Vivaldi
(1678-1741) và Giuseppe Tartini (1692-1770). Mặc dù vậy tiến bộ của kỹ thuật violin
vẫn chậm trong giai đoạn này. Kỹ thuật đòi hỏi sự nhanh nhẹn của ngón tay cũng
như của cây vĩ vẫn không được thừa nhận và khuyến khích bởi những hội nghệ sĩ violin.
Pietro Locatelli (1693-1746) sáng tác 24 bản caprice mà tại
thời điểm viết ra rất khó để chơi, được xem như là cuộc khám khá thấu đáo đầu
tiên các kỹ năng của cây violin. August Duranowski đã sáng tác những tác phẩm sử
dụng bước đầu cách hòa âm và cách móc dây bằng tay trái, cùng được xem như đã
tìm ra những kỹ thuật trên.
Như vậy, có thể nghi ngờ rằng Paganini đã phát hiện ra những
kỹ thuật tiên phong nhưng không nghi ngờ rằng ông là người đầu tiên phổ biến rộng
rãi chúng ra trước công chúng và đưa vào những tác phẩm phổ thông.
“Paganini là hiện tượng kỳ lạ chứ không là sự phát triển…”
(Tranh của hoạ sĩ Georg Friedrich Kersting (1785-1847)/Public Domain)
Paganini có khả năng chơi 3 quãng tám trên 4 dây trong khoảng
1 gang tay, cho đến nay vẫn còn xem như là bất khả thi.
Các ngón tay dẻo và dài khác thường của ông được cho là hậu
quả của hội chứng Marfan hay hội chứng Ehlers-Danlos. Các kỹ thuật ngón được
xem là của ông gồm: chơi 2 nốt trên 2 dây cùng lúc (double stops), chơi quãng
đôi, kỹ thuật móc tay trái mà ngày nay được các cầm thủ violin tập luyện thường
xuyên.
Sau đây chúng ta cùng thưởng thức tác phẩm kỳ diệu của ông,
Caprice 24 và cảm nhận Paganini mạnh mẽ và điên cuồng đến cỡ nào khi biểu diễn.
Những ai đã từng học qua violon thì có thể biết độ khó của nhạc cụ này là nhất
thế giới.
Video được tái hiện bởi nam diễn viên
David Garrett, trong
phim The Devil’s Violinist.
Kim Cương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét